Số lần đọc/download: 2261 / 22
Cập nhật: 2015-08-14 12:02:59 +0700
Không biết Ngà lẫn vào đâu trong cái đống chữ lộn xộn mà mình vừa viết. Mình đê mê miêu tả cái rạp cưới thơm phức nhựa cây, cổng vòng nguyệt giắt đầy trái và lá đủng đỉnh mà lát nữa cô dâu chú rễ sẽ đứng đó cười toe chụp ảnh. Ngang qua vài mâm nhậu họ đang là đà ca vọng cổ, mình đi vô gian bếp oi khói cùng với tiếng nói cười, mùi hành tỏi. Ai đó nói mẻ rượu cất từ chiều qua tự dưng hơi chua, chắc là trở gió. Hôm qua tro cốt của con gái Tư Thiêm được gởi từ Đại Hàn về tới nhà, thấy mặt thằng chồng con nhỏ dữ dằn nhưng đâu có ngờ hung ác tới mức đó. Hồi tối này thằng chồng say xỉn kiếm chuyện gây lộn đập tan nát mớ chén dĩa úp trên giàn, bữa nay chắc ăn cơm bằng miểng dừa. Rồi một ông già hỏi:
- Vậy chớ con Ngà đâu bây, đàng trai tới trước cỗng rồi mà nó đâu tao không thấy?
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau bảo không biết, mới thấy đây mà. Mình cũng không.
Không phải lần đầu tiên mình để mất nhân vật. Trong những trang viết của mình, từng có một người chạy đò “có một ánh nhìn rờn rợn” chỉ thoáng hiện ra để đưa đôi trai gái qua sông. Một bà thầy bói “mắt đỏ đến tận đuôi, những cái vòng bạc lanh canh không che lấp vết sẹo vắt chéo cổ tay” phán một câu coi chừng hỏa hoạn rồi xách đít đi biệt. Một bầy bướm thả ông chủ tịch xuống làng, ông kẹt ở đó cùng mối tình với cô bé mười một tuổi, độc giả hỏi rồi đàn bướm đi đâu, sao không nhắc lại dù một câu. Đứa bé đi trên xe đò vuốt má cô gái bảo chị đừng khóc, mãi không thấy xuất hiện lại. Người đọc chắc cũng hơi thắc mắc tại sao không viết thêm tí nữa, sao người lái đò có ánh nhìn đó, sao bà già bói toán lại có vết sẹo trên cổ tay, đứa bé kia nhân ái vậy sao không quay lại giúp cho cô gái qua khỏi truân chuyên… Họ hẳn cũng có số phận nhiều u uẩn, nhưng mình để họ vụt qua, chỉ đeo đuổi tuyến tính chính thôi đã mệt phờ rồi.
Nhưng giờ đến nhân vật chính mình cũng để mất. Truyện ngắn có cái tên là “Một đám cưới”, giờ không có cô dâu thì sao thành. Ở dòng thứ năm của trang ba, mình viết Ngà đi làm tóc về, bỗng đứng nấn ná trên bến sông. Ở đó có mấy đứa con nít đang tắm, một chiếc ghe neo sào đậu đằng kia một chút, biết có người vì thấy có khói chảy ngược lên trời, biết là đàn bà vì áo bà ba căng phơi trên cây bẹo. Ngà nhìn nước lắt xắt chảy, nghĩ chỉ hai tiếng đồng hồ nữa mình sẽ có một cái tên khác: vợ thằng Định. Hai tiếng nữa, khi đi đầu trong đoàn rước dâu bước xuống cái bến này, Ngà không hoàn toàn thuộc về mình nữa.
Mình viết đến đó thì mình nghe có tiếng nôn ọe, một người đàn ông xà quần cùng với hai con chó, một con xăng xái liếm vào cái miệng dãi nhớt của anh ta. Mình thấy chi tiết này cũng vui. Cái không khí đám cưới thôn quê nó sinh động là vì những chuyện nho nhỏ vậy. Một anh say khác ngồi nói bộ giận, nói ới Ngà ơi sao lại lấy thằng Định mà không ngó tới anh, nhà anh còn có nhiều đất hơn nhà nó.
Định, nam chính của mình, đi hàng thứ tư trong đoàn rước dâu, thò cái mặt đỏ phừng không biết vì nắng hay vì rượu ra khỏi cái vest xám, không biết thuê ở đâu mà vạt áo dài gần chạm gối, trông hơi luộm thuộm. Anh làm bí thư xã đoàn, sắp tới sẽ lên phó chủ tịch xã, đó là lý do vì sao mấy chị trong bếp tấm tắc, con Ngà có phước lấy chồng làm quan, quan xã cũng là quan, rồi thì lên huyện, tỉnh mấy hồi. Chớ con gái xóm Bưng này không lấy chồng nông dân thì cũng lấy Đại Hàn, Đài Loan, tiền thì nhiều thiệt nhưng xa biệt xứ người, đến mắm sặc mà còn không có mà ăn.
Ngà không biết sướng hay sao mà biến mất?
Đám cưới nháo nhác. Đàng trai biết chuyện cũng nhấp nhổm đứng ngồi. Tía Ngà mở cả nút áo trên cùng cho dễ thở, hào hển túm lấy mình hỏi giờ tính sao? Mình hỏi lại hồi nhỏ Ngà có thích chơi trốn tìm không? Ông gạt đi, sao tôi biết được? Tôi chỉ có chuyện đi làm lụng kiếm miếng ăn cho tụi nó thôi cũng đắm đuối rồi, hơi đâu để ý nó chơi gì. Má Ngà nói không nhớ hồi nhỏ Ngà sao, bà đẻ con năm một nên lo đứa nhỏ mặc kệ đứa lớn, nó có trốn thì bà cũng đâu rảnh đi tìm, có tìm được cũng đánh đòn mấy roi cho chừa. Ba Ngà nạt ngang, thôi nín đi cái thứ đàn bà không nên thân, có bảy đứa con mà quản không xong. Người đàn bà lủi thủi đi vào bếp.
Ông già dẫn đàng trai cũng chạy lại hỏi mình rằng dẫn thằng cháu ông qua đây để cưới ai bây giờ, cô dâu đâu? Một con người biến mất đâu phải chuyện chơi. Mình bảo mọi người nhớ kỹ coi, Ngà có dấu hiệu gì đặc biệt trước khi biến mất, hy vọng tìm được vài manh mối gì đó gì đó như là báo hiệu như là tiên cảm. Một thím vỗ đùi cái đét nói lúc tối này làm lễ vu quy con nhỏ khóc quá chừng, lấy được một chỗ phước đức thì mắc gì mà khóc? Chị Ngà đang nghén đứa thứ tư, cổ ngẳng mặt xanh ẽo ợt bảo hôm qua lúc rờ những vết nứt trên bụng chị, Ngà thở dài nói làm đàn bà sao khổ vậy. Định kể lần gặp gần nhất là chiều hôm kia, khi thuê đồ cưới, Định bảo dứt khoát không được mặc xoa rê, chỉ nên mặc áo dài thôi, Định thích vậy. Kín đáo và nền nã, da thịt Ngà chỉ của Định thôi. Ngà không cãi gì, những cô gái nhân vật chính của mình thường không nói nhiều, sống nội tâm, cứ tưởng ù lì nhưng thật ra mãnh liệt khó đoán.
Cả cái đám cưới eo sèo, cả một đám đông hân hoan hóa ra cũng ít người nhớ tới Ngà một cách chi tiết ở lần gặp cuối cùng. Gương mặt Ngà khi ấy có tỏ ra lưu luyến không, có bồn chồn không, họ không nhớ. Họ, cũng như mình, mãi chạy theo sự kiện mà quên mất con người. Mình chống chế với mấy ông già cốt cựu xóm Bưng, nhà nước khi hoạch định chính sách cũng nhiều khi quên mất số phận người dân, đâu phải là lỗi gì ghê gớm lắm. Mình sẽ sáng tạo ra một cô Lê cô Lựu nào đó, vốn yêu thầm Định rất lâu, trong lúc chú rể bối rối đã hết lời an ủi, bắt đầu một mối duyên mới. Nhưng nhân vật nam chính của mình nổi quạu:
- Bị cô dâu bỏ chạy trong ngày cưới thì tôi đây cũng mất mặt, rồi ăn nói làm sao với thanh niên trong xã. Ngà phải về để đám cưới suôn sẻ, chị viết sao thì viết.
- Phải đó, hay là cô viết là con Ngà bị ma bắt lạc trong chòm mả, tụi này túa ra đi kiếm được đem về - Tía Ngà gạt mồ hôi, giọng bỗng hụt hơi, đuối dần về cuối - Cô thương tôi với, con Ngà không về tiền đâu mà tôi trả lại cho đàng trai. Tiền lễ bên đó đưa hôm trước tôi đã lấy sửa sang lại nhà cửa hết trọi rồi.
Không phải là không có cách để đem Ngà về. Mình nghĩ hay là nãy giờ Ngà đi gặp lại người yêu cũ đang nằm ủ rủ ca vọng cổ trong căn chòi cất dưới hàng gòn đằng kia. Ngà bảo tụi mình trốn đi đi, nhưng anh chàng kia bảo anh nghèo lắm, biết đi đâu để không đói?! Ngà lấy cùi tay quẹt nước mắt quay về. Truyện vẫn bảng lảng nỗi buồn thôn dã mà không ai biến mất. Hay Ngà mải mê đi từ giã tụi rắn mối, chim sẻ ngoài vườn nên quên mất lễ cưới đang chờ mình. Những con vật đó đã chơi đã trò chuyện cùng cô suốt một đoạn đời, sau lễ cưới này, cô sẽ chuyển qua nói chuyện với bếp núc xoong nồi, với những đứa trẻ con do chính cô sinh ra.
Mình trở lại cái bờ sông mà Ngà đã đứng ở trang hai dòng năm, nhìn nước chảy. Những đứa trẻ ngụp lặn ở đó đã mất biệt, chiếc ghe cũng nhổ sào mang khói đi về phương nào đó. Khúc sông im ắng không người. Mình tự hỏi có khi nào trong lúc mải mê đi theo tiệc tùng rình rang thì những nhân vật phụ của mình đã lén lút hành động?
Biết đâu một thằng bé đen trũi bơi đến hỏi chị ơi đi theo em, chơi vui lắm. Ngà gật đầu để nguyên quần áo ào xuống nước ngụp lặn mãi mê cùng nó, bờ mỗi lúc mỗi xa. Hoa giắt trên tóc Ngà rơi ra, trôi tấp vào bờ lá.
Biết đâu người đàn bà trên chiếc ghe kia lúc ngang qua đã hỏi, muốn sống đời rày đây mai đó với tôi không? Ngà nói muốn chớ, thèm lắm và nhảy lên mũi ghe khi nó còn chưa chạm tới bờ, chân còn lại Ngà đạp vào bờ cỏ làm rơi tủm vài hòn đất nhỏ xuống sông.
Cái âm thanh cuối cùng mà Ngà nghe được, là tiếng đất rơi tiếng nước chảy, hay tiếng người réo “Ngà ơi Ngà, đàng trai tới rồi nè”? Những câu hỏi cứ ngoi đùn lên như một ổ mối ngày càng cao, mình càng tức thở. Cái truyện (dự tính là) có hậu này chắc bỏ lửng ở đây, mình không biết có hậu là đưa Ngà trở về (như cổ tích thường viết “họ cưới nhau và sống hạnh phúc đến suốt đời”) hay cứ để Ngà đi vào miền vô tăm tích?!
Mệt thiệt!