Đừng lo ngại cuộc sống sẽ kết thúc, hãy lo ngại cuộc sống chẳng bao giờ bắt đầu.

Grace Hansen

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Navarre
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 9 - chưa đầy đủ
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2098 / 31
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1: Tôi Nắm Quyền Chỉ Huy Quân Đội Tại Đông Dương
ào đầu tháng 5 năm 1953, khi tôi đang ở Cộng hòa Liên bang Đức với chức vụ là Tham mưu trưởng cho thống chế Juin, Tư lệnh các lực lượng NATO tại Trung Âu, thì nhận được lệnh phải cấp tốc trở về Paris. Ngay khi về tới nơi, tôi được thống chế Juin thông báo cho biết, việc tôi sắp được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương1.
Vinh dự khủng khiếp này rơi xuống đôi vai tôi hết sức bất ngờ chỉ vì ông René Mayer, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng - ND) là một người quen biết tôi trước đây khi tôi còn làm Chánh văn phòng cho Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đức. Lúc ấy, ông Mayer là Cao ủy Pháp tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Sau đó tôi làm Tư lệnh sư đoàn Constantine, còn ông thì làm Đại biểu Quốc hội của vùng Constantinois. Ông đã chỉ định tôi, thay vì những người khác trên cơ sở một danh sách sĩ quan cấp tướng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình lên, bao gồm một số ứng viên chắc chắn là có những danh hiệu cao hơn tôi. Sở dĩ họ không được bổ nhiệm vì có những lý do về chính trị hoặc quân sự được đưa ra để phản đối việc đề bạt đối với phần lớn các sĩ quan đã từng nắm giữ các cương vị quan trọng ở Đông Dương.
Không một yếu tố nào trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, có thể giải thích cho việc tôi được chỉ định vào chức vụ này. Tôi chưa bao giờ phục vụ tại Đông Dương và chỉ hiểu biết về Đông Dương như bất cứ một người nào có được các tin tức tương đối đầy đủ. Tôi tự đánh giá là rất chưa đủ khả năng cho nhiệm vụ này. Đó là nhận xét mà tôi trình bày cho thống chế Juin. Ông này khuyên tôi nên đề nghị ông Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cân nhắc kỹ lại, nhưng mặt khác ông lại lưu ý là tôi không được quyền từ chối một nhiệm vụ mà bắt buộc phải có một người nào đó nhận.
Ông còn nói thêm tôi sẽ phải lao vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm, nhưng không phải là không có lối ra. Để chứng minh cho quan điểm này, ông đưa cho tôi một bản báo cáo chính ông thực hiện sau một chuyến đi thanh tra tại Đông Dương cách đó vài tuần, với tư cách là một cố vấn về quân sự cho Chính phủ. Các kết luận của báo cáo về tình hình tại Đông Dương cũng tương đối lạc quan, nếu không lạc quan về tình hình trước mắt hoặc một tương lai gần, thì ít nhất cũng tương đối sáng sủa cho các viễn cảnh tương lai.
Ngay ngày hôm sau, tôi được ông René Mayer tiếp. Và trả lời ý kiến về sự không biết gì của tôi đối với các vấn đề Đông Dương, thì theo ông, đó lại càng là một lý do để bổ nhiệm tôi, vì tôi có thể có được một cách nhìn mới cho tất cả các vấn đề. Ông René còn nói thêm một cách kiên quyết nhưng khéo léo rằng ông có quyền không hỏi ý kiến tôi, vì tôi là một quân nhân không thể từ chối nhiệm vụ, hơn nữa đây lại là một nhiệm vụ nguy hiểm.
Lý lẽ của ông Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chắc chắn đã không thuyết phục được tôi nếu bàn về những chức vụ khác chức vụ đang dành cho tôi. Tôi luôn luôn nghĩ rằng kỷ luật tuyệt đối không thể được áp dụng đối với các chức vụ hàng đầu, kể cả dân sự lẫn quân sự. Những yếu tố chính trị mà họ phải gánh chịu, cho phép các viên chức cấp cao đó, dù là một nhà chỉ huy quân sự hay một viên chức cao cấp dân sự có quyền từ chối, nếu họ nhận thấy điều kiện đặt ra trái với lương tâm họ, hoặc phương tiện mà họ có được không đảm bảo một cơ may tối thiểu để thành công. Tuy nhiên quan điểm này, dù cho nó đúng ở thời bình, nhưng nó lại không có giá trị trong thời chiến. Chúng ta đang trong thời kỳ chiến tranh tại Đông Dương. Chức vụ Tổng tư lệnh là một vị trí chiến đấu. Tôi không thể trốn tránh được.
Ngày hôm sau, ngày 8 tháng 5, việc bổ nhiệm tôi là một việc đã rồi.
o O o
Sau hai lần gặp gỡ, ông René Mayer trình bày cho tôi biết các quan điểm của ông về tình hình Đông Dương. Ông đánh giá tình hình rất xấu. Ông không nghĩ rằng sẽ có một giải pháp thuận lợi. Vấn đề là, theo ông, tìm cho được một “lối ra danh dự”. Nhưng ông chưa hình dung được lối ra này, cũng không biết làm cách nào để đạt được.
Ông yêu cầu tôi phải đi Đông Dương trong vòng mười ngày, nghiên cứu tại chỗ tình hình và trở về sau một tháng, trình bày cho Chính phủ một kế hoạch hành động. Về những nét cơ bản của kế hoạch này, ông không cho tôi một chỉ thị nào cả. Ông còn dành cho tôi quyền nói những gì tôi nghĩ là khả thi. Tuy nhiên, ông René Mayer cũng cảnh báo là tôi không thể có thêm được bất cứ một sự chi viện nào, vì ông không thể nào đáp ứng được. Ông không dự kiến, dù trong bất cứ trường hợp nào gửi thêm viện quân đến vùng Viễn Đông.
_________________________________________
1. Tướng Salan, người kế tục thống chế De Lattre trong chức vụ Tổng tư lệnh quân đội ở Đông Dương, đã phục vụ quá nhiệm kỳ của mình, và phải trở về Pháp.
o O o
Ngoài ra, ông Chủ tịch Hội đồng cũng cho tôi biết các điều kiện qua đó quyền hành ở Đông Dương sẽ được tổ chức lại.
Sau cái chết của thống chế De Lattre, người từng giữ cùng lúc hai chức vụ là Cao ủy Pháp và Tổng tư lệnh quân đội, thì ngài Tổng trưởng phụ trách quan hệ với các quốc gia trong khối Liên hiệp Pháp, kiêm luôn chức vụ Cao ủy. Do sự kiêm nhiệm này mà Tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương phải trực thuộc Cao ủy Pháp. Công thức này vừa được bãi bỏ. Những chức trách về mặt dân sự của Cao ủy Pháp tại Đông Dương được chuyển một phần cho “Tổng ủy Pháp ở Đông Dương” (Commissaire général de France en Indochine) và một phần cho ba vị Cao ủy Pháp tại Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trên lĩnh vực quân sự, các quyền hành trước đây của Cao ủy Pháp được chuyển hoàn toàn vào tay Tổng ủy Pháp mà theo các điều khoản của Sắc lệnh thành lập thì, “Tổng ủy Pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ về lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Đông Dương” và để đạt mục đích ấy, có quyền “giúp đỡ các Quốc gia Liên kết bảo vệ biên giới của khối Liên hiệp Pháp và an ninh ở tại Đông Dương”.
Các quyền hạn kể trên biến người lãnh đạo dân sự thành người thực sự nắm mọi quyền hành. Đó là một tàn dư của thời kỳ các Toàn quyền Pháp, qua đó quân đội chỉ có nhiệm vụ thứ yếu là duy trì trật tự. Sự ủy quyền này phục hồi lại cơ chế trước khi thống chế De Lattre đến Đông Dương, cho dù cơ chế này, theo quan điểm chung, đã hoàn toàn bị phá sản. Nó giới hạn vai trò của vị Tổng tư lệnh quân đội chỉ là một “Tư lệnh cấp trên của các lực lượng chiến đấu”, với trách nhiệm rất hạn chế.
Các điều khoản của Sắc lệnh trao quyền cho Tổng tư lệnh quân đội tại Đông Dương (Commandant en chef), dù đang còn ở giai đoạn nghiên cứu, nhưng đã khẳng định rõ ràng xu hướng này: Người Tổng tư lệnh chỉ “được giao trách nhiệm tiến hành những chiến dịch quân sự trong khuôn khổ các kế hoạch chung do ngài Tổng ủy trình lên Chính phủ”. Tổng tư lệnh quân đội trợ giúp (assister) cho Tổng ủy trong “lĩnh vực quốc phòng và an ninh”. Tổng tư lệnh chỉ có “quyền sử dụng” những lực lượng của các Quốc gia Liên kết “được phân công làm những nhiệm vụ hành quân”, còn tất cả những vấn đề về việc thành lập những lực lượng này đều thuộc thẩm quyền của Tổng ủy Pháp.
Tuy chưa được biết hết về tình hình Đông Dương, nhưng tôi cũng lưu ý ông René Mayer là tôi không thích công thức này lắm, một công thức chỉ có thể chấp nhận được trên một vùng lãnh thổ không có chiến tranh hoặc không có nhiều xáo trộn. Nhưng trên một đất nước đang diễn ra một cuộc chiến tranh thật sự, thì một cơ chế như thế này không thể nào thích hợp được.
Ông Mayer trả lời là ông cũng không hài lòng với việc tổ chức quyền lực như vậy. Ông cũng cho biết luôn là ông M.Grandval vừa từ chối chức vụ Tổng ủy Pháp, và ông cũng chưa có một dự định đề cử ai trước khi tôi quay trở về Pháp vào tháng sau. Thời hạn này tạo điều kiện cho tôi yêu cầu xem lại công thức này.
o O o
Tôi lên đường đi Sài Gòn ngày 18 tháng 5. Tôi đến đó ngày 19 và được ông Letourneau, Tổng trưởng Phụ trách các Quốc gia Liên kết và Cao ủy Pháp tại Đông Dương tiếp. Ngay ngày hôm sau, tôi cùng ông này đi Hà Nội, và được tướng Salan, Tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương tiếp đón.
Tôi nhận thấy tại Hà Nội cũng như tại Sài Gòn bầu không khí chung là sự ra đi toàn diện. Toàn bộ ê kíp mà thống chế De Lattre mang sang chỉ mong được hồi hương, sau một thời gian gần như tất cả mọi người đều phục vụ quá thời hạn. Chưa có một dự kiến nào để sắp xếp số người được hồi hương cũng như số người sẽ được kế nhiệm vào các chức vụ quan trọng. Những người giữ các chức vụ chính đã ra đi hoặc đang ra đi. Khó khăn lắm tôi mới gặp được một số người nán lại vài ngày chờ đợi. Tôi phải đối đầu, ngay lập tức với một vấn đề rất nghiêm trọng là việc tổ chức lại bộ Tư lệnh cũng như các chức vụ tham mưu của nó, tuy lẽ ra điều này có thể tránh được nếu dự kiến trước một cách tối thiểu ở Paris cũng như ở tại Sài Gòn. Vấn đề cấp bách nhất là việc thay thế tướng Linarès trong chức vụ Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Bộ. Vấn đề đối với tôi là không thể bổ nhiệm vào chức vụ này - và đây là điều quan trọng nhất - một sĩ quan cấp tướng mới đến Đông Dương lần đầu. Không thể thêm vào sự thiếu kinh nghiệm của tôi về các vấn đề tại đây, một vị tư lệnh mới hoàn toàn từ Pháp đến một vùng đang diễn ra các trận đánh chủ yếu của cuộc chiến. Tôi chuẩn bị ngay từ Paris một danh sách các sĩ quan cấp tướng có khả năng thay thế tướng Linarès. Nhưng không may là danh sách này rất là ngắn và không có một ai trong danh sách, vì lý do này hay lý do nọ, có thể đạt được yêu cầu của tôi. Tôi chỉ có một cách là chỉ định một sĩ quan cấp tướng ngay tại Đông Dương. Vì không có ứng cử viên nào khác, nên sự lựa chọn của tôi hướng về tướng Cogny, mặc dù có những ý kiến không đồng ý của tướng Salan, và nhất là của chính tướng Linarès. Tướng Cogny, từ nhiều tháng nay đang chỉ huy vùng phía bắc châu thổ sông Hồng, đã có được những kinh nghiệm về một chiến trường rất là đặc biệt, và sự bổ nhiệm này đã được nhiều người ở Paris, những nhà chính trị, và thành viên Chính phủ sốt sắng tiến cử.
Trong vòng vài tuần, tôi phải làm công việc thay thế ba trong số năm vị chỉ huy của vùng đồng bằng sông Hồng, cũng như người chỉ huy quân đội tại Lào.
Và lực lượng không quân cũng cần một sự thay đổi. Tướng Lauzin thay thế tướng Chassin được về nước vì hết nhiệm kỳ.
Ban tham mưu của Bộ Tổng tư lệnh thì suýt rơi vào vô tổ chức, sau sự ra đi cùng lúc của tất cả những sĩ quan cấp cao giữ các chức vụ chủ chốt: Tham mưu trưởng, Chánh văn phòng, Phó phòng “hành quân”, Trưởng phòng 3... Thay thế họ càng khó vì thời gian lưu lại ở Paris quá ngắn không cho phép tôi lập nên một kíp thay phiên họ.
Tuy vậy, ngay trước khi rời Paris, tôi đã bổ nhiệm tướng Gambiez làm Tham mưu trưởng, do những chiến công tuyệt vời của ông khi chỉ huy Tiểu đoàn xung kích và nhất là qua sự chỉ huy xuất sắc của ông khi chịu trách nhiệm vùng phía nam châu thổ Bắc Bộ.
Tôi chỉ đạo ông cải tổ một cách triệt để tổ chức và phương pháp làm việc của Bộ Tham mưu ở Sài Gòn. Bộ Tham mưu này gây sự chú ý cho tôi, không những vì quân số quá lớn - ngay từ Paris người ta đã cảnh báo tôi - mà còn do tính quan liêu nặng nề của nó, khuynh hướng nặng về hành chính và hậu cần hơn là tính chiến đấu, nhất là do nó có tính chất gần như chỉ nặng về bộ binh, trong khi vai trò của nó là phải chuyển đạt ý tưởng của Tổng chỉ huy tới các tư lệnh hải lục không quân. Tôi chỉ đạo tướng Gambiez tinh giản gọn nhẹ tối đa quân số, tăng cường tính chất liên quân bằng cách đưa vào các sĩ quan hải quân và không quân, tạo ra một hạt nhân tác chiến phù hợp với cuộc sống dã ngoại. Và phải chuẩn bị cho sự gia nhập vào thời điểm thích hợp các sĩ quan Việt Nam, Lào và Campuchia, để tạo ra một bộ mặt “Liên kết đồng minh” mà tôi đánh giá là rất thuận lợi cho một chính sách về quân sự, tôi dự tính sẽ tiến hành với các Quốc gia Liên kết.
Tôi nắm quyền chỉ huy thực sự ngày 28 tháng 5. Tháng 6 là thời gian để gặp mặt, hội họp và đi đến tất cả các vùng lãnh thổ, và cũng để thu thập tối đa các tài liệu cần thiết có thể làm được trong một thời gian ngắn trước khi lên máy bay trở về Paris ngày 2 tháng 7.
Tôi trở về Paris theo đúng chỉ thị tôi nhận được khi đến Đông Dương, để trình lên Chính phủ các đề nghị về một kế hoạch hành động tôi được yêu cầu thực hiện, và tôi sẽ trình bày một cách chi tiết trong phần sau.
o O o
Vài tuần lễ ở Đông Dương củng cố thêm quan điểm là hiệu quả công việc của tôi tùy thuộc rất nhiều vào việc thực hiện phương cách tổ chức các quyền lực. Ở phần trên, tôi đã nói về sự tiên liệu trước cho vấn đề này, và những sự dè dặt mà tôi lưu ý ông Chủ tịch Hội đồng. Trong khi chờ đợi một sự bổ nhiệm chính thức chức vụ Tổng ủy, tôi tiếp một phái đoàn của Bộ Quan hệ với các Quốc gia Liên kết đến bàn giao một số quyền hạn tạm thời để điều hành các trách nhiệm. Tôi nhận ra ngay các thiếu sót cơ bản của cách tổ chức được dự kiến này. Tôi trình bày quan điểm của mình cho ông René Mayer biết trong văn bản “Nhận xét về bộ máy chính trị ở Đông Dương”, mà tôi trình cho ông ngay từ đầu tháng sáu.
Các ý tưởng tôi trình bày có thể được tóm tắt như sau:
Việc đề ra chức danh Tổng ủy Pháp tại Đông Dương sẽ làm cho các Quốc gia Liên kết có cảm tưởng là, bằng cách chỉ thay đổi danh xưng, chúng ta muốn duy trì một chức vụ cấp cao đứng đầu Đông Dương. Điều này không phải là không có cơ sở, vì để thi hành trách nhiệm Quốc phòng, Tổng ủy có các quyền hạn rất rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực. Và trên thực tế, ông ta có hình ảnh một quan toàn quyền được ngụy trang, nhất là việc ông ngồi ngay trong dinh Norodom, một biểu tượng của thời kỳ “thực dân”, càng tô đậm thêm hình ảnh này.
Trong khi đó, lá bài duy nhất có hiệu quả mà chúng ta có thể sử dụng vào lúc này là con bài độc lập cho các Quốc gia Liên kết. Để đạt thắng lợi cho cuộc chơi này, lá bài phải được sử dụng một cách triệt để và trung thực.
Nhưng tình trạng chiến tranh buộc chúng ta phải có các giới hạn tạm thời cho các nền độc lập nói trên. Chỉ có vị Tổng tư lệnh quân đội, người không sợ bị nghi ngờ có những ẩn ý về chính trị, mới có thể áp đặt sự hạn chế cần thiết lên các Quốc gia Liên kết để tiến hành chiến tranh.
Do đó, người chỉ huy chiến trường phải có trong tay quyền hạn chính trị cần thiết. Việc này đặc biệt đúng tại Đông Dương, nơi chính trị và quân sự pha trộn rất mật thiết với nhau, hành động thống nhất tuyệt đối.
Nói như vậy, có phải tôi cho rằng Tổng Chỉ huy phải kiêm luôn chức danh Tổng ủy? Không nên, vì với tư cách người chỉ huy quân sự cao nhất, nếu quyền lực của ông ta không bị chia xẻ, việc mang thêm chức danh Tổng ủy sẽ chỉ khiến ông ta bị chỉ trích như bất cứ quan chức dân sự nào.
Sau khi đã trình bày các ý tưởng này, tôi đề nghị hai giải pháp.
Giải pháp thứ nhất, theo tôi là tốt nhất: hủy bỏ các quyết định ngày 27 tháng 4. Giải pháp thứ nhất này đặt các vị Cao ủy ở Việt Nam, Lào và Campuchia dưới quyền trực tiếp của Bộ Quan hệ với các Quốc gia Liên kết1, đồng thời bỏ đi cấp trung gian của chức vụ Tổng ủy.
Giải pháp thứ hai duy trì chức vụ Tổng ủy, nhưng chỉ với vai trò thuần túy ngoại giao2 và không có một quyền hạn nào khác.
Trong cả hai giải pháp đó, Tổng tư lệnh quân đội nắm trọn các quyền hạn chính trị cần thiết để tiến hành chiến tranh, nghĩa là trực tiếp nắm chính phủ của các Quốc gia Liên kết.
Điều tôi yêu cầu cũng tương tự như trường hợp của một vị tướng tư lệnh quân đội Mỹ ở Triều Tiên. Vị này tự mình làm việc (hoặc trong một vài trường hợp qua trung gian của đại sứ của ông) trực tiếp với các chính phủ Triều Tiên và Nhật Bản, trên những lãnh thổ thuộc thẩm quyền của ông. Không hề có chuyện đặt ông ta dưới quyền của một công chức cao cấp dân sự, gọi là “Tổng ủy Hoa Kỳ tại Triều Tiên và Nhật Bản”. Chỉ có ở Pháp, mới có cơ chế những chỉ huy quân đội nằm dưới thẩm quyền của một công chức “dân sự” cho dù họ được giao nhiệm vụ giữ những vai trò chính và chịu trách nhiệm chủ yếu.
Khi ông René Mayer nhận được tờ trình của tôi, thì ông đã từ chức, nhưng ông thông báo cho tôi biết ông hoàn toàn đồng ý với các quan điểm của tôi. Ông đã chuyển nó đến ông Joseph Laniel, người kế nhiệm ông giữ chức vụ cao nhất trong Chính phủ. Một trong những việc làm đầu tiên của Chính phủ mới là bổ nhiệm một Tổng ủy, mà không có một sự sửa đổi nào đối với những quyền hạn đã được quy định trong sắc lệnh ngày 27 tháng 43.
Tôi đã được biết sự bổ nhiệm này qua báo chí khi về đến sân bay Orly, ngày 3 tháng 7. Sở dĩ tôi đã không nộp đơn xin từ chức vì tôi không muốn bỏ chạy nhiệm vụ khó khăn người ta mới trao cho tôi và một lý do khác là tư cách của người Tổng ủy mới được bổ nhiệm. Tôi quen biết ngài đại sứ Dejean rất lâu. Ông là một người thông minh, có phẩm chất đạo đức, trung thực, dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho giới quân sự. Tôi chắc chắn rằng với ông ấy thì những khuyết điểm của sự phân quyền giữa quyền lực dân sự và quân sự sẽ được giảm đến mức tối đa, nhờ vào những sự thông cảm mà tôi tin chắc là sẽ có giữa hai chúng tôi. Tôi đành phải chấp nhận một phương thức mà tôi cho là không tốt, nhưng tôi mong rằng sẽ tiến hành nó với những quyết định tốt nhất có thể có được.
Tôi trở về Sài Gòn ngày 1 tháng 8, trên cùng một chuyến bay với ông Dejean.
Chú thích
1. Theo tôi, thẩm quyền nên dành cho Bộ Ngoại giao và không nên để cho Bộ Quan hệ với các Quốc gia Liên kết, vì tên của bộ này cũng như Bộ Pháp quốc ở hải ngoại chẳng khác gì một di sản của Bộ Thuộc địa cũ.
2. Quyền hạn của ngài Tổng ủy bao gồm những cuộc thương thảo, những hiệp định phải ký với các Quốc gia Liên kết, trong khuôn khổ của bản tuyên ngôn ngày 3 tháng 7 (còn đang được nghiên cứu).
3. Tôi nghĩ rằng sở dĩ có quyết định vội vã đó là do ảnh hưởng - một ảnh hưởng có tính quyết định bên trong nội các mới - của ông Paul Reynaud, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đông Dương Hấp Hối Đông Dương Hấp Hối - Henri Navarre Đông Dương Hấp Hối