I love to lose myself in other men's minds.... Books think for me.

Charles Lamb

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Minh Khuê
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Minh Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 4
Cập nhật: 2021-01-12 19:41:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
hư ghi bằng mực tím, chắc lấy bút của cháu, đề tên Nguyễn Đình Vích – thôn xóm tỉnh. Cái tỉnh mùa này ngớt gió Lào ngớt nắng như kiểu lột da. Cồn cát ngoài tít xa kia, vượt qua quốc lộ, cồn cát trắng tinh giống đường kính. Ông Vích đau thắt ngực cầm cái thư. Ngồi lặng trên thềm. Anh bưu tá đội mũ bảo hiểm có đính logo đội bóng nước Anh hỏi cho có hỏi: chắc thư bạn cũ chiến hữu hả bác? Thời buổi cánh trẻ bấm nhoáng một cái trên máy thư đã sang đến châu Phi cánh đưa thư rất phấn khởi được nhận thư tay phát tận tay. Người nhận thư vẫn ngồi phịch xuống rung động tâm can thế kia nghĩa là đời vẫn còn hay ho. Ông Vích gật gật trả lời anh đưa thư. Anh này yên tâm mở máy chạy ra khỏi cái ngõ có hai hàng cây chè thẳng tắp. Chè vừa làm cảnh vừa để buổi sáng hãm ấm to ai đi qua ngõ là rao có nước mới đây rỗi thì làm bát!
Cảnh đấy có từ thuở mở đất. Loạn lạc thì không có cảnh đấy. Hai chục năm trở lại đây thanh bình trở lại quanh bát nước chè xanh uống sáng mời láng giềng… Ông Vích lần chần giở thư như sợ nhanh tay điều mình mong chạy mất. Thư viết ít dòng thôi. Đã nói với nhau nhiều lắm về cái chuyện này nên thư này chỉ vỏn vẹn vài dòng: điều tra kỹ rồi. Đúng thằng đó. Tui vô tận nhà giả làm người mua khoai mì, chuyện trò qua lượi hỏi đúng tên chứ người giừ đây khác lắm. Tui cũng giả làm lính phía nó thời đó nên nhận liền à. Tui nhìn rõ mặt. Nó tầm tuổi tụi mình. Không hiểu sao lênh đênh giờ trở lượi khu kinh tế mới gần quê. Gần nơi xảy ra chuyện thời đó. Địa chỉ đây.
Sau đó là địa chỉ “thằng kia”. Cả bản đồ. Lối đi từ ga vào. Xe ô tô thuê mất tầng này. Xe ôm tầng này. Trước khi lên tàu gọi điện rồi tui chờ ở ga. Zậy nghen!
Giọng miền Trung đặc sệt ở trên thư.
***
Ba đứa nhóc một chân co một chân lò cò. Một đứa đứng nghênh mặt nhìn ông Vích, hát. Bài hành khúc quen thuộc thời chinh chiến bị chúng nó cho lời mất dạy. Tiến về Sài Gòn ta quét sạch… Ông Vích vớ cái chổi ném về phía bọn trẻ. Im đi mấy đứa tao lôi chúng mày ra công an họ cho đi trại giáo dưỡng trên huyện nhốt chung với bọn nghiện. Ai bảo chúng mày hát phản động? Lũ khỉ con vỗ mông vỗ tay chạy về bên kia hàng rào. Tiến về Sài Gòn ta quét sạch… Chúng hát to. Đứng lại nhìn ông rồi hát to hơn. Chờ phản ứng. Cho đến khi ông Vích buồn rũ xuống không thèm nhìn. Chúng bỏ đi hân hoan vì thành tích vừa trêu được một ông khốt. Nói với ai. Cả ba đứa có bố mẹ buôn ma túy đều đang tu luyện trong tù. Chúng sống lêu bêu ăn cơm bà nội bà ngoại nấu đứa nào xui cái gì cũng làm.
Ông Vích nắm chặt cái thư. Hôm nay ông cũng không quát to như mọi hôm. Ông đã tìm được cái cần tìm.
Trọng loay hoay với cái xe máy ở góc sân. Thấy cảnh ông Vích bị bọn trẻ trêu chọc Trọng vừa thương cha vừa giận. Ngày nào bọn trẻ chả nghĩ ra trò mới khi thấy ông Vích thỉnh thoảng mặc áo đại cán quân đội đeo huân chương chi chít trên ngực đi loanh quanh ra chỗ mấy ông ủy ban góp ý hăng say trong khi cánh ủy ban nó đầy việc phải lo đầu óc nó còn chứa đủ thứ phần trăm dự án này phần trăm cổ phần kia còn liên kết xã với huyện huyện với tỉnh gài thằng nào vào vòng trong có lợi sau vụ bầu cử… chứ đâu phải cái ủy ban chỉ có mỗi việc thóc không thiếu một cân quân không thiếu một người như thời ông Vích tuổi trên hai mươi cầm súng dọc ngang chiến địa truyền thống cha ông. Bọn trẻ con thì thào ông Vích chập nặng. Chúng nó trêu là phải. Nhìn cái trán kìa. Nhăn như ruộng bậc thang tháng thiếu mưa. Bảo là cứ việc ăn no ngủ kỹ nhưng có nghe con nghe cháu đâu. May mà trao trả năm bảy ba sông Thạch Hãn chạy qua nhà gặp gái làng ế sưng thời chiến cưới vội đẻ vội được Trọng chứ không thì bây giờ cũng cha già con cọc. Trọng rút kinh nghiệm của cha mười chín tuổi Trọng lấy vợ đi học đại học vợ ở nhà đẻ con trai. Bây giờ ông Vích có hai thằng cháu nội xem như Trọng hoàn thành nghĩa vụ với thế hệ cha ông. Trọng đi làm kỹ sư trên phòng nông nghiệp huyện vẫn phải qua nhà thường xuyên trông nom bố. Ông già như hổ bị thương thấy ai nói đụng thời lính tráng ông xem như phải bắn bỏ mà thời này mọi chuyện thiêng liêng thường xếp bằng với chuyện hài do người ta không coi nghiêm từ ngày đầu vậy thì kệ mẹ nó đi. Bọn nhóc con hát gì kệ mẹ nó. Nó biết gì về thời thế biết gì về ý này ý nọ. Hôm nào cũng ầm ầm điếc cả tai.
Ông Vích biết Trọng nghĩ gì. Ông Vích nói cái giọng để thằng con không thể bỏ đi.
Anh đứng đấy mà cười khẩy. Tôi biết tỏng bụng dạ anh xem lũ này như bọn hết đát trên bao bì. Sáu mấy tuổi không hết đát cũng là lũ vô dụng. Cho tôi xin miễn bình luận. Các anh giờ tư duy trên trời tư duy tư bản thế kỷ hai mốt kệ bố các anh. Nhưng anh làm lơ cho chúng nó cười vào xương máu cha ông các anh tôi không tha. Tôi không cho phép. Anh không quát chúng nó anh còn cười khẩy nhảy múa trong bụng vậy anh nói gì đi về cái việc tìm hài cốt chú ruột anh. Chú ruột anh chết thế nào tôi kể thằng con anh nó còn dỏng một tai nó nghe mắt anh thì khô như đít nồi rang. Chúng tôi đau lòng lắm. Tôi tù binh Phú Quốc về đây. Tôi chứng kiến những chuyện mà mỗi lần kể anh lại rùng mình bảo thôi anh không muốn nghe. Tôi cho qua cái sự thờ ơ. Anh đừng nhếch mép thế. Chắc do tôi hay nhắc lại nên anh thấy nhàm chứ anh là con tôi tôi biết tim anh không phải làm bằng nhựa… Hôm nay tôi nhận thư ông Tụ trong Quảng tôi có việc phải đi đây. Tôi trưng dụng thằng Nghĩa anh chuẩn bị cho nó ít tiền tiêu pha tôi già phải có thằng cháu đi kèm đề phòng đêm hôm vậy thôi anh đừng hỏi tôi đi làm gì. Xong việc ông cháu tôi về.
Việc gì thì ông cứ nói qua cho con biết con giúp được gì thì giúp.
Trọng cố lấy giọng hòa nhã nói với cha. Thấy cha không trả lời Trọng lẳng lặng đi ra cổng. Thằng Nghĩa cao kều mét bảy tám ăn bốn bát cơm mỗi bữa ngủ dạng chân như trẻ lên ba đánh rắm tum tủm vô tư chân sáo thi đại học xong chờ kết quả đang ngoắc tay với một con bé tóc ép nhuộm vàng như người ở vùng Caribê. Nó ở làng bên kia sông ngày xưa nổi tiếng nghề thảm đay bây giờ đất bán cho liên doanh dân ôm cả đống tiền không nghề nghiệp rỗi rãi túa về thành phố làm đủ trò. Bọn con gái như con này suốt ngày tóc nhuộm móng tay bôi đỏ lòm. Để làm gì cũng chả biết… Trọng gọi Nghĩa vào xem ông cần gì.
Nghĩa giơ tay hôn gió bái bai con bé làng bên. Thấy ông ngả người thở dồn dập Nghĩa biết ông vừa lên lớp cha. Cha tức ông cũng phải. Trên huyện mời ông lên có ý phân cho ông đất tiêu chuẩn anh hùng dũng sĩ thời chiến. Trọng ở phòng nông nghiệp Trọng đã “tăm” mảnh đất sau con đường sắp mở tương lai hái ra tiền hớn hở bảo Nghĩa chở ông lên huyện ngay tức thì chớp thời cơ dùng dằng đất sẽ thành vàng vào tay kẻ không mất giọt máu chiến trường. Hai cha con chờ ông ởã hành lang. Phòng chủ tịch huyện sang trọng máy lạnh chạy ro ro nghe im ắng một lúc. Rồi lúc sau quát tháo ầm ầm. Nghĩa hé cửa nhìn vào. Ông chỉ mặt chủ tịch huyện tuổi quá ba mươi một chút mặt mũi lãnh đạm lắng nghe có vẻ đã quen mọi sự.
Đấy cậu ra mà xem. Ai cho phép các cậu lấp cái hồ hàng chục mẫu để xây khu thương mại. Nhà dân thì còn bé khu thương mại làm gì phải to thế? Có hồ dân nó còn có khí để thở có chỗ để cá đẻ nuôi dân quanh hồ có nước dẫn vào cánh đồng. Ra mà xem. Quản lý như các cậu thì chỗ nào cũng bê tông làng mạc còn ra cái của gì. Sao các cậu thích chặt cây thích lấp hồ thế hả? Đau lòng lắm. Các cậu mê tiền quá. Phần trăm bỏ đầy túi việc gì cũng chả bận lòng… thì cũng chả ai bảo được nhưng cũng vừa phải thôi chứ! Cha cậu hy sinh ở đâu tôi biết chứ. Ông ấy là cộng sản đấy – Nói chữ cộng sản giờ các cậu ngượng chứ gì. Chỗ nào cũng nhoe nhoét cũng móc máy ăn cắp rồi trẻ con nó bảo làm gì có cộng sản tốt chỉ có cộng sản làm giàu nhanh như chớp nếu có quyền thế. Ngày hôm qua là gì chúng nó đâu có biết. Bao nhiêu người chết thê thảm bây giờ nói trẻ nó không tin vì các anh làm hỏng bét hình ảnh người cộng sản. Người cộng sản bây giờ bị đút cùng rọ với bọn độc ác ăn của đút rút ruột công trình đường sá ăn gian nói dối. Trẻ nó bảo thế. Các anh không ngượng mặt à?
Chủ tịch huyện cho kính vào hộp đóng nắp bút bi gấp sổ nói gọn lỏn: cứ thế ông nhé! Chủ tịch huyện đi ra nhìn thấy cha con Trọng tươi cười bắt tay. Cùng làm việc trong ủy ban mà tươi cười bắt tay như người lạ. Mấy ông này có cái vở chào hỏi rõ to miệng cười tươi tay nắm chặt nhưng đầu óc lươn lẹo thế nào chả ai đoán được. Hai tuần rồi không thấy ai gọi lên huyện nói chuyện đất đai nữa. Trọng rên lên bố ơi là bố dở hơi thế giết con cháu đi cho rồi. Xem như mất mẹ nó miếng đất ngon. Ông Vích biết Trọng rên một hôm ông nói thẳng đất đó nếu ông được ông rào kỹ. Khi nào tìm được hài cốt chú Vác của mày tao đưa vào làm nhà cho chú xem như nghĩa trang anh hùng liệt sĩ của dòng họ.
Trọng lại rên: chú Vác ơi chú phù hộ độ trì! Chả hiểu Trọng cầu ông chú liệt sĩ cái gì.
Bây giờ thằng Nghĩa cảm thấy có trọng trách khi bố đã trở vào hất hàm đánh mắt qua ông già như chỉ cho thế hệ tương lai thấy đồ cổ giữa thời đại a còng. Trọng thì thào đánh thức ông xem ông cần mày đưa đi đâu. Mà đừng gợi chuyện cho ông nói nhiều. Nãy giờ điếc cả tai rồi đây!
Ông Vích nghe câu đó. Ông kéo thằng cháu ngồi xuống bậc thềm làm bằng đá núi Voi sau làng. Thằng Nghĩa đang vương vấn cái mùi son trên môi con bé tóc ép nhuộm vàng. Nó đùa cợt với giọng tuồng dạ thưa đại ca mỗ đây có mặt! Nhìn thằng cháu nhe răng trêu chọc ông Vích nhẹ lòng tay nắm chặt cái thư. Trong thư này có địa chỉ cái thằng ông cùng bạn tìm hàng mấy năm nay. Mày biết rồi còn gì? Cái chuyện có một lần ông nói với mày đó nhớ không? Quên cha nó rồi chứ gì. Ông chỉ nói với một mình mày nhưng dạo đó mày còn nhỏ quá.
Thằng Nghĩa thờ ơ: thì bảo cháu đi đâu cháu đi. Đi chơi với ông cũng khoái. Thư gì đấy ông đọc cháu chả đọc đâu, chuyện của các ông bao giờ chả đại sự cứ vớ vẩn như bọn cháu lại nhẹ đầu. Ấy đừng cốc thằng đích tôn ông ơi. Đầu cháu tư duy vật lý hơi hóc đấy. Năm nay cháu đỗ thủ khoa vào đại học ông chuẩn bị thứ gì quý mà ông hứa với cháu đấy để cháu làm vốn về thành phố làm le với bọn con gái. Nhớ, ông nhớ!
Im cái mồm mày đi. Vào gọi điện thoại ra ga xem tàu có mấy chuyến? Đi đêm càng hay vì vào tới ga ông Tụ đón là vừa sáng sớm. Đi lên vùng đó thuận hơn. Tiền đây!
Trọng nghe ông Vích nói với Nghĩa biết là cha có việc thật rồi. Việc cha không nói với Trọng xem Trọng ở lớp cha khinh vì chỉ có mỗi chữ tiền trong đầu. Việc gì mà thấy thư từ với ông bạn lâu nay mà thấy cha đăm chiêu mà thấy nếp hằn trên trán cha càng sâu… Trọng lại gần rụt rè ông à hai ông cháu đi chơi cho nó vui con ủng hộ thôi mẹ cháu cũng ủng hộ thôi con tin là thế có cháu đi cùng con yên tâm nhưng cha ạ vui là chính cha bỏ bớt các thứ đau đầu đi cha nhá.
Vui vui cái tổ bố nhà anh biết gì mà nói. Anh kệ tôi nói với cái đầu đầy tiền nong đất cát phần trăm tôi thà vạch đầu gối tôi ra tôi tâm sự. Anh chuẩn bị cho tôi cái ba lô thời chiến để cao quá tôi không với tới. Trong ba lô có con dao biệt kích cẩn thận kẻo nó rơi vào đầu. Cả cái bi đông. Thế là đủ.
Mang bi đông làm gì ông ơi mua vài chai nước cỡ lớn mới đã bi đông ít nước lắm. Thằng Nghĩa góp ý. Ông Vích bảo cứ mang bi đông. Mua chai đổ vào bi đông cho ông.
Hết chuyện! Trọng lắc đầu ngao ngán. Trọng cầm con dao chiến lợi phẩm ông Vích gọi là dao biệt kích trong tay ước lượng nó mấy lạng. Dao nhẹ thôi nhưng dày, cứng, nhọn, sáng quắc. Nhìn con dao là thấy bạo lực. Thấy máu. Cha cất kỹ trong ba lô lâu rồi. Làm gì mà ông phải mang con dao?
Đi đường phải có con dao cho nó yên tâm. Ông Vích nói to dứt khoát. Thằng Nghĩa phấn khích khi nhìn lại con dao. Mỗi lần ông giở ba lô thằng Nghĩa phấn khích một kiểu. Lúc này nó bảo thời đó cứ dao này thọc cổ nhau… Ặc ặc ặc! Nó làm trò. Trọng quát hay lắm đấy! Đi làm gì thì làm đi bỏ con dao ra.
Bỗng dưng Trọng sợ khi thấy cái mũi nhọn con dao biệt kích. Ông Vích bảo thằng Nghĩa dùng giấy báo bọc mũi dao để gọn vào chỗ quần áo của hai ông cháu. Bữa cơm tối cả nhà quây quanh cái bàn kê giữa sân. Trọng kéo tay thằng con: nhớ thuốc huyết áp sáng cho ông uống một viên chiều tối một viên. Các loại thuốc cha để trong này! Thằng Nghĩa phấn khởi vì chuyến đi. Nó gật đầu lia lịa bảo ngày thường cha có để ý đến ông mấy đâu sao bây giờ có vẻ quan tâm chăm sóc thế nhỉ? Nó trêu Trọng nhưng Trọng không cười nổi. Trọng dặn thêm nhớ đừng để ông xúc động quá. Sức khỏe của ông là quý nhất!
Đi chơi thôi mà cha!
Không! Trọng lo lắng. Có lẽ không phải là chuyến đi chơi thông thường. Có lẽ có chuyện gì.
***
Ông Vích mặc bộ quân phục vải Tô Châu giữ từ thời chiến tranh còn phẳng phiu vải còn mới. Dạo đó chắc mới phát thì hết đánh nhau bỏ ba lô làm kỷ niệm. Thằng Nghĩa nhìn ông sáu nhăm tuổi lưng thẳng tóc hoa râm chưa bạc lắm nói như ông Hùng thợ cắt tóc dân trong Nam tập kết ở lại Bắc là ông mày “còn ngoong”.
Ở sân ga miền Trung ông Vích chạy tới như một chàng tuổi “ngon” ôm choàng vai ông Tụ. Ông Tụ đã từng ra nhà chơi lúc Nghĩa còn nhỏ xíu. Nghĩa nhận ra ông Tụ. Ông Tụ trông hơi giống ông Vích. Cao nghều. Lính trinh sát thời chiến tranh phải là các ông có sức vóc. Sức đó còn hiên ngang tới bây giờ.
Chu cha! Trên tàu ngủ được không? Trông cháu thì có vẻ ngủ ngon. Ông thì không hả?
Ờ! Rộn quá ngủ sao được.
Bình tĩnh bình tĩnh. Giờ nó hết móng vuốt rồi. Giờ nó là của tụi mình. Nó trong tay mình. Xe đỗ kia. Tui thuê - Lái xe chở mình tới đó thì về. Khi mô xong việc mình kêu nó tới đón. Tìm được Vác thì coi như tui với ông tận nghĩa tận tình. Nè. Mà sao cái thằng Nghĩa nó giống thằng Vác quá ông ơi tui giật mình luôn đó. Ngày đó Vác cùng tuổi thằng Nghĩa thôi hà.
Ờ. Hơn thằng Nghĩa một tuổi!
Nó cũng đẹp trai môi cũng đỏ tóc cũng xanh như ri! Thằng Nghĩa nghe hai cựu binh nói về ông trẻ đã hy sinh vô tư nghĩ rằng họ nhắc tới kỷ niệm chiến trận!
Con đường lên phía Tây đã mất hết vẻ khốc liệt của thời chinh chiến. Một vài cứ điểm cũ được quây lại làm bảo tàng ngoài trời với những ụ súng chất bao cát với mấy chiếc xe tăng và trực thăng Mỹ. Thời đó tiếng cánh quạt trực thăng làm không gian như bị bẻ vụn ra trong cái nắng chói gắt mùa khô và gió quật tơi tả mùa đông biên giới phía Tây. Người lái xe còn trẻ liên tục nhổ nước bọt qua cửa sổ có cái xe trông cà tàng nhưng máy cực tốt bảo mùa này khách lên cửa khẩu du lịch vào trung tâm thương mại mua hàng miễn thuế nhưng nhiều khi ăn quả lừa. Hàng biên giới ngoài kia đưa vô nhãn mác hàng Thái mua về rồi nhìn chất lượng tức nổ con ngươi! Ông Tụ thở dài: như bị nhiễm độc điôxin. Thời mô cũng có điôxin.
Hai dãy phố của thị trấn mới hình thành sau những năm chín mươi lác đác chen những ngôi nhà mái cong kiểu nhà người Lào. Người bên đó sang đây định cư buôn bán rồi thành dân địa phương. Hai bên qua lại hàng trăm năm rồi giờ ở bên này bên kia đều như ở nhà mình.
Ông Vích nghe chuyện người lái xe đang nói rồi rộn rực nhìn lối lên sân bay Tà Cơn. Có dạo ông đã vào tận hàng rào. Còn cái dạo đi với chú Vác trong cái đêm kinh hoàng đó lại ở vùng sâu tít trên kia chân dãy Trường Sơn. Vác là binh nhất mới nhập ngũ mười bảy tuổi đầu ông đã là trinh sát cứng cựa quen trung đoàn trưởng xin cho Vác về đơn vị ông để có thể trông nom thằng em chưa đủ tuổi tòng quân. Dạo đó đang mùa mưa Vác có vẻ mặt măng tơ như thằng Nghĩa cháu ông bây giờ đang quay qua quay lại trên ghế miệng huýt gió kêu ông ơi đẹp chưa? Vác mừng hú khi được phiên chế về tiểu đội anh trai viết thư về nhà hân hoan: con được trung sĩ trinh sát Nguyễn Đình Vích cho đi tập nghề thầy u an tâm. Chúng con chiến đấu gần đất Bắc có anh trai bên cạnh không ai làm gì được con đâu.
Hơn hai tiếng sau xe dừng ở lối đi lên vùng đất dân mới lập ấp khai hoang. Trước kia đây là làng nhưng trong chiến tranh làng không còn một ngọn cỏ. Lối vào làng cũ có hai con ngựa đá vẫn đứng hai bên ông Tụ bảo trước có đền thờ các quan triều Nguyễn chống Pháp hồi Pháp mới vô.
Cây cối xanh rì. Ông Tụ ông Vích đều khoác ba lô. Thằng Nghĩa cũng ba lô học trò nhảy chân sáo như trẻ lên mười. Ông ơi mùa gió Lào ở đây ra sao chứ mùa này cháu thấy đẹp quá ông ạ. Trước kia ông đánh ở chỗ nào chỉ cho cháu với! Thấy ông nội lầm lì thằng Nghĩa xịu mặt nhưng cũng im dần chân rảo bước theo hai cựu binh vào lối mòn dẫn về ấp mới. Ông Tụ bảo dân ở đây có một số là người làng cũ – thằng đó cũng người làng cũ – rồi đến người lưu lạc tứ chiếng người phía bên Cộng hòa cải tạo xong không thích ở thành phố lên đây nhà nước cấp đất cấp vốn cho mua giống cây trồng mì trồng cà phê. Mấy chục năm rồi cây đã thu trái con cái lấy vợ lấy chồng. Tui tìm nó phải mất công lần từ Sài Gòn ra miền Trung nhưng không tìm được ăn không ngon ngủ không yên. Nhìn kìa! Ông Tụ dừng đột ngột. Một cái nhà tường mỏng nhưng có vẻ mới xây. Một dàn cây bắc ngoài sân trồng hoa giấy dưới đất có những luống cây cảnh hoa vàng.
Nó đang ngồi chẻ lạt ở sân. Ông Tụ chỉ nó kia! Nhận ra chưa? Gã đàn ông nhìn thấy những người khách ngừng tay chẻ lạt có vẻ hồ hởi: Trời, tui chờ ông mấy hôm rồi khoai mì thu được rồi để lâu nữa có xơ. Ông Tụ quay qua ông Vích: hôm rồi tui đến điều tra giả làm người mua khoai mì.
Ông Vích đứng ngoài xa. Nhìn vô. Rồi bất chợt ông vất ba lô xuống chân ông xô cả người vào gã đàn ông đang ngờ ngợ nhìn. Cả hai ngã lăn vào luống cây cảnh ở sân. Ông Tụ một bên Nghĩa một bên gỡ ông Vích ra khỏi gã đàn ông đang hoảng sợ.
Mày! Thằng kia! Ông Vích nói lào khào. Mày đã cho lính trói tao chặt cứng vào gốc cây. Bắt tao nhìn mày dùng dao cắt khuỷu tay thằng em tao. Bắt tao nhìn mày với hai thằng lính của mày chăng em tao ra xuyên cọc vào hậu môn em tao rồi dựng lên rồi tưới xăng rồi đốt em tao. Em tao mới mười bảy tuổi đầu nó là lính nó phải bắn chết hai thằng lính của mày chuyện đó chiến tranh làm sao tránh được. Mày bắt được hai anh em tao ông Tụ đây chạy thoát ra ngoài. Mày bắt được tù binh mày chỉ nên bắn nó chết như nó bắn lính của mày mày không có quyền thọc cây vào ruột nó dựng nó lên tưới xăng đốt nó. Bây giờ tao còn nghe em tao hét. Bây giờ tao còn ngửi mùi thịt em tao cháy khét. Mày còn đứng nhìn tao khóc mày còn lấy giày hất mặt tao lên để nhìn tao khóc. Làm sao mày để em tao hét lâu thế. Thịt nó cháy. Cháy mãi. Cho đến khi ruột nó nổ tung như trái lựu đạn còn tụi mày cười rồi lôi rượu ra uống rồi nhảy quanh em tao. Mà sao tụi mày nhiều xăng mày chỉ tưới cho em tao một thùng nhỏ. Để nó hét mãi. Để nó lăn cái đầu qua lại để nó cựa mình là cây thọc vào ruột nó bây giờ tao sẽ làm như thế xem mày có chịu được không. Hôm đó ông Tụ không lăn vô cướp tao chắc mày cũng đốt tao. Chắc mày cũng đốt tao như thế? Chắc mày đốt tao như đốt em tao đúng không? Chắc mày cũng tưới xăng. Chắc mày cũng thọc cây vót nhọn vào đít tao… Ừ không? Đúng không…?
Gã đàn ông không lùi. Không tự vệ. Mỗi câu nói của ông Vích gã lại gật. Gã gật gật như con rối có ai điều khiển từ trên đầu. Ông Vích dốc ba lô lôi ra mớ giấy báo loay hoay mãi mới lấy được con dao biệt kích.
Đây! Khi tụi tao quay lại chúng mày đã rút quân. Mày đưa xương em tao đi đâu? Con dao mày cắt khuỷu tay em tao vất ở gốc cây mày trói tao. Nhận ra con dao chưa thằng quỷ kia? Nhận ra chưa? Nhận ra chưa?
Ông Vích giơ con dao nhọn về phía gã đàn ông làm động tác thọc dao như lên đồng nhưng ông vẫn đứng chỗ cũ chân ông không bước được như có ai trói ghì ông trên đất. Rồi ông ngửa mặt lên trời kêu một tiếng thống thiết: Vác ơi anh tìm được đứa giết em đau đớn rồi Vác ơi. Em chết tức tưởi đau thế mà anh không cứu được em. Anh cũng có tội là không cứu được em. Em đầu xanh tuổi trẻ chưa biết gì chưa được ăn một miếng ngon. Em ơi!
Tiếng gào khóc của ông Vích làm gã đàn ông cựa được. Gã lết hai đầu gối trên nền xi măng. Gã rũ mái tóc hoa râm. Gã há mồm một lúc rồi nhìn ông Tụ cầu cứu.
Tui không tiếc chi nữa. Tui cũng lãnh đủ rồi. Tui bầm giập cả rồi tui không còn chi trên đời nữa. Tui chưa chết được vì ông Vác giữ tui không cho chết. Giữ tui vì chỉ có tui biết chỗ ông Vác nằm. Sau lần đó tui thúi chí tui sợ tui với hai thằng lính quay lại nhặt đủ xương ông Vác cho vô túi nhựa. Tui chôn xương ông Vác chỗ mô tui vẫn nhớ. Tui có đánh dấu. Chết như ông Vác là chết đau hồn ông ấy không yên tui nghĩ thế. Nên tui chôn tử tế. Tin tui đi. Ông Vác có cái bi đông có cái lược bằng mảnh đuya ra máy bay khắc tên khắc quê tui chôn luôn đào lên chắc còn.
Gã bắt đầu rên như bị sốt rét rừng. Gã rên rẩm mà không thể chảy nước mắt chắc khóc vợ khóc con nhiều rồi. Mất hết rồi mà. Trên bàn thờ thấy để cả đàn bà cả hai người trẻ tuổi hai bên. Giờ gã có một mình. Gã rên một lúc rồi cũng ngửa cổ lên nhìn: xin trời độ cho tui để tui tìm lại người tui giết thảm. Lúc đó tui bị trời hành giờ tha cho tui.
Có mấy người đàn ông đàn bà trong xóm khai hoang nghe ồn ào đang tiến lại. Ông Tụ bắt tay một ông. Ông Tụ đã quen ông trưởng thôn tháng trước khi đến đây nói thác là điều tra một vài người phía Cộng hòa chưa khai báo hết trong vụ gì đó. Giờ thì ông trưởng thôn biết chuyện. Giờ thì ông nhìn gã đàn ông chăm chỉ lao động lâu nay khác đi. Không nhìn được như trước nữa. Ông bảo ông Vích ông Tụ và thằng cháu tới nhà ông ngủ qua đêm. Sáng mai lên đường đi tìm mộ liệt sĩ. Gã kia dẫn đường. Đây lên vùng đó khá xa. Có lẽ nên thuê mấy cái xe ôm!
Ông Vích lọ mọ gói con dao vào mấy tờ báo cũ. Cho con dao vào ba lô rồi đưa cho thằng Nghĩa cả cái ba lô. Ông không còn sức đeo ba lô.
Thằng Nghĩa cháu nội ông Vích mười bảy tuổi. Bằng tuổi Vác khi bị thọc cây vào ruột bị đốt. Thằng Nghĩa nãy giờ câm lặng nhìn ông nó. Nhìn gã đàn ông lính Cộng hòa. Nhìn ông Tụ trong tổ trinh sát đã cứu ông nội nó. Nó, thằng thiếu niên chưa biết đói chưa từng bị bố mẹ cho roi vào mông. Nó đã biết mùi son môi con gái. Nó chưa hề quan tâm đến ông nội xem vì sao ông cứ chộn rộn vô ra mỗi khi nói tới tên người em ruột. Vì sao bây giờ nó mới được biết chuyện?
Thằng Nghĩa đột ngột giậm chân tiến đến sát gã đàn ông. Nó nhìn tận mặt gã kia. Rồi cái giọng non tơ trong trẻo thường ngày của nó bỗng như khàn đục. Nó nói như rít lên: sao mà ông sống được? Làm những việc đó xong mà ông còn dám sống ông còn dám đi dám nhìn.
Sao thế?
Cuối Chiều Cuối Chiều - Lê Minh Khuê