If you have never said "Excuse me" to a parking meter or bashed your shins on a fireplug, you are probably wasting too much valuable reading time.

Sherri Chasin Calvo

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọc Linh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Buusan Nguyen
Số chương: 13 - chưa đầy đủ
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5248 / 28
Cập nhật: 2017-12-28 08:30:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ến phòng mạch của Vũ, Hiền bảo anh xích lô, đạp xe thẳng vào trong sân biệt thự, vì nàng đã liệu sức mình không thể bồng bé Lệ đi xa được. Trong khi đó, ông Thiện cũng vừa cho xe ra đến cổng rào. Hiền ngước nhìn lên xe ông và đôi mắt buồn bã của nàng khiến ông Thiện hơi ngờ ngợ. Ông Thiện nhìn đứa bé, đang nằm thiêm thiếp trong lòng thiếu phụ thì độ chừng nó đau nhiều lắm.
Chiếc xích lô vừa đậu trước phòng bệnh nhân, Hiền liền bồng con vào trong. Dáng điệu của nàng càng làm cho ông Thiện băn khoăn nghi ngờ. Nhứt định ông đã gặp thiếu phụ nầy ở đâu một lần vì nét mặt trông quen lắm:
- Phải rồi. Đúng là cô nầy chớ không ai khác.
Ông Thiện cho xe lui trở vào rồi vội vàng bước xuống xe. Mộng Ngọc còn đang dùng điểm tâm chợt thấy cha trở vào thì ngạc nhiên lắm.
Nàng chạy ra đón cha:
- Ba quên gì vậy ba?
Ông Thiện chưa muốn cho con biết vội, liền đáp:
- Ba quên giấy tờ! Suýt chút nữa không làm hợp đồng được với người ta.
Ông đi thẳng về phòng riêng để dễ bề suy tính. Ông ngờ thiếu phụ và đứa bé kia là hai người mà ông đã gặp đi chung với Vũ hôm trước. Bây giờ, ông muốn dò xét họ, nhưng chưa biết tính cách nào? Nếu ông đến sát cánh cửa ăn thông qua phòng mạch, Mộng Ngọc có thể lo lắng dò hỏi, chỉ gây thêm rắc rối. Mà nếu không đến đó thì làm sao biết được sự thật?!
Ông Thiện chợt nghĩ: “Hay là mình đi thẳng qua phòng mạch nhứt định sẽ chạm mặt cả hai người"! Nhưng lỡ ra thiếu phụ là khách lạ đem con đến trị bệnh thì ông mới nói làm sao với con rể? Chì vì không muốn cho Mộng Ngọc biết sớm, sinh buồn phiền, nên ông Thiện cảm thấy lúng túng!
Ở bên phòng mạch, lúc bấy giờ, Liễu đang sợ điếng hồn, khi thấy Hiền bồng con bước vào. Nàng vừa đưa bệnh nhân ra, chợt thấy Hiền, kêu lên:
- Kìа cô!
Hiền cũng lên tiếng:
- Cô Liễu!
Rồi nàng bồng bé Lệ đến cửa phòng mạch. Liễu hỏi:
- Cháu làm sao vậy!
- Nó bệnh nhiều lắm cô! Ảnh đi đâu rồi?
Liễu chỉ tay vào trong, bảo Hiền:
- Bác sĩ kìa. Cô vào đi!
Nhiều bệnh nhân đã lấy số trước, lộ vẻ ngạc nhiên nhìn Liễu, trong khi Hiền bước vô phòng.
Liễu sợ phật lòng các thân chủ:
- Xin quý ông bà cảm phiền! Cháu bé bệnh nhiều, xin cho vào trước để kịp chữa trị.
Giọng nói của Liễu đầy cảm tình, nên các bệnh nhân ở ngoài cũng không phàn nàn gì cho lắm. Vũ đang ngồi xem lại mấy toa thuốc vừa cho, bỗng nghe tiếng Hiền, liền ngẩng lên. Chàng sửng sốt đứng phắt dậy khi thấy Hiền bồng bé Lệ trên tay:
- Kìа em đến đây làm gì?
Hiền để bé Lệ nằm lên chỗ dành cho bệnh nhân xem mạch, đáp mau:
- Con đau nhiều lắm anh!
Vũ đến bên bé Lệ rờ lên trán nó, thấy nóng hừng hực thì lo sợ hỏi:
- Con nóng lại từ hồi nào?
- Hồi hôm! Em cho con uống thuốc nóng của anh, nhưng không có hiệu quả... Nửa đêm con còn làm kinh nữa.
Vũ xem mạch rồi nghe ngực bé Lệ. Chàng hơi lo không biết có phải sưng phổi không? Trong lòng Vũ lúc bấy giờ thật là rối rắm... Chàng biết chắc ông Thiện đang để ý từng cử chỉ của mình. Hiền và con đến đây thật nguy hiểm. Nhưng con chàng bệnh nặng, chàng phải lo cho nó trước đã. Liễu đứng gần bên bé Lệ trong lòng cũng không yên chút nào hết. Thỉnh thoảng nàng lại nhìn về phía cách cửa hông. Lở Mộng Ngọc có việc cần, bước sang hỏi Vũ thì để bể hết. Nàng liếc nhìn Vũ và đoán chừng bác sĩ cũng đang lo lắng như mình.
Chỉ riêng có Hiền thì vô tình không để ý gì cả. Nàng có ngờ đâu sự có mặt của nàng và bé Lệ trong phòng này làm cho Vũ và Liễu hết sức âu lo! Hiền đứng sát bên Liễu nói nhỏ:
- Đêm qua ảnh không về mà cô cũng không đến, tôi sợ quá! Thuốc nóng anh Vũ bảo mua hôm qua, tôi cho nó uống vẫn không bớt. Mỗi lần nó làm kinh trợn trắng, tôi khóc hết nước mắt.
Liễu an ủi nàng:
- Không sao đâu cô!
Vũ хеm bệnh cho con xong, bảo Liễu chích cho bé Lệ một mũi thuốc, rồi nói với Hiền:
- Em đừng sợ! Đến chiều con sẽ bớt.
Hiền nhìn chàng lộ vẻ mừng. Liễu chích thuốc cho bé Lệ. Nó bị đau, khóc thét lên. Hiền và Vũ dỗ dành con:
- Tội nghiệp con tôi. Đau một chút hà con, nín đi con.
Bé Lệ lại nhắm nghiền đôi mắt, thiếp đi như lúc nãy. Trong cơn mê, thỉnh thoảng lại nấc lên. Hiền bảo Vũ:
- Nó nóng, không đáng ngại, chỉ có cái làm kinh, mắt trợn trắng! Em sợ quá.
- Không sao đâu em! Để anh cho con uống thuốc an thần.
Liễu liếc nhìn về phía Vũ. Nàng muốn hỏi xem bác sĩ liệu thế nào về những bệnh nhân đang đợi bên ngoài. Vũ hình như không để ý đến chuyện đó. Chàng cúi xuống biên toa, rồi bảo Hiền:
- Em và con ngồi đây, để anh nhờ cô Liễu đi mua mấy thứ thuốc đã. Ở phòng mạch mình không có.
Hiền gật đầu ưng thuận, trong lúc Vũ quay sang Liễu:
- Cô đến nhà thuốc giùm tôi. Toa đây cô.
Vũ kéo hộc tủ lấy tiền đưa cho Liễu. Nàng cầm lấy toa thuốc và tiền rồi hỏi Vũ:
- Thưa bác sĩ! Còn nhiều bệnh nhân. Họ chờ đã khá lâu.
Vũ đáp:
- Cứ để họ chờ một chút nữa! Nhờ cô đi ngay cho.
Liễu thay “blouse”, mĩm cười với Hiền rồi ra cửa. Nàng không dám nhìn các bệnh nhân vì không biết phải trả lời họ thế nào, nếu họ hỏi đến. Nàng lên xe đạp ra cổng rào. Bỗng có tiếng gọi:
- Cô Liễu! Cô Liễu!
Liễu quay nhìn lại thấy ông Thiện đang đứng trước cửa nhà Vũ và gọi mình. Nàng dừng xe lại lưỡng lự không biết có nên đến chỗ ông đứng chăng? Ông ấy muốn hỏi gì nàng? Ông Thiện thấy nàng có vẻ do dự thì bước lần ra cổng, cất tiếng:
- Cô Liễu! Cô đi đâu đó?
Liễu xuống xe khẽ đáp:
- Dạ! Tôi đến đằng này có chút việc!
- Có cần lắm không cô?
- Dạ! Cũng cần.
Ông Thiện dừng bước bảo Liễu:
- Nếu vậy cô đi đi. Tôi định hỏi thăm cô một chuyện. Nhưng thôi, cũng không quan trọng lắm.
Liễu cúi chào ông Thiện rồi lên xe đạp đi ngay. Từ lúc trở vào nhà đến giờ, ông Thiện vẫn không biết phải dò xét Vũ thế nào để Mộng Ngọc khỏi nghi ngờ! Ông chờ khi Mộng Ngọc điểm tâm xong, xuống nhà sau mới ra khỏi phòng. Chính lúc đó, ông thấy Liễu lên xe đạp nên vội vã gọi nàng. Liễu đi rồi, ông Thiện không trở vào nhà mà đi vòng qua phòng mạch của Vũ chỗ dành riêng cho bệnh nhân ngồi đợi. Ông thấy năm sáu người đang ngồi chờ. Họ thấy ông vào thì ngỡ đâu là một bệnh nhân mới đến nên chỉ nhìn qua rồi thôi. Ông Thiện cố ý tìm người thiếu phụ và đứa trẻ lúc nãy nhưng không thấy đâu. Có lẽ thiếu phụ đã vào phòng mạch rồi.
Ông Thiện nhủ thầm:
- “Thiếu phụ này tại sao được đặc ân vào trước các bệnh nhân?”
Có tiếng phàn nàn:
- Sao mà lâu quá? Nếu biết vậy, không thèm lấy số làm gì?
- Lấy số mà người vô sau được xem bệnh trước thì cũng như không?
Ông Thiện nhìn người thiếu nữ vừa thốt ra câu đó! Một bà đứng tuổi tiếp lời:
- Người ta đã xin lỗi rồi mà còn trách làm chi. Họ bảo đứa bé ấy bệnh nặng mà.
Trong phòng không còn ai phàn nàn gì thêm nữa, nhưng có người lại bỏ về. Ông Thiện biết chắc thiếu phụ đang ở trong phòng nên càng nôn nao hơn. Tại sao có khách ở trong phòng mà Vũ lại cho Liễu đi khỏi? Việc này chắc có ám muội chi đây! Ông Thiện muốn gõ cửa vào phòng, nhưng sợ gây bàn tán giữa các bệnh nhân. Ông ra cửa và trở về nhà. Ông định qua phòng mạch bằng cánh cửa hông. Phải tìm hiểu rõ ràng mối liên quan giữa Vũ và người thiếu phụ kia mới được.
Ông Thiện đến bên cánh cửa hông ăn thông sang phòng mạch của Vũ gõ ba tiếng. Vũ vừa cất giọng hỏi thì ông Thiện đã xô cửa bước vào. Trong khi đó Mộng Ngọc cũng từ nhà sau đi lên. Nàng hơi ngạc nhiên khi thấy cha vào phòng mạch của Vũ vào giờ nầy. Có bao giờ cha làm như vậy đâu! Có chuyện gì gấp, sao ông không bảo nàng kêu Vũ? Mộng Ngọc bước đến cửa hông, cánh cửa còn để hở nên nàng nghe rõ tiếng cha ở bên trong:
- Con... Ba có chút việc muốn nói.
Mộng Ngọc có biết đâu lúc ấy chồng nàng đang chết sững không mở lời được. Vũ đã quyết định trong lòng là cứ liều đến đâu hay đến đó, nhưng trước mặt ông Thiện chàng thấy bối rối vô cùng. Còn Hiền thì ngạc nhiên nhìn ông Thiện rồi nhìn qua cánh cửa hông.
Nàng nhủ thầm:
- "Ông này là ai mà gọi Vũ bằng con? Không lẽ là cha ruột của Vũ mà chàng không cho mình biết?”
Ông Thiện cúi chào Hiền:
- Xin lỗi cô. Tôi muốn nói chuyện riêng với bác sĩ.
Hiền chấp tay, cúi đầu:
- Dạ, thưa ông, cứ tự nhiên.
Rồi nàng liếc nhìn Vũ như ngầm muốn chàng giải thích rõ ràng sự hiện diện của ông Thiện. Vũ đã định tĩnh tâm thần và chàng thấy đã đến lúc không cần phải gỉấu giếm gì nữa.
Chàng hỏi ông Thiện:
- Ba hỏi con việc chi?
Hiền nhìn ông Thiện rồi ngó Vũ, nhủ thầm:
- "Đúng ông này là cha một của Vũ rồi!”
Ống Thiện để ý thấy cử chỉ của nàng, nhưng không nói gì hết, mà kéo Vũ về phía cánh cửa hông, hỏi nhỏ:
- Ba muốn con nói thật cho ba biết người đàn bà kia là ai? Và đứa bé nữa? Cả hai có thân tình gì với con?
Ông Thiện không ngờ trong lúc đó, Mộng Ngọc đang đứng sát cánh cửa và chứng kiến tự sự. Vũ đáp lời ông:
- Thưa ba! Câu chuyện còn dài. Con phải giải thích rõ ràng ba mới hiểu được.
Ông Thiện hỏi gằn lại:
- Nhưng ba muốn biết ngay người thiếu phụ đó là ai? Có phải là tình nhân của con không?
Vũ lắc đầu nhìn ông Thiện rồi quay về phía Hiền:
- Thưa ba! Hiền là người... mà...
Ông Thiện quá nóng nảy, không để cho Vũ nói hết lời:
- À... như vậy đúng cô kia là người tình của cậu! Còn đứa bé, nó có phải là con của cậu không?
Vũ gật đầu. Ông Thiện buông tay chàng ra nói lớn:
- Thế này là quá lắm! Tôi thật không ngờ.
Mộng Ngọc đã nghe rõ những lời đối đáp giữa cha và chồng. Nàng bàng hoàng tưởng chừng như đang trong cơn mê... "Trời ơi, có thể như vậy được sao?"
Trái lại, Hiền nghe ông Thiện nói lớn lên, lại tưởng lầm là cha ruột của Vũ. Nàng nghĩ chắc ông vừa mới biết rõ chuyện hai người thầm lén yêu nhau. Nàng muốn bước đến trước mặt ông, để cầu xin ông thương xót.
Trong khi đó, ông Thiện chỉ tay vào mặt Vũ nói:
- Cậu Vũ! Cậu trả ơn cho tôi đó phải không? Tôi đối xử với cậu như thế nào mà cậu đành lòng làm như vậy?
Vũ ngập ngừng:
- Thưa ba! Chuyện này... thật ra... ngoài ý muốn... của con.
- Thôi... Cậu đừng có ngụy biện... Ý muốn gì? Cậu nhớ kỹ lại xem cậu là người như thế nào? Ngày nay, cậu có địa vị là nhờ ai? Tôi không muốn nhắc ơn nghĩa xưa... nhưng cậu chóng quên quá mà...
Ông Thiện ngừng lại một lúc rồi tiếp:
- Tôi thương cậu, giúp đỡ cậu học thành tài rồi gả con tôi cho cậu... Mộng Ngọc có lỗi lầm gì mà cậu nỡ lòng phản bội nó? Nó tin yêu cậu quá mà, lúc nào cũng giữ trọn nghĩa làm vợ. Sao vậy cậu Vũ? Sao cậu nỡ chà đạp lên lòng tin yêu của cha con tôi?
Vũ lắc đầu:
- Không phải vậy đâu ba! Con có thuật chuyện này cho Mộng Ngọc nghe nhưng con chưa nói rõ ràng sự thật.
Ông Thiện không còn tiếc lời nữa:
- Sự thật gì? Cậu lừa dối cả cha con tôi chớ gì? Tôi lo cho cậu uổng công quá mà... Cậu là một người không ra gì! Tôi nói cho cậu biết. Ngày nay, cậu được địa vị nầy, cậu quên mất mình là ai?
- Thưa ba... Không phải vậy đâu! Ba hiểu, giùm con.
- Còn gì nữa mà hiểu! Đời tôi chỉ có một đứa con gái. Tôi chỉ lo hạnh phúc của nó thôi... Xưa kia vì thương bạn mà tôi giúp đỡ cậu. Tôi đã lầm mà gả con gái cho cậu, để ngày giờ nầy, Mộng Ngọc mới phải chịu khổ và bé Dung con của cậu...
- Xin ba cho con giải thích.
- Còn gì nữa mà giải thích!
Rồi ông Thiện chỉ tay về phía Hiền và bé Lệ:
- Người đàn bà kia là người yêu của cậu, đứa bé kia là con của cậu. Như vậy đã trả lời những điều thắc mắc của tôi từ mấy hôm nay. Không còn gì phải nói nữa.
Hiền chết lặng người đi, sau những lời cửa ông Thiện. Trời ơi! Vũ đã có vợ, có con. Nàng lùi lại bên bé Lệ, nắm lấy bàn chân bé nhỏ của con như cố định tĩnh tâm thần.
Vũ lắc đầu bảo ông Thiện:
- Ba đừng nóng! Để con nói đã. Chủ tâm con không phải muốn lừa dối ba và Mộng Ngọc đâu?
Ông Thiện cướp lời chàng:
- Thôi! Cậu đừng nói thêm nữa! Cậu đã đánh mất lòng tin yêu của cha con tôi rồi! Nói thật với cậu, Mộng Ngọc không phải ế chồng đâu. Tôi có sản nghiệp lớn mà. Nếu cần tìm thông gia chẳng thiếu gì? Tôi nghĩ đến cậu là vì tình bạn với cha cậu. Chớ như bây giờ đây, không có cậu, tôi vẫn có thể gả con tôi nơi xứng đáng hơn. Cậu liệu mà thu xếp, chớ đừng tưởng tôi cần cậu. Mộng Ngọc nó còn có cha nó mà... Cậu đừng tưởng nó khổ sở khi không có cậu.
Những lời nói của ông Thiện như tạt nước vào mặt Vũ. Chàng nghẹn lời không nói thêm gì được nữa. Chàng đâu ngờ ông Thiện khinh khi mình đến thế! Phải mà, chàng chỉ là một kẻ chẳng ra gì, nhờ bám víu vào ông mới được nở mày, nở mặt. Ngày nay, ông có buông những lời phũ phàng kia, cũng không phải là quá đáng. Ông Thiện vẫn chưa đã nư giận, nên nhìn về phía Hiền nói:
- Cậu cứ xét lại lòng mình. Hết yêu con tôi thì cứ việc sống theo ý cậu. Tôi sẽ gả Mộng Ngọc nơi khác! Tôi nhắc lại cho cậu nhớ là Mộng Ngọc không ế chồng đâu. Thà là nó có hai đời chồng, còn hơn phải khổ vì người đàn ông bội bạc. Cậu ra khỏi nhà nầy là tôi sẽ gả nó cho cậu xem.
Ồng Thiện nói xong đi về phía cửa hông. Mộng Ngọc đã chứng kiến và nghe tất cả những lời cửa cha nói! Nàng bàng hoàng không biết gì nữa hết! Thấy cha đi về phía mình thì nàng chạy nhanh vào phòng. Ông Thiện vô tình không ngờ con gái đã nghe hết mọi chuyện. Ổng ngồi xuống ghế "sa lông" sắc mặt vẫn chưa hết giận. Trong khi đó, Vũ nắm chặt hai bàn tay lại quay vào với Hiền. Những lời của ông Thiện đã đẩy chàng đến một quyết định. "Người ta" đã khinh khi mình như thế là cùng!
Hiền bước đến bên Vũ khẽ hỏi:
- Anh, như vậy nghĩa là sao? Ông đó là ai? Có phải là cha vợ của anh không?
Rồi nàng nghẹn lời, ràn rụa nước mắt:
- Em thật không ngờ! Phải dè như vầy em đâu có làm khổ anh?!
Vũ lắc đầu:
- Không! Sao em nói thế? Chính anh mới là người đã làm khổ em! Sở dĩ anh chưa nói ra là còn bao nhiêu ngang trái. Sự thật chẳng những làm khổ em mà còn khổ cho Mộng Ngọc nữa.
Hiền lặp lại lời Vũ:
- Mộng Ngọc...
Nàng đã nghe ông Thiện nhắc đến tên đó nhiều lần. Hiền quay nhìn về phía cánh cửa hông và chợt nhớ đến thiếu phụ sang trọng mà nàng đã gặp, khi mới đến phòng mạch của Vũ lần đầu. Nàng hỏi Vũ:
- Mộng Ngọc có phải là người đã gặp em hôm trước không? Ở chỗ cánh cửa kìa kìa...
Vũ gật đầu. Hiền lặng thinh nhìn xuống đất. Vũ tội nghiệp nàng vô cùng. Chàng thở dài khi nhớ đến những lời miệt khinh của ông Thiện lúc nãy. Đã thế, chàng còn lưu luyến ở đây làm gì? Ông Thiện đã xem chàng như kẻ hèn hạ nhứt ở trên đời, nhờ bám víu vào ông và Mộng Ngọc mới có địa vị ngày nay. Được rồi! Chàng sẽ ra đi, để ông Thiện gả Mộng Ngọc cho ai tùy ý. Vũ cất tiếng bảo Hiền:
- Em bồng con ra xe về nhà trước! Anh sẽ đến ngay...
Hiền nhìn Vũ lắc đầu:
- Anh... Em... không muốn làm khổ anh thêm.
Vũ nghiêm sắc mặt:
- Em hãy nghe lời anh! Đừng nói thêm gì nữa.
Ngay trong khi đó, Liễu mua thuốc trở về. Nàng nhìn vẻ mặt hai người đã đoán biết có sự gì không hay đã xảy ra. Liễu đưa thuốc cho Hiền thì Vũ bảo nàng:
- Cô Liễu! Tôi nhờ cô xin lỗi bệnh nhân giùm. Vì có chuyện riêng nên tôi không thể tiếp ai hết.
Liễu ngơ ngác hỏi lại:
- Thưa bác sĩ!
- Cô cứ làm y theo lời tôi, đừng hỏi gì nữa.
Liễu lo lắng trong lòng, chỉ trong một tuần lễ mà phòng mạch ngưng tiếp khách hai lần. Bệnh nhân sẽ nghĩ sao về chuyện nầy? Tuy nhiên nàng cũng bước ra ngoài và thi hành đúng theo lời Vũ. Trong khi đó Vũ nói với Hiền:
- Em nên về nhà trước đi...
Giọng nói nghiêm nghị của chàng khiến Hiền không dám cãi lại. Nàng bồng con ra cửa phòng mạch thì gặp Liễu.
Liễu khẻ hỏi Hiền:
- Cô về ư?
Hiền gật đầu nhìn Liễu, nước mắt ràn rụa! Liễu chưa biết rõ chuyện gì đã xảy ra, trong lúc mình đi vắng, nên hỏi tiếp:
- Chuyện gì vậy cô Hiền?
Vũ thấy Liễu đang trò chuyện với Hiền, vụt nảy ra một ý nghĩ: "Nhờ Liễu đưa Hiền về để tránh chuyện không hay xảy ra".
Chàng bước ra bảo Liễu:
- Nhờ cô đưa Hiền về nhà giùm tôi! Cô ở đấy chờ tôi đến rồi hãy về. Mong cô giúp tôi lần chót.
Liễu biết chuyện đã đến hồi nghiêm trọng nên không hỏi thêm nữa mà chỉ vâng dạ. Nàng bồng bé Lệ thay cho Hiền rồi hai người ra xe đi ngay. Khi lên xe rồi, Hiền nghẹn ngào bảo Liễu:
- Cô ơi! Tôi đâu ngờ anh Vũ đã có vợ, có con.
Liễu sửng sốt nhìn nàng, không dè là nàng đã biết rõ. Tuy nhiên, Liễu cùng dè đặt hỏi:
- Bác sĩ vừa nói cho cô biết hả?
- Không! Anh Vũ vẫn giấu tôi. Mới rồi cha vợ anh ấy vào phòng mạch, nói rõ tự sự.
Liễu kêu lên:
- Trời ơi! Ồng Thiện!
Hiền ngạc nhiên:
- Cô cũng biết ông ấy sao?
Liễu gật đầu:
- Biết lắm chớ! Tôi làm việc ỏ đây hơn một năm rồi.
- Cô Liễu! Sao cô không nói cho tôi rõ?
- Tôi đâu muốn giấu giếm cô! Nhưng thấy bác sĩ đứng trước một hoàn cảnh khó xử, tôi không biết liệu sao? Bác sĩ cũng khổ tâm lắm. Ông đang tìm cách giải quyết cho ổn thỏa đôi đàng.
Hiền thở dài, rồi bảo Liễu:
- Tôi không bao giờ ngờ... Phải tôi biết anh Vũ đã có vợ có con, đời nào tôi lên Sài Gòn để gây thêm sự khổ lòng.
Nàng nghẹn ngào:
- Tôi vẫn tưởng anh Vũ còn nghĩ đến tôi. Trời ơi! Sao tôi lại có thể tin tưởng một điều vu vơ như vậy? Cậu Giáo Hoài đã bảo tôi phải dè dặt mà. Nay gặp chuyện nầy, tôi còn biết tính sao?
Liễu nhìn Hiền xót thương nhiều lắm! Nàng hỏi Hiền:
- Ông Thiện đã nói những gì lúc nãy và thái độ của bác sĩ ra sao?
Hiền thuật lại cho Liễu nghe những lời ông Thiện nói, tuy không đúng nguyên vẹn, nhưng đại ý, nàng hiểu là như vậy!
Nàng lại hỏi Liễu:
- Ông ấy nói nhiều lắm nhưng tôi không hiểu hết cô Liễu! Sao lại kể ơn với anh Vũ và cho rằng anh ấy có địa vị ngày nay là nhờ ông ta. Thế là sao hả cô Liễu?
Liễu nhìn nàng lắc đầu:
- Tôi không hiểu rõ lắm! Nhưng thái độ của bác sĩ như thế nào hả cô?
- Sau lời nói của ông ấy, anh Vũ có vẻ tức giận lắm và đã bảo tôi về nhà ngay, anh ấy sẽ về sau.
Liễu nhủ thầm:
- "Thế là Vũ đã quyết định lìa bỏ vợ con để sống hẳn với Hiền! Không lẽ vì những lời nặng nề của ông Thiện mà bác sĩ đành bỏ vợ con sao?"
Liễu có biết đâu Vũ cũng đang nát lòng trước bao điều ngang trái. Khi nàng và Hiền lên xe đi rồi thì chàng trở vào phòng mạch với những nỗi chua xót trong lòng. Đột nhiên phải rời bỏ nơi quen thuộc của mình mà đi, ai lại tránh khỏi những phút băn khoăn, lo nghĩ. Mấy lần Vũ định qua lấy đồ dùng của mình, nhưng sợ gặp mặt ông Thiện và Mộng Ngọc. Chắc là ông Thiện đã nói hết cho vợ chàng biết rồi. Và từ nãy giờ Mộng Ngọc không sang đây, đủ chứng tỏ nàng không còn muốn giáp mặt mình nữa?! Phải mà, chàng là một người chồng bội bạc, không vẹn nghĩa với vợ hiền, có bị khinh khi là đáng!
Những lời trách mắng của ông Thiện lại vang lên trong đầu Vũ:
- "Thôi đi! Cậu đừng nói gì thêm nữa? Cậu đã đánh mất lòng tin yêu của cha con tôi rồi! Nói thật với cậu. Mộng Ngọc không phải ế chồng đâu. Tôi có sản nghiệp lớn mà. Nếu cần tìm thông gia chẳng thiếu gì? Tôi nghĩ đến cậu là vì tình bạn với cha cậu. Chớ như bây giờ đây, không có cậu, tôi cũng có thể gả con tôi nơi xứng đáng hơn".
Những câu nói phũ phàng đó, đủ cho Vũ thấy sự khinh thường của gia đình bên vợ đối với mình từ bao lâu nay. Không có chàng, Mộng Ngọc vẫn có hạnh phúc. Nàng sẽ lấy chồng ở nơi xứng đáng hơn? Ông Thiện đã nói rõ ràng như vậy thì chàng gặp "họ" làm gì nữa! Được rồi. Nếu ở đây, chàng là một kẻ thừa thì chàng sẽ đi ngay, cho khỏi bận bịu. Hiền đã khổ sở nhiều rồi và đang cần đến sự đùm bọc, che chở của chàng hơn ai hết, Vũ vào bàn viết, lấy những giấy tờ cần thiết rồi ra cổng gọi xe đi ngay. Chàng nghĩ là mình sẽ không bao giờ trở lại ngôi biệt thự này nữa.
*
Mộng Ngọc nằm lặng trong phòng, có đến hàng giờ. Nàng khóc chán chê rồi mới nghĩ đến chồng. Dù thế nào đi nữa, nàng cũng phải gặp Vũ để hỏi cho rõ sự tình! Tại sao chàng tệ bạc như vậy được? Nàng chợt nhớ đến câu chuyện mà Vũ đã kể cho nàng nghe đêm hôm trước. Có phải chăng anh chàng sinh viên trong cảnh ngộ đó chính là chàng? À, có thể như thế lắm! Vũ đang gặp hoàn cảnh khó khăn nên đã hỏi dò nàng, хеm phải giải quyết thế nào? Mộng Ngọc thấy trong lòng bừng lên niềm hy vọng. Nếu quả thật người thiếu phụ ở trong phòng mạch của Vũ lúc nãy là người yêu cũ của chàng thì còn có chỗ tha thứ. Nghĩa là Vũ không bội bạc nàng!
Mộng Ngọc nghĩ thế nên bước vội ra cửa phòng. Ông Thiện vẫn chưa đi và đang ngồi dựa lưng vào chiếc ghế bành hút thuốc.
Qua cơn tức giận, ông mới nhận thấy mình đã quá lời với Vũ. Ông ân hận vô cũng nhưng không biết làm sao chuộc lại những lời đã thốt ra. Ông Thiện mong Vũ trở về nhà để ông được nói một vài lời vã lã... chớ không lẽ bây giờ ông lại sang phòng mạch một lần nữa sao? Bỗng ông nghe tiếng động ở cửa phòng bên. Ông nhìn lại thấy Mộng Ngọc. Ông Thiện tưởng đâu nàng chưa hiểu gì hết, nên gượng cười hỏi nàng:
- Nãy giờ con ở đâu? Ba cũng sắp đi, nhưng không thấy đứa nào lên coi nhà...
Ông vụt nhìn thấy trong mắt Mộng Ngọc có ngấn lệ thì im bặt. Song ông cũng không tin là con gái mình đã hiểu rõ tất cả:
- Có chuyện gì vậy con?
Mộng Ngọc thở dài:
- Ba giấu con làm gì? Con đã hiểu hết rồi.
Ông Thiện quay nhìn về phía cánh cửa ăn thông qua phòng mạch ngập ngừng:
- Ba đang lo không biết có nên…
Mộng Ngọc nghiên nghị:
- Ba giấu con để làm gì?
- Ba sợ con khổ lòng trước sự thật.
- Trước sau gì con lại không phải khổ! Ba biết chuyện nầy từ bao giờ?
Ông Thiện ngẫm nghĩ một lúc mới đáp:
- Ba biết hôm mà ba đến đây vào buổi trưa đó. Chính ba đã khuyên con đừng để Vũ đi dự tiệc một mình nữa, con có nhớ không?
Mộng Ngọc chợt nhớ lại những lời dặn dò của cha, nhưng lúc ấy nàng vô tâm lắm, có để ý gì đâu? Nàng vụt hỏi:
- Tại sao ba không nói rõ sự thật hơn?
Ông Thiện đáp:
- Bởi chính ba cũng chưa có bằng cớ xác thật! Ba chỉ thấy Vũ đi một lần với hai mẹ con con bé kia thôi... Ba đã cố dò la hành động của Vũ giúp con, mãi đến hôm nay mới biết hết sự thật.
Mộng Ngọc bảo cha:
- Con phải gặp anh Vũ ngay mới được. Con cần phải hiểu rõ tất cả.
Mộng Ngọc vừa bước đi thì ông Thiện gọi giựt lại:
- Mộng Ngọc! Con...
Mộng Ngọc quay nhìn cha, ngạc nhiện hỏi:
- Thưa ba.
- Con hãy thận trọng lời nói! Lúc nãy ba đã không khéo nói nhiều tiếng không hay. Ba đã quá nặng lời... với nó.
Mộng Ngọc không đáp, từ từ bước đến bên cánh cửa hông. Nàng gõ mấy tiếng rồi xô nhẹ cánh cửa bước vào. Phòng mạch vắng tanh, không còn một ai.
Mộng Ngọc cất tiếng:
- Anh ơi! Anh...
Không có tiếng đáp! Cô Liễu cũng đi đâu mất. Mộng Ngọc đi vào phòng mạch, ra phòng khách. Bệnh nhân đã về hết tự bao giờ! Nàng nhủ thầm:
- Thế là Vũ đã đi rồi! Nhưng tại sao chàng lại ra đi? Vũ không còn nghĩ gì đến mẹ con nàng ư?
Mộng Ngọc thờ thẫn về nhà, trong lòng buồn thảm lắm! Ông Thiện nhìn qua nét mặt của nàng sửng sốt hỏi:
- Ngọc! Vũ đâu?
Mộng Ngọc khẽ đáp:
- Anh ấy đi rồi, ba à!
- Đi rồi... mà đi đâu?
Ổng Thiện có vẻ ngơ ngác như người đang đứng trước một sự việc quá sức tưỏng tượng của mình! Thật ra, ông cũng đã đoán trước được phần nào hậu quả không hay, sau những lời miệt khinh đối với Vũ! Ông không muốn Mộng Ngọc oán trách mình! Nhưng hiện giờ, Mộng Ngọc không còn tâm trí đâu để nghĩ đến điều đó. Vũ ra đi, nàng càng thấy lòng chua xót nhiều hơn. Nàng chưa hiểu gì về người yêu của Vũ nhưng sự ra đi của chàng chứng tỏ chàng nặng tình với thiếu phụ đó hơn vợ con ở nhà. Ý nghĩ ấy khiến Mộng Ngọc khổ tâm vô cùng. Ông Thiện nhìn thấy vẻ đau khổ của con, trong lòng bứt rứt không yên! Ông thấy hối hận về những lời đã nói với Vũ. Ông đứng lên bảo Mộng Ngọc:
- Con cứ ở nhà, ba đi tìm nó cho! Chắc lỗi tại ba mà ra.
Mộng Ngọc ngạc nhiên:
- Sao lại tại ba?
- Lúc này ba đã quá lời!
Mộng Ngọc chợt nghĩ đến những lời cha đã miệt khinh Vũ... À, phải rồi có lẽ vì tự ái bị chạm mà Vũ ra đi chăng? Ông Thiện tiếp lời:
- Vì quá thương con mà ba gây sự khổ cho con. Ba đã bảo "không có cậu, tôi cũng gả con đi nơi khác được"
Mộng Ngọc ôm lấy đầu:
- Con có nghe tất cả những lời ấy. Ba đừng nhắc lại nữa! Sự thể đã lỡ hết rồi. Thôi ba cũng đừng tìm kiếm anh ấy làm gì?
Ông Thiện ngơ ngác:
- Sao vậy con?
Mộng Ngọc không đáp, ông Thiện lặng thinh một lúc mới hỏi:
- Con giận ba đó ư? Ba ân hận vì đã nói ra những lời không suy xét! Nhưng khi biết được Vũ không chung thủy với con, ba không cầm lòng được. Mình đã đối với nó tốt quá mà. Con thì lúc pào cũng giữ vẹn đạo vợ hiền. Tại sao Vũ nỡ đi yêu người khác?
Mộng Ngọc ngước mắt nhìn cha, nghiêm giọng:
- Thưa ba! Đáng lẽ ba không nên nói những lời như vậy! Con biết lúc nào anh Vũ cũng khổ tâm... vì đã thọ ơn của ba mà không trả được! Ba rất giàu tình thương, nhưng nhiều khi ba không chú ý đến lòng tự ái của kẻ chịu ơn mình.
Mộng Ngọc muốn nói nhiều hơn, nhưng cổ nàng như nghẹn lại. Nàng muốn bênh vực Vũ nhiều hơn, nhưng lại thấy lòng đau. Tại sao Vũ san xẻ tình yêu cho người khác? Chàng vì tự ái mà làm khổ nàng chẳng? Có lý đâu Vũ nỡ lòng như vậy? Mộng Ngọc khổ quá rồi, không còn biết nói năng gì nữa. Ông Thiện cứ nhìn con mà không khuyên nhủ được! Mộng Ngọc nói đúng! Ông thương Vũ nhiều, nhưng lại không nghĩ đến lòng tự ái của chàng. Nhứt là hiện giờ, chàng đã có địa vị trong xã hội. Nội sự châm biếm của bạn bè, những lời nói gần nói xa về chuyện "thực lộc chi thê" cũng đủ cho chàng khổ tâm lắm rồi! Ông Thiện thường cho mình giàu tâm lý, hay giúp bạn bè giải quyết những nỗi khó khăn trong gia đình họ, mà ông lại gây ra một điều lầm lỗi đáng trách.
Lâu lắm, ông mới bảo Mộng Ngọc:
- Ba có lỗi với con và Vũ.
- Ba đừng nói thế tội nghiệp con!
- Không! Ba phải đi tìm nó mới được.
Ông Thiện vừa ra cửa thì Mộng Ngọc gọi theo:
- Ba!
Ông Thiện quay lại:
- Gì vậy con?
- Ba có kiếm ảnh cũng chẳng ích gì! Còn người thiếu phụ kia, ba sẽ tính thế nào đây?
Ông Thiện lặng thinh. Từ nãy giờ, ông chỉ nghĩ đến sự lầm lỗi của mình mà quên mất chuyện Hiền, liệu ông đến gặp Vũ có tiện chăng? Chàng sẽ quay về với vợ con ở nhà không? Và với điều kiện gì? Mộng Ngọc phải nhận cho Hiền làm bé Vũ ư? Thật khó nghĩ quá.
Ông Thiện bỗng bảo con:
- Dù sao ba cũng gặp Vũ một lần để xem nó tính thế nào? Con an tâm, ba không nói điều gì nhiều đâu?
Ông Thỉện bước mau ra xe. Mộng Ngọc thở dài nhìn theo cha, trong lòng chán nản hơn bao giờ hết. Đã lâu lắm rồi nàng không gặp phải chuyện buồn phiền. Có thể là cuộc đời nàng bước sang một giai đoạn khác chăng? Bỗng nghe tiếng xe hơi chạy vào trong sân. Mộng Ngọc nhìn ra và vội lau khô nước mắt. Bé Dung đã đi học về, Mộng Ngọc không muốn con nàng bỉết đến những nổi buồn phiền của mẹ nó. Bé Dung xuống xe và chạy thẳng vào nhà gọi Mộng Ngọc:
- Mẹ ơi! Mẹ... Con thấy xe ngoại ra cửa. Con có kêu ngoại mà ngoại đi luôn hà.
Mộng Ngọc gượng cười nhìn bé Dung:
- Vậy hả con? Chắc ngoại không thấy con đó!
Nàng ôm chặt bé Dung vào lòng, nước mắt rưng rưng. Từ nay, con là nguồn an ủi duy nhứt của nàng. Vũ đã đi rồi, liệu mẹ con nàng có chịu đựng nỗi nhớ thương, trong những ngày sắp tới chăng? Bé Dung bỗng hỏi mẹ:
- Mẹ ơi! Ba con về chưa? Hết giờ rồi mà.
Mộng Ngọc lắc đầu, Dung tiếp:
- Ba hứa chiều nay cho con đi ra tiệm bán đồ chơi đó. Con qua nhắc ba.
Rồi Dung gỡ tay mẹ, chạy ùa qua phòng mạch của cha. Mộng Ngọc gọi con lại:
- Dung! Dung! Ba con...
Nhưng bé Dung không nghe lởi nàng, xô cửa vào phòng cha. Mộng Ngọc nghe tiếng con gọi cha vang dội. Một lúc, bé Dung trở ra nhìn mẹ, mếu máo:
- Ba đâu rồi, mẹ!
Mộng Ngọc làm bộ giận con:
- Đó. Sao con không giỏi tìm đi!
- Ba con đâu rồi? Hả mẹ...
Bé Dung nắm lấy tay nàng, đòi Vũ. Mộng Ngọc nói:
- Ba đi vắng, vài hôm nữa ba mới về!
- Ba đi đâu? Sao ba không nói với con?
Mộng Ngọc đành nói dối:
- Ba đi Đà Lạt có việc cần. Ba đi gấp lắm và có dặn mẹ nói lại với con.
Bé Dung phụng phịu:
- Con giận ba rồi đó. Ba hứa cho con đi chơi rồi không cho.
Mộng Ngọc dỗ dành:
- Mẹ đưa con đi thay ba. Được không?
Bé Dung lặng thinh một lúc mới gật đầu. Mộng Ngọc mỉm cười mắng yêu con:
- Đồ chó con. Thôi đi thay quần áo.
Nàng cất tiếng gọi chị vú:
- Vú ơi! Lên cho em ăn cơm.
Chị vú dẫn bé Dung đi rồi thì Mộng Ngọc lại ngồi lặng một mình với những ý nghĩ vẩn vơ. Vũ có thể ra đi như vậy được sao? Tình vợ chồng yêu thương nhau đậm đà suốt năm năm trời, nàng không ngờ có ngày chồng dứt áo ra đi! Vũ lúc nào cũng tỏ ra yêu thương vợ con tha thiết, không để sơ hở bất cứ chuyện gì. Có lý đâu, chàng nhẫn tâm bỏ mẹ con nàng không một tiếng giã từ.
Không! Nàng tin tưởng là Vũ sẽ trở về. Chàng có buồn phiền gì đi nữa cũng phải nghĩ đến bé Dung chớ!
Mộng Ngọc lại nhớ đến những lời của cha nàng thốt ra lức sáng:
- "Tôi có sản nghiệp mà! Nếu cần gả Mộng Ngọc không thiếu gì nơi!”
Trời ơi! Tại sao cha nàng lại có thể thốt ra những lời như thế được? Lời lẽ miệt khinh đó có thể làm cho Vũ đi luôn, cùng không biết chừng. Mộng Ngọc càng nghĩ càng thêm lo sợ. Lúc nãy, nàng chưa nhìn kỹ được người thiếu phụ kìa. Người ta nhờ sắc đẹp hay sự chiều chuộng khéo léo mà quyến rũ được chồng nàng?
Mộng Ngọc chợt nghe tiếng xích lô ngừng trong sân nhà. Nàng nhìn ra thấy cô Liễu đang xuống xe rồi đi vào phòng mạch. Nàng không rõ Liễu đã đi đâu, mà bảy giờ mới trở lại? Mộng Ngọc nghĩ thầm chắc là Liễu hiểu ít nhiều về người thiếu phụ lúc sáng. Nàng đứng lên bước qua phòng mạch định hỏi Liễu cho ra manh mối. Trong khi đó, Liễu cùng vừa vào thì gặp Mộng Ngọc. Nàng sửng sốt cất tiếng:
- Thưa bà.
Mộng Ngọc nhìn nàng với đôi mắt buồn bã:
- Cô Liễu! Cô chưa về sao?
- Thưa bà! Tôi định lấy đồ về đây!
- Nếu có thể, cô nán lại cho tôi hỏi thăm một vài chuyện.
Liễu rất khó nghĩ trong hoàn cảnh nầy. Nàng sợ Mộng Ngọc sẽ hỏi đến những điều mà nàng không thể nói ra được. Nhưng biết chừng đâu, nàng sẽ giúp được ba người qua cảnh khó khăn, sau khi cho Mộng Ngọc biết hết sự thật. Liễu nghĩ thế nên bảo Ngọc:
- Thưa bà! Hỏi chi?
Mộng Ngọc kéo ghế dành cho bệnh nhân ngồi, bảo Liễu:
- Cô ngồi xuống đã. Câu chuyện nầy có hơi dài.
Liễu vừa ngồi xuống thì Mộng Ngọc đi vòng vào bàn viết, chỗ Vũ thường ngồi. Vẻ điềm đạm của nàng khiến Liễu lo lắng.
Mộng Ngọc bỗng ngước lên:
- Cô Liễu! Từ khi cô vào làm đến giờ chắc không có việc gì mình phiền lòng nhau.
Liễu vội đáp:
- Dạ đâu có gì bà phải nói vậy!
- Tôi muốn hiểu rõ lòng cô, để mình dễ nói chuyện hơn. Tôi mong cô thành thật với tôi trong câu chuyện nầy.
Mộng Ngọc ngừng lại một phút tiếp:
- Tôi muốn hỏi về người thiếu phụ đã đến phòng mạch lúc nãy, chắc cô hiểu rõ.
Liễu nhìn Mộng Ngọc với vẻ trìu mến. Dù mến thương Hiền, tội nghiệp cho hoàn cảnh của nàng thôn nữ kia, Liễu cũng không thể làm ngơ trước nỗi đau của Mộng Ngọc. Nàng bảo Ngọc:
- Thưa bà. Tôi có biết cô ấy. Nhưng...
Mộng Ngọc chận lời Liễu:
- Cô cứ nói rõ cho tôi nghe, cô Liễu. Thiếu phụ ấy là ai? Đã gặp anh Vũ từ bao giờ?
Liễu đáp:
- Thưa bà! Cô ấy tên Hiền không phải hai người mới gặp nhau đâu! Hai người biết nhau trước ngày bác sĩ sang Pháp học.
Mộng Ngọc mở to mắt nhìn Liễu:
- Có thật như vậy sao, cô Liễu?
- Thưa bà! Sự thật là thế!
Mộng Ngọc nhớ ngay đến câu chuyện đêm hôm nào Vũ đã kể cho nàng nghe. Đúng rồi! Chàng đã mượn chuyện kia để nói lên trường hợp khó xử của mình, nhưng Ngọc đã vô tình không biết. Nếu thế, người thiếu phụ có mặt trong phòng mạch lúc nãy là người yêu cũ của Vũ trước kia?! Hai người đã biết nhau khi Vũ chưa từng gặp nàng?
Liễu thấy Mộng Ngọc lặng thinh, tưởng đâu nàng quá xúc động trước một sự thật, nên tiếp lời:
- Hai người biết nhau, khi bác sĩ vừa mới đậu Tú Tài toàn phần, bác sĩ sang Pháp học thì Hiền vẫn ẩn nhẫn đợi chờ và nàng đã trải qua bao nỗi đắng cay...
- Thế mà anh Vũ đành quên người tình cũ sao?
Liễu lặng thinh vì không biết nói thế nào, để bênh vực Vũ? Riêng Mộng Ngọc, nàng nhớ rõ mình đã hỏi Vũ một câu như vậy, khi chàng kể lại câu chuyện "tưởng tượng” về người bạn sinh viên. Nàng đã thẳng thắn buộc tội người đàn ông bội bạc nữa là khác. Nào ngờ câu chuyện kia lại liên quan đến gia đình nàng! Liễu tiếp:
- Hai người đã có con với nhau rồi, bà ạ! Bé Lệ đã gần 7 tuổi.
Mộng Ngọc hỏi lại:
- Có phải đứa bé trong phòng mạch lúc nãy không?
- Thưa bà, phải! Bé Lệ bệnh nhiều nên cô Hiền mới mang tới đây.
Mộng Ngọc tự nhủ không hiểu sao cô nữ y tá của chồng lại hiểu rõ hoàn cảnh của Hiền như vậy. Liễu vô tình không biết những ý nghĩ trong đầu Mộng Ngọc, nên tiếp tục câu chuyện:
- Cũng nhờ một sự tình cờ cô Hiền mới hay bác sĩ đã về nước. Người cậu của cô ấy và cũng là bạn của bác sĩ thấy quảng cáo đăng báo, liền chỉ cô ấy lên đây. Bác sĩ chưa nói rõ sự thật với bà chắc vì quá bối rối trước hoàn cảnh hết sức bất ngờ?
Mộng Ngọc chận lời Liễu:
- Tôi đã hiểu cả rồi cô Liễu! Anh Vũ đã kể cho tôi nghe một câu chuyện tương tợ như thế! Tôi nào biết đó là chuyện của mình. Bây giờ đây, anh Vũ liệu sao? Anh giải quyết như vậy ư? Về sống với người yêu cũ và bỏ hắn mẹ con tôi?
Liễu nín lặng! Nàng biết rõ nguyên nhân sự ra đi của Vũ, nhưng nàng không dám nói. Nếu Vũ nặng tình với Hiền và không nghĩ gì đến Mộng Ngọc thì chàng đã bỏ nhà đi từ lâu, có đâu để đến ngày nay, phải nghe những lời miệt khinh của ông Thiện.
Mộng Ngọc thốt ra những lời đó rồi hình như quá chua xót, nàng nghẹn ngào không nói gì được nữa. Nàng thấy tủi nhục nhỉều hơn là ganh ghét với người đàn bà xa lạ kia. Phải chi nàng có làm điều gì lầm lỗi với chồng cho cam. Đằng nầy nàng hết mực yêu chồng, chăm lo săn sóc cho chồng "từng miếng ăn, giấc ngủ”. Thế mà khi quyết định một chuyện quan trọng nhứt đời, Vũ lại không nghĩ đến nàng. Liễu thấy mình cần nói cho Mộng Ngọc biết nỗi khó xử của Vũ:
- Thưa bà! Tôi thấy mấy lúc sau nầy. Bác sĩ khổ tâm nhiều lắm.
Mộng Ngọc thở dài:
- Nhưng giờ đây ai lại khổ hơn! Tôi và bé Dung nào có tội gì đâu mà phải gánh chịu hậu quả nầy!
Liễu không dám nói nữa. Đối với việc riêng của gia đình Vũ, nàng xen vào thế kể cũng hơi nhiều. Nếu Mộng Ngọc nghi ngờ nàng về phe với Hiền và Vũ thì chẳng lợi ích gì, mà còn có hại nữa là khác. Liễu nhận thấy mình không phải là người có thể giàn xếp được vụ nầy.
Mộng Ngọc bỗng hỏi nàng:
- Cô có biết hiện giờ anh Vũ ở đâu không?
Liễu bối rối chẳng biết trả lời sao? Chỉ chỗ ở của Hiền ra thì nàng phụ lòng tin cẩn của Vũ. Mà không nói ra, chắc chắn Mộng Ngọc sẽ nghi ngờ. Nàng còn đang phân vân không biết liệu sao thì Mộng Ngọc lắc đầu tiếp:
- Nhưng mà thôi cô Liễu! Tôi có biết nơi Vũ ở cũng chẳng ích gì. Anh ấy đã không nghĩ tình mẹ con tôi mà ra đi thì tôi có đến nài nỉ chắc ảnh cũng chẳng về.
Nàng đứng lên gượng cười bảo Liễu:
- Tôi cám ơn cô nhiều lắm! Làm phiền cô như vậy kể cũng quá lắm!
Liễu lắc đầu bảo Mộng Ngọc:
- Thưa bà! Không có gì đâu!
- Không! Cô nghĩ xem có đúng vậy chăng? Anh Vũ đã chẳng nghĩ tình vợ con, tôi có làm gì cũng chỉ bận bịu thêm cho anh ấy. Thà để anh tự do định đoạt số phận của mẹ con tôi!
Liễu vâng dạ không dám bàn thêm. Nàng chỉ nhận rõ một điều: "Đối với người đàn bà gan dạ và điềm đạm như Mộng Ngọc, một khi đã quyết định một việc gì rồi thì khó lay chuyển nổi".
Nàng khẽ nói:
- Thưa bà! Trưa lắm rồi, tôi xin phép bà được về.
- Vâng!
Rồi nàng đưa Liễu ra cửa. Mộng Ngọc bỗng hỏi khi Liễu đã lên xe.
- Chiều cô có đến không?
Liễu ngập ngừng đáp:
- Dạ... tôi... không rõ bác sĩ có tiếp bệnh nhân không?
Mộng Ngọc cười nói:
- Chắc không rồi! Nhưng mà cô cứ đến đây với tôi... Nhà cũng buồn!
Liễu cất tiếng dạ rồi lên xe đạp ra cửa! Nàng nghĩ đến sự tan vỡ rất có thể xảy ra giữa Vũ và Mộng Ngọc. Riêng nàng vẫn phải làm phận sự an ủi mọi người trong lúc khổ đau. Kể ra đó cũng là nhiệm vụ của người nữ у tá.
*
Hiền ôm sát con vào lòng, nước mắt cứ tuôn tràn xuống má! Bé Lệ vẫn nóng, không thấy bớt chút nào cả. Nàng khổ tâm quá: chuyện lòng ngổn ngang trăm mối chưa giải quyết được mà con nàng lại lâm trọng bệnh.
Hiền nhìn về phía cửa phòng. Vũ vẫn ngồi yên lặng trên chiếc ghế bành, nét mặt đăm chiêu. Từ lúc chàng đến nhà tới giờ, Vũ vẫn ngồi ở đó, không nói một lời. Hiền biết chàng đang trải qua những phút xáo trộn tâm hồn. Riêng Hiền, nàng cũng đâu muốn có cảnh nầy? Thật là chua xót. Đợi chờ, chờ đợi sáu, bảy năm trời, để rồi được biết Vũ có vợ, có con. Thế ra, từ bao lâu nay, Vũ không hề nghĩ đến nàng, đến mối tình xa xưa. Nếu nghĩ đến nàng, sao Vũ lại lại đành lòng lấy vợ? Hiền cảm thấy tủi thân nhiều lắm và nàng chợt nhớ đến những lời nói của cậu Giáo Hoài:
- “Cậu lo ngại lắm! Sợ thời gian qua, lòng người thay đổi”.
Lúc ấy Hiền không tin lời cậu. Nàng nhớ đến những ước hẹn xa xưa và tin tưởng ở Vũ, mong mỏi có ngày sum họp. Giờ đây, Vũ vẫn một lòng thương yêu đùm bọc nàng, nhưng lại có bổn phận với một người đàn bà khác.
Mộng Ngọc! Tên người ấy mới đẹp làm sao? Nàng lại giàu có, sang trọng hơn mình gấp bội phần? Vũ không yêu người ta sao được? Hiền nhìn vào tấm kiếng ở trong phòng. Trông nàng thật tiều tụy, đâu có được đẹp bằng Mộng Ngọc. Nàng cúi xuống nhìn con nét mặt dàu dàu.
Trong khi đó, có tiếng chân Vũ bước vào phòng. Hiền lau khô nước mắt, để Vũ không thấy nàng mới khóc. Nàng lại xiết chặt con vào lòng, không ngẩng lên, nhưng vẫn biết Vũ đến gần mình.
Vũ nhẹ nhàng đặt tay lên vai nàng:
- Em Hiền!
Hiền dạ rất nhỏ, cổ nàng như nghẹn lại. Nàng cố dằn cơn xúc động, nhưng nước mất cứ tuôn trào xuống má. Vũ bảo nàng:
- Em đừng khóc, anh đã khổ tâm nhiều lắm rồi!
Hiển có dám phiền trách gì Vũ đâu, nhưng nàng biết rằng cảnh sống ngang trái nầy không thể kéo dài lâu được. Vợ Vũ là người được chính thức cưới hỏi làm sao chàng có thể mặc nhiên ra đi để sống với nàng? Vả lại, Vũ và Mộng Ngọc còn có con với nhau! Vũ đâu có thể xa lìa con mãi mãi. Hiền muốn nói ra điều nghĩ ngợi của mình nhưng lại ngập ngừng không dám.
Vũ bỗng nói:
- Anh cần phải cho em biết rõ chuyện nầy.. Cha mẹ anh đã mất từ lâu.
- Trời!
- Phải. Nhưng anh chưa nói thật với em cũng chỉ vì... anh chưa tìm được cách giải quyết ổn thỏa giữa em và Mộng Ngọc.
Hiền vẫn lặng thinh! Từ hôm nàng từ quê lên đến nay, Vũ nói dối nàng cũng chỉ vì sợ Mộng Ngọc nghi ngờ. Nàng đã hiểu hết. Vũ không đoán được tâm trạng của Hiền chỉ vì nàng ít nói mà cũng chẳng biểu lộ một cừ chỉ gì khác. Hiền có thái độ nào khi đã hiểu rõ chàng đã có vợ, có con?
Chàng bỗng hỏi Hiền:
- Em!
- Dạ.
- Sao em không nói gì hết vậy? Em đã thấu rõ hoàn cảnh của anh rồi phải không?
Hiền liền nhìn chàng đáp:
- Dạ... Nhưng em biết nói gì bây giờ? Nó ngoài sức tưởng tượng của em. Bao điều dự tính của em đều gẫy đổ hết.
Vũ chận lời:
- Có gì đâu em. Chúng ta bây giờ có gì phải lo nữa.
Hỉền lắc đầu:
- Không! Anh tưởng có thể bỏ vợ bỏ con ư? Em chắc không thể nào anh tìm thấy hạnh phúc.
- Sao lại không? Chúng ta không xem thường nhau và vẫn yêu nhau kia mà. Đối với Mộng Ngọc và cha nàng, thế là hết. Họ khinh miệt anh thái quá. Anh ngán cái trò ơn nghĩa ấy rồi. Chúng ta sẽ trông cậy vào hai bàn tay để gây dựng tương lai.
Hiền đợi cho Vũ qua phút sôi nổi trong lòng mới hỏi:
- Thế còn con anh? Nó có tội tình gì?
Vũ đứng lên, khoa tay nói liền:
- Con anh? Nó sẽ sống với mẹ nó! Họ giàu sang đủ sức nuôi nấng con anh.
Hiền lắc đầu:
- Anh nói mà không suy nghĩ! Rồi đây, anh sẽ ân hận vì những lời nầy.
- Không đâu! Em không thấy người ta miệt khinh anh sao?
- Nhưng chuyện ấy như thế nào? Tại sao người ta có quyền khinh dễ anh?
Vũ thấy không phải cần giấu giếm Hiền nữa, phải nói hết cho nàng nghe, họa chăng mới đỡ khó chịu. Chàng từ từ kể lại tình bạn giữa ông Thiện với cha và sự giúp đỡ của ông trong chuyện học vấn của chàng. Rồi thì chàng gặp Mộng Ngọc ở Pháp. Hai người làm lễ cưới với nhau... Hiền nhận thấy một điều nầy: Vũ không hề nghĩ đến nàng trong những năm xa cách. Thế là đúng với sự suy đoán của Giáo Hoài. Vũ nhìn vẻ mặt cửa Hỉền thì đoán được phần nào những ý nghĩ trong đầu nàng. Chàng tiếp:
- Khi ở Pháp... thật ra anh không ngờ Hiền vẫn chờ đợi anh. Anh có lỗi với em nhiều lắm. Anh đã tưởng em thành lập gia đình rồi.
Hiền nhìn Vũ với đôi mắt trách móc như ngầm bảo: "Sao anh có thể nghĩ như vậy được?”. Vũ tiếp:
- Khi gặp lại em, anh biết mình có lỗi nhiều, song chưa biết phải chuộc lại bằng cách nào. Anh cũng không dám nói rõ sự thật với em, để cho đến bây giờ?
Hiền hỏi chàng:
- Bây giờ phải làm sao hả anh?
Vũ nhìn nàng đáp nhỏ:
- Phải chi anh nói ra được thì em đâu chứng kiến cảnh hồi sáng nầy! "Người ta" miệt khinh anh quá thậm tệ!
Hiền nhớ lại câu chuyện trong phòng mạch lúc sáng! Thái độ của ông Thiện không khác gì cha nàng lúc biết được nàng và Vũ thầm lén gặp nhau. Trên đời, không phải riêng gì ông Thiện mà tất cả những ai làm cha mẹ cùng muốn bảo vệ hạnh phúc cho con. Ông Thiện tưởng lầm sau khi cưới con ông, Vũ mới gặp nàng chớ có biết đâu nàng đã yêu Vũ trước Mộng Ngọc. Tuy nhiên, Mộng Ngọc hơn nàng ở chỗ chính thức là vợ của Vũ. Hiền thở dài nói:
- Ông Thiện không khác gì cha em!
- Em nói gì anh không hiểu?
- Hồi đó, khi biết em và anh yêu nhau, cha em cũng tức giận như thế và mạt sát anh nhiều lời thậm tệ.
Vũ lắc đầu:
- Em so sánh hai hoàn cảnh không đúng.
- Đúng lắm chớ! Bây giờ em càng thấy rõ hơn. Sở dĩ cha em làm thế là vì tương lai của em. Cũng như giờ đây, ông Thiện sợ Mộng Ngọc mất hạnh phúc.
Vũ lặng thinh nhìn Hiền. Lần đầu tiên, từ khi biết nhau tới giờ chàng mới thấy Hiền suy luận một việc khá sâu sắc. Có lẽ nhờ đúng với hoàn cảnh của nàng. Như vậy, đủ chứng tỏ Hiền rất thông minh nhưng vì kém học và không ai chỉ dẫn, nàng thường nói nhiều câu rất ngây ngô!
Hai người im lặng rất lâu, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng biệt. Hiền nghĩ đến câu dặn dò của Giáo Hoài:
- "Nếu thấy lòng người thay đổi thì cháu trở vể quê ngay, đừng ở Sài Gòn lâu".
Nhưng Vũ đối với nàng, không hẳn là đã đổi thay hết! Chàng thương yêu, đùm bọc, lo lắng cho mẹ con nàng. Tuy nhiên, chàng còn có bổn phận với người đàn bà khác. Phải chi Vũ hất hủi nàng thì Hiền sẽ đem con về quê ngay.
Trong lúc đó, Vũ lại nghĩ đến lời Hiền vừa nói về ông Thiện! Kể ra cũng có phần đúng, cũng chỉ vì hạnh phúc của Mộng Ngọc mà ông có thái độ quá đáng với chàng. Bình thường ông vẫn tỏ ra thương yêu trìu mến Vũ lắm! Chàng lại nghĩ đến Mộng Ngọc và bé Dung, giờ nầy chắc hai mẹ con đã ăn cơm xong và không biết đang làm gì? Bé Dung có biết rằng cha nó bỏ nhà ra đi mãi mãi không? Chắc ông Thiện và Mộng Ngọc đã nói cho nó biết rồi! Tội nghiệp, bé Dung còn nhỏ dại nào đã hiểu gì? Nó đâu có quan niệm một cách rõ ràng sự ra đi của cha nó. Vũ thấy bứt rứt không yên. Chàng quay lại nhìn Hiền để quên đi những hình ảnh thân yêu khác đang đè nặng trái tim chàng. Bé Lệ vẫn thiêm thiếp trong lòng Hiền. Chàng nắm lấy tay con thấy nó đã bớt nóng hơn lúc sáng. Hiền ôm con đã lâu nên không còn phân biệt được nhiệt độ trong nó. Nàng bảo Vũ:
- Sao nó không bớt vậy, chẳng hiểu nữa?
- Bớt rồi đó em. Em anh lấy "thủy" của con cho em xem.
Hiền chỉ chỗ để ống thủy mà Liễu đã đưa cho nàng hôm trước. Vũ vừa trở lại chỗ con nằm, vừa hỏi:
- Hồi sáng thủy của con 39 độ 8 phải không em?
- Dạ!
Vũ đặt thủy cho con rồi nhìn Hiền, trong lòng cảm thấy hòa dịu trở lại. Một lúc, lấy ống thủy ra, Lệ chỉ còn 38 độ, cả hai hết sức vui mừng. Như thế nầy cũng đủ hạnh phúc rồi. Không chừng chàng còn thấy thảnh thơi hơn cảnh sống trước đây. Sống với Mộng Ngọc lúc nào chàng cũng thấy bứt rứt trước những lời “nói xa nói gần" về chuyện "thực lộc chi thê"! Nhiều khi thiên hạ nói người khác mà chàng cũng thấy khó chịu. Buổi chiều bệnh tình của Thanh Lệ thuyên giảm hẳn. Nó đã biết đói và đòi uống sữa. Vũ và Hiền hết sức mừng. Chàng bảo Hiền:
- Em đi khuấy sữa cho con, để anh trông nó cho.
Hiền vâng dạ đi ngay. Vũ lên giường nằm bên con. Bé Lệ nhìn chàng với đôi mắt trìu mến. Trên khuôn mặt nó lộ vẻ sung sướng rõ rệt. Vũ hỏi bé Lệ:
- Con muốn nghe chuyện đời xưa không? Ba kể cho con nghe nhé!
Bé Lệ mỉm cười gật đầu:
- Ba kể đi ba! Hồi đó con nghe ông Giáo kể cho cậu Lịch nghe nhiều. Chuyên "Thạch Sanh” nè. À chuyện "Ông cọp với con thỏ”. Thỏ té xuống hầm rồi gạt ông cọp nói trời sập đó ba. Ông cọp sợ chết nhảy xuống hầm để bị bắt.
Thanh Lệ kể một hơi. Vũ cười nói:
- Con giỏi quá! Kể cho ba nghe nữa đi.
Bé Lệ tự nhiên sa sầm nét mặt, lắc đầu:
- Con đâu có biết hết chuyện! Cậu Lịch, cậu ấy hay đuổi con đi chỗ khác: Cậu nói: "Mầy đi kiếm ba mầy kể cho nghe, ba đứa nào nấy kể!"
Vũ ôm chầm lấy con, trong lòng rạt rào thương cảm! Bao nhiêu đó cũng đủ cho chàng cảm thông được nỗi khổ của mẹ con Hiền trong những năm xa vắng chàng! Chàng hỏi bé Lệ:
- Ông Giáo cũng để cho cậu Lịch ăn hiếp con như vậy sao?
- Đâu có ba. Ông Giáo rầy cậu Lịch chớ, rồi nói với con là ba giỏi lắm! Ổng nói ba còn biết nhiều chuyện đời xưa hơn ông ấy nữa! Phải không ba?
Vũ gật đầu, nhưng cảm thấy nghẹn ngào trong cổ họng. Chàng đã thiếu bổn phận làm cha đối với con. Bao năm qua, con chàng sống vất vưởng nào khác chi một đứa con hoang? Chàng hôn lên má bé Lệ, nói những lời tha thiết:
- Từ nay, con sẽ không phải khổ nữa, lúc nào cũng có ba bên cạnh con. Để ba kể chuyện "Em bé quàng khăn đỏ” cho con nghe.
Bé Lệ gật đầu mở mắt đợi chờ... Cử chỉ của Lệ khiến Vũ nhớ đến hình ảnh của bé Dung.
Cũng vẫn câu chuyện "Em bé quàng khăn đỏ" mà mỗi lần chàng kể lại, bé Dung nghe say sưa như một chuyện mới. Vẻ mặt của Dung thay đổi từng lúc theo những đoạn vui buồn, khủng khiếp của câu chuyện.
Bé Lệ, tự nãy giờ vẫn chờ nghe chuyện đời xưa của cha. Thấy Vũ có vẻ lơ đàng thì nó nhắc nhở:
- Ba kể đi ba.
Vũ giựt mình mỉm cười:
- Để ba nhớ lại đã. Ờ nầy: Ngày xưa, có một em bé hay bép xép đi đâu cũng thích lân la trò chuyện. Một hôm, mẹ nó bảo mang bánh sữa cho bà ngoại ở bên kia khu rừng và dặn dò đi thẳng đến nơi, đừng lần la ở đâu hết. Mẹ dặn coi chừng chó sói trong rừng, nhưng bé cãi lời cứ lân la hết bắt bướm đến hái hoa. Và sau cùng gặp chó sói!
Vũ ngừng lại nhìn bé Lệ. Chàng thấy nó và bé Dung có nhiều nét giống nhau. Chàng kể tiếp mưu mô của chó sói hỏi dò nhà bà ngoại của đứa bé, nó bép xép chỉ chỗ bà nó ở, chó sói liền giả dạng nó gõ cửa gọi bà. Sau khi ăn thịt bà, chó sói lại dùng mưu gạt nó để ăn thịt! Vũ kể dứt câu chuyện, thấy con lộ vẻ buồn, nên vội hỏi:
- Hay không con.
- Dạ hay mà buồn quá, ba à! Phải chi...
Vũ nhìn con:
- Phải chi... thế nào? Lệ muốn nói gì?
- Con nói phải chi nó đừng bép xép thì ngoại nó và nó đâu có chết. Nếu ba má nó đi theo thì có sao đâu há ba? Tại có mình nó đó.
Vũ ôm chặt con vào lòng! Chàng có cảm tưởng luôn luôn bé Lệ nghĩ đến chuyện của mình, đến hoàn cảnh của nó trước đây. Đáng lý ra chàng phải lựa một chuyện khác, vui hơn, để kể cho nó nghe. Vũ nói:
- Thôi để ba kể một chuyện khác. Chuyện nàng Bạch Tuyết và bảy chú Lùn nhé!
Bé Lệ lắc đầu:
- Thôi ba! Lúc nào rảnh ba kể lại chuyện "Em bé quàng khăn đỏ" cho con nghe nữa. Ba kể nhiều lần con mới nhớ.
- Chi vậy con?
- Để chừng về dưới mình, con kể lại cho cậu Lịch nghe. Con cũng muốn cho cậu ấy biết là ba giỏi lắm! Ba biết nhiêu chuyện còn hơn ông Giáo nữa.
Vũ hỏi con:
- Bộ con ghét cậu Lịch lắm sao?
- Không có đâu ba! Tại cậu ấy ưa nói...
Thấy bé Lệ ngập ngừng, Vũ hỏi:
- Nói gì hả con?
- Cậu nói "con là đồ không cha!”
Vũ cau mày:
- Thế kia à!
Chàng nghĩ chắc ai dạy con Giáo Hoài như thế chớ làm sao một đứa trẻ mà biết nói như vậy? Chàng nói:
- Cậu Lịch không tốt, như thế con nên lánh xa. Đừng nên chơi thân với cậu ấy nữa.
- Cậu Lịch bắt chước bà Giáo đó ba à!
- Bà Giáo?
- Dạ.
Rồi Thanh Lệ nói nhỏ với cha:
- Bà Giáo ghét má lắm! Bà nói má và con là "đồ ăn hại"!
Vũ nhìn con không ngờ mới bây lớn mà nó nói nhiều đến thế! Nó hiểu nhiều chuyện mà đáng lý ra tuổi đó nó không cần biết. Nhưng cũng nhờ sự "hay nói" đó mà chàng hiểu rõ hoàn cảnh Hiền hơn. Chàng bảo con:
- Má con có nói lại không?
- Bả nói lén... chớ trước mặt má bả đâu có nói. Con nghe được nên về nói với má.
Vũ thấy mình bị lôi cuốn theo câu chuyện của con! Chàng hỏi:
- Rồi sao con! Má con có...
Bé Lệ tiu nghỉu:
- Má không nói gì bà Giáo mà má lại rầy con... đòi đánh con nữa.
Vũ bật cười! Chàng thấy Hiền cư xử như vậy là đúng. Bé Lệ thấy chàng cười liền hỏi:
- Sao ba cười?
Chàng đáp:
- Má rầy con như vậy là đúng, nếu cố ba thì ba đánh thêm cho.
Bé Lệ đang ôm cách tay chàng, bèn buông ra. Vũ tiếp:
- Trẻ con không được bép xép, không được nghe trộm và thuật đi thuật lại... Như vậy thì ba không thương đâu.
Bé Lệ quay mặt vào vách không nhìn Vũ nữa. Chàng thấy con hư như vậy thì trong lòng không khỏi lo âu. Lỗi một phần lớn là do chàng. Phải chỉ bé Lệ được ở gần cha từ nhỏ... thì đâu đến nỗi. Chàng thấy mình cần một thời gian dài để dạy bảo con. Hiền bưng sữa lên cho con và thấy nó xây mặt vào vách, còn Vũ thì không được vui, nên hỏi nhỏ chàng:
- Việc gì vậy anh?
Vũ lắc đầu nói:
- Chút nữa anh nói em nghe! Cho con uống sữa đi.
Chàng đứng lên bước ra ngoài. Hiền nhìn theo Vũ, trong lòng lo ngại băn khoăn. Nàng ngồi xuống bên bé Lệ gọi nhỏ:
- Lệ! Uống sữa nè con.
Bé Lệ từ từ quay lại nhìn mẹ. Không thấy Vũ đâu, nó hỏi:
- Ba đâu rồi má?
- Ba ra ngoài kìa.
Rồi nàng hỏi con:
- Lệ làm gì để ba giận đó?
Lệ cúi xuống uống sữa không đáp. Hiền hỏi gằn lại:
- Sao con không nói?
- Dạ... con... không biết sao nữa? Con...
Nó chỉ lắc đầu, Hiền không hỏi thêm. Sau khi Lệ uống sữa rồi, nàng bảo con nằm nghỉ rồi bước ra ngoài. Vũ đang ngồi trên ghế "sa lông” quay lại nhìn nàng. Hiền khẽ hỏi:
- Chuyện gì vậy anh?
Vũ mĩm cười cho nàng yên lòng rồi nói:
- Không có gì quan trọng đâu! Lỗi là do anh không sống gần gũi với con.
- Nhưng mà chuyện gì mới được!
- Anh хеm chừng bé Lệ không được... ngoan cho lắm!
Hiền ngơ ngác nhìn Vũ không hiểu con có lỗi gì? Nàng cất giọng lo lắng:
- Con đã làm gì vậy anh?
Vũ đáp:
- Bé Lệ nói hơi nhiều và tìm hiểu những chuyện tuổi nó chưa cần biết.
Sau khi thuật lại câu chuyện bé Lệ đã nói lúc nãy, chàng tiếp:
- Đáng lý ra ở tuổi đó, con phải vô tư hơn và không nên "bép xép" như vậy. Nếu em không khéo đối xử, có phải đã gây sự cãi vã với chị Giáo không? Anh nhớ ngày xưa chị ấy tốt với em lắm mà?
Hiền lặng thinh không đáp. Từ hôm lên Sài Gòn đến giờ, nàng chưa có dịp thuật lại những nỗi khổ của mình sau ngày Vũ ra đi. Mà thật ra nàng cũng không muốn nhắc đến nữa! Điều đó chỉ làm cho Vũ khổ tâm thêm chẳng ích gì?
Thấy Hiền không nói, Vũ hỏi:
- Có phải thế không em?
Hiền ngước nhìn Vũ:
- Anh bảo chi?
- Về chị Giáo Hoài đó.
Hiền không muốn kể lể nhưng cũng đành phải nói:
- Con nó nói không ngoa đâu anh! Nhưng thôi nhắc lại làm gì những chuyện cũ. Đã có lúc em nghĩ rằng người ta ở đời không aỉ có lòng tốt dài lâu được. Họ có thể tốt với những người xung quanh là khi nào không đụng chạm đến quyền lợi riêng tư của mình.
Vũ nhìn Hiền. Khổ sở gian nan đã giúp nàng có một sự nhận xét chí lý về thói đời. Chàng gợi chuyện:
- Thế nghĩa là sao hở em?
Hiền đáp:
- Em muốn nói là mợ Giáo Hoài trước kia rất tốt với anh và cả em nữa. Anh có còn nhớ không? Chính mợ Giáo đã cho em biết là anh đã... có ý thương em trước kia.
Vũ nắm tay Hiền lòng rào rạt niềm thương mến. Những hình ảnh xa xưa vụt trở lại trong óc chàng. Chàng nhớ rõ buổi chiều, chàng cùng Giáo Hoài đi câu trở về thì gặp một thiếu nữ đang đứng nói chuyện với vợ Hoài. Thiếu nữ thấy chàng vào nhà là bỏ đi ngay, nhưng nét dịu hiền của nàng khiến Vũ chú ý.
Buổi tối, chính vợ Hoài đã bảo chàng:
- Anh muốn cưới vợ ở đồng quê không?
Vũ đoán ngay là vợ Hoài muốn nói đến người thiếu nữ ban chiều. Nhưng chàng cũng hỏi:
- Ai vậy chị?
- Người hồi chiều đó! Đảm đang lắm nghen, một mình lo hết chuyện nhà.
- Nhưng mà con ai vậy chị? Nhà ở đâu?
Chàng còn nhớ rõ giọng cười hệch hệch của vợ Hoài:
- Đó! Mới nghe đã hỏi tới! Đâu có được anh! Phải "kiếng" đầu heo trước đã.
Tình cảm của vợ Hoài đối với chàng lúc ấy rất chân thật, đậm đà. Riêng Vũ chưa có ý niệm gì rõ rệt. Chàng chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Vợ chồng Giáo Hoài lại nghĩ khác. Họ đinh ninh sau khi đỗ đạt, Vũ сhỉ còn có cưới vợ làm ăn. Lúc ấy, Vũ cũng chưa biết tương lai mình sẽ ra sao, nên hơi hoang mang trước cuộc đời. Chàng không ngờ mình lại được may mắn sang Pháp. Thế rồi, mối tình bắt đầu nảy nở giữa hai người. Giờ đây, Vũ nhìn nhận mình có lỗi nhiều với Hiền. Chàng chưa có ý cưới nàng làm vợ mà lại phá hại đời nàng... để rồi... phụ bạc nàng. Chàng ân hận lắm khi hiểu rõ những nỗi gian truân của Hiền và bé Lệ. Vũ bảo Hiền:
- Anh không ngờ chị Hoài đối xử với em như vậy?
Nhưng khi thốt ra câu ấy, Vũ cảm thấy khốn khổ vô cùng. Chính chàng cũng không giữ vẹn tình yêu với người xưa. Hiền không để ý đến điều đó, bảo Vũ:
- Ngày anh đi rồi, vợ chồng cậu Giáo vẫn thương em! Đến lúc em mang thai, ba đuổi ra khỏi nhà cậu mợ Giáo còn đem em về nhà nuôi.
Ngừng lại một phút nàng tiếp:
- Ít lâu sau, trong nhà có chuyện buồn phiền luôn, nào là làm ăn thua lỗ, cậu Lịch bị bệnh suýt chết. Không hiểu ai bày biểu, mợ Giáo cho rằng tại chứa đàn bà chửa trong nhà, nên mới xui xẻo như vậy! Từ đó, mợ Giáo đâm ra oán ghét mẹ con em.
Vũ đã hiểu lý do vợ Hoài hằn học với Hiền. Sự mê tín dị đoan nhiều khi làm cho người tốt trở nên xấu.
Chàng khẽ hỏi:
- Anh Hoài không nói gì sao?
- Mợ Giáo có nói thẳng vào mặt em đâu! Nội những vụ chưởi chó mắng mèo, nói xa nói gần cũng đủ làm khổ mẹ con em. Cậu Giáo thấy vậy mới giúp em mở một cửa hàng bán lặt vặt gần trường học.
Vũ kéo sát Hiền vào mình:
- Em khổ nhiều như vậy anh đâu có ngờ. Từ nay đã có anh, em không phải chịu gian nan nữa.
Hiền cảm động cúi đầu, nhưng thốt nhiên nàng nghĩ tới Mộng Ngọc. Xa Vũ có lẽ người thiếu phụ kia cũng phải khổ không kém gì nàng. Nhưng Hiền cố bám vào một tia hy vọng: "Mộng Ngọc giàu chắc không khổ như mình đâu!"
Nàng nhớ đến đứa con của Mộng Ngọc, nó sẽ phải sống những ngày không cha như bé Lệ bao lâu nay. Ý nghĩ đó khiến Hiền khổ tâm lắm! Nàng khẽ hỏi Vũ, để đánh tan những tư tưởng ám ảnh trong đầu:
- Tánh tình của con như vậy, phải sửa thế nào hả anh?
Vũ nhìn về phía phòng bé Lệ:
- Em cứ để đó cho anh... lần lần con sẽ bỏ được những tật xấu.
Buổi tối, Hiền nằm chung với bé Lệ, để canh chừng con vì sợ nó giựt mình thức giấc giữa đêm. Chị bếp giăng mùng cho Vũ ở ngoài đi văn. Chàng trằn trọc mãi không ngủ được. Phần lạ nhà, phần nghĩ ngợi tới những chuyện đã xảy ra trong ngày, chàng không tài nào nhắm mắt. Hình ảnh của Mộng Ngọc và bé Dung bỗng hiện ra trong đầu chàng! Vũ không muốn nghĩ đến cũng không được. Trong lúc bị ông Thiện mạt sát khinh khi, chàng quyết định ra đi không một lời từ giã Mộng Ngọc. Giờ đây, cơn giận đã qua, nằm một mình nghĩ lại, chàng thấy mình đốí xử với Mộng Ngọc như thế là quá đáng. Nàng đâu có lầm lỗi gì với mình? Chỉ vì ông Thiện mà chàng đã xử ép Mộng Ngọc!
Vũ trở mình thờ dài. Giờ này chắc Mộng Ngọc cũng trằn trọc không ngủ được. Không rõ nàng đã hiểu vì cớ gì chàng lại ra đi chăng? Chắc ông Thiện đã nói cho nàng biết. Vũ không hiểu được thái độ của Mộng Ngọc sẽ như thế nào, khi biết rõ chuyện Hiền. Nàng giận mình thì đã hẳn, nhưng liệu có khinh khi mình không? Bây giờ, Vũ mới thấy mình bỏ đi là quá hấp tấp. Dù sao, chàng cũng phải gặp Mộng Ngọc một lần để giải bày cặn kẽ mọi sự việc rồi mới quyết định chớ.
Chàng và Mộng Ngọc có hôn thú. Có hết tình, hết nghĩa cũng phải chờ một thời gian rồi mới xa nhau được! Lúc trưa, chàng cũng quá nóng nảy sau những lời miệt khinh của ông Thiện. Chàng mất hết bình tĩnh mới ra đi như vậy. Giờ đây, Vũ mới nhận thấy mình kém suy nghĩ. Chàng đâu có thể ngang nhiên bỏ Mộng Ngọc? Có tiếng động nhẹ ở kế bên đi văn. Vũ giựt mình quay lại. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn xanh ở đầu nằm, chàng nhìn thấy Hiền đang bước đến gần mình.
Vũ hỏi nhỏ:
- Hiền đó hả em?
- Dạ.
Vũ nằm xích vào trong để chỗ cho Hiền. Từ hôm gặp lại Hiền đến giờ, đây là lần thứ nhứt, hai người nằm chung với nhau. Vũ khẽ hỏi:
- Con thế nào hả em?
- Dạ... nó bớt nhiều rồi...
Vũ kéo Hiền sát vào mình khẽ hỏi nhỏ:
- Sao em chưa ngủ?
Hiền không đáp, hơi thở của nàng dồn dập hơn như sắp sửa nói một chuyện gì. Bỗng nàng ngồi thẳng lên quay sang Vũ. Chàng thấy đôi mắt Hiền sáng long lanh một cách lạ thường. Chàng vụt hỏi:
- Có chuyện gì vậy em?
Hiền nghiêm nghị:
- Em đã suy nghĩ kỹ rồi.
- Em nghĩ gì?
- Anh nên trở về với chị Mộng Ngọc và con anh. Chớ bỏ nhà đến ở với em như thế nầy không được đâu.
Vũ không nói gì chỉ thở dài. Hiền tiếp:
- Chị Ngọc rất xứng đáng với anh. Vợ bác sĩ là phải như chị ấy, có học thức... có...
Hiền muốn nói là sang trọng, có nhiều tiền, nhưng sợ Vũ hiểu lầm, nàng ngập ngừng:
- Có đủ tất cả... mới giúp đỡ anh được. Chớ như em thật quê mùa, dốt nát, chỉ làm cho anh khó chịu thôi.
Vũ ôm chặt lấy Hiền cảm động nói:
- Nhưng em có một tấm lòng đại lượng, một niềm chung thủy không ai bằng. Ở cái xã hội kim tiền này rất khó tím ở người đàn bà, hai đức tánh ấy!
Hiền gỡ tay Vũ:
- Không! Anh đừng nói lấp lời em. Anh nên suy nghĩ kỹ lại! Chị Mộng Ngọc nào có lỗi gì? Chẳng qua là do ông thân của chị ấy tất cả. Biết chừng đâu hiện giơ chị đang khóc hết nước mắt.
Vũ lắc đầu:
- Em không hiểu hết nỗi khổ tâm của anh khi phải nghe những lời miệt khinh... "Người ta" xem thường anh quá, anh còn trở về đó làm gì?
- Nhưng anh đâu có thể bỏ vợ con, do lỗi người khác gây ra?
Thấy Hiền cứ mãi lo cho Mộng Ngọc và cứ khuyên chàng trở về nhà, Vũ càng yêu nàng hơn. Thật ở trên đời cũng khó tìm thây một người rộng lượng như thế. Chàng khẽ hỏi:
- Thế còn em? Anh về với Mộng Ngọc thì em và con sẽ ra sao?
Hiền ngập ngừng nói:
- Em ư? Không sao đâu anh! Em sẽ...
Nàng nghẹn lời dù đã lấy hết can đảm để nói. Tương lai thật là mù mịt. Trường học ở làng càng ngày càng ít học trò, gian hàng tạp hóa của nàng cũng èo uột không sống nổi.
Vũ lắc đầu:
- Đừng Hiền. Em đừng tính hay nghĩ gì khác? Em đã khổ nhiều rồi, anh không để em phải khổ nữa đâu! Anh sẽ giải quyết ổn thỏa mà. Mộng Ngọc có buồn chăng nữa cũng một ít lâu. Thời gian là phương thuốc thần diệu chữa khỏi tất cả mọi chuyện đau buồn.
Hiền lắc đầu nói:
- Không đúng đâu! Nếu chị Mộng Ngọc thương yêu anh thì dù cho đến chết cũng vẫn khổ vì anh.
Vũ biết Hiền nói ra câu ấy theo tấm lòng của mình. Chàng hun lên trán nàng, trong lòng rạt rào niềm thương mến. Hiền nằm ngả đầu trên ngực Vũ, mỏi mệt ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Vũ nghe hơi thở đều đều của người yêu thì biết nàng đã ngủ say, nên nhè nhẹ đặt đầu nàng xuống chiếc gối, rồi từ từ ngồi dậy. Chàng thấy thương Hiền hơn bao giờ hết. Đêm qua nàng thức suốt sáng để canh chừng cho bé Lệ. Cả ngày hôm nay lại gặp nhiều việc bất ngờ, nàng không hề dặt lưng nằm nghĩ. Giờ đây nàng thiếp đi là phải. Vũ vén mùng ra ngoài để cho Hiền yên giấc. Chàng biết mình chưa thể ngủ được nên lấy thuốc ra hút. Chàng ngồi xuống chiếc ghế bành, ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Đêm trường lặng lẽ trôi qua, chàng nghe cả tiếng gió nhẹ thổi qua cành lá trong vườn. Những lời Hiền nói đủ chứng tỏ sự hy sinh của nàng đối với Mộng Ngọc nhưng chàng đâu có thể để cho Hiền phải khổ sở thêm. Đành rằng Mộng Ngọc không có lỗi gì, nhưng từ nầy về sau, chưa hẳn cuộc sống của hai người còn êm đẹp như xưa. Vũ thở dài! Đối với hai người đàn bà mà chàng đã yêu thương, tình cảm ngang nhau, không biết nghiêng hẳn về bên nào? Ai cũng đáng thướng và đáng trọng. Vì thái độ của ông Thiện mà chàng đành xử ép Mộng Ngọc, chớ thật ra nàng có lỗi gì đâu! Chàng nhớ lại đêm nào, đã thử lòng Mộng Ngọc bằng cách kể câu chuyện tương tợ với câu chuyện hiện tại. Chính Mộng Ngọc cũng không có cách giải quyết. Giờ đây, chuyện kia đã thành sự thật không biết nàng đã nghĩ thế nào? Càng nghĩ, Vũ thấy mình cần phải gặp Mộng Ngọc một lần chót, để khỏi ân hận. Giả sử nàng có những ý nghĩ như ông Thiện thì chàng ra đi như thế nầy mới hợp lẽ.
Vũ định đến sáng sẽ trở về, để gặp Mộng Ngọc nói rõ hết sự tình. Chàng sẽ bàn qua với Hiền trước khi đi. Có tiếng bé Lệ rên ư hư ở trong phòng. Hiền ngủ say nên không hay biết gì cả. Vũ không muốn làm động giấc ngủ của nàng nên vào giường với con. Chàng vén mùng vào nằm bên con. Bé Lệ mới thức, nhưng nhìn thấy cha thì nhắm nghiền đôi mắt không muốn Vũ biết là nó đã thức. Lệ biết mình có lỗi với cha nên không dám làm động. Vũ hun nhẹ lên má con. Bé Lệ vụt mở mắt, ôm chầm lấy cha:
- Ba...
- À, con!
Bé Lệ ngập ngừng:
- Ba đừng ghét con nghe ba!
Vũ lắc đầu:
- Ba có ghét con đâu?
- Có mà! Hồi chiều ba giận con nè! Con biết con có lỗi với ba.
Vũ ôm con vào lòng và nghĩ ngay đến câu nói của một người bạn nào đó:
- “Trẻ con không cha thường khôn trước tuổi”
Bé Lệ có cha mà cũng như không? Chàng trách con chàng nói hơi nhiều và nhiều tật xấu thì cùng tội! Nó phải "lanh" hơn trẻ con khác để tự bảo vệ khi không có chàng. Vũ bảo bé Lệ:
- Con biết lỗi là điều đáng khen. Nhưng hồi chiều con giận ba chớ đâu phải ba giận con? Ba giảng dạy cho con nghe, con lại quay mặt vào vách!
Bé Lệ rúc đầu vào ngực chàng:
- Con biết lỗi rồi. Bây giờ ba dạy con nữa đi.
Vũ mỉm cười sung sướng. Chàng nhớ lại câu chuyện lúc chiều khẽ bảo Lệ:
- Con còn nhỏ mà nghe trộm và "bép xép" là chuyện xấu!
- Nhưng... bà Giáo nói xấu má con?
- Đành vậy! Chuyện đó là của người lớn, con không nên xen vào. Con đã nghe trộm rồi đi học lại cho người lớn gây gổ với nhau là không tốt. Con không biết bà Giáo là người ơn của má sao? Không có ông bà Giáo đùm bọc, con đâu có thể ra đời được.
Ngừng một lúc, Vũ tiếp:
- Con vừa nghe chuyện "Em bé quàng khăn đỏ". Con không thấy vì nó bép xép cà kê với chó sói mà ngoại nó và nó phải chết sao?
Bé Lệ lặng thinh! Nó cũng nghe mẹ nhắc nhở ơn sâu của ông bà Giáo như vậy. Nó bỗng quay lại hỏi cha:
- Ba à! Sao ba không ở gần má con mà để má con ở với ông bà Giáo?
Vũ lặng thinh nhìn con, không biết trả lời thế nào? Một lúc chàng mới nói:
- Con còn nhỏ lắm, ba chưa có thể nói cho con hiểu được! Mai sau con lớn khôn, ba sẽ nói cho con nghe.
Bé Lệ hỏi:
- Ông bà nội đâu ba?
Vũ ngạc nhiên nhìn con không hiểu sao bé Lệ lại hỏi điều đó! Nhưng chàng cũng đáp:
- Ông bà nội chết hết rồi con.
Bé Lệ kêu lên:
- Ủa, sao vậy?
- Con nói gì?
- Chết hồi nào ba? Sao má bảo con là vài hôm nữa mình sẽ về nhà ông bà nội?
Vũ khổ tâm lắm! Chàng đã nói dối Hiền nên nàng mới nói với bé Lệ như thế. Thật là tai hại. Chàng nín lặng một lúc mới bảo con:
- Vì ở xa nên ba không thể cho mẹ con hay tin ông bà nội mất. Thôi con ngủ đi, đừng hỏi nữa. Ráng mau lành bịnh cho mẹ con mừng.
Bé Lệ không hỏi nữa nhưng lòng nó chưa hết phân vân. Trí nghĩ non nớt của nó vẫn chưa có thể hỉểu được chuyện gì đã xảy ra giữa cha mẹ nó?! Một lúc sau bé Lệ ngủ thiếp đi. Vũ sửa con nằm ngay ngắn rồi ra khỏi mùng.
Chuông đồng hồ điểm hai tiếng ngân nga, âm thanh lan rộng trong tòa nhà vắng vẻ. Ý nghĩ quay về nhà, lại đột hiện trong óc chàng! Liệu Mộng Ngọc có nghĩ đến Hiền như Hiền đã nghĩ đến nàng chăng? Nếu Mộng Ngọc chỉ khóc mà không giải bày gì hết rồi chàng mới liệu sao? Vũ nghĩ đến hoàn cành của những người hai vợ. Chắc họ cũng trải qua những giờ phút đắn do suy tính như chàng. Thật ra, Vũ nào muốn tạo ra hoàn cảnh nầy! Chàng ở vào trường hợp: "Bỏ thì thương mà vương thì tội". Hiền cũng thế mà Mộng Ngọc cũng thế! Từ trước đến nay, chàng vẫn chống lại quan niệm đa thê của người mình, nhưng trải qua hoàn cảnh như thế nầy, chàng mới nhận thấy trong những chuyện trái lòng kia, có nhiều trường hợp cần phải suy nghĩ. Cũng như hoàn cảnh của chàng hiện tại, rồi phải giải quyết ra làm sao?
Hiền chợt tỉnh giấc khi nghe tiếng chân Vũ qua lại cạnh "đi văn". Nàng biết Vũ đang khổ tâm lắm. Chàng nhớ đến Mộng Ngọc chăng? Nếu vậy thì cần gì phải suy nghĩ. Nàng đã khuyên Vũ về với vợ con rồi mà. Cuộc sống êm đềm của gia đình chàng đâu có thể vì nàng mà tan vỡ. Hiền đã quyết định như vậy thì dù cho khổ đến đâu, nàng cũng chịu. Nhưng còn bé Lệ! Nó chỉ gặp cha mộl lần nầy thôi rồi từ đây và mãi mãi sẽ sống như một đứa trẻ không cha! Hiền nghĩ đến vợ chồng
Giáo Hoài. Nàng сó nên trở về xóm cũ? Hôm ra đi, nàng nhận thấy nét vui mừng hiện lên trên khuôn mặt bà Giáo. Bà làm như người vừa trút bỏ được gánh nặng, mặc dù đã gần hai năm nay, Hiền không hề nhờ vả đến hai ông bà. Nàng nghe tiếng chân Vũ bước đến bên "đi văn" nên nằm xích vào trong, để chỗ cho chàng. Nàng nghe tiếng Vũ hỏi:
- Sao em không ngủ?
- Em vừa mới thức!
Nàng nói xong chợi nhớ đến bé Lệ, lồm cồm bò dậy. Vũ hỏi:
- Em đi đâu?
- Để em vào thăm con. Em ngủ quên không biết nó có bớt không?
Vũ đáp:
- Anh mới ở với con!
- Bé Lệ thế nào hả anh?
- Bớt nhiều rồi! Nó mới thức dậy nói chuyện với anh đó. Nó xin lỗi anh.
- Dạ.
- Con ngoan lắm em. Anh không ngờ nó lại dễ dạy đến thế. Lúc chiều, anh buộc tội nó quá vội vàng.
Hiền cảm thấy sung sướng vô cùng. Nàng mỉm cười một mình trong bóng đêm. Vũ nói bao nhiêu đó cũng đủ cho nàng thỏa dạ rồi. Nàng dạy dỗ con từng ly từng tí mà lúc chiều Vũ bảo nó nhiễm tật xấu, Nàng không dám nói nhưng cảm thấy buồn lòng lắm! Bây giờ thì nàng rất hả dạ. Vũ bảo Hiền:
- Em nằm xuống đi.
Hiền ngoan ngoãn theo lời chàng. Vũ cũng nằm bên nàng và hai người cùng im lặng rất lâu.
Hiền chợt hình dung đến cảnh Mộng Ngọc và Vũ cùng nằm chung như thế nầy trong một gian phòng ấm cúng, sang trọng. Trong thâm tâm nàng, tuy không oán ghét Mộng Ngọc, nhưng cũng thấy khó chịu một cách lạ thường. Sự khó chịu đó chỉ thoáng qua rồi mất hẳn và nàng nghĩ đến phương cách giải quyết mà nàng vừa khuyên Vũ. Trong hoàn cảnh ngang trái nầy, có than vãn mãi cũng vô ích. Phải cần một người hy sinh cho bớt chuyện khổ đau. Nàng đã nhận chịu hy sinh như thế, còn gì nữa? Hiền quay sang nhìn Vũ thì chàng đã nói trước nàng:
- Em! Anh cũng đã nghĩ kỹ, em tính như vậy không được đâu? Đành rằng Mộng Ngọc chưa có lỗi với anh nhưng khi biết chuyện nầy nàng khinh rẻ anh lắm!
Hiền lắc đầu:
- Em tin Mộng Ngọc cùng không đến nỗi hẹp hòi như thế! Vả lại, nàng thương anh thì dù có lầm lỗi gì cũng tha thứ hết!
- Còn em?
- Em đã nói với anh rồi! Em sẽ trở về quê sống như trước.
Và Hiền nói liều:
- Rồi em sẽ lấy chồng... như bao thiếu phụ khác.
Câu nói đột ngột của nàng khiến Vũ nín lặng. Tại sao đột nhiên Hiền lại nghĩ đến chuyện lấy chồng? Không phải vì tình yêu ngày cũ mà nàng chờ đợi đến bây giờ sao? Còn thương yêu chàng, sao Hiền lại nghĩ đến chuyện "tái giá". Nhưng ý nghĩ đó chỉ ở trong đầu Vũ. Chàng bảo Hiền:
- Em đừng tính gì cả! Hãy để anh về nhà gặp Mộng Ngọc một lần nữa thôi. Anh muốn nàng cũng có ý kiến để giải quyết vấn đề nầy!
Hiển không đáp. Vũ cần ý kiến của Mộng Ngọc để làm gì? Yêu cầu Mộng Ngọc cho nàng được làm bé ư? Không thể như vậy được. Nàng gặp Vũ trước Mộng Ngọc và có con với chàng mà. Hơn nữa, nàng đâu muốn sống trong cảnh "một chồng hai vợ" như thế.
Vũ hỏi nàng:
- Em nghĩ sao?
Hiền từ từ ngồi lên ôm lấy đầu gối ra chiều suy nghĩ nhiều lắm. Một lúc nàng đáp:
- Anh tính thế nào cũng được!
Vũ nhìn Hiền khẽ hỏi:
- Hình như em không vừa ý lắm phải không? Sao vậy?
Hiền vội ngẩng lên nhìn chàng:
- Dạ đâu có. Anh nghĩ như thế là phải! Em đâu đám có ý kiến gì? Em chỉ mong anh và chị Mộng Ngọc vẫn giữ được hạnh phúc như xưa.
Vũ lắc đầu không biết nói sao. Chàng cảm thấv như trong lời nói của Hiền có ẩn chứa một sự gì mà chàng chưa hiểu được? Hiền bỗng vén mùng định chui ra ngoài. Vũ nắm lấy tay nàng kéo lại:
- Em đi đâu vậy?
Chàng kéo hơi mạnh nên Hiền ngã vào lòng chàng. Vũ nghe hơi thở của chàng dồn dập hơn. Hiền gỡ tay chàng ra:
- Để em vào nằm với con! Anh ngủ đi.
Rồi không để Vũ kịp nói thêm, nàng bước vội xuống đất đi nhanh vào phòng con. Vũ nghe có tiếng cửa phòng đóng ập lại. Chàng ngồi nhỏm dậy, không hiểu được vì sao Hiền lại bỏ đi một cách đột ngột như thế? Nàng giận mình chăng? Một lúc Vũ nằm xuống thở dài.
Vũ miên man nghĩ đến thái độ của Hiền mà ngủ quên lúc nào không biết. Trời hừng sáng, chàng bừng tỉnh dậy thì trong nhà vẫn lặng trang. Xa xa, về phía cuối đường, có tiếng lao xao của những người đi xe rác. Vũ ngồi dậy chui ra khỏi mùng. Chàng nhìn về phía phòng Hiền thì thấy cửa vẫn đóng kín. Chàng nhớ đến câu chuyện đêm qua nên muốn gọi nàng dậy hỏi ý kiến một lần nữa rồi về nhà gặp Mộng Ngọc. Vũ bước gần bên cửa phòng gọi nhỏ:
- Hiền! Em Hiền!
Không có tiếng trả lời. Chàng gõ nhẹ vào cánh cửa mấy cái. Hiền vẫn không đáp. Vũ nghĩ thầm chắc Hiền quá mệt mỏi nên ngủ quên đi. Chàng tưởng không nên làm động giấc ngủ của Hiền, cứ về gặp Mộng Ngọc rồi sau sẽ liệu. Vũ đi vào phòng rửa mặt. Nước mát buổi sáng làm cho chàng thấy khoẻ khoắn sau một đêm mất ngủ. Chàng nghĩ trước những câu sẽ nói với Mộng Ngọc, để giải rõ hoàn cảnh hiện tại giữa ba ngưỡi. Điều khó khăn mà Vũ nhìn thấy trước nếu Mộng Ngọc không oán trách chàng mà vẫn yêu kính như xưa. Vũ mặc quần áo xong, đã thấy chị bếp bưng điểm tâm lên.
Vũ ngạc nhiên hỏi chị:
- Ai bảo chị lo điểm tâm vậy?
- Dạ, thưa "mợ” mới biểu hồi nãy.
Vũ nhìn về phía phòng Hiền rồi hỏi gằn lại chị bếp:
- Hồi sớm "mợ" có thức hả?
- Dạ, “mợ" thức hồi nám giờ mấy gì đó.
Vũ gật đầu:
- Thôi được rồi! Chị xuống dưới đi.
Nếu vậy là Hiền không ngủ say như chàng tưởng, nhưng tại sao nàng không chịu mở cửa phòng? Vũ cảm thấy lo ngại bâng quơ. Hay là Hiền không muốn chàng quay về nhà gặp Mộng Ngọc, song chẳng dám nói ra, mà chỉ có thái độ phản đối ngấm ngầm. Nếu vậy tại sao Hiền lại khuyên chàng về với Mộng Ngọc? Vũ nhớ đến nhận xét chí lý của một người bạn của chàng về đàn bà: "Đàn bà nói trắng ra đen, nói xanh ra đỏ, nói vàng ra nâu"! Có thể Hiền đã không thành thật với chính mình chăng? Nhưng dù sao chàng cũng phải gặp Mộng Ngọc rồi sẽ tính chớ đâu có thể xử ép nàng thái quá. Còn bé Dung? Mai sau lớn lên, bé Dung có thể oán trách chàng thiếu bổn phận với mẹ nó. Tuy vậy, Vũ cũng không khỏi lo ngại về Hiền. Có thể nàng nghĩ quá nông cạn rồi sẽ hành động sai lầm chăng? Bởi thế nên trước khi đi, chàng gọi chị bếp dặn dò:
- Tôi nói riêng với chị điều nầy là đừng để "mợ" đi đâu hết đó!
Chị bếp hơi ngạc nhiên trước thái độ của bác sĩ, nên hỏi lại:
- Thưa bác sĩ! "Mợ" định đi đâu?
Vũ lắc đầu nói:
- Nào tôi biết được! Tôi phòng hờ như vậy mà.
- Thưa bác sĩ! Nếu "mợ” muốn đi làm sao tôi dám cản?
Vũ đáp:
- Chị cứ khuyên ”mợ” ở lại nhà, đợi tôi về. Chị bảo tôi đã dặn như thế.
Chị bếp thực tế hơn, nên nói tiếp:
- Thưa bác sĩ! Tôi sợ "mợ" không chịu nghe thì khó lắm! Vậy bác sĩ nên dặn chú "gác dan" khóa cửa ngoài lại hay hơn.
Vũ chợt nhớ ra, bảo chị bếp:
- Phải đó! Nhưng tôi nhờ chị khéo léo giữ "mợ" ở nhà thì tốt hơn. Đừng để "mợ" biết chú "gác dan" khóa cửa ngoài thì phiền hơn nữa.
Chị bếp vâng dạ, trong lòng chị không hiểu được đã có chuyện gì xảy ra giữa Vũ và Hiền. Lúc sáng, chị thấy Hiền có vẻ buồn, đôi mắt còn ngấn lệ. Chị đã tưởng bé Lệ không bớt nên Hiền buồn chớ đâu có ngờ giữa nàng và Vũ lại có chuyện bất hòa. Theo ý chị thì Vũ quá lo xa chớ một người đàn bà đức hạnh, dịu hiền như Hiền, có bao giờ giận chồng mà bỏ nhà đi. Người vợ đã dám bỏ mái nhà ấm cúng của mình ra đi thì không phải là người hiền nội. Vì một bước ra đi sẽ gây bao nhiêu thắc mắc nghi ngờ cho chồng. Mai sau khi hết phiền giận có ăn ở với nhau, cũng chỉ là gương gạo. Vũ dặn dò chị bếp xong xuôi, đi ra cổng. Chú Hai "gác dan" đã thức từ lâu vừa nhìn thấy Vũ, chú chạy đến chào:
- Dạ, chào ông!
Vũ mỉm cười gật đầu:
- Chào chú Hai!
Người "gác dan" lom khom mở khóa, nét mặt lộ vẻ mừng, Từ ngày thay đổi chủ, đây là lần đầu tiên chú mới thấy Vũ ở nhà một đêm. Chú vừa kéo rào thì Vũ cất tiếng:
- Chú Hai nhớ khóa cổng cẩn thận nghen. Nhớ đừng...
Chàng ngập ngừng không nói hết câu. Không lẽ dặn người gác cổng đừng cho Hiền đi sao? "Chú" sẽ nghĩ thế nào về thái độ của chàng? "Chú" rất có thể nghi ngờ là chàng bắt ép Hiền đến đây và nhốt nàng trong tòa biệt thự nầy?! Mà nếu không dặn dò kỹ chàng sẽ không an tâm về nhà gặp Mộng Ngọc. Hiền có thể nghĩ quẩn mà bỏ đi lắm! Nhưng còn chị bếp lo gì! Điều quan trọng là chàng phải gặp Mộng Ngọc sớm chừng nào hay chừng nấy.
Chú Hai thấy Vũ đứng yên cũng không dám hòi gì thêm. Vũ bỗng bảo chú:
- Thôi được! Chú khóa cổng đi.
Chàng gọi xe đi ngay. Hiền nhìn qua cừa sổ, trông theo bóng Vũ, khẽ thở dài. Nàng vẫn chưa biết mình phải hành động ra sao? Từ đêm qua đến giờ, nàng sống trong tình trạng phân vân lưỡng lự. Khi thì muốn rời bỏ Vũ mà đi, khi thì nàng cứ muốn để mặc cho thời gian giải quyết... Vũ bảo trở về gặp Mộng Ngọc, để xem nàng đối xử ra sao? Chàng muốn có ý kiến giải quyết của Mộng Ngọc trong hoàn cảnh nầy.
Hiền đã định trở về quê, nhưng nghĩ đến tương lai nàng thấy mù mịt lắm! Đời nàng không kể gì rồi, nhưng còn con nàng, bé Lệ nó có làm gì nên tội mà phải chịu khổ sở, bơ vơ. Nghĩ đến đó Hiền lại hy vọng ở phương cách giải quyết của Mộng Ngọc và Vũ. Nàng trở vào giường của con, nằm xuống. Chừng thấy mát lạnh ở bên má, nàng giựt mình ngẩng lên, mới hay nước mắt của mình đã thấm ướt gối.
Hiền thở dài, xây qua rờ trán bé Lệ. Nó đã hết nóng, trán mát rượi như thường. Bỗng Lệ cựa mình, mở mắt gọi:
- Má!
- À, con! Trong mình con thế nào?
Bé Lệ vụt lồm cồm bò dậy nói:
- Dạ con hết rồi. Con có sao đâu?
Rồi không để Hiền nói, nó tiếp:
- Ba đâu má? Đêm hôm ba ngủ với con mà!
Hiền cười đáp:
- Ba mệt nên má đổi cho ba đó?
- Ba ngủ rồi hả?
Hiền lắc đầu, ngập ngừng nói tiếp:
- Không. Ba đi làm rồi.
Bé Lệ nằm xuống. Nó định nói với ba nhiều chuyện lắm, không ngờ Vũ đã đi làm. Hiền không biết an ủi con thế nào, khi nhìn thấy vẻ mặt buồn bã của nó. Lệ bỗng hỏi mẹ:
- Ba thương con lắm phải không má?
Hiền gật đầu:
- Dĩ nhiên rồi!
Bé Lệ tiếp:
- Ban đầu con tưởng ba ghét con, nhưng không phải. Chiều hôm qua, nghe ba rầy, con giận ba lắm. Hồi mà má bưng sữa cho con đó.
- Ờ! Má nhớ rồi!
- Đêm hôm, ba vô mùng, ba tưởng con ngủ, nên lén hun con.
Hiền thấy con nói giọng thơ ngây, cười hỏi:
- Sao lại "lén hun con?”
- Vậy đó! Nhờ vậy con mới biết ba thương con.
Hiền làm bộ hỏi:
- Rồi con làm sao?
- Cái con... cái con... ôm ba hun lại.
- Tưởng gì…
- Chớ theo má! Má làm sao?
Hiền nói mau:
- Má "đuổi" ba ra khỏi mùng.
Bé Lệ lặng thinh, lộ vẻ suy nghĩ:
- “Sao lại đuổi?”
Rồi nó vụt hỏi:
- Má nóì thiệt hả?
Hiền không đáp. Bé Lệ nghĩ cũng có lý. Chắc bị má đuổi ra khỏi mùng nên đêm qua ba mới sang đây ngủ? Bé Lệ hỏi mẹ:
- Nhưng sao vậy má. Má ghét ba lắm hả? Chắc tại vậy mà hồi đó tới giờ ba không chịu về với mình chớ gì? Đừng đuổi ba con nữa nghen má.
Hiền nghẹn lời trước những câu nói khờ dại của con. Nàng cố gượng cười cho hai giòng lệ khỏi tuôn trào xuống má. Bé Lệ vẫn nói:
- Má nhớ nghen má! Đừng đuổi ba con nữa. Ba thương má lắm mà!
Hiền gật đầu cho con đừng nói gì thêm. Nàng tưởng nói chơi với con cho đỡ buồn, nào hay nó khơi động nỗi sầu riêng của nàng. Hiền đâu thể "ác” được với Vũ như con nàng tưởng. Trong đêm qua nếu nàng không cố gắng vào phòng, đóng chặt cửa lại thì thế nào "thuyền tình xưa lại không về bến cũ”! Hiền chợt nghĩ đến ý định rời bỏ nơi nầy mà đi. Nàng nhìn bé Lệ hỏi:
- Nếu phải xa ba con có nhớ không?
Bé Lệ không hiểu mẹ muốn nói gì? Nhưng nó cũng đáp:
- Nhớ chớ má! Con không xa ba nữa đâu!
Hiền thở dài. Nàng có muốn xa Vũ bao giờ đâu, nhưng hoàn cảnh trái ngang, có mấy ai được sống như lòng mình mong muốn? Bé Lệ thấy mẹ buồn thì trí nghĩ non nớt của nó lại tưởng tượng nhiều chuyện rất ngây ngô. Nó vụt hỏi:
- Má à! Bộ ba giận má rồi hả?
Hiền lắc đầu:
- Không! Má có nói gì đâu?
Lệ đáp:
- Nhưng con biết! Con thấy má buồn nè. Rồi má nói đến chuyện ba nè. Ai biểu...
- Con muốn nói gì?
- Chắc tại má "đuổi" ba ra khỏi mùng hồi hôm, ba mới giận.
Hiền phì cười, thấy con nhắc lại câu chuyện lúc nãy:
- Không phải vậy đâu! Đừng nghĩ bậy. Một ngày kia, con lớn lên, má sẽ nói cho con nghe.
Bé Lệ lặng thinh. Nó nhớ hồi hôm, khi hỏi ba sao không về dưới quê với mẹ thì ba nó cũng nói một câu tương tợ: "Bao giờ con lớn khôn ba sẽ nói cho con nghe!". Tại sao "người lớn", họ nói giống nhau quá không biết nữa! "Chừng nào lớn" câu nói đó cứ ám ảnh bé Lệ luôn. Nó chợt hỏi:
- Má à! Sao cứ phải đến lớn mới được nghe chuyện đó?
Hiền ngập ngừng:
- Ờ... thì lại đó là chuyện của người lớn. Ở tuổi con không thể hiểu được.
- Má nói y như ba!
Hiền ngạc nhiên:
- Ba nói gì?
- Đêm hôm, con hỏi tại sao ba không về dưới quê ở với má, ba cũng bảo chừng nào lớn sẽ nói cho con nghe!
Hiền lặng thinh. Vũ không nói cho con biết cũng phải! Nhưng liệu một ngày kia bé Lệ lớn khôn rồi, Vũ có mở lời được chăng khi chính chàng tạo nên hoàn cảnh trái ngang này? Hiền ôm chặt con vào lòng, nước mắt lại trào tuôn. Bé Lệ giẫy lên trong đôi tay của mẹ:
- Má! Nghẹt thở con.
Hiền giựt mình buông con ra. Một lúc nàng xây mặt ra ngoài, lòng buồn khổ hơn bao giờ hết. Bé Lệ lồm cồm bò dậy nhìn Hiền hỏi:
- Sao má buồn vậy? Tại sao?
Hiền gượng cười:
- Không! Má có buồn gì đâu?
- Má giấu con... Có nhiều chuyện má giấu con.
- Mà chuyện gì đâu?
Bé Lệ nói:
- Như chuyện ông bà nội nè! Ba nói với con là ông bà nội mất lâu rồi, sao má nói vài hôm nữa mình về nhà nội?
- Ờ... thì tại...
Hiền không biết trả lời với con như thế nào? Không lẽ bảo nó là Vũ dối gạt mình? Nàng không để lúng túng lâu, hỏi lại con:
- Ba nói với con thế nào?
- Ba bảo tại ở xa, nên má không hay tin.
- Ờ, thì đúng vậy đó!
Bé Lệ suy nghĩ một lúc mới nói:
- Sao kỳ quá vậy má?
Hiền nhìn con chưa rõ được những ý nghĩ của nó. Bé Lệ tiếp:
- Con nhớ hôm trước mình đã gặp ba mấy lần, có nghe ba nói chuyện "ông bà nội” mất đâu? Có đêm ba không về, con hỏi má nè. Má bảo là ba ở nhà ông bà nội... Má còn nói, ít hôm nữa con sẽ gặp ông bà...
Hiền không ngờ bé Lệ khôn ngoan như vậy! Chuyện gì hễ nói ra một lần là nó nhớ ngay. Nó lại tò mò hay muốn biết những chuyện quá sức hiểu của nó! Thật đúng như lời Vũ đã nói. Sự thông minh của bé Lệ rất nguy hiểm, nếu không khéo dạy dỗ. Hiện giờ, nàng không biết giải thích cho con như thế nào? Nói hớ ra một chút là nó hỏi tới ngay. Nàng sợ khó thể giấu chuyện giữa nàng và Vũ cùng Mộng Ngọc. Dù sao cũng không thể cho Lệ biết. Chờ đến lúc nó trưởng thành hẵng hay. Hiền nghĩ thế nên làm bộ ngủ cho bé Lệ không hỏi nữa. Thanh Lệ thấy mẹ nhắm mắt lại hỏi thêm:
- Má à! Nếu ba không ở nhà ông bà nội, thì hồi mình lên tới giờ ba ở đâu mà không về nhà? Hay là…
Hiền đã nhắm mắt, nhưng vẫn muốn biết ý nghĩ của con. Bé Lệ lẩm bẩm:
- Hay là... hay là ba ở một mình bên nhà ông bà nội!
Nó không nghe mẹ trả lời liền quay lại và khi tưởng lầm Hiền đã ngủ, nó rón rén quay vào trong, nằm xuống. Nó không dám làm động mạnh sợ mất giấc ngủ của mẹ.
Từ trước đến giờ bé Lệ rất trọng giấc ngủ của mẹ. Khi thấy Hiền ngủ là không bao giờ nó làm rầy. Hiền mỉm cười một mình, tuy nhiên trong lòng nàng vẫn không hết lo âu. Nhứt định bé Lệ sẽ còn hỏi nàng chuyện nầy nhiều lần nữa. Chừng đó nàng nên nói thật với nó không? Hiền thở dài nghĩ đến Vũ. Giờ nầy có lẽ chàng đang ở nhà Mộng Ngọc. Không biết hai người có tìm thấy một phương cách nào giải quyết cho ổn thỏa không?
Nàng hy vọng Mộng Ngọc cũng nghĩ đến mình...
Đôi Mắt Người Xưa Đôi Mắt Người Xưa - Ngọc Linh Đôi Mắt Người Xưa