Butterflies don't know the color of their wings, but human eyes know how beautiful it is. Likewise, you don't know how good you are, but others can see that you are special.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Minh Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 3
Cập nhật: 2020-12-31 18:34:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ề giỗ má chồng, đón bạn luôn là nước rong, suốt từ đầu thị trấn đến gần sông Cái Lớn.
Nước hiện diện ở đó, trong những xóm làng cách sông tận vài cây số, ngay trong nhà chồng bạn, hiển nhiên như những đòn bánh tét treo sào, nồi thịt kho hột vịt sôi trên cái lò lửa được kê cao, như tiếng dao đều trên mặt thớt. Nước, như một phần của đám giỗ.
Má chồng mất ngay rằm tháng Mười, nghe kể phải mượn vài chục bộ ván về kê trong rạp, mới có chỗ khô cho khách ngồi. Giàu hay nghèo không phân biệt, người nào tới viếng má cũng phải lột giày dép cầm tay, quần xắn cao, vì đường nào tới nhà cũng gặp nước láng linh tới gối. Di nguyện "bữa trước tử, bữa sau táng" của má không được thực hiện, bởi muốn đào huyệt phải chờ nước rút. Nghe nói hôm đưa má đi, đất bùn nhão làm mấy ông đạo tì bấm ngón chân dò từng bước ra vườn, tới nơi phải đứng chờ đám nhỏ bắt mấy con cá bống sao bị nước bỏ rơi trong huyệt.
Những câu chuyện đó được hồi nhớ trong đám giỗ, bằng thứ chất giọng không phải là không bình thản. Có thể vì thời gian đã mài cho nỗi đau chẳng còn sắc cạnh, cũng có thể người miệt sông chấp nhận cái chết là thứ gì đó rất tự nhiên, như trái rụng, hoa tàn. Chuyện một người nằm lại trong đất bùn nhão nhoét cũng bình thường với bất cứ ai lìa đời vào hai tháng trước Chạp, khi đỉnh triều cao nhất trong năm. Người ta có thể chọn dịp để say, yêu, cưới, và sinh đứa trẻ khác, nhưng mấy ai chọn được ngày từ giã đời sống này theo cách tự nhiên.
Nên bên nhà chồng bạn không vì người thân nằm trong đất ướt mà thù nghịch với con nước tháng Mười. Cũng như trẻ con lội nước tới trường với bầy cá lìm kìm bơi quanh, đôi khi vì sơ sểnh mà cặp sách bị ướt, nhưng tụi nhỏ chưa bao giờ kể tội triều cường làm tuổi thơ mình cơ cực. Chút bất tiện mà nước rong mang tới, dân miệt sông coi như được đền bù bởi mùa nước cũng là mùa cá tôm trĩu lưới. Không ai ở miệt sông này coi triều cường là thứ thiên tai thiên họa, dù đôi khi vào giữa đêm, nước lên nhà làm trôi mất mấy cái nồi nhôm, hư vài món đồ điện, nói cho cùng chẳng phải lỗi do con nước. Biết tháng Mười triều lên, không treo cao đồ đạc trước, trách ai?
Cái câu mấy chị miệt sông hay bảo nhau, "Sắp vô nước lớn tháng Mười rồi đó nghen", chẳng ngầm ý đe dọa gì đâu, chỉ là nhắc nhớ cho những người bận rộn về kê mấy cái cà ràng lên cao, như nhắc ổi đang chín ngoài cây mau đi hái không thì chim ăn hết, sắp mưa rồi kìa nhớ đậy mớ củi phơi trên giàn. Bởi đứa con nít cũng biết, tháng Mười nước lên hơn tiếng đồng hồ rồi rút, mỗi ngày hai lượt, bùn sình nhão rồi sẽ được gió chướng thổi khô. Nhưng những người đi khai phá đất hồi nào, vốn quen với những dòng sông miền Trung chảy dốc đầy hung hiểm, từng trải cảnh lụt lội triền miên, lần đầu tiên thấy nước rong tháng Mười chắc đã trèo lên ngọn cây, và ngạc nhiên thấy nước lên quá đầu gối một chút rồi thủng thẳng bỏ đi. Nếu không thể coi nó là bạn, thì cũng như một người quen cũ, mỗi năm mỗi về thăm xóm, mang theo sự nhiệt tình thái quá mà muốn hay không miền sông cũng phải nhận. Nó sẽ vào tận buồng trong, căn bếp, chẳng gì cản được cơn tò mò của nước.
Xứ này không đê ngăn nước, chẳng phải bởi kinh rạch dọc ngang vô số chẳng sức đâu mà chặn, mà có đê cũng chẳng cản nổi triều lên. Tươm ra và dâng lên từ lòng đất, nước rong không cần mương dẫn, đột ngột ngập một sân trường, một con đường theo cách của quỷ thần: không đến không đi, bỗng dưng ở đó.
Ở cái thành phố cách miệt sông trăm rưỡi cây số, nơi vợ chồng bạn ngập đầu trong công việc tiệc tùng và những mối quan hệ, nước rong tháng Mười cũng đủ sức khỏa ngập hàng chục con đường. "Nước cỡ này thì chắc chan tới nhà sau thằng Út", chồng nói, dù đã xa miệt sông từ mười tám tuổi, vẫn thông thạo mức triều, như thuộc làu vị của các loại bia. Người đàn ông đó đã thay đổi nhiều kể từ khi cưới, bụng phị ra, tay cầm ly bia thường xuyên hơn cầm sách, dành nhiều thời gian ở quán xá hơn nằm nhà coi truyền hình với vợ con, lơ đãng những mối quan hệ họ hàng, nhưng không đánh mất căn tính của người miệt sông, như thấy nước rong vào thành phố bao giờ cũng rút điện thoại ra gọi thằng em, "Năm nay nước lớn, nhà cửa không sao chớ? Lụi hụi lại tới giỗ má nữa rồi ha!".
Ba năm đầu về giỗ, bạn bị nước ăn lở mấy khóe chân, em chồng nói trúng tôm thêm chục ngoài con nước nữa sẽ cất nhà lại, cơi nền thiệt cao, "nước muốn rượt theo cũng khó". Khéo dành dụm, em cũng giữ lời hứa. Năm ấy giỗ trong nhà mới, mặt sông giỏi lắm là lấp ló mép sân. Nhưng hôm rồi nghe em chồng kêu mới con nước đầu tháng mà sóng vỗ ướt hàng ba. "Nước năm sau cao hơn năm trước, kiểu này trước sau gì em cũng sắm chiếc xuồng cho chị Hai bơi tới lui trong nhà, bữa về giỗ má", em cà rỡn, giọng tỉnh khô.
Em chồng không ý thức cái gọi là biến đổi khí hậu, băng đang tan, nước biển đầy lên, và đất dưới sức nặng của con người thì đang chìm xuống. Sẽ cao mãi những con nước rong tháng Mười, cho đến khi người ta cảm thấy ngộp thở với ngọn triều. Tự hỏi lúc ấy người miệt sông còn ung dung, khi đến dòng sông cũng đầy thù nghịch?
Không Gói Được Sông Không Gói Được Sông - Nguyễn Ngọc Tư