Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1098 / 12
Cập nhật: 2015-07-12 11:55:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ặng em Thư, người đã giúp cho tôi một phần vật liệu để tạo thành câu chuyện này.
Tôi gặp Nguyễn Tuấn Sinh hồi đó, vào quãng tháng năm, tháng sáu. Anh ta lấy vợ vừa được hơn vài bốn tháng, nghĩa là vào tiết mùa xuân. Cỏ hoa đua tươi mà vợ chồng anh ta cũng hí hởn; cậu vừa đỗ tốt nghiệp trường Trung học, sắp bổ đi Tham biện; mợ con nhà gia thế, ôm bó hoa trắng về nhà chồng. Kể sắc đẹp vợ anh Tuấn Sinh, một cái sắc thông thường của chị em khuê khổn: nước da trắng pha thêm màu một chút phấn vàng, đôi môi son điểm thêm một chút sáp đào cho lịch sự. Sắc đẹp ấy cũng chả cần phải tả; nó tựa như muôn ngàn sắc đẹp khác nhốt trong lầu rộng cửa cao. Không phải một vẻ đẹp quần trắng áo mùi, mặt đỏ má điểm, không phải sắc giả dối của bộ mã chói lọi, bộ mắt ngắm vuốt chải vẽ của các cô hiểu lầm văn hoá Tây phương; nhưng sắc đẹp kín đáo tự nhiên, pha nét thuỳ mị, ôn hoà, của cốt cách gái phương Đông với những vẻ tươi, vui, nhã, thiệp, của hạng người yêu hoạt động.
Thành ra trên đôi môi bao giờ cũng như in sẵn nụ cười vui vẻ, mà mảnh áo xẫm và nếp quần lĩnh tía không tài nào phá nổi nét khuynh thành. Chả thế mà Nguyễn Tuấn Sinh, một thiếu niên đã chiếm bằng tú tài tại thành lớn Paris, chả thế mà Tuấn Sinh vui vẻ đem cả hạnh phúc của tấm thân trai trẻ, cả hy vọng chứa chan, man mác của một sự nghiệp rực rỡ lớn lao trao một cách rát mặn mà cho người vợ chàng mới cưới!
Lúc động phòng huê chúc, cuộc ái ân biết bao đằm thắm; rồi mấy tháng ấm áp bên lò sưởi, thân mật dưới ổ chăn, mấy tháng vui vẻ, hồn nhiên, trông hoa đào hàm tiếu mà giơ tay chào đón cái say vui, mấy tháng trời ấy nó vùn vụt đi mau; cuộc mê mẩn cạnh hồng nhan nào có được là bao khắc? Mà đóa hoa trắng của cô Oanh ngày nay đã ra màu ửng đỏ, cũng như hai má người thiếu phụ, mơn mởn đào như gồm hết cả sinh khí con người...
Tôi gặp Nguyễn Tuấn Sinh giữa một lúc mua vui trong tiệm rượu. Thấy cố nhân, mắt chàng lóng lánh tỏ ra sự mừng gặp gỡ, chàng vội vàng giơ tay đon đã hỏi chào. An hem cách biệt nhau kể có bốn năm thu chẵn; từ khi chàng sang Tây du học, cho tới khi chàng làm lễ thành hôn, tôi một mình lủi thủi ở nhà quê, chưa gặp chàng lần nào cả. Cho đến lần ấy tôi thấy chàng cũng mừng cuống quít, gặp một người cố nhân nào phải dễ dàng đâu! Chàng hí hởn vui chơi như một đứa trẻ con được kẹo; tôi sẽ tưởng lầm vì chàng sang Pháp nên tính tình thay đổi; nếu tôi không biết rằng chàng vừa mới cưới Hoàng Oanh.
Sau khi kể cho nhau nghe hết mọi nỗi hàn huyên tâm sự, đôi chúng tôi chia tay nhau một cách rất ngại ngùng. Song lẽ, trong trường đời, sự sinh hoạt bắt phải rải rắc ra mỗi người một ngả, nên chúng tôi, bắt đầu từ hôm ấy, lại biệt nhau trong một hạn quá dài. Tôi đi; Tuấn Sinh đi; cuộc sinh tồn ô trọc vẫn mở máy quay guồng, mà thời gian cũng vẫn âm thầm bay từ từ trên sự vật. Tôi mê mải trong lúc kiếm ăn cặm cụi, dần dần quên hẳn Tuấn Sinh.
Thì một hôm trong phòng triển lãm phố Paul Bert, một nhân vật làm cho tôi ngờ ngợ. Một bộ quần áo dạ xám, một chiếc cà vạt thắt lối "tài tử", một chiếc mũ dạ đen, một cái "can" to lớn. Đó là cách ăn mặc của một người rong rỏng cao, mắt đen và sắc, nước da lợt xanh mà đôi môi đỏ thắm. Nét mặt người đó xương xương, một làn tóc đen để dài xuống tận gáy bao vành khuôn mặt xương xương ấy. Người rong rỏng cao ngắm hết tranh này sang tranh khác, ngắm rất kỹ và rất lâu, rồi sau cùng, múa "can" và quay gót rất nhanh, hấp tấp định ra về. Tới ngưỡng cửa, anh ta chạm trán với tôi. Tôi chưa đủ thì giờ nhận là ai, một tiếng gọi thân thiết vội làm cho tôi tỉnh ngộ:
- Ơ kìa! Anh Bảo Thần! Làm gì mà ngớ ngẩn thế?
Tôi định thần nhìn lại thì ra là Nguyễn Tuấn Sinh.
° ° °
- Anh tưởng lầm tôi ra làm quan? Không phải! Bây giờ tôi chỉ là một nhà thi sĩ! Một nhà thi sĩ rất nghèo, rất kiết, nhưng một nhà thi sĩ!
Vì sao tôi hoá nên một nhà thi sĩ, cái đó chắc anh không tài nào đoán được! Anh trông mặt tôi ngày trước, anh bảo tôi là người ưa nhảy nhót, ưa hoạt động, ưa khoái lạc vật chất. Anh lại bảo tôi không bao giờ có đủ vẻ trầm ngâm và tính kiên nhẫn để làm một bác thợ văn. Anh lại chỉ tôi mà mỉm cười. Anh cho tôi là chỉ hờn hợt ngoài da mà không bao giờ biết tư lự. Thì đấy, anh xem, anh nói trước cái gì cũng sai cả!
Tôi là một nhà thi sĩ! Tôi nghĩ cái gì bây giờ cũng thành thơ, trông cái gì bây giờ cũng ra thơ. Đời vật chất của tôi tiêu tán hết, chỉ còn lại đời tinh thần, rất sâu xa, rất man mác...
Tôi hoá rat hi sĩ, anh ạ, cũng chỉ vì một người đàn bà: Hoàng Oanh, vợ tôi!...
Anh cũng biết nỗi sung sướng của tôi khi tôi cưới Hoàng Oanh là thế nào. Đôi chúng tôi sống với nhau chẳng khác gì một cặp uyên ương; tôi yêu Oanh, chăm chút, vuốt ve Oanh. Nhưng, anh ôi, anh có biết cho không? Biết cho rằng tuổi bồng bột của tôi không thể chỉ lấy thú ôm vợ bên lòng là mãn nguyện! Tôi còn trẻ. Tôi lại ở Pháp về, bao nhiêu tính tình hoạt động, hoàn cảnh bao bọc tôi lúc ấy nào đã làm cho tiêu tán; nên dù sao, tôi vẫn thích quay cuồng! "Trượng phu phút đã động lòng...". Tôi không thể ở yên mãi mãi gần Oanh, chỉ muốn quay vào đời phóng lãng.
Vợ chồng lấy nhau, quen nhau quá nên ái tình dần dần cũng lạt; tôi tuy rất yêu Oanh, tôi không thể cùng Oanh sống mãi đời vô vị của hạng con nhà phú quý. Thành ra một buổi chiều kia, một buổi chiều thu êm ái, tôi không thể cầm lòng được nữa; theo thói trâu về chuồng cũ, tôi quên hẳn thú gia đình, lại bước vào đời mưa gió...
Thực ra, tôi cũng không hiểu tại sao tôi quá nhẫn tâm đến thế. Không một đêm nào tôi bỏ vợ tôi một mình một bóng, đi tìm lạc thú trong cung đàn tiếng hát, chén rượu, quân bài. Hết cô đầu sang thuốc phiện, xong thuốc phiện lại đánh bạc; trong mấy năm trời vợ tôi tuy mang tiếng cùng chồng nệm gấm, chăn thêu, mà thực ra vẫn đành chịu cảnh cô phòng lạnh lẽo.
Mà nào có phải vợ con tôi là con nhà hạ tiện; nào có phải vợ tôi xấu xí quê mùa; nào có phải vì tôi quá hiếu nghĩa vâng lời mẹ cha, ôm lòng chịu ép duyên, ép lứa! Không phải, thực không phải thế. Tôi vui lòng lấy vợ tôi, từ khi tôi hai mươi mốt tuổi. Vợ tôi vốn sinh trưởng trong chốn phong lưu gia giáo, tươi cười ôm đoá hoa trắng về nhà chồng. Anh, chắc đã biết Hoàng Oanh? Kể về đường sắc, đường tài, Oanh nếu không phải một trang khuynh thành khuynh quốc, cũng đáng liệt vào hàng thiếu phụ có duyên. Đẹp một sắc đẹp không lộng lẫy nhưng mặn mà, không lẳng lơ mà thuỳ mị, nàng cũng da trắng, tóc dài, má nhung, môi đỏ, ăn mặc vào cũng có vẻ đoan trang, nền nếp, kém gì các bậc tiểu thư! Đến nghề thu xếp, tảo tần làm ăn may vá, vợ tôi rất là người chịu khó: không ăn mặc hào nhoáng, không đua chị đua em, không lá bài quân bạc, không bánh sớm quà trưa, kể ra trong buổi giao thời, kiếm được người vợ như nàng, tôi phải tự nhận rằng nhà tôi vẫn còn đầy phúc đức.
Vì thế, nếu cứ lấy riêng phương diện tinh thần mà xét, thì tôi yêu vợ tôi không biết nói sao cùng. Nhưng tôi chỉ hận rằng vợ tôi không phải một người có học: nàng không đủ tư cách hiểu thấu cho hồn lãng mạn của tôi, dung cho mọi cử chỉ trái lạ của tôi, mà thương hại cho tôi, một gã thiếu niên vô lý! Tôi yêu vợ mà vợ tôi cũng rất yêu tôi; vợ tôi rất chiều chuộng tôi mà không có phút nào hiểu tôi, đến nỗi trong cửa nhà thường xảy ra những điều xung khắc. Không bao giờ chúng tôi được sống đến dăm ba ngày vui vẻ, trong ái tình đôi chúng tôi hay lăn vào lắm nỗi bất bình. Một sự cỏn con, một việc vô nghĩa, có lắm phen nó thành ra chuyện lớn; vợ tôi sụt sùi khóc lóc, tôi thì xách mũ ra đi...
Rồi thời gian lại đến vá chỗ khuyết điểm đó, rồi cơ hội lại sán lăn vào mà chọc thành một vết khác to hơn. Trong cuộc đời túi bụi, vợ tôi yêu tôi mà ghét tôi, tôi thương nàng mà vẫn không chiều nàng, chúng tôi chỉ được gần nhau ở chỗ nghĩa, mà bao giờ cũng xa nhau trong trường lý, bể tình... Một mối thương tâm cho tôi, một cảnh khổ cho vợ tôi, một sự rắc rối cho gia đình đôi chúng tôi...
Một người như tôi anh ạ, đáng lẽ không được lấy vợ là phải. Sự nhân duyên tức là dây liên lạc buộc lấy hai hồn yêu nhau, quý nhau; nó lại là một con đường chung mà cặp vợ chồng phải cùng nhau rong ruổi. Nhưng chỉ chết vì người đàn ông không vui lòng muốn biết rằng mình có kẻ yêu, mà không ưa cho người yêu, yêu quí mình quá đáng.
Vợ tôi yêu quí tôi quá. Thành ra vì cái yêu quí đó, vợ tôi hay săn sóc tỉ mỉ đến thân thể tôi, linh hồn tôi, cách hành động của tôi. Sự yêu quí đã trở nên một chỗ khuyết điểm trong cái vui của tôi, một động lực ngăn trở sức tự do của tôi. Tôi sởdĩ có ác cảm với vợ tôi, là trong người nàng, tôi thấy quá rõ rệt hình ảnh của ái tình, một thứ ái tình chân thật. Ái tình rõ rệt lâu đâm ra chán, chán sinh bực, bực nở ra ghét. Đàn bà muốn cho chồng yêu, chỉ nên tỏ cho chồng biết mình yêu chồng mà chồng có thể tin cẩn ở sự yêu ấy được. Thế là đủ lắm.
Vì rằng sự yêu quá làm hại đến tự do. lại hay gây ra những nỗi b ất bình trong khi ân ái. Hoặc ghen bóng ghen gió, hoặc hờn tủi nũng nịu, hoặc cấm không cho đua chúng đua bạn, hoặc tò mò khám xét những hành động riêng. Anh ôi bao nhiêu những sự khó chịu ấy tôi đã phải trải qua, nên dần dần, dù yêu vợ nể vợ bao nhiêu, tôi cũng phải đâm ra thất vọng. Rồi đến bước đường phiêu linh luân lạc, tôi lại bay nhảy tung tăng bbỏ lại Hoàng Oanh khóc mếu ở nhà, trông bong trăng lọt vào khe cửa phòng loan mà ngồi đứng sụt súi thương số phận.
Ba bốn năm trời chả mấy chốc mà thoảng qua như chớp mắt; một buổi sang sau khi tôi lê chiếc thân bê tha tiều tuỵ từ nhà hát về phòng, tôi bỗng nhận được bức thư bỏ lăn lóc trên bàn phấn sáp.
Hà Nội, ngày 23 tháng...
Anh,
Quả tim em ngày nay đã mệt nhoài, vì quá hy sinh cho ân á, ai có ngờ trong quả time m xưa kia hăng hái ngày nay mạch máu hình như không đủ sức đậpcho hồn em thất vọng, đau sầu! Anh Tú ơi, em còn nhớ ngày nào bên gối mẹ em vui cười sung sướng; cho đến hôm che mặt bước lên xe đám cưới, em còn đem cả tâm hồn hy vọng mong sau này cùng anh gây nên hạnh phúc lâu bền, em có ngờ đâu!
Thực em có ngờ đâu câu "xuất giá tong phu" đã hoá ra câu "ôm hờn ngậm đắng"! Anh, anh có biết cho không? Em riêng những mong lấy được một trang tài trai khôi ngô tuấn tú để em yêu, em quí cho đến khi buông tay nhắm mắt, cho thoả tấm lòng em mong yêu mến bấy lâu nay. Trái lại, chồng em cũng phải thương em, yêu em cùng em gây nên một cuộc ân ái đậm đà, bền chặt. Không những thế, anh còn đáng một người biết suy, biết nghĩ, chí thú làm ăn. Nếu anh không được là con người căn cơ thuần thục, thì ít ra anh cũng đừng quá bẽ mặt em mà dọc ngang chim chuột, vợ bé, nhân tình; anh cũng đừng quá khinh rẻ em mà bỏ nhà cửa đi chơi suốt tháng suốt năm. Anh chơi! ừ thì anh chơi, nhưng anh nên chơi cho có điều độ, anh nên chơi cho có thì giờ.Miễn là anh đừng quá mê quân bài lá bạc mà bại sản, vong gia; anh đừng nghiện ngập bê tha mà xấu người xấu nết.
Ngoài ra, khi tiệc tùng cùng an hem, khi vui đùa trong tửu quán, khi ca hát dưới cô đầu, một tháng mười ngày anh chơi thế cũng là đủ lắm. Có hại cho gia đình cũng chỉ hại chút đỉnh; mà em có ngăn gì anh có cấm gì anh; hoặc em có ghen tuông hắt hủi gì anh?
Song lẽ, anh Tú anh vui chơi uqá độ. Anh có biết đâu ở nhà, em chỉ ôm lòng sụt sùi, nhìn bong hoa mà riêng thẹn với xuân xanh?
Chốn loan phòng, anh cùng em chửa vui được bốn xuân ân ái, ngày nay nó dường như nhuộm màu vắng lặng những cung tần!
Em đi lấy chồng, em cũng muốn được người chồng thuỷ chung như nhất, kinh ái ân hằng cùng em kể nhỏ bên giường. Ngoài ra, sau giờ làm việc, một đôi khi vợ chồng ta dắt nhau đi dạo mát, một vài phen cùng nhau vào xem chớp bong, hát tuồng. Cũng lắm lúc em tự nghĩ muốn bỏ công em tô điểm má đào răng trắng, vợ chồng ta phải như một lứa uyên ương. Nệm cùng ủ, chăn cùng chia, trăng tà cùng đóng bong, gió mát cùng nghiêng đầu. một giờ xa anh, nỗi cô thân nó làm cho em đau đớn; nólàm cho em đau đớn em chỉ thầm ước cho đôi ta yêu nhau đằm thắm, như đôi nhạn tung trời bay thẳng, tìm hạnh phúc thiêng liêng trong đôi lứa nhân duyên...
Kể ra, nếu anh hiểu cho lòng em, ngày hôm nay em chả phải chịu bó gối trong phòng mà nhìn bong trăng lạnh tia ánh sang xanh qua cửa sổ, mà buồn trông ngọn gió may lay động bức màn tuyn! Ôi! Cái bong trăng từng soi biết bao cảnh tương phản trong trần thế, nó từng thấy biết mấy nỗi đoạn trường!
Hạnh phúc trong gia đình em thiết nghĩ triết lý cao xa cũng phải nhận là hang đầu trong hạnh phúc; em mong rằng gần đây anh nghĩ lại, cho tấm thân em đi lấy chồng, khỏi mang tiếng bị ruồng rẫy với chê bai. Cái đời lãng mạn của anh, một đời không giờ không nếp, tự do, man mác, không đâu là bến là bờ, cái đời ăn không quản bữa no bữa đói, mặc dù không quản miếng rách miếng lành, anh Tú ôi! Em van anh, em xin anh, anh nên hồi tâm mà rứt bỏ nó đi, kẻo anh, một ngày kia, rồi anh cũng hoá thành người bê tha tiều tuỵ!
Còn cái đời em, ngày hôm nay, em không chịu được nữa. Em không có can đảm theo mãi trong đường anh đi như thế. Khi anh đọc hết thư này, em đã xa anh; em đã thẳng bước về quê, tìm nấp bóng bên gối cha lòng mẹ. Hiện bây giờ anh đừng nghĩ đến em nữa. Bao giờ anh định tâm đổi hẳn chí hướng, vợ anh lại sẽ cùng anh vui gây hạnh phúc của gia đình.
Em đi, nhưng cũng vẫn yêu anh; em đem cái yêu ấy theo em; mà đến xuân sẽ tìm ngọn gió ngược lên, em gởi cho anh một cái hôn đầm ấm.
Nhân tiện, em về ăn Tết luôn thể. Chúc anh ở lại mạnh giỏi, tươi vui.
Vợ anh: Lê Hoàng Oanh ký.
° ° °
Thế là từ đấy vợ tôi bỏ tôi một mình trơ trọi, mặc cho tôi vùng vẫy quay cuồng. vợ tôi đi; ừ, thì cho đi, tôi cũng chả cần hỏi đến. Mấy năm đầu sau khi chia rẽ, tôi mải vui chơi bè bạn, chẳng còn thì giờ đâu nghĩ tới Hoàng Oanh. Nhưng dần dần trong cuộc đời mải miết bê tha, tôi tự thấy đâm ra chán nản. Vì hoàn cảnh của sự chơi bời hoá ra tẻ ngơ tẻ ngắt, và anh em trong chốn phùng trường tác hí, thì chả ai là đáng mặt tâm giao. Toànmột lũ "khi vui thì nhúng tay vào"; lúc mình xơ xác, hết tiền, chả có thể trông cậy vào ai được nữa.
Đến khi tôi tỉnh ngộ, bấm đốt tay hầu đã sáu năm tròn. Trong chốn giang hồ, tôi đã bỏ tiền ra mua được một bài kinh nghiệm; sự học trong đường đời còn khó hơn sự cắm đầu tren quyển sách, nên dù sao tôi vẫn không hối hận quá chơi bời. Nhưng đến lúc tu trí nằm nhà, thì tôi bị một nỗi buồn xâu xé chả nói thế nào cho xiết. Tôi buồn, tôi khổ, tôi đâm ra chán hẳn cuộc đời. Bấy giờ tôi mới nhớ đến Hoàng Oanh, nhưng tôi không rõ nàng hiện ở nhà, hay đã đẹp duyên cùng kẻ khác. Rồi đời tôi thành ra một trường đau đớn, rồi thân tôi thành ra một chỗ dùng làm thí nghiệm cho muôn nghìn nỗi cực khổ ê chề.
Lúc bấy giờ, tôi thực không đoán được bao giờ cuộc đời tôi lại nhuần hoà vui vẻ, mà trong cảnh gia đình êm ấm, tôi tìm được thú thảnh thơi. Nếu cảnh riêng của tôi cứ tức bực mãi mãi, mà ngày giờ sinh hoạt nó cứ âm thầm đen tối, có lẽ một khắc kia, tôi không chịu được nữa, tôi đã phải đang tâm để cả lại những kẻ tôi yêu, những quan niệm tôi thích, những sự nghiệp tôi ước ao, rồi tôi đi, đi mất, một đi đi mãi không về....
Đi, thì tôi đi đâu? - Tôi nào đã biết. Nếu sự quyên sinh không phải là một sự đê hèn xấu xí cho danh dự một người con trai hoạt động, thì lúc ấy tôi không cầu gì bằng được phép thoát ra khỏi nghiệp, đi sang một con đường mới lạ của một cuộc sinh tồn mới lạ, khác hẳn cđời này mà tôi đã chán từ lâu.
Chán đời, năm đó tôi mới đủ hăm bảy xuân xanh chẵn. Nhưng trông nom ba chục xuân xanh ấy, hồn tôi xiết bao lần pha nhuộm vết tang thương.
Sự nghiệp của tôi: tôi đã đi sai đường lạc lối, mà mánh khoé mưu y mưu thực hầu làm cho rụng tàn mái tóc xanh non! Quan niệm của tôi, mục đích của tôi? Chúng nó đã rủ nhau theo phong trần mà biến cải, theo ngày tháng mà mai một; óc tôi bấy giờ rỗng không, chả còn một lý tưởng gì nữa cả. Thân thế và danh dự tôi, hai chữ ấy nó kêu mà không có nghĩa. Tôi cũng chả còn đâu là thân thế, cũng chả biết gì là danh dự; đeo mãi cái khổ cái nhục, cái khổ cái nhục nó dày vò linh hồn và thân thể, dày vò mãi đến nỗi tôi phải tự hỏi mình có còn bản ngã nữa không!
Nghĩ lại mà xem, trong người tôi thực không còn gì nữa. Tôi chỉ còn cách kiếm sung sướng trong gia đình lặng lẽ; nào ngờ gia đình tôi cũng có ba đào!
Tôi nhớ đến Hoàng Oanh, mà lại sợ không dám tìm nàng xin lỗi. Tôi cũng không dám viết thư kể rõ đầu đuôi sự thể, vì tôi thẹn quá, viết thư xong lại tủi mà xé đi. Đối với Oanh, tôi vẫn còn nhiều ân nghĩa sâu xa, nên nhất đán, không thể bỏ Oanh cho dứt được. Mà cũng không dám tìm Oanh, cứ vẫn vơ như thế, ngày tháng thì âm thầm đi mãi; tôi thì sống trong nỗi đau, nỗi khổ, nỗi buồn...
Tôi đau đớn bao nhiêu lại thương Oanh bấy nhiêu; vì tôi biết, chỉ bởi tại tôi, nàng đã chịu nhiều nỗi thương tâm thấm thía. Trong lúc tôi tưởng nhớ đến Oanh, trí nghĩ tôi không phút nào có thể rời Oanh được nữa. Lúc đầu tiên, vì lẻ loi mà tôi muốn được cùng nàng chung chạ, rồi khi đã nhớ tới nang, tôi đâm ra thương nàng, thương nàng hoá yêu nàng: từ cái thương đến cái yêu nó chỉ độ vài ba bước. Tôi mới hiểu nghĩa câu: "Trai thương vợ cũ" nó sâu sắc là thế ấy. Tôi mới hiểu rõ tôi yêu mến vợ tôi một cách thực thà, thâm thuý; một thứ ái tình theo thời gian.
Chả nói anh cũng rõ: có gì lạ luật tâm lý trong ái tình! Lúc đó tôi mới lấy vợ tôi, tôi rất yêu vợ tôi. Nhưng ái tình đó chả qua chỉ là một thứ ái tình tuổi trẻ, không bền chặt không vững vàng. Ái tình đó rất bồng bột, rất nồng nàn, chỉ vì thiếu cốt nên không thể nào bền được.
Trong lúc đó, tôi tuy yêu vợ nhưng không thể bỏ hẳn những sự them muốn khác. Muốn tự do bỡn cợt với đời phồn hoa trăng gió, muốn bay nhảy sung sướng trong những nơi tửu quán, trà đình. Tôi ham mải miết giữa cuộc chơi bời, còn nghĩ gì đến Hoàng Oanh nữa! Nhưng lúc đã thoát khỏi vòng đắm say, truỵ lạc, tôi thấy tôi yêu Hoàng Oanh một cách rất mặn nồng. Lần này ái tình của tôi trong hơn, sạch hơn, thâm thuý hơn. Nó không bị một động lực gì làm cho kém đi được. Cái đó cũng chả lấy gì làm lạ, vì đối với tôi, Hoàng Oanh giữ một thái độ rất đứng đắn, lại khoan hoà. Nàng biết chồng hay chơi, nàng đau đớn một mình, khổ ngầm khổ ngấm nhưng không bao giờ lộ vẻ đau buồn ra nét mặt, không bao giờ dung những điều chua cay chat giày ra với tôi. Một người vợ như thế mà có ngoại tình thì cũng chả đáng khen cho lắm; khốn nỗi Hoàng Oanh, đẻ trong hoàn cảnh cũ, không biết và cũng không bao giờ muốn biết một người con trai khác không phải người chồng chamẹ đã kén cho.
Như thế nên tội bỏ gia đình của tôi lại càng nặng lắm; tội nặng bao nhiêu, bấy nhiêu tôi hối hận và thương cho số phận vợ tôi. Mà ái tình, vì nỗi quan san chia rẽ chúng tôi mỗi người mỗi ngả, càng tăng phần rực rỡ của sắc đẹp Hoàng Oanh, càng cho tôi thấy rõ rệt những nết tốt của nàng. Vì thế, bao cho quên những quãng đời tối lạnh mà chúng tôi, vì nhau đã lẳng lặng trải qua. Tình thương yêu của tôi bây giờ là một khối tình mà bao nhiêu quãng thời gian bao nhiêu sự khổ tâm đã chung đúc lại; nó ăn sâu vào thân thể tôi, vào mạch máu tôi, khiến tôi không bao giờ có thể phụ bạc em Hoàng Oanh của tôi như trước nữa.
Đấy, anh xem, sau này tôi yêu vợ tôi như thế, nhưng tôi biết lấy gì chứng chỉ cho nàng biết tôi đã đổi tính, thay tình? Về tìm nàng, quyết nhiên là tôi không dám; viết thư cho nàng, một cái thư, nào tỏ hết được can tràng? Vả lại, tôi nào biết Oanh có tin tôi nữa hay không, hay còn hoài nghi oán trách tôi là bợm bãi?
Nghĩ thế, tôi ngần ngừ không quyết; trong lúc ngần ngừ, tôi đã sống một quãng đời cực khổ, nhục nhằn. Sự yêu nhớ Oanh bám chặt lấy linh hồn tôi, làm cho tôi luôn luôn nghĩ đến người xa cách, luôn luôn sùng kính người ấy như một vị nữ thần. Tôi không được gần gụi xin lỗi nàng, càng thấy trong người như bị tâm gan tan nát.
Trong lúc buồn rầu ấy anh ạ, tôi không biết làm gì cho khuây được nỗi lòng. Đi chơi, tôi không muốn đi, đọc sách thì tôi không có đủ can đảm. Tôi nhắm mắt đi thì chớ, tỉnh ra lúc nào là lúc ấy tôi nghĩ tới Hoàng Oanh. Rồi tôi kém ăn, rồi tôi kém ngủ, có lắm đêm nằm trằn trọc đến sang, không nhắm mắt được lúc nào. Tôi đau đớn một cách không bút nào tả xiết.
Đau đớn quá cứ phải cắn răng đành chịu, không còn biết cùng ai giải nỗi tâm sự của mình. Chỉ có cách là khi không đựng được nỗi thống khổ thiết tha, thì, thì lại đem khúc đàn lòng phả nó trên mặt giấy. Lúc đầu chỉ vì thương tâm mà tạo nên một thiên nhật ký; sau dần dần tôi thấy hễ tả được nỗi thương nhớ, tâm hồn khoan khoái rồi đâm ra ưa thú làm văn. Tôi cố gọt giũa văn chương, đặt ra nhưng khúc thi ca ai oán; mỗi khi nghĩ được câu văn đắc ý, tôi tự thấy trong lòng như dỡ được mối sầu thiên cổ, và linh hồn như được trong sạch một hai phần. Bạn bè với ngọn đèn cán bút, tôi lân la tìm vào hoàn cảnh thanh khiết của tinh thần, tôi lần mò vào trong cái v ườn mà chỉ riêng nở những thứ hoa thơm của văn chương, mỹ thuật.
Năm qua, tháng lại, tôi bỗng trở nên một tay văn sĩ bất ngờ. Tôi đem hết những nỗi khổ nhục, buồn rầu, lần lượt viết thành từ khúc. Đầu đề những bài văn của tôi chỉ lẩn quất xung quanh tình thương nỗi nhớ; tôi làm câu thơ nào, toàn là ám chỉ đến Hoàng Oanh. Nỗi đau đớn, thất tình, đã xui tôi trở nên một nhà văn thi sĩ. Văn chương của tôi nào có gì xuất sắc; tôi cũng may nhờ tâm hồn đa cảm nên khi bị hoàn cảnh đau đớn, bỗng nảy ra nhiều ý tứ man mác, thiết tha. Con mắt tôi từ từ trông thấy rõ những vẻ đẹp thiên nhiên trong vũ trụ; lỗ tai tôi, dần dần phân biệt được những bài âm nhạc dịu dàng; lỗ mũi tôi, vì tập quán, có thể ngửi biết những mùi thơm êm ả. Nói tóm lại, từ ngày tôi làm quen với văn nghiệp, tôi được hạnh phúc sống trên đời bằng tư cách thi nhân. Người ta học cái gì cũng dễ, anh à; chỉ học thế nào để luyện được chút hồn tài tử, cái đó mới đáng gọi là kiên nhẫn, khó khăn. Tài hoa chỉ là kết quả của một cuộc kinh nghiệm lâu dài; cho nên tôi, một phần vì khiếu trời cho, một phần vì chịu mấy năm trời luyện tập, một phần vì cố công lăn thân vào trường lịch duyệt, vào cuộc phong trần, ngày nay bỗng trở nên môt kẻ biết tìm chân lý trong cái hay, cái đẹp, biết làm cho nghĩa cuộc đời không đến nỗi nhơ bẩn, xấu xa. Thi văn, ngoài sự tiêu diệt được những nỗi đau đớn của tôi, còn làm cho tôi trông thấy rõ sự chơi bời là phù phiếm, mà chỉ có chút danh thơm trong sử sách là giúp được cho mình chống cự lại với luật đổi thay vô địch của Hóa công.
Nghĩ như vậy, tôi càng ra sức viết văn, rồi một hôm, sau khi ngà ngà uống vài ly rượu thuốc, tôi thấy cảm hứng chứa chan, bên đối ngọn đèn khuya ngồi viết một thiên "Lê bước dài", "Lệ ký" ấy, ngày hôm sau tôi đem in trên báo, cũng như những bài tôi đã viết từ xưa. Nhân bài đó đối với tôi có ảnh hưởng rất sâu xa, tôi xin đọc vài đoạn để anh nghe thử:...Nửa giấc yên hoa cười mộng cũ
Hai hàng si lệ khóc tình xưa.
Giang hồ luống mỏi thân bay bướm,
Phóng đãng hầu quen thói lọc lừa.
Cuộc biến đòi phen mờ trí nghĩ,
Canh tàn mấy đoạn lả hồn thơ!...
Tâm vẩn vơ
Trí vẩn vơ,
Đường đời xạm vết bùn nhơ,
Đoạn trường xốc gánh bao giờ mới xong?
Đấy, anh xem,những khúc não nùng, rầu rĩ như thế, những khúc tả sự hối hận và sự chán đời của tôi, tôi đã lựa chữ đem tả nó ra cho thống thiết. Tâm sự của tôi, tôi không nề hà kéo nó từ chỗ tối ra chỗ sáng, tôi đem in nó trên tờ báo, chỉ mong rằng một ngày kia, Hoàng Oanh sẽ thấu cho tôi. Tôi mong mỏi cũng không lâu: quả nhiên, vợ tôi đã cho tôi biết nàng không phải một người vô cảm.
Tôi còn nhớ rõ hôm đó là hôm 12 tháng Tám. Trăng thu khắp trời vằng vặc, tạo hóa dưới ánh sáng trong xanh mát mẻ, nhuộm một màu êm ả, dịu dàng. Theo lệ thường, buổi chiều tôi hay đi dạo mát ở bờ hồ, mãi đến khuya mới về nhà đọc sách.
Tối hôm đó, vừa bước chân qua ngưỡng cửa, vừa định đi thẳng vào phòng, tôi bỗng thấy một thứ cảm giác gì vụt qua óc như luồng điện, làm cho tâm tôi hồi hộp. Tôi xưa nay vốn là kẻ hay tin những sự dị đoan, tôi thấy thế lấy làm áy náy. Nhưng tôi cố nén lòng đi vào phòng một cách điềm tĩnh, mình tự dỗ mình đó chỉ là một dấu hiệu tỏ rằng có kẻ nhắc mình thôi. Tôi mở cửa bước vào nhà; chưa kịp đi tới cửa phòng, tôi đã thấy một cảnh mà không khi nào tôi quên được...
Thì ra Hoàng Oanh, anh ạ, Hoàng Oanh đến lúc nào mà đã ngồi cười chúm chím trong phòng. Trông Oanh không có chút gì thay đổi, tuy nàng hơi già vì lo nghĩ, nhưng bao giờ cũng thùy mị, có duyên. Oanh tươi cười đứng dậy đón tôi, tôi mừng quá chỉ kịp lăn vào mình Oanh rồi ngã xuống. Tôi chết ngất.
Những câu chuyện tôi cùng vợ tôi kể lể, chả cần nói anh cũng biết, tôi thì thực tâm xin lỗi, Oanh thì vui vẻ thứ tha. Đời của chúng tôi từ đấy lại đổi thành môt cuộc đời vui vẻ, nhuần hoà, mà chủ nghĩa là hy sinh cả hạnh phúc cho ái tình, cho bổn phận. Tôi mới hiểu muốn được một kẻ yêu mình đằm thắm, phải cần bỏ hết những điều mình ham muốn mà xoay trái hẳn cuộc đời. Từ nay tôi đã hiểu rõ cái nét cao xa của tình phu phụ là thế nào, tôi dám chắc không bao giờ Oanh có thể trách tôi là ngườt tệ bạc. Chúng tôi bây giờ yêu nhau một cách không nồng nàn nhưng bền chặt, không vồ vập nhưng mặn mà. Ái tình của chúng tôi là một thứ ái tình kết bằng bổn phận và danh dự, điểm thêm những vẻ quí, mến, thương yêu. Anh xem, phàm giả những sự gì ở trên đời, không có cốt đều không đứng được. Ái tình cũng vậy. Nếu không phải vì danh nghĩa đúc thành ân ái, thì ân ái kia chỉ là một sự ham muốn nhất thời, có thể theo thời gian mà mai một. Có nhiều người yêu nhau khăng khít, rồi tự do kết hôn, tôi thấy chả bao lâu cũng đến bỏ nhau, vì họ không lấy bổn phận để trên tình âu yếm. Nhưng đã yêu nhau vì tinh thần tương hợp, thì mối tình duyên đó, dẫu đến quan san cách trở, dẫu đến ngày tháng phôi pha, cũng không tài nào huỷ hoại được.
Nguyễn Tuấn Sinh nói đến đấy, lăm le đứng dậy, cốc "Whisky" trước mặt anh hầu cạn đến đáy rồi. Tôi vội vã giữ bạn rốn ngồi giăm phút nữa, vì chuyện hàn huyên kể cho phỉ chí, vì đã tám năm nay chúng tôi mới gặp nhau. Bạn nể lời lại đặt mình trên chiếc ghế sơn, mở gói thuốc "Hồng mao", châm thuốc hút.
Làn khói thơm từ từ bay nhẹ, tôi nhìn theo làn khói, ngậm ngùi nghĩ đến chuyện vừa nghe. Anh Tuấn Sinh trông bộ thản nhiên, lại hình như đắc chí.
Trong tửu quán, một dịp kèn trống ầm ầm nổi dậy, các thiếu niên, thiếu nữ nhởn nhơ ra nhảy múa tưng bừng. Tuấn Sinh, con mắt lờ đờ, ngắm các cặp giai nhân tài tử, bất giác nhích mép mỉm cười, lẳng lặng úp mũ vào đầu, kéo áo rủ tôi đứng dậy...
TCHYA Đái Đức Tuấn.
Tiểu thuyết thứ bẩy, Mars 1935.
Lãng Mạn Lãng Mạn - Tchya (Đái Đức Tuấn)