Số lần đọc/download: 499 / 2
Cập nhật: 2017-11-08 14:00:00 +0700
C
on bé tên là Hà, chừng mười lăm tuổi. Nhìn nghiêng, nó rất xinh, sống mũi cao, mắt dài đen. Nhưng nó chẳng có chút ý thức về vẻ bề ngoài của mình. Chẳng có một chút chải chuốt, chăm sóc.
Hà kể chuyện của nó, giọng nằng nặng, mặt buồn rười rượi, mắt không nhìn tôi, tay vẫn vò chậu quần áo sùng sục. Thỉnh thoảng nó so một bên vai áo lau má, hoặc cúi mặt chùi vào đầu gối. Tôi tưởng nó khóc, nhưng không phải, nó chùi những bọt xà phòng bắn lên mặt. Còn cái giọng nằng nặng là giọng xứ Thanh còn nguyên vẹn. Dù đã lang bạt ra ngoài Bắc từ khi mười một tuổi, bây giờ mười lăm, con bé vẫn chưa biết cách Bắc hoá giọng nói để người ta không biết mình là kẻ tha phương cầu thực như những người lớn đồng hương của nó đang làm ăn ở ngoài này vẫn làm thế.
- Bà Vịnh bảo cái mặt cháu cứ lầm lầm lì lì, ngang bướng, làm bà ấy lộn ruột. Cháu có bướng đâu. Cháu đi làm thuê, bảo làm thế nào thì cháu làm thế. Tự dưng mắng cháu, cháu cũng chịu không dám cãi. Còn"lì lì" thì tại mặt cháu thế, biết làm sao được.
Có lần bà ấy khuấy bột cho thằng Ti, cháu nếm thấy mặn quá, mới bảo, lần sau bác bớt nước mắm. Thế là bà ấy quát ầm lên: "Tao nuôi bốn đứa con khoẻ mạnh béo tốt. Mày là đồ con ở, mới nứt mắt mà đã đòi dạy tao. Cứ tinh tướng, tao tống cổ về với ông bà Vĩ nhà mày". Cháu cũng chỉ mong thế. Nếu được về ở với cô chú Vĩ thì làm việc nặng đến đâu cháu cũng thích. Hôm nọ bà ấy pha nước tắm cho thằng Ti, cháu thử thấy nước nóng quá, nói, thì bà ấy mắng: "Ngu như chó ấy. Chả lẽ tao làm bỏng cháu nội tao à"?. Rồi cứ vớt nước nóng vào thằng bé làm nó khóc thét, da đỏ bừng lên từng đám. Cháu thương nó quá, đánh liều lấy bình nước lạnh đổ thêm vào, thế là bà ấy bưng chậu nước hắt vào người cháu, chửi: "Đã ngu lại hỗn hào. Cút cha mày đi cho khuất mắt". Cháu pha lại chậu nước khác tắm cho thằng Ti. Lúc ấy cháu cực thân quá, muốn khóc mà không được. Giá khóc được thì cũng đỡ khổ.
Chị Thảo bảo cháu hãy thương chị ấy với cu Ti, cố chịu. Chị còn bảo, cháu là người giúp việc, bao giờ thằng Ti đi nhà trẻ thì cháu lại về với cô chú Vĩ. Còn chị ấy là con dâu thì phải chịu đựng chẳng biết đến bao giờ. Bà ấy mắng mỏ xỉ vả thế, nhưng không thấy cháu khóc, cho là khinh thường, lại càng tức. Có lúc cháu vui cười một tý thì lại mắng: "Con gái con đứa mà xí xa xí xớn!". Cô Yên bên hàng xóm cũng quý cháu, hay sang chơi, bảo: "Cho mày chết. Ai bảo mới mười lăm tuổi mà cứ phổng phao hơn hớn như mười tám. Phải mắng chặn trước. Nhà người ta toàn đàn ông, nhỡ mày gây ra tai vạ thì sao?".
Cái cô Yên ấy nói buồn cười. Tự cháu có làm cho người cháu cao lớn được đâu. Mà cháu chỉ ăn hơn một bát cơm mỗi bữa. Có hôm chỉ ăn có miếng cháy cũng không thấy đói. Các nhà chủ không thích những người giúp việc ăn khoẻ, ăn vặt, ăn vụng. Cháu giữ mãi đâm quen dạ. Bây giờ, thấy bánh kẹo hoa quả để trước mắt có chảy nước, ôi ra cháu cũng chẳng động đến.
Giá không vì chị Thảo là con của cô chú Vĩ thì cháu bỏ đi từ lâu rồi. Bây giờ cháu chẳng biết làm thế nào. Chờ đến lúc thằng Ti đi được nhà trẻ thì lâu quá. Với lại lúc ấy nó đã quen hơi, khó dứt đi lắm. Cháu đã trông ba đứa trẻ rồi. Đứa nào cũng quý cháu. Mỗi lần người ta thôi không thuê cháu nữa, khi cháu ra đi, chúng nó gào khóc, thương lắm.
Nhớ nhất cái lần cháu phải xa con bé Hoàng Yến. Nó xinh quá. Nhưng mẹ nó rất dữ đòn. Ban ngày bác ấy bán hàng chợ; tối về, quát tháo con bé ầm ầm. Lơ mơ một tý là phát đen đét. Cháu cứ phải chống chế đỡ đòn cho nó. Đêm nào nó cũng ngủ với cháu, chị em ôm nhau khư khư. Lúc mê ngủ, nó cứ ghé vào má cháu hít hít như con chó con tập đánh hơi, buồn cười lắm. Rồi cái Yến đi mẫu giáo. Nhà lại đón một bà bác ở quê ra nuôi, tiện thể cơm nước, dọn dẹp. Cháu phải nghỉ việc.
Hôm cháu đi, thanh toán công xá xong, cháu cho cái Yến tờ mười nghìn mới tinh. Cháu xin mẹ Yến đưa nó đi chơi; để cháu thu dọn quần áo rồi đi khi không có nó ở nhà. Nhưng hình như bác ấy sợ cháu nghĩ ra thế để lấy cắp đồ đạc. Bác ấy bảo: "Đi thì cứ bình thường mà đi. Đừng bày đặt lôi thôi gì". Cháu đành phải ra đi trước mặt cái Yến. Cháu xin nó cái nơ cũ, để lại cái áo cũ để khi ngủ con bé ôm cái áo còn hơi hướng của cháu, đỡ nhớ. Cháu xin với bác ấy khi cháu đi rồi, cái Yến có khóc cũng đừng đánh nó, khổ thân.
Cháu chẳng nói dối cái Yến bao giờ nhá, thế mà lần ấy phải đánh lừa nó là ra phố mua cho nó con búpbê biết hát. Nhưng con bé khôn lắm. Thấy chỉ đeo túi quần áo, nó giữ chặt tay cháu mếu máo. Cháu đành giật tay ra, chạy vù đi. Cái Yến không khóc mà gào lên như còi. Nhà ở trong ngõ, cháu chạy ra đến đường phố mà vẫn nghe thấy tiếng gào thét của nó. Cháu suýt đâm vào xe máy. May mà cháu không biết khóc. Nhưng không khóc được trong người cứ làm sao ấy, khó chịu lắm. Cháu phải ngồi xệp xuống vỉa hè nôn oẹ.
- Sao cháu không khóc được à?
- Cháu cũng không biết. Thấy mẹ cháu bảo, hồi cháu còn bé, bố cháu say rượu đánh cháu rất đau, nhưng không cho khóc. Hễ khóc càng bị đánh đau hơn, nên phải cố nhịn. Chắc là lâu ngày thành quen. Mẹ cháu cũng bị đánh luôn. Bữa cơm, mẹ con cháu cứ phải vừa ăn vừa phòng bị đánh. Anh cháu mười bảy, bị đòn nhiều quá phải bỏ nhà đi vào tận Đà Nẵng làm thuê, lâu quá không về. Năm ngoái anh gửi cho cháu cái đồng hồ này. Cũ thôi, nhưng là loại đồng hồ chạy bằng dây cót, còn tốt. Anh cháu làm nghề lấy tổ yến, leo trèo vất vả lắm. Anh viết thư bảo có lần bị trượt chân ngã, nhưng may rơi xuống chỗ nước sâu, nếu không thì cũng được một giỗ rồi. Lúc mệt quá, anh hát bài "Hò cập bến" lại nhớ mẹ, nhớ em gái. Nhưng nghĩ đến bố lại không muốn về.
Không phải bố cháu bị thần kinh đâu. Trước kia bố cháu cũng là cán bộ, đã làm đến chức phó chủ tịch xã. Sắp sửa lên làm chủ tịch thì bị tố cáo gì đấy. Thấy nói là bác cháu công tác ở trên huyện, mâu thuẫn với người ta. Bố cháu cùng phe với bác cháu, nên bị liên lụy. Bố cháu bị cách chức; chán đời, uống rượu suốt ngày, thành nghiện. Vay mượn tiền uống rượu rồi phải bán cả ao, vườn.
Bà cô họ ở ngoài này xin cho cháu ra đây trông trẻ thuê. Giữ trẻ vất vả nhưng mà vui. Nhất là khi chúng nó biết bò, tập đi; ngây ngô buồn cười lắm. Con bé Hoàng Yến là đứa cháu nhớ nhất. Mấy lần cháu định về thăm lại nó, nhưng cô Yên bên này bảo cháu: " Mày đã đi khỏi nhà người ta, thành người dưng rồi còn lân la đến làm gì. Bố mẹ nó lại nghi là mày đến ăn cắp hay là dụ dỗ con bé. Chờ nó ở cổng trường cũng không được. Cho nó quà bánh cũng không được. Người ta báo công an thì mày chết".
Năm ngoái cháu đến làm ở nhà chú Vĩ. Nhà chú ấy cũng nghèo. Chú ấy bị liệt nửa người, ngồi nhà. Cô Vĩ đi dạy học cấp hai. Chị Thảo là con cô chú ấy xin được làm kế toán, mới thuê cháu giúp việc nhà. Chú Vĩ thương cháu. Chú ấy bảo những người cùng khổ mới biết thương nhau.
Chú Vĩ cả ngày ngồi đọc sách, làm thơ gửi đăng báo. Thỉnh thoảng được đăng một bài, chú ấy vui lắm, thưởng công cháu đã ra bưu điện gửi thơ hộ chú ấy, nhưng cháu không nhận. Chú đã đến nhà chú Vĩ chắc biết chú ấy cũng nghèo. Khi cháu rảnh rỗi, chú ấy đưa truyện thiếu nhi cho cháu đọc. Rồi dạy cháu tập viết chữ. Cháu ngồi tập viết, cứ vẹo người, cúi gục xuống bàn, chú ấy bắt phải ngồi cho đúng kiểu. Chú ấy bảo cháu: "Con chịu khó tập viết thật đẹp. Bao giờ chú thành nhà thơ lớn, con sẽ làm thư ký chuyên chép thơ cho chú. Rồi người ta khiêng chú lên sân khấu đọc thơ, con đứng bên cạnh xe lăn của chú, cũng được quay phim chụp ảnh luôn". Cháu hỏi: "Được như thế thì làm sao?". Thế là chú ấy ngẩn ra một lúc rồi cười ầm lên. Cô Vĩ thì bảo:" Chỉ hồn bướm mơ tiên. Chú Vĩ nhà mày, may ra xuống lỗ rồi mới được người ta nói đến một lần".
Làm cho người khác, hàng tháng cháu phải tìm cách nhắc tiền công. Có hơn một trăm nghìn, nhưng để dồn lại thành tiền triệu, người ta xót ruột. Như mẹ cái Yến ấy, còn thiếu cháu mấy tháng tiền công. Cháu chẳng dám đòi, coi như cháu cho cái Yến. Còn làm cho nhà chú Vĩ, cháu chẳng để ý gì đến tiền nong. Cháu bảo cô ấy là cháu chỉ cần ăn thôi cũng được. Cô ấy đùa: "Cháu vẫn có lương. Cô giữ hộ, bao giờ cưới chồng, cô đưa".
Chỉ khi làm cho nhà chú Vĩ, cháu mới không bị coi khinh là con ở. Khi nào cháu ốm mệt, cô chú bắt đi nghỉ để cô ấy làm. Khách đến chơi, cô chú ấy bảo: "Đây là con bé cháu ở quê ra". Một bận có ông khách hỏi: "Bố mẹ cháu có nhà không?" Cháu thích lắm nên cháu cứ bảo: "Bố mẹ cháu có nhà, mời bác vào."
Có lần cháu viết mãi không được chữ "g", cái đuôi cứ ngắn ngủn trông như chữ "a", chú ấy bức mình củng cho cháu một cái, nhưng rồi lại ân hận, bảo là: "Chú chỉ còn hai tay cử động được thế mà lại dùng tay làm việc ác". Cháu bật cười bảo không đau. Cháu hát cho chú ấy vui. Bài hát "Hò cập bến" ở quê cháu:
"Cầm lái cho chắc... là dô là khoan... / Giữ lèo cho chặt.../ Để mà cập bến.../ Thấy lại bãi dâu.../ Thấy lại con mắt bồ câu.../ Thấy môi cắn chỉ quết trầu xinh tươi.../ Dô hỡi dô hời..."
Làng cháu ở bên con sông chảy ra biển. Cháu đi khỏi làng từ bé, nhưng vẫn nhớ là nước sông rất đục, hai bên bờ bãi dâu xanh lắm.
Rồi chị Thảo lấy con trai bà Vịnh, đẻ thằng Anh Anh này, nhưng gọi là "cu Ti". Cô chú Vĩ phải cho cháu đến; nhưng bảo mọi người là gửi cháu ở đây, đừng ai mắng mỏ cháu, làm bà Vịnh phát tức lên. Bây giờ, bên nhà chú Vĩ hàng ngày cô ấy đi dạy học, chú ấy ở nhà một mình. Chú ấy bị liệt như thế chẳng biết ăn uống thế nào. Cháu thương chú ấy quá mà không về thăm được. Chú có đến thăm chú Vĩ, bảo hộ cháu là chú ấy đừng thức khuya, chú nhớ!
Tôi quen biết Vĩ. Còn ông Vịnh có họ xa với tôi. Nhưng tôi không thể can thiệp vào chuyện con bé giúp việc giữa hai nhà. Phải hơn một tháng sau lần nghe chuyện cái Hà, tôi mới đến gặp Vĩ khi anh đang hấp hối vì bị tai biến mạch máu não. Vĩ không còn nghe được lời nhắc anh đừng thức khuya của cái Hà, đứa bé mà anh đã thương yêu như con gái.
Sau đám tang Vĩ, tôi đến chơi nhà ông Vịnh. Ông Vịnh đi vắng. Cái Hà lại nói chuyện.
-... Hôm chú Vĩ mất, cháu không chịu được, mới khoá cửa, nhờ cô Yên trông nhà cho, rồi bế thằng Ti đang sốt mọc răng đi xíchlô về bên chú Vĩ, đúng lúc người ta đang liệm. Người chú ấy gầy đét, ngắn ngủn, chân bé như hai cái que. Cô ấy ôm cháu khóc, bảo chú Vĩ còn gửi lại cho cháu một trăm nghìn toàn tiền mới, để dành từ lâu. Bà Vịnh lồng lên định đánh cháu vì tội bỏ nhà, đem thằng bé đang ốm đến đám ma. Mọi người can mãi, cháu mới không bị đòn. Thế mà hôm ấy, cháu cũng không khóc được.
Bây giờ bà Vịnh càng ghét cháu hơn. Tha hồ mắng mỏ. Nghĩ đến chú Vĩ, cháu coi như không nghe thấy gì.
À, chú đừng nói với ai nhé. Kể cả cô Vĩ với chị Thảo. Cháu có một chỗ thờ chú Vĩ ở cái hốc trên nóc cầu thang kia. Kín lắm, chẳng ai biết được. Khi nào nhớ chú ấy, cháu lên thắp hương. Đêm hôm nọ cháu mơ thấy chú Vĩ đến đây, không ngồi xe lăn mà đi được bằng chân. Trông chú ấy như cái diều, hai chân như hai dải đuôi diều phất phơ không chạm đất.
"... Để mà cập bến.../ Thấy lại bãi dâu.../ Thấy lại con mắt bồ câu.../ Thấy môi cắn chỉ quết trầu xinh tươi.../ Dô hỡi dô hời..."
Cái Hà lẩm nhẩm hát, rồi bất chợt nó ngừng bặt, nức lên, oà khóc:
- Chú Vĩ ơi!...
Nó đã biết khóc trở lại. Khóc đúng như một đứa trẻ con. Tất cả nước mắt của đứa con gái không khóc được ấy, đã tích lại từ rất lâu, bây giờ tuôn xối xả như mưa, ướt đẫm ống cánh tay áo xanh cũ bạc phếch.
______________________