Love at first sight is often cured by a second look.

Love is sweet when it’s new, but sweeter when it’s true.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Minh Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 4
Cập nhật: 2020-12-31 18:35:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ưa bạn về xứ kinh Xuôi, hỏi cô Ngò ai cũng ngờ ngợ, bèn tả cô đó mười bảy năm trước tóc dài chấm gót, mày rậm da ngăm đen, trước nhà có hai cây dương gió qua nghe như tiếng mưa xa. A, người ta kêu lên, vậy là vợ Bảy Chiếu. Sực nhớ, phụ nữ qua sông tên riêng cũng để lại bên bờ.
Bạn chẳng chút bất ngờ, dĩ nhiên là nàng phải lấy chồng sinh con. Đợi chi anh chàng thực tập sinh nông lâm tới nhà ở đậu không đầy một tháng, mới kịp quen mùi, đã quảy ba lô đi mất. Và bạn cũng lường được chuyện nàng đã già nua theo thời gian. Nhưng đứng trước người quen, bạn cứ níu mình, giọng hơi hoảng, “là cổ, hay không phải cổ?”.
Hơi đẫy đà, như nhiều phụ nữ trung niên miền này, nhưng cô Ngò trắng nõn, da mỏng đến mức có thể thấy được những gân máu li ti, làm nổi lên đôi chân mày phun xăm ngã màu cốt trầu. Chẳng chút nét nhà quê nào trên người đàn bà đứng trước mặt bạn. Trong giây lát bạn khó khớp được mối nối Ngò xưa với Ngò nay, nên nói chuyện mà mắt lảng ra vườn, chỗ có chòm mộ. Hồi bạn tới đây, má cô Ngò vẫn còn sống, bữa nào bạn cũng được ăn món bánh quê nào đó do bà già tự tay xay bột làm.
SGTT_Dau-bien
Nghĩ bạn cần thêm thời gian, mình xui bạn đi thăm mộ. Cô Ngò tức chị Bảy Chiếu ngại nắng xế chiều nên sai thằng con dẫn bạn ra vườn. Chị nói, bảy ngày đầu sau khi tắm trắng xong, chị núp trong nhà suốt. Cực chẳng đã, buộc phải ra ngoài thì che kín người bằng mấy lớp, hở chỗ nào da bắt nắng là khỏi ăn tết.
Mới hay, tắm trắng đang là trào lưu của xóm kinh, như câu chuyện thần tiên, chẳng cần niệm chú, ngủ một giấc thức dậy quạ đã thành thiên nga. Thì trước giờ, làn da trắng luôn là chuẩn mực hàng đầu của cái đẹp, là ao ước của đàn bà kinh Xuôi. Một khát vọng ngàn đời, không phải cô Cám của cái thời “ngày xửa ngày xưa” đã tìm cách trắng da đó sao. Nhưng phận làm ruộng mỗi năm hai vụ, suốt ngày phơi thân ngoài nắng, muốn trắng cũng không xong. Chỉ khi cả vùng dẫn mặn nhập đồng nuôi tôm, đàn bà kinh Xuôi mới soi kiếng xem lại nhan sắc mình, bởi chẳng còn công lên chuyện xuống nào phải đọa thân dưới trời. Xách giỏ ra vuông đổ tôm lúc mặt trời chưa lên, thương lái đến tận nhà mua, xuồng hàng bông cũng đậu sẵn dưới bến. Giờ gặp nhau chỉ nói chuyện trộn kem cách nào bôi da mau trắng, cô thợ nào vẽ móng khéo, nhuộm tóc màu gì thì giấu đi chân tóc bạc, áo đầm mặc kiểu sao cho mỡ bụng đỡ khoa trương.
Một cuộc cách mạng, bạn kêu. Hàng trăm năm những người phụ nữ nông thôn giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên trời sinh sao để vậy, nhưng chỉ vài năm là lịch sử đảo chiều. Bữa nhậu mừng bạn về thăm kinh Xuôi, người bên xóm kéo qua chơi, mười chị thì hết tám xăm chân mày vòng nguyệt, hai chị còn lại sợ đau nên chưa dám. Nhưng họ sẽ vượt qua nỗi sợ nhanh thôi, “đẹp mà, phải chịu khó chớ”. Sực nhớ cũng có thời người xóm kinh rủ nhau bịt răng vàng, mỗi lần miệng xòe cười là thiên hạ chói mắt.
Nhưng hai hàng lông mày được dọn sạch trơn, thay vào đó một đường cong của mực, nó không chỉ kể chuyện chị em kinh Xuôi ứng xử với chuyện làm đẹp ra sao. Người ta còn nhìn thấy ở đó sự thay đổi của nết ở nết làm.
Dòng mồ hôi chảy xuống đuôi mày, mồ hôi bết tóc mai, mồ hôi dính áo vào da thịt người, những hình ảnh đó vẫn ám nhớ, khi nhớ lại những mùa lúa trên cánh đồng xóm mình hồi chưa thành khu dân cư, thành chợ. Nói tới nông dân là nói tới những con người lặn ngụp trong biển mồ hôi. Lao động làm cơ thể họ khác biệt với người thành thị, bàn chân to, nước da đen đúa, tóc cứng, vai bè, tay đầy sẹo vết cứng quèo. Chân mày, không phải cho đẹp, cho mỗi gương mặt là một khác biệt, còn là con đập ngăn mồ hôi xuống mắt.
Mà mồ hôi của nông dân, như mình vẫn nghĩ, mặn hơn, xót hơn người. Vì nỗi mất mùa mất giá tự bơi trong cái thế bị bỏ rơi, vì cái nhìn thương hại của kẻ chợ ngó mấy thím xách đội thúng chuối xiêm nặng trịch trên đầu, vì cái bĩu môi của cô bán quán khi bà già trầu quy giá dĩa cơm sườn bằng giạ lúa.
Chị Bảy Chiếu kể, có lần đi bệnh viện huyện thăm nhỏ em, lỡ mang đôi dép dính sình mà bị hộ lý nạt như nạt tà, chừng về chị phải lột dép đi chân không ra cổng. Bước vô tiệm vàng là chủ tiệm hỏi ngay, “cô muốn bán gì”. Kể tới tết cũng không hết những câu chuyện tủi thân, ghé tiệm quần áo kêu cho coi bộ đồ, em gái bán hàng ái ngại, “mắc lắm đó chị”.
Tất cả là tại nhân dáng nhà quê mà ra hết, mấy chị gật gù kết luận. Nên chưng diện này là cho mấy đời đàn bà luốc lem dồn lại, cho tự ái dồn nén trong lòng. Nếu họ tính tới chuyện nâng mũi gọt cằm cũng chẳng ai ngạc nhiên. Giờ đàn bà kinh Xuôi diện đầm đi siêu thị, không còn phân biệt nổi ai chợ ai quê. Cả mùi bùn đất cũng phai lâu rồi.
Bạn cũng bảo, phải gặp giữa đường chắc chắn không thể nhận ra người quen cũ. Chuyện chị em liều lĩnh làm đẹp từ mấy cô thợ dạo cũng đáng lo, nhưng buổi gặp lại không làm bạn đau lòng. Như lần gặp ở chợ trưa từng xảy ra trong tưởng tượng, Ngò của bạn ngồi tem hem bán mớ rau đồng, cọng xương quai xanh bén ngót, móng tay dính phèn và mủ chuối, bạn gọi tên mà Ngò chối, không phải tôi.
Da trắng và mày cong màu mực, chúng hiện diện để nói rằng những cơn mưa mồ hôi đã ngừng rơi trên đất này, từ dạo con tôm lên ngôi. Nếu lông mày chỉ để ngăn mặn tuôn vào mắt, thì nó đã xong sứ mạng rồi. Giờ đủng đỉnh nằm chơi, cũng đủ ăn. Cỏ mọc quanh nhà thì có sao, còng lưng trồng tưới chi khi rau củ rẻ mạt, bán không hết có khi còn đổ bỏ. Nhàn hạ bao lâu thì chưa biết, khi mà đất mặn ngày càng bạc màu. Nhưng nhân lúc được ngẩng mặt lên, nhứt định phải đẹp.
Dâu Biển Ngang Qua Một Nét Mày Dâu Biển Ngang Qua Một Nét Mày - Nguyễn Ngọc Tư