Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bao Ngo
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 2
Cập nhật: 2021-01-03 10:48:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôi ở tận Cà Mau, cái tỉnh lỵ hay được anh vẫn thường nhắc tới, lúc thì dồn dập, rồi bặt hơi lâu lâu lại thảng thốt kêu lên, có vụ tham nhũng, có vụ sai phạm, lãng phí mới đây, bà con ơi. Tôi quý anh, bà con Cà Mau quý anh, quý tinh thần dũng cảm, tinh nhạy, quý tấm lòng cương trực, thẳng thắn…
Nhờ anh, Cà Mau mình nổi tiếng quá chừng. Nổi tiếng mà tôi buồn, ngộ quá hen anh. Bởi người ta biết xứ sở mình không phải vì nhiều con gái đẹp (như gái xứ Tuyên), nhiều anh nông dân giỏi chế tạo máy này máy nọ (như Đồng Tháp, Tây Ninh), nhiều phong cảnh đẹp (như Huế, Hội An)… sở dĩ quê tôi tiếng tăm vang dội chỉ vì có quá nhiều chuyện… lu bu (là tôi nói cho gọn).
Mặc dù đó không phải là bộ mặt, là bản chất của miền đất này. Chúng tôi có nhiều sông, nhiều cây cỏ (dù là cỏ dại bên đường, tất cả chúng đều kết trái, nở hoa) và gió tuyệt đẹp thổi trên những mái nhà. Có bà mẹ già ngày ngày xách hàng chục lít nước màu đi hai mươi cây số chỉ để kiếm mười ngàn tiền lời mà không phải làm gánh nặng cho con cháu. Có những lão nông hiến đất xây trường, có nhiều người anh hùng sống thanh đạm đến cuối đời, mang mảnh đạn trong mình ra hàng cây bên đường trốn nóng và dịu cơn đau nhức. Một xóm nghèo nhưng quyết tâm gồng gánh nuôi con cháu vào đại học. Bà má Việt Nam anh hùng mở lớp học tình thương… Anh kiểm lâm anh dũng hy sinh vì bọn phá rừng. Làng chài nghèo lao ra biển khi nghe có tai nạn đắm tàu, ghe cào nghèo sẵn sàng quăng bỏ lưới để kịp cứu người…
Và anh nhà báo ơi, đất Cà Mau chúng tôi còn hàng triệu chân dung người tử tế, hàng trăm câu chuyện ấm lòng như thế, nhưng anh không nhắc tới, nhắc ít, hoặc vả nhét vô tuốt trong ngách nào đó của tờ báo nào đó, tít nhỏ, chữ cũng nhỏ (còn chuyện lu bu anh bày ngay trang đầu, đập vào mắt người ta những con chữ thật kêu, cực kỳ ấn tượng). Vậy là anh không công bằng rồi, anh đánh đổ hình tượng của một vùng đất tan hoang mà xây… ít xịu, làm mất nhiều mà “gỡ” lại hỏng có bao nhiêu. Để đến nỗi cảm giác ác cảm với đất này dày thêm mãi, bạn bè tôi đánh đồng Cà Mau với muôn vàn chuyện lu bu (và tạo thành một thói quen, như nhắc tới gái Miền Tây là thể nào cũng lấy chồng Đài Loan, làm gái ở Sài Gòn… mà con gái đồng bằng chúng tôi có đứa lột vỏ tôm bợt bạt, lở lói đôi tay, có đứa lả mồ hôi gặt lúa trên đồng, có đứa lặn lội từ Đất Mũi lên Sài Gòn vào đại học và có không ít đứa như tôi, gò lưng viết từng câu chữ để sống. Chà, nói chuyện mình mắc cỡ quá chừng…)
Anh nhà báo ơi, bắt đền anh đó, tôi biết phải làm sao bây giờ, khi bạn bè hỏi em gái đến từ đâu. Tôi sẽ nghe ê ê cái mặt (mà vốn nó đã dày theo năm tháng lắm rồi), chẳng đặng đừng, lí nhí, thẹn thò thưa: “Thưa, em ở Cà Mau” (và tôi làm sao tránh được ánh mắt cười cợt, nghi ngại của người thị thành khi biết tôi là gái miền Tây).
Và thưa anh nhà báo, hãy giúp giùm, tôi biết làm sao khi bảo mình là người Cà Mau mà trong lòng không còn chút tự hào nào.
Kính Thưa Anh Nhà Báo Kính Thưa Anh Nhà Báo - Nguyễn Ngọc Tư