Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1336 / 22
Cập nhật: 2014-06-19 22:57:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
- Đấy mợ xem, thế là nhục chứ còn thế nào nữa!
- Cậu cho là nhục chứ tôi thì tôi không cần. Bất quá thỉnh thoảng buồn, tôi mới đi đánh canh chắn, rút canh bất, vả cũng là chiều nể chị em người ta chèo kéo. Chứ giá có thua chút ít, cũng chưa đến nỗi tai hại nào. Chả hơn cậu vứt tiền vào hội nọ hè kia để mà nghe chửi à?
- À, tôi không ngờ mợ ăn nói như thế, ăn nói như đồ vô giáo dục.
- Cậu bảo ai vô giáo dục? Cậu áp chế tôi vừa vừa chứ. Cậu có tự do cậu, tôi có tự do tôi. Cậu không thể cấm tôi được. Cậu đừng cậy làm nổi ông tham mà bắt nạt vợ.
- Không phải tôi bắt nạt mợ, áp chế mợ, mà chưa chi mợ đã phải tru tréo lên. Nào mợ thử nhĩ xem từ nãy đến giờ, tôi bắt nạt áp chế mợ những gì? Tôi khuyên mợ đừng đi đánh bạc, có phải tôi cậy về sự đi làm có lương nuôi mợ hay không? Tôi chỉ kể cho mợ nghe rằng hôm qua tôi đi họp hội đồng, tổ chức cuộc "Trưng bày nữ công", người ta treo giải thưởng cho những ai khéo léo về nội trợ, hoặc tài hoa về thủ công, rồi có một bà nhìn tôi, cười kháy, đến nỗi tôi bực mình. Có thế thôi, chứ nào tôi nói thêm gì.
- Nó cười kháy cậu để cậu về nói kháy tôi à? Ừ đấy, tôi vụng, tôi lười, tôi chỉ ăn hại thôi, cậu lấy tôi làm gì? Sao không li dị quách đi cho nhẹ mình có được không?
- Mợ lăng loàn quá, hơi xích mích gì mợ cũng nói đến li dị!...
- Ừ đấy, chỉ có thế thôi, làm gì nhau tốt. Mà đứa nào nó cười kháy cậu, cậu bảo tôi, tôi vả tan họng nó ra.
- Thôi tôi xin mợ...
- Mà cậu cũng đần lắm. Thế mà im được!
- Mợ bao chẳng im thì làm gì?
- Đứa nào, cậu cứ thử nói lên, để rồi xem tôi làm gì.
- Tôi tưởng mỗi khi muốn trả thù ai cái gì, thì mình phải làm thế nào cho tự lương tâm người ấy lại dằn vặt người ấy, mới là thâm độc. Người ta cười mợ vụng về, lười biếng, chỉ biết sẵn lương của chồng lấy đi mà đàn đúm bài bạc với chị em, người ta chê mợ nội trợ, nữ công không biết, thì mợ tỏ ra rằng mợ đảm đang, khéo léo thế mới là cao thượng.
- Tôi không thèm cao thượng với những quân rỗi mồm. Tôi bài bạc, tôi vụng lười, có thiệt hại gì đến chúng nó.
- Nói thế thì ai chẳng nói được.
- Tôi tức lắm, cậu cứ bảo tên đứa ấy cho tôi xem nào.
- Tôi không bảo.
- Ừ thì cậu kể rõ lý hôm qua cậu nói thế nào, mà nó đáp thế nào?
- Lúc ấy bà hội trưởng hỏi ý kiến mọi người xem về thủ công thì nhận những thứ gì để trưng bày. Người ta đề nghị nhiều thứ lắm, nhưng sau cùng hội đồng chỉ bằng lòng cho thi hoa quả giả, đồ thêu, chao đèn, các thứ bánh ngọt.
- Thế rồi làm sao?
- Tôi xin chỉ nên nhận những thứ cần thiết, phổ thông, còn như hoa quả giả, chao đèn, ít người biết làm, hoặc chỉ có một hạng người biết làm, thì đừng nhận.
- Rồi thế nào.
- Rồi có người, có một bà nói: Ông đừng lo ít người biết làm, tôi tưởng hạng người này cũng có thể làm được những thứ ấy. Tôi hỏi: Bà thứ nghĩ xem trong tỉnh ta, những ai thạo về món này. Bà ta nhoẻn ngay mép ra, đáp: Ví dụ bà tham nhà chẳng hạn. Rồi bà ấy bưng miệng lại mà cười, lấy làm đắc chí lắm.
- Thế mà cậu không vả tan họng nó ra, lại nhịn được!
- Thì vợ vụng dại, mình phải chịu chứ gì! Người ta nói chẳng đúng à?
- À, cậu lại về hùa với nó à?
- Thôi, tôi can mợ. Đừng to tiếng thế, người ta cười.
- Cậu nói tức, tôi không thể chịu được.
- Mợ tức thì mợ thử thi nữ công mà lấy giải.
- Tôi không thèm. Bất quá hai đồng bạc thưởng chứ mấy vạn.
- Mợ đừng tưởng thế. Những giải khác tôi không nhớ, nhưng chỉ nhớ giải nhất cái chao đèn những mười đồng kia đấy.
- Thế thì hội nữ công ấy là hội khốn nạn, mà cuộc trưng bày ấy là cuộc ngu xuẩn. Cái chao đèn thì quý báu gì mà cũng thưởng mười đồng. Nhà này, ba năm nay đèn điện chẳng có chao cũng chẳng chết ai.
- Nhưng nếu có cũng tăng vẻ đẹp của buồng khách. Đã bao nhiêu lần tôi dặn mợ có về Hà Nội thì lên phố Tràng Tiền chọn mua lấy một chiếc, mà mợ cứ quên.
- Không phải tôi quên. Ấy là tôi không thích sắm những thứ thừa vô ích.
- Thế thì đánh bạc với lười chảy thây ra là có ích.
- À, cậu nhiếc tôi à?
- Tôi không cần nhiếc mợ. Cả tỉnh này, ai lạ gì mợ. Người ta mỉa mai cho thế là phúc đấy.
- Được rồi, rồi người ta biết tay tôi.
- Để người ta biết cái tay mợ khéo léo tài hoa mới khó, chứ để người ta biết cái tay mợ phũ phàng, cục súc, thì chả bõ lại thêm bia miệng đời đời.
Bà Tham tức uất người lên. Bà nằm vật xuống và khóc.
Chưa hôm nào cãi nhau với chồng mà bà lại chịu thua như hôm nay.
Và chiều, bà bỏ bữa cơm. Tối, bà thiếu mặt ở chiếu bạc. Đêm, bà nằm quay vào tường, thở dài.
Rồi sáng hôm sau, không biết nghĩ ngợi thế nào, bà bảo chồng:
- Cậu đã muốn tôi thi nữ công, thì đưa tiền đây, tôi lên Hà Nội.
Ông Tham cười mỉa:
- Thi nữ công tại sao lại lên Hà Nội?
Bà quắc mắt:
- Để mua thử về mà làm chứ làm sao!
Ông Tham lẳng lặng móc túi đưa hai tờ giấy năm đồng cho vợ, rồi đi ra tòa. Bởi vì ông yên trí bà nói dối để lấy tiền đánh bạc nữa.
Nhưng mà không.
Bà rửa mặt. Lấy nhíp nhổ lông mi. Lấy dao cạo tóc trên trán. Lấy miếng cau khô đánh lại bộ răng. Rồi xoa phấn, bôi son, mặc quần áo và cắp ví, bà gọi xe ra ga.
Bà đi Hà Nội thực.
Người ta mang đến đồ thủ công trưng bầy ở hội Nữ Công rất nhiều. Nào hoa giấy của các cô Tố Tâm, Minh Phụng, Phương Lan, Bạch Cúc. Nào khăn thêu của bà Dương Liễu, các cô Thủy Lan, Lệ Dung, Bích Ngô, Thu Cúc. Nào chao đèn của bà Tố Hà, của Lan Anh nữ sĩ, của cô Ngây Thơ. Còn nhiều nữa. Còn nhiều nữa. Rặt một thứ như thơ như mộng trên một tác phẩm tuyệt tài hoa. Thứ nào cũng đề sẵn giá bán cho những ai yêu mỹ thuật. Các bà, các cô phải chọn những biệt hiệu ấy, vì theo ban tổ chức, không ai được đề tên thực, cho sự đặt giải được công bình.
Phòng triển lãm trang hoàng như một cái động để làm tăng giá trị của các thứ trưng bầy. Người đi xem tưởng lạc vào một thế giới mộng ảo. Còn ai không phục những bàn tay của chị em phái đẹp. Người ta cứ tưởng như bàn tay búp măng ấy nó chỉ đẹp ở chỗ nhỏ nhắn, ở chỗ thuôn thuôn, ở chỗ trắng trẻo, ở chỗ móng nhuộm thắm. Nào biết đâu nó còn khéo léo nữa. Nữ công không có trường dạy, không ai khuyến khích, thế mà cả em không nhãng quên, lại tấn tới một cách không ngờ. Hân hạnh cho chàng nào đó đã được là bạn trai của một cô nào đấy. Sung sướng thay cho chàng nào đó rồi được là người yêu của một cô nào đấy. Hạnh phúc thay cho chàng nào đó sẽ được là chồng của một cô nào đấy. Và biết bao nhiêu tiếng thở dài ngấm ngầm của những anh có vợ phá gia.
Song trong các công trình bầy ở đây, chỉ có cái chao đèn của bà Tố Hà là được toàn thể mọi người nhiệt liệt khen ngợi.
Bài tường thuật của một tờ báo hàng ngày đã không tiếc lời mà nói về tác phẩm ấy đến nửa cột:
"Ai cũng phải công nhận cái chao đèn của bà Tố Hà là một kỳ công. Nó trội hẳn tên trên những cái của Lan Anh nữ sĩ và của cô Ngây Thơ. Và ban khảo sát không phải nhọc lòng so sánh mới định được nó là nhất. Mà chiếc chao đèn ấy chỉ được giải nhất mười đồng thôi, tôi cho là chưa xứng. Thiết tưởng ban tổ chức nên đặc biệt ra giải ngoại hạng để tặng riêng bà Tố Hà".
Cái chao đèn ấy, từ hôm hội Nữ Công mở cửa cho công chúng vào xem, đã nhận được bao lời tán thưởng. Người ta phải dừng bước giờ lâu để mà ngắm nghía, để mà tấm tắc khen ngợi. Người phàm tục đến đâu cũng phải phục sự thông minh và tài hoa của tác giả. Đến nỗi có một ông cụ ngày nào cũng chịu bỏ tiền mua vé vào cửa, mục đích chỉ đứng cạnh cái chao đèn cho đến hết giờ.
Cái chao đèn ấy hình bốn góc, mỗi bề dài độ năm tấc tây, căng bằng nhung tím thưa sợi, có giải nhung đồng màu treo rủ từ trần xuống. Lúc đèn không thắp, thì nó là một khối hùng vĩ. Đến lúc lửa bật lên, thì một thứ ánh sáng dịu dàng, mơ màng thân mật, chiếu lả lướt sang bốn phía, tưởng chừng như nó làm cho không khí trong buồng có một tinh thần sai khiến người ta được. Với ánh chao đèn ấy, thì ngài buồn ư? Ngài sẽ vui ngay. Ngài giận ư? Ngài sẽ thấy hòa ngay. Ngài chán nản ư? Ngài sẽ thấy phấn khởi trong lòng liền. Nói tóm lại bà Tố Hà không những phải là tay hiểu mỹ thuật lọc lõi, mà còn là người biết tâm lý sâu xa.
Công trình của bà có thể so sánh được với những tác phẩm Âu Mỹ của những thợ lành nghề lâu năm. Tiếc vì bà hơi ích kỷ, không chịu đề giá để bán, cho nên nhiều người muốn mua, rất lấy làm bất mãn.
"Nói tóm lại, bà Tố Hà, một người đáng làm thầy trong mỹ thuật chao đèn, đã làm vẻ vang cho nữ giới".
Còn ai có thể đoán rằng cái biệt hiệu Tố Hà trứ đanh kia lại là của bà Tham nhà ta hay không? Ấy thế mà thực, mới lạ chứ.
Bà Tham ra hội Nữ công lĩnh thưởng. Và từ nay, thôi, im những cái mồm vẫn mai mỉa bà là vụng về, đánh bạc, và ăn hại chồng.
Ông Tham bắc ghế lên trên cái bàn cho cao, để buộc chao đèn cho đúng giữa nhà, và ngay ngắn. Đoạn bật điện lên, ông ngắm nghía và nhìn vợ bằng đôi mắt yêu đương.
Rồi không cản nổi nỗi vui sướng, ông ôm choàng tay bà, hôn lấy, hôn để:
- Mợ láu thật. Nên đã trả thù bằng cách cao thượng, thâm độc.
Bà Tham nũng nịu, đẩy chồng ra xa, và cong cớn nói:
- Đấy, cậu xem, nữ công với nữ kênh gì. Đồ mắt mù cả lũ. Ở hiệu trên ấy họ còn bán những cái đẹp bằng mười, nhưng đắt quá. Tôi chỉ mua cái này, vì tôi tính ra món tiền thưởng có một chục, thì mình còn được lợi hai đồng.
Danh Lợi Lưỡng Toàn Danh Lợi Lưỡng Toàn - Nguyễn Công Hoan