Love is like a butterfly, it settles upon you when you least expect it.

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọc Giao
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Oanh2
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 632 / 2
Cập nhật: 2015-10-19 14:40:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ô đầm lai, bằng một ngón tay, vẫy Thông đến bàn giấy để đưa chàng tập thư.
Thông về chỗ cho giấy vào máy chữ sao lại những bản thư ấy. Tiếng máy kêu lách tách một chập như mưa rào. Đọc lại rất kĩ, Thông đứng lên sang phòng ông sếp. Ông còn bận tiếp khách, Thông phải đợi một lúc mới được vào. Như mọi khi, Thông cầm sẵn chiếc bàn thấm lăm le chờ ông hạ xong một chữ kí, chàng lại thấm cho khô.
Ông sếp, dáng mỏi mệt, bỏ bút xuống bàn, ngả ra lưng ghế thở khói xì gà, Thông chẳng có việc gì làm, đứng thừ người nhìn ra ngoài công viên: một cặp nhân tình đang ôm chặt lấy lưng nhau. Thông chợt nghĩ đến một người đàn bà ngày trước cũng thường đi như thế với bất cứ một kẻ đàn ông nào và bất cứ ở đâu... để kiếm cho chàng cơm áo và giấy bút đến trường.
Chàng nhắm mắt lại để nhìn thấy người đàn bà ngoài công viên. Nhưng người đàn ông, kẻ đã bao lần ôm chặt người đàn bà - người chị thân yêu nhất đời chàng lúc này đang ngồi kia!
Chàng nhìn vào tấm gương lớn treo trên lò sưởi, bên cạnh cái két bạc. Mặt gương vẩn khói xì gà, in lờ mờ một cặp kính cưỡi trên cái sống mũi gồ và bộ râu quai nón. Nhờ người ấy mà Thông được vào làm ở sở này và đã hai lần chàng kí sổ lương.
Đó chỉ là một cuộc đánh đổi mà thôi. Vì người chị thân yêu của chàng trước kia đã không dám ngửa tay nhận tiền của gã đàn ông này sau những đêm hành lạc, thì bây giờ gã trả cho chàng. Chàng phải ngửa tay nhận lấy. Cảm thấy tất cả sự bẩn thỉu của loài người và tất cả sự hèn hạ, khốn nạn của mình, Thông nghiến răng, muốn ném thật mạnh chiếc bàn thấm vào tấm gương.
- Anh mơ gì thế?
Giật mình đánh thót, người thanh niên đau khổ ấy vội vàng khom người xuống thấm, thấm, thấm những chữ ướt trên những trang giấy. Chàng ra khỏi phòng sếp, tất tả về chỗ mình và tất tả làm cái việc lẽ ra là của người loong toong: đóng dấu bên cạnh chữ ký của gã ta, rồi bỏ thư vào phong bì, dán tem.
Xong việc, Thông ngồi cầm miếng giẻ lau cái máy chữ cho bóng và cho có việc kẻo sợ cô đầm lai thấy chàng rỗi lại sai làm việc khác.
Chàng xếp các giấy tờ bỏ ngăn kéo, sau cùng không biết làm gì hơn, chàng với tay bóc một tờ lịch.
- Tháng này 31!
Đang nói bâng quơ như thế thì ông phán già thò đầu vào cửa phòng gọi chàng sang phòng bên cạnh lĩnh lương.
o O o
Thành phố vừa lên đèn, Thông ở sở ra, không về thẳng ngay nhà như mọi buổi chiều. Chàng lang thang trong các phố Tây vắng, hai tay đút túi quần, mặt cúi gầm nhìn những chiếc lá sấu trải trên mặt hè lát gạch xám. Gió thổi không đủ làm dịu tiết hè oi ả. Trên bầu trời lác đác một vài ngôi sao.
Thông lùi lũi bước. Chàng đi giày đế cao su êm quá, giá có đôi giày đế da mà nện rõ mạnh xuống nền gạch cho có tiếng kêu có lẽ là cái thú, và biết đâu chẳng làm tan được ít nhiều nỗi hằn học đè trĩu trong lòng.
Đến hồ Gươm, đi qua một khách sạn lớn của người Pháp, nhìn vào, chàng nhận ngay ra người mang cặp kính gọng vàng trên sống mũi gồ và bộ râu quai nón. Gã đang ưỡn bụng thở khói xì gà, uống rượu và đọc báo như những người nước ngoài khác ngồi ở đây.
Mặt Thông bỗng sầm lại. Chàng rảo chân, mặt cúi gầm hơn trước. Mồ hôi toát ra ướt cả chiếc sơ mi mới thay buổi sáng. Chàng nhăn mặt, cởi áo vắt cánh tay.
Hồ Gươm lặng gió. Mặt nước phẳng lì như tờ giấy lam trải rộng. Dưới hồ, một con thuyền nhỏ không người, thường ngày dùng chở đi nhặt lá rụng trên mặt nước, cột chặt vào rễ cây si.
Nhưng Thông nào có ngắm cảnh, chàng cũng không buồn tránh những người chen lấn quanh chàng, hoặc là vì công việc, hoặc là hưởng thú thừa lương. Qua một tiệm cao lâu, chàng bước chầm chậm vì một mùi thơm vừa thoang thoảng đưa vào mũi.
Cơn đói thức ngay dậy, và ý nghĩ thèm một bữa ăn ngon giục Thông quay lại quả quyết nhảy vào trong tiệm. Thông tìm một chỗ ngồi vừa ý rồi gọi một cốc nước cam. Ngậm cái cuống rơm, hút một hơi dài, lòng khoan khoái đón lấy những giọt nước mát lạnh ngọt ngào, mắt khoan khoái nhìn khối nước màu vàng bị rút xuống dần dần trong cốc, Thông cảm thấy tâm hồn nhẹ hẳn đi. Nhìn lên tấm bảng kê các món ăn, chàng chọn một món rẻ tiền mà ngon để gọi. Chờ mấy phút, một món ăn nóng hổi đã đặt ngay trước mặt. Thông cầm đũa, mắt sáng lên.
Chàng ăn đang ngon miệng thì thằng bé con ngồi ở quầy hàng có lẽ đang giờ làm bài, cầm chiếc bàn thấm đập xuống trang giấy luôn một chập. Những tiếng "thình thịch" ấy khiến Thông rầu mặt lại. Hình ảnh kẻ đã ôm ấp người đàn bà thân yêu nhất trong đời chàng hiện ra trong một phòng giấy, còn chàng lom khom đứng cầm chiếc bàn thấm thấm những chữ ký trên các công văn.
Người đàn bà đó là Sâm, chị ruột chàng.
o O o
Ngày ấy..., Thông còn đang đi học, Sâm mở ngôi hàng sách. Sách không ai mua, bụi phủ dần lên các cuốn tiểu thuyết thảm tình.
Bố mẹ chết cả, mình nàng nuôi em. Tiền tiêu không có, tiền học của Thông cũng chịu nhà trường. Thông khóc, không dám đi học nữa. Một hôm, thương em quá, Sâm dắt em đến trường, nàng xin ông Đốc cho khất nợ. Ông Đốc tiếp Sâm lần đầu ấy trong phòng giấy. Lần sau, ông tiếp Sâm ở nhà riêng. Ông xin Sâm một chút tình, được vậy, ông cam đoan không bao giờ nhận tiền học của Thông và còn giúp đỡ Sâm là khác. Nghĩ đến việc học và tương lai của đời em, nàng đã yếu lòng. Cuộc yêu đương ấy được ít lâu rồi tan vỡ. Sâm đã là người con gái nhuốc nhơ. Nhưng việc học của em, nàng không nỡ cho dang dở vì Thông đã thi được vào trường Bảo hộ. Nàng phải tìm cách kiếm tiền nuôi em.
Có một buổi tối, một người đàn ông vận âu phục vào cửa hàng tối tăm của nàng hỏi mua cuốn Tuyết hồng lệ sử.
Có một buổi tối, một người đàn ông vận quần áo ta vào hỏi mua quyển Giọt lệ sông Hương.
Có một buổi tối, một người đàn ông có ba chiếc răng vàng, mặc quần áo cánh lụa, không hỏi mua gì cả, hắn liếc vào trong nhà không thấy ai, rồi ghé tai nàng nói nhỏ...
Ba tối ấy, ba lần Sâm vội vàng xoa lại phấn, nắn lại khăn, mặc chiếc áo nào đẹp nhất để len lén ra lối cổng sau, nhảy lên một chiếc xe tay chờ sẵn đầu đường, trong khi người em trai hiền lành đang cắm cúi đọc sách, làm bài trên gác, tin rằng người chị đã ngủ yên ở dưới nhà.
Nhưng rồi một hôm, người em ngây thơ ấy ở trường ra, đã vào vườn Bách thú, trèo lên ngọn núi đất, vứt sách trên bãi cỏ, ôm mặt khóc. Thì ra Thông đã nghe thấy những lời chế giễu xỏ xiên của các bạn trong trường ám chỉ chị mình. Thông ngờ đâu lại có thể xảy ra như thế! Hôm ấy Thông giận chị, bỏ cơm nằm lì trên gác.
Buổi tối đóng cửa hàng xong, Sâm rón rén bước lên cầu thang. Nàng vén màn ngồi xuống cạnh giường khẽ đặt tay lên trán em. Trán Thông nóng hổi vì cơn sốt. Nàng gọi, Thông không đáp. Cúi xuống sát mặt em, nàng thấy má Thông nước mắt chảy ròng ròng. Nàng cũng khóc:
- Làm sao thế hả em? -Thông vẫn nằm yên.
Bỗng có tiếng gõ cửa dưới nhà, Thông vùng ngồi dậy, nắm chặt hai tay chị, mắt quắc lên:
- Tôi cấm chị không được xuống mở cửa cho chúng nó... Chị không được làm nhục vong hồn thầy mẹ... chị không được làm nhục tôi, làm nhục chị...
Thông nhảy xuống giường, với con dao trên bàn học chạy ra cầu thang gác, định xuống dưới nhà mở cửa. Sâm chạy theo, nắm tay Thông kéo lại. Thông ngã xuống giường, khóc rưng rức. Một lát, Thông đau đớn bảo Sâm:
- Sao chị lại có thể làm việc đê hèn, nhơ nhuốc ấy?... Tại làm sao... Tôi không còn có gan trơ trẽn vác mặt đến trường học nữa, người ta làm nhục tôi hàng ngày...
Cổ họng Thông tắc nghẽn, Thông nấc lên, úp mặt xuống chăn. Sâm vuốt tóc Thông, thổn thức:
- Chỉ tại chị thương yêu em quá... Đời chị đành lẽ bỏ đi rồi. Nhưng chị còn trông cậy vào em. Hãy xét cho lòng chị, em ơi!...
Nàng cũng nghẹn lời. Hai chị em cùng khóc. Một hồi lâu, Thông cầm tay chị, khẽ thở dài rồi nằm xuống. Sâm lấy lọ bạc hà xoa trán Thông, kéo chăn đắp kín người Thông.
Nàng thổi tắt ngọn đèn dầu...
Thông vẫn đến trường, cắn răng chịu những lời chế giễu. Người chị vẫn ngày ngày ngồi trong cái cửa hàng nhỏ hẹp, tăm tối ấy để chờ những người đàn ông tối tối vào hỏi mua những cuốn tiểu thuyết Tố Tâm, Thuyền tình bể ái..., - những khách không cần lấy sách, khách chỉ cần cười một nụ cười rất đĩ, và nói một vài câu rất nhỏ bên tai cô hàng.
Có người giới thiệu cho Sâm một người Pháp. Hắn đã mời nàng vào một khách sạn lộng lẫy nhất Hà thành. Nàng hiến thân như một cô gái điếm thượng lưu, nghĩa là không lần nào nhận tiền ở tay người đó. Như thế để chờ một đêm, nàng kể lể rằng vì việc nhà nên phải bán mình. Bây giờ, nàng chỉ cầu cho em trai nàng một việc làm. Hắn nhận lời. Tuần lễ sau, Sâm vui vẻ báo cho em tin mừng đó. Thông tủi nhục, không muốn hèn hạ thế. Sâm khóc. Thông không nỡ nhìn người chị thân yêu khóc mãi vì mình.
Thế là Thông đã đi làm, đã ba lần ký sổ lương, đã bao nhiêu lần khom lưng đứng cầm bàn thấm, thấm chữ ký của sếp như ta đã thấy ở trên.
o O o
Thằng bé con ngồi ngoài quầy vẫn còn làm bài. Mỗi lần chiếc bàn thấm gieo thình thịch xuống trang sách mỗi lần làm rầu rĩ thêm gương mặt con người đi làm công ấy. Bóng người chủ béo tròn và bóng người chị trong một căn phòng, trên một chiếc giường phảng phất ngay trước mắt, ám ảnh Thông như một đoạn phim khả ố. Thông buông đũa xuống, xỉa tiền ra mặt bàn, bước nhanh ra cửa.
Thông lại lang thang trong các phố, hai mắt mờ đi. Khi đường đã vắng người, Thông mới về nhà.
Đoán chị ngủ rồi, Thông ngần ngại không muốn gọi cửa, chàng định đi vơ vẩn suốt đêm nay. Ồ, từ thuở nhỏ đến giờ chưa một lần nào chàng dám đi như thế để biết Hà Nội lúc về đêm, trừ vài lần chàng bị các bạn cùng sở rủ góp tiền đi hát, nhưng đúng mười hai giờ chàng đã lẻn về.
Chàng bước đi vài bước, lại quay trở lại, do dự một lát, rồi giơ tay gõ. Cái sen mở cửa. Thông mệt nhọc vừa tháo ca vát vừa bước lên thang gác. Chàng đứng dừng ở cầu thang vì chàng thấy trên bàn thờ có đèn hương còn Sâm đang ngồi thái đồ nấu cỗ. Sâm ngẩng nhìn em, niềm nở:
- Sao về muộn thế? Em đi tắm cho mát rồi ăn cơm. Hôm nay giỗ mẹ đấy, nhưng mới là tiên thường. Ban trưa chị quên không bảo em biết trước.
Thông nhìn lên ảnh mẹ. Mùi hương và mùi hoa làm cho tâm hồn rời rã của Thông tỉnh táo. Thông đứng lặng yên, hối hận sao chiều hôm nay không về đúng giờ như mọi khi. Thông lo sợ về một tội lỗi may mà chưa phạm phải vì ban nãy, Thông định quay đi để sa ngã vào một căn phòng cho thuê nào đấy, và biết đâu ở chỗ bẩn thỉu này, thế nào chẳng có một cô gái giang hồ nằm cạnh mình.
Thông nhìn chị, thầm thì:
- Chị giận em lắm phải không?
Thấy vẻ mặt băn khoăn của Thông, Sâm động lòng thương. Nhưng vụt nghĩ đến phận mình, Sâm bỗng đỏ bừng hai má, nước mắt dân dấn trào ra. Nàng cúi đầu xuống, nghĩ thầm: "Em tôi còn trong sạch quá! Mà trong sạch như thế để làm gì khi người ta đã được làm một người con trai hai mươi tuổi đầu".
Nàng chợt nghĩ đến một ngày, sẽ có người đàn bà rủ Thông đến một nơi nào xa lạ..., rồi Thông sẽ bỏ quên nàng. Sâm yêu thương em lắm, nàng chưa thể nào để mất người em ngoan ngoãn ấy lúc này. Nỗi lo sợ xa xôi khiến lòng Sâm se lại, nàng lẩm bẩm tựa hồ đang mơ: "Thà Thông cứ trong sạch như thế mãi, còn hơn...".
Thông đã rửa mặt xong. Chàng đến trước bàn thờ lễ mẹ. Sâm cũng đứng lên thu dọn, rồi ra sân gác rửa tay. Lúc Sâm vào đã thấy Thông bưng mâm cơm trên bàn thờ xuống, bày sẵn cả ra mặt bàn ăn. Sâm vừa lau tay vừa cười:
- Em đói lắm phải không?
Thông gật đầu, xới cơm cho chị, sau xới cho mình.
Chàng đang ăn, thốt nhiên lại nghe thấy tiếng "thình thịch" ở đâu, hình như ở nhà bên cạnh có một ông kí già hay làm sổ ban đêm thì phải. Cái ám ảnh tức thì lại quấy rối chàng, - chàng nghĩ ngay đến căn phòng làm việc của gã sếp - kẻ đã ôm ấp người đàn bà thân yêu nhất đời chàng! - trong đó, chàng đang lom khom đứng cầm chiếc bàn thấm áp xuống những chữ ký ướt của gã.
Thông thừ người, bỏ rơi đũa xuống bàn. Sâm ngạc nhiên, gõ vào bát em và hỏi:
- Thông, em nghĩ gì thế?
Chàng cau mày, nhìn thẳng vào chị, hai môi mím chặt, mặt chàng gân guốc hẳn lên. Nhưng thấy chị sợ hãi nhìn mình, chàng hối hận dịu ngay mặt lại.
- Không, chẳng nghĩ gì. Cho em chút rượu, không biết tại sao em thèm giấc ngủ của người say.
- Để quên phải không?
Thông đỡ cút rượu trên tay chị cười phá lên:
- Có gì đâu mà quên. Em chỉ muốn nếm cái thú say xem nó thế nào.
Chàng uống một hơi cạn cả chén, rồi bỏ cơm, đứng dậy ra giường nằm. Sâm lắc đầu, nhìn em buồn bã. Nàng cởi giầy, cởi áo cho Thông, đoạn buông màn xuống. Nàng thu dọn bàn ăn. Tiếng bát đũa chạm vào nhau làm Thông cựa mình, vén màn ngó ra ngoài bảo chị:
- Sáng mai, chị nhớ đánh thức em sớm hơn mọi khi. Mai sở nhiều việc.
Sâm xuống dưới nhà. Khi tiếng giày của người chị đã tắt, Thông mở mắt cho lệ tràn ra. Lòng chàng vẫn không thể nhờ men rượu làm cho bình thản được, làm cho quên được.
Chàng nhìn trừng trừng vào đêm tối, quằn quại trong đêm tối...
Tiểu thuyết thứ Bẩy, số 235/1938
Hằn Học Hằn Học - Ngọc Giao