Số lần đọc/download: 139 / 5
Cập nhật: 2018-09-04 11:39:35 +0700
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
(Nguyễn Xuân Sanh)
“Này, cá luộc, thịt chó, tiết canh vịt, nộm dê, bò tùng xẻo, mày thích gì?” - Tiếng thằng bạn như vít nặng ở bên kia dây nói. Tôi ậm ừ: “Lại có nội dung gì đặc biệt à?”. “Mày quyết định đi để tao còn báo họ chuẩn bị, hạ máy là vù đến tao ngay nhé, không được quá năm rưỡi đâu đấy, nào, khoái khẩu món gì?”
Tính thằng bạn tôi vẫn thế. Mọi việc cứ giải quyết ào ào, chóng vánh, từ mua đất, làm nhà đến ăn uống, yêu đương. “Thời gian còn để làm việc khác”, nó thường nói cửa miệng câu ấy. Tức là nó vẫn còn giữ được cái tính thẳng thắn, hào phóng và hơi thực tế từ hồi còn là sinh viên.
Tôi với Tân cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học kể cũng đã 8 năm rồi. Nó ở lại trường làm giáo viên còn tôi trầy trật mãi cuối cùng cũng kiếm được chân phóng viên quèn ở một tờ báo ngành “có in tới cả ngàn bài cũng chả ai biết đến tên”. Làm giảng viên đại học mấy năm trở lại đây rất có lộc. Cái khoản tại chức tại chiếc là “kiếm” khá lắm. Mà lộc là bất tận hưởng. Tân lý sự rằng người này hưởng lộc thì người khác sẽ thất lộc, vì vậy người hưởng nhiều lộc thì cũng ôm nhiều oán. Ở đời chớ nên để bị oán. Cách giải oán tốt nhất là vãi lộc ra lung tung. Lộc vãi càng nhiều càng tích được ân đức. Ân đức sẽ hoá giải được oán thù. Và bữa tiệc thịt chó tối nay Tân mời tôi cũng là một kiểu rải lộc cho bạn bè cùng hưởng.
Năm người ngồi xếp bằng trên chiếu quanh chiếc bàn gỗ giống như chiếc hương án cổ. Tân ngồi ở góc nào trông cũng rạng rỡ, cũng ra dáng “minh chủ”. Cái thằng có dáng ngồi thật thích. Ngay từ hồi sinh viên, khi về quê tôi chơi, nó ngồi ăn với các cụ, mẹ tôi đã bảo: “Dáng ngồi của bạn con oai phong lắm, con ngồi cạnh nó trông cứ xúi rúi làm sao ấy, rồi khổ thôi con ạ, số mày xách dép cho bạn”. Ừ thì xách dép cho bạn đã sao? Trông nó thế kia thì rồi ra sẽ còn phát!
- Xin giới thiệu nhá - Tân chờ cho người phục vụ đặt đĩa riềng - sả - ớt xuống bàn gỗ rồi bắt đầu hắng giọng - Đây là Bình, Hùng hai người cùng dạy ở tổ Kinh tế - xã hội với tôi, còn đây là anh Trần vừa từ La Sơn xuống, học viên của lớp tại chức mà tôi vừa có cua dạy tháng trước. Nào, chúng ta nâng cốc. À mà này, uống gì nhỉ? Giôn đen nhé? Ừ, uống cái đó được. Anh Trần nhỉ?
Người đàn ông có tên là Trần, học viên của một lớp tại chức ở trên La Sơn như Tân vừa giới thiệu khoảng 40 tuổi, nét mặt thanh thoát, khẽ mỉm cười rồi quay sang bảo người phục vụ: “Em đổi cho chai Giôn đen”.
Trong lúc cậu phục vụ bê bia và rượu nếp cẩm đi, tôi đánh mắt quan sát kỹ anh Trần. Anh có dáng vẻ của một công chức tỉnh lẻ nhưng “có ăn có mặc”, có kinh nghiệm giao tiếp, mọi cử chỉ thái độ đều toát lên vẻ điềm đạm, khôn khéo. Lúc nãy anh đã kịp rút tấm cácvidít ra đưa tôi, và tôi được biết anh là Trưởng phòng kinh doanh của Sở thương mại tỉnh. Kiểu người này sẽ còn tiến xa nữa đây. Tôi thầm nghĩ. Nhưng muốn tiến xa nữa thì bằng cấp là điều rất quan trọng. Mà bằng cấp thì những người như anh bạn tôi và hai người được giới thiệu là “thầy Bình”, “thầy Hùng” kia sẽ đem lại cho anh. Vì thế anh đã chẳng quản ngại mấy trăm cây số về thủ đô đãi đằng các thầy, và tôi được hưởng thơm lây, hưởng cái lộc của bè bạn là từ cái sự “trò muốn hay chữ phải yêu lấy thầy” này.
- Anh là lỗi lắm đấy nhá - Người được giới thiệu là thầy Bình quay sang bảo với anh Trần - Về Hà Nội mà chẳng báo trước gì cả, nếu tôi không gặp anh ở Cầu Giấy chắc gì lôi được anh vào đây. Thế mà ở trên La Sơn cứ bảo khi nào về Hà Nội nhất định sẽ điện cho bọn tôi.
- Các thầy thông cảm - Anh Trần phân bua - Cũng định giải quyết xong chút việc riêng rồi điện cho các thầy...
- Bây giờ thế này nhé - Tân đưa tay ra chém chém xuống trước mặt bàn - Trong buổi rượu thống nhất không thầy trò gì hết, anh em cho nó tình cảm. Bọn tôi ngồi đây đều ít tuổi hơn - là em, anh Trần nhiều tuổi nhất - là anh.
- Nhất trí - Bình và Hùng đồng thanh.
- Nào, rượu rót rồi, tất cả nâng cốc - Tân lại tiếp tục
- Em ơi mang mấy chai Lavi ra đây nhé, rượu tây mà không có nước khoáng có mà đốt họng.
- Khăn thơm đâu? Ơ cái quán này làm ăn hay nhỉ. Ai gọi chả mà mang chả lên. Nguội bố nó hết, tí nữa ăn dai nhanh nhách. Đã bảo từng món một, ăn hết mới lấy cơ mà.
- Ơ kìa anh Trần, mới có hai phần ba chai. Sao? Háo hả? Làm bát măng nhá. Ừ, làm bát măng húp xong rồi chiến đấu tiếp.
- Cái gì? Anh yên tâm, môn Chủ nghĩa nhân văn là anh chỉ có chín điểm thôi. Hai bài học trình trước cho qua luôn. Anh cứ việc tháp tùng giám đốc qua biên giới ký hợp đồng cho tốt. Nhưng này, nếu không bận thì phải đến lớp cho có mặt đấy nhá.
- Môn Thương mại quốc tế bữa trước anh được tám đúng không? Đấy, tôi là tôi còn nhớ chữ anh lắm. Ngoằn ngoằn, ngoèo ngoèo nhưng mà rất dễ đọc, chẳng giống thứ chữ cải cách của bọn học sinh phổ thông bây giờ, cứ tròn ung ủng, trông đến là buồn cười.
- Còn môn triết anh cứ yên trí đi. Rồi đâu sẽ vào đấy tất. Cũng tại hôm đó anh nộp giấy trắng, viết nhăng viết cuội cho đầy một trang thì có phải tôi dễ xử hơn không?
Chuyện ở bàn thịt chó cứ thế nổ như pháo rang. Đĩa vơi rồi lại đầy. Mặt bàn không ngừng được bổ sung. Trong lúc Tân và hai người bạn cùng tổ giáo viên đã say mèm, anh Trần chếnh choáng đứng dậy tìm đường đi vào nhà vệ sinh, bất ngờ chiếc điện thoại di động của anh rơi xuống đùi tôi. Tôi cầm lên, định lát nữa khi anh quay ra sẽ trả lại cho anh nhưng bỗng có chuông reo. Chờ mãi không thấy anh ra, mà chuông thì cứ réo đến sốt ruột, tôi đành bật máy nghe hộ anh. “Anh Trần hả?” - Giọng một người con gái. Tôi lúng túng: “Ờ...ờ...”. “Anh ở đâu vậy? Bác sĩ cần anh ký vào giấy để mổ não cho con bé mà anh cứ bỏ mặc hai mẹ con ở đây thế này, em biết lo thế nào?”. Tôi buột miệng: “Mổ não gì?”. Tiếng người con gái ngạc nhiên: “Ơ... Có phải anh Trần không? Có phải anh Trần không?”...
Mổ não? Sao lại mổ não nhỉ? Thôi chết rồi. Cầu Giấy? Chả phải thầy Bình hay thầy Hùng đã gặp anh Trần ở Cầu Giấy đó sao? Mà Cầu Giấy thì rất gần bệnh viện Nhi. Như vậy là anh Trần từ La Sơn xuống đây có việc riêng chứ đâu phải xuống để gặp các thầy. Tôi vội tắt máy trước khi anh Trần quay lại chiếu rượu. Chai Giôn đen thứ tư vẫn còn một phần ba đổ nghiêng bên bát mắm tôm. Xương, thịt, măng, bún, riềng, sả văng tứ tung trên mặt bàn. Các món ở quán này không ngon lắm nhưng bát đĩa để đựng thức ăn lại rất bắt mắt. Dưới lớp mỡ sền sệt của nhựa mận, men bát ánh lên sắc lam nhạt điểm nét hoa cỏ cách điệu gợi cả một bầu trời xanh trong, khoáng đạt. Dưới lổn nhổn những khúc dồi đen ngắt, vài ba miếng gan thâm sì là hình chim công ở đáy đĩa vỗ cánh bay lên sống động đến mức tôi phải dụi mắt nhìn lại cho kỹ. Chẳng lẽ quán này dùng toàn bát đĩa cổ? Hay là tôi cũng đã say?
Thấy anh Trần quay lại mâm, Tân bỗng vùng dậy:
- Anh Trần, anh gọi hộ tôi tắc xi với. Chết hết cả thế này thì không về được đâu.
- Vâng, để em gọi tắc xi cho các thầy - Anh Trần vẫn nhã nhặn -Nhưng còn xe máy thì sao?
- Ký gửi, ký gửi lại, mai đến lấy. Oẹ...oẹ... - Tân vừa nói vừa khoát tay, đầu chúi xuống chiếu, mép tràn ra một thứ dịch không biết nên gọi tên là gì.
Tôi bảo:
- Để tôi giúp anh.
Sau khi đưa Tân và “thầy Bình”, “thầy Hùng” lên tắc xi, tôi quay ra bảo anh Trần:
- Anh nói thật đi, cháu nhà anh đang bị làm sao phải không?
Anh Trần mặt phừng phừng, mắt đang lim dim, bỗng bừng tỉnh:
- Vâng, vâng, tôi đưa cháu lên bệnh viện Nhi khám. Cháu bị não.
- Hiện cháu và chị đang ở bệnh viện chờ kết luận của bác sĩ phải không?
- Vâng, sao anh biết?
- Chị vừa gọi điện cho anh, anh tới viện ngay đi, có lẽ cháu phải mổ đấy.
- Thế à? - Anh Trần nhướng mắt lên - Vậy phiền anh đưa các thầy về hộ tôi với, tôi phải về viện ngay.
Anh Trần có vẻ hốt hoảng. Xe chạy rồi tôi còn thấy anh lập cập móc ví đi vào trong quán để thanh toán tiền. Trên xe Tân dựa đầu vào người tôi, toàn thân nóng rực. Tôi bỗng nhìn thấy mấy chiếc phong bì ở túi áo của Tân. Tôi móc ra. Ba chiếc cả thảy, ghi rõ tên ba thầy đàng hoàng. Nét chữ ngoằn ngoằn, nghoèo nghoèo. Tiếng Tân làu nhàu: “Lại có lộc à? Đi hát. Đi hát tiếp. Bây giờ phải karaôkê mới phả hết hơi rượu. Có lộc là phải rải ra, bất tận hưởng. Đi!”. Tiếng “thầy Bình” đế theo: “Phải thế chứ! Xuống Hà Nội mà cứ trốn các thầy là không được. Tao là tao bắt sống!”.
Tự nhiên tôi nôn thốc nôn tháo ra xe dù tôi không hề say.