Số lần đọc/download: 2997 / 29
Cập nhật: 2015-01-29 12:30:24 +0700
(Viết cho một chuyên đề về nỗi cô đơn)
Nhìn vào bản vẽ nhà con gái trải ra trên đất, má hỏi vậy rồi cái chỗ dành cho khách ngủ nó nằm ở đâu. Em chưng hửng nói làm gì có. Má cũng chưng hửng hỏi gì kỳ vậy?
Nhà má, cũng là bản sao của nhà ngoại, không rộng rãi nhưng luôn kê thừa ra bộ ván ngựa, bộ vạc cau, hay chiếc giường thước sáu dành cho bà con tới chơi ngủ lại. Quan trọng ngang bằng tủ ly là tủ gối, những bộ mền gối nằm không phải là mới tinh, nhưng sạch sẽ. Thỉnh thoảng, lựa ngày được nắng, má lại mang chúng ra phơi phóng cho thơm, hờ khi họ hàng ghé qua không phải trằn trọc vì mùi ẩm mốc. Ở trong tâm thế đón khách tới chơi bất tử, nên nhà má luôn sạch, trên bàn đặt sẵn bình thủy nước sôi với bộ ấm trà. Cũng giống như những ngôi nhà trong xóm, luôn có bộ vạc nhỏ đặt ở hàng ba, khạp nước mưa nhỏ cho khách bộ hành lỡ buổi. Hàng rào thấp, ơ hờ như chẳng có, trang trí cho vui chớ không phải để ngăn cách. Cửa mở phơi lòng. Ở cái xóm nhỏ vàm sông đó, nồi chè khoai môn và tiếng gà gáy đều chan đến ít nhất năm nóc gia.
Một ngôi nhà luôn phơi bày nết ở của chủ nhân nó.
Rào nhà em thì cao, cắm trên đầu rào những thanh sắt nhọn như ngọn giáo. Nhà bên xóm còn giắt miểng chai bia lên, quắc lạnh trong nắng, nhìn rợn thay cho bọn trộm. Tường dày hai lớp gạch, để mọi tiếng động bên xóm được đẩy ra xa, và cây trồng nghiêng ngã về sân nhà, bảo đảm không cái lá nào rơi lạc qua sân khác. Nhà mình là một cái hang, em nghĩ vậy, khi ngắm nghía tổ ấm sắp thành hình.
Mình sẽ cố thủ ở đây, tận hưởng sự riêng tư, không mặc gì trên người hoặc hát vống lên mà chẳng ngượng ngùng chi hết. Cơm khét chỉ mình ta biết, khà khà. Nghe người ta kể từng có thời kỳ cả nước hát chung bài hát, mặc chung sắc áo, và cùng ăn những món như nhau. Họ bị triệt tiêu những ý nghĩ khác lạ, những hành động không giống như bất cứ đám đông nào. “Quên chính mình, quên mình muốn gì đi, rồi thì sống ngon lành”, bí quyết của những người từng trải qua mùa đồng phục, khi em tò mò đi hỏi. Hóa ra chỉ ngắn gọn vậy, khi mô tả một nỗi đau bản thân bị đánh mất.
Nên em trân trọng cái đời sống mà em nghĩ là khá dễ chịu, nhiều lựa chọn này. Thiếu niên thoải mái nhuộm tóc xanh mặc quần đáy thòng đến gối lắc lư điên dại theo một bài nhạc ngoại. Nhà báo thoải mái xăm trái tim đẫm lệ lên tay. Hai thằng con trai thoải mái hôn nhau giữa chỗ đông người. Chương trình thời sự trên đài truyền hình quốc gia thoải mái chen quảng cáo thuốc nam khoa một người khỏe hai người vui, mặt mày thỏa mãn. Và em, được một mình, tùy ý. Nhà chức trách căng thẳng vì người ta tụ tập, hoàn toàn chẳng bận tâm kẻ một mình. Em xài đã đời cái quyền được một mình đó. Dĩ nhiên khi khả năng này thuần thục, sắc sảo thì cũng có nghĩa vài khả năng khác trong em bị cùn lụt đi.
Có lần đọc nửa cuốn Những bức thư đầm ấm của hai ông Nguyễn Hiến Lê và Quách Tấn, em cùng người bạn hào hứng rủ nhau tụi mình sẽ viết thư giống mấy ông già kia. Kể nhau nghe cái gió chuyển mùa, bài hát sướt mướt vừa nghe được chiều nay, một cuốn sách hay tìm thấy được trong gánh ve chai, hay rên rỉ về một buồn quéo râu ria, vô cớ đến chiếm đoạt từng tế bào và không đưa ra lời hứa hẹn nào rằng sẽ ra đi sớm. “Quan trọng là hai chục năm sau khi đọc lại, tụi ta sẽ biết mình đã từng điên như thế nào…”, em hăng hái bảo vậy. Lịch sử rốt cuộc đã không được ghi lại, vì vụ tâm tình thương mến thương ấy đã xếp xó chỉ sau chục cái thư điện tử. Sự hào hứng ban đầu rơi xuống vực, xác nằm cạnh những mảnh vụn hào hứng kinh điển khác của thiên hạ như lên sàn chứng khoán, bán hàng đa cấp, lấy chồng Nam Hàn…
Những cái thư trắng sáng và phẳng phiu, không một vết ố nào trên giấy bởi nước mưa, không mang nỗi lo lắng bị thất lạc bởi anh nhân viên bưu điện làm rơi ở dọc đường, không sợ chữ xấu gà bươi vừa đọc vừa đoán… nhưng sự tiện nghi chẳng có giá trị gì, khi người ta không sẵn sàng chia sẻ. Một đứa trẻ tập tành cô độc khi nó bị đứt tay mà không khóc thét lên cho người lớn giúp. Nó tự mút máu, liếm láp vết thương. Nói ra nhiều khi rắc rối thêm, người lớn sẽ hỏi tại sao con chơi dao, má đã dặn rồi, đáng đời… Lớn lên một chút, thành thiếu nữ, những bí mật của một cơ thể biến đổi từng ngày, và những mối tình thầm, những giấc mơ u uẩn… nó càng thích riêng tư hơn. Một mình trở thành thứ gì đó gần như bản chất.
Hoặc là, những vui buồn bây giờ cứ vụn như bụi, khó mà kể thành chữ, thành lời. Nên những ý tưởng xuất hiện trong đầu như đi làm thiện nguyện xây cầu nông thôn hay tổ chức một buổi họp lớp, lên mạng lập nhóm đi Angkor… vừa nhen lên đã tắt ngúm.
Lần kết nối thất bại gần nhất của em là rủ bà bạn vong niên đi bụi. Ngay từ đầu đã xuất hiện một điềm báo xấu: bà bạn đi lạc trong bến xe. Em đi quá nhanh, lên xe ngồi chễm chệ và bạn rớt lại. Lúc chờ xe thì em bỏ rơi bà bằng cuốn Mười hai truyện phiêu dạt của ông Gabrien Gacxia Macket. Xe chạy, em lại tiếp tục để lạc bạn đường bởi thích day mặt ra ngoài ngắm cảnh. Thậm chí em còn làm một bài thơ về cái bóng chính mình bên ngoài tấm kiếng xe (*), sau đó sực tỉnh, bối rối tìm chuyện gì để nói với bà bạn đang xo ro bên cạnh.
Em áy náy với người bạn đường, nhưng em không sợ cái sự đứt rời không cứu vãn đó. Thật ra thì em từng sợ, từng kêu gào ôi tôi cô đơn quá. Cái tuổi hai mươi người ta hay kêu gào. Nhưng giờ thì em thấy bình thường. Bình thường khi nghĩ rằng được một mình là quà tặng của trời. Bình thường như cái cảm giác cô độc giữa chỗ đông người. Bình thường như ngán sợ nói chuyện điện thoại. Bình thường như việc từ chối đến chơi nhà bạn, “muốn gì thì gặp ngoài quán…”. Và rất bình thường nếu như căn nhà em không có chỗ nào dành cho khách. Chương trình thế giới động vật nói rằng, cọp cũng không thích bọn nào lân la đến hang ổ nó.
Chỉ má thấy không bình thường, và bà gởi ra cho em một bộ mùng mền chiếu gối, nhắn rằng “Bỏ vô tủ áo, hờ khi có khách…”. Lúc nhờ thợ khoan vào vách hang của mình mấy cái khoen nhôm để treo mùng, em thản nhiên nghĩ chẳng bao giờ mình phải dùng tới nó đâu, cứ làm cho có vậy, cho má yên lòng.
Trong cái hang trống trải của mình, thỉnh thoảng em nghĩ về những ngôi nhà khác. Nhà của ông già Bến Tre hiu quạnh. Nhà ông bạn Cần Thơ tĩnh lặng. Nhà ông già An giang nhàu nhĩ, thiếu sức sống. Nhà của ông già Sài Gòn đẹp mà bồn chồn. Họ đều một mình, và không biết, có cảm thấy ngôi nhà là một cái hang? Sự cô độc này đều được người ta tự chọn lấy, nhấm nháp như một tách trà đặc. Cho đến khi cái thứ nước chát đắng có hậu ngòn ngọt ấy thay cho máu, chảy trong người, ngập tràn tim. Chắc là lúc đó em vẫn thấy bình thường. Cũng hơi đáng sợ ở chỗ quá sức “bình thường” đó.
Chỉ thấy lạ, là đôi lúc em nghe thèm một tiếng người…
(*)Bài thơ mà em trên kia nhắc tới, hình như bài này
Ca tụng bạn đường
Lên xe mình sẽ sàng ngồi cạnh
Chan sương dang nắng
Im lặng tựa bào thai
Chờ rạng hình hài
Dìm tôi trong ánh nhìn không đáy
Tái sinh sau những lần tan chảy dưới mặt trời
Tái sinh sau một cơn mưa lợp kín
Mình dệt lại bờ vai
Nhợt nhạt cùng ánh sáng
Và da diết sâu khi đêm tối bắt đầu nhói lên từ chân rạ của cánh đồng
Không bao giờ mình bỏ rơi tôi
Trên từng chuyến xe
Đời
Tôi chìa tay mình sẽ chạm vào bằng những đầu ngón tay trong suốt
Tôi cười và nhận lại nụ cười thầm
Có lần tôi khóc nước mắt mình chảy câm
Tôi ngủ, mình mơ cùng cỏ
Gặp giấc trăng xanh sốt lả bên trời đỏ
Theo gót kẻ đi rong
Mình - cái bóng âm thầm ngoài cửa kính
Neo vào đời một nhân dạng trong veo