Số lần đọc/download: 257 / 4
Cập nhật: 2019-01-06 16:35:05 +0700
Q
ua khỏi chốt gác của một doanh trại quân đội, là núi. Hồ thành một người khác, không còn là ông già hay lên mạng cãi nhau những tưởng tung tóe ra thứ gọi là chân lý. Vừa mới đây Hồ còn càu nhàu chuyện họ cho người nước lạ xây hai tòa nhà ngất ngưởng ngay cạnh căn cứ hải quân, hay những chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng vẫn ùn ùn vào khu bảo tồn thiên nhiên.
Giờ mọi muộn phiền như đã bỏ lại hết nơi anh lính canh ngồi. Chỗ đó là một ngọn núi khác, vô hình, tối thẫm bởi chứa chất bao nhiêu thứ người ta bỏ lại.
“Chỗ bụi cây đó buổi sáng nào cũng có con chim đuôi đỏ đậu, hót thiệt hay”, Hồ nói.
“Cái cây cao cao kia trổ bông vào tháng Tư, cả tán bông lợp trắng, đẹp thôi rồi”, Hồ nói.
Và Hồ nói con suối kia mấy đứa thường ra uống nước cuối chiều. Còn ở dốc này hay xuất hiện một nhà bảy đứa, tụi nó thuận thảo lắm, không bao giờ đánh nhau. Ờ mà giờ này không biết mấy đứa đi đâu, ta.
Mấy đứa mà Hồ nhắc suốt đường lên núi không phải là những đồng bạn hay tụ tập trên núi vai vác máy ảnh gắn ống kính tê lê nhì nhằng, anh nói về bọn voọc chà vá chân nâu. Chữ anh dùng gọi “tụi nó” cũng không cần phải dùng dấu ngoặc kép khép vào, bởi trong ngữ cảm khi kể chuyện lúc hỏi thăm một người đi xe máy ngược chiều có thấy mấy đứa không, giọng như nói về đồng loại. Với anh, đi trên đất hay sống đọt cây, cũng như nhau.
“Mấy đứa có khác gì tụi mình đâu, ờ mà có, ít ác hơn”.
Hồ kể lúc trước anh chỉ đi núi vào cuối tuần, sau vụ họ cho xây khu nghỉ dưỡng trong vùng di sản, anh gần như lên đây mỗi ngày. Chẳng có lý do nào rõ ràng, ngoài chuyện được gặp mấy đứa. Nhưng tụi nó cũng vô chừng, như chiều này, chẳng thấy bóng dáng đâu. Thò đầu ra khỏi xe, Hồ nghểnh cổ nhìn lên đỉnh Sơn Trà ngập nắng, trên tầng cây có rất nhiều tầng cây.
“Chỗ này có con nhỏ nhát hít, rình hoài mà chưa có được tấm chân dung tử tế”, Hồ mở máy ảnh khoe một bức hình nhòe nét, cô mẫu giấu mặt sau một bụi lan rừng. Nhưng có thể nhận ra sau mắt lá một ánh nhìn bẽn lẽn.
Hồ chụp hàng ngàn bức ảnh cho mấy-đứa-của-mình, có những tấm ảnh giống nhau, chụp cùng một thằng, nhưng anh có thể nhớ tấm này chụp vào vài hôm trước bão, tấm kia vào gần tết. Có bộ ảnh đẹp đem triển lãm cũng vui, nhưng vui hơn khi nhìn thấy qua ống kính một bầy voọc lạ, chưa từng xuất hiện trước đây. Chúng đã biến mất trước khi anh bấm máy, nên chỉ bắt được một ngọn cây hãy còn đang lay động.
“Bữa đó tụi này không ai kịp chụp, nhưng kéo nhau đi nhậu ăn mừng, bởi một bầy mới nghĩa là trong rừng mấy đứa còn nhiều lắm”, Hồ nói, cua xe qua một khúc quanh có một nhóm săn ảnh ngồi tán chuyện. Chào nhau chỉ mỗi câu “nay mấy đứa trốn kỹ dữ ta”, nhưng vẻ mặt chẳng tỏ ra thất vọng, chừng như đã quen chuyện cuối chiều xuống núi mà chẳng có tấm ảnh nào.
Kho ảnh voọc của Hồ, một nửa mất nét, thiếu sáng, vỡ hạt, đôi khi chỉ một tấm lưng, đôi vai của giống linh trưởng tên ghi trong sách đỏ. Anh không xóa đi, nói chụp mấy đứa không quan trọng chất lượng ảnh. “Để nhớ tụi nó đã từng ở đó”, giọng Hồ bỗng buồn oặt. Khách dường như đã nhận ra mình sai. Hồ đâu có hết sạch rầu đời khi lên núi. Anh biết cánh rừng của mấy đứa cầm cự chẳng bao lâu.
Ngày nào xuống núi mà Hồ chẳng vòng xe qua bãi thi công khu nghỉ dưỡng đã tạm dừng dưới áp lực của truyền thông, trơ nền cốt. Chúng ở đó như chờ đợi họ quay trở lại, tiếp tục dựng lên những xa hoa. Những cuộc mặc cả bán mua vẫn đang diễn ra đâu đó. Rừng lại ngã rạp sau những cú bắt tay.
Và những bức ảnh của Hồ là nỗ lực cuối cùng, không thể nói là không tuyệt vọng, để nhắc nhớ cháu con mình, rằng ngày xưa chúng ta từng có rừng. Ngày xưa ở ngay cạnh con người, những con voọc chân nâu vẫn ngồi bắt rận cho nhau vào những ngày không giông bão.