This will never be a civilized country until we expend more money for books than we do for chewing gum.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Tác giả: Alex Ferguson
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: sach123
Số chương: 14 - chưa đầy đủ
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1456 / 108
Cập nhật: 2019-05-14 10:22:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 : Van Nistelrooy
ột đêm tuyết rơi tháng Một năm 2010, tôi đang ở nhà và điện thoại thông báo tin nhắn: “Tôi không biết ngài còn nhớ đến tôi không, nhưng tôi cần gọi cho ngài”. Của Ruud van Nistelrooy. Tôi liền bảo với Cathy: “Chúa ơi, cái gì thế này? Cậu ấy đã rời câu lạc bộ bốn năm trước.” Bà ấy trả lời: “Cậu ấy suy nghĩ gì đây? Hay là cậu ấy muốn quay trở lại United.” Tôi không đồng ý: “Không thể nào, đừng ngốc nghếch vậy chứ.”
Không hiểu điều gì sẽ xảy ra nhưng tôi vẫn nhắn tin trả lời và đồng ý nói chuyện điện thoại. Đầu tiên là những chuyện nhỏ nhặt. Dính chấn thương, đã hồi phục, chưa được thi đấu… Rồi Ruud xin lỗi tôi vì thái độ không tốt của cậu ấy trong mùa giải cuối cùng ở United.
Tôi thích và luôn đánh giá cao những người đủ dũng khí để nói lời xin lỗi. Trong một nền văn hóa hiện đại, nơi mà chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, con người dường như quên mất từ “xin lỗi”. Các cầu thủ bây giờ được che chở bởi huấn luyện viên và câu lạc bộ, giới truyền thông, những người đại diện hay những lời khen đến từ những người bạn của mình. Bởi vậy, thật bất ngờ khi ai đó nhấc điện thoại lên và thừa nhận: “Tôi đã sai và tôi xin lỗi.”
Ruud không hề đưa ra bất cứ lời giải thích nào cho hành động của mình. Đáng lẽ, khi đó tôi cũng nên làm rõ vấn đề: “Tại sao chuyện giữa chúng ta lại xảy ra như vậy?”
Khi suy nghĩ về cuộc điện thoại này của Ruud, tôi biết chuyện vài câu lạc bộ ở giải Ngoại hạng muốn sở hữu cậu ấy, nhưng đó khó có thể là lí do để cậu ấy gọi điện nói lời xin lỗi. Ruud chẳng cần phải hàn gắn mối quan hệ với Manchester United chỉ để chơi cho đội bóng nào khác ở Premier League. Đó có lẽ là cảm giác tội lỗi, một cảm giác khiến cậu ấy trăn trở trong thời gian dài. Hơn nữa, tôi chắc chắn Ruud đã trưởng thành hơn rất nhiều ở thời điểm đó.
Dấu hiệu đầu tiên của những rắc rối trong mối quan hệ giữa chúng tôi là khi Ruud liên tục phàn nàn với Carlos Queiroz về Ronaldo. Hai bên còn lời qua tiếng lại nhưng mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Sau đó, Ruud ‘chuyển hướng’ sang Gary Neville, tuy nhiên Gary đã chuẩn bị tinh thần từ trước nên ‘giành chiến thắng’. Tiếp theo, Ruud lại gây sự với David Bellion. Tựu chung lại thì trong mùa giải cuối cùng tại Old Trafford, Ruud đã có một vài mối bất hòa với các đồng đội, chủ yếu là Ronaldo.
Vào cuối mùa giải 2004/2005, United chạm trán Arsenal trong trận Chung kết Cúp FA và đó là một trận đấu tệ hại của van Nistelrooy. Ngày thứ Tư trước đó, người đại diện của Ruud là Rodger Linse đến gặp mặt David Gill và thông báo cậu ấy muốn ra đi tìm bến đỗ mới.
David chỉ ra United sắp có một trận Chung kết vào thứ Bảy, thời điểm này có lẽ là không thích hợp để tiền đạo số một của chúng tôi ra đi. David muốn biết lý do tại sao Ruud đòi chia tay và Rodger Linse trả lời rằng thân chủ của ông nghĩ đội bóng đang bế tắc và không còn cơ hội giành chức vô địch Champions League. Quan điểm của Ruud là United không thể đoạt cúp châu Âu với của những cầu thủ trẻ, như Rooney hay Ronaldo.
Sau trận Chung kết, David gọi cho Rodger và đề nghị tổ chức một cuộc họp giữa Ruud và tôi. United vẫn nắm lợi thế lớn ở thời điểm này, khi mà Real Madrid hiển nhiên không chấp nhận trả 35 triệu bảng cho Ruud và tôi tin chắc đó là lí do giải thích việc Ruud muốn rời Old Trafford. Nếu Real không đặt lên bàn đàm phán 35 triệu bảng, cậu ấy chẳng cần đòi chuyển đi làm gì. Thực tế, Ruud muốn thương lượng để tìm ra mức giá mà chúng tôi cảm thấy phù hợp. Thật ngu ngốc!
Trong cuộc họp, Ruud thể hiện lập trường rõ ràng rằng cậu ấy không đủ kiên nhẫn đợi Rooney hay Ronaldo trưởng thành. Tôi thuyết phục: “Nhưng họ là những cầu thủ tuyệt vời. Cậu sẽ là người dẫn dắt và giúp đỡ họ.” Thế mà cậu ấy vẫn kiên quyết nói không.
Tôi tiếp tục: “Nghe này, chúng ta sẽ có những bản hợp đồng mới trong kì chuyển nhượng mùa hè để đưa đội bóng trở lại với đẳng cấp vốn có. Chúng ta không muốn thất bại ở những trận Chung kết hay giải vô địch quốc gia. Xây dựng đội bóng cần phải có sự kiên nhẫn, không chỉ từ tôi mà còn từ phía các cầu thủ. Và chúng ta sẽ trở thành một đội bóng xuất sắc.” Ruud đã bị thuyết phục trước lí lẽ của tôi và chúng tôi đi đến thống nhất.
Mùa giải 2005/2006, United chiêu mộ Vidic và Evra trong kì chuyển nhượng mùa đông. Chính hai bản hợp đồng này đã gián tiếp đưa Ruud vào cuộc tranh cãi lớn nhất với tôi trong suốt thời gian ở Old Trafford.
Ở đấu trường Cúp Liên đoàn, tôi đã liên tục sử dụng Louis Saha. Trước khi trận Chung kết diễn ra, tôi nói với Ruud: “Sẽ thật không công bằng nếu Saha phải ngồi ngoài. Tôi biết cậu rất muốn được thể hiện trong các trận Chung kết, và hy vọng tôi có thể tạo cơ hội cho cậu từ băng ghế dự bị.” United duy trì thế trận áp đảo và khả quan trước Wigan, tôi thầm nghĩ đây sẽ là cơ hội lý tưởng để Evra và Vidic nếm trải cảm giác của một trận đấu như thế này. Và đó là hai sự thay đổi người cuối cùng của tôi. Sau đấy, tôi quay sang Ruud và bảo: “Tôi sẽ để Evra và Vidic thi đấu trong thời gian còn lại và họ sẽ có cơ hội để tận hưởng cảm giác chiến thắng cùng Manchester United.”
Ruud chửi tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên được điều đó. Không thể tin nổi. Carlos Queiroz mắng cậu ấy. Bầu không khí trên băng ghế dự bị trở nên căng thẳng, các cầu thủ khác đều bảo Ruud hãy xem lại cách cư xử của mình.
Và đó là dấu chấm hết giữa cậu ấy và chúng tôi. Tôi hiểu rằng mối quan hệ này sẽ không thể hàn gắn được nữa. Sau vụ việc đó, thái độ của Ruud ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Trận đấu cuối cùng của mùa giải, United gặp Charlton và buộc phải giành chiến thắng. Saha phải ngồi ngoài vì chấn thương. Tuy nhiên, tôi cảm thấy mình cũng không thể lựa chọn Ruud cho đội hình xuất phát. Carlos đã đi đến phòng của Ruud và nói: “Chúng tôi sẽ không chọn cậu đâu, hãy về nhà đi. Chúng tôi không thể chấp nhận cái cách mà cậu đã cư xử trong thời gian qua.”
Khi ấy, bố của Ronaldo vừa qua đời. Trong tuần đó, Ruud đã phạm lỗi với Ronaldo trên sân tập và nói: “Giờ thì mày định làm gì? Đi kể với bố à?” Ý của Ruud là Carlos chứ không phải người bố thật sự của Ronaldo. Có lẽ Ruud còn chẳng cả nghĩ đến việc đó. Ronaldo rất bực tức và muốn lao vào Van Nistelrooy, còn Carlos thì vô cùng thất vọng với lời xúc phạm của Ruud. Carlos đã quan tâm đến Ronaldo rất nhiều bởi ông với Ronaldo là hai người đồng hương. Hơn nữa Ronaldo lúc đó vẫn còn trẻ và phải chịu một cú sốc lớn như vậy, ngoài Queiroz ra cậu ấy có thể trông chờ sự giúp đỡ từ ai đây?
Đó là một câu chuyện buồn, tôi không biết tại sao Ruud lại thay đổi đến vậy. Tôi không dám chắc liệu có phải cậu ấy cố tình làm như vậy để được rời khỏi Old Trafford hay không. Và tất nhiên điều đó cũng không thể giúp cậu ấy có được sự tôn trọng từ phía các đồng đội của mình.Thật đáng tiếc bởi Ruud sở hữu những con số thống kê đáng kinh ngạc tại Old Trafford. Cậu ấy là một trong những cây săn bàn hàng đầu trong lịch sử câu lạc bộ.
Những rắc rối bắt đầu nảy sinh sau mùa giải thứ hai của Ruud, khi cậu ấy chuẩn bị gia hạn hợp đồng. Cậu ấy đòi hỏi một điều khoản mua đứt: được phép chuyển đến Real Madrid nếu họ đưa ra mức giá đúng theo yêu cầu. Tôi đã cân nhắc về điều này trong một thời gian dài. Tôi phân vân nếu không chấp nhận điều khoản đó, Ruud sẽ không đặt bút kí vào bản hợp đồng. Ngược lại, nếu chấp thuận thì Ruud sẽ nắm quyền kiểm soát và chúng tôi có thể mất cậu ấy ngay ở mùa bóng tới.
Cuối cùng, tôi đồng ý và đề ra mức giá giải phóng là 35 triệu bảng, con số đủ để ngăn cản bất cứ kẻ nào, dù có là Real Madrid. Rồi tôi phân tích với David: “Nếu họ quay lại đây mùa giải tới và trả 35 triệu bảng, ít nhất thì chúng ta biết đã lãi 100 phần trăm. Nếu họ không quay lại, cậu ấy sẽ phải thi đấu thêm hai năm nữa, khi đó Ruud đã 29 tuổi rồi. Chúng ta hoàn toàn có thể để cậu ấy ra đi.” Nhưng, từ thời điểm đặt bút kí vào bản hợp đồng, Ruud đã thay đổi, một cách khó lường. Mùa giải cuối cùng, cậu ấy trở nên khó tính và không được mọi người yêu mến.
Em trai Martin của tôi từng chứng kiến Ruud thi đấu trong màu áo Heerenveen và khen ngợi: “Tôi thực sự thích chàng trai này, cậu ấy sẽ phù hợp với chúng ta.” Điều này đã thôi thúc tôi phải hành động nhanh chóng. Tuy nhiên, khi đến nơi chúng tôi lại nhận được tin không vui là Ruud đã kí hợp đồng với PSV từ một tháng trước. Tôi không tin tưởng lắm nhưng có vẻ đó là sự thật. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn để mắt đến Ruud và có được chữ ký của cậu ấy vào năm 2000.
Trong một kì nghỉ ngắn ngày ở Tây Ban Nha, khi các cầu thủ trở về làm nghĩa vụ cho đội tuyển quốc gia, tôi nhận được một tin dữ. Bác sĩ của chúng tôi thông báo rằng Ruud đã không thể vượt qua bài kiểm tra y tế. Cậu ấy dính phải chấn thương dây chằng nghiêm trọng. Tuy nhiên, phía PSV không đồng tình, khăng khăng cho rằng vấn đề ở dây chằng của cậu ấy không nặng tới mức ngăn cản Ruud kiểm tra y tế thành công. Cuối cùng, Mike Stone (bác sĩ của United – ND) từ chối kí hợp đồng với Ruud và chúng tôi trả cậu ấy về PSV. Đội bóng Hà Lan cho cậu ấy tập luyện trở lại và ghi hình những buổi tập đó giúp chúng tôi. Một lần tập luyện, Ruud lại dính chấn thương nặng ở đầu gối, bạn có thể chứng kiến những hình ảnh đó trên TV và thấy cậu ấy hét lên vì đau đớn. Chúng tôi phải làm gì đây?
Tôi đã nói với Martin Edwards rằng: “Những chấn thương kiểu này có thể chữa khỏi trong vài tháng nếu bạn gặp đúng người bác sĩ giỏi.”
Ruud sau đấy đã đến gặp bác sĩ Richard Steadman ở Colorado và phải nghỉ chơi bóng gần một năm. Cậu ấy trở lại cuối mùa bóng và sau khi chứng kiến màn trình diễn của Ruud trong trận đấu với Ajax, tôi quyết định tiếp tục ký hợp đồng với cậu ấy. Sự cơ động và tốc độ của cậu ấy không hề bị ảnh hưởng sau quãng thời gian dài điều trị. Mặc dù không phải là tiền đạo nhanh nhẹn nhất, nhưng Ruud có khả năng xử lý tình huống rất nhanh trong vòng cấm.
Tôi cũng đã đến thăm cậu ấy trong khoảng thời gian trị bệnh và nói rằng chúng tôi sẽ đưa cậu ấy đến Old Trafford bất kể những chấn thương này. Và tôi nghĩ đó là một thông điệp quan trọng với cậu ấy bởi van Nistelrooy của thời điểm đó chưa tích lũy đủ sự tự tin cần thiết. Lúc đó, Ruud chỉ là một gã nhà quê.
Van Nistelrooy là mẫu trung phong cắm điển hình kiểu Italy trong quá khứ. Đừng nói đến việc dốc cánh hay tắc bóng. Quay trở lại những năm 1960, Juventus sở hữu một chân sút tên là Pietro Anastasi. Ông ta đóng góp rất ít ỏi cho trận đấu, nhưng rồi lại bất thình lình ghi bàn mang về chiến thắng cho đội bóng. Ruud là một mẫu tiền đạo như vậy. Bạn để mặc cậu ấy hoạt động trong vòng cấm nhưng phải tạo cơ hội cho cậu ấy. Ruud là một sát thủ hoàn mỹ có khả năng kết thúc cơ hội hoàn hảo.
Thực chất, Ruud là một trong những tiền đạo ích kỷ nhất mà tôi từng biết. Cậu ấy ám ảnh bởi thành tích ghi bàn. Tư duy độc lập tác chiến đã giúp cậu ấy trở thành một sát thủ vòng cấm đúng nghĩa. Cậu ấy chẳng hề quan tâm việc xây dựng lối chơi hay số pha bứt tốc, số kilômét đã chạy trong trận đấu. Điều duy nhất mà cậu ấy chú ý đó là mình đã ghi được bao nhiêu bàn thắng.
So sánh giữa các chân sút tốt nhất của tôi (Andy Cole, Eric Cantona, Ruud Van Nistelrooy, Rooney) thì Ruud là người đạt hiệu suất cao nhất. Tuy nhiên, tôi lại đánh giá Solskjaer là cầu thủ có tố chất sát thủ tốt nhất. Ruud thỉnh thoảng ghi được những siêu phẩm nhưng đa phần những bàn thắng của cậu ấy đều trong vòng 5 mét 50 và chúng khá dễ dàng. Andy Cole cũng vậy, cậu ấy ít khi lập được những siêu phẩm mà thay vào đó là những pha áp sát, đưa chân, các tình huống đẩy bóng vào lưới trống. Kỹ năng dứt điểm của Solskjaer thì thật tuyệt vời. Khả năng suy nghĩ đã giúp cậu ấy phát huy những kĩ năng vốn có của mình. Ole có một bộ óc chuyên phân tích. Khi ở vị trí có thể sút, cậu ấy đã tính toán tất cả các phương án rồi. Ole không được thi đấu thường xuyên vì thể lực hạn chế của cậu ấy. Sau này cậu ấy có cải thiện được điều đó nhưng thực tình, Ole chỉ là một chàng trai trẻ mảnh khảnh trong những ngày đầu tiên tại đây.
Ole luôn ghi chép khi ngồi trên ghế dự bị hay trong các buổi tập. Vì vậy trước khi vào sân, cậu ấy đã phân tích kỹ càng đối thủ. Trận đấu mở ra đơn giản như một biểu đồ đối với Ole và cậu ấy biết cần phải di chuyển ở đâu, vào lúc nào.
Ole là một cầu thủ rất dễ mến và không bao giờ muốn tranh cãi với tôi. Sẽ không bao giờ có chuyện Ole đập cửa văn phòng tôi và yêu cầu có một suất đá chính. Cậu ấy hài lòng với vị trí của mình và nó đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Bởi nếu chúng tôi gặp khó khăn trong việc quyết định ai sẽ đá chính trong số ba tiền đạo còn lại, thì người thứ tư cần đóng vai trò hỗ trợ. Vì vậy, tôi chỉ cần giải quyết vấn đề với ba cái tên: Yorke, Cole và Sheringham.
Đầu tiên, tôi đã nghĩ rằng Ruud là sở hữu nhiều kỹ năng hơn nhưng thực tế trên sân thì không được như vậy. Tôi đã kì vọng cậu ấy sẽ làm việc chăm chỉ như những đồng đội khác. Nhiều thời điểm cậu ấy đã cố gắng nhưng cuối cùng phải thừa nhận cậu ấy không có thiên hướng một tiền đạo chăm chỉ. Ruud không được trời phú cho nền tảng thể lực sung mãn vì vậy kết quả của những bài kiểm tra thể lực của cậu ấy chưa bao giờ ở mức ấn tượng. Và bạn chỉ có thể biết rằng Ruud sẽ đưa bóng vào lưới nếu bạn có những tình huống kiến tạo chuẩn xác cho cậu ấy.
Những năm trước, chúng tôi đã để mất Eric Cantona, Teddy Sheringham cũng ra đi, Ole có vấn đề với đầu gối, Yorkie thì đã phần nào xao nhãng, chỉ còn Andy là vẫn còn duy trì được phong độ. Bạn có thể tin tưởng vào Andy Cole bất cứ lúc nào, nhưng khi đưa về Ruud thì tôi hiểu rằng tôi sẽ có vấn đề với Andy bởi cậu ấy luôn nghĩ rằng mình là trung phong cắm xuất sắc nhất thế giới. Tôi không phê phán điều này vì lòng tự tôn cá nhân là thứ hữu dụng với các cầu thủ. Dẫu vậy, Andy tỏ ra phật ý khi tôi bắt đầu xếp cậu ấy đá cặp với Ruud.
Andy Cole cũng đã từng bảy tỏ sự bất mãn khi Cantona còn ở sân Old Trafford. Đối tác ưng ý duy nhất của Andy chỉ có thể là Yorkie. Mùa giải 1998/1999 thực sự là thiên đường đối với chúng tôi khi mà sự hợp tác và tình bạn của hai người họ đã đạt đến tầm hiện tượng. Họ không hề biết nhau trước khi Yorkie đến với United nhưng họ cứ thế trở thành một cặp ăn ý không thể tách rời. Trong các buổi tập luyện họ luôn tập phối hợp cùng nhau, rất ít khi không hiểu ý nhau và hay có những pha đập nhả một-hai chính xác. Họ phối hợp với nhau rất nhuần nhuyễn và tôi nhớ hai người đã ghi tổng cộng 53 bàn.
Do Andy với Ruud không thể hòa hợp nên tôi đã quyết định bán Andy Cole cho Blackburn Rovers. Năm đó Andy mới hơn 30 tuổi. Tôi nghĩ United và cậu ấy đã có những khoảng thời gian tốt đẹp dành cho nhau. Chúng tôi kí hợp đồng với cậu ấy từ năm 1995 và đã có bảy mùa giải gắn bó rồi cuối cùng nhận được 6.5 triệu bảng từ Blackburn. Câu lạc bộ đã mua Andy từ Newcastle với mức giá 7 triệu bảng kèm theo Keith Gillespie, cầu thủ không đáng giá đến 1 triệu bảng, vì vậy câu lạc bộ đã gần như thu hồi cả vốn lẫn lãi. Không tồi một chút nào.
Một chân sút khác cũng gặp vấn đề với Ruud đó là Diego Forlan, một cầu thủ ưu tú. Ruud muốn trở thành chân sút số một, đó là bản năng của cậu ấy, còn Diego Forlan thì không hề hợp với vai trò hỗ trợ, thế nên sự kết hợp giữa hai người họ chỉ là con số không tròn trĩnh. Diego thường thể hiện tốt hơn khi có một đối tác trên hàng công. Nhưng cậu ấy thỉnh thoảng vẫn ghi những bàn thắng quan trọng, như cú đúp vào lưới Liverpool hay pha lập công ở phút cuối cùng trong trận đấu với Chelsea. Diego Forlan là một cầu thủ giỏi và thực sự chuyên nghiệp.
Diego còn có một người chị tàn tật sống ở Majorca và chăm sóc chị là trách nhiệm của cậu ấy. Tuy nhiên, chàng trai này vẫn luôn mỉm cười. Có thể nói năm thứ tiếng khác nhau. Một làn gió mới, nếu xét về mặt con người. Chúng tôi đã bán cậu ấy lấy 2 triệu bảng, quá rẻ. Nhưng với mức lương của Diego, không câu lạc bộ nào sẵn sàng trả cao hơn số tiền đó. Tiếp theo, chúng ta đều biết cậu ấy chuyển sang Atletico Madrid với mức giá 15 triệu bảng. Hồi ở United, cậu ấy có một thân hình đẹp và chắc chắn. Cậu ấy còn là một người chơi quần vợt rất giỏi, hoàn toàn có thể đi theo con đường chuyên nghiệp và đã phải cân nhắc giữa bóng đá và quần vợt. Tôi đã biết điều này khi Diego mới đến United. Trong giải đấu quần vợt nội bộ trước mùa giải, tôi thử đặt cược vào Diego. Tôi đã bảo với “nhà cái” Gary Neville rằng: “Tỉ lệ của Diego là bao nhiêu nhỉ?”
Gary tỏ vẻ hốt hoảng và hỏi lại: “Tại sao? Tại sao? Cậu ấy có thi đấu ư?”
Tôi đáp lại: “Làm sao mà tôi biết được? Sao cậu không hỏi cậu ấy?”
Nhưng dường như Gary đã đọc được ý nghĩ của tôi. Sẽ không có cuộc đặt cược nào cho Diego hết. Cậu ấy sẽ “làm thịt” tất cả những người còn lại.
“Thầy nghĩ chúng tôi ngốc nghếch lắm sao?” Neville hỏi.
Tôi cười: “Nó cũng đáng để thử đấy chứ, tôi đã hi vọng cậu đặt tỉ lệ một ăn mười!”
Hồi Ký Ferguson : Leading Hồi Ký Ferguson : Leading - Alex Ferguson Hồi Ký Ferguson : Leading