Books are a refuge, a sort of cloistral refuge, from the vulgarities of the actual world.

Walter Pater

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Anh Le
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 2
Cập nhật: 2023-04-23 21:47:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
uần rồi tôi đến thăm Làng Mai tại Pháp. Chuyến đi ngắn ngủi 4 ngày nhưng đã khơi gợi cho tôi rất nhiều điều muốn tìm hiểu thêm. Không giống như những người phương Tây trước khi đến Làng Mai họ đã đọc ít nhất một cuốn sách trong số hàng trăm tác phẩm xuất bản bằng tiếng Anh và Pháp của sư ông Thích Nhất Hạnh người sáng lập ra Làng Mai, tôi phải thú nhận là chưa đọc bất kỳ cuốn sách nào của Thầy viết.
Người phương Tây hành động theo lý trí nhiều hơn tình cảm. Họ đến Làng Mai sau khi đã suy nghĩ và chiêm nghiệm những gì thầy viết. Tôi đến Làng Mai lại vì sự tò mò nho nhỏ. Truyền thông phương Tây nói rằng Thầy là người nổi tiếng đứng thứ hai thế giới chỉ sau Đức Dalai Lama trong việc truyền bá đạo Phật đến với họ. Thế nhưng nếu chỉ là đạo Phật nói riêng và tôn giáo nói chung sẽ không đủ để tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới là Google, ngân hàng thế giới World Bank hay đại học lừng danh Havard mời đến thuyết trình với các lãnh đạo và nhân viên cao cấp của họ.
Trước khi đến Làng Mai, tôi vẫn nghĩ mình sẽ đến thăm một ngôi chùa đạo Phật giống như bao ngôi chùa khác ở Việt Nam; ở đó có những tượng Phật và mọi người đến khấn vái những tượng Phật đó để cầu mong tiền tài, danh lợi, hạnh phúc,... Nếu chỉ thế thì chắc người phương Tây sẽ không đến nhiều như vậy. Người Pháp nói riêng và người u Mỹ nói chung ngày càng không tin vào chúa trời, thần thánh. Họ ít đi nhà thờ hơn. Nên không có lý do gì họ lại tin có Phật để kéo nhau đến chùa Việt Nam cả.
Tôi đã nhầm, đáng nhẽ tôi phải để ý ngay tên gọi đã nói lên tất cả. Đó là một cái làng, một cái làng miền quê thực sự nằm giữa cánh rừng rộng lớn. Ở đó có vườn mận trải dài đến 1250 gốc. Ở đó có trang trại trồng rau sạch tự cung tự cấp cho cả làng mà họ gọi là Happy Farm (https://fr-fr.facebook.com/pvhappyfarm/). Ngày đầu tiên đến Làng Mai, được một người bạn cùng đi dẫn đường, chúng tôi đi tắt qua cánh rừng dẫn từ Xóm Trung đến Xóm Thượng, đi giữa đường thì gặp một nhóm 8 người đang mải mê cuốc đất trồng cây trên một khoảng đất trống rộng 1 hecta được bao quanh bởi một dòng sông và con suối nhỏ. Họ là những tình nguyện viên của Làng Mai xin ở lại trong vòng 1 năm để chăm sóc khu vườn này. Điều đặc biệt là 8 người thì 8 quốc tịch khác nhau. Một anh chàng to lớn người Hà Lan giới thiệu chúng tôi với những người còn lại, họ đến từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh,... Đang nói chuyện chợt có tiếng chuông chùa vang lên, tất cả đều dừng lại, một khoảnh khắc im lặng đột ngột làm tôi không khỏi ngỡ ngàng. Hóa ra đó là luật lệ của Làng. Cứ 15 phút sẽ có người rung chuông đặt giữa vườn. Để làm gì vậy? tôi tò mò hỏi. Anh chàng người Pháp sau khi biết tôi từ Paris đến đã chuyển từ nói tiếng Anh sang tiếng Pháp chậm rãi giải thích rằng tiếng chuông đó để thức tỉnh mọi người trở về với thực tại. Anh nói thêm, vì chúng ta đôi khi sống mà quên đi thực tại, đầu óc chỉ nghĩ đến quá khứ hoặc tương lại mà không tận hưởng được cuộc sống hiện tại, đạo tràng của Làng Mai là muốn thực tập cho mọi người sống hạnh phúc với hiện tại, tiếng Anh gọi là Mindfulness, tiếng Pháp gọi là Pleine Conscience. Từ Mindfulness được đưa ra bởi giáo sư người Mỹ Jon Kabat-Zinn, một bác sỹ và nhà khoa học đã có công mang mindfulness như một phương pháp chữa bệnh vào 400 bệnh viện tại Mỹ. Jon Kabat-Zinn chính là một học trò của thầy Thích Nhất Hạnh. Báo chí quốc tế như tờ theguardian gọi thầy là cha đẻ của Mindfulness. Tiếng Việt của từ mindfulness có phải là chánh niệm không tôi cũng không dám chắc. Vì cá nhân tôi thấy từ chánh niệm trong tiếng việt chỉ dùng trong Phật giáo không dùng một cách rộng rãi trong xã hội giống như từ tiếng Anh mindfulness.
Tôi ở xóm Trung nơi chỉ có một căn nhà lớn với một khoảng sân gỗ rộng, xung quanh là các cây đại thụ vài người ôm với tán lá bao trùm hết, vì thế dù đến đúng hôm mùa hè nóng bức nhưng bước vào xóm là thấy mát mẻ khoan khoái. Thằng cu nhà tôi vừa đến đã có cảm giác như ở nhà, chạy đi chơi hết với sư thầy này đến sư thầy kia rồi tiếc rẻ bảo bố sao mình ở đây ít thế. Tôi đến đúng dịp khóa tu mùa hè khai mạc. Có khoảng 50 người Việt trong số 800 khách đến tham gia khóa tu lần này. Các bài giảng luôn được dịch đuổi ngay lập tức ra 5 thứ tiếng bởi các tình nguyện viên. Người Việt đến ít vì thế được quý lắm, ví dụ các xóm khác đến phải mất tiền mua kem (3e/cái) thì xóm Việt được ăn miễn phí.
Khách đến đông, phòng không đủ, vì thế hầu hết khách và cả các sư cô, sư thầy đều dựng lều trong rừng để ở. Trước khi đi, tôi phải sắm mới hoàn toàn lều, túi ngủ, đệm cho 2 bố con, lại còn mang thêm cả chăn vì sợ vẫn lạnh. Đồ đạc nhiều thế mà lúc đâu tôi còn định đi tàu rồi đạp xe đạp mang theo từ ga đến Làng khoảng 15 km leo đồi. Sau thấy thằng cu khả năng lớn là không đạp leo đồi với đống đồ đạc được nên tôi thay đổi kế hoạch chuyển sang lái xe. Dù lái xe cả 9 tiếng mới đến nơi nhưng tôi vẫn thấy quyết định này mới đúng đắn làm sao. Thực ra đi từ Paris về chỉ khoảng trên 600 km nếu đi cao tốc cũng chỉ mất 6 đến 7 tiếng, nhưng tôi chọn đường qua các làng mạc để đi cho nhẹ nhàng ngắm nghía cảnh vật hai bên và cũng đỡ mất phí đường.
Khách Việt khá đa dạng. Tôi đến cùng lúc một bạn gái trạc 30 tuổi vừa bay thẳng từ Việt Nam sang. Bạn đi máy bay đến sân bay Charles de Gaulle rồi đi tàu đến đây. Mục đích của bạn chỉ để theo khóa tu mùa hè kéo dài 1 tháng chứ không đi du lịch như một gia đình từ Việt Nam khác ghé qua đây vài ngày. Còn các gia đình khác đến từ các nước châu u láng giềng như Anh, Hà Lan, Hungary, Ba Lan và các thành phố khác của Pháp.
Làng được chia làm 5 xóm gồm Xóm Hạ, Xóm Trung, Xóm Thượng, Xóm Mới và Sơn Hạ. Xóm Thượng đông vui nhất có khoảng 70 thầy tu tiếp đón 350 khách Tây là nam hoặc các gia đình có trẻ con nói tiếng Anh, Pháp, Ý. Xóm Hạ có khoảng 150 sư cô đón tiếp khoảng 300 khách là nữ hoặc gia đình có trẻ con nói tiếng Đức, Hà Lan. Ngoài ra còn lượng lớn các tình nguyện viên hoặc các cư sĩ ở lâu dài vài tháng đến cả năm ở đó.
Nếu đến xóm Trung thấy không khí gia đình thì đến xóm Thượng sẽ thấy không khí một cái làng mà ở đó cả làng ăn uống, vui chơi, tu tập cùng nhau. Khóa tu mùa hè cũng là khóa tu đặc biệt nhất trong năm vì là dịp nghỉ hè của bọn trẻ con châu u nên hầu hết thiền sinh đến tham dự là các gia đình có con nhỏ. Khi tôi đến nơi cứ nghĩ nó giống cái trại hè thanh thiếu niên hơn. Vì khi các bố mẹ vào thiền đường nghe giảng thì chỉ còn bọn trẻ bên ngoài tụ tập theo các nhóm, mỗi nhóm một sư thầy phụ trách đang hát hò vui vẻ. Trẻ từ 6 tuổi sẽ có chương trình sinh hoạt riêng để bố mẹ được thảnh thơi. Tôi hơi tiếc chút vì không được sắp xếp ở trên xóm Thượng để thằng cu tham gia các chương trình tiếng Pháp với tụi nhỏ này. Nhưng không sao dưới xóm Trung thằng cu cũng vui lắm rồi.
Đến đây là phải rũ bỏ bụi trần, không bia rượu, các cặp đôi dưới 35 tuổi bắt buộc phải ở riêng, nam trên xóm thượng, nữ dưới xóm hạ hoặc xóm mới. Chỉ các cặp đôi trên 35 tuổi mới được ở chung và khuyến cáo không quan hệ tình dục. Đồ ăn ba bữa là đồ chay, nhưng phải nói đó không phải bữa cơm chay bình thường mà là cỗ chay vì nó ngon tuyệt. Bữa nào cũng ngon. Thế này ăn một tháng cũng không chán. Ăn xong các gia đình tự phân công dọn dẹp, trẻ con chạy lăng xăng giúp bố mẹ lau bàn rất đầm ấm. Xong bữa mọi người sẽ ra đình làng để uống trà. Có hàng chục loại trà hảo hạng cùng bình nước nóng đặt sẵn đó để ai uống thì tự pha, uống xong thì tự đi rửa cốc. Trẻ con cũng như người lớn, ý thức mọi người rất tốt. Đến nhà vệ sinh cũng phải bỏ giày dép bên ngoài rất sạch sẽ. Từ trên đình làng uống trà nhìn xuống là một ao sen hồng rộng, nhưng cành hoa sen to cao đến 2 m. Đúng là bên Tây cái gì cũng to hơn bên Ta. Cảnh sắc giữa rừng thật đẹp và thanh cảnh, không hề có tượng Phật để cúng vái vì thế mà không có cảm giác huyền bí, ma mị khiến bọn trẻ con sợ như khi vào một cái chùa bình thường.
Khi đang ăn thì có bạn sư tập sự người Đức đến chào hỏi. Gọi là tập sự vì phải đến tháng 10 này bạn mới được xuất gia cạo đầu. Bạn đã tập sự từ tháng 1 tức là được 7 tháng. Trước đó bạn tham gia một khóa tu tập cho đại chúng rồi quyết định bỏ học đại học dù gia đình phản đối để đến Làng Mai. Cái gì mà hấp dẫn cậu này bỏ hết thú vui tuổi trẻ đến đây hàng tháng chỉ nhận có 40 euros vậy?
Khách đến làng mai thường sẽ quay lại. Tôi cũng sẽ quay lại. Vì ai cũng cảm giác như được về nhà, giống như lời bài hát của làng "Je suis arrive, je suis chez moi". Một bác người Pháp ra bắt chuyện làm quen bảo là cách đây 15 năm lần đầu tao đến làng cũng đi cùng thằng con trạc tuổi con mày. Nó cũng thích lắm, còn muốn ở lại đi tu luôn vì được đánh bóng bàn, cầu lông, chơi cờ, đá bóng,... suốt ngày, nhưng đến khi tao bảo ở đây không có tivi, không có trò chơi điện tử thì nó thôi luôn. Bác nói rằng trong vòng 15 năm năm nào bác cũng quay về làng. Có thể chia cột mốc 15 năm làm 3 giai đoạn: bệnh viện, trường học và gia đình. Gọi làng là bệnh viện vì khi đó bác có vết thương tâm lý, nhờ khóa tu thiền mà bác chữa lành bệnh. Sau đó bác quay lại để học mindfulness thế nên bác gọi làng là trường học. Sau đó bác quay về vì bác tìm thấy sự gần gũi, thân thương giống như một gia đình tại đây.
Một bác khác người Đức cũng quay lại lần thứ 3. Bác bảo tao đã đọc được 8 cuốn sách của Thầy. Mỗi cuốn thầy lại khai thác một khía cạnh đề tài khác nhau vì vậy đọc không chán. Tôi hỏi sao bác các khóa tu có khác nhau không mà sao mọi người tham gia đi tham gia lại vậy. Bác bảo chủ đề thì không thay đổi nhưng người giảng thì thay đổi, mỗi người đem đến một làn gió mới trong bài giảng của mình. Sau khi từ làng mai trở về tôi còn tìm trên Internet rất nhiều bài viết khác bằng tiếng Anh và Pháp về cảm nghĩ của mọi người về làng mai. Có nhiều bài viết rất cảm động họ dành cho làng và các sư cô, sư thầy ở đó. Như có một trường hợp một cô gái Pháp chán đời, tìm đến làng mai và quyết định ở đó cả năm trời. Bố mẹ cô đó lo lắng quá, không biết làng mai là cái chi nên ông bố tìm đến định kéo về. Sau khi ông ở đó 1 tuần thì thay đổi suy nghĩ. Về nhà ông kéo cả gia đình vợ và vợ chông con gái cả đến làng mai chơi. Những câu chuyện này nói lên tất cả giá trị của làng và của thầy Thích Nhất Hạnh, một người Việt duy nhất có thể làm được. Nếu bạn không tin hay đến thử một lần xem.
Nhiệm vụ của đạo tràng làng mai là đem lại hạnh phúc cho mọi người, giúp mọi người thực tập để có hạnh phúc như đã được viết trong cuốn The Art of Living của Thầy vừa được trao giải Vàng Giải thưởng Sách Nautilus. Để dạy người khác hạnh phúc thì mình phải là người hạnh phúc. Chính vì thế mọi người trong làng trông rất hạnh phúc, nhất là các sư cô, sư thầy. Với hơn 2 triệu cuốn sách được bán chỉ riêng tại thị trường Mỹ, có lẽ Thầy cũng đã trở thành triệu phú đô la rồi. Nhưng nơi thầy sống thì thật giản dị. Một căn nhà như nhà sàn Việt Nam quay mặt về hướng đông, phía trước là thung lũng lớn xanh thẳm tuyệt đẹp. Thầy thường nói thầy có một cái ti vi màn hình lớn, đó chính là cửa sổ từ phòng ngủ của thầy. Tôi đến thăm nhưng thầy không còn ở đó và có lẽ sẽ không bao giờ trở lại đây được nữa. Ước vọng cuối cùng của thầy là mang Làng Mai về Việt Nam cũng không thể thực hiện được nữa.
Bordeaux 11/07/2018
Đến Thăm Làng Mai Đến Thăm Làng Mai - Lê Anh