Worrying does not empty tomorrow of its troubles. It empties today of its strength.

Corrie Ten Boom

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Viết Long
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Long Viet Le
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 355 / 1
Cập nhật: 2018-06-15 17:39:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ùa ve năm cuối cấp đang làm xao động cái khoảng không tĩnh mịch chốn “núi rừng” Thuận Hóa. Trời mấy bữa nay không có gió mà các chụm lá chẳng chịu đứng yên, rung rung nhìn rộn cả mắt; ông mặt trời cũng líu lo cùng bọn ve phiền toái, chạy những khuôn nhạc bất quy tắc, lúc thì gắt gao, lúc lại khiến cho lũ học sinh tụi tôi đê mê theo cái màu nắng ấm dịu; thi thoảng tiếng ve lại cộng hưởng tạo một sức mạnh huyền bí nào đó, luồn lách chút gió lòn qua mấy khe cửa, nhưng cũng chẳng đủ cho chúng tôi mát mẻ. Lũ dê lâu nay đã biến đi đâu mất, có thể chúng đã chán việc “thải” mấy “viên bi đen” ra nền gạch để chúng tôi dẫm lấy, hoặc cũng có lẽ chúng sợ nắng, và không may mắn như con người chúng tôi biết tự làm ra những chiếc đầm “Chà neo” để che thân….
-Long! Chép bài đi! – Tiếng nhỏ Hồng Hạ ngồi cạnh nhắc tôi.
Gì chứ, nó làm như nó chăm học lắm không bằng:
– Mi thì chăm hí. – Tôi xéo một câu cho nó khỏi nói tiếp.
Có vẻ nhỏ Hồng Hạ vừa mới đánh thức tôi dậy khỏi những mớ suy nghĩ tầm phào, nhưng nó chẳng thể giống như tiếng sáo trong đêm tình mùa Xuân thức tỉnh Mị, tiếng chim hót thức tỉnh Chí Phèo hay là mấy câu hò của anh Tràng khờ thức tỉnh lòng ham sống của cô vợ nhặt được; vì tôi nghe cứ như tiếng “bát dĩa bể”, chói cả tai.
Đã qua ba mùa xuân của quãng thời gian cấp III, tôi từ một thằng nhóc 15 tuổi với những suy nghĩ non nớt đầy ngu muội bây giờ cũng có thể gọi là “tạm lớn”. Tạm lớn để biết những ngày tháng chia tay cấp III sắp đến sẽ như thế nào, tôi mấy chốc lại lên chức “sinh viên”, mấy đứa mít ướt như Mi Ni lại được dịp “tuôn trào”, nhỏ Trâm Anh chắc lại sẽ hát mấy bài như “Giấc mơ tuổi thần tiên” để “khơi dòng nước chảy” cả bọn, ai trong lớp cũng sẽ buồn xịu mặt xuống cho xem.
Thời gian như một cơn lốc, mọi thứ bị cuốn trôi vào vực xoáy của nó một cách vô vọng, khoảnh khắc chúng tôi ngồi đầy đủ trong lớp nháo nháo như cái chợ đã sắp hết, còn đâu ngày khai giảng nắng cháy cổ, buổi tập văn nghệ gấp rút, ngày trại quẩy hết nhiệt rồi ngồi quây quần nướng cá; còn đâu mấy tiết học trống, buổi sinh hoạt lớp rộn ràng bàn chuyện đi chơi, những buổi giao lưu văn nghệ trốn tránh bài vở…
Tôi nhớ đến hộp bún nghệ của nhỏ Hồng Hạ, gương mặt hớn hở của thằng Huy Trường, tiếng cười man rợ của Thanh Tâm, cái tướng lanh chanh xí xọn của Trâm Anh, những viên kẹo của Ngọc Ánh-Cát Tường-Thị Vân, tiếng léo nhéo đi rót nước của Thu Thủy, những cú nhấp máy của Nhật Thành.
Tôi nhớ cả “mệ ngoại” Ngọc Anh có dáng đi của một vận động viên, mọt điện thoại Quỳnh Anh đam mê tự sướng, những điệu cười khù khờ của thằng Khánh, cái mặt non choẹt của thằng Huy, những câu phán của thằng Định, dáng ngủ gục đầu xuống bàn của thằng Tùng với Cửu Nhật trông như sinh đôi.
Còn cả những buổi đi trễ của bộ ba Thiên-Thiện-Mai Trang, buổi học “mộng mơ” của Tuyết Ánh, cái mùi sơn móng tay của Thu Uyên, hot girl tobokki Thị Dang chuyên đi cao gót, niềm say mê tám chuyện của Minh Hiếu và những bức tranh trong sáng của Mai Nhung.
Trong tâm trí tôi còn hiện ra thẩu cóc ổi xoài của Hồng Phương-Thị Hương, cú cau mày của Nhật Hạ, “luật sư” Tố Trinh chuyên than thở, nét mặt tỉnh bơ của Anh Khoa, giọng cười nắc nẻ của Quốc Nhật và thánh chọc gái Quang Vinh.
Rồi đến dáng ngồi xếp chân “hỏng nết” của Kiều Trinh, đứa siêng năng nhất lớp – Hồng Ngọc, đôi mắt hí của Kim Ngân khi cười, nhỏ Yến Nhi chẳng khi nào chạy ra khỏi chỗ, cái tướng đờ đẫn của Phương Thi, cái tính như con nít của Bích Nhi và cả Mi Ni đanh đá.
Cũng không thể không nhớ đến thầy Toàn, thầy đã gắn bó với chúng tôi 3 năm nay, thầy là một người nhiệt huyết, tận tâm với lũ học trò tinh ranh chúng tôi và còn là chuyên gia xử đẹp những đứa vi phạm.
Tôi đang vội vàng không khác gì Xuân Diệu, cố gắng nhặt hết những thỏi kí ức trong veo viết ra thành dòng. Đối với tôi bây giờ là cảm giác bồn chồn, thời gian trôi nhanh quá thể, những gương mặt, những con người này, tôi sắp phải nói câu chia tay. Điều này thật khó khăn, nhưng là con người thì phải biết chấp nhận những chuyển giao của cuộc đời. Quãng thời gian cấp III đang chuẩn bị khép lại để mở cửa cho những không gian mới của riêng chúng tôi, mỗi người một ước mơ riêng biệt.
Lớp 10 như buổi sớm bình minh, ánh mặt trời lúc này tràn đầy năng lượng của tuổi trẻ; lớp 11 là một ngày mới, trong lành và gió bão cùng nhau hòa quyện; lớp 12 khép lại với ánh hoàng hôn thanh bình, đó là khi những suy ngẫm tiếc nuối xuất hiện trong tâm hồn lũ học sinh. Đôi lúc chúng tôi có những xích mích, những lời qua tiếng lại, nhưng đó mới thực sự là gia vị của tuổi cắp sách. Nhờ những mâu thuẫn con người ta mới có thể xâu chuỗi lại những kỉ niệm muôn màu, trong đó có tiếng cười, những câu gắt gỏng, ánh mắt hình viên đạn hay nỗi giận hờn vu vơ thuở học trò.
Tôi vẫn đang nhìn lên mấy vũng mây ịn chặt vào nền trời xanh, suy ngẫm về những ngày cuối cùng, đùng một cái tiếng trống ra về lại vang lên:
-Tùng! tùng! tùng!
Cả lớp đứa nào cũng đã xách cặp ra về, một mình tôi loay hoay tìm cái chùm chìa khóa đánh rơi đâu mất, bỗng có tiếng kêu the thé:
– Cái ni của Long à? – Mai Thắm xuất hiện như một vị cứu tinh, không có cái chùm chìa khóa đó thì tôi bị mẹ đuổi ra khỏi nhà mất:
– Hú vía, tìm nãy chừ. Răng Thắm có hay rứa?
– Hồng Hạ nhét vô cặp bạn, xuống nhà xe hắn mới nhắc.
Lại là cái trò cũ rích của con nhỏ Hồng Hạ, tôi tưởng là đã nhờn với mấy cái trò tinh ranh của nó, ai dè lại bị đánh thêm một cú lừa nhục nhã:
– Tức hộc máu chết với con ni quá!
– Lần sau Long nhớ để ý cả bị hắn lừa nữa đỏ. – Nhỏ Thắm cười mỉm.
Nhìn cái điệu cười duyên hiền khô của Mai Thắm mà lòng tôi cũng bớt hậm hực. À quên mất, sực nhớ tôi trót quên viết tên của nó trong tâm trí của mình, giờ thì đầy đủ rồi, lớp 12/1 với 41 con người, nhỉ.
Tôi sợ mấy dòng nước mắt và không muốn mình trông giống như một con ma chết yểu khi nói lời chia tay lớp chút nào, nhưng điều gì đến rồi sẽ đến, nhiều lúc tôi nghĩ mình nên giống con Mi Ni, khóc cho cạn một đêm, sáng mai lại tỉnh bơ như chưa có gì.
Tiếng ve ngân rộn rã đang xếp lại một chuyến đò của thầy Toàn sang sông, kết tinh thành mảng cầu vồng tuyệt hảo trong lòng tôi sau những mưa, nắng, bão bùng. Tuổi học trò sắp hết cũng là lúc chúng tôi phải tự cởi bỏ lớp áo khoác “con nít”, lột xác như lũ ve, gấp lại bao kí ức của một thời tuổi xanh bên nhau, trong mái trường Thuận Hóa thân yêu này…
Đi Qua Chuyến Đò Đi Qua Chuyến Đò - Lê Viết Long