Số lần đọc/download: 399 / 4
Cập nhật: 2016-06-02 00:12:06 +0700
C
hỉ cần nhìn vào mảnh vườn trước, người ta cũng đã có thể biết ngay rằng ngôi nhà không được trông nom hay nó thiếu một bàn tay chăm sóc, nói một cách khác.
Buổi sáng, nắng chan hòa trên cỏ, với những khoảng úa vàng vì thiếu nước. Tự nơi khe hở của những miếng gạch tàu lát trên lối đi dẫn lên bậc tam cấp, những viên đá trắng bị che lấp bởi cỏ dại, và rêu bám trên mặt những miếng gạch khiến màu đỏ tươi biến thành màu nâu đất. Cây trúc đào ngang tầm người ngã vào lòng lối đi. Những cành chĩu hoa, như cố gắng vươn dài cánh tay hoa để chạm tới khóm tre già chen chúc xum xuê cũng loe ra, che rợp một phần lối đi. Trên bậc tam cấp, sương đêm còn ướt một khoảng xi măng. Trên đó rải rác những bông hoa giấy bị gió bứt khỏi cành từ nhiều ngày trước. Xác hoa như xác pháo làm nổi bậc màu xanh của cây trầu bà bám vào bức vách mầu đen và làm sáng thêm những bông hoa nhỏ tí nở ra trên đầu những cọng cây nhền nhện. Cánh cửa lớn bằng gỗ dầy im ỉm như đã được niêm chết. Nắm khóa đồng hoen ố chứng tỏ tuổi già của căn nhà, cũng phụ họa hay về hùa với vẻ cổ độ này.
Hàng xóm, những người bản tính nhiều chuyện, tò mò ghi nhận rằng, thản hoặc, vào ban đêm căn nhà có có lúc rộn rã tiếng người. Những ngày khác, nó lạnh lẽo như một nấm mồ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của người đàn bà sống trong căn nhà đối diện thì thỉnh thoảng, vào những giờ khắc không nhất định, có một người đàn ông xuất hiện, nhặt những tờ nhật bào vứt trên "drive way," hoặc thu gom thư từ, giất tờ nhét căng chiếc thùng thư trước cửa. Ông ta thường ngắm nghía khu vườn bằng một dáng điệu lơ đãng, trước khi vào nhà bằng ngõ garage.
Nhưng kể từ nhiều ngày qua. Không hiểu do biến cố nào, cánh cửa lớn bằng gỗ dày của căn nhà đã được mở rộng. Nếu cần phải nói một cách chính xác, thì dường như nó đã được mở ra vào một buổi sáng thứ hai; ngày xe đổ rác đi qua mỗi tuần; lúc nắng đã chan hòa mảnh vườn trước, và những cành trúc đào ngã vào lối đi đã nắm tay những cành tre ngà, suốt một mùa qua không ngừng xào xạt tiếng lá.
Cô bé rón rén ngồi xuống chiếc ghế bành lớn kê sát cửa ra vào. Chiếc áo đầm đồng phục màu xanh nước biển với những nếp gấp song song chảy xuống lưng chừng đôi chân thon mỏng mảnh. Vớ trắng một phần được dấu trong đôi giày bít màu đen, phần trên là chiếc chemise trắng, vai bồng, cổ khoét lá sen.
Người đàn ông ngồi nơi chiếc ghế cao hơn so với bộ salon kê sát tường. Họ đối diện trong một khoảng cách đủ gọi là xa. Người đàn ông gỡ cặp kính cận khỏi mắt. Ông không dấu được nỗi xúc động.
Trạng thái tình cảm ứa tràn này dường như đã làm căng trở lại những nếp nhăn trên vầng trán ông. Những tế bào già nua cằn cỗi trên gương mặt ông như trẻ lại. Những lượng máu náo nức chảy ngầm nhưng rần rộ, đi vào từng tế bào.
Người con gái ngồi đó. Cô vẫn bất động như tĩnh vật. Như bình hoa hay bông hoa? Không. Trong mắt nhìn của người đàn ông, cô gái không phải là một bông hoa. Nàng là cả một khóm hoa. Một khóm hoa mười giờ, đã nở rộ, đâu đó, trong quá khứ chàng.
Một chùm hoa móng tay đã sống lại trong trí nhớ mịt mù, của những ngày con dốc Hồng Thập Tự đổ xuôi về chân cầu Thị Nghè. Người con gái ngồi đó. Cô không một cánh hoa. Cô là cả một chùm hoa. Những chùm hoa úp xuống như những cái chuông nhỏ tí, thánh thót, ngân nga một điệu nhạc êm đềm đã vắng.
Trái tim cỗi già của người đàn ông sống lại. Những giác quan tưởng đã khép kín vĩnh viễn, bỗng tình cờ, một giây, hồi sinh. Trẻ thơ. Nồng nàn. Như…nắng.
Có những đời người tưởng chừng vĩnh viễn chết đi, bỗng sống lại do một nhắc nhở, hay một trùng hợp tình cờ nào đó của quá khứ.
Ý nghĩ trên tuồng đã thoáng qua trong đầu người đàn ông, khi hình ảnh chiếc P.C. buổi sáng doanh trại hay buổi trưa bên ngoài bức tường thành con đường rợp là Saint Paul. Những ảnh tượng xưa cũ nhập nhòa. Nhẩy múa. Tuyệt vọng như đồng tiền bất ngờ được lật qua mặt khác. Mặt của đời sống rực rỡ cháy lại lửa ngọn si mê. Cuồng nhiệt.
Người đàn ông nhắm nghiền đôi mắt. Ông muốn dấu những hạt sương sớm mai long lanh sau bao năm cằn cỗi?
Lúc người đàn ông mở mắt, ông bắt gặp hình ảnh người con gái ngồi bất động với tia nhìn hiền từ, chứa chan tội nghiệp. Những ánh nhìn của một người mẹ dịu dàng, dành cho đứa con ngu dại?
Người đàn ông dang tay. Cô gái a lại. Nàng a vào lòng người đàn ông, như một thiếu nữ a vào lòng người cha mới gặp lại …sau nhiều năm thất lạc.
Lúc này, những đôi mắt cùng khép. Những giọt lệ cùng ứa ra. Cùng ngậm ngùi, chảy xuống. Tuy nhiên, có thể mỗi giòng lệ đã mang theo nó một nỗi đớn dau riêng mà, chẳng ai hiểu rõ.
Mặt trời đứng ngay trên đỉnh đầu cây bơ, nên tàn lá hắt xuống bãi cỏ giống như một cái dù có những chiếc gọng lớn.
Người con gái với đôi chân chim chạy nhảy chung quanh chiếc ghế xếp có người đàn ông ngồi duỗi chân, thư thả.
Người con gái ngắt một bông hoa dại nhú lên giữa đám cỏ xanh mượt. Cô chạy lại phía người đàn ông. Cô hỏi:
- Có đóa hoa nào chẳng bao giờ tàn không ông?
Người đàn ông gật đầu:
- Có đóa hoa trinh tiết
- Tại sao?
- Vì trinh tiết hay lòng thủy chung được truyền người đàn bà này qua người đàn bà khác.
Người con gái lại hỏi:
- Như vậy phải thời gian là đơn vị dài nhất?
Người đàn ông lắc đầu:
- Không. Thời gian là đơn vị ngắn nhất?
- Vậy đơn vị nào dài nhất?
- Tình yêu.
- Ông giảng nghĩa cho Bé đi.
- Vì tình yêu ở ngoài không chỉ thời gian mà ngay cả không gian nữa.
Người con gái lại tiếp tục hỏi thêm:
- Còn nhan sắc? Có khi nào chẳng nhạt phai?
Người đàn ông gật đầu:
- Có. Nhan sắc của kỷ niệm. Nếu người ta có thể nghĩ, kỷ niệm cũng có nhan sắc.
Người con gái đưa một ngón tay vào giữa đôi hàm răng trắng bóng, như ngọc. Đôi mắt cô tròn xoe. Người đàn ông nhìn thấy bóng những chiếc lá bơ lớn lay động trong đó. Người đàn ông mỉm cười. Nụ cười thoáng qua rất nhanh. Nhưng người con gái kịp thời bắt được. Cô vẫn giữ ngón tay út cong trên miệng.
- Thế nào là nhan sắc của kỷ niệm?
Người đàn ông lần nầy thành tiếng. Ông lắc đầu:
-Rất khó để giảng cho bé hiểu thế nào là nhan sắc của một kỷ niệm.
Người con gái bỏ tay xuống, đứng thõng:
- Cái gì ông cũng biết hết cơ mà. Bé tưởng…Hay ông muốn nói với Bé?
Người đàn ông ngồi dậy, sau khi đã điều chỉnh lưng ghế phía sau.
Ông xếp hai chân về một phía, ra dấu cho người con gái ngồi xuống. Ông nói trong lúc bàn tay sần sùi khô cứng lùa vào mái tóc óng như những sợi tơ non. Ông bắt đầu với giọng khó khăn, lúng túng:
- Kỷ niệm…kỷ niệm là phần rớt lại phía sau của những bước chân của đường đời sống mà ta đã đi qua… Tất cả đều biến dạng. Tất cả đều mất hút. Trừ cái phần rớt lại kia. Người a gọi đó là kỷ niệm. Có người nói, kỷ niệm có thể làm sống lại hay chết đi đời sống một lần nữa. Kỷ niệm… (người đàn ông phát tay làm một cử chỉ như để phụ diễn thêm cho điều khó diễn tả trong đầu). Như mười năm nữa, Bé sẽ nhớ lại kỷ niệm của buổi trưa nay. Và như vậy có phải kỷ niệm đã là một nhan sắc chẳng bao giờ tàn phai không?
Người con gái hóm hỉnh quay đầu nhìn sâu vào đôi mắt buồn rầu trở lại của người đàn ông:
- Như hiện tại, ông đang sống lại với kỷ niệm nào? Bé muốn nói kỷ niệm của chín năm, hay mười một, mười hai năm?
Người đàn ông bị lôi tuột ra khỏi giòng sông hồi tưởng mà ông đang dầm mình trong đó.
Với ngỡ ngàng, người đàn ông nói:
- Bé hỏi gì?
Người con gái vẫn tinh nghịch:
- Điều ông đang nghĩ.
Người đàn ông gật đầu:
- Tôi đang sống lại.
- Từ nơi đâu.
- Từ nơi…Bé.
- Bé không tin.
- Người ta chẳng bao giờ muốn tin sự thật. Kể cả Bé. Cũng như người ta không biết rằng nỗi đau đớn khủng khiếp nhất của một cuộc đổ vỡ, không phải là sự chia lìa mà chính là dư âm của chia lìa ấy.
Người đàn ông vừa nói vừa kéo người con gái ngã đầu vào ngực mình. Cô bé ngoan ngoãn nép mặt vào ngực ông. Cô phân biệt được nhịp đập không đều hòa của trái tim cô và nhịp chậm đều của người đàn ông. Cô nói:
- Ông bảo Bé phải tin một sự thật Bé chưa được biết. Phải chăng càng lớn người ta càng trở nên độc đoán và vô lý?
Người đàn ông gọi khẽ:
- Bé.
Người con gái ngước đôi mắt trong veo sát mặt người đàn ông. Ông hôn như cắn nuốt đôi môi cô.
Cô trân người chịu đựng. Có dễ cũng nhiều giâu sau, cô mới bật khóc. Người đàn ông vỗ về. Ông nghe lòng mình trùng lại. Hơn ai hết, lúc này, ông hiểu, ông chẳng thể chạy thoát cái nhan sắc của kỷ niệm. Quá khứ. Những vô hình ở phía sau mái tóc bắt đầu bạc. Những đốt tay nhăn từng nếp xếp. Những chiếc sẹo có thêm trên thân thể của người đàn bà đã từng cho ông kỷ niệm.
Riêng người đàn bà đó, có thể đã không nhìn thấy sự vĩnh cửu của kỷ niệm. Cũng như nàng quên – từ bao lâu – vết chàm trên vầng trán nàng, dù cho nó vẫn ở đó. Vĩnh viễn ở đó.
Sau buổi trưa ở vườn sau, cánh cửa lớn bằng gỗ dày lại khép kín. Như cũ.
Những người hàng xóm nhiều chuyện và tò mò nói rằng họ không thấy người đàn ông nhặt báo và lơ đãng nhìn khu vườn phái trước nữa.
Ông ta đã ra đi, sau khi cái nơi hộp thư, một lá thứ không con tem và mở ngỏ. Lá thư có nội dung như sau:
"Yêu dấu,
Những tưởng bố có thể sống được với một đời sống khác. Những tưởng bố có thể hồi sinh với những thay thế tinh khôi và trinh trắng. Những tưởng sự chứng minh cho bản chất tự hào, kiêu căng giống đực của bố, có thể quật ngã được những gì yêu dấu đã để lại trong đời sống bố trên mười năm qua…Những tưởng…Những tưởng…
Yêu dấu,
Giờ bố mới biết bố không thể dập tắt được ánh nắng sớm mai, sân trại một ngày cuối năm. Lúc những bông hoa móng tay nở rực một bờ hè. Chiếc P.C., màu jupe lycée. Nụ cười và mái tóc…
Yêu dấu, Giờ bố mới biết bố không thể xé nát buổi chiều trên một cao ốc – nước mắt yêu dấu, giọng hát bố - với Trương Chi. Giấc ngủ ngắn với đớn đau xé thịt.
Cũng bây giờ bố mới biết bố không thể đốt thành tro bụi con đường Đinh Tiên Hoàng. Căn gác xếp Hàng Xanh. Cây cầu Thị Nghè. Đêm Đà Lạt. Sáng Vũng Tàu. Hàng dương bãi sau…Có thịt xương nào đã nát…
Yêu dấu,
Cũng giờ bố mới biết, yêu dấu cũng chẳng tài giỏi gì hơn bố đâu. Một khi chiếc bóng vẫn còn quẩn dưới chân ta. Một khi yêu dấu có nạo đến xương, thì vết chàm vẫn đó.
Yêu dấu,
Mọi cố gắng trốn chạy hay chối bỏ, chỉ cho thấy rõ hơn sự bất lực của ta, ở mặt bên kia mà thôi. Cũng như ở một xó xỉnh nào đó của tiềm thức, bố hiểu yêu dấu vẫn còn thường cầu: "Xin Chúa hãy quay lưng khi chúng tôi yêu nhau, bởi vì chúng tôi không cần ngài chứng giám."
8.83