Số lần đọc/download: 544 / 2
Cập nhật: 2017-11-08 13:59:56 +0700
“...Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?”
Mật đắng - Hàn Mặc Tử
- “...Tôi đã tự hứa là sẽ viết câu chuyện này, nhưng tôi bất lực trong việc tìm cách thể hiện một sự thực mà như hư cấu. Câu chuyện bi thảm một cách trang trọng, rất Sêch-xpia, với âm mưu độc địa quyết liệt, với ngây thơ hồn nhiên thánh thiện và cuồng nhiệt dữ dội, đậm chất Tragédie cổ điển ấy không thể diễn đạt được bằng cái giọng Comédie (*) cố hữu của tôi. Ông phải viết, văn sĩ đại lãn ạ! Cái giọng ông thích hợp với câu chuyện này. Ông viết để thanh toán hộ tôi cái khế ước giữa Văn Chương với số phận Con Người được ký kết bằng nước mắt.” - Ông nhà văn trung ương, người to béo nhưng nói năng nhẹ nhàng nắn nót giọng Hà Nội, đang kể câu chuyện mà ông để tâm huyết từ nhiều năm nay.
Người con gái ấy cô độc trên bãi sú vẹt hoang vắng, cặm cụi nhặt những con móng tay, một loại trai nhỏ vỏ mỏng, hình thon dài trong suốt như móng ngón tay của những tiểu thư đài các. Thỉnh thoảng cô đứng lên, ngước nhìn lên cao, để đỡ mỏi lưng; mà cũng như để tìm trong hư vô cái nguyên cớ đã khiến cô chịu đầy ải mãi ở mặt đất này như một trọng phạm. Cô không hề để ý tới nước triều đang dâng cao dần. Cái thứ thủy triều chết người ấy rất khó nhận biết, nếu không kịp vào bờ, nước lên rất nhanh, rồi bất thần sẽ bị một cơn sóng lớn chồm tới kéo tuột ra xa. Vậy mà cô ta vẫn cắm cúi, không phải để nhặt nhạnh thật nhiều cái loài sinh vật rất ít giá trị ấy, mà như là cô chờ đợi những con sóng lớn ngoài xa kia trườn vào, cuốn phăng cô ra khơi. Tôi nghĩ, nếu điều đó xảy ra thật thì Tự nhiên đã tàn nhẫn như nó vốn thế. Tự nhiên tạo ra bao nhiêu cô gái đẹp thì cũng tạo ra bấy nhiêu sự ngang trái dành cho mỗi cô.
Nhà văn của thành phố biển này, người gầy gò, cái đầu tròn tóc thưa xoay lắc và gật gật những nhát nhanh, rồi chợt dừng, hệt một con chim sâu. Ông chăm chú nghe, thỉnh thoảng đệm một câu giúp người kể chuyện. Đến đây, ông hỏi người bạn văn:
- Cô ấy đẹp mức nào mà có vẻ như ông muốn ví cô ấy với những mỹ nhân trong các thiên tình sử?
- Đúng, cô ấy đẹp lắm. Tôi là nhà văn, nên tôi thật xấu hổ khi chỉ biết diễn đạt sắc đẹp của cô bằng những câu tầm thường rằng “Đẹp lắm”. Nhưng điều đó cũng không quan trọng. Điều đáng nói là Thời Gian tàn nhẫn chắc đã làm được cái việc độc ác của nó là biến cô gái đảo hồn nhiên hoang dại, rừng rực sức sống trở thành một thiếu phụ, nhẫn nhục như một goá phụ, dù cô chưa hề có chồng. Và rồi lúc này, nếu còn sống, thì cô ấy sẽ thành một bà cụ nhăn nhúm, khắc khổ. Tôi nghiệm ra rằng, những kẻ thân khổ thì người chai sạn, đanh khô như một thứ đồ cũ gì đó bằng da, tức là chỉ là cái vỏ nó khổ. Còn kẻ tâm khổ thì héo hắt võ vàng, như loại quả có sâu bên trong. Nếu cả tâm và thân đều khổ thì...thì...
Ông nhà văn trung ương đập đập bàn tay với những ngón thon trắng như tay nghệ sĩ dương cầm lên cái trán hói để tìm cách diễn đạt. Nhưng ông đã say, những ngôn từ bay lung tung trong đầu, khó tóm bắt được chúng. Còn nhà văn địa phương, lúc này cũng đã ngấm rượu, câu chuyện với bình luận dài dòng của người bạn văn khiến ông không còn nhậy bén trong việc giúp tìm từ ngữ nữa.
-...Những người cả tâm lẫn thân đều khổ thì...thì...- Nhà văn trung ương vẫn chưa tìm được câu chữ chính xác.
-...Thì ông cứ để họ được yên - Nhà văn địa phương sốt ruột - Tôi muốn hỏi, ông đã gặp cái cô gái ấy chưa, mà biết rằng cô có một vẻ đẹp u uẩn, chịu đựng...?
- Rồi!...à mà chưa!
Hai ông ngẩn người nhìn nhau, còn tôi phá lên cười. Tôi, một gã cai thầu xây dựng, hay giao du với giới văn nghệ sĩ, được dự thính câu chuyện của hai nhà văn, đã rất thích thú như được xem một màn song tấu trí tuệ.
Nhà văn địa phương không còn tỏ ra chăm chú, hào hứng nữa:
- Nghĩa là ông đang quảng cáo miễn phí cho một thứ hàng mà ông chưa được dùng. Xin chia buồn cùng quý bằng hữu. Ông làm tôi với chú em đây cồn cào lên vì ghen tị với ông. Cứ tưởng ông đã được sống với một nàng người rừng Sy-na trên một hòn đảo vô danh.
- Không phải vô danh, mà là đảo Khổ-Qua.
- Cái gì? Đảo Khổ-Qua? - Nhà văn địa phương bật hỏi, như một phản xạ.
- Đúng! Đảo Khổ-Qua. Vì nhìn từ xa nó thuôn dài xù xì rất giống quả mướp đắng nổi trên mặt biển. Những hôm lặng sóng, nửa trên in hình xuống mặt nước thành quả mướp đắng nguyên vẹn. Trên đảo cũng mọc toàn một thứ mướp đắng, cơ man là mướp đắng, bò lan man chằng chịt khắp nơi. Có điều, hòn đảo bé quá, không được ghi trên bản đồ. Còn cô ấy tên là Nhu, là Nhu.
- Nhu?! - Nhà văn địa phương hỏi mà như kêu lên.
- Phải, tên cô ấy là Nhu. Ông nhớ nhé, ông bạn nhà văn. Cả chú nữa, tên chú mày là gì nhỉ, lúc nãy chú đã xưng danh, bây giờ, ta quên béng rồi. Nhưng, tên tuổi chú mày cũng như tên tuổi của ta không thành vấn đề, chỉ cần chú mày cũng nhớ cho rằng cô ấy tên là Nhu. Nhu nghĩa là mềm mại mà cũng là yếu đuối, nhu nhược. Bà mẹ cô ấy tên là Nhụ, tên của một trong bốn loại cá ngon: Chim, thu, nhụ, đé. ấy là người ta nói thế, chứ tôi thấy cá chim thì nhiều sụn; cá thu thịt như bị ươn; còn cá đé cũng xoàng, mình mỏng đét, lắm xương. Cá nhụ thì thực tình tôi không biết nó như thế nào. Nhưng dù cá nhụ không được ngon như lời đồn thì người đàn bà mang tên loài cá ấy chắc cũng là một trang tuyệt sắc nên mới có người con gái xinh đẹp như cô Nhu.
Phải, tôi chưa được nhìn thấy Nhu. Chuyến đi hồi ấy, tôi chỉ là anh nhà báo phụ thuộc. Lịch trình chặt chẽ của bên hải quân đã khiến tôi không đủ thời gian tìm gặp cô gái. Nhưng tôi cũng đã một lần nhìn thấy cô ta qua kính viễn vọng, và nghe chuyện về cô, tôi đã hình dung ra như vậy. Mà này, ông nhà văn, ông phải coi trọng trí tưởng tượng chứ! Ông nên biết, đã có lần một nhân vật trong tiểu thuyết của tôi xổng ra ngoài đời đấy. Tôi kể vanh vách về gia cảnh, nghề nghiệp của hắn làm hắn há hốc mồm, tưởng tôi là phù thủy. Ông,...ông hãy thay tôi viết về Nhu. - Giọng nhà văn Hà Nội trầm xuống, trang trọng như trong một buổi lễ trao ấn thiêng, gươm báu thuở xưa; lại như người lúc lâm chung, trăng trối về một kho tàng nào đó.
- Ông hãy đến đảo Khổ-Qua, xem số phận của người con gái ấy bây giờ ra sao, rồi làm một petite roman - một đoản thiên tiểu thuyết cũng được. Đúng ra phải là một trường thiên. Nhưng, tôi biết ông là một văn sĩ đại lãn, cả đời chỉ nhâm nhi mỗi món truyện ngắn cũn ngắn cỡn. Truyện này ông viết tốt hơn tôi. Ông là dân xứ biển này, đi lại đảo ấy dễ dàng. Tôi tặng ông cái khung truyện. Ông hãy viết đi.
Nhà văn địa phương ngồi tư lự như đang nghĩ tận đâu đâu, chợt tỉnh:
- Cái gì, viết à? Việc gì ông phải long trọng hoá chuyện ấy đến thế. Dù chỉ là một tên thợ sắp chữ tỉnh lẻ, tôi cũng thừa sức làm một truyện ngắn vài nghìn chữ về cái cô Nhu vô hình tích của ông... Cứ đợi đấy. Mà này, lấy một chai nữa đi, chú thầu khoán! - Ông Địa phương bảo tôi, và ông Hà Nội hưởng ứng:
- Phải đấy. Thêm một “ lúc nãy, cỡ như cũ ”. Tối nay... một nhà văn nhỏ của tỉnh lớn và một nhà văn lớn của tỉnh nhỏ sẽ chưng cất rượu thành nước mắt để khóc người ngày xưa. Vì, than ôi, không hiểu sao ta cứ nghĩ rằng, Nhu đã thành người thiên cổ rồi. Nàng khổ như vậy thì làm sao còn sống được đến bây giờ - Ông ngân nga như hát, lắc lư cái đầu hói, lấy khăn lau mắt kính và tiện thể lau vừng trán loáng mồ hôi làm cho nó càng bóng thêm như được đánh xi.
“ Một lúc nãy, cỡ như cũ ” nghĩa là chai Smirnov thứ hai, loại nhãn xanh, cỡ bảy nhăm. Như mọi lần hai ông bạn thân gặp nhau, tôi cùng họ cạn hai chai vodka Smirnov, thứ rượu nặng mà ông Hà Nội gọi là “nỗi buồn Nga” vì chất men bí truyền của dòng họ Smirnov lưu vong nơi đất khách ấy, ngấm rất lâu trong lục phủ ngũ tạng, như một nỗi buồn dai dẳng làm ta không khóc lên được, chỉ nấc cụt, và đau âm ỷ mãi đâu đó sâu trong ức. Rồi, tôi sẽ dìu từng ông ra chiếc xe Volvo của tôi, đưa đến một khách sạn mang cái tên vừa ta vừa Anh: Very “Quen” - Rất quen biết, hoặc Rất quen thói gì đó. Chứ không phải “Queen”- Nữ hoàng.
Lần này cũng vậy, tôi đặt hai nhà văn nằm thẳng cẳng trên chiếc giường trong một phòng của Very “Quen” Hotel. Tôi thích thú nhìn hai ông, quần áo lôi thôi như hai chú bé vô thừa nhận mà tôi mới nhặt được ngoài phố. Ông béo thỉnh thoảng lại nhai nhai tóp tép. Chắc trong mơ ông vẫn đang chén món tu hài ưa thích. Ông gầy thở phù phù như thổi lửa, có lúc thành tiếng huýt sáo. Trông mặt ông đau khổ, môi khẽ run như sắp khóc. Lúc nãy tôi để ý, câu chuyện của ông béo đã làm ông rất xúc động.
Tôi khép nhẹ cửa phòng, xuống tầng dưới, tìm một phòng nhỏ, để nguyên quần áo nằm ra giường. Câu chuyện ông nhà văn Hà Nội kể làm tôi buồn vơ vẩn, và chất men Smirnov khiến tôi mơ màng giữa ngưỡng thức và ngủ, tôi thấy mình chính là cái anh lính đảo khốn khổ, sợ ảnh hưởng đến tiền đồ, đã đành trốn chạy một tình yêu nguyên thuỷ quý giá như thứ châu báu tự nhiên. Và tôi ân hận, tự nguyền rủa, dằn vặt cho đến lúc khi bừng tỉnh. Chín giờ sáng. Thật may, tôi không phải là kẻ hèn nhát ích kỷ ấy. Nhưng nếu tôi ở vào thời ấy?
Tôi lên gõ cửa phòng hai nhà văn. Ông Địa phương mắt nhắm mắt mở, ngáp, rồi hỏi:
- Lão béo đâu rồi? à, lão để lại cái giấy này. Ta không đeo kính, chú mày xem lão viết gì.
Tôi đọc mấy dòng nguệch ngoạc. Nhà văn trung ương có việc, phải về Hà Nội chuyến tàu 6 giờ sáng. Ông cám ơn tôi đã tiếp đãi và xin vì lỗi vẫn không nhớ ra tên tôi, đành tạm gọi là “chú em Thầu-Khoán-thân-mến”. Ông nhắc ông bạn văn nhớ viết câu chuyện về cô Nhu ở đảo Khổ Qua.
- Lại Khổ Qua! Chắc lúc ấy lão chưa tỉnh rượu nên mới viết như vậy.
- Ông Địa phương nhăn nhó bóp đầu - Hôm qua bọn mình uống ra trò đấy nhỉ? Chú mày không sao chứ?
Tôi nhắc nhà văn rằng chuyện cô Nhu rất đáng viết thành một tác phẩm văn học. Nếu ông có ý định dựng thành tiểu thuyết thì tôi, kẻ được ông coi là đệ tử - người rất hâm mộ ông, sẽ phụ giúp tìm tung tích cô gái ấy. Nhà văn cười gượng:
- Lão nói thế, chứ khó nhá lắm. “Chuyện đời Nhu” ư? Lại giống những truyện viết về người đàn bà bất hạnh với cái kiểu cứ chất đủ mọi tai ương lên đầu nhân vật chính cho chết đi, hoặc dở sống dở chết đến cuối truyện. Nếu cần một chuyện tình éo le, tớ phịa còn hay bằng mấy chuyện thực ấy. Với lại, tớ đang bận làm một cái dài hơi về công nghiệp liên doanh, đã tạm ứng mấy triệu rồi.
Vậy mà hôm qua tôi cứ tưởng câu chuyện đã làm xúc động trái tim nhạy cảm của nhà văn. Có thể ông đã trân trọng nỗi đau của số phận một con người; ông không muốn thể hiện câu chuyện một cách bất cẩn hời hợt. Ông muốn hiểu một cách sâu sắc, muốn nhập thân vào câu chuyện. Được rồi, có dịp, tự tôi sẽ tìm hiểu về cô gái ấy, như một người sưu tầm, để tin rằng dù cuộc sống hiện đại có biến mỗi con người thành một chi tiết của cái cỗ máy thực dụng khổng lồ, thì cũng vẫn còn có thứ tình yêu khiến người ta có thể chết cho nó, như những tín đồ vui lòng làm vật hiến sinh cho một tôn giáo chí kính. Nếu có người bỏ cả đời để nghiên cứu một giống siêu vi trùng, thì việc cúi xuống một số phận bất hạnh của đồng loại cũng không phải là vô ích.
*
Đảo Khổ Qua không có tên trên bản đồ thông thường. Chỉ những bản đồ ở tỷ lệ lớn của hải quân khi xác định lộ trình cho các chiến hạm mới ký hiệu đảo này bằng những con số và chữ cái. Dân chài còn gọi là đảo Hạt Trai. Không phải ở đó có thể dễ dàng tìm được ngọc trai mà vì quần đảo này gồm những đảo nhỏ xíu như chuỗi hạt trai vãi trên biển. Lúc mặt trời mọc hoặc khi chiều tà, nhìn từ xa, kỹ thuật quang học kỳ diệu của thiên nhiên như một trò chơi tổng phổ giữa bầu trời và mặt biển làm những hòn đảo rực sáng long lanh đủ màu sắc. Chính ánh sáng châu báu ấy đã gây ảo tưởng cho những người dân chài nghèo khổ của thế hệ đầu tiên khi họ lang thang trôi giạt trên biển tìm nơi cư trú.
Chỉ khi đổ bộ lên đảo, người ta mới biết ở đây không có những vỉa vàng, bạc, kim cương lộ thiên phát sáng. Tuy vậy họ đã tìm thấy một nơi rất tốt để có thể sinh sống lâu dài. ở đảo chính có một vụng lõm sâu, kín gió, là vịnh neo thuyền an toàn. Trên đảo mọc nhiều rau muối, rau dền, và có mạch nước ngọt. Ngày trước, những kẻ trốn lính, tránh phu, chạy tội đã coi đây là thiên đường.
Có một thời, ngư dân người Hoa cư trú lẫn với dân Việt trên đảo. Tên Khổ Qua do những người Hoa đặt cho hòn đảo lớn. Những đảo nhỏ gần đấy được gọi là Còng Gió, Cái Bèo, Hòn Nhám...
Gã bạn thuở trung học của tôi, bây giờ là thuyền trưởng chiếc tàu vận tải ven biển. Hắn chuyên chở vật tư cho công trình mà tôi nhận thầu xây dựng ở đảo Khổ Qua. Bề ngoài hắn giống một tên cướp biển ở thế kỷ trước với bộ râu quai nón và mớ tóc rậm rối bù trên cái đầu to tướng không mũ nào vừa, phải buộc bằng chiếc khăn lớn kẻ sọc. Suốt một ngày dài trên biển, hắn đã kể về hòn đảo mà tôi sắp đến đó. Hắn gãi bộ ngực trần nổi múi, nháy mắt cười với tôi:
- Ra đảo Khổ Qua mà được ở lại đó ít lâu là trúng giải đặc biệt đấy.
- ở đấy có gì hấp dẫn? - Tôi hỏi.
- Con gái! Con gái, ông cai thầu ạ. Con gái Khổ Qua là đặc sản thượng hạng - Gã thuyền trưởng nói sau cái liếm mép rất tự nhiên như một con cáo đói khát nghĩ tới đám thỏ non mũm mĩm.- Nghề hàng hải của tôi nghiên cứu rất nghiêm túc về đám đàn bà con gái như nghiên cứu những luồng lạch trên sông biển vậy. Có vùng biển, vùng đất tạo ra những người con gái hấp dẫn. Nếu ta đánh mất hải đồ hoặc la bàn khi đi biển, thì hãy tìm hiểu những nữ thổ dân bắt gặp trên các đảo. Những bộ ngực, cặp môi, màu mắt, màu da..., và cả cách làm tình của họ sẽ cho biết ta đang ở đâu. Đó là bản đồ sinh học.
Ví dụ, nếu ta đắm tàu lạc lên đảo Tahiti chẳng hạn, hãy để ý đến bộ ngực lớn quá khổ để trần của các cô gái ở đó... ta sẽ đọc được tên chính xác của hòn đảo đó với đầy đủ kinh độ, vĩ độ.
Tôi phì cười, vì cái kiểu nhào trộn bậy bạ giữa môn địa lý và nhân chủng học của gã ba láp. Nhưng tên đảo Khổ Qua đã gợi nhớ tới câu chuyện về cô Nhu. Tôi kể cho hắn nghe chuyện đó, để khỏi phải nghe những điều nhảm nhí về đàn bà con gái của hắn. Gã thuyền trưởng tỏ ra không thích thú:
- Chuyện tình yêu vớ vẩn. Nhưng “qua câu chuyện đó, các em cần rút ra bài học là:...”- Hắn nhại lời ông thày dạy văn lẩm cẩm của chúng tôi ngày xưa, -...Nếu dùng tiêu chuẩn đạo đức thông thường để chia nhân loại ra làm hai nửa A và B; nửa A là những kẻ ích kỷ, độc ác; thì những kẻ thuộc nửa B sẽ là nạn nhân của nửa A, gồm những người kém cỏi, bạc nhược và cả những người giàu lòng vị tha nữa.
- Đấy là lý thuyết sặc mùi “ cá lớn, cá bé ” theo nghề đi biển của ông. Nếu tôi chỉ làm thầu khoán để sống, không hại ai và cũng không để ai hại mình. Vậy phải có loại C cho người như tôi chứ?
- Chỉ có hai thôi. Không hơn không kém. Nếu ông ấm ớ, lừng chừng, thì ông sẽ bị tống vào loại B, làm nạn nhân. Mà chắc gì cái nghề thầu khoán xây dựng của ông hoàn toàn lương thiện? Thế nào mà ông chẳng khai gian khối lượng, tính khống vật tư, và ăn chặn công thợ?
- Hắn cười hô hố, khoái trí vì đã vạch trần tim đen của tôi.
Hòn Nhám là nơi tôi nhận xây ngôi nhà làm việc cho một cơ quan nghiên cứu biển, và khôi phục một cây hải đăng. Đảo này còn có tên khác nữa do người Pháp đặt: “ Nau-Vol ”, gọi tắt của “ Naufragé Volontaire ”- “ Tình nguyện đắm tàu ”. Nghe rất hăm dọa. Đó là do Hòn Nhám có độ cao vượt lên những đảo lân cận và quanh đảo là những vách đá dựng đứng, khi động biển có thể làm vỡ tan những tàu thuyền định cập bờ đảo. Chỉ có một bến đỗ duy nhất rất hẹp. Eo biển giáp đảo chính luôn có hàng đàn cá nhám - một loại cá mập - và cũng có cả lũ cá mập trắng hung dữ thường lởn vởn gần những mỏm đá ngầm hiểm ác. Hòn Nhám nhô xa ra khơi, tiện việc quan sát vùng biên hải phận, là nơi có đồn biên phòng.
Phải vất vả suốt hai ngày, chúng tôi mới bốc dỡ được hết số vật tư xây dựng lên đảo. Gã thuyền trưởng rậm râu trở về đất liền, một tháng nữa hắn sẽ quay lại với chuyến hàng tiếp theo. Khi tàu nhổ neo, hắn đứng trên boong hớn hở gửi tôi một cái hôn gió. Hai ngày qua, hắn đã kịp làm cái việc của một gã thủy thủ đàng điếm đối với vài nữ cư dân trên đảo.
Khi chiếc tàu chỉ còn là một chấm nhỏ rồi biến mất ở nơi trời giáp biển, tôi thấy buồn như một người bị bọn cướp biển vứt lại trên hoang đảo. Lần đầu tiên tôi đến một nơi cách biệt với cuộc sống đô thị náo nhiệt. Tôi chưa biết sẽ làm cách nào để qua được những buổi tối và những ngày nghỉ sắp tới.
Tôi nhớ tới câu chuyện về người con gái bất hạnh trên đảo Khổ Qua này. Tôi quyết định sẽ tìm hiểu về cô Nhu ấy. Biết đâu những tư liệu sống động sẽ khiến ông nhà văn địa phương viết được một tác phẩm có giá trị.
*
Ông già tôi thuê làm bảo vệ công trường tên là Thự, đã sống trên đảo hơn bốn mươi năm. Ông khoẻ mạnh rắn chắc như những lão ngư dân thường gặp. Ông từng là bộ đội tham gia giải phóng đảo từ tay quân Pháp. Sau ngày hoà bình ít lâu, khi thiết lập bộ máy hành chính, ông là chủ tịch xã đảo Khổ Qua. Những điều đó chứng tỏ ông là người đáng tin cậy. Ông trưởng thôn nói với tôi về ông Thự như vậy. Ban đầu, tôi tưởng đã gặp may khi tìm được một ông già khoẻ mạnh lương thiện người bản xứ. Nhưng tôi đã sai lầm. Ông Thự không vợ con, coi hầu hết dân đảo như con cháu. Ai cần ít xi măng chít chum vại, hoặc láng ô chuồng lợn, góc sân, ông cho luôn. Cần đoạn sắt tròn làm móc thùng, giằng neo thuyền, ông cũng để tự chọn. Tôi xót của kêu lên:
- Bố bảo vệ công trường như thế thì ba tầng nhà con xây, chỉ còn hai. Rồi con phải ở lại luôn trên đảo này gác đèn trừ nợ mất thôi!
Ông Thự lý sự thô sơ như người còn ở trình độ bán khai:
- Thì dân đảo dùng, chứ có đem vứt xuống biển đâu mà sợ phí phạm!
Tôi đành tự lo lấy việc bảo vệ vật tư, để ông Thự ngồi làm cảnh. Tôi không dám sa thải một vị bô lão, sợ mếch lòng dân đảo. Nhưng rồi ông Thự đã bộc lộ giá trị thực của mình. Ông bắt các loại tôm cá, sò hến; tìm kiếm củ, quả, rau tươi trên đảo và nấu các món ăn rất giỏi. Món mướp đắng xào tu hài của ông, không một tiệm ăn đặc sản nào ở thành phố có thể sánh được. Món nước sốt ông chế từ hạt mướp đắng giã nhừ với ớt tươi, trộn nước cốt sò huyết thành một thứ tương có vị cay, đắng và ngọt đượm thấm thía, ngon kỳ lạ. Trên hòn đảo vắng, không có trò vui nào dành cho những gã thị dân như chúng tôi, thì những thú vị về tinh thần và thể xác từ các món ăn đã làm lợi cho chúng tôi hơn gấp nhiều lần số tiền công tôi trả cho ông Thự. Đến nỗi chỉ sau hơn ba tuần lễ, cả đám quân xây dựng chúng tôi đều béo phị ra. Mỗi chiều, khi tắm trên dải cát hẹp dưới chân đảo, cả một lũ béo quay, trông ngây ngô đần độn. Có lần, không nhịn được, tôi đã cười đến chảy nước mắt vì nghĩ tới đám thủy thủ của Uylixơ trong trường ca Ôđixê. Tối hôm đó, ngắm đám thợ béo múp nằm từng đống ngổn ngang, tôi nói với ông Thự:
- Bố nhìn những cái bị thịt kia kìa! Bố là lão phù thủy độc ác, đã biến tụi con thành một lũ Trư Bát Giới. - Và tôi kể cho ông nghe trường ca của Hôme, cái đoạn đám thủy thủ đói khát trôi giạt tới hòn đảo của mụ phù thủy Xiêcxê, bị mụ biến thành một đàn lợn thục mõm vào máng ăn, khoan khoái vẫy đuôi, ủn ỉn.
Ông Thự không cười. Ông im lặng một lúc rồi nói:
- Đảo này khí hậu tốt, hợp phong thủy nên những người dân gốc ở đây đều đẹp đẽ khoẻ mạnh. Nhất là đám đàn bà con gái, dân chài mà da dẻ hồng hào, mịn màng. Hồi đầu bọn tôi mới đến đảo, anh nào anh ấy xanh xao hốc hác, thế mà chỉ hơn tháng sau, cả bọn béo đỏ ra. Bộ đội với gái đảo cứ nhìn thấy nhau là mặt bừng bừng, rạo rực như uống rượu.
- ái chà! Chắc là từ hồi đó, bố chiến đấu với các chị em ở đây ác liệt lắm, đến bây giờ vẫn chưa hạ vũ khí, chưa chịu rời đảo. Bố hơi bị khôn đấy. - Một gã thợ sắt díp mắt lại ngáp, chêm một câu trước khi ngủ hẳn. Ông Thự không để ý đến câu nói của gã thợ sắt, mắt đăm đăm nhìn ra những lớp sóng lân tinh trên mặt biển đen thẫm.
Về khuya, mặt sóng dần êm hơn, gió tắt ngấm, không khí oi nặng như sắp có giông. Và cái điều tôi mong đợi đã đến bất ngờ. Ông Thự mắt vẫn không rời mặt biển đêm, cất giọng thì thầm, tự nhiên như nói về một chuyện cũ chợt đến:
- Đêm ấy, biển cũng lặng gió, bức bối như thế này. Cô ấy đã một mình bơi chiếc thuyền con từ Cái Bèo sang đây.
- Bác nói về cô Nhu phải không? - Tôi bật lên như phải bỏng.
- Thì còn ai nữa.- Ông Thự không hề ngạc nhiên khi tôi nói đến tên cô Nhu, làm như cô ấy là một người nổi tiếng, ai cũng biết. Tôi đưa bao thuốc lá cho ông, và tôi hưởng ứng câu chuyện cũng rất tự nhiên, như là tôi và ông đã từng nói với nhau về chuyện này:
- Sao cô ấy không chờ đến sáng, kiếm chiếc thuyền to, cùng đi với ai đó?
- Nói như cậu ấy! - Ông Thự châm thuốc, nhả khói, lim dim nhìn tôi, như khinh thường, như thương hại vì tôi không hiểu được cái điều đơn giản.
Tôi bắt chuyện ngay, và cố khẩn khoản:
- Bố, bố kể thật kỹ xem nào. Con chỉ mới nghe qua thôi.
Ông Thự kể câu chuyện không phải vì lời thỉnh cầu của tôi, mà tự ông muốn giải thoát một khối nặng nề đè trĩu lương tâm:
- Cứ như bây giờ thì chuyện sẽ khác. Còn thời ấy...
Bố của Nhu là sếp bốt Hòn Nhám, cầm đầu bọn lính đảo Khổ Qua. Lão và bọn lính đều là dân đạo gốc vùng Bùi Chu, Phát Diệm giạt ra đây. Bọn Tây rất ưa lính đạo, vì họ rất trung thành với quan thày Pháp, cho rằng cùng là “ Dân nước Chúa” cả. Đám lính đạo này đánh trận rất dữ.
Trước ngày hoà bình ít lâu, chúng tôi tiến đánh Khổ Qua để khai thông tuyến tiếp tế quân sự từ khu Bốn ra cho những trận đánh cuối cùng ở mặt trận phía Bắc. Lão Sòng cùng đám lính đạo quyết tử trong lô cốt. Chúng dùng đại liên Mỹ khống chế cái bến duy nhất, làm quân ta suốt đêm không đổ bộ lên đảo được. Hồi đó ta đâu có hạm thuyền; chỉ mỗi cái tàu khách ọp ẹp đưa bộ đội từ Cái Bàu sang, pháo phiếc chẳng có, chờ đến sáng thì sợ máy bay của chúng đến. Tôi phải cho một tiểu đội cảm tử có súng máy yểm trợ, nhất loạt vừa lia tiểu liên, vừa ào đến lô cốt, đánh vỗ mặt. Cả mười một cậu trẻ măng bị đạn mười hai ly bảy xuyên nát ngực, gục trên đường tiến. Còn một cậu bị thương nặng, cố lết sát lô cốt đặt quả bộc phá cỡ đại, rồi không còn sức lùi xa, cũng hy sinh luôn. Bọn trong lô cốt chết sạch. May cho chúng, không có đứa nào còn sống rơi vào tay tôi. Nhưng mấy tên sĩ quan đã kịp theo lối ngầm xuống mặt biển vọt ca-nô biến mất. Lão bố của Nhu ở trong số đó. Một thằng cha ngoan cố kỳ cùng, sau này bị liệt vào loại có nợ máu với cách mạng.
- Chuyện bố kể nghe ghê quá. - Tôi ngắt lời ông Thự, muốn lái sang chuyện Nhu - Thế còn cô Nhu lúc đó thế nào?
- Nhu... Nhu à? - Ông Thự trả lời sau một lúc im lặng - Lúc bấy giờ Nhu ở nhờ một người quen ngoài phố đảo. Hôm sau, chúng tôi đi khắp khu đảo trấn an dân chúng và lùng tìm bọn tàn quân.
*
Ông già gày còm có màu da xám của người nghiện thuốc phiện, giắt một cô gái đầu tóc rũ rượi, bị trói giật cánh khuỷu, đến trước mặt Thự, khúm núm:
- Thưa... Thưa ông chỉ huy. Con bé này là con tên Sòng, sếp bốt Hòn Nhám. Nó cùng học với con bé nhà tôi, trốn trong nhà tôi, hôm nay tôi mới biết. Thưa... khu nhà tôi rộng, không để mắt hết. Nếu biết sớm, tôi sẽ nộp nó cho các ông ngay. Thưa ông,... quả tình...
Lão run rẩy chìa cho Thự đầu đoạn dây thừng, một đầu kia trói ghì hai cánh tay cô gái, như thể lão đang nộp cho anh một con bê non. Cô gái chừng mười tám tuổi, mớ tóc dài đen mướt rẽ ngôi giữa, lộ một vết tím bầm trên trán, cặp mắt mở to ngơ ngác, sợ hãi.
- Cô này làm gì trong hàng ngũ bọn lính nguỵ trên đảo? Cứu thương, đánh máy chữ, điện tín viên... chẳng hạn? - Thự hỏi.
- Bẩm... không ạ. Nó... chỉ là con của tên sếp Sòng. Nó đi học bên Cái Bàu, bây giờ đang kỳ nghỉ, ở nhà...
- Thế còn ông? Làm gì ở đảo này? - Người trợ lý của Thự chợt hỏi xen vào. Đó là Hải, học sinh trung học, văn hoá cao nhất đơn vị; thường giúp Thự những công việc văn phòng, thảo báo cáo, vẽ bản đồ, và thông ngôn khi hỏi cung tù binh Pháp. Thực rất thân thiết với Hải như đối với một người giúp việc đắc lực.
- Dạ... bẩm, tôi chỉ bán gạo, vải vóc, hàng tạp hoá... Tôi có một cửa hàng nhỏ bên Cái Bèo. - Lão già sợ hãi trả lời Hải.
- Tức là phục dịch, cung cấp vật dụng cho lính nguỵ chứ gì? Ông sẽ bị kết tội làm tay sai cho giặc đấy. Ai cho phép ông hành hạ, đánh đập người khác? Cởi trói cho người ta ngay! - Hải quát lên như chính anh là chỉ huy ở đây.
- Bẩm... tôi không đánh, lúc nãy nó vấp ngã, tay bị trói không đỡ được... Vâng, vâng... tôi cởi trói ngay đây... Tôi không bán hàng riêng gì cho bọn lính nguỵ,... Ai có tiền mua, tôi bán... - Lão già run bắn lên.
- Thôi được, chúng tôi sẽ giữ cả hai người lại để điều tra - Thự lên tiếng.
Lão già lập cập cởi trói cho cô bé, rồi chợt bật khóc rưng rức:
- Con ơi, bác cứ tưởng làm thế này, tốt cả cho con lẫn cho bác...
Cô bé cũng ôm mặt khóc. Bố của bạn cô bé đã bày kế khổ nhục để an toàn cho gia đình lão và cũng là cách cô tự nộp mình.
Thực cho giữ hai người lại, hôm sau mới thả. Thự làm thế để thị uy, chứ anh cũng biết cái lão chủ cửa hàng tạp hoá là người gốc Hoa, họ Triệu chỉ biết bán hàng cho bất cứ ai để kiếm lợi và cô bé đang còn là học sinh, chẳng có gì để khai thác.
Ngoài xa, cơn bão hôm trước đã tan hẳn, mặt biển ánh màu xanh lá cây sẫm. Vài chiếc thuyền của dân chài Khổ Qua đã ra khơi. Nhưng Thự không nghĩ rằng cuộc sống đã trở lại nhịp điệu bình yên của nó. Lão Triệu được tiếp tục buôn bán vì cửa hàng của lão cần cho dân đảo và bộ đội.
Còn cô bé thì bắt đầu những ngày không dễ chịu.
Cô tên là Nhu, con của tên sếp bốt Hòn Nhám. Mặc dù cặp mắt trong trẻo và bề ngoài như một đứa trẻ của Nhu không thể ẩn chứa một âm mưu gì, nhưng Thự vẫn phải nghĩ theo bài học cảnh giác. Có thể lão Sòng cho con gái ở lại, phá hoại.
Thự, quê vùng duyên hải, thạo sông nước từ nhỏ, học hành chút ít, được tuyển làm thủy thủ tàu chở khách chạy ven biển. Chưa kịp vợ con, yêu đương gì thì toàn quốc kháng chiến. Thự gia nhập vệ quốc quân và trở thành một chỉ huy rất kiên quyết.
Khi Nhu hất mớ tóc dày đen nhánh lên để lộ khuôn mặt trẻ trung hấp dẫn một cách tự nhiên, tim Thự đập mạnh. Anh phải chế ngự sự yếu đuối tức thời của mình bằng cách tự nhắc rằng, trước mặt anh là con gái của một kẻ thù. Nhưng anh linh cảm thấy bài học về đấu tranh giai cấp ấy cũng sẽ khó giúp anh ổn định được lập trường, chế ngự được cơn sóng tình cảm bản năng. Giá như Nhu là một thiếu nữ biết kiêu hãnh về sắc đẹp của mình, cố ý làm tăng sự hấp dẫn của mình, thì Thự sẽ coi cô chỉ là con gái của một tên sĩ quan trong hàng ngũ địch, xếp cùng loại với vợ con của bọn tư sản phản động. Nhưng cô ta lại hồn nhiên ngây thơ, không chút ý thức về sắc đẹp và địa vị trước kia của mình.
Lão Triệu đến xin phép Thự cho Nhu được về ở nhà ông. Từ khi học lớp đồng ấu, cô con gái út của lão và Nhu thân thiết như chị em. Lão xin chịu trách nhiệm, không để Nhu làm gì phương hại đến bộ đội và dân đảo.
Thự đồng ý, vì anh cũng chưa tìm được cách xử lý với cô bé. Nhu được sống hợp pháp trong nhà lão Triệu.
- Lão lái buôn vụ lợi! - Hải bình luận một cách khó chịu - Lão sợ lúc này thuê nhân công sẽ bị mang tiếng là bóc lột. Với lại, lão đã nhắm Nhu cho thằng con của lão. Nhất cử lưỡng tiện. Lại còn được tiếng là nhân đạo. Lão biết mình là người nước bạn, sẽ không bị rắc rối gì.
Những người dân chất phác của đảo Khổ Qua quen ngay với cuộc sống mới. Đảo từ nay thuộc sự kiểm soát của bộ đội ta. Dân chài đánh cá để sinh sống và đóng thuế cho nhà nước. Mọi việc lại bình thường.
Thự được cấp trên cử tạm thời làm Chủ tịch ủy ban Hành chính đảo Khổ Qua. Anh ta luôn chú ý tới Nhu. Vì, cần phải cảnh giác với trường hợp đặc biệt này. Thự tự giải thích cho mình như vậy. Anh thường tới cửa hàng lão Triệu ngồi hàng giờ với ca nước đắng kiểu Quảng Đông do lão Triệu chế. Thỉnh thoảng, Thực hỏi han Nhu những chuyện không quan trọng và được cô bé trả lời rất lễ phép. Có lúc Thự giúp Nhu khiêng bao gạo, xách thùng dầu hoả. Đó cũng là một cách để khống chế và cảm hoá kẻ thuộc thành phần xấu. Thự giải thích như vậy cho những người không hiểu về công việc của anh.
*
- Con Nhu với con Hà nhà tôi muốn sang bên Cái Bàu theo học tiếp. Tôi làm đơn xin Uỷ ban cho phép các cháu đi học. - Lão Triệu rụt rè nói với Thự.
Thự trả lời sau một lúc suy nghĩ:
- Cô Hà, con gái ông thì cứ việc đi học. Nhưng cô Nhu thì không được.
Ông Triệu ngạc nhiên:
- Sao con Nhu lại không được đi học. Nó có khác gì con Hà?
- Ông phải biết chứ. Con em quần chúng lao động còn chưa được đi học hết. Cô ta cần phải ở lại đây để tiện theo dõi, khống chế.
- Thưa Uỷ ban, con Nhu còn ít tuổi, chẳng thể làm điều gì có hại. Tôi xin đảm bảo mà!
Thự nổi giận:
- Ông đảm bảo cho chính ông trước đã. Tôi còn chưa tính đến chuyện trước kia ông đã phục vụ bọn lính nguỵ trên đảo như thế nào!
Lão Triệu run bắn, lập cập ra về. Một mình Hà sang Cái Bàu học. Sau này khi Hà tốt nghiệp trung học, lão Triệu cho con gái về Trung Quốc.
Nhu vẫn sống trong nhà lão Triệu. Lão sợ rắc rối cũng bỏ ý định cưới Nhu cho con trai lão. Nhu nhẫn nhục lầm lũi làm lụng mọi việc, câm lặng như một cái bóng với thân phận con nuôi, mà cũng là con ở. Nhưng Nhu ngày càng đẹp ra, một vẻ đẹp âm thầm như loài hoa dưới đáy vực tối, với đôi mắt đen không ánh sáng, đượm buồn, luôn nhìn xuống. Những chàng bộ đội ngơ ngẩn vì vẻ đẹp ấy. Thự lo lắng, theo dõi, xét nét cấp dưới của mình, cố giữ gìn để trong sạch đội ngũ. Giống như người đang thực hiện trọng trách trông coi nhà tu kín, Thự cũng cay nghiệt không kém một bà Nhất đối với các nữ tu.
- Lập trường của cậu ở đâu, mà lại định câu kết với con gái của kẻ thù? Cậu muốn kỷ luật phải không? - Thự trợn mắt quát anh chàng nào có ý định léng phéng.
Có một tay quê vùng trung du, ngán đảo quá, đã nghĩ ra một mẹo để trở về đất liền. Gã thành khẩn tự kiểm điểm rằng mình đã chót dại quan hệ tình cảm với Nhu. Thự đùng đùng nổi giận, lôi gã này ra hội nghị cạo cho một mẻ nên thân, rồi đề nghị chuyển gã đến một đảo khác, xa đất liền hơn, tít tắp ngoài khơi. Gã láu cá đã tự hại mình, mặc dù anh em và chính Thự cũng biết thừa rằng cái gã mặt rỗ, nói lắp ấy bịa chuyện.
Lúc này trong đất liền có nhiều việc phải làm. Những đảo nhỏ, ở xa như Khổ Qua chỉ cần có những chính sách chung rồi giao phó cho những người vững vàng về mọi mặt như Thự. Được cai quản một vùng lãnh thổ biệt lập với đất liền, Thự tự cho mình là một nhà toàn quyền. Dân chúng coi anh là vị chúa đảo, quyết định mọi chuyện trong đời sống của họ. Còn anh em bộ đội thì coi Thự là một chỉ huy được đẽo bằng gỗ, một vị thượng cấp không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để trừng phạt cấp dưới. Họ đã giữ một khoảng cách an toàn với anh ta. Thự biết điều đó, nhưng anh không hề có ý định sửa đổi tính cách của mình. ở cái nơi chơ vơ sóng gió như trên một con tàu viễn dương này, nếu dễ dãi với dân chúng và cấp dưới thì trật tự sẽ đảo lộn và những điều tệ hại nhất sẽ xảy ra.
Để duy trì trật tự trên cái tiểu giang sơn của mình, Thự đã tìm ra một cách hiệu nghiệm hơn cả cách đẩy những kẻ tà đạo vào chuồng sư tử, hoặc ném xuống hầm cá sấu như ngày xưa. Đó là diệt dục. Thự tự thán phục mà không biết rằng cái thuật ấy cũng thuộc hàng thượng sách đã được những nhà tư tưởng ngày xưa dùng để giữ vững học thuyết của những giáo phái. Thự đã làm điều đó một cách say sưa và thích thú đối với đám bộ đội trẻ. Anh buộc họ phải kiểm tra giám sát lẫn nhau để rồi mọi chuyện riêng tư phải được đưa ra những buổi sinh hoạt tư tưởng. Thích ăn ngon mặc đẹp là tư tưởng hưởng thụ, là thói xấu tư sản, tiến tới bóc lột. Còn chuyện yêu đương trai gái chỉ là khởi sự của việc hủ hoá. Những điều đó đều phải bị lên án.
Hải là người đầu tiên phản đối Thự:
- Anh gò ép mọi người như thế để làm gì? - Anh em đều là lính từng trải, cũng tự biết đúng, sai. Không có những quy định khắt khe của anh thì ở hòn đảo hoang vu này cũng quá gian khổ rồi.
- Cậu phê phán cấp trên đấy à? Tôi là chỉ huy, tôi chịu trách nhiệm về mọi mặt. Vừa mới hoà bình mà các cậu đã định hưởng lạc, sa đoạ, mất cảnh giác...
Ngay sau đó, Thự bắt Hải làm bản kiểm điểm rồi tổ chức một họp phê bình gay gắt. Tình thân giữa hai người từ rất lâu trước kia đã không còn nữa.
*
Trời sắp sang thu, biển xám ngắt màu chì. Sóng cuồn cuộn vật vã như đang tự dằn vặt về một điều gì đó. Thự một mình đi dạo trên sườn đảo vắng. Anh lầm lũi rẽ cây dại, vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ. Bỗng dưng chiều nay Thự nhớ quê. Và anh thấy mình cô độc. Mặt biển dưới kia vọng lên tếng sóng và tiếng chim biển khắc khoải.
Hình ảnh cô con gái của tên sếp bốt Sòng thoáng gợn. Nhưng Thự lướt nhanh hình ảnh đó như dấu vội một của gian dưới áo khi bị người khác bắt gặp. Anh đã đến gần cái lô cốt cũ. Cỏ lau và những dây mướp đắng đang phủ kín tât cả. Những mảng tường đá vỡ nát vì bộc phá trước đây, rêu bắt đầu mọc, trông như phế tích của một thời nào đó. Thự đứng lặng, nhớ tới những đội viên của tiểu đội cảm tử đêm hôm đó. Mộ của mười hai người nằm quanh đây.
Chợt Thự đứng sững lại. Có tiếng người thì thào lẫn trong tiếng cỏ gianh xào xạc và tiếng sóng vỗ.
-... Có em rồi, mẹ vẫn không chịu chung sống với cha em. - Tiếng một người con gái, chính là Nhu - Bà tự làm công việc chài lưới vất vả để nuôi em, không nhận một đồng của cha em. Khi em lên năm tuổi, cha em đến bắt về ở với ông ấy. Bọn lính đẩy ngã mẹ em và lôi em ra khỏi ngôi nhà nhỏ bên Cái Bèo, đem sang Hòn Nhám này. Em khóc thét, cắn chảy máu tay tên lính. Mẹ gào lên: “Con nhớ lấy, con là con đẻ của mẹ; nhưng mẹ bị lão Sòng cưỡng bức sinh ra con. Mẹ yêu thương con suốt đời, nhưng mẹ căm thù lão Sòng đến chết! ”
- Vì sao lại thế? - Tiếng một người con trai. Là Hải. Thự thấy tim mình hụt nhịp vì bất ngờ. Anh ngồi xuống sau mô đá lắng nghe.
- Mẹ và một người đàn ông khác trên đảo này sắp cưới nhau. Rồi người ấy chết vì cá mập. Người ta bảo, cha em muốn lấy mẹ em nên bày ra thế. Chứ người ấy thạo sóng nước nhất đảo này. Hồi ấy mẹ em đẹp lắm.
- Rồi mẹ có về với cha em không?
- Không. Sau này trong một trận bão biển, mẹ em bị sóng đánh đập đầu vào mạn thuyền, loà hai mắt. Rồi mẹ em chết đuối khi đi nhặt con móng tay trên bãi sú, nước triều lên cao, không biết lối vào bờ...
- Sao lớn lên, em không về với mẹ?
- Năm em lên tám, bố em đã gửi em sang trọ học bên Cái Bàu. Lúc mẹ chết, em cũng không biết.
Họ im lặng. Thự khẽ nhô đầu ra khỏi bờ đá và anh nhìn thấy Nhu úp mặt vào vai Hải khóc, còn Hải lau nước mắt cho người yêu bằng cặp môi của mình.
Thự muốn nhảy xổ ra thét to: “Các người dám đem nhau ra đây hủ hoá!” Nhưng Thự kịp nhận ra rằng mình vô lý, và đành ngồi yên.
- Bây giờ em định thế nào. Chả lẽ cứ đi ở không công cho nhà lão Triệu?
- Em cũng chẳng biết phải làm gì nữa. Có lần ông Thự đến quán lão Triệu, mà không hiểu sao ông ấy hay đến đấy thế, em xin ông ấy cho phép em về quê ngoại ở Cẩm Giàng để nhờ vả họ hàng. Nhưng ông ấy không nghe, bảo em thuộc thành phần không thể cho vào đất liền được. Chẳng lẽ em chết mòn ở đây?
Bất chợt Hải nắm chặt cánh tay Nhu, khiến cô nhăn mặt:
- Chúng mình cưới nhau! Em bằng lòng không?
Nhu lặng người đi một lát.
- Em biết,... Hôm lão Triệu trói em dẫn đến nộp cho bộ đội, anh đã bênh vực em. Nhưng, ông Thự sẽ bảo em là “viên đạn bọc đường”, em lấy anh là để hại anh, để chui vào hàng ngũ các anh.
- Anh sẽ báo cáo cấp trên rằng anh lấy em là để giáo dục, cải tạo em. Nếu cấp trên không an tâm thì cho anh giải ngũ, ở lại với em trên đảo này. Còn nếu không được như vậy, thì chúng mình sẽ vượt biển trốn đến một đảo khác, thật xa.
Vậy là đối với hai người yêu nhau, câu chuyện không còn nan giải nữa. Và họ ôm lấy nhau say đắm như mọi cặp tình nhân trên đời.
Chợt Hải bật kêu lên khe khẽ ôm lấy bả vai:
- Em cắn anh đứt thịt rồi!
- Làm thế để nếu không lấy được nhau, anh sẽ nhớ em suốt đời. - Nhu nói và lấy khăn tay buộc vết cắn ứa máu cho Hải.
Họ đã yêu nhau từ rất lâu mà anh không hề biết gì. Bây giờ bí mật ấy phô bầy ngay trước mắt Thự. Thự nuốt nghẹn, giật lùi trượt xuống sườn dốc.
Đêm ấy, Thự không ngủ. Tiếng sóng ầm ầm dội vào trí não Thự để đến sáng bật ra một quyết định. Anh liên lạc về đất liền báo cáo chuyện của Hải. Anh lưu ý cấp trên rằng, có thể đây là âm mưu của lão Sòng. Một chuyện nghiêm trọng ghê gớm. Thự trở nên linh hoạt, phấn chấn. Thự đề nghị điều động gấp Hải về đất liền để xử trí.
Chờ sau bữa cơm chiều, Thự mới báo cho Hải biết quyết định của cấp trên. Hải phải chọn: Hoặc theo ngay chuyến tàu chiều nay về đất liền chịu kỷ luật, để rồi còn có cơ hội phục hồi cương vị cũ và tiến bộ. Hoặc ở lại đảo như một phạm nhân và mọi cánh cửa dẫn đến tiền đồ tốt đẹp sẽ đóng sập vĩnh viễn. Hải choáng váng và hốt hoảng như phải đứng trước sự sống và cái chết. Tình yêu không giúp gì được cho anh. Hải đã chọn cách thứ nhất. Anh không kịp báo cho Nhu. “ Rồi Nhu sẽ hiểu ” - Hải nghĩ. Tuy vậy trước khi lên tàu, Hải đã nhờ một người bạn thân chờ đến đêm sẽ treo ngọn đèn bão của anh lên nóc tháp canh. Và rồi cái đốm lửa giữa đêm biển mịt mùng đó đã khiến Nhu đã bỏ cả cuộc đời để chờ đợi Hải.
Còn Hải đã không bao giờ trở lại đảo Khổ-Qua nữa.
Chập tối, con tàu tiếp tế định kỳ cho đồn biên phòng Khổ-Qua trở về đất liền. Tiếng còi chào rời bến như thường lệ vang động khu đảo, làm Nhu bồn chồn. Có điều gì không lành đối với cô trong tiếng còi ly biệt rền rĩ như tiếng rống đau đớn của một con vật.
Đêm ấy, Nhu vội vã chèo con thuyền nhỏ vượt qua eo biển. Trời lặng gió nhưng sóng ngầm rất dữ. Chớp lóe sáng những đám mây xa. Sắp có bão biển. Lũ cá mập hung tợn hơn ngày thường. Chúng bám theo Nhu, quẫy táp dữ dội làm khoang thuyền hẹp nước dằm mấp mé muốn chìm. Không biết Nhu đã bơi được bao lâu trên biển. Miệng khô khát, Nhu căng mắt nhìn quanh mạn thuyền. Cô vừa chéo thuyền vừa giáng mái chèo xuống những có con cá mập chồm đến. Chiếc khoang thuyền gần ngập nước, trôi chậm chạp. Đột nhiên Nhu thấy buốt sót một bên chân. Một con cá mập đã kịp táp vào bắp chân cô. Những cái vây dữ tợn hình tam giác nhọn hoắt nhô lên luợn quanh thuyền.
- Cút đi! Sao chúng mày ác thế? Tao có làm gì chúng mày đâu. Anh Hải ơi, cứu em! - Nhu tuyệt vọng oà khóc. Một con cá mập khổng lồ trườn xuống dưới định hất tung con thuyền. Nhưng khoang thuyền chứa đầy nước chỉ tròng trành đổ bớt nước ra ngoài. Nhu giáng mái chèo vào cái vây nhọn khi nó xuất hiện ở mạn thuyền bên kia. Con cá không chịu được cú đòn, lao biến đi. Lũ cá còn lại vẫn không chịu buông tha Nhu. Chúng tiếp tục quẫy táp quyết đánh đắm con thuyền. Nhu vừa chống chọi với bầy cá mập vừa chèo giữ không để dòng tiểu hải lưu mạnh thường xuất hiện ở eo biển này trước những cơn động biển, đang muốn cuốn băng con thuyền ra khơi.
Nhu đã đưa thuyền theo hướng ngọn đèn treo trên tháp canh đồn biên phòng, và cô đã đến được Hòn Nhám.
Tổ tuần tra bắt gặp Nhu bên mép nước với chiếc mái chèo gãy. Cô nằm trên cát, nhợt nhạt, bắp chân trần vấy máu. Bộ quần áo ướt rách tươm dính sát thân hình Nhu. Những đường cong trên thân thể trẻ trung của người con gái khoẻ mạnh ngày thường khuất lấp dưới lớp vải thô lụng thụng, lúc này lồ lộ ánh lên lấp lánh trong luồng sáng trắng của chiếc đèn bốn pin, lộng lẫy như một nàng tiên cá vừa từ dưới biển lên. Những người lính dạn dày sóng gió và những trận đánh ác liệt trên biển đứng vây quanh Nhu, kinh ngạc vì chuyến vượt eo biển dữ trong đêm của cô gái.
Thự được tin, hộc tốc đến nơi.
- Đang đêm, cô đến đây làm gì? - Thự quát lên - Do thám gián điệp hả? Đêm tối như mực, chỉ có la bàn gián điệp mới xác định được vị trí Hòn Nhám này. Ghê gớm thật. Phải khám xem nào.
Thự vừa chạm vào người Nhu, cô bật dậy hốt hoảng ôm chặt lấy ngực:
- Không. Em không làm gián điệp. Em đi tìm anh Hải.
- Hải đã theo tàu tiếp tế về từ chập tối. Về phép cưới vợ, rồi ở lại đất liền luôn. - Thự hả hê thông báo.
Nhu rũ người xuống mặt cát, môi tái nhợt ánh đèn:
- Ông nói dối. Trên tháp canh kia có ánh đèn giúp tôi bơi thuyền đến được đây. Anh ấy còn ở đó. Anh ấy vẫn còn yêu tôi. - Nhu oà khóc - Ông nói dối. Ông ác lắm! Tôi căm thù ông.
Thự thét lên:
- Một lũ gián điệp! Bọn chúng cấu kết với nhau. Tên Hải đi rồi. Ai đã thắp đèn làm tín hiệu gián điệp? Thành khẩn khai ra, sẽ được khoan hồng?
Những người bộ đội im lặng. Một người bạn đã treo ngọn đèn bão trên tháp canh như yêu cầu của Hải trước khi xuống tàu. Từ bên Cái Bèo, trong đêm tối, nhìn thấy rõ đốm lửa sáng. Đó là một vi phạm quy định, không thể tha thứ. Nhưng Thự không tìm ra người đó và Thự cũng không hề biết những đêm trước kia vẫn có ngọn đèn treo ở đấy, với quy ước:
“Anh đang ở đây! Anh yêu em!”.
- Cậu Trung! Lên trên kia đập tan ngọn đèn gián điệp đi. Tổ gác sẽ bị kỷ luật nặng. Còn cô, về ngay Cái Bèo. Đây là khu quân sự. Mai tôi sẽ nói chuyện với lão Triệu.
Nhu đã hiểu. Cô im lặng đứng lên lấy chiếc mái chèo gãy làm nạng chống, từng bước lết đôi chân đẫm máu đến bên con thuyền nhỏ. Trước cặp mắt như nảy lửa của Thự, không ai trong đội tuần tra dám đến giúp Nhu lật nghiêng con thuyền, để đổ nước. Nhu một mình làm cái việc nặng nhọc đó với chiếc chân bị thương. Họ nghe thấy tiếng rên đau đớn và tiếng nức nở không nén được của cô gái. Mặt họ nóng rát vì xấu hổ. Rồi bất chợt cả ba người trong đội tuần tra cùng một lúc chạy đến giúp Nhu.
Cứ để ông Thự kỷ luật cả đội tuần tra, cả tổ gác trên kia, và toàn trung đội nữa. Cho ông ấy sung sướng đến phát điên lên vì một lúc đã tóm được rất nhiều kẻ lầm lỗi để trừng trị. Ba người phớt lờ cặp mắt nảy lửa của Thự, và lương tâm họ vô cùng thanh thản.
Ngọn đèn trên sườn đảo tắt ngấm. Biển đen như đáy địa ngục. Không còn điểm chuẩn nữa, Nhu có thể giạt ra ngoài khơi, có thể bơi thuyền lạc trở lại khu vực có lũ cá mập đói.
Một anh bộ đội kịp ghé tai Nhu:
- Cho thuyền đến bờ phía Tây đảo trú tạm. Đến sáng, anh sẽ đưa em về.
Không cần. Hải đã đi rồi. Nhu bằng lòng chết dưới những lớp sóng đen ngòm lạnh ngắt kia.
Nhưng Nhu vừa đẩy thuyền ra mép nước thì mặt biển sáng rực lên. Trăng đã mọc. Mặt trăng rất lớn màu da cam soi rõ hòn đảo chính hình quả mướp đắng.
*
Tôi nhìn những lớp sóng lân tinh ngoài khơi và hình dung ra con thuyền mỏng manh cùng cô gái yếu đuối đang vật vã chống trả những cơn sóng dữ và bầy cá mập đói. Nhưng tôi không tưởng tượng nổi, sau đó ít lâu Thự đã ngỏ ý xin cưới Nhu, đúng lúc anh ta ở vị trí quyền lực cực trị của vương quốc Khổ-Qua này. Liệu lúc đó trông Thự có giống bộ điệu của một vị đại giáo chủ thời trung cổ khi ngỏ lời cầu hôn với một cô gái tà đạo bị khép tội hành nghề phù thủy. Anh ta tỏ vẻ hạ cố cúi xuống một “ đối tượng thuộc thành phần xấu ” để cải tạo cảm hoá; hay bối rối sượng sùng?
Nhưng tôi lại hình dung rất rõ cảnh Nhu ôm mặt thét lên vì ghê sợ khi nghe Thự nói ra lời đề nghị quái gở ấy.
Rồi, Thự đã bị kỷ luật nặng, bị cách chức vì đối xử quân phiệt, với cấp dưới và vì cả chuyện cưới hỏi kỳ cục đó. Thự trở thành một thường dân của đảo Khổ Qua. Anh ta xin ở lại đảo để được hàng ngày nhìn thấy Nhu. Nhưng cũng vì thế mà hàng ngày anh ta phải nhìn thấy nỗi bất hạnh của Nhu. Chỉ nhìn thôi mà không thể giúp gì cho người mà anh ta yêu. Đó là hình phạt đối với Thự. Giống như một cực hình trong thần thoại, Thự đói khát cồn cào mà không thể cúi xuống uống thoả thích suối nước trong mát dưới chân, không thể với tới những quả chín ngay trên đầu mình.
Những người chứng kiến câu chuyện đã dần đi nơi khác. Dân đảo chất phác lo kiếm sống thường ngày, không nhớ gì những chuyện xưa cũ. Chỉ còn lại Nhu và Thự là người trong chuyện. Nhưng sự đợi chờ mệt mỏi và tuổi già đã đến. Tâm hồn Nhu trống rỗng, không còn căm giận, thù hận nữa. Cứ như câu chuyện ấy là của những người khác, không liên quan đến cô. Thậm chí cô còn cư xử với Thự như với một người quen biết cũ. Thự kín đáo săn sóc Nhu từ xa. Anh vẫn chưa thôi ý định cầu hôn, cho dù ý định đó bây giờ đối với cả hai người đã trở nên vô cảm như một vết chai cứng.
Có một lần Thự hỏi Nhu có nhận được tin tức gì của Hải không. Cô trả lời, không nhìn Thự:
- Chắc là anh ấy phải bị tù nhiều năm vì tội làm gián điệp. Nhưng nhất định anh Hải sẽ trở lại đảo này.
Thự biết rõ về Hải. Ông chú ruột là người có thế lực đã giúp Hải thoát khỏi kỷ luật nặng. Hải chuyển ngành sang một cơ quan văn hoá. Là người văn hay chữ tốt, anh được làm thư ký riêng cho một thủ trưởng lớn, được trọng dụng, đầy triển vọng. Hải lấy vợ và mau chóng quên những gì thuộc về cái hòn đảo đáng nguyền rủa đã suýt làm tiêu tan sự nghiệp của anh. Rồi Hải bận tối mắt vì chức tước, bổng lộc và hàng trăm thứ linh tinh khác.
Thự không kể lại với Nhu những chuyện đó. Nhu sẽ cho đó là bịa đặt. Và anh không nỡ làm tắt ngấm chút hy vọng duy nhất của cô.
Có vài gã trai đảo cũng muốn cưới Nhu, nhưng vẫn còn chưa hết e sợ cái uy lực của nhà toàn quyền trên vương quốc Khổ-Qua trước kia; dù chỉ là thói quen sợ hãi sót lại đối với một thế lực đã mất.
Nhưng chính là Nhu không còn biết đến người đàn ông nào trên đời nữa. Cô không quên được Hải, không quên được cặp môi đã âu yếm lau khô những giọt nước mắt tủi cực của cô.
Chiều mùa thu, biển xám đục màu thiếc. Vết cá mập táp đã làm một bên chân Nhu thành tật, phải chống nạng. Những buổi xấu trời như chiều nay, vết thương đau nhức. Một mình trên bãi sú hoang vắng, Nhu cắm cúi nhặt những con móng tay. Cô làm việc đó hờ hững như đứa trẻ nghịch bùn đất, như một người lẩn thẩn. Cô lết đi dần xa bờ. Sao Hôm đã mọc. ở bên Cái Bèo nơi Nhu đang đứng, nhìn sang Hòn Nhám, ngôi sao to rực sáng như một ngọn đèn treo đúng nơi tháp canh của đồn biên phòng ngày trước.
- “Anh đang ở đây...” - Nhu thì thầm, không biết mình đã đi quá xa bờ, mực nước triều đã dâng đến ngang ngực và những con sóng mạnh dần, xô đẩy thân hình cô nghiêng ngả.
Nhu cười rạng rỡ, mắt đăm đắm không rời ngôi sao Hôm. Cô không nghe thấy tiếng ai gào lên gọi tên cô. Đó là Thự. Anh nhào xuống nước, nhưng sóng đã xô bật anh trở lại lẫn với đám rác biển.
Nhu đã chết theo cách của mẹ mình ngày xưa. Cô còn kịp nhìn thấy đốm sáng trên nóc tháp canh Hòn Nhám trước khi thả mình vào làn sóng xám lạnh. Đó là ánh đèn với quy ước:
“Anh đang ở đây! Anh vẫn yêu em!...”
*
Tôi im lặng, nhìn vô định ra mặt biển đen hun hút. Một lúc sau, tôi cất tiếng hỏi mà không nhìn vào khuôn mặt dúm dó khuất trong bóng tối của lão Thự:
- Có bao giờ bác nghĩ rằng chính bác đã đẩy người con gái vô tội ấy xuống biển không? - Tôi hỏi với vẻ hả hê như khi lão báo cho Nhu cái tin độc địa về Hải, khi Nhu vượt biển sang Hòn Nhám với khao khát được trốn đi cùng người yêu.
Lão Thự vội rụt cổ lại như bị một đòn đánh vào đầu.
Lão câm lặng.
Những hôm sau, tôi không nói chuyện với lão Thự nữa. Khi ăn, tôi tránh không ngồi một mâm với lão. Trước, tôi với lão thường ngồi cùng mâm, chuyện trò tương đắc. Lão Thự biết rõ điều đó.
Một chiều chủ nhật, sau khi nấu cho chúng tôi một bữa cuối cùng rất ngon, lão Thự xin thôi việc. Lão không kịp thanh toán nốt tiền lương, vội vã đi khỏi công trường, như chạy trốn.
Tôi cử ngay một gã thợ mộc thay thế lão Thự, vì cái nghề mộc thường sản sinh ra nhiều phoi bào củi vụn hơn là khả năng nấu ăn của gã. Những món ăn của gã đầu bếp chuyên sử dụng dùi đục này đã mau chóng làm chúng tôi sút cân. Nhưng tôi không hề luyến tiếc lão Thự, tuy trong thâm tâm, tôi thương hại lão vì một lý do mơ hồ mà tôi chưa muốn để tâm xác định.
Hơn tuần sau, một buổi chiều, tôi đang ngồi nhìn biển nghĩ vơ vẩn thì tay thợ mộc đi mua thực phẩm bên Cái Bèo về, hớt hải nói oang oang:
- Này, các bố liệu mà bơi lội đấy nhá. Lão Thự bị cá mập sơi tái rồi. Đêm qua, lúc trăng mọc, lão đi tắm. Chẳng biết phởn chí thế đếch nào lại bơi ra rất xa, đúng vào luồng cá mập đi kiếm mồi.
*
Tôi kể xong câu chuyện ở đảo Khổ-Qua. Nhà văn địa phương im lặng. Có vẻ như ông đã biết trước câu chuyện. Tôi hơi cụt hứng. Dù sao tôi cũng làm được một điều có ích khi cất công tìm hiểu số phận một con người bất hạnh. Nhà văn nói như muốn lảng chuyện:
- Hôm nọ lão béo lại gọi điện nhắc mình viết chuyện này. Lão cho biết, có lần đi làm phóng sự về các đảo vùng biển Bắc, qua đảo Khổ Qua, lão được nghe câu chuyện, nhưng không cặn kẽ như cậu. Những người trong cuộc đã chết gần hết rồi. Còn ai sống, chắc cũng đã quên chuyện cũ, hoặc sẽ nhìn sự việc khác đi.
- Có lẽ bây giờ chỉ còn ông Hải. Nhưng vết răng cắn trên bả vai ấy đã thành sẹo, làm sao xoá đi được - Tôi nói bâng quơ, và rồi tôi bật hỏi - Sao bác không viết câu chuyện này thành một tiểu thuyết?
Nhà văn khẽ so vai như ớn lạnh, nói mơ hồ:
- Hồi trước, có lần mình đọc được một cái tin, ở Liên Xô, giữa đêm biển động, trên một hòn đảo, có tay bác sỹ phẫu thuật bị viêm ruột thừa mà không một đồng nghiệp nào ở bên. Tay bác sỹ đã quỳ trước một tấm gương, tự mổ cắt ruột thừa cho mình. Hắn được phong anh hùng. Việc đó có thể làm được, chỉ cần ít thuốc tê. Nhưng tự giải phẫu ruột gan trong văn chương thì...
- Em nói điều này, bác bỏ quá. Hình như bác cũng có dính líu tới nội vụ?
Nhà văn buồn thiu, im lặng rất lâu như không biết có tôi đang ngồi bên. Rồi ông nói, triết lý bâng quơ, nhập nhoà như muốn bào chữa cho ai đó:
- Lão Thự, lão béo, và tôi, và cả cậu nữa, nếu cậu cũng ở trên đảo Khổ Qua vào thời đó; chúng ta đều có thể gây nên nỗi bất hạnh cho những người như cô Nhu. Vì, sự dốt nát, hèn nhát và ích kỷ đến độc ác, là một năng lượng tệ hại tàng trữ trong máu người ta. Chỉ cần có cơ hội là năng lượng đó được giải phóng, và nếu được giải phóng hàng loạt sẽ trở thành tai hoạ, không kém những vụ nổ hạt nhân.
Tôi muốn tranh luận với ông. Nhưng tôi im lặng.
Chợt nhà văn nghiêng người, trật vai áo trước mắt tôi. Một vết sẹo rất sâu hình quả bàng đứt nét trên cánh tay ông. Vết răng cắn. Mắt ông tối đi, sượng sùng. Tôi đã hiểu. Đó là cặp mắt lão Thự giấu trong bóng tôi khi kể hết câu chuyện. Nhưng tôi không phải là một mục sư được giao trọng trách chăn giắt những con chiên ghẻ, nên khi nghe xong lời xưng tội của lão Thự, tôi không thể nhân danh Chúa lòng lành mà đem lại sự bằng an cho tâm hồn tội lỗi của lão. Tôi xử sự theo cách của người thường: Tôi căm ghét, khinh bỉ và thương hại lão.
Còn đối với ông nhà văn, tôi không tiếp tục mối quan hệ với ông, và cũng không bao giờ đọc ông nữa. Đó là chuyện về sau. Còn lúc này, trước mặt tôi, nhà văn lặng lẽ nhấm nháp cốc rượu vodka Smirnov quen thuộc.
Tôi đứng lên, ra quầy trả tiền bữa ăn rồi bỏ đi, không chào nhà văn. Ông vẫn ngồi gật gù lơ mơ bên chai Simirnov - “Nỗi buồn Nga”. Nhưng tôi nghĩ, với ông ta, đó chỉ là nỗi buồn cưỡng bức, chốc lát.
Về phần mình, tôi tự hỏi: Nếu tôi cũng ở trên đảo Khổ Qua vào thời đó, và mang trên vai một vết cắn; thì sau đấy tôi có dám trở lại hòn đảo có người con gái đã một mình trong đêm với con thuyền mỏng manh vượt cái eo biển đen ngòm cuồn cuộn sóng ngầm và bầy cá mập hung dữ, như vượt qua địa ngục để tìm tôi?...
Hà Nội 3/1999 Hải Phòng 5/1999
BV