It is what you read when you don't have to that determines what you will be when you can't help it.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1339 / 21
Cập nhật: 2015-01-13 18:47:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôi là trung tá Hồng Long, bí thư Võ Đại Tướng. Năm 1952, tôi được gửi vào Nam để làm chính ủy Tiểu đoàn 307 ở Nam Bộ. Đáng lý ra chức vụ của tôi chỉ là chính trị viên Tiểu đoàn (Trung đoàn trở lên mới có Chính ủy) nhưng vì tính chất quan trọng của đơn vị nên Bộ tư lệnh miền Tây đặc cách cho nó một chính ủy cũng như Trung đoàn 99, mà tiền thân là Chi đội 19 do Đại đoàn phó Đồng Văn Cống chỉ huy vậy. Trong trận đánh với bộ đội Ba Cụt ở Chắc-Cà-Đao năm 1954, trước một ngày hiệp định giơnevơ được ký kết, viên đạn mồ côi lạ lùng của trận chiến bay vào một cành cây và văng tạt trúng cột sống tôi. Một nửa người từ lưng quần trở xuống bị bại hoàn toàn.
Ra Hà Nội tôi được hầu hết các danh y Đông Tây chữa trị nhưng vẫn không khỏi bệnh. Tôi được để nằm trên một chiếc giường lót thạch cao để nuôi dưỡng tủy xương sống hầu ngăn chặn sự tê liệt của phần trên thân người tôi.
Quả thật, nhờ vậy đầu óc tôi vẫn sáng suốt và hai tay tôi vẫn hoạt động như thường. Tôi buồn vô cùng. Là một cán bộ luôn luôn hoạt động, một chiến sĩ chiến đấu liên tục, một thanh niên được kết nạp đảng vào tuổi 19, tôi luôn luôn vươn tới những mục tiêu cao cả của cách mạng do đảng lãnh đạo. Bây giờ vừa hòa bình xong, biết bao nhiêu hoạt động ngoài đời tôi lại nằm trong bệnh viện, một bước không đi được. Nhiều đêm nằm nhớ lại những kỷ niệm trong cuộc kháng chiến cực kỳ vinh quang và anh dũng của dân tộc tôi không cầm được nước mắt.
Bỗng tôi nhớ lời thề khi vào đảng: "hy sinh chiến đấu tới hơi thở cuối cùng". Tôi lấy lại được niềm vui: Mình còn khối óc và hai bàn tay, vậy còn có thể cống hiến cho đảng tim óc của mình.
Tôi vẽ ngay ra một kế hoạch học tập trên giường bệnh. Nó gồm có hai phần: Đọc sách và học tiếng Liên Sô. Tôi nhờ bệnh viện mượn cho tôi trước nhất những quyển sách viết về Hồ Chủ tịch gồm có "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" của Trần Dân Tiên, "Bác Hồ của chúng ta" của các nhà văn Việt Nam được vinh dự gặp Bác, "Giấc ngủ Mười Năm" của Trần Lực. Mục đích của tôi là học tập gương phấn đấu chiến thắng nghịch cảnh của Hồ Chủ tịch. Phần học tiếng Liên Sô thì hơi khó thực hiện vì tôi không đến trường được. Tiếng Liên Sô không phải gốc Latin nên không giống tiếng Pháp hay tiếng Việt. Phát âm lại khó hơn các thứ tiếng này. Nhưng tôi quyết chí học cho bằng được cái ngôn ngữ của một dân tộc đã làm nên cuộc cách mạng tháng Mười lừng danh thế giới.
Trong bốn năm liền, nhờ sự cố gắng hết mức và sự giúp đỡ của các đồng chí chuyên gia hoặc tùy viên văn hóa Liên Sô tôi đã có thể dịch được tiếng ta ra tiếng Liên Sô và ngược lại. Tôi bắt đầu dịch quyển "Nữ Anh Hùng Dôi A", người con gái Nga bị phát xít Đức bắt, bị hành hình nhưng vẫn anh dũng mắng kẻ địch chứ không bị mua chuộc hoặc đầu hàng. Quyển sách dịch ra tiếng ta xong, được nhà xuất bản Kim Đồng nhận in liền. Sau khi sách được phát hành xong, có cả một buổi lễ long trọng cử hành tại bệnh viện để tuyên dương công trạng của tôi với danh hiệu anh hùng quân đội. Đại tướng Tổng tư lệnh đã đến tận giường, bắt tay tôi và gắn huân chương Chiến công hạng ba cho tôi. Nhiều đồng chí Liên Sô đến tặng quà, chụp hình tôi, bảo là sẽ đem về Mạc Tư Khoa in lên báo. Còn vợ tôi thì được lãnh tiền nhuận bút của nhà xuất bản để sống. Con trai tôi đến khoe với tôi chiếc khăn quàng đỏ nó vừa nhận được của trường.
Thế là tôi toại nguyện vô cùng. Tôi cảm thấy cuộc đời của mình còn có ý nghĩa cho cách mạng chứ không đến đổi là một vật phế thải. Ở Liên Sô cũng có một nhà văn trẻ viết trên giường bệnh. Ông ta viết lại chính cuộc đời cách mạng của mình và đã thành công to lớn. Tác phẩm của ông ta đã góp phần giáo dục lý tưởng Cộng sản cho hàng chục triệu thanh niên Liên Sô. Nhà văn này tên là Ốt-trốp-xư-ki. Trong truyện ông ta tự cho mình tên Paven Cóoc-sa-ghin. Cả hai tên đều khó đọc, khó nhớ, nhưng tôi đã thuộc lòng từ khi đọc lần thứ nhất. Quả thật là một người anh hùng suốt đời phấn đấu cho chủ nghĩa Cộng sản và phấn đấu chống bệnh tật của bản thân mình mà tác phẩm của ông, Thép Đã Tôi, là một biểu hiện tuyệt vời. Tôi có ý định dịch quyển này ra tiếng mẹ đẻ để cống hiến lứa tuổi thanh niên ngõ hầu thúc giục họ sống theo kiểu Paven. Nhưng tôi vừa chuẩn bị thì đã có nhà xuất bản đã in ra rồi. Tôi bèn quay sang tìm quyển khác để dịch. Đó là quyển "Giấc Ngủ Mười Năm" của Trần Lực. Tác giả là ai tôi không được biết nhưng bút danh Trần Lực đã khá quen thuộc trong hàng ngũ cán bộ ở Việt Bắc từ 1946. Lúc được lệnh vào Nam tôi có mang theo một cuốn.
Vào đến Nam Bộ tôi đưa cho phòng Chính trị Bộ Tư lệnh tái bản. Trong truyện tác giả kể lại rằng có một anh chiến sĩ đánh giặc bị thương hồi năm 1946, được đem vào nhà thương chích thuốc mê để chữa trị. Vết thương đã lành nhưng có lẽ hệ thống thần kinh bị hỏng nhẹ nên anh ta đã ngủ một giấc mê man. Khi tỉnh ra thì thấy cảnh vật và con người đều thay đổi. Đất nước đã không còn bom đạn, cuộc sống phì nhiêu và người dân ta giàu có tươi đẹp lạ lùng như cảnh thiên đàng mặt đất. Hỏi ra thì mới biết thời gian trôi qua là mười năm. Do đó tác giả đặt tên quyển truyện là "Giấc Ngủ Mười Năm". Tác giả hàm ý rằng cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta sẽ kết thúc trong vòng mười năm và từ đó toàn dân sẽ sống cảnh thiên đàng. Nhà văn Trần Lực đã tiên tri trúng phóc. 1945-1955 không mười năm là gì? Phải chăng ông ta là Khổng Minh tái thế?
Phải khó khăn lắm tôi mới tìm lại được quyển truyện này. Nó được một cán bộ giữ kỷ trong ba lô mang từ Việt Bắc về thủ đô và Viện Bảo tàng Cách mạng đã chiếm giữ ngay để trình bày trong viện. Tôi phải nhờ Cục Tuyên huấn Quân Đội can thiệp và bảo đảm mới được mượn quyển sách quý giá này và chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ Cục Tuyên huấn phải mang trả lại. Tôi vồ lấy quyển sách đọc lại, quên cả cơm nước. Những dòng chữ ngày xưa đã từng chạy dưới mắt tôi như một cuộc hành quân thần tốc, nay lại hiện ra như những đoàn thiếu nữ xinh tươi đáng yêu vô cùng. Xương máu mười năm kháng chiến đổ ra, trong đó có máu của tôi, đã không uổng. Tôi phải trả lại quyển sách một cách lưu luyến như lúc từ biệt vợ tôi để vào Nam hồi ở Việt Bắc. Tôi thấy đất nước hiện ra huy hoàng như một vườn hoa muôn màu mà người làm vườn là đảng. Thằng con trai tôi sinh năm tôi chia tay vợ tôi nay đã lên 7. Hồng phước của gia đình! Cho nên tôi đặt cho nó cái tên là Hồng Sơn. Cũng như tôi, khi vào đảng lấy bí danh là Hồng Long, tức là con rồng đỏ, với ý nghĩa vừa là dân tộc vừa là đảng. Nằm trên giường bệnh tôi ngẫm nghĩ thấy cái tên của mình thật hay.
Tôi nổi tiếng nhanh chóng như một anh hùng lập được một kỳ tích trong thời kỳ hòa bình. Nhân dân Thủ đô đều đến thăm tôi hàng ngày. Nhiều đoàn thể của nhà máy, đảng bộ v.v.. chẳng những đến thăm, biếu quà mà còn tặng cho tôi những chức vụ danh dự của đoàn thể, cơ quan họ. Tôi đếm được,bên cạnh chức vụ Trung tá, anh hùng quân đội chính thức của tôi, trên 100 chức vụ hàm, nghĩa là có chức nhưng không làm gì hết.
Năm 1960, một danh dự lớn đến với tôi. Tôi được đoàn thanh niên cộng sản Kôm-Xô-Môn Mạc Tư Khoa tặng cho tước hiệu "đoàn viên danh dự", với cấp bằng và tượng đồng Lê Nin. Tôi đưa cho vợ tôi đem về treo ở nhà.
Cũng năm này, một lần vào thăm tôi, vợ tôi đã báo cho tôi một tin mừng khác rằng: thằng Hồng Sơn được chọn đi học Liên Sô cùng với đoàn con em của liệt sĩ anh hùng có công với cách mạng. Ngồi bên đầu giường, vợ tôi kể lại sinh hoạt bên ngoài bệnh viện. Mặc dù tôi có đọc báo Nhân Dân hàng ngày và nghe đài hàng giờ (bằng chiếc đài của sứ quán Liên Sô tặng) nhưng nghe tin từ miệng vợ tôi, tôi vẫn cảm nhận được bên ngoài cụ thể hơn, giá một lạng thịt, một ký gạo, một bó rau muống, một cái đùi gà v..v..
Đặc biệt là sự biến chuyển to lớn trong guồng máy kinh tế: ở nông thôn đảng đã xóa hết những sai lầm cũ và đưa nông thôn lên hợp tác xã trung cấp. Nhiều nơi, theo báo Nhân Dân, đã có hợp tác xã cao cấp. Tôi vui mừng nghĩ là sẽ chẳng bao lâu những hợp tác xã này trở thành những Kholkhoz gương mẫu. Nông thôn ta 80 năm bùn lầy nước đọng sẽ chỉ nở rợp lúa vàng, nhân dân sẽ đời đời ấm no hạnh phúc như dân Liên Sô. Lại cũng vào năm này, ở đại hội thứ 20 đảng cộng sản Liên Sô đồng chí Khơ-rút-sốp dõng dạc tuyên bố cùng nhân loại trên cả địa cầu, - có lẽ lời tuyên bố làm giật mình cả thần thánh đang ngự trị trên Trăng Sao, - rằng: "Thế hệ thanh niên này sẽ được sống trong chủ nghĩa cộng sản trên đất nước họ". Như vậy là Liên Sô sẽ là thiên đàng đầu tiên trên mặt đất: giấc mơ ngàn đời của nhân loại được thực hiện.
Ít lâu sau, vợ tôi lại vào thăm tôi và cho biết rằng ở ngã tư Tràng Tiền, vừa dựng xong một tấm áp phích chạy dài suốt một khu phố mặt ngó ra bờ Hồ, người vẽ to bằng người thật, toàn là dân Liên Sô, nhảy múa tưng bừng để minh họa câu tuyên bố trên kia của đồng chí Khơ-rút-sốp.
Thôi vậy là xong rồi. Mình chẳng còn gì để mơ ước thêm. Chết cũng yên tâm. Đang lúc tôi dịch quyển "Giấc Ngủ Mười Năm" ra tiếng Liên Sô xong thì bệnh tôi trở nặng. Nhà nước đã hết lòng chạy chữa nhưng tôi vẫn cứ chết như thường. Ô, cái chết nhẹ nhõm thảnh thơi của một người dâng trọn đời mình cho dân tộc. Tôi nghe rõ tiếng đinh đóng vào hòm tôi và tiếng than khóc của đồng bào đồng đội cùng là vợ con tôi. Nằm trong hòm tôi mỉm cười, tự bảo:
- Tôi chỉ ngủ một giấc ngủ dài năm năm, mười năm hay lâu hơn nữa rồi sẽ mở mắt ra nhìn quê hương mình đổi mới gấp trăm lần!
Với vợ tôi, tôi muốn bảo: "Anh không chết! Bởi vì Hồng Long tái sinh trong Hồng Sơn! Màu hồng sẽ không bao giờ tắt trên cuộc đời này."
Tôi được chôn cất rất trọng thể với lễ nghi an táng một anh hùng nơi nghĩa trang quân đội, tổ ấm cuối cùng của hàng vạn đồng đội và đồng chí của tôi.
Không, tôi không bị vùi xác ở nghĩa trang, tôi đang sống giữa lòng dân tộc! Không, tôi không chết, tôi chỉ ngủ một giấc ngủ dài, giấc ngủ của ông Trần Lực. Chính tôi là nhân vật của ông Trần Lực. Khi liệm thân xác tôi, người ta không quên đem theo quyển truyện cho tôi làm việc tiếp ở dưới mồ. Do đó tôi vẫn còn nhớ và tự nhắc mình chỉ nên ngủ mười năm rồi thức giấc để ngẩng lên xem quê hương đổi mới.
Hôm nay, tôi lại thức giấc, đúng vào ngày... tháng... năm 1990. Từ ngày lìa trần tôi chỉ ngủ có ba giấc, mỗi giấc đúng mười năm. Nếu như ngày tháng ở cõi tiên và thế gian khác nhau như trong truyện Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai thì đất nước tôi bây giờ đã sống trong giàu có sung túc nhung lụa gấm hoa, bởi vì Lưu Nguyễn vào động đào nguyên chỉ có một ngày mà khi trở về quê cảnh thổ quê hương đều thay đổi: những đứa trẻ đều đã trở thành cụ già lọm khọm. Hóa ra trên tiên một ngày bằng trăm năm dưới thế. Huống chi tôi đã nằm trong nghĩa trang 30 năm. Thì trên quê hương tôi ắt hẳn là bao nhiêu trăm năm đã qua. Và như vậy là chủ nghĩa cộng sản đã ban phước cho hàng mấy chục thế hệ rồi. Tôi xin phép Diêm Vương về thăm quê và được chuẩn y ngay, không phải hối lộ. Diêm Vương lại còn dán cho tôi lá bùa sau lưng nên tôi đi đứng được bình thường. Tôi về đến Hà Nội thì trời sẩm tối. Cảnh vật mập mờ dưới những ngọn đèn đường tù mù. Để khỏi lạc tôi đến ngã tư Bờ Hồ là nơi thị tứ nhất thủ đô để rồi từ đó tôi tìm hướng về nhà hoặc đi đâu thì đi.
Sực nhớ ra tấm áp phích về chủ nghĩa cộng sản dựng ở đây, tôi ngẩng lên tìm. Một khoảng mênh mông trên đầu tôi. Đoàn người giả đã biến khỏi cuộc đời thật. Những tấm áp phích tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản không còn cần thiết nữa bởi vì cuộc đời thật chắc còn đẹp hơn nhiều.
Tôi bách bộ về nhà. Đi qua những hàng bách hóa cửa đóng im ỉm, tôi nghĩ thầm chắc bên trong đầy ắp những nhu yếu phẩm. Giá thịt lợn, thịt gà và tiền lương cán bộ công nhân đã tiến bộ nhảy vọt để mọi người có thể sống trong cảnh làm tùy sức hưởng tùy nhu cầu.
Tôi vừa đi đến cuối phố Tràng Tiền thì một chiếc xích lô rà lại sát bên tôi. Lâu quá tôi mới thấy lại chiếc xích lô thật. Cũng thứ xe thời Pháp thuộc khi tôi còn đi học nhưng có phần ọc ạch hơn. Nhìn nó, tôi hơi ngạc nhiên: Vậy ra sinh hoạt có gì thay đổi? - Nhưng bỗng một chiếc xe hòm đen nhánh vụt qua. Rồi hàng chục chiếc khác nối đuôi nhau chạy qua mặt tôi. Tôi tự nhủ thầm: Có thế chứ! Nhân dân ta bây giờ đã làm chủ được những chiếc xe hơi đẹp đẽ. Tôi đang đứng ngẩn người ra thì anh xích lô hỏi:
- Bác có muốn đi "tươi mát" không?
- Tươi mát là nghĩa gì? Tôi hỏi.
Sự thực, tiếng ấy chẳng có gì là lạ tai. Trước kia tôi đã từng nghe trong các buổi phát thanh, từng đọc báo và cũng từng nói không biết bao nhiêu lần, nhưng lần này nghe có gì là lạ trong giọng của anh xích lô. Thấy tôi lừng khừng, anh ta tiếp:
- Tối nay có "múa đôi" thi đua. Có nhiều "phò" đẹp lắm. Bác muốn "tàu nhanh, tàu chậm" đều được cả. Đến mau kẻo hết vé. Khách quốc tế đông như kiến cỏ.
- "Phò" là gì?
- Đến đó sẽ biết. Bác ở đâu lạc đến mà có vẻ quê một cục vậy?
- À á... tôi ở thành phố Bác mới ra! Tôi nhanh trí đẩy cây làm quen.
- Ở trong đó có Đường Sơn Quán, ngoài này có khách sạn Xuân Hồng chư bộ thua à?
Tôi tự trách mình lạc hậu. Mà lạc hậu là phải. Đã "đi" xa Hà Nội 30 năm rồi còn gì nữa. Cứ gì phải Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai trở về mới thấy cuộc đời đã qua trăm năm. Mà sống ngay trong xã hội xã hội chủ nghĩa ta vẫn thấy điều đó. "Một ngày bằng hai mươi năm!" Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã không nói thế trước kia là gì! cho nên bây giờ Hà Nội đã đổi khác, đổi từ ngôn ngữ trở đi. Thành phố Bác tức là Vinh, nay lại có Đường Sơn Quán? Đường Sơn Quán là gì? Cái tên nghe lạ quá! Quê hương Bác đã to đẹp hơn xưa nhiều.
- Có ba bốn chỗ. Giảng Võ, Phú Gia, Câu lạc bộ Quốc tế? Bác muốn đi chỗ nào? Gã xích lô nhấp nhấp bàn đạp xe có vẻ sốt ruột và tiếp: - Ở Câu lạc bộ Quốc tế thì giá vé đắt nhưng chất lượng cao hơn các nơi khác.
Tôi quyết định đi lên Câu lạc bộ Quốc tế để xài tiếng Liên Sô lâu nay không dùng chắc quên bộn. Gã xích lô quay vút đầu xe ra đường và đạp nhanh như gió. Đến đầu đường Cột Cờ thì gã dừng xe lại. Ở đây có một anh chàng đầu chải tém đít vịt đứng bên chiếc xe máy hút thuốc. Đóm lửa rít lên có vẻ như sốt ruột chờ tình nhân, vừa trông thấy chiếc xe đã kêu lên:
- Mau mau. Tớ vừa "chặt" một cậu ấm được hai trăm.
- Đây là khách Đường Sơn Quán! - Gã xích lô thắng gấp xe sát nghiến lề đường phóng xuống đất và nói với tôi - Bác đi với ông này. Đây là ông trưởng ban tiếp tân động Thiên Thai!
- Ồ vậy thì còn gì bằng? Đất nước mình đã có thiên thai thiệt, cần gì phải mơ ước như Lưu Nguyễn? Ông trưởng ban tiếp tân nổ máy xe và bảo như ra lệnh cho tôi:
- Ta đi Câu lạc bộ Quốc tế mới có nhiều cú "phăng", Thiên Thai lạc hậu rồi!
Đi thì đi! Tôi nghĩ thầm. Chốc nữa sẽ về nhà cũng chẳng muộn. Xe chạy như tên bắn. Đến đường Hoàng Văn Thụ hắn tốp bớt để rẽ phải. Thừa lúc máy xe nổ nhỏ, hắn nói:
- Ở Hà Nội cũng có kém gì thành phố Bác. Bác muốn gì có nấy. "Phò" trẻ lắm. Toàn dưới 20 cả. Bác muốn trường múa cũng có.
- Tôi vô trường múa làm gì? Tôi cãi lại.
- Cái ông này, bộ ông chưa đi Câu lạc bộ Quốc tế lần nào hả?
Tôi ngồi lặng im, không đối đáp nữa vì sợ bị chê nhà quê.
Chập sau xe đến đường Quan Thánh. Hắn trỏ về phía ánh đèn xanh lét chói lòa, bảo:
- Mười ngàn một tích kết. Giờ này họa lắm mới còn. Bác có "xín" đó không?
- "Xín" là gì?
- Cái này này, để "bỉ" cho các "nhót".
Tôi không hiểu hắn nói gì nhưng cũng gật bừa.
- Giá đặc biệt 15 ngàn một cái, ô kê?
- Cái Ô kê là cái gì mà đắt dữ vậy?
- Vào đi! Rồi biết! Hắn thắng xe đổ tôi xuống, khóa xe và dắt tôi vào, và bảo tôi đưa xín. Thì ra tôi mới hiểu xín là tiền. Cũng may, lúc cho phép tôi đi Diêm Vương có lì xì tôi một số đô la. Có lẽ, ngài biết thứ giấy này rất có giá trị ở xứ tôi. Tôi vội vã móc ra một mớ đưa cho hắn. Hắn vồ lấy ngay và rên rĩ:
- Đế quốc tư bản muôn năm! Không sợ tôi bắt tội mất lập trường, hắn đưa mấy tờ giấy bạc lên mũi hít hít và nói như những tờ giấy bạc biết nghe - Anh đợi em ba mươi năm đời ta có đảng. Với một phần mười của số tiền ấy hắn mua được một tấm vé màu đỏ có in ngôi sao vàng trên cùng nhỏ hơn giá tiền ở góc dưới. Hắn vung tay la to, át cả tiếng nhạc rập rình eo éo.
- Khách quý từ thành phố Bác đây các... cháu!
Nãy giờ nghe danh từ thành phố Bác, ngỡ là Vinh, bây giờ ngẫm ra có lẽ không phải. Tôi vừa định hỏi thì một tốp bốn năm thiếu nữ ăn mặc lạ lùng ùa đến vây quanh tôi làm tôi hồn bất thủ xác. Ông trưởng ban tiếp tân lôi tất cả ngồi vào chiếc bàn gần nhất và giới thiệu từng cô:
- Đây là Hồng Hoa sinh viên sinh lý học của Sở Vật lý trị liệu thành phố, đây là Thanh Tùng học sinh lớp 10 sắp lên đại học thể dục thể thao uốn dẽ...ẽo, đây là Điêu Huyền cán bộ Tài chánh Sở Giáo Dục Phổ thông, còn đây là Nguyên Trinh học sinh lớp Tám phổ thông ở Thanh Hóa mới ra Hà Nội thăm bà con! Bác muốn giúp đỡ em nào cũng tốt cả. Bác cứ áp dụng năm quy luật duy vật biện chứng pháp và sáu cặp phạm trù thì đúng ngay chóc, chẳng có phải sửa sai cái lập trường quá cứng hay quá mềm đối với các em, cả đối với kẻ thù truyền kiếp hoặc đối với bọn bành trướng tân thời. Hà hà...
Một gã đàn ông mặc theo kiểu cách của Bác hồi thời đảng Cộng Sản Đông Dương còn trứng nước bên Tây, với chiếc khăn lông trắng nuốt trên tay, từ đâu mọc ra, trong mặt mũi rất trí thức, quần áo sang trọng mà cử chỉ thì lại bồi bàn. Gã rạp mình đúng 45 độ như lễ nghi quân đội có phấn quá lố.
- Các vị dùng món chi?
- Có gì đặc biệt? Ông trưởng ban tiếp tân hất hàm.
- Dạ bia Lênin, rượu mạnh Tiểu Bình, phở Gan Bác. Còn nếu muốn đặc biệt hơn thì có tiết canh Ruma, dưa mận Thiên An vừa nhập cảng qua hữu nghị quan ạ.
Ông trưởng ban uy nghi:
- Được rồi! Còn khai vị có gì?
- Dạ có bia hơi Đổi Mới đi với lòng lợn luộc Cởi Mở! Hai món này đi với rau muống ODP thì tuyệt ạ! Trước kia thì có ngò ba lá Cải Tạo nhưng món ấy phải kèm với rau muống giống mới này ạ.
- Ăn xong có chỗ ngồi để khách tâm tình với "phò" không?
- Dạ cái vụ đó thì có rư đấy ạ! Chúng tôi sẽ mời quý khách ra sau vườn Sọ ngồi trên những mảnh tường Bá Linh vừa được đồng chí Hônéccơ gởi tặng đồng chí Nguyễn Không Linh nhà ta nhân dịp đồng chí sang dự lễ quốc khánh cuối cùng của nước cộng hòa phi dân chủ Đức đấy ạ!
Ông trưởng ban lên giọng lãnh tụ con:
- Sao những vật quý báu như vậy lại đặt ở đây mà không để ở Bảo tàng Hồ Chí Minh hoặc Bảo tàng Cách mạng ở bờ sông, hả?
- Dạ đồng chí Linh bảo là hai cái bảo tàng đó bây giờ chẳng có ai coi. Dân chúng đi vào các động Thiên Thai nhiều hơn ạ. Ở bảo tàng chưng toàn đồ ngụy tạo của một đám cán bộ chuyên nghiệp sang học lóm bên Nga rồi về sáng tác ra từ cái quần tiều của Bác đến cái cây bút chì của đồng chí Trần Phú dùng viết luận cương của đảng Cộng Sản Đông Dương, rồi bây giờ bày ra cây tầm vông của Nam Bộ kháng chiến, chiếc khăn rằn của bà Định chứ đâu có món nào thứ thiệt. Gần đây là di chúc của Bác họ cũng phịa ra, bây giờ không có thứ gì là thiệt cả. Chỉ có những mảnh tường Bá Linh mà đồng chí Không Linh tặng cho Câu lạc bộ Kháng chiến... của Câu lạc bộ Quốc tế của chúng tôi là thiệt mà thôi.
- Sao chắc là thiệt?
- Dạ những mảnh tường này có dính tóc vàng hoe và máu đỏ tươi của dân vượt tường. Đồng chí Nguyễn Không Linh muốn để những mảnh tường ở đây cho những ai lăm le muốn vượt biên thấy sẽ trở lại con đường Bác Hồ đã chọn.
- Cậu đã đi lạc đề rồi.
- Vâng, xin ông làm ơn làm phước đưa tôi trở lại.
- Vấn đề tàu nhanh, tàu chậm ở đây như thế nào?
Ngồi nghe hai bên đối thoại với nhau tôi hoàn toàn không hiểu gì hết. Từ những danh từ, những địa danh và những sự kiện này nọ đều xa lạ với tôi. Bà Định là ai và chiếc khăn rằn của bả tại sao được để vào Bảo Tàng Cách Mạng? Di chúc của Bác có hồi nào và ai dám phịa ra nó v..v.. Tôi cố lắng tai nghe để đoán già đoán non nhưng không mò ra. Quả thật cách mạng đã đổi mới đất nước, da thịt lẫn tim gan.
Nhìn những ông đi qua, những bà đi lại, toàn quần là áo lượt, cà vạt đỏ, nơ đen, giày bé-ca-na bóng loáng, cười nói râm rang, rượu nổ bôm bốp, tiếng Tây, xen lẫn tiếng Anh, tiếng Nga, tóc vàng, tóc quăn lượn quanh tóc đen tóc mướt... và âm nhạc nữa! Những bản Chiến Thắng Điện Biên, Người Hà Nội, Tiến Về Hà Nội, Thăng Long Hành Khúc... có lẽ đã lạc hậu nên chẳng nghe ở đây. Cả tôi nữa, tôi cũng không còn thích hợp với những khung cảnh đổi mới của đất nước ngày hôm nay. Một ngày bằng hai mươi năm. Ba mươi năm, bao nhiêu ngày là bấy nhiêu hai mươi năm! Đất nước đã sống trong chủ nghĩa Cộng Sản hàng bao nhiêu thế hệ rồi. Trong kia, toàn dân nhảy múa, toàn dân ăn uống no say, thức ăn thừa mứa trên các bàn trải thảm trắng tinh, rượu uống không hết người ta đổ lên đầu nhau, vài người ăn no quá, chạy ra cửa gần chỗ tôi ngồi, nôn thốc nôn tháo ra rồi trở vào tiếp tục gọi những món mới, ăn tiếp. Quang cảnh bây giờ khác với ba mươi năm trước. Không còn cảnh xếp hàng mua ký gạo, lạng thịt, bao diêm như hồi tôi còn nằm trong bệnh viện. Tôi bất giác quay sang ông trưởng ban tiếp tân:
- Cậu làm gì trong cơ quan?
- Cơ quan gì ạ?
-Cơ quan nhà nước, cơ quan đảng chứ cơ quan gì!
- Dạ bây giờ đâu còn nhà nước, đâu còn đảng điếc gì nữa đâu! Tất cả đều tan ra nước. Ông trưởng ban thấy có một bàn tay ngoắc lia nên vội vã đứng dậy chạy đi.
Tôi đã đoán đúng mà! Nước ta đã sống trong cộng sản chủ nghĩa từ lâu nên không còn nhà nước. Đến đảng là cái lõi mà cũng đã tan ra nước. Bây giờ nhân dân tự quản lý. Không cần cả cảnh sát. Chung quanh đây có đồng chí áo vàng nào đâu!
Ông trưởng ban trở lại ngồi vào ghế và trịnh trọng cất giọng nói với tôi:
- Bây giờ bác nên quyết định đi. Giải khát món nào, khai vị món nào... để cho các nữ đồng chí ta phục vụ.
- Món nào cũng được! Tôi đáp như máy.
- Còn vấn đề tàu nhanh tàu chậm, bác thích thứ nào?
Tôi đoán hắn muốn biết chốc nữa khi về nhà tôi sẽ đi tàu điện chậm rì hay là hắn đèo cho nhanh hơn. Quả thật tôi ớn cái kiểu hắn chạy bạt mạng lúc nãy nên đáp:
- Cho tôi đi tàu chậm, để tôi có thể ngắm núi Nùng sông Nhị thích hơn!
Cả bọn phá lên cười. Các cô cười thích thú nhất. Cô Hồng Hoa và cô Điêu Huyền cười khoe cả răng lẫn lợi. Cô Nguyên Trinh thì nghiêng mặt và che tay cười sau vai Hồng Hoa. Còn cô Thanh Tùng há mồm mà không ra tiếng nên tôi không biết cô khóc hay cười.
- Trông bác còn khỏe ra phết! Ông trưởng ban vuốt.
- Tôi bị thương hồi trước đình chiến mới vừa khỏi đây thôi!
- Bác đi tàu chậm để ngắm nghía núi đồi sông lạch mới thú chớ còn đi nhanh chỉ dăm phút chẳng kịp biết gì hết. Nhoáng cái là xong, phí của giời! Bác có biết đồi cao lũng cạn gì đâu!
- Tôi xa Hà Nội có ba chục năm nên không còn nhớ cảnh thổ quê hương nữa, nhớ chú em hướng dẫn dùm để khỏi mò mẫm mất thì giờ.
- Bác đi tàu chậm thì không phải lo, thua trận này gầy trận khác. 24 tiếng tha hồ nằm, ngồi, đứng, nằm nghiêng, muốn gì mà không được. Chỉ phải cái là đắt lắm.
- Bao nhiêu!
- 200!
- Gì chứ trả 200 mà đi vòng quanh 24 tiếng thì tôi sẵn sàng.
- Nhưng bốn em này bác bắt em nào?
- Bắt đi đâu và để làm gì ạ?
- Thì đem về phòng bác để chạy. Phải có ít nhất một em thì tàu bác mới chạy được chứ, nếu không bác chạy vô đâu? Hay bác muốn cả bốn?
Tôi nhìn các cô, cô nào cũng đẹp cả và chưa đáng tuổi con tôi. Cô Hồng Hoa mặc váy ngắn màu hồng khoe cả đùi non, cô Điêu Huyền thì hở nửa ngực và đôi bắp tay trần sát nách. Còn cô Nguyên Trinh thì mặc váy dài hở lưng kín ngực nhưng vải mỏng như cánh chuồn nhìn thấu giai cấp cơ bản. Riêng cô Thanh Tùng thì mặc áo sơ mi bỏ vô quần tây trắng.
- Bác cứ đi cả đi! Các cô đều chất lượng cả. Cô Hoa là con của Cục trưởng Tuyên Huấn Quân Đội, cô Huyền là cháu của ông Kẹ gộc, còn cô Trinh, cô Tùng là cháu họ xa với đồng chí Bộ Trưởng Bộ Bị Gậy đấy. Cả bốn cô đều chuẩn bị đi Liên Sô tu dưỡng nghiệp vụ dài hạn ở bờ biển Bát Tích hay Bình Tích gì đấy nhưng vì dân Lita-Nha lộn xộn sao đó nên nước bạn không nhận du học sinh sang nữa, thành ra các cô tu trong nước, tạm thời làm tiên nữ trong động này. Khách buộc boa bao nhiêu các cô nhận cả, ngoài ra còn lãnh lương cao hơn Thủ Tướng!
- Vậy là đúng lý tưởng "ăn ngon mặc đẹp" của đảng ta rồi!
Ông ta quay lại các cô:
- Các cháu vô chuẩn bị phòng đi, để bác khai vị xong, bác sẽ vô - rồi nói nhỏ với tôi - Bác có cần dùng thuốc rượu Minh Mạng không, để "đi" tàu cho khỏi nhọc.
- Làm thế mất lập trường! Mình không nên xài đồ của phong kiến đế quốc.
- Vậy dùng Xá Xị Bành Trướng, Tôm khô Xét Lại với Dưa chua Giáo Điều để săn gân trước khi lên tàu nhé! Các cháu hiếu chiến lắm đấy.
Tôi lờ lợ không hiểu đầu cua tai nheo gì cả, nhưng khách đông hỏi han bất tiện. Ai nấy có vẻ chú ý nhìn tôi như một kẻ ngờ nghệch, ngơ ngáo, ngớ ngẩn ở giữa nơi lạ lùng này. Vả, tôi cũng có chút tự ái nên không chịu hỏi dò cho kỹ trước khi gật hay lắc. Hồi kháng chiến chống Pháp, cán bộ gọi đó là bệnh "dấu dốt". Lần này tôi nhất định tìm biết Xá Xị Bánh Trướng là Xá Xị gì? Nó có bà con với nước ngọt Hồng Hà mà Bác Hồ đã mời đồng chí Dương Bạch Mai một chai qua tay cô chiêu đãi viên ở ngoài hành lang buổi họp khoáng đại Quốc Hội tại Ba Đình năm trước không? Uống có ba hớp, đồng chí ta ngả lăn hộc máu chết tươi. Vừa định hỏi thì một người đàn ông trên 40 đầu chải bảy ba, láng đến mức "ruồi đậu phải chống gậy" ở đâu xấn xả đi vào ngơ ngáo nhìn quanh:
- Có cậu "ấm" Hủi vô đây không?
Ông trưởng ban tiếp tân cười khè khè, có lẽ đã nhận ra người quen:
- Thằng ấy nó lủi vô động Phú Gia chứ đâu?
- Tớ đã vào đó lục lọi khắp xó mà không thấy!
- Đằng ấy có đến Cung Việt Sô Hữu Nghị không? Nó đang trốn học ở Liên Sô về bố nó bắt trở sang nên nó chui vào đó nấp gấu váy mấy con "phò" vừa chỉ huy vừa chạy mối cho đám "phò" non mới nhảy rào - Gã tiếp - Phải gọi hắn là cậu ấm quỵt mới đúng. Vừa rồi nó đi tàu nhanh con người ta, nó bảo quên đem tiền để về nhà lấy, nó đi tuốt không chường mặt nữa, làm tôi mất uy tín với mấy em đằng Cung Hữu Nghị, lâu nay tôi không dám tới đó.
Người kia vuốt mồ hôi trán:
- Mất uy tín sao bằng tôi bữa nay.
- Uy tín gì mà mất dữ vậy?
- Số là một cậu ấm Bò hẹn tôi xỏ mũi con nghé quê còn quàng khăn đỏ! Hắn hứa để một cây.
- Bố chúng nó có đứa lận lưng một phát cả trăm cây.
- Thằng này hứa lấy rồi không đến. Con nghé này mới u cặp sừng con còn khờ quá!
- Ngữ ấy thì biết trò trống gì?
- Tớ cho uống thuốc kích dục chớ ạ!
- Cậu mổ bao nhiêu?
- Còn tùy thằng mua.
- Công thức 50/50 hay 6/4?
- 75/25. Tớ 75. Con bé 25. Mẹ nó đau cần thuốc. Nhà thương không nhận vì không đóng đủ tiền nhập viện. Anh nó bán cho tớ với giá trên, nhưng tớ hấp cho thằng ấm Bò một cây. Tớ bảo tớ chỉ lấy cây hoặc 500 đô, không lấy rúp lô can. Mối mang xong cả rồi lại hỏng.
- Tụi cán cối đàng trong ra đây chơi bạo lắm. Nhốt kỹ để đó tớ tìm mối Nam cho.
- Tụi đó ra Hà Nội là để hội nghị nhì nhằng đâu có sẵn đô. Có chăng, toàn cụ, chán lắm. Thứ ấy các động không xài.
- Cậu nhầm! Có một đám giám đốc lấy xe nhà nước đi trao đổi văn hóa xuyên qua Hữu Nghị Quan, chúng nó toàn là xài đô và cây thôi. Chúng thường tấp vào đây nghỉ ở khách sạn Xuân Hồng bên cầu Long Biên. Bọn đó chi đẹp nhất. Bao nhiêu bi, tiền bạc không thành vấn đề. Con nghé cậu cất ở đâu đưa tôi hấp cho.
- Theo công thức nào?
- 3 - 3 - 3, được không?
- Cụp ngay! Người lạ gật và chạy biến đi.
Giấc Ngủ 30 Năm Giấc Ngủ 30 Năm - Xuân Vũ