Số lần đọc/download: 0 / 4
Cập nhật: 2020-12-31 18:34:58 +0700
“S
au này giỗ má khỏi nấu chi phức tạp, chỉ cần nướng con cá lóc nuôi là đủ rồi”, Năm nói, trong lúc thổi lửa, “nhớ chấm kèm muối ớt nghen”. Câu này Năm dặn hoài, tụi nhỏ thuộc luôn ngữ điệu, nhưng so với năm trước, có chi tiết đã khác đi. Cá nuôi đã thay cho cá lóc đồng. Tụi nhỏ cười, “nghe đỡ căng thẳng hơn hồi đòi cúng cá đìa, tới đó biết kiếm đâu ra thứ đó”.
Người ta bắt đầu dần quen với một thiên nhiên gầy mòn, cạn kiệt. Hồi trước, với dân chợ Cuối mà nói, cá nuôi là thứ gì đó xa lạ, nghĩ tới thôi đã thấy bớt sang rồi. Địa thế vừa rừng vừa biển, lúc nào thiên nhiên cũng sẵn cá tôm đãi người, sao phải ăn tụi nuôi nhốt chật chội, lớn bằng thức ăn nhân tạo. “Thịt lạt nhách, bở rẹt”, Năm trề môi. Tụi nhỏ nối cái nguýt dài theo luôn, “đã vậy mà còn tanh chịu không nổi”.
Chuyện đó chỉ năm bảy năm trước, lúc những con cá nuôi mập ú, đờ đẫn mới được thương lái chở xuống chợ Cuối chào hàng. Giờ thì gần như không còn chọn lựa. Giờ nhắm mắt cũng nhìn thấy rõ sản vật tự nhiên của rừng ruộng sắp cạn kiệt, gầy còm. Lỡ thèm cái hương vị tôm cá hoang dã, thì chờ quãng từ đầu Chạp tới cuối tháng Ba, và chúng ngày càng đắt đỏ. Cái gì hiếm thì đắt, quy luật xưa nay.
Năm nhớ má hồi còn sống, cả một mùa đìa không hoang phí con cá nhỏ nào, “tụi nó bỏ mạng nuôi mình mà, sao để chúng chết oan”. Cá sặc hay cá lòng tong, luôn yếu đuối hơn đám võ biền còn lại, sốc nước một chút là ngửa bụng. Má đem làm mắm, hoặc gói lại bỏ ngăn đá để dành. Mớ cá non còn mạnh giỏi má đem thả lại cho mùa sau. “Dành cho đám con tụi bây”, má nói. Lúc đó Năm còn chưa lấy chồng.
Nhưng chỉ mình má, hay những ai tánh dành dụm lo xa như má, cũng không ăn thua. Người ta vẫn bán những con cá còm nhom ôm bụng trứng vào buổi sa mưa, và cá con thì đầy chợ. Má hay ước có được nhiều tiền vào quãng đó. Để thấy ai bưng lòng ròng ngang qua nhà má sẽ ngoắc vô mua, rồi đem thả. Nhưng má làm sao mua xuể đám cá sơ sinh mà những người đàn bà ướt ngoi đem bán. Họ vừa kéo lưới dưới ao lên là lội bộ ra vựa đổi gạo luôn. “Phải giàu người ta đâu làm vậy”, má nói, như một cách thừa nhận mình bất lực. Má chỉ là một bà già quê, thấy xóm giềng nghèo khó hơn thì ngoắc lại cho nắm rau, trái bí, đâu phép màu gì giúp họ khỏi chạy gạo từng bữa. Những người có quyền năng thì bận lo bảo vệ ghế, đến đồng loại còn bỏ mặc, rảnh đâu lo cho bọn khác loài.
Những mùa đìa ngày càng thưa cá tôm trong lưới, người thì đông lên chóng mặt. Đàn bà chợ Cuối chia sẻ nhau vài thủ thuật để thịt cá công nghiệp dai và bớt tanh, “Ngâm với tí muối, nặn thêm miếng chanh, ăn ngon gần bằng cá đồng”. Ngon gần bằng, thậm chí không thua đi nữa, nhưng vẫn không phải những con cá lang thang qua những ao đìa rừng ruộng, sống bằng tép rong, rễ bèo tấm, bông tràm rụng, trái mắm trôi.
“Không biết má đang than thở cho mấy con cá, hay cho cái tánh sành ăn, gì cũng phải cho đúng điệu?”, tụi nhỏ hay cà rỡn vậy, mỗi khi Năm nhắc những loài cá quá vãng, mà lâu rồi không gặp lại. Năm cũng nửa chơi nửa thiệt, nói không, má đang than khóc cho con người. Nghe thì cao siêu, nhưng cách con người đánh mất nhiều thứ nho nhỏ, tưởng không đáng kể, một ngày nào đó bỗng trở thành những khoảng trống. Như con cá trèn, Năm có thể tả một cách chi tiết hình dáng của nó, cách nấu nồi canh măn mẳn thiệt ngon, nhưng sao tụi nhỏ có thể cảm nhận được cái hương vị của giẻ thịt mát mềm của thứ cá đó tan trong đầu lưỡi.
Người ta trù tính xong rồi, một tương lai tới thức ăn nhân tạo, thực phẩm biến đổi gen. Một tương lai trôi nổi trên đại dương bằng thuyền, sau khi các lục địa chìm trong nước biển. Chẳng gì là không thể, trái bắp có vị cá rô đồng, cá có sớ thịt mịn màng như cua, và cua thì mùi phô mai. Lẽ đơn giản, đám nhỏ sau này đâu có biết cá rô đồng ăn ra làm sao, tép đất ngọt kiểu nào. Và chúng chế tạo thức ăn bằng hình dung của riêng mình, mà không phải từ ký ức, vốn đã trống trơn từ độ con người tận diệt tất cả giống loài.
Thật may cho những ai không ký ức, họ không phải tiếc nuối cái thời mà con người sống hài hòa với thiên nhiên, với những sinh vật hoang dã, tận hưởng thơm thảo của đất trời.