Hãy xem mỗi trở ngại là một cơ hội.

Tiến sĩ Wayne Dyer

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 686 / 40
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
hà tôi sát vách nhà chị, chung khoảng sân và một vườn hoa nhỏ. Tôi thích hoa còn chị thì không. Chị bảo: "Con trai thích hoa thì yếu đuối, đa cảm và lụy tình". Tôi bĩu môi: "Chị là thầy bói chắc?". Chị cười: "Chị lớn hơn nhóc. Chị biết".
Chị hai mốt, hơn tôi 7 tuổi, kém bố tôi một giáp. Mẹ chị là người tâm thần. Suốt ngày ra vườn tước lá chuối khô mang vào chăng đầy bờ liếp. Bà sẽ gào lên nếu bị ai gỡ đi dù là một mảnh. Chị kệ. Không ai nỡ. Bà nói chỉ để nói. Người tâm thần như mẹ chị không còn ý thức để phân biệt sự thân tình chứ đừng nói gì đến những lời cửa miệng.
Mẹ chị mang thai chị được hai tháng mới biết bố chị là người đã có vợ. Chuyện vỡ lở, bà ngoại chị hái lá bàng sắc nước, ép mẹ chị uống để sổ thai. Bà hắt đi. Bà bị cả họ từ mặt, đuổi khỏi nhà. Mẹ chị chấp nhận như chấp nhận sai lầm… Sức mạnh của tình yêu? Chắc thế, đã khiến bà tin tưởng, chịu đựng và đương đầu với tất cả những bi kịch diễn ra trong cuộc đời mình.
Đêm mẹ chị ra đi, bố chị lén trốn vợ mang cho bà ít tiền. Bà không nhận mà còn rủ bố chị đến một nơi khác sinh sống. Ông chối quầy quậy: "Tha lỗi cho tôi. Tôi còn vợ con". Mẹ chị chỉ là người bị ru ngủ bởi tính tham lam, dục tính trăng hoa của ông. Bà hận. Tình yêu là thế. Khi đỉnh cao của ái tình đã bị cắt đứt bởi sự bội bạc, con người ta không còn sự khoan dung hay tha thứ, chỉ còn lòng hận thù tột đỉnh. Bà mỉa mai sự hèn nhát của bố chị bằng một hơi cười ngất, gằn rít nơi yết hầu. Mẹ chị điên loạn ngay từ lúc ra đi.
Chị nhờ tôi đóng giường. Tôi ngạc nhiên. Với người khác không nói làm gì, nhưng với chị, đúng là tôi ngạc nhiên thật. Nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ chị bệnh tật, đêm ngủ thường hay trở dậy ra vườn tước lá chuối, rú lên những tiếng man dại. Chị phải canh chằm chặp như một đứa trẻ. Thậm chí nhiều đêm chị mệt, lo bà ra vườn nên phải dùng dây buộc chân bà vào chân mình ngủ. Nhưng thói quen khi bị kìm kẹp, cấm đoán sẽ khiến con người ta đến với những hành vi phẫn uất. Đang say sưa chị bị mẹ dùng dây siết cổ, giãy giụa như một con mèo bị nhúi cổ xuống nước vôi. Chị đạp dấp mẹ vào bờ vách, ho sù sụ. Mẹ chị lại rú lên như một con thú cùng đường.
Nhà bên, bố tôi giật mình vội đáo qua, dấp dầu hỏa lên lòng bàn tay xoa cổ cho chị. Hình ảnh đó vô tình khơi gợi trong mẹ chị nỗi căm phẫn năm xưa. Bà lại thét lên, lao thẳng vào bố tôi mà cắn xé, cào cấu, chửi rủa: "Đồ hèn nhát. Cút đi. Thằng lừa đảo…". Bố tôi ngượng tím mặt. Không phải lời chửi mắng đầy ẩn ức đó của mẹ chị mà vì ánh mắt của chị, ánh mắt cần sự che chở, thậm chí là yêu thương. Sự ngượng nghịu nơi chị làm lộ rõ điều đó.
- Chị định cho bác ngủ một mình ư? - Tôi hỏi.
- Ừ. Chị cũng không muốn thế. Chị lấy chồng. Chồng chị định sẽ ở rể. Ông ấy vừa bỏ vợ. Gần nhà, làm luôn cho tiện.
Chị nói như không, tránh nhìn tôi để khỏi đối diện với những cái nhìn lục vấn sôi trong mắt của một đứa trẻ đang ghen.
Tôi dừng tay cưa. Tim đập thùm thụp. Nói một câu chưa bao giờ tôi nói với một khách hàng:
- Đi nơi khác. Tôi không đóng giường cưới. Kỳ công lắm.
- Người ta không thể túm gấu áo nhau rong chơi suốt ngày mãi được. Như thế sẽ bị đánh đòn. Người khác chị sẽ làm cho em hiểu điều đó.
Trước đây, mỗi lúc chị nói thế tôi thường khoặm mặt bỏ đi. Chị giữ lại, nựng tôi bằng một cái hôn rất nhẹ lên tóc. Tôi thích thú nhận món quà mà tâm niệm tôi không khi nào chán. Thân với chị từ khi nào tôi không nhớ chỉ biết rằng ngoài chị ra tôi không thích chơi với ai. Chị chiều tôi bằng chính những gì tôi sinh ra không có được từ một người mẹ. Nhưng tôi không muốn chị xem tôi là nhóc con. Sự gần gũi, yêu thương đã khiến tôi nhận ra một điều, tâm hồn tôi thuộc về chị với tất cả những suy nghĩ tốt đẹp.
Hành động của chị và bố tôi hằng đêm đã bóp nghẹt những suy nghĩ tốt đẹp của tôi dành cho chị. Còn bố, tôi chỉ thấy coi thường. Tôi miệt thị hai người bằng những cái nhìn hằn học. Chị bối rối. Bố lảng tránh. Tôi muốn bỏ đi, nhưng không thể. Lòng tham có chị bên cạnh giữ chân tôi. Hình ảnh bố tôi và chị ám ảnh tôi trong từng chiều cạnh suy nghĩ. Nó dẫn tôi rơi vào những biến thái tâm lý khủng khiếp trong mỗi giấc mơ.
Tôi mơ tôi lớn nhanh. Có thể như vậy tôi mới được đáp ứng một cách tôn trọng những tình cảm tôi dành cho chị. Bố ngấm ngầm theo dõi tôi. Không nói, chỉ bằng hành động và những cái nhìn. Ông như con mọt gỗ, ngấm ngầm và rất giỏi bắt hơi.
Mỗi lần chị rủ tôi ra chõng tre vào những đêm trăng tròn tán gẫu, chị vẫn thường hỏi tôi: "Lớn lên nhóc sẽ làm gì?". Tôi chắc chắn: "Tôi làm thợ mộc nhưng sẽ cho chị cả một cung điện". Chị cười: "Định ảo tưởng như Tần Thủy Hoàng hả nhóc. Hoang đường". Tôi bật dậy: "Có nghĩa là một thằng nhóc thì không làm được Hoàng đế? Chị chờ xem".
Chị cố nhịn cười: "Thôi được, thôi được… tôi chờ…". Bố tôi bắt tôi theo nghề mộc như ông để hạn chế sự gần gũi của tôi và chị. Ông hợp thức hóa lý do để ở bên chị suốt ngày trong khi tôi làm không hết việc. Khi thì sửa khóa tủ, lúc lắp lại cái bản lề gácmăngiê… Vặt vãnh, đơn điệu nhưng những việc ấy đã lấy hết quỹ thời gian trong ngày của bố một cách hiệu quả. Chả thấy ông than thở gì. Thậm chí ông vui.
Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Bố yêu được chị. Tôi biết. Buồn. Chán nản. Thất vọng. Chỉ cần không đủ tỉnh táo, tôi có thể điên loạn, phá phách tất cả. Thâm tâm của một kẻ bị ruồng bỏ cho tôi bản năng không biết sợ sệt. Nhưng không. Mình mẹ chị điên loạn xé lá chuối là đủ rồi. Tôi sợ. Điều tôi cần là tỉnh táo để lấy lại tất cả. Tôi có quyền. Tôi nghĩ vậy.
Hết ngày rồi đến đêm. Chị hay gọi bố tôi lúc nửa đêm bằng cách gõ nhẹ vào bờ vách. Bố lại tháo màn trở dậy. Tôi khẽ cựa. Ông ngần ngừ. "Ngủ đi, tao sang sửa lại cái mộng giường cho mẹ con bà ấy một tí rồi về ngay". Ông vớ búa trong hộp đồ, ở trần sang với chị.
Tôi nghển cổ:
- Bố nên mang theo khoan chốt luôn cho chắc.
Bố tôi lúng túng. Hình như ông hiểu ngụ ý của tôi.
- Thôi. Đêm hôm, khoan khoáy gì. Chốt đinh cũng chắc chán - Nói rồi ông bước vội đi như để không phải nghe thêm những lời xấc xược từ tôi.
Tôi biết những lúc như thế mẹ chị lại lên cơn điên, ra vườn tước lá chuối. Bố tôi thay chỗ của bà để làm việc của đàn ông. Tiếng ót ét, ọt ẹt của cái giường modec từ những năm 1980 khoáy vào tai tôi theo một cấp độ đáng khinh bỉ. Toàn thân tôi nóng ran, mồ hôi đầm đìa như xông cảm. Tiếng mẹ chị cười ré cuối vườn. Tiếng thở trong đêm của ba con người ở hai hoàn cảnh khác nhau bị tiếng búa ngụy trang của bố đập vào thành giường lúc ái ân với chị hình như cũng làm mạch đêm trở nên gấp gáp.
Nhà chị có ma. Chị khẳng định thế. Từ ngày yêu bố tôi, không dưng nhà chị xuất hiện một con ma nữ. Hằng đêm sau khi bố tôi rời khỏi cơ thể chị về lại nhà, con ma nữ ấy vẫn hiện lên dựng giường chị, làm chị hồn bay phách lạc. Duy chỉ mẹ chị là không. Thậm chí bà còn nói chuyện với con ma ấy. Chẳng hiểu ma nữ nói gì mà mẹ chị sáng sớm đã bỏ đi, tìm đúng lá bàng mang về sắc nước đè cổ chị ra ép uống. Chị đạp bà ra, đổ bát nước đi, kinh hãi.
Sau khi nghe chị kể, thấy bố tôi đốt nhang cắm lên bàn thờ mẹ, nét mặt lo âu.
Bố tôi thưa dần sang với chị. Tiếng gõ bờ phên mời gọi cũng không dồn dập nữa. Tôi không còn phải mất ngủ hằng đêm. Ý định trừng trị hay nói đúng hơn là trả thù chị đã được thế giới tâm linh mà đại diện là hồn ma mẹ tôi làm thay. Linh hồn bà cũng giúp tôi tỉnh ngộ ham muốn cùng chị và không xem thường thế giới những người đã khuất…
Nhưng không phải thế mà bố tôi không sang. Chị không cần. Bây giờ mỗi đêm chị đi ngủ đều buộc vào bốn chân giường bốn ống nước tiểu. Thứ ấy sẽ cản trở việc xuất hồn quấy nhiễu của mẹ tôi. Tôi không phản đối. Chị cũng là con người. Con người cần nhất sự bình yên. Tinh thần chị ổn định trở lại. Tôi nhận ra nỗi mừng trên khuôn mặt chị. Chị bảo:
- Hôm nào cho chị ra mộ mẹ nhóc nhé.
Tôi hiểu ý chị nhưng gạt đi:
- Ích gì. Mẹ tôi chẳng bao giờ thanh thản được.
Mặt chị tái xạm, gượng gạo quay đi.
Mẹ chị ôm cột hiên rú lên cười, chõ sang tôi một câu:
- Đồ hèn.
Bố tôi dừng tay đục, nhấc đít đi vào nhà, ném sang mẹ chị một tiếng:
- Đồ điên.
Mẹ chị cười ngất, nhảy chân sáo như một đứa trẻ ra vườn xé lá chuối xoèn xoẹt.
Quan hệ giữa chị và bố tôi được thời gian thì chị bất ngờ quyết định đi lấy chồng. Chị muốn có tiền chữa bệnh cho mẹ mà một người như bố tôi không thể đáp ứng được. Chị lựa chọn người đàn ông giàu có vì không muốn cái nghèo truyền kiếp đeo đẳng, nó làm cho đời thế hệ tiếp theo của chị chỉ bần cùng khốn khổ như mẹ chị. Chị yêu bố tôi. Nhưng một người khác bố sẽ lo phần còn lại cuộc đời chị.
Đám cưới chị linh đình. Nhà trai bao tất. Chú rể là một ông già giàu có tỉnh bên. Dân làng nhìn vào cụ bĩu môi: "Đồ mù dở. Gái trinh chết hết rồi hay sao mà cưới đĩ về làm vợ. Loại ấy có nằm với cụ, đít cũng quay ra cửa sổ thôi. Người đâu mà…". Nhìn vào chị, lũ đàn bà nhếch mép: "Chuột sa chĩnh gạo. Mèo mù vớ cá rán. Ai ngờ một phương dành cho đĩ lại là mỏ vàng". Chị điềm nhiên, coi như không có chuyện gì.
Chị mời làng ăn cỗ ba ngày ba đêm. Tiền mừng, chị không thèm nhận. "Các bác, các anh, các chị đến vui với đứa được làng xem là thối thây như em là phúc cho em lắm rồi. Nào đâu dám nhận thêm tiền mừng nữa". Chẳng ai nói được câu nào, đành ngậm tức ra mương mà nôn thốc nôn tháo, chửi đổng chị sau lưng. Chỉ có bố tôi là không chửi chị. Ông không chửi được.
Ông uống thấu ba ngày vui của chị. Ông say. Nằm vật trên tấm gỗ xẻ mộc để ngoài sân, không ăn một miếng, chẳng nói nửa lời. Ông mềm như một tàu mùng nhúng lửa. Tôi kệ. Con người ta có quyền hưởng thụ thì đau khổ có quyền xâm hại. Dù không hài lòng nhưng buộc phải chấp nhận nó. Tôi là một thằng nhóc nhưng cũng đã phải nếm trải điều đó khi yêu chị. Tôi hiểu bố.
Cưới xong được ba tháng chị về, định rước mẹ đi. Chồng chị cũng thôi ý định về ở rể. Bụng chị giờ lùm lùm như úp rổ sau lần vải áo. Mẹ chị từ chối, chạy ra vườn vừa xé lá chuối vừa cười man rợ. Chị qua nhà thăm bố con tôi, tặng tôi một đôi giày, tặng bố một lời khoe:
- Bốn tháng rồi. Siêu âm bác sĩ bảo con trai - Chị nói, hai tay đặt lên bụng mắt nhìn xuôi, ương ương nước.
Bố tôi dừng lại. Chén nước trên tay ông sánh nước ra khỏi miệng chén vì run. Ông lần đốt ngón tay. Chị quay sang tôi.
- Lớn quá rồi nhỉ, lấy vợ đi thôi chứ?
Tôi cởi bút chì khỏi kẽ tai, phóng vào hộp đồ nghề.
- Còn ai mà lấy.
Chị cúi gằm. Bố mím chặt môi…
Ở chơi được tuần, chị nhận được điện chồng đột tử. Chị ghé dặn bố tôi gì đó rồi đi luôn. Bố tôi nhìn theo, gật đầu.
Mẹ mất vào đúng ngày chị sinh. Phần hậu sự của mẹ chị bố tôi lo tất. Đơn giản. Nghĩa tử là nghĩa tận. Chỉ thương cho cụ là có đứa con gái duy nhất đến phút lâm chung cũng không được gặp. Thôi thì, đời người sống nay thác mai không biết đâu mà định. Sơ suất này, một người như cụ chắc cũng dễ bỏ qua.
Giỗ đầu bà cụ, chị về, mang theo cả đứa bé. Đầy năm của nó là tròn giỗ của bà.
Mộ mẹ chị nằm ngay cạnh mộ mẹ tôi. Một sự ngẫu nhiên bởi những người đào huyệt. Chẳng sao, hàng xóm, láng giềng với nhau cả. Quan niệm này nọ thật là vớ vẩn.
Bố tôi đi phát cây xung quanh mộ. Tôi trải chiếu cho thầy cúng bày lễ. Chị đặt thằng cu nằm tạm xuống chiếu để lên nhang. Nó khóc inh ỏi. Bố ẵm thằng nhóc lên, nhìn chăm chăm rồi áp nhẹ mặt nó lên má. Được lát, nó im. Bố đặt nó lại chỗ cũ, nhận hương từ tay chị đi thắp cho những mộ bên cạnh. Đến mộ mẹ tôi, bố hơi lưỡng lự nhưng rồi cũng cắm được ba cây nhang. Đột nhiên ông quỳ gối, chắp tay khấn lạy.
Thầy cúng bắt đầu vào lễ. Thằng cu con chị lại khóc. Chị đang quỳ, cúi đầu theo phán chỉ của thầy nên không đành rời chỗ. Nhưng nghĩ thế nào chị quay sang nói với tôi:
- Em nó quấy quá. Điệu này phải nhờ anh Tâm (tên tôi) đóng cho một cái xe cút kít mới được. Đồng ý không Tâm?
Tôi chưa biết trả lời sao thì bố đã lên tiếng:
- Phải đấy. Đóng cho cu cậu một cái xe cút kít, cho cu cậu đẩy, nhanh biết đi nữa. Như Tâm trước đây ấy, con nhỉ.
Bố nhìn tôi, ánh mắt lộ nét phấn khởi lạ thường.
Thầy cúng kẹp hai đồng tiền chinh vào nhau, gõ nhẹ vào lòng đĩa giơ lên ngang trán. Ông buông tay. Tiếng đồng tiền chinh rơi trên đĩa xoay vòng lách cách rồi cả hai đều úp sấp. Tất cả im lặng. Thầy cúng lắc đầu. Chỉ có thằng nhóc con chị nằm trên chiếu đột nhiên nhấc đầu nhìn tôi cười....
Hai Đứa Trẻ Hai Đứa Trẻ - Sưu Tầm