Cuộc chiến thật sự là giữa những gì bạn đã làm, và những gì bạn có thể làm. Bạn so sánh bạn với chính mình chứ không phải ai khác.

Geoffrey Gaberino

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Minh Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 2
Cập nhật: 2021-05-22 19:02:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
hu dân cư cách lau sậy một con kinh đào nhỏ. Đó không phải là thứ khoảng cách có thể đo chính xác, khi những buổi chiều người ta ngó bên kia bờ nước, nghe trong âm thanh lau lách xô nhau độc một sự xa xôi, tự hỏi không biết xứ đó có cùng múi giờ không, mà bông lau cứ sáng lên khi mặt trời dần tắt. Đứng sát mé kinh, ta có thể nhìn thấy vài ba con đường mòn hẹp đến mức cảm giác không để cho người đi. Một con bò, mình ên nó, chừng như vô chủ, thỉnh thoảng hiện ra rồi biến mất. Lau sậy với trẻ con xóm chỉ là một vương quốc đen tối tuyệt đối nên tránh xa, cả người lớn cũng không ưa cái thứ hoang dã kết thành bầy đàn ngay bên cạnh họ, như chưa bao giờ chuộng những gì có vẻ bí hiểm khó lường. Họ lờ nó đi, cố tránh bị tổn thương bởi sự im lặng không thể cắt nghĩa nổi, bởi lau sậy chẳng ra vẻ hứng thú với ánh đèn phố thị, nằm lim dim tận hưởng thứ bóng tối của riêng mình.
Cho đến đám cháy chiều nay. Dân khu phố buộc nhớ lau sậy đang ở trong thành phố, ngay bên cạnh họ. Cả khi nhắc nhớ sự hiện hữu của mình, lau sậy cũng chọn cách không thể ngạo mạn hơn, chúng cháy lên bất chấp việc trở thành tro than trong lửa. Một kiểu cháy giòn tan. Khu dân cư thất thủ bởi thứ khói chừng như bị niêm kín, và gió đang ở bên ngoài những tường vách vô hình. Cả gió cũng bỏ rơi họ. Người ta sập rèm, đóng kín cửa, rồi sớm nhận ra có làm gì thì khói, bằng vẻ im lặng dịu dàng, nhanh chóng chiếm đóng căn nhà, ngập lên tận nóc, cả khi giở mái ngói mà ngoi lên thì cũng vô phương chạy trốn.
Giờ thì hoa ngọc lan có mùi đám cháy. Món cà ri có mùi đám cháy. Mái tóc vừa gội có mùi đám cháy. Và điếu thuốc người đàn ông đang hút dở cũng ngái mùi đám cháy.
Đó là điều cuối, nhưng anh không thể tận hưởng trọn vẹn nó. Anh đi tới tiệm tạp hóa, rồi sực nghĩ có thể đã sai đường, khói và thứ ánh sáng chạng vạng khiến tầm nhìn không thể xa hơn một vài mét. Vài chiếc xe máy đã bật đèn tìm đường thoát. Những người đi bộ không có thứ ánh sáng nào dẫn dắt, bị mất phương hướng trong cơn lũ khói, bất lực chửi đổng kẻ châm mồi lửa bãi lau sậy bên kia.
“Đám sậy đâu thể tự cháy, đúng không?”, một người cao giọng, nghe chừng đang nổi khùng. Ai đó đòi bật tất cả quạt trong nhà đuổi khói đi, nhưng điện đã cúp từ hồi xế, không thì họ đã sớm nhận ra mình ngây thơ đến độ nào: khói là thứ không cách nào đuổi xua. Giữa bốn bức tường ngộp và tăm tối, người ta ùa hết ra đường, tìm kiếm đồng minh dù chẳng để làm gì, ngoài than vãn và tức giận. Người ta không đoán được ai vừa nói, ai ho khan cũng như ai quen ai lạ. Mọi gương mặt đều nhòe lẫn cả. Chỉ đoán chắc có bà già sống bên kia đường bởi cái giọng hân hoan khó tả, “chèn, khói y như đốt đồng”.
Mỗi tháng bà chỉ xuất hiện vài ba ngày, rồi biến mất suốt thời gian còn lại. Một tay cầm chổi cùn, tay kia cây dao tà mũi, bà già không phân biệt vỉa hè này là của nhà mình hay nhà người, cỏ mần trầu hay cỏ chỉ. Cuối ngày là một nghi lễ nhỏ với cuộc hóa tro cả cỏ cùng rác, dĩ nhiên không phân biệt. Suốt con đường tinh sạch như mới được lau. Bằng cách đó, bà già chứng minh mình không phải xuất hiện trong chiêm bao, dù luôn biến mất vào sáng sớm.
Bà già, không bao giờ lạc trong những khói, dù chỉ một đám hay trong cơn lũ chiều nay.
Người đàn ông quyết định đi theo cái bóng nhỏ bé ấy để về coi lại cái cổng, sực nhớ không biết đã đóng chưa. Dù không chắc bà già có ý về nhà, ở ngoài đường tắm gội, hít hà không sướng hơn sao, chẳng phải ăn khói ngủ khói là kiểu của bà sao. Nhưng anh cần di chuyển, để quên nỗi đắng cay mà tờ giấy bạc nằm trong túi áo lặng lẽ truyền vào ngực.
“Đã không làm ra đồng bạc nào còn mở miệng xin tiền”, vợ anh nói vậy, khi anh bảo không còn điếu thuốc nào. Câu nói châm ngòi cho một cuộc cãi nhau, mà anh không thể nhớ nổi anh đã nói những lời gì, đã vung tay duỗi chân kiểu gì trước khi chị vô buồng và sập cửa.
Có thể anh đã nói “cô lấy tiền làm chồng, nên đội nó lên đầu”. Cũng có thể anh không nói gì, hung hăn tiến lại giằng túi chị, rồi đá xô chậu bỏ đi. Từ lúc dọn qua chỗ ở mới, những cuộc cãi cọ thường xuyên tới mức nhịu lẫn cả chi tiết với nhau. Như lần anh đãi bạn bè một chầu nhậu bộn tiền, lần nào đó anh hứng chí mua thêm một dàn Akai nghĩa địa. Những thứ đã có thời anh chi xài không thèm nghĩ ngợi, và vợ nín nhịn cho qua.
Nhưng tiệm đồ lưới bên chợ Cầu Chùa, thứ giúp anh hể hả trong vai ông chủ, giờ là tro bụi. Một đám cháy đã dọn sạch khu nhà, vốn lì lợm tồn tại sau nhiều lần giải tỏa. Trong cách lửa cao ngọn người ta dựng ra một đồng thuyết âm mưu, nhưng thuyết gì thì lửa vẫn là lửa như từ thuở hồng hoang đến giờ. Dào dạt, dữ dằn, ngốn ngấu mọi thứ để lại bãi tro than. Những người từng ở đó dọn vào khu dân cư mới, mang theo những giấc mộng lưng chừng. Hai đứa nhỏ con anh đang tuổi săn chữ bắt tương lai khiến những khoản tiền dành dụm bốc hơi quá nhanh, trước khi cho chúng nghĩ ra nên làm chủ tiệm gì trong cái xóm thanh cảnh này.
“Làm gì thì cũng phải làm chủ”, anh nói vậy. Nhưng trong khu dân cư mà hàng loạt ngôi nhà được xây sẵn đều chằn chặn, giống nhau đến hàng rào, màu sơn, ghế đá, nhân bản luôn cả cây ngọc lan trồng dọc vỉa hè, tuyệt không phải là nơi chốn để bán mua. Ở đó chỉ có thể tán gẫu, tập dưỡng sinh, xem truyền hình chờ cơm chín và nhấm nháp những khoản tích cóp được cho đến khi nhận ra ta đang gặm vào da thịt mình.
Và một kẻ trong số đó, trong buổi chiều cúp điện, khói đám cháy vỗ sóng tận nóc nhà, đúng lúc cảm thấy không thể hít thở nổi nữa rồi thì gã chồng đòi tiền đi mua khói. Chẳng để no, không nuốt được, miệng rít một hơi, rồi phà ra đằng mũi. Phù phiếm khỏi nói.
Lơ mơ nghĩ làm anh dịu đi tức giận, nhưng tự mình lạc mất bà già. Khói không thưa đi chút nào. Anh nhận ra mình vừa ngang qua nhà, và cổng thì không đóng. Nó vẫn mở toang vậy, như lúc anh trút giận lên nó, điên tiết bỏ đi. Để xác nhận bọn trộm cắp không nhân cơ hội lẻn vào, anh bước vô trong, ngang qua cửa buồng, nghe có rấm rứt bên kia vách. Vợ khóc. Cô ta cũng khóc sao? Người đàn ông kinh ngạc. Anh chưa từng thấy chị khóc, kể cả vài lần anh nổi nóng hạ cẳng tay. Chị chỉ im lặng. Thứ im lặng đinh tai nhức óc như lau sậy bên kia kinh đào, khiến người ta đau đầu, bởi không hiểu thấu thứ ngôn ngữ ẩn náu đằng sau nó.
Con nít khóc thì anh có dỗ rồi, nhưng người lớn thì thua, anh không biết làm chuyện đó. Chần chừ bên cửa, anh đằng hắng. Tức thì kẻ trong buồng nức lên. Cả thằng khùng nghe âm thanh đó cũng rũ riệt hết biết làm gì. Thấy cả người cứ như thừa ra, anh quờ quạng kiếm cái ly uống nước.
Khoảnh khắc đó anh nhận ra mình đã vô nhầm nhà. Và người đang tức tưởi bên kia cánh cửa không phải vợ anh. Nhưng là ai trong những người đàn bà anh từng thoáng thấy, đã kịp làm quen hoặc chưa. Anh cố phân biệt đây là căn nào trong xóm, nhưng mắt anh cũng như phổi, đục ngầu thứ khói lau sậy gửi qua.
Hóa ra dưới mỗi mái nhà đều có những rấm rứt riêng. Ý nghĩ đó làm anh nhẹ người, khi lần dò trở ra, cố không gây thêm tiếng động nào. Chẳng phải anh sợ bị bắt gặp quả tang đang xâm nhập bất hợp pháp, chỉ là không muốn khêu tiếng khóc kia thêm cao ngọn.
Đám cháy bắt đầu tàn, chừng như lau sậy chẳng còn gì để cháy nữa. Khói vẫn một cách chậm rãi, xám đục giảm sắc độ dần, trả lại những hình khối của cây, mái nhà, cửa sổ. Nhưng người ta biết không phải tất cả đã chấm hết, bên dưới lớp đất nóng rực tro than, mà những bộ rễ vẫn tươi nguyên, thứ im lặng xa xôi vẫn khua vang sẵn sàng đâm chồi mới ngay khi cơn mưa đầu mùa tới.
Ngoài đường khói đang rút cạn dần, mang theo mới cay đắng mà mới khi nãy thôi còn nặng trong ngực anh. Đứng hít hà một hơi, anh nghĩ giờ trong nhà chắc đầy những tàn đóm đã nguội như chưa từng đỏ lửa. Và vợ anh có thể đang ngồi khóc, dĩ nhiên không phải kiểu nức nở thường tình của hầu hết đàn bà. Chị khóc bằng cái vẻ lặng im vang động của mình.
Im Lặng Còn Vang Im Lặng Còn Vang - Nguyễn Ngọc Tư