Số lần đọc/download: 1682 / 16
Cập nhật: 2015-08-14 12:02:45 +0700
Ở đó đàn bà không tụm năm tụm bảy, phe phẩy cái quạt giấy trong tay ngồi chuyện trò cho đến khi trong bếp của căn nhà nào đó vẳng lại mùi cơm khét. Ở đó người ta không cười, lầm lũi cuốc bộ nhanh như bị ma rượt, như thể cuộc đời họ nằm ở đoạn đường phía trước. Cà phê đen chán thì thôi rồi, lạt nhách. Không quán cóc chồm sát vỉa hè, càng không có những quang gánh bốc khói. Tuyệt đối không có hàng xóm sai trẻ con bưng dĩa bánh xèo nóng hổi cho hàng xóm. Sẽ cúng giao thừa trong cái lạnh quéo râu ria, mở cửa ra chỉ thấy tuyết bôi trắng đất trời. Những con đường kiếm không ra một bóng người nào ngồi nướng chuối nướng khoai, chỉ thấy lá rơi lá rớt và bóng chính mình lìm lịm trong vách kiếng những cửa hàng.
Lật lại mấy lá thơ hồi xưa con gái gởi về, những câu chữ ấm áp đó bây giờ mang đầy tính chất cảnh báo, đe dọa, khi mà ngày mẹ lên máy bay sang ở luôn với con ngày một gần. Nhớ quê xứ là một nỗi sợ hãi bào mòn người ta ghê gớm, tàn phá hơn cả tình yêu. Nhớ bồ, ra vỉa hè ngồi ăn hột vịt lộn, hóng chuyện trên trời dưới đất. Chưa hết nhớ, ăn thêm trái bắp nướng, cái sự nhai nhóp nhép nghe hương vị đồng bãi len lỏi trong mũi cùng lúc màn xé áo của một vụ đánh ghen đang hồi gay cấn bên tai làm cái sự nhớ bồ trở nên nhạt nhòa. Nửa đêm lăn lộn ôm gối nhớ người, cũng có tiếng rao bánh mì đặc ruột thơm bơ khuấy loãng nó ra, và thằng bồ bị đẩy ra xa bởi hình dung về người đàn ông khác, chủ nhân của tiếng rao ấy, có thể lưng áo ngái mồ hôi, tóc rụng thưa trên cái đầu hói, đôi chân săn chắc đến nỗi gõ vào sẽ nghe một tiếng boong, như bằng đồng. Đôi chân đã thuần những nẻo đường, ngóc ngách của thành phố. Da ông ta đen kịt, hơi ngã đỏ, nắng gần như không thể chạm vào thứ da thịt đó, vì chạm vào là bị dội ra. Tiếng nói quê trớt ấy, là của miệt nào ta?
Những ngày bồ về quê vì “ông già đau nặng”, mẹ lên sáu ký lô, bụng căng cho đến khi phát hiện ra nó binh rỉnh không chỉ vì mấy món quà vặt ăn cho đỡ nhớ, mà còn có một sinh linh trong đó. Không thấy bồ quay lại, mẹ lần dò đi tìm thì mảnh sân nhà anh ta vẫn còn ngổn ngang mớ cây làm rạp. Không phải rạp cho đám ma ông già mà là rạp cưới. Thằng đó trốn về lấy vợ.
Bồ không còn là kẻ thông minh, hóm hỉnh, ăn nói ngọt ngào nữa mà là thằng cha thở hôi xì vì hai cái răng sâu, chân cong, lông mũi thò ra ngoài như chổi xể, rún chắc chứa cỡ nửa tạ đất… Những thứ xấu xí đó hiện lên mỗi khi mẹ chạo chực nhớ bồ, trong lúc ngồi ăn mía ghim (cho con sạch mình), uống nước dừa tươi (cho da con trắng), và chờ con ra đời. Mẹ biến cái nhớ da diết thành những ý nghĩ bị cắt vụn bởi bao chi tiết tầm thường đến mức hạ tiện.
Thằng bồ để lại cho mẹ vài thứ đáng giá: đứa con gái xinh ngoan, giỏi giang, vừa cưới một anh chồng Nhật và kinh nghiệm phòng chống nhớ. Những kinh nghiệm không bao giờ thừa, khi vài người đàn ông nữa đến với mẹ, rồi rã gánh bởi những lý do tẻ nhạt hết sức nói, như là lúc này mưa quá thôi chúng ta chia tay nhau cho rồi. Giờ, thủ thuật chống nhớ ấy càng tối cần thiết khi mẹ để thua trong cuộc giằng co với con gái. Cố gắng kéo mẹ sang sống cùng, bứt ra khỏi đất nước, nó bảo sắp sinh rồi, “ai có thể giữ nó cho con đi làm, ngoài mẹ?”.
Trên điện thoại, cả hai nghe như có cái neo nào đó vừa đứt phựt. Nhưng chỉ con gái là mừng. Nó thắng rồi.
Mẹ gây gỗ với khoai chuối nướng vì những thứ cháy trên than lửa di hại cho sức khỏe. Cái chị bán mẻ than đó mặt nám, tay đầy mủ chuối đen thủi, mất vệ sinh ghê vậy. Ngồi húp vịt con vừa tượng hình trong trứng chẳng phải mông muội quá sao? Những hàng bán đồ ăn vặt chỉ làm con hẻm chật chội, dơ bẩn thêm, và tạo điều kiện cho bọn đàn bà thông tấn vỉa hè rêu rao xía vào chuyện riêng tư của nhà người khác.
Cuộc gây gỗ còn dài. Tiếng gà tre gáy giữa trưa oi ả cũng chẳng ra làm sao, vô duyên như cây điệp bỗng dưng tự đốt mình lập lòe hoa lửa, trơ trụi chỉ hoa là hoa, không một cái lá nào. Mẹ biến thành một người gắt gỏng, quay quắt, vài hàng xóm choáng váng bảo nhau sao chưa già mà cổ đổi tánh mau quá. Lòng mẹ chật căng những kỷ niệm xấu. Ở khúc đường nào mình bị một thằng cha chạy ẩu quẹt xước móng chân, ở cái quán ăn nào mình bị chặt chém ăn khúc cá thu giá ba trăm bảy chục ngàn, ở công viên nào mình bị tụi bụi đời xin đểu, đoạn hẻm nào mình bị móc túi mất hết giấy tờ cùng điện thoại… mẹ cố hằn từng rãnh trong đầu. Mùi xe rác ngang qua và những lối đi trong chợ ngàn ngạt rau củ hư hoại, dưới hành lang một chung cư cũ mục bị áo ướt rơi lên đầu, những người đàn bà xoắn quần lên tới bẹn hung hăng rống lên những bài chửi bới tục tĩu.
Cộng thêm mùi mắm kho từ hàng xóm vẳng qua, tiếng những người đàn ông say cãi cọ, một đám cưới gần nhà mở loa hết cỡ để ca bolero và vọng cổ suốt đêm… cái xứ sở này, nơi chốn thiệt là nhếch nhác, lang chạ, bất tiện hết chỗ nói. Không có gì đáng để nhớ, cả thằng bồ dược sĩ, người ba năm nay vẫn nhẫn nại và dịu dàng bất chấp cái tính nhỏng nhẽo đồng bóng của mẹ. Người nửa đêm mang thuốc đến cho mẹ bớt đau đầu, người mang áo mưa tới khi mẹ bị cơn mưa chẹt cứng ở chợ, người vẫn thường cắt móng tay mỗi khi mẹ nhờ kỳ cọ lưng. “Sợ xước da em”, cái gã đàn ông chu đáo ấy một bữa cúi đầu lí nhí nói anh xin lỗi khi mẹ cố trợn mắt gầm gừ, có phải anh đã ngó nghiêng đàn bà khác sau lưng tôi?
Thật ra thì mẹ chỉ gây gỗ để sau này đỡ nhớ thôi, giả bộ ghen bóng gió, gán cho anh ta những thứ tì vết bâng quơ để khỏi da diết khi xa, nhưng bồ hớt hãi thú nhận ngay làm kết quả vượt ngoài mong đợi, làm hoàn hảo cho cái chiến dịch vì quê hương xấu xí của mẹ.
Không còn phải lo mình sẽ bạc tóc vì nhớ, mẹ nghĩ vậy khi ngồi trên chuyến bay đi Kansai. Mở một cái van vô hình nào đó để mọi thứ xấu xí, nhếch nhác, bụi bặm nhất ùa ra đầy chật trong đầu mình, mẹ đẩy những hình ảnh đẹp đẽ ra xa. Không có ai nói cho mẹ biết, chính xác đó là nhớ, với cái mặt nạ khác của nó thôi. Và mẹ đang lặn ngụp chìm nghỉm, trong một hoàn cảnh tê dại: ly hương.