Love is the hardest habit to break, and the most difficult to satisfy.

Drew Marrymore

 
 
 
 
 
Tác giả: Việt Anh
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Việt Anh Đỗ
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 253 / 0
Cập nhật: 2018-06-11 22:41:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
húng tôi sinh ra vào cái thời mà chiến tranh đã trôi qua mười mấy năm rồi, đất nước bấy giờ đang đổi mới, và khi lớn lên, đầy đủ nhận thức thì đất nước đã bước hẳn sang mé bên này của thời đại. Chiến tranh, chỉ còn dư âm trong sách vở, hoặc đối với những ai từng có ông bà là người trong cuộc, nó cũng chỉ là những câu chuyện xa xôi hay những tấm huy chương, bằng khen trong tủ kính. Còn đối với thế hệ như chúng tôi thì chiến tranh quả thực đã phai lạt đi dù mới chỉ cách có một thế hệ. Tôi sinh ra trong một gia đình không có truyền thống trận mạc. Ông bà đằng nội, đằng ngoại đều là cán bộ cao cấp, suốt thời chiến tranh lại công tác ở nước ngoài, vì thế chiến tranh đối với tôi cũng là cái thế giới nào đó rất mơ hồ.
o O o
Một gã dị hợm, một nhân cách khô cứng và rời rạc, cái bóng ma của thời đại trước. Người ta bảo ông thế. Kiên, đám trẻ chúng tôi khi còn nhỏ đều khiếp hãi cái tên ấy, cái tên gần như đã trở thành một dạng ông ba bị để dọa trẻ con khóc, dỗ trẻ con ăn. “Này không nín đi mẹ bế mày sang cho ông Kiên nuôi.” tôi nhớ các bà, các mẹ hay dọa đám trẻ con nhà mình như thế. Khi lớn hơn một chút thì cái khiếp hãi với tôi nó dần biến thành tò mò, rõ ràng bọn trẻ con chỉ sợ ông vì người lớn dọa, chứ bản thân chúng chẳng hiểu gì về ông và thậm chí nhiều đứa còn chưa từng nhìn thấy ông, chữ “ông Kiên” đúng là như thiên hạ dọa ma dọa quỷ, để rồi khiếp sợ một người vô hình. Mà cũng một phần bởi lẽ nhà ông luôn im ắng vào ban ngày, chỉ có đêm đến mới thấy sáng đèn, sáng cả đêm, trong suy nghĩ của bọn trẻ con thì cứ cái gì chuyên hoạt động về đêm, đều đáng sợ cả. Chính vì duyên do ấy mà dần dà chính tôi lại trở nên thân thiết với ông Kiên, ông ba bị hồ Hale, nỗi ám ảnh của trẻ con khu phố một thời.
Đó là một ngày hè nắng oi ả, Hà Nội như một cái lò bát quái khổng lồ mà dĩ nhiên đó lại là cái cơ hội cho bọn trẻ con dọc phố Nguyễn Du kéo nhau ra hồ Thuyền Quang tắm táp, nô đùa. Tuy vậy ngày hôm đó tôi quyết định không đi theo đám bạn, tôi lặng lẽ, và có phần e ngại, tiến đến căn nhà cũ nát cuối phố, “chốt” của ông Kiên, một số người lớn bảo thế, từng có thời, lâu lắm rồi người ta gọi ông là ngọn hải đăng Hale, nhưng trong tâm trí bọn trẻ chúng tôi thì chỉ biết ông ba bị hồ Thuyền Quang thôi. Tôi khẽ đẩy cửa, cửa không khoá. “Ông Kiên” tôi gọi sẽ. Một người đàn ông tóc tai bù xù, khuôn mặt u ám bước ra khiến tôi giật bắn cả mình. “Ai thế? Có việc gì, hả?” ông Kiên nói, giọng không có vẻ gì là đe dọa nhưng vẫn cứ phảng phất một cái gì đó xa cách với đời. “À, thì ra là chú mày.” ông không nói gì thêm nữa rồi mở cửa cho tôi vào, cứ như thể ông đang đợi một người bạn và việc tôi tới là một lẽ dĩ nhiên.
Khu nhà này là một khu tập thể cũ, chẳng còn mấy ai sống ở đây nữa, khi mà hàng xóm đã chuyển đi cả thì ông Kiên thì vẫn nhất quyết ở lại, như thể ông vẫn muốn lưu luyến một cái gì. Căn phòng của ông Kiên ở tầng 2 khu căn hộ, chẳng có nhiều đồ đạc, chỉ có một chiếc bàn bên cạnh ô cửa sổ hướng ra phía hồ Thuyền Quang, một giá sách nhỏ, một chiếc tủ, một chiếc giường và chiếc quạt cây. Nhưng điều làm tôi chú ý hơn cả là những thứ ở trên tường. Trên tường ngay đầu giường, cạnh giá sách, một chiếc đàn guitar cũ kỹ, hình như đã lâu lắm không ai động vào, một chiếc ba lô con cóc, chiếc mũ cối đã sờn mép, và nổi bật nhất, một tấm hình đen trắng, có vết ố vàng của ẩm mốc và của thời gian. Trong hình là 13 người, đội mũ tai bèo, vai khoác tiểu liên gương mặt tươi cười. Hồi đó tôi mới chỉ là thằng nhãi ranh, không hiểu ý nghĩa của những thứ đó là gì cả, tuy vậy tôi vẫn có cái cảm giác khác hẳn về ông ba bị của khu phố, tôi cảm thấy ông có cái gì đó đáng thương hơn đáng sợ, tôi cảm thấy ở ông ngoài sự xa cách, có những tình cảm ẩn giấu mà ở tuổi của tôi chưa thể cắt nghĩa nổi, nhưng tôi đã mơ hồ cảm nhận được. Từ đó tôi năng lại nhà ông Kiên, lặng lẽ và chẳng nói với ai, thi thoảng hái được quả cóc, hay chùm me, hoặc có quà bánh gì tôi đều mang qua nhà ông, ông chẳng lần nào ăn cùng tôi chỉ mở cửa cho tôi vào rồi tôi ngồi đó nhìn ông lặng lẽ bên chiếc bàn xiêu vẹo, ông viết, nhưng viết gì thì tôi chẳng biết mà hồi đó cũng không mấy bận tâm, chỉ là tôi cảm thấy cần phải đến với ông, cần phải như vậy, thế thôi. Và tôi đã trở thành một “người bạn” lặng lẽ của ông ba bị hồ Thuyền Quang như thế, làm bạn với ông và cả với những người trong tấm hình của ông mà lần nào qua tôi cũng lặng lẽ ngắm nhìn hàng giờ, nhưng chưa một lần tôi hỏi ông họ là ai và ông cũng chưa từng nói.
o O o
Nhiều năm đã trôi qua. Rồi bọn nhóc trong khu phố cũng lớn dần, cả tôi nữa. Mặc dù việc học hành bận rộn, rồi thi cử, tôi vẫn thi thoảng qua nhà ông Kiên, suốt bao nhiêu năm trời đều im lặng như thế, tôi với ông không trò truyện nhiều. Năm đó tôi 18 tuổi, chuẩn bị vào đại học, cũng một ngày hè như thế sau khi kết thúc kỳ thi, tôi tới nhà ông. “Những người trong tấm hình này?”… “Trung đội trinh sát của ông.” lần đầu tiên sau từng ấy năm, ông Kiên thực sự nói chuyện với tôi “Vĩnh, Thịnh, Cừ, Oanh, Tạc, Thanh, Vân….” Ông kể tên từng người trong tấm hình “và ông, và giờ thì chỉ còn lại ông.” Từ hôm ấy chúng tôi không còn im lặng với nhau nữa, có lẽ ông cũng cho rằng 18 tuổi, ở cái tuổi tôi hồi ấy cũng đã đủ lớn để hiểu được một số chuyện, hơn nữa cũng là vì tôi cố gặng hỏi, nên ông mới kể, chứ bản thân ông những chuyện đó không còn muốn nhắc lại, mặc dầu trong thâm tâm, ông chẳng thể nào quên nổi và vẫn đang sống với nó hàng ngày.
Vẫn tiếp tục năng qua lại nhà ông Kiên, nhưng bắt đầu tôi như làm một chuyến tàu tốc hành đi ngược về quá khứ, tiến thẳng đến thời Hà Nội trước chiến tranh, rồi lại ngoặt lại thời bom đạn mù trời, những khúc ca khải hoàn, những bài hát bi tráng, những nông nỗi thống khổ của người lính thời chống Mỹ. Rồi ông móc dưới đáy ba lô ra một cỗ bài cũ nát, “Kỷ vật của Trung đội ông đấy, ngoài bộ bài này và những ký ức đau buồn, chẳng còn lại một cái gì.” Dần dà chính tôi lại am hiểu về thời đại của ông, am hiểu một cách vô lý nếu so với lứa tuổi và thế hệ chúng tôi, tôi bắt đầu bị ám ảnh bởi những thiên truyện của ông, nhưng đợt pháo bầy cấp tập, rồi máu thịt vương trên cành cây, máu đọng thành vũng dưới mặt đất, mùi thịt cháy, xương thịt tan nát, trộn lẫn với bùn. Có những khi đi qua nghĩa trang liệt sĩ, tôi bất giác rơi nước mắt, mà mấy đứa bạn nói tôi dở hơi đến buồn cười. Hay đôi lần không đâu lại mang một nỗi buồn vu vơ khi đi qua góc hồ Tây sau trường Chu Văn An, ấy là lúc tôi nhớ đến Phương trong những câu truyện rời rạc của ông Kiên, ông không nhắc nhiều đến bà, chỉ thi thoảng trong lúc say hoặc đang miên man từ tận miền cánh Bắc B3 thì bất chợt một cách vô thức ông chuyển sang nói về Phương, tuy vậy tôi biết có lẽ đó là người mà ông yêu nhất, là phần lớn duyên do của nỗi buồn đến trĩu nặng trên đôi vai đã gánh cả một thời đại can qua.
o O o
Rồi như một lẽ tất yếu của tuổi trẻ và của đời sinh viên, tôi có bạn gái. Tên Linh, cô ấy đẹp, nhưng khác với những cô gái đương thời, vẻ đẹp của cô ấy có một cái gì đấy mang hơi hướng của thời đại cũ, mà chính bởi thế nàng lại hợp với tôi. Linh cũng là con gái gốc Hà Nội, học cùng khoá, nhưng khác lớp, tôi quen Linh trong thư viện khi mà cả hai đứa, thế nào lại cùng chọn một cuốn sách, thời đại công nghệ này đi thư viện đọc sách đã là hiếm lắm rồi lại cùng chọn một cuốn thì quả thực là không muốn tin cũng phải tin rằng có duyên. Cuốn sách đó, tôi chưa kể, chính là cuốn sách của ông Kiên, sau này tôi mới biết cuốn sách ông viết chính là những lần tôi lặng lẽ nhìn ông viết ấy, sau đó được xuất bản và rất nổi tiếng, mãi sau này tôi mới được đọc, bởi nhiều năm sau ông và cuốn sách của ông bị người ta phê phán, phê phán vì ông viết quá thực về thời đại của ông, thế hệ của ông. Nhưng rồi tư duy đổi mới, người ta cũng cho xuất bản lại. Thật tình cờ là Linh cũng mê cuốn sách ấy và sau này khi biết tôi là “bạn lâu năm” của tác giả thì cô ấy rất hứng thú và muốn gặp ông ngay.
Tôi đưa Linh đến nhà ông Kiên vào một buổi tối. “Linh, bạn gái cháu. Ông Kiên, người mà mình vẫn hay kể.” Linh lễ phép chào ông, thốt nhiên, ông sững lại. “Phương!” ông gọi sẽ, rồi như tỉnh cơn mê, ông mở cửa, nói lắp bắp “Vào.. vào đi hai cháu.” Khi vào trong nhà, dưới ánh điện của bóng đèn dây tóc, cũng là một thứ di chứng của thời đại trước, ông nhìn Linh mà như nhìn vào cái gì đó quá thân quen nhưng đã xa cách từ rất lâu. “Hình như ông vừa gọi tên Phương? Hẳn là ông có biết bà ngoại cháu? Người ta hay bảo, cháu giống bà cháu như tạc.” Linh nói. “Vậy ra, trời ơi….”ông Kiên xúc động. Mất một hồi lâu sau ông mới lên tiếng “Vậy bà ngoại con, bây giờ….?”. “Bà con, bà mới mất năm ngoái rồi.” Linh buồn rầu đáp. Vậy hoá ra bà Phương, nỗi nhớ nhung và niềm ám ảnh suốt mấy chục năm của ông Kiên, bà chẳng đi đâu xa cả, bà lấy chồng, ở ngay Hàng Bún đây thôi, còn ông Kiên thì cứ ở góc đường Nguyễn Du này, chờ đợi vu vơ, không hẳn là chờ đợi mà như bám vào quá khứ để sống lây lất qua ngày. Ông lấy trong đáy tủ ra một tấm ảnh, tấm ảnh đen trắng của Linh, à không, của bà Phương hồi trẻ, hồi còn là nữ sinh trường Bưởi. Ông trao nó cho Linh, và cả cây đàn guitar cũ treo trên tường, nó là của bà Phương, ông nắm chặt tay Linh, hai mắt rưng rưng và không nói nên lời…
o O o
Cuối năm ấy người ta phá bỏ khu nhà chung cư cũ, chẳng ai biết ông Kiên đã đi đâu, ông cũng chẳng để lại lời nhắn gì cũng như chẳng còn họ hàng thân thích. Tuồng như ông đã mãn nguyện rồi, cuộc đời ông, đã chờ đợi điều gì đó và ông đã đợi được.
Bây giờ thì Linh đã là vợ tôi, là mẹ của hai đứa nhóc, và hàng năm mỗi dịp lễ tết khi viếng mộ bà ngoại Linh, chúng tôi vẫn thấy một bó hoa tươi ai đó để sẵn cạnh tấm hình đen trắng của bà.
o O o
Tặng nhà văn Bảo Ninh
Kiên Kiên - Việt Anh