"True self is non-self, the awareness that the self is made only of non-self elements. There's no separation between self and other, and everything is interconnected. Once you are aware of that you are no longer caught in the idea that you are a separate entity.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 547 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
O o -
Đứng ở đồi thông đầu làng sẽ nhìn thấy rõ con đường đất uốn quanh dẫn vào một ngôi làng nằm lọt thỏm giữa những màu xanh bát ngát của cây rừng. Ở đó, có khoảng một trăm ngôi nhà, có một ngôi trường cấp một với 6 phòng học, có một cái chợ, nhóm hàng ngày vào buổi sáng sớm, có vài tiệm tạp hóa. Như bao nhiêu ngôi làng khác của Tây Nguyên, nghề nghiệp chính của họ vẫn là nương rẫy, là cà phê, cao su...
Nhà Duy có bốn anh em, nhưng chỉ có hai mẫu rẫy cà phê, tiền thu không đủ trang trải chi phí cho anh em Duy đi học, mẹ phải nấu thêm lò rượu. Từ đó, làng này thêm một nghề nữa là nghề nấu rượu và nuôi heo. Nấu rượu thì tất nhiên sẽ có nuôi heo, vì bã hèm khi đã cất rượu xong thì trộn cho heo ăn, chúng ăn thứ đó rất bổ và nhanh lớn, không phải tốn thức ăn cho heo nên thường lãi khá cao. Nhờ đó mà gia đình Duy khấm khá dần, mẹ không phải cằn nhằn chạy vạy từng bữa cơm hàng ngày nữa, anh em Duy dễ dàng có áo mới mặc đến trường.
Đầu ra chủ yếu của lò rượu nhà Duy là các tiệm tạp hóa trong làng, từ ngày nhà Duy nấu, các dì chủ các tiệm này không phải cực khổ sang các làng khác hoặc vào thị trấn để lấy rượu về bán. Những tháng cần phải chi tiên nhiều, mỗi ngày má phải dậy đốt lò sớm hơn, để kịp thời gian nấu hai nồi rượu, để số lượng rượu mỗi ngày được tăng gấp đôi, ba đem hàng đến những buôn khác của dân tộc để bán. Duy cũng thường được ba đèo trên chiếc xe đạp để vào buôn với mình, từ đó Duy cũng biết người dân tộc cũng thân thiện không đến nỗi độc ác hay man rợ như cái vẻ bề ngoài họ thể hiện và nghe người lớn kể, mà thật ra hồi ấy bọn nhóc con của Duy nghịch ngợm đủ trò, người lớn chỉ bày ra để kể thì ít mà hù thì nhiều. Đứa nào nghịch thì bị nhát là đem cho dân tộc, đứa nào đen đúa xấu xí quá bị ghẹo là con của dân tộc thế nào cũng lăn ra mà khóc bù lu bù loa.
Năm đó Duy chín tuổi. Cái tuổi thấy cuộc đời qua những trò chơi, thấy ngôi làng của mình từ trên đồi thông đầu làng. Hồi ấy, làng Duy chưa có điện. Ngọn đen dầu tù mù, đường đen kịt. Duy là con trai nhưng là đứa sợ ma nhất làng, sợ hơn cả con gái, nên nó thường là đích ngắm của bọn con nít trong xóm mỗi khi đêm về, nhất là những đêm trăng còn khuyết, ánh sáng lờ mờ không nhận ra rõ hình người. Duy không hiểu vì sao mình sợ ma, có lẽ nó bắt đầu từ những câu chuyện của ba, những câu chuyện rùng mình mà ba hay kể vào ban đêm cho những người bạn của mình, nó ngồi kế bên nghe lén. Hồi Duy chín tuổi, xung quanh làng của Duy còn nhiều rừng rậm, chuyện về ma lai rút ruột đi ăn thịt người vào ban đêm làm cho nó luôn sợ hãi. Nó tưởng tượng ra những chiếc đầu người mang theo nào là ruột gan phèo phổi bay lửng lờ trên những ngọn cây, những con ma lai đó hút máu người nào thì người bị hút máu đó không chết nhưng cũng biến thành ma lai như nó. Những con ma lai này ban ngày là một người bình thường như bao người khác, chỉ thành ma vào ban đêm. Nếu người trong gia đình phát hiện ai đó trong nhà mình là ma lai thì canh lúc nó rút ruột đi ăn ban đêm, lật nghiêng cái mình nó lại để nó không thể nhập vào xác, nó than khóc ngoài cửa và mặt trời lên sẽ chết. Không biết chuyện này bắt đầu từ cái gì, từ ai, nhưng qua mỗi người kể nó ly kì một kiểu khác nhau.
Trước cổng nhà Duy có cây gòn, loại cây mà người ta lấy ruột của trái nó ra làm gối ngủ. Lúc nhỏ, tụi nó hay chẻ trái gòn ra và cho bông bay tứ tung trong gió, thích thú. Rồi từ ngày nó nghe người ta kể ma hay ở trên ngọn các loại cây cao như cây gòn, thì ban đêm nó đóng chặt luôn cửa trước để mắt không nhìn ra hướng ngõ nữa. Đồn rằng trên những chạc ba của các cây cổ thụ, thường có những oan hồn của phụ nữ ru con, họ chết do bị ruồng bỏ rồi tự tử, hoặc bị đánh đập cho tới chết, đều là những người sống quanh đó. Có người bạn của ba khẳng định chắc nịch là bà Tư bán tạp hóa kể lại rằng chính bà đã thất kinh hồn vía khi tờ mờ sáng đi chợ, đến cây cổ thụ đầu làng, có người phụ nữ gửi tiền nhờ mua dùm hộp sữa cho con và xị rượu đế cho chồng. Nhưng đến chợ thì bà mói tá hỏa khi nhận ra tiền trên tay mình là tiền...âm phủ. Khi bà về ngang đầu làng thì không thấy ai, cũng không thấy ngôi nhà nào như lúc sáng, rồi nghe có người bảo nửa đêm thường nghe tiếng trẻ con khóc và tiếng ru con phát ra từ gốc cây.
Duy tin những điều đó vì khi mặt trời bắt đầu lặn, thì những cành cây bên ngoài đong đưa như những cánh tay đưa võng cho trẻ con.
Đến khi Duy mười chín tuổi, Duy mới hiểu được những câu chuyện người ta hay kể cho nhau ngày xưa chỉ để giải khuây trong lúc rỗi rãi, mà không có chuyện nào hấp dẫn bằng chuyện ấy cả. Không hề có con ma lai nào, cũng như không thể có oan hồn nào hiện về thành người nữa. Tất cả chỉ là thêu dệt nhưng làm cả quãng đời tuổi thơ Duy là sự hãi hùng bóng đêm. Thậm chí, khi ngủ chung với em trai mình, thỉnh thoảng nửa đêm nó quay sang sờ xem em mình có còn đầy đủ đầu mình tay chân không? Hay đã "rút ruột" đi ăn đêm rồi?
Hồi ấy, mẹ thường có việc phải ra ngoài vào ban đêm, vì ban ngày lo việc trong nhà tối mặt tối mũi, đêm mẹ đến nhà bà Tư kêu chở gạo qua, mua men, hoặc mua bất cứ gì mà ban ngày mẹ thấy thiếu không còn để làm. Trời tối như mực, mẹ hay kêu Duy đi cùng. Duy cầm đèn pin soi đường, không bao giờ Duy dám đi tụt lại đàng sau mẹ, vì sợ có ai đó níu từ phía sau.
Tối nay, Duy theo mẹ sang nhà dì Tư mua dầu thắp. Cầm chiếc đen pin soi thẳng con đường mòn, mẹ vừa đi vừa cầm cây khua hai bên vệ cỏ cho rắn rít đi hết. Bỗng chiếc đèn pin pha lướt qua một vật gì chuyển động, bò lồm cồm trước mặt, nó hét lên, đánh rơi cây đèn pin và níu lấy chân mẹ. Mẹ lượm đen pin lên vào soi kỹ vào vật đang chắn ngang đường đi thì thấy ông Thạch, ba của Như. Ông say khướt đang lếch về nhà.
Làng "chí Phèo " Làng "chí Phèo " - Sưu Tầm