Reading well is one of the great pleasures that solitude can afford you.

Harold Bloom

 
 
 
 
 
Tác giả: Thảo Trường
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Saobien Organ
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 556 / 3
Cập nhật: 2014-12-02 17:50:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ông việc là công việc của con ở, ăn uống là ăn uống như con ở, ngủ dưới bếp như con ở, và, ông bà cũng có trả tiền trước một năm công làm cho bố mẹ cháu như là trả công cho con ở. Nhưng con bé luôn luôn được giới thiệu với mọi người là một đứa cháu ngọai, ông bà cưu mang đem về nuôi nấng, dạy dỗ, thương yêu.
Nó cũng thích được ở với ông bà, làm lụng có vất vả tất bật tối ngày nhưng được cái ăn uống ê hề, chỉ thức ăn dư thừa cũng đủ no bụng hơn là ở nhà. Mà ở nhà với bố mẹ thì cũng vẫn phải làm lụng khó nhọc lại chẳng đủ ăn. Cho nên nó rất là mãn nguyện được đi ở, đem về một món tiền cho bố mẹ nuôi các em.
Ông bà cháu là nhà giầu trong ấp này. Căn nhà gỗ lim năm gian, lợp ngói, có vườn rộng, có điện thắp sáng, có TV xem tin tức và video xem phim bộ. Ban ngày làm các công việc quét dọn lau chùi nhà cửa, rứa chén bát nồi niêu xoong chảo, giặt ủi áo quần, nghe mắng chửi, nhưng trong đầu nó vẫn cứ luần quần với những hình ảnh trên TV và trong các phim truyện Hồng-kông, Đài-loan...
Nó thoăn thoắt làm hết việc này tới việc khác để mong cho chóng đến tối được xem TV. Ông bà hay các cô cậu sai bảo việc gì con bé cũng nhanh nhẹn vâng lời làm ngay cho nên bà rất là hài lòng khen ngợi cháu ngoan. Ông ít khi sai bảo hay la rầy nhưng bà và cô út điều khiển cháu chạy như con cù suốt ngày.
Con bé là đứa dễ sai nên bà và cô út cũng không phải bận tâm về nó. Có lần nó nghe bà nói với cô út rằng "Mướn được nó dễ sai và chăm làm là may đấy, mày đừng chửi nó quá lỡ nó thôi không ở nữa thì chẳng kiếm ra ai như nó được đâu." Nghe lén được như thế nên nó cũng hài lòng và càng chăm chỉ hơn để được bà khen.
Buổi tối khi xong công việc, con bé chen vào ngồi dưới nền với lũ con nít hàng xóm nghếch mắt nhìn lên TV theo dõi hình ảnh trên đó cho đến lúc buồn ngủ rũ ra thì lần vào tấm ván ngựa ở nhà bếp làm một mạch cho đến sáng với những giấc mơ Hồng-kông và Đài-loan.
Hồi mới đến ở, nó cứ nghĩ mình là cháu yêu của ông bà thật nên rất tự nhiên ngồi lên chiếc ghế bành xem phim, ông không nói gì nhưng khi bà ra thì bà đuổi:
- Xuống dưới nền nhà ngồi với lũ chúng nó mà xem. Chân bẩn như chân... chó mà giám "thượng" lên ghế bành ngồi như bà... tướng.
Sau lần đó con bé sợ quá, cạch đến... già không giám trèo lên, bèn tối tối ngồi chen chúc nhập cuộc với lũ trẻ con hàng xóm sang xem nhờ. Thỉnh thoảng cũng có những xáo trộn gây ra do cô cậu tranh dành đòi xem kênh 7 hay kênh 9, đổi đài rồi lại đổi đài, hoặc là khi coi video thì cô cạu đòi xem phim Hồng-kông hay Đài-loan trước, đổi băng rồi lại đổi băng. Nhưng những xáo trộn tranh dành ấy cuả các cô cậu đều bị bà dập tắt ngay. Khi có bà ngồi xem trước máy thì kể cả ông chứ đừng nói đến các cô cậu, được quyền đòi hỏi theo sở thích. Bà đang coi phim đánh chưởng thì dù ông có muốn theo dõi trận túc cầu chung kết mondial cũng chẳng đươc. Bà nói:
- Đá bóng thì có cái gì hay ho mà phải coi. Tranh dành nhau một quả bóng đến lọi xương lọi tay, ích lợi gì...
Lúc ấy ông thở dài bước ra hàng hiên hút thuốc, lũ con nít thì phần đông là khoái coi phim với bà, bà bao giờ cũng là có lý và được lòng người.
Ông bà giầu vượt nổi lên trong ấp là nhờ bà làm ăn trúng mối. Bà có một năng khiếu nhạy cảm bén nhọn. Bà biết nắm thời cơ, biết tính toán hơn thiệt, biết nhìn xa trông rộng, biết quyết định đúng lúc. Bà giắt ông và mấy đứa con theo bén gót đoàn quân viễn chinh vào giải phóng Miền Nam, một miền đất mới có nhiều cơ hội làm giầu hơn là cứ lì mãi ở cái xứ Bắc còm cõi mòn mỏi với khoai sắn phân phối và tem phiếu định kỳ. Những đồng chí cách mạng tiên phong vào giải phóng trước thì tiếp thu những cơ quan trung ương trong thành phố, họ cư ngụ Ở những nơi nhà cao cửa rộng. Bà và ông chồng hiền lành của bà với lũ con trẻ dại đi sau thì tiếp thu ở ngoại thành vậy. Rồi sẽ tiến lên.
Lúc đầu bà tiếp thu được một căn nhà của thương phế binh thua trận. Lo cho chồng con có chỗ ăn ở xong bà lại theo đoàn quân chiến thắng viễn chinh sang giải phóng nước láng giềng, gọi là làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn thay đổi chế độ cộng sản chống ta thành chế độ cộng sản thân ta, cho nhà nước ta được an toàn. Chồng con bà cứ an nhiên sống ở căn nhà tiếp thu được trong làng thương phế binh ngoại thành, để cho bà rảnh tay xuất nhập đi tới đi lui như đi chợ sang nước láng giềng. Mấy năm sau thì bà đã làm được nhiều chuyến hàng xuất khẩu trầm hương qua biên giới bằng xe tải cuả quân đội nhân dân, đồng thời lại còn đẩy được đứa con gái lớn qua luôn biên giới Thái Lan xin được nhập cảnh vào nước Mỹ với tư cách là tị nạn chính trị chống lại chính sách cộng sản bạo tàn.
Bà tổ chức được một thệ thống thu mua gỗ trầm suốt dọc rừng rậm trường sơn, cũng là do các bộ đội cụ Hồ săn nhặt bán cho bà. Chính ra các anh bộ đội cũng chẳng biết gì về nghề "ngậm ngải tìm trầm" nhưng nhờ óc sáng tạo tài tình, thấy dân làm được thì các anh cũng làm được ngay. Có anh lại khỏi cần đi rừng, cứ đặt chốt trên những cửa rừng mà tịch thu là dễ dàng ngon ăn nhất. Rừng là tài sản của nhân dân, tài sản xã hội chủ nghiã là thiêng liêng không được xâm phạm, gỗ trầm lại là thứ tài sản quí cấm chỉ, không ai được tự ý lấy làm của riêng, cũng như mỏ vàng mỏ bạc mỏ dầu vậy. Kẻ nào lấy làm của riêng là ăn cắp, là phi pháp, là phạm tội. Bộ đội bắt được tịch thu hàng, bỏ tù người. Muốn khỏi ở tù hãy bỏ của chạy lấy người. Cãi lý với người cầm súng thì vùi thây nơi rừng già không về nữa.
Buôn gỗ trầm cũng là hành vi phạm pháp, đem bán ra nước ngoài tội còn nặng hơn, nhưng tất cả những việc làm đó, tìm trầm trong rừng sâu và chuyên chở sang Campuchia đều đã có các anh chiến sĩ làm cho bà. Bà cầm đầu một hệ thống thu mua và một đường giây chuyển lậu qui mô an toàn.
Bà lại có nhan sắc, khoé mắt viền môi của bà rất mời mọc, phải công nhận thế, cho nên bà giao tiếp với ai cũng được cảm tình. Có khi là anh anh em em, cũng có khi là chị chị em em, tùy đối tượng, tùy tuổi tác, tùy cấp bậc chức vụ, tùy tham mưu hay chính ủy, "phi vụ" nào cũng trót lọt dễ dàng như... húp cháo. Ăn chia đầy đủ và sòng phẳng, suốt mấy năm thành công tốt đẹp.
Ở Nam Vang bà ngụ tại khách sạn trung tâm thành phố đầy đủ tiện nghi, có bạn bè khách khứa ăn uống vui vầy, có nhảy đầm, tẩm quất, cho thư giãn cơ thể, nhưng khi về nhà với ông chồng thì bà mô tả công cuộc làm ăn buôn bán như là đi hành quân chống Mỹ cứu nước, đói khát, muỗi mòng, ngủ bờ ngủ bụi, trăm cay ngàn đắng... Ông chồng nghe kể và nhìn thấy tiền vàng bà kiếm được mang về thì cảm động lắm, ông càng phải đáp ứng tấm lòng hy sinh tận tụy của bà.
Cấy được một đứa con vào nước Mỹ, lại có mấy trăm cân vàng làm giầu, bà bèn mua căn nhà lớn có vườn rộng phía ngoài và bán lại căn nhà đã "hóa giá" trong làng phế binh chế độ cũ cho một phế binh chế độ mới.
Anh phế binh này bị mù hai mắt trong một chuyến hành quân viễn chinh nước bạn. Bà quen biết anh ta thời gian bà làm ăn kinh doanh gỗ trầm với nhóm bộ đội ở bên đó. Anh này là "chiến sĩ lái" nên cũng được chia chác một khoản, may là anh bị mù trước khi tổ chức bị đổ bể, cả lũ giắt nhau đi tù, riêng anh thoát nạn bèn về cư ngụ Ở chỗ gia đình bà.
Tổ chức bị bể vì một lý do lãng xe.t, mấy anh thượng úy có nhiều tiền sinh tật ăn chơi, cãi lộn nhau ở quán nhậu, một anh say sưa chửi thề nói toẹt ra những bí mật làm ăn, công an khu vực nghe được, tóm cổ đem về trình lên, điều tra lòi ra cả lũ. Bà cũng bị vào tù nhưng chỉ mấy năm sau bà ra trại sớm vì "bệnh án", vì bà có vàng, vì bà khôn lanh, vì bà "cải tạo tiến bộ". Mấy anh thượng úy chung vụ với bà còn ở lại học tập mút mùa.
Trong trại giam bà được tôn lên làm "nữ hoàng trầm hương" và là "trùm buôn lậu quốc tế". Bà ủng hộ trại một cây vàng để chuyên làm công tác giáo dục phụ trách nhà giữ trẻ, không phải đi cuốc đất, khỏi chân lấm tay bùn đầu tắt mặt tối. Số bà sướng cho nên vất vào chỗ nào bà cũng sướng. Hành quân cũng sướng. Ở tù cũng sướng. Số bà "vượng phu ích tử" cho nên chồng con bà cũng sung sướng theo.
Nữ chiến sĩ hậu cần của đoàn quân chiến thắng không những chỉ chiếm được Miền Nam, chiếm được Campuchia, bà còn... chiếm được cả ông sĩ quan chồng của một bà Việt kiều ở Mỹ. Ông sĩ quan cộng hòa ở tù cải tạo gặp "nữ hoàng trầm hương" vài lần là "say" luôn. Vợ con ông di tản sang Mỹ, ông bị kẹt lại, đi tù, lâu ngày, nhìn thấy "nữ hoàng" trắng trẻo, hấp dẫn, đôi mắt bà nhìn đi đâu cũng như là nhìn ông, cúi mặt xuống cười chúm chím mà cũng hình như là cười với ông. Thân hình mảnh mai mà sao hai vú bà thây lẩy, bà quay qua quay lại, ngẩng lên cúi xuống, đi, đứng, nằm, ngồi... cách gì cũng thấy nó thây lẩy. Chết người được. Đã vậy có lần gặp nhau ở sân trại giam, người nữ tù hình sự lại còn trách ông sĩ quan tù chính trị:
- Miền Nam đẹp thế mà anh không biết giữ đón em vào, để cho họ chiếm được lại còn bỏ tù cả hai, biết đến bao giờ mới ra.
Ông sĩ quan tù binh trách:
- Chính em vào giải phóng và tiếp thu rồi bắt tôi bỏ tù còn nói gì nữa.
- Em mà giải phóng cái gì, em chỉ đi "làm kinh tế" thôi. Em cũng đâu có muốn bỏ tù anh, nếu quyền bính trong tay em thì em đã giam giữ anh ở nhà em cơ. Vì không có quyền em mới tìm đường vào đây gặp anh. Khi nào ra tù ở với em nhá.
- Tôi mất tất cả rồi, ông Thiệu bảo thế, không còn gì, nhà cửa xe cộ tiền bạc... mất hết, làm sao bao bọc em.
- Còn. Anh vẫn là anh. Đâu có mất tất cả như tổng thống nói, ông sĩ quan cộng hòa ạ. Em có nhà có vàng, em sẽ bao bọc anh, coi như em bắt được anh làm... tù binh.
- Thế còn chồng em để ở đâu?
- Ra tù là em đốt. Vợ vắng nhà ông thần lẹo tẹo với mấy con "cái" trong đơn vị, con em nó lên thăm nói cho biết. Trước đây, hồi còn bé ở ngoài bắc em nghe nói trong nam có bà chế xăng đốt chồng phải không? Hết ý! Em sẽ trừng phạt kiểu đó.
- Rồi em đi tù nữa sao.
- Ờ nhỉ, thôi bỏ qua. Thây kệ. Ở chung. Em quản lý được cả hai. Em là cán bộ hậu cần xuất sắc có nhiều thành tích huân chương cao quí và giấy khen. Chỉ sợ anh đi Mỹ với vợ anh.
Rồi bà nháy mắt:
- Bắt được tù binh mà để sổng thì uổng lắm. Chiến thắng mất cả ý nghĩa. Phải giữ cho bằng được thì thắng lợi mới toàn diện và triệt để.
Không ngờ ít lâu sau ra trại hai người gặp nhau thật, "nữ hoàng" chạy chiếc xe cub của con gái lên Saigon tìm đến chỗ ông sĩ quan cựu tù chính trị tạm trú chờ xuất cảnh sang Mỹ. Họ Ở với nhau cách nhật, hai ngày gặp một lần. Bà khoe có người thợ tẩm quất mù điệu nghệ, và có lần còn chở anh ta lên đấm bóp cho ông. Anh mù ngồi phòng ngoài hút thuốc uống nước, chờ họ yêu nhau xong hiệp một thì vào xoa nắn cho hai người. Khi họ cảm thấy thư giãn lại mời anh mù ra phòng ngoài hút thuốc uống nước tiếp để họ yêu nhau hiệp hai.
Đến chiều bà lại chở anh phế binh cựu chiến sĩ lái về vùng ngoại ô, bà dúi vào tay anh tờ giấy xanh 10 đô, nói của ông khách trả công. Bà hậu cần bỏ tiền túi bao bọc cho người sĩ quan thất trận. Vợ con từ Mỹ gửi về cho ông mỗi tháng hai trăm, ông sĩ quan cũng đem ra tính bao gái nhưng bà nói ông giữ mà... tiêu vặt, tiền Việt kiều cho ông chỉ bằng tiền lẻ của bà cất giấu. Bà nói đùa "Nhân dân làm chủ. Em là nhân dân."
Bà cất dấu tiền và vàng ở một chỗ chỉ mình bà biết. Bà dấu chồng dấu con vì bà không tin ai. Bà sợ chồng biết sẽ đem cho gái. Bà sợ các con bà biết sẽ tiêu xài phung phí phá nát tài sản của bà. Có nhiều lúc bà cũng lo sợ nếu chẳng may bà gặp tai nạn thì rồi của cải ấy sẽ ra sao vì trên đời này không một ai biết chỗ cất dấu. Nhưng nỗi lo chồng con phá hại lớn hơn nỗi sợ tiền của mất hút. Cho đến khi bà bập phải người tình sĩ quan chế độ cũ thì đã có lúc bà định trao phó của cải bí mật ấy cho chàng! Đúng là đến cái lúc... ái tình nó làm cho bà hồn nhiên ngây thơ ra. Bà chưa chỉ chỗ bà giấu của cho chàng nhưng bà đã bất chợt đề nghị trả cho bà Việt kiều vợ của chàng một tỉ bạc tiền ta, tương đương với gần một trăm ngàn tiền Mỹ, nếu như bà ấy về đón chồng đi.
Bà nhìn người tình nhân nằm bên cạnh đang lim dim đôi mắt nhìn lên con nhện chăng tơ trên trần nhà. Đôi mắt chàng ôi chao sao mà quyến rũ mê hồn, bà chưa thấy đôi mắt nào có hấp lực với bà như thế. Bà chợt nhận ra rằng đôi mắt của chồng bà và cả những gì khác nữa của ông cũng đều... tầm thường không thể chịu được. Bà đã không nhìn ra những cái vô duyên của chồng. Cái mặt hô vô duyên, cái tóc bù xù vô duyên, cái tay khẳng khiu vô duyên, cái chân xương xẩu vô duyên, rồi cái đầu gối cục mịch trên cái chân đó cũng vô duyên luôn, đừng nói tới những cái ngón chân quê mùa, nước da tai tái quê mùa. Bà thấy chồng bà in hệt các anh lớn ở trên, từ bác cho đến các anh cả, anh hai, anh ba, anh tư, anh năm, anh sáu, anh bảy anh mười, anh nào cũng giống nhau tai tái, vô duyên Chỉ khác là họ trèo lên được chỗ cao mà ngồi mà hưởng, còn chồng bà suốt một đời làm anh đảng viên quèn, chuyên môn vỗ tay hoan hô phe ta và vung tay đả đảo phe địch, khư khư ôm cái hào quang "sự nghiệp cách mạng" và "quyền lợi chính trị" không tưởng. Phải chi chồng bà vung lên được, không bằng anh mười thì ít ra cũng ráng thành anh Đỗ 20 cho em thừa cơ "bên tầu có loạn", xây dựng sự nghiệp cho bằng các anh ấy. Không, người đảng viên chân chính chồng bà không phất lên được, không tỉnh ra được, thì bà phải trưởng thành trong gian nan khói lửa của cách mạng thôi.
Bà nghĩ mình may mắn thoát ra khỏi cái vỏ ốc mượn hồn ấy và kịp chụp giật được một khoản cụ thể cách mạng dấu đi làm của riêng. Chứ cứ như ông chồng của bà thì chỉ để cho lãnh đạo xử dụng làm tay sai, công cụ, quân cờ Chồng bà không biết chen chân lên làm anh lớn như các anh lớn để bà làm chị lớn quyền thế cho bõ với gian khổ hy sinh trường kỳ. Bà nghĩ không hiểu sao, thật không hiểu sao bấy lâu nay bà không nhận thấy nó như thế. Phải đợi đến bây giờ, đợi đến lúc "bắt gặp" đôi mắt chàng, đợi đến lúc tuổi sắp già bà mới nhận chân ra sự thể não nùng ấy!
Bà cũng tiếc cho bản thân mình, sao không vùng lên chơi bạo hơn nữa, sao bà chỉ có gan làm giầu mà không có gan làm lớn. Trách chi chồng bất lực. Chính bà cũng vẫn còn yếu đuối, chính bà cũng còn bị giới hạn trong vòng sợ hãi không giám bung ra cao hơn nữa.
Nhìn lại các anh lớn, có anh nào quá trình hơn vợ chồng bà đâu. Anh thì xuất thân là một tay hoạn lợn, anh thì làm bồi phòng dưới tầu thủy, anh cạo mủ cao su trong các đồn điền tây thuộc địa, anh thì đi ở thế mà các anh ấy nhảy lên ngôi vị đứng đầu cả nước, trong khi bà còn có đi học, còn là con gái Hà thành lại chịu lép cam phận xếp hàng ngay ngắn trong đội ngũ đảng viên mút mùa cho đến lúc bị họ gạt ra ngòai. Bài bản để trở thành nhà cách mạng lớn thì cũng chỉ là những khẩu hiệu phổ biến từ Liên sô sang đến Trung quốc, vào Việt nam sáng tạo bốc phét thêm nữa, chỉ cần nói năng sao cho hấp dẫn là ăn tiền. Các anh ấy đều leo lẻo thế cả. Chỉ tại mình không giám mà thôi. Nếu giám, biết đâu giờ này em đã%85 đón anh vào phủ chủ tịch.
Ông sĩ quan lắc đầu:
- Bà ấy không chịu đâu.
- Em trả giá thêm nữa.
- Em muốn mua anh à?
- Bao nhiêu em cũng mua. Người cộng sản phải dám nghĩ dám làm, giải quyết táo bạo.
- Nhưng anh biết vợ anh sẽ không bán.
- Một trăm ngàn đô la đâu có phải là ít.
- Anh ở tù lâu quá, xa cách xã hội lâu quá, nên bây giờ anh không còn biết được trị giá tiền tệ là bao nhiêu, nhưng anh biết được một điều là, vợ anh, bà ấy sẽ không bán chồng bán con.
- Tại sao? Tại sao anh biết? Tại sao bà ấy lại không... bán.
- Tại vì bà ấy... không mua.
- Em thấy là anh còn thiết tha với vợ anh lắm. Nhưng em cũng đã từng thấy anh thiết tha với em không vừa, nhiều lắm, mọi lúc, mọi nơi, mọi lần, cả bằng mắt anh nữa, nhìn vào mắt anh em thấy... tất cả ở trong đó.
- Mở cho anh lon bia. Châm cho anh điếu thuốc.
Bà mở tủ lạnh lấy lon bia, khui đưa ông, châm điếu thuốc hút một hơi nhẹ gắn vào môi ông. Xong bà nói:
- Ở lại với em anh sẽ làm chủ tất cả, em và của cải của em. Tất cả những thứ phi nghĩa.
- Nhưng cộng sản họ lại làm chủ anh.
- Không lo chuyện ấy. Tại các anh bị họ bỏ tù một lần nên anh nào cũng sợ, anh nào ra tù cũng chỉ mong chóng thoát ra nước ngoài. Như thế là chạy trốn. Anh đừng sợ gì cả. Với cộng sản nếu sợ là họ trấn áp, còn không sợ là họ cũng thua thôi. Em là... cộng sản em biết. Anh cứ ở lại yêu em chẳng ai làm gì được anh, không có đứa nào đụng được đến... lông chân anh. Chồng em cũng không làm gì được anh cho dù anh ta là đảng viên. Em tuy bị khai trừ nhưng em cũng đã từng là đảng viên, em bảo vệ cho anh, anh phải tin tưởng ở em, anh thân yêu ạ.
- Anh cũng rất muốn sống với em chứ.
Ông nói thế và cứ nghĩ đến nụ cười chúm chím mời gọi, đuôi mắt long lanh và nhất là hai vú thây lẩy. Người đàn bà sung sướng nhảy sà xuống chụp lên người ông. Thì ông lại bóp hai cái thây lẩy vậy. Điếu thuốc cháy rụi trên chiếc gạt tàn, lon bia sủi tăm không ai uống.
- Hay là em đi sang Mỹ với anh.
- Theo anh sang Mỹ cho vợ anh xé xác em ra à? Các bà vợ sĩ quan cộng hòa vẫn nổi tiếng là ghen ghê gớm.
Một lát bà nói tiếp:
- Phe cộng sản chúng em đã tạo ra được một thói quen làm cho tất cả thiên hạ đều phải sợ hãi. Đối phương sợ hãi đã đành mà chính ngay trong nội bộ cũng sợ hãi lẫn nhau. Thế thì tại sao lại không dùng cái uy tín sẵn có ấy mà xử sự. Bà ấy, vợ anh về đây chỉ cần hù nhẹ một tí là sợ hết hồn, bà nào cũng vậy, còn lòng dạ đâu mà ghen với tuông nữa, lo chuồn về Mỹ gấp. Nhưng nếu em sang Mỹ với anh thì chẳng khác nào nạp mạng cho các bà ấy làm thịt. Tan nát đời hoa là cái chắc. Em chẳng dại gì bỏ xứ mà đi. Ở đây tuy em bị khai trừ nhưng em đã biết hết các đòn phép, em rành rẽ các thứ "võ" cộng sản, em lại có nhiều tiền, em sống như bà hoàng, em chẳng tội gì phải đi đâu. Em đã có một đứa con là công dân Mỹ rồi thì em là mẹ của Mỹ chứ bộ. Em còn sắp làm bà ngọai của Mỹ con nữa cơ. Em cũng thích cái lối phét lác của anh sáu Thọ. Anh ta thường hay kể chuyện trả lời bốp chát Kissinger cứ y như chơi trò trạng Quỳnh trả lời sứ Tầu. Khi anh ta nói chuyện với Kissinger về việc dạy ở đại học Havard, Kissinger hỏi Thọ có bằng tiến sĩ không, "anh lớn" bèn nói không có bằng tiến sĩ nhưng là bố của tiến sĩ, chả hiểu tình tiết có thật như thế hay đi xa về bịa chuyện phét lác, nhưng bọn đảng viên chúng em thì rất khóai cái giai thọai học tập chính trị này. Em nghe miết những chuyện như thế nhiều rồi, em đã quen thân mất nết. Các "anh lớn" bị bệnh huyễn hoặc hoang tưởng truyền cho đảng viên chúng em, nay bị di căn, cả bầy bây giờ sống và nghĩ và hành động như một lũ âm binh ma trơi quỉ ám không hồn. Nên em cũng phải khoe với anh rằng các cháu của em cũng sẽ đậu tiến sĩ của Mỹ chứ không phải phó tiến sĩ Liên sô và em cũng sẽ là bà ngoại của tiến sĩ như các "anh lớn" trên trung ương vậy. Anh nên ở lại đây với em, anh mà ở lại đây thì em sẽ cung phụng anh theo tiêu chuẩn Trung Ương Đảng, còn hơn cả tiêu chuẩn hưởng thụ của các đồng chí trong Bộ Chính Trị nữa cơ. Chúng ta sẽ là Trung Ương Đảng và là ông bà ngọai của các cu tý tiến sĩ thời đại. Anh yêu. Ở lại quê hương đi tù cộng sản chúng ta khổ như chó, sang Mỹ tuy không khổ nhưng anh cũng sẽ không sung sướng bằng chó, em nghe nói vậy có đúng thế không anh? Ở lại đây với em, chúng ta sẽ có kẻ hầu người hạ, chi ra tí tiền là có quyền sai bảo người khác. Sang Mỹ anh sẽ phải hầu người ta, nghe anh phải đi hầu thiên hạ em sót sa cả cõi lòng. Người ta nói đàn bà sang Mỹ thì sướng chứ đàn ông sang Mỹ khổ lắm phải không anh?
Ong cựu tù ngồi nghe mà cứ nghệt người ra không nói gì được, chi bằng thì hãy cứ hưởng cái tiêu chuẩn sẵn có này đã. Ong chậm rãi than thở:
- Anh là kẻ thất trận. Anh không biết gì đến cái tiêu chuẩn trung ương hay địa phương. Kẻ thất trận chỉ phải ân hận nghĩ đến những nỗi đau khổ của những người đã lỡ theo phe mình trong cuộc chiến và những oán trách của những người đã lỡ kỳ vọng chờ đợi cái ngày được phe mình giải phóng không bao giờ xảy ra.
Người đàn bà rên rỉ:
- Tội nghiệp cưng của em! Anh không bao giờ thua trận cả.
Một lần nghỉ giải lao, người đàn bà đặt hai chân người đàn ông trên đùi mình tỉ mỉ cắt móng chân cho chàng.
- Ngón chân anh cũng... đẹp.
- Hai chân hai tay này đã từng lội bùn bốc phân trong các trại tù...
- Thôi, quên đi, đừng nhắc đến những thứ đó nữa. Em cũng đã từng bị cuốn hút vào cái phong trào lội bùn bốc phân như toàn quân toàn dân ngàn lần anh hùng. Giờ đây những chân những tay này đã được đảng cử em săn sóc... thì còn oán trách nỗi gì.
Nói rồi bà cúi xuống mút từng ngón chân người tình, áp má bà vào gan bàn chân, bà thì thầm với cái chân đã ngâm bùn ấy:
- Ôi, không hiểu tại sao em lại thay đổi đến thế. Em chưa bao giờ làm thế này với chồng hay với bất cứ ai khác... Nhưng em bất cần, từ nay em từ bỏ hết, em bỏ đảng, em bỏ sự nghiệp, em bỏ chồng, bỏ tất cả để yêu anh. Anh có yêu em không? Yêu em theo kiểu cộng hòa đi anh. Các anh gọi thế này là "vác cầy qua núi" phải không? Em đang "vác cầy qua núi" à? Hay gọi là "nín thở qua sông"? Em đang nín thở muốn đứt hơi nè Anh ơi!
- Thế nào là yêu kiểu cộng hoà và thế nào là yêu kiểu cộng sản hả em. Hồi bị tù ở Vĩnh Phú anh nghe công an quản giáo họ đọc thơ cho nhau nghe:
"Mò l... bóp vú bốn hào hai,"
"Vuốt tóc sờ vai hai hào mốt."
Nấc thang gía cả gấp đôi như thế là nghĩa lý gì?
Bà đấm thùm thụp vào lưng người tình:
- Anh không được nói những câu tục tĩu của tụi nham nhở đó. Chúng nó nói chuyện đi chơi nhà thổ đấy.
- Hồi đó sao rẻ vậy, tiêu tiền xu tiền hào thôi à?
- Dạ. Gíá gạo được nhà nước ấn định suốt thời kỳ 54-75 bằng mấy hào một cân cho nên gía các thứ hàng họ khác đều theo cái mức đó cả. Mọi thứ đều do nhà nước quản lý cho nên nhà nước định giá bao nhiêu là cứ bây nhiêu thôi, không lên xuống trồi sụt bao giờ.
Ong cựu sĩ quan nhớ ra:
- Thảo nào linh mục Cần ở Saigon đọc sách báo của miền Bắc thấy giá cả ổn định bèn viết báo Đối Diện tấm tắc khen ông Hồ giỏi làm kinh tế tài chánh, trong chiến tranh mà giữ được gíá gạo đứng vững mười mấy năm, không bị suy thóai như gía cả của thị trường tự do. Thế mới khiếp chứ!
- Anh nói gì khiếp?
- À, không. Anh nhớ lại chuyện cũ. Thôi, bỏ qua. Trở lại chuyện bây giờ. Anh cũng đâu có đòi hỏi em làm như thế này cho anh.
- Tại em muốn thế. Tự nhiên em muốn thế. Em điên rồi. Em u mê tối tăm rồi. Hay là em đã giác ngộ rồi. Em đã bừng tỉnh tìm thấy tình yêu nơi anh. Em muốn giữ lấy anh mãi mãi. Em chỉ muốn làm cho anh sung sướng.
- Làm gì có... tình yêu trên cõi đời này hả em. Chỉ có khoai sắn và bạo tàn. Chỉ có thể xác và quyền lực.
- Thế bây giờ là cái gì? Hai ta ở với nhau lúc này là cái gì?
- Anh cũng không biết nó là cái gì nữa. Anh đã bị dấn xuống đến tận cùng hố thẳm, bây giờ trồi lên, cũng không biết rồi sẽ ra sao, bởi vì mọi sự đều đã đi quá xa, mọi thứ đều đã quá trễ, anh như một kẻ lạc hậu, anh tụt lại phía sau của lịch sử vì anh vắng mặt bấy lâu... Gặp em cưu mang, em cho anh các thứ, trong chốc lát, nhưng thử hỏi được bao lâu, bởi vì chính em cũng không làm chủ được em cơ mà, em cũng chỉ là người sống tạm bợ...
- Em không cần biết những điều ấy. Em có một số của cải cất dấu đủ xài suốt đời và đủ bao bọc cho anh suốt đời, em không cần gì khác nữa, em không muốn biết gì khác nữa. Em có một kinh nghiệm sống vỏn vẹn như thế. Anh đừng thèm nghĩ ngợi gì lôi thôi. Hãy nằm yên cho em ăn tươi. Cái gì xài được là xài liền. An tươi được là ăn tươi ngay không để dành phơi khô. Cái gì chụp dựt được là phải chụp ngay, cái gì cất dấu được cho mình là cất dấu ngay làm của riêng tắp lự. Không "oong đơ" gì cả!
Ông sĩ quan cựu tù nói:
- Không có gì là chính nghĩa hay phi nghĩa. Không có gì phải cần nghị quyết hay thông điệp.
Nàng cựu đảng viên nói:
- Dạ. Tình yêu chỉ cần cật lực hay thục mạng....
Trả người mù về nhà anh ta xong, bà về nhà bà. Chồng bà cũng vừa từ kho quân nhu Quân khu 7 về tới. Bà cảm thấy hài lòng, trong ngày bà đã quản lý được cả hai chế độ. Ăn khớp.
Ông sĩ quan cộng hòa lâu ngày thiếu thốn nay vớ được quá đã, ngủ lăn quay ngày sau mới dậy nổi. Chưa lại sức thì ngày hôm sau nữa đã tới, người tình lên thăm. Quay vòng. Cứ thế. Ít lâu sau ngã bệnh xanh xao vàng vọt, sợ quá ông trốn luôn. Ông nghiệm ra rằng khi ở trong tù khát khao mòn mỏi quá nên ai cũng tưởng mình sung sức, mong ngày về sẽ biểu diễn những tuyệt chiêu đã nghiền ngẫm trong đầu bấy lâu cho đời biết quốc gia là gì. Ai ngờ sức tàn lực kiệt. Ngày tàn bạo chúa. Thời oanh liệt nay còn đâu. Tháng năm lao tù đằng đẵng đã xói mòn hết tất cả sức lực con người. Một người cháu thấy vậy can:
- Chú phải giữ gìn sức khoẻ. Cái máy xe bỏ phế lâu ngày, cũ kỹ, nay chạy quá tải là tan hoang ngay.
Chú cháu cười với nhau thông cảm. Nhưng chỉ tuần lễ sau lại sức, ông chú quên mất lời cháu dặn nhớ cái thân hình có cặp vú thây lẩy bèn tìm lên nhà bà ta. Họ lại dính vào với nhau những khi ông chồng mải loay hoay làm việc trong kho quân nhu.
Chiều xuống ông chồng sắp về thì ông nhân tình rút lui vào thành phố. Hình như ông sĩ quan quen tật đánh giặc kiểu xưa, ngày làm đêm nghỉ. Cứ thế. Nhưng nhịp gặp có thưa hơn, có khi ba, bốn ngày một lần. Dù sao thì cũng phải lượng sức mình, bảo tồn lực lượng, theo lời khuyên của thằng cháu hiểu đời. Ai nhớ ai thì đi tìm, hoặc ở căn nhà năm gian trong vườn cây ngoại thành, hoặc ở căn phòng máy lạnh trong thành phố.
Bà chị cả thấy ông em giao du với nữ việt cộng từ ngoài Bắc vào thì lo ngại, bà sợ em mình vừa đi tù về bị "địch vận" nó mê hoặc, nó "gài bẫy", nó "mỹ nhân kế" Bà sai các con đi tìm "chú mày về đây cho tao bảo". Bà giữ chặt em ở nhà không cho đi đâu, "Gửi fax cho thím mày về mà đem "cục cưng" đi càng sớm càng tốt kẻo việt cộng nó chiếm mất". Một cuộc giằng co quốc cộng? Ngưới cháu nheo mắt nói với ông chú:
- Thiếu thốn lâu ngày, chú cứ từ từ, nhẩn nha, vừa phải, đúng mức mà hưởng... di sản chiến tranh, không có Việt Cộng nào đâu, đừng nghe lời mẹ cháu nói mà hãy đề phòng bà thím về đánh ghen!
Rồi nó hỏi:
- Chú lắm "đào" qúa, dễ thường gom lại cũng được cả tấn!
Thế là ông cựu tù binh cứ lén lút trốn gia đình đi với gái. Người nữ cựu tù hình sự cũng trốn chồng đi với trai. Đôi "gian phu dâm phụ" mút mùa hậu chiến....
Anh cựu chiến sĩ lái đã từng được các tay "tẩm quất quốc tế " bên Campuchia đấm bóp cho nhiều lần thời gian anh làm "nghĩa vụ" bên đó cho nên anh biết hết các ngón nghề của "khoa" trị liệu. Về làng phế binh găp lại nhau, anh ta bèn hành nghề tẩm quất mà người thường xuyên anh ta phục vụ là bà.
Về sau anh gá nghĩa với một goá phụ trong làng. Chị trước đây là vợ của một phế binh chế độ cũ, nhưng chồng chị đã không sống nổi vì chế độ cũ sụp đổ mất hết trợ cấp sinh sống và thuốc men, anh qua đời để lại người vợ goá bụa cô đơn trong cái "xã hội xã hội chủ nghĩa" rất lạ lẫm và hoang tưởng đối với chị.
Chị lần lượt bị đầy ải ở các nông trường trồng dứa ở Cầu Sáng, Đức Hòa, rồi sau bị điều lên đào kinh dẫn nước Củ Chi. Ở vùng đất phèn gai dứa đã ghim không biết cơ man nào vào hai bàn tay của chị. Ở vùng đất trắng sỏi đá Củ Chi hai bàn tay ấy lại một lần nữa chai cứng bởi cuốc, xẻng, quang, sọt... Nhưng rồi cuối cùng những hoang tưởng kinh tế của nhà cầm quyền mộng du cũng đến lúc phải rã ra, vùng đất phèn lại trở về hoang phế, con kinh dẫn nước bị cỏ lác lau sậy mọc lên che phủ. "Lãnh đạo" tứ tán khắp nơi tìm đến những chỗ hoang tưởng khác và những nô lệ được buông tha. Chị bèn tìm về chốn cũ sống lang thang vật vờ.
Khi chị thấy anh mù quơ quơ cái gậy đi ngoài đường miệng rống lên rao "tẩm quất đây" bèn hỏi chuyện, biết là phế binh mới, chị bèn nảy ra ý định làm ăn chung, chị sẽ dẫn anh đi hành nghề. Anh lo phần đấm bóp cho khách, chị lo về phần sáng. Hai kẻ khốn cùng thành một công ty, một liên minh, một hợp tác, một cộng đồng, một hoà hợp thách đố giữa cái xã hội loài người nhiễu nhương khốn khổ... Chị lại dọn về ở căn nhà trước kia của chồng chị bị cách mạng tiếp thu, mà nay là nhà của anh bộ đội mù mua được bằng tiền toa rập buôn lậu gỗ trầm.
Trong căn nhà một gian lợp tôn vách gỗ cũ kỹ trải qua bao nhiêu đổi thay điên đảo ở vùng ven đô, bây giờ đã có một gia đình mới. Hai người bàn với nhau muốn khá phải "tiến" về Saigon. Chiều chiều người ta thấy một người đàn bà giắt một người đàn ông mù lên xe đò vào thành phố. Họ tìm đến các khách sạn có Việt kiều để xin được đấm bóp.
Ngày đầu tiên anh thợ đấm bóp cứ thành thật khai ra với khách hàng từ nước ngoài về anh là thương binh bộ đội cấp 3 tàn phế, thấy vẻ mặt ông khách có vẻ không hài lòng, người đàn bà sáng mắt nhận ra ngay tình thế bất thuận lợi bèn kéo anh ra một chỗ vắng "nhất trí" với anh về lập trường chính trị mới cho phù hợp với công cuộc kinh doanh kinh tế thị trường. Với những tay công an và bảo vệ thì đưa nhãn hiệu thương binh cụ Hồ ra cho dễ bề ra vào khách sạn. Nhưng với khách hàng Việt kiều thì anh phải là cựu chiến binh Quân lực Viện Nam Cộng Hòa, thương binh mức độ tàn phế 100%, anh hãy cứ ngậm miệng chăm chỉ đấm bóp xoa nắn, để cho chị lãnh trách nhiệm mộ tả chân dung người thương binh chế độ cũ.
"Mùa đông đã đến đây rồi, cùng nhau đan áo cho người chiến binh... ", "... Anh trở về trên chiếc băng ca, trên trực thăng sơn mầu tang trắng... anh trở về bại tướng cụt chân", hay là "... Dạo phố mùa xuân, bên người yêu tật nguyền chai đá... " Chị cám ơn các vị nhạc sĩ đã giúp cho chị lõm bõm hát những câu ca nổi tiếng một thời. Không còn gì, không còn gì là trợ cấp tử tuất, không còn gì là trợ cấp thương phế binh cô nhi quả phụ, không còn gì là niềm hy vọng, không còn gì là niềm tin chế độ, không còn gì và không còn chỗ nào cho chị nương tựa, chỉ còn lõm bõm những câu hát để lợi dụng làm kế sinh nhai.
Chị cũng lõm bõm tí hiểu biết về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từ các binh chủng, các đại đơn vị, các Quân y viện, đến các sinh hoạt biến chuyển chiến sự trong vùng chồng cũ của chị đánh giặc, bị thương và những năm tháng cuối cùng trước khi... mất nước. Anh là bộ đội thì anh lo đối phó với quân đội và công an nhân dân. Chị là gia đình binh sĩ Cộng hòa thì để chị liên đới với Việt kiều về thăm quê hương...
Mục đích cao nhất của chung hai người là kiếm được càng nhiều tiền Mỹ càng tốt. Cuộc làm ăn dựa trên cơ sở "đầu vào" của lợi nhuận. Cứ như thế chiều chiều dắt nhau tiến về Saigòn, nửa đêm hai kẻ hiệp thương lại dắt nhau lui về căn cứ ở ngoại ô với một túi tiền và thức ăn, hàng hóa lặt vặt mang nhãn hiệu nước ngoài của những vị khách tốt bụng. Hai người ăn uống no nê, tắm rửa rồi ôm nhau ngủ cho đến trưa ngày hôm sau mới trở dậy để sửa soạn một ngày mới.
Căn nhà lợp tôn một gian được ngăn ra làm hai, phần ngoài có cái bàn và bốn ghế gỗ gọi là phòng khách, phần trong kê chiếc giường gỗ trải chiếu gọi là phòng ngủ. Phía sau nhà cách một ô sân nhỏ đến gian bếp một mái. Ô sân nhỏ có thùng chứa nước để tắm rửa. Ngày xưa mỗi lần tắm chị phải đóng cửa ngăn cách với nhà trên vì chị e thẹn với chồng, bây giờ chị có thể để ngỏ cái cửa ấy khi tắm vì chị biết người chồng mới không nhìn thấy chị. Chị thoải mái khỏa thân xối nước mà không hề cảm thấy bị nhìn ngắm. Chị tự do, ôi chao, sư tự do sao mà giản dị và dễ dàng thế. Chỉ cần đứng trước người mù. Nhưng chị lại thấy tiếc thương cho người chồng đã qua đời, có sao đâu mà ngày ấy chị phải e thẹn với anh, chị đã không cho anh nhìn chị khi tắm. Cũng tại một lần anh cười chúm chím khi thấy chị cởi áo, chỉ có thế thôi mà chị đã phải trốn tránh nụ cười của anh. Bây giờ nếu anh còn sống chị có thể cho anh nhìn mãn nhãn. Nhưng mọi sự đã qua rồi. Không còn có thể lấy lại cái đã mất. Với người chồng hiện tại, chị có cởi hết đứng trước mặt anh thì anh cũng dửng dưng không biết gì. Anh có thể "thấy" bằng tay anh nhưng anh chẳng thể "nhìn" bằng mắt để mà cười chúm chím. Có lần anh đứng ngay cửa xuống bếp, tai anh hơi vểnh lên nghe ngóng tiếng nước xối trên thân thể chị. Chị thấy anh đang "nghe" chị khỏa thân.
Anh phế binh mù có lần hỏi:
- Em trắng bóc, vàng vàng, hay ngăm ngăm...?
- Anh cần gì phải biết?
- Tôi muốn được biết. Tôi có thể hình dung ra cơ thể cuả em nhờ hai bàn tay xoa bóp rành nghề này, nhưng tôi chịu thua chẳng thể hình dung ra em nhan sắc thế nào.
- Biết cũng chẳng ích lợi gì. Có những điều thà đừng biết lại tốt hơn là biết rõ.
- Cái bà "nữ hoàng trầm hương" tôi đã biết từ ngày tôi chưa bị mù, cho nên sau này tẩm quất cho bà ấy tôi đều như đã thuộc lòng tất cả. Còn với em, tôi cố gắng hết sức mình cũng vẫn thấy chưa bao giờ nhập được vào trong em và cũng chưa bao giờ cảm thấy được là em đã chìm vào trong tôi.
Người đàn bà thấy cần phải khuyến bảo anh ta một điều:
- Đừng bao giờ đem chuyện "ấy" với người này kể cho một người khác nghe. Nếu anh đem chuyện bà ta ra nói cho người khác nghe là anh đã mắc sai lầm trầm trọng. Đó là cung cách của những người tồi.
Người thợ tẩm quất ngồi thừ ra một lát mới nói nên lời:
- Tôi xin lỗi em. Tôi tồi thật. Nhưng tôi phải thú nhận rằng tôi bồn chồn quá. Tôi bây giờ có ăn no, có tiền xài, lại có em, nhưng tôi thấy rõ ràng là tôi như kẻ chẳng có gì hết vì tôi chẳng nhìn thấy em như thế nào.
Người đàn bà an ủi anh ta:
- Tôi hiểu và tôi thông cảm với anh. Anh là người thứ hai trong đời tôi. Kể từ ngày chồng tôi bị thương chứ không phải từ ngày anh ấy mất, tôi đã không biết tới chuyện như thế này, bây giờ với anh, tôi nhớ lại, và tôi công nhận là anh đã làm đầy đủ phần việc của anh, cho dù anh không thấy đường.
- Tôi mang ơn em, không có em tôi sẽ chẳng biết lối nào mà lần mò.
- Anh đừng nói thế, anh còn có chính sách lo cho anh, chứ tôi đây này, chế độ sụp đổ, nhà cấp bị tiếp thu, chồng chết, tứ cố vô thân, không còn chỗ nào để nương tựa...
- Thôi, em đừng nói thế, em cũng đừng nhắc tới chính sách, tất cả chỉ là số không trống rỗng, không có chính sách nào cho chúng ta tiền bạc và thức ăn, không có chính sách nào đêm đêm ôm ấp chúng ta trong giấc ngủ. Chính em là "chính sách" cho tôi. Nghĩ cho cùng kỳ lý thì không có chế độ nào cung cấp được vợ cho một người đàn ông, chồng cho một người đàn bà.
Một lần nữa chị thấy lại cần phải nói lại với anh cho rõ:
- Khoan nói đến tình nghĩa vợ chồng. Hãy cứ hợp tác cái đã. Coi đây như sống chung hòa bình. Người cộng sản các anh có câu nói "góp gạo nấu cơm chung", phải thế không? Đêm đêm ôm nhau ngủ cũng là một cách "góp gạo nấu cơm chung" mà thôi được chăng?
Anh thợ tẩm quất khóc rống lên:
- Thế là sẽ có ngày em bỏ tôi. Em sáng mắt đi đâu cũng được, sẽ có ngày em bỏ tôi mà đi. Có phải thế không? Còn tôi, một kẻ thông manh, không còn có thể nhìn thấy gì nữa, tôi không thể bỏ em để đi đâu được nữa. Tôi cần em trong tất cả mọi việc, kể cả cái việc người ta lần mò trong đêm tối cũng xong, nhưng tôi không thể làm được việc đó nếu không có em nằm bên. Sau mỗi lần... với em xong tôi sung sướng, em có biết thế không. Em mà bỏ tôi em đi là tôi tuyệt vọng đến tận cùng. Cái thằng bác Hồ mà trước kia tôi vẫn rêu rao muôn vàn kính yêu cũng chẳng giúp gì được cho tôi cả. Chỉ có em. Chỉ còn có em. Em hiện xuống đời tôi như ánh chớp, tôi bất chợt có được em, nay nếu em biến đi thì tôi sẽ ra sao? Tôi sẽ ra sao đây hở trời?
- Chưa có gì trầm trọng cả. Chưa nên nói đến những tiếng "bỏ đi". Anh sao quá nông nổi. Đã có gì đâu mà anh phải khóc òa lên như thế. Chúng ta không còn con nít để lãng mạn. Chúng ta đã trưởng thành, riêng tôi đã gặp qúa nhiều nghiệt ngã, đã mất tất cả, cho nên tôi bình thản để sống, tôi biết phải biết phải quấy với cuộc đời cho dù cuộc đời có tàn nhẫn với tôi, tôi không chơi xấu với ai, tôi không bỏ ai nếu như họ không bỏ tôi...
- Tôi đâu dại gì mà bỏ em...
- Ở đây không phải là chuyện khôn dại. Ở đây là chuyện đúng sai. Khi nào người ta thấy sai sẽ tìm cách thay đổi. Biết đâu một ngày nào đó có người chợt thấy mình sai lầm.
- Tôi sẽ không bao giờ nghĩ là mình đã sai lầm. Tôi biết rõ ràng là mình mù mắt. Tôi đã lê lết khắp đó đây nhưng nào có ai đưa tay ra giắt. Chỉ khi gặp em. Chỉ có em đưa tay ra giắt tôi, không phải một lần, mà là đã nhiều ngày qua. Em đã giắt tôi ở nhà, ngoài đường, lên xe, giắt đi, giắt về. Em đã giắt tôi ban ngày, em cũng giắt tôi ban đêm, em giắt tôi trong phòng tắm, em giắt tay tôi trên giường. Còn gì nữa mà đòi hỏi, em đã giắt tay tôi đi trong cuộc đời, em là người tổ chức mọi thắng lợi...
- Chính vì thế, chính vì tôi tận tình làm hết mọi công việc, ngay cả ở trên giường tôi cũng thường giúp một tay cho anh lắp ráp, tôi sẵn sàng làm hết, ngoại trừ việc đấm bóp cho khách hàng... mà có thể một lúc nào đó anh sẽ nhận ra rằng tôi đã bám vào anh để sống, thấy anh là cái kho tiền nên tôi vồ lấy khai thác. Có thể nghi ngờ như thế chứ? Biết đâu đấy. Dù sao thì anh cũng là phe thắng trận. Dù sao thì tôi cũng là phe bại trận. Có đúng không nào. Thế thì biết đâu đấy con người thắng trận bất chợt nổi dậy dành quyền làm chủ. Và cũng có thể biết đâu đấy con người bại trận bất chợt mủi lòng tìm cách rút lui. Anh sẽ nhận ra khi ăn nằm với nhau tôi cũng đã rướn người lên hùa với anh, tôi cũng đã hưởng được khóai cảm, tôi đã nhờ có anh mà được sung sướng. Không cần mắt nhìn, chỉ với hai bàn tay và cơ thể cường tráng, anh đã là một người đàn ông cực kỳ sung mãn. Anh tung hoành trên thân thể tôi. Anh đã đưa đẩy tôi đi, anh đã dẫn dắt tôi đến, những khi ấy lại chính người mù dẫn dắt kẻ sáng, anh đã nhiều lần đem tôi đến tận cùng trời cuối đất. Và anh sẽ thấy rằng tuy mù nhưng anh vẫn là kẻ có thế, anh vẫn là kẻ cho đi chứ không phải chỉ là kẻ nhận về. Rồi sao. Rồi sự gì sẽ xảy ra. Ai mà biết được. Cho nên tôi mới nói, hãy chỉ là những kẻ hợp tác, hãy chỉ là những kẻ hùn hạp, nói theo thời thượng chúng ta hãy chỉ là những kẻ sống chung hòa bình với nhau. Cái đã. Rồi thời gian sẽ đưa ta đi. Đừng vội. Hỡi anh thương binh yêu quí và tội nghiệp.
Người mù khóc lóc mùi mẫn như trẻ thơ, anh ta rúc vào cổ vào ngực vào bụng người đàn bà. Chị cũng ôm chặt lấy đầu người đàn ông mà vỗ về. Chị nói:
- Hãy khóc đi, khóc cho thật sung sướng, không có ai giúp chúng ta được gì đâu, không có chính thể nào giúp chúng ta được gì đâu. Ta cười, ta khóc, cũng do ta và cho ta mà thôi. Tôi rất tiếc là mình không còn khóc được nữa, để mà cùng hưởng với nhau niềm vui khủng khiếp và nỗi khổ êm đềm này....
Ông Việt kiều chỉ mặc chiếc quần lót nằm sấp trên giường cho vợ chồng người tẩm quất làm việc.
Hình như ông khách vẫn còn trẻ, hàm răng giả trắng phau đẹp đẽ, mái tóc đen nhưng chân tóc thì bạc. Người ông tỏa mùi hương chống hôi nách giống như mùi mốc.
Người chồng mù ngồi nơi cuối giừơng mân mê chân ông khách, anh ta bóp, bẻ, giật từng ngón chân một. Người vợ giác hơi trên lưng ông ta. Vừa làm vừa nói chuyện. Theo lời ông khách kể thì ông là sĩ quan cùng đơn vị chồng chị làm lính ngày xưa. Sau một vài câu chuyện dọ dẫm, chị bèn nói:
- Vậy ông là xếp cũ của chồng em.
- Sư đoàn đông quân, đâu có biết hết được ai với ai.
- Dạ, thì bây giờ kể chuyện xưa, mình mới nhận ra tông tích cũ, mười mấy năm rồi biết bao thay đổi.
Một lúc chị thấy bàn tay ông khách chui trên đệm giường lách vào dưới đùi chị, chị giật mình ngồi xích ra. Ông khách mỉm cười. Lát sau chị lại nghe bàn tay ấy lách tới nữa. Đến khi người chồng mù vào phòng rửa tay, ông khách hỏi nhỏ chị:
- Tôi... biếu chị một trăm đô chị chịu không?
Không thấy người vợ lính cũ nói chi, ông ta tiếp:
- Anh ấy mù đâu có thấy gì. Giữ "im lặng vô tuyến", mình làm thật nhanh, nhấp nháy là xong. Tôi về có một mình cả tuần lễ nay không được giải quyết kẹt quá. Nhìn em xinh đẹp dễ thương, tôi nôn nao cả người.
Chị vẫn không nói gì, người khách lại năn nỉ:
- Không hiểu sao nhìn em tôi như nhớ đến thời cộng hòa xưa kia của chúng ta. Nó có cái gì dễ thương, nó có cái gì riêng biệt, mà tôi không thể cảm thấy ở những nơi khác... Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, bây giờ về lại chốn cũ, gặp em, tôi chợt bắt gặp quá khứ đời mình... Em bằng lòng cho tôi làm nhé. Không lâu đâu. Bây giờ tôi yếu rồi. "Check in" xong là "Check out" ngay. Em đứng khom lưng là đủ. Tôi biếu em... hai trăm.
Ông ta đứng lên vạch chiếc quần lót mỏng, sấn sổ bước tới. Ông ta đưa cái nghiệp của ông ta về phía chị. Lúc đó chị mới giơ tay ra dấu cho ông ta ngưng lại. Bàn tay ra dấu của chị quyết liệt đến độ người bạn chiến đấu cũ phải ngồi phệt xuống mép giường. Chị gọi người mù trong phòng tắm đi ra. Chị nói với người khách:
- Chúc ông về thăm quê hương chuyến này vui vẻ.
Ông khách Việt kiều ngồi đờ người ra, ông bối rối lấy tiền trả công, hỏi:
- Bao nhiêu?
- Thưa, vừa tẩm quất vừa giác hơi xin ông mười đô.
Người khách đưa chị hai chục, chị trả lại ông ta mười đồng, ông khách nói:
- Tôi biếu anh chị mà.
- Vợ chồng em cám ơn ông, lính cũ được gặp lại cấp trên ngày xưa, lại được phục vụ, chúng em hãnh diện lắm rồi. Không có gì quí hơn tình chiến hữu.
Nói rồi chị dắt chồng đi ra. Đến ngoài anh mù hỏi:
- Sao hôm nay em lại từ chối tiền khách cho thêm.
Chị nhìn anh tội nghiệp:
- Tiền cần thật nhưng cũng có khi mình phải từ chối anh ạ.
Chị dắt anh ta đi như chạy ra khỏi khách sạn, chị muốn về sớm, không nhận mối khác nữa, phải về ngay căn nhà ngọai thành.
Đến nhà chị kéo anh ta ra sân sau, chị cởi quần áo cho anh ta, đặt anh ta ngồi trên chiếc ghế gỗ. Chị xối nước tắm cho anh, người mù ngoan ngoãn để cho vợ làm các việc vệ sinh cho mình.
Dưới ánh trăng, chị nhìn ngắm thân thể anh, cái thân thể chị độc quyền, cái thân thể dành riêng cho chị, nó cân đối, đẹp đẽ, mịn màng. Con người anh chỉ bị đôi mắt tàn tật, chị tìm chiếc kính đen quen thuộc đeo lên cho anh, thế là xong, che đi một chút khiếm khuyết, anh sẽ là một người mẫu. Nghĩ cho cùng, mọi tội lỗi cũng chỉ do đôi mắt sáng. Vì có mắt anh thành tên xâm lược, vì có mắt anh thành kẻ buôn lậu, cũng vì có mắt anh mới là một tên ma cô theo đuôi những tên ma cô ăn chơi đàng điếm. Nay đôi mắt sáng không còn, anh không nhìn thấy gì nữa, anh không còn khả năng tác yêu tác quái, anh bị lùa về một góc cuộc đời và anh trở thành người hiền lành an phận. Anh trở thành người tình đáng yêu của chị. Chị xoa xà phòng thơm cho anh, thứ xà phòng ngoại của khách Việt kiều cho, anh sẽ thơm tho, anh sẽ đẹp đẽ... Chị hỏi:
- Mát không?
- Mát.
- Thích không?
- Thích.
- Sung sướng không?
- Sung sướng.
- Hạnh phúc không?
- Hạnh phúc.
Đến đây thì anh vùng dậy, anh tóm lấy chị ghì chặt vào lòng, anh lột quần áo chị ra, anh mò mẫm múc nước trong thùng xối lên đầu chị, anh mò mẫm tìm cục xà phòng xoa lên thân thể chị. Chị cười rúc rích, hai người xoa xà phòng cho nhau, xối nước cho nhau... Rồi người mù ẵm người sáng mò mẫm đi vào giường. Chị với tay bật đèn sáng để nhìn anh cho rõ, anh nói:
- Anh tiếc là mình không trông thấy em.
Chị Ôm đầu anh ghì vào bụng mình:
- Em bằng lòng anh như thế này. Đừng than tiếc gì cả....
Và cũng kể từ đó, anh phế binh mù tẩm quất không có dịp đấm bóp cho "nữ hoàng". Thì may mà có con cháu, bà bèn chỉ cho nó cách thức xoa bóp, và nó nhanh trí thích nghi được ngay.
Ngón nghề anh chiến sĩ lái học lóm được của các tay tẩm quất quốc tế bên Campuchia, bà trùm buôn lậu học lóm được từ tay anh phế binh mù, bà chỉ dẫn lại cho con bé, chẳng hiểu rồi mai này con bé có truyền nghề lại được cho ai không? Bà đã từng giám gọi người mù tẩm quất cho hai người song bà không giám bảo con bé đấm bóp cho ông tình nhân. Bé nhưng có mắt, vẫn là mắt, nếu nó bép xép là rách việc ngay, bà cũng phải giữ thế phòng thủ. Bà chỉ sai nó đấm bóp cho bà sau khi ông cựu tù binh sĩ quan cộng hòa ra về, trả lại chỗ cho ông chồng đảng viên quen thuộc....
Gặp lúc cả nước ùa nhau phá vườn phá rẫy thi đua trồng tiêu, trồng điều, trông ớt, trồng táo... xuất khẩu thì bà cũng nắm bắt được trào lưu kinh tế dám nghĩ dám làm, bà bèn phá luôn thửa vườn trước nay trồng đủ các thứ cây cối gia dụng cho cuộc sống gia đình, bà thuê người, mua cột về dựng một vườn tiêu mấy trăm gốc... và bà trúng ngay liên tiếp mấy vụ, hột tiêu được gía bán ngay, thế là gia đình bà có TV, video đủ cả. Cậu và cô có Cub, có Dream mới tinh chạy vung vít lên tới Saigòn, vì thế mới học được nhiều hiểu biết văn minh văn hóa mới của thành phố và cuả thế giới bên ngoài. Sống ở ngoại thành nhưng cô cậu đã ăn mặc nói năng như người thành phố, cô vẫn thường gọi cháu là con nhà quê. Có khi cô cũng chê cháu bẩn. Cháu nhà quê thật tình vì cháu không biết cưỡi xe honda như cô cậu nhưng từ ngày có thêm những chiếc xe thì cháu còn biết làm thêm việc tỉnh thành nữa là lau xe cho cô cậu hàng ngày. Mỗi khi cô cậu đi đâu về là cháu lấy khăn lau ngay, hai chiếc xe lúc nào cũng bóng lưỡng. Nhờ vườn tiêu, tiền bạc bà kiếm được bằng buôn lậu đã được rửa sạch, bà ăn tiêu tự do thoải mái.
Cháu đấm bóp cho bà mỗi khi bà nhức mỏi. Nghề dạy nghề, lúc đầu cháu đâu có biết cách, nhưng cứ chịu khó làm theo lời bà dạy sẽ nên người nên việc, sẽ mở mắt ra chứ không còn đần độn như con nhà quê. Bóp hai tay bà từ trong trở ra. Bóp hai chân thì từ đùi trở xuống tới các ngón chân, bóp từ trên xuống không bao giờ bóp từ dưới lên, đi từ dưới lên là ngược chiều âm dương bà sẽ bị loạn thần kinh là mày chết với bà. Khi bóp lưng cho bà cũng vậy, từ bả vai bà xuống tới mông. Những thớ thịt cuả bà thì to, hai bàn tay cuả cháu thì bé, nhưng vì cháu ngoan chịu nghe lời chỉ dạy của bà nên những ngón tay cháu cũng luồn lách thông thạo tạo cho bà những cảm giác sung sướng, dễ chịu. Bà còn dạy cho cháu những câu hướng dẫn động tác nghề nghiệp mà bà biết được do trước kia người tẩm quất mù đọc cho bà nghe. Con cháu gái thông minh giống bà nên mau nhớ mau thuộc, nó cũng đọc vanh vách những câu chú nhà nghề "Voi dày. Ngựa phi. Mèo cào. Chó liếm. Lươn luồn. Trạch lủi. Cò mổ. Nhổ lông. Cọp gầm. Vượn hú,... " Vào lúc cuối của trận tẩm quất, hai bàn tay nhỏ bé cuả con bé đang mân mê hai bả vai tròn ú cuả bà, miệng nó lẩm nhẩm tụng những câu chú giải nghề nghiệp thì bà chợt quơ tay đẩy con bé ra, bà phán:
- Ra nhà ngoài coi TV, bảo ông mày vào đây... tao nhờ tí việc.
Con bé mừng rỡ, công việc đã kết thúc, nó đã được giải phóng, tự do ra xem phim bộ với lũ trẻ. Đến phiên ông vào cho bà nhờ, bà nói:
- Con này mà được đi học nó sẽ đậu đến bác sĩ, kỹ sư... mình xoa bóp lưng cho em, con bé làm chẳng đến nơi đến chốn...
Ông sà xuống giường ngồi bên cạnh bà, hai bàn tay ông cũng lướt qua làn lưng trắng phau bắt chước nhà nghề, miệng nói:
- Nhà nghèo lại không gặp vận may chứ nếu nó được sang... Mỹ học tới hai bằng tiến sĩ mấy hồi.
Bà hỏi:
- Đóng cửa chưa?
Ông chồng lại lọm khọm đi cài chốt cửa:
- Tưởng em chỉ muốn xoa bóp...
Bà nghĩ thầm, sĩ quan cộng hòa thông minh hơn sĩ quan quân đội nhân dân, vậy mà sao năm 75 họ thua nhanh thế, bèn nói:
- Ông thì biết cái gì mà đòi xoa với bóp......
Thường mỗi lần đấm bóp cho bà xong là con bé mệt rũ người, mười ngón tay nó cứng đơ, hai bàn tay bé bỏng của nó như rời ra khỏi cánh tay, còn hai cánh tay thì như hai cánh tay giả lắp ráp vào người, mệt còn gấp mấy lau nhà, gấp mấy giặt quần áo, nhưng bù lại bà thường cho nó ăn thêm:
- Cho mày cái bánh mật ở chạn đấy, hôm qua bà mới ăn một nửa, còn một nửa nữa cho mày luôn, ngon lắm, lấy ăn đi con.
Con bé trời thương, chẳng ốm đau bao giờ kể cả khi ăn đồ thừa thiu thối. Có khi vừa ăn vừa lợm giọng cố nuốt mà nó cũng chẳng sao. Nó ăn để bà khỏi buồn, để không phụ lòng tốt và tình thương của bà. Ở đây sướng chán, phải lo giữ chỗ. Con bé chỉ tiếc những khi bà kêu nó đấm bóp vào lúc xem TV. Bị đứt đoạn phim bộ thì uổng lắm, không làm sao lấy lại được, có hỏi mấy đứa trẻ hàng xóm thì chúng nói được nói mất chẳng bằng mình xem tận mắt. Cho nên con bé rất thương bà, nó cầu xin cho bà đừng đau ốm, xin ơn trên cho bà không bị đau nhức vào những buổi tối. Hoặc là nếu phải đấm bóp cho bà thì nó chỉ chờ cái lúc bà bảo nó gọi ông vào cho bà biểu.
Một buổi tối mấy đứa con nít cãi nhau chí choé suýt xảy ra đánh lộn, ông bà bèn phạt tắt TV đuổi chúng về, tối hôm sau cũng vẫn còn phạt không cho chúng xem, đóng kín các cửa chỉ có người nhà xem bên trong, lũ trẻ hàng xóm ghiền quá bèn đu cửa sổ nhìn qua khe "coi cọp", bà bèn đuổi chúng ra khỏi sân sai con bé đóng cổng không cho đứa nào đến gần nhà, thế là chỉ còn ông bà và cô cậu ngồi trên ghế bành, một mình con bé "chân bẩn như chân chó" ngồi dưới sàn nhà rộng thênh thang. Xem. Không có lũ trẻ hàng xóm.
Những ngày sau thì ông bà khám phá ra cả vườn tiêu trăm gốc bị nhổ đứt rễ chết hết. Những dây tiêu bao quanh những cột trụ gỗ bị héo rũ xuống. Cả một công trình kinh tế lợi nhuận sụp đổ. Ông bà điên tiết tra hỏi lũ trẻ lối xóm, đứa nào cũng lắc đầu chối "cháu không biết". Bày kế dụ dỗ mua chuộc cũng không có đứa nào khai báo.
Con bé bị đổ lên đầu cái tội ngủ ở dưới bếp mà đêm chúng nó phá hoại cũng không hay biết. Ngủ gì mà ngủ như chết vậy. Mọi người đều vô can, chỉ có con bé phải chịu trách nhiệm.
THẢO TRƯỜNG
Fountain Valley 3/2000
Hết
Hộ khẩu ở ngoại thành Hộ khẩu ở ngoại thành - Thảo Trường