Bạn chỉ có thể thắng nếu bạn dám đương đầu với thất bại.

Rocky Aoki

 
 
 
 
 
Tác giả: Phạm Hải Anh
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 782 / 2
Cập nhật: 2015-08-28 20:29:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ửa sổ nhà tôi trông xuống dãy mái ngói của khu tập thể một tầng đối diện. Chẳng có hoa và cây xanh làm cho vui mắt, cũng không lăn tăn gợn sóng hồ để thư giãn tinh thần. Những cái đó xa xỉ quá, trong một góc thành phố bê tông bề bộn và mờ mịt bụi này.
Nhưng tôi đã quen với nó. Đến độ có thể đọc được những buồn vui trên mái ngói tưởng chừng vô hồn kia. Những hôm mưa dầm, mái thẫm lại, ẩm ướt và buồn như mái tóc người thiếu phụ buông xõa chờ chồng. Có hôm nắng hanh hao, hàng ngói khô cong, vênh váo lên miễn cưỡng. Có lúc thì xám xịt, trang nghiêm. Lúc lại hừng lên vui vẻ... Cứ thế, tôi tiêu thì giờ của một anh cán bộ nghiên cứu bằng cách ngắm mái ngói nhà hàng xóm như đọc tâm trạng một con người. Đã có lúc tôi nảy ý định điên rồ, thử nạy một hàng ngói trên đó để nhìn sâu vào trong. Liệu những cảnh sinh hoạt dưới đó có làm tôi xao lãng, hết băn khoăn về buồn vui của cái mái ngói?
Tôi biết dưới dãy mái đó là bốn hộ gia đình đang sống. Gia đình ông Mỹ khá giả nhất, bán thịt lợn. Hai cô con gái là Mỹ Hạnh và Hồng Hoa đã lấy chồng, chỉ còn cô Bích Liên ở nhà nối nghiệp bố và cậu út Tuấn Tú đang học dở lớp mười một. Hình như ông Mỹ muốn trả thù cái nghề bán thịt lợn không mấy lãng mạn bằng cách đặt tên thật kêu cho các con. Bản thân ông cũng yêu văn nghệ lắm. Tối nào về ông cũng làm hàng xóm giật nẩy mình bằng cách vặn cát-sét lên to hết cỡ và ông ổng hát theo. Cô Bích Liên tuy chỉ học hết cấp hai rồi thôi, cậu Tuấn Tú thì đúp lên đúp xuống, nhưng buổi tối, khi hai cô cậu thắng bộ đi chơi thì ông rất có quyền tự hào mà khen thật to lên rằng: "Trông chúng nó cũng ra dáng con nhà lòi nắm!"
Hàng xóm nhà ông Mỹ là nhà Tâm và Định. Họ có vẻ yên tĩnh hơn, hay là an phận hơn! Vợ chồng Tâm là cán bộ nhà nước. Sáng sáng, chồng xe cúp bãi rác, vợ mi-pha đi làm. Đứa con gái gầy nhom, lặng lẽ. Nó mới học lớp tám mà trông nghiêm nghị quá, như là đã mang dòng máu công chức bẩm sinh. Ngày Tết, tôi sang chơi, cả nhà đi vắng, con bé pha trà, mời nước như người lớn rồi chúc tôi "Mạnh khỏe, công tác tốt!". Tôi cười bảo: "Thế cháu muốn chú chúc lại gì nào?" Nó nói: "Tùy chú. Ai cũng chúc cháu ngoan, học giỏi. Thế thôi!" Tôi hỏi: "Thế cháu không ước có cái gì khác à? Ví dụ được thưởng đi nghỉ ở biển chẳng hạn...?" Con bé đáp: "Cháu chưa đi biển bao giờ. Nhưng chả cần. Ước làm gì cho mệt. Chú có chúc cháu cũng không được đi cơ mà!" Tôi thấy nhói lòng. Thuở bé, tôi hay chơi thả thuyền. Nhà ở thành phố, không có ao cũng chẳng gần sông, chỉ có cái cống. Con thuyền giấy trắng bé tẹo, thả xuống cống cứ trôi lừ đừ rồi mắc lại. Thuyền giấy của tôi chẳng bao giờ ra đến biển. Còn tôi thì khát biển đến tận bây giờ.
Nhà bà Định hay làm phiền tôi nhất bằng khói bếp than và mùi nước gạo. Ngày hai buổi đều đặn, tôi phải đóng chặt cửa sổ để căn phòng nhỏ khỏi bị mịt mờ vì khói than. Còn mùi nước gạo thì vô phương cứu chữa. Nó cứ thoang thoảng cả ngày và đặc biệt dậy lên vào lúc bà đổ ra đun cho lợn. Được cái bà hồ hởi, hay chuyện. ở cái làng bê tông này, không chuyện gì bà không biết. Theo chồng từ Thái Bình lên đây đã mấy chục năm rồi nhưng bà vẫn cố gắng Thái Bình hoá một góc Hà Nội bằng quần đen, áo cánh, nghề nuôi lợn cổ truyền và những lời bình luận ngang phè về "cái con ở trên tivi hôm qua đẹp gái quá nhẩy". Bà ghét "nhà Mỹ" mua rẻ bán đắt những lứa lợn của bà nhưng lại phục "con cái nhà nó đeo tinh những vàng". Giá con trai bà phải lòng cô Bích Liên thì bà cũng đồng ý lắm. Bà có bốn anh con trai thì ba anh đã lấy vợ và đi ở chỗ khác. Chỉ còn cậu út là công nhân điện, vẫn chưa có ai. Tôi biết cậu tên là Phúc, hai tám tuổi, tính lầm lì, ít nói như ông bố.
Và cuối cùng là nhân vật quan trọng nhất. Tôi tưm gọi là Nàng. Nàng làm mái ngói nhà hàng xóm của tôi thêm xao xuyến buồn vui. Cả khu nhà tập thể này để ý đến nàng, vì nàng đẹp, lại chưa chồng. Nàng sống với mẹ và gia đình anh trai. Tôi nghĩ, nàng không hạnh phúc. Mẹ nàng tóc bạc trắng, gương mặt còn phảng phất nét đẹp thời con gái, nhưng mệt mỏi, phiền muộn và già nua như thể đã sống hàng trăm năm vô vọng. ạng anh trai và bà chị dâu xấu xí, cau có, suốt ngày chỉ lủng bủng về tiền nong rồi đá mèo quèo chó. Mấy đứa cháu còn bé nhưng chỉ nhông nhổng đi chơi và chửi bậy rất thành thưo. Sống trong một gia đình như thế, làm sao nàng có hạnh phúc?
Buổi chiều, khi nhìn nàng dắt xe chui vào căn nhà tối om không cửa sổ ấy, tôi lại cảm thấy bất nhẫn. Và bừng bực khi thấy nàng cười, một nụ cười tươi tắn, rạng rỡ, với hai hàm răng ngà ngọc tỏa sáng trong cái khung cảnh xám xịt bao quanh nàng. Giá như tôi là một ông giám đốc đi xe hơi đời mới, hay là một anh nhân viên công ti nước ngoài cưỡi Dream cũng được, tôi sẽ đưa nàng đi thật xa khỏi cái làng bê tông này, khỏi căn nhà không cửa sổ đầy mùi nước gạo và khói bếp than này, để nụ cười nàng thật sự tỏa sáng trong khung cảnh xứng hợp với nàng. Nhưng tôi chỉ là một viên chức quèn có quá nhiều mơ mộng, một triệu phú thời gian nhưng lại rất ít tiền. Tôi ở căn hộ tầng ba nhìn xuống mái nhà nàng, xuống cái lối đi chật hẹp tun hút giữa hai dãy nhà tập thể, và chỉ thế mà thôi. Mẹ đã lập cho tôi kế hoạch đi ở rể, vì căn hộ này đã quá tải người, hai bốn mét vuông cho bảy nhân mạng!
Nàng thân với em gái tôi. Đó là cái cớ để tôi được gặp nàng nhiều hơn và đôi khi nói chuyện tay đôi. Tôi biết nàng thích đọc, nhưng chỉ đọc truyện Việt Nam. Nàng bảo truyện nước ngoài xa vời quá, còn thơ của họ thì khó hiểu. Trước đây nàng đã thức trắng đêm để đọc những thiên truyện lãng mạn, đầy tình người và những mơ ước cao cả xa vời. Nhưng bây giờ thì đủ rồi. Tôi hỏi: "Nghĩa là em không còn mơ ước nữa?". Nàng bảo: "Có chứ. Em mơ một ngôi nhà có nhiều cửa sổ... Em có một bà chị rất lãng mạn. Chị ấy chỉ mơ một ngày nào đó được tặng một ôm hoa hồng màu đỏ chói lọi. Nhưng bạn trai chị ấy không thích hoa, chỉ thích gà. Sinh nhật chị, lần nào anh ta cũng vác đến một con gà luộc. Hai người chấm muối chanh ớt, liên hoan với nhau. Rồi chị ấy lấy anh-gà-luộc ấy. Bây giờ hai người ở một cái nhà to, có rất nhiều cửa sổ... "
Hôm ấy trời mưa, nàng ở chơi lâu hơn. Tôi chưa bao giờ gần nàng đến vậy. Những ngón tay nàng buông hờ hững trên bậu cửa sổ, chúng trắng và thon thả đến nao lòng. Tôi chỉ muốn nắm gọn chúng trong lòng bàn tay mình để xoá đi cái vẻ cô đơn trên từng ngón tay buồn kia. Nhưng trời sinh ra tôi có hai bàn tay lạnh, chẳng đủ sưởi ấm cho chính mình, làm sao đem hơi ấm được cho ai? Tôi bỗng thấy giận mình, rồi giận cả nàng. Tại sao nàng lại đem so sánh hoa hồng với gà luộc. Cả hai thứ đó tôi đều không có, mà nàng có lẽ cũng không cần. Tôi hỏi lại nàng:
-Thế bà chị em có hạnh phúc với anh-gà-luộc ấy không?
Nàng lắc đầu:
-Anh chị ấy bận lắm. Hai vợ chồng đều đi làm đến tối mịt. Về nhà là cơm nước, dạy con học, thì giờ đâu mà ngồi nghĩ là có hạnh phúc hay không!
-Thế cứ bận là không có khái niệm về hạnh phúc hay đau khổ hay sao?
Nàng bật cười, cái vẻ cười làm tôi vừa thích, vừa khó chịu -như là nàng chưa biết rằng nàng đang khổ, như là một cô bé quá ngây thơ, như là một gái giang hồ quá dạn dĩ...:
-Anh triết lý thế thì sống sao nổi. Sướng khổ tại tâm chứ.
Tôi bỗng thương nàng da diết. Nàng chê tôi triết lý, nhưng chính nàng lại đi triết lý. Đàn bà hay triết lý thì khổ, mẹ tôi vẫn bảo thế. Nàng sẽ không bao giờ hợp với Phúc - anh thợ điện hàng xóm vẫn mượn cớ sang nhà nàng sửa giúp cái này, chữa hộ cái kia. Nàng cũng sẽ không hợp với anh chàng cưỡi xe Dream và đeo dây chuyền vàng trĩu cổ đang hứa hẹn dâng tặng nàng cương vị bà chủ một cửa hàng vàng có cửa sắt kéo ở ngay mặt phố. Nàng cũng chẳng thuộc về tôi trong cái hộp bê tông chen chúc những người này.
Mẹ tôi đã chán nhìn tôi ngồi ì sau khung cửa sổ ngắm mái ngói nhà hàng xóm. Bà giục tôi lấy vợ: "Con Bích Liên nó để ý đến mày đấy. Lần nào mua thịt nó cũng hỏi thăm, mà lại cân tươi lắm! Con bé được cái đảm. Nó mà diện lên thì cũng ra dáng lắm... " Tôi ậm ừ. Hôm qua trong men bia, ông Mỹ đã tuyên bố sẽ "cải tạo lòi giống, cho con Bích Niên nấy hẳn một anh chồng trí thức, xem nợn nai có hơn đứt nợn ỉ không! ". ấy là ông bực vợ chồng nhà Tâm nghèo kiết xác mà cứ khinh khỉnh chê nhà ông ít chữ. Nhưng cô Bích Liên hình như có để ý đến tôi thật. Mấy lần tôi thấy cô đánh phấn, mặc váy đầm đi lướt qua tôi, thả một cái liếc ngọt sắc như dao pha của ông bố. Chẳng hiểu có phải vì thế, hay vì những lời nói gần nói xa của mẹ, tôi đã quyết định ra chợ, đến mua thịt ở hàng ông Mỹ.
Giá như số phận đừng run rủi thì bây giờ có lẽ tôi đã yên tâm nhắm lòng lợn tiết canh với bố con ông Mỹ hàng ngày và thôi không băn khoăn nhìn cái mái ngói nhà hàng xóm nữa. Nhưng bữa đó tôi lại gặp nàng. Nàng đứng cạnh cô Bích Liên, chọn một miếng thịt lên cân và cười. Cô Bích Liên cũng cười. Ban ngày không son phấn, trông cô đen và thô. Cả đến cái cười cũng đượm mùi nghề nghiệp. Tôi đi như chạy ra khỏi chợ. Tôi biết nụ cười của nàng đã xua đuổi tôi. Tại sao nàng có thể cười rạng rỡ đến thế khi cả nàng và tôi đều khổ...?
Cuối năm ấy, nàng đi lấy chồng. Nàng theo chồng đến một nơi xa, rất xa. Tôi thầm cầu mong nàng sẽ sống trong một ngôi nhà với rất nhiều cửa sổ, và nàng sẽ hạnh phúc. Nhưng em gái tôi lại buồn. Nó bảo số nàng vất vả, chẳng được nhờ chồng, bây giờ lại còn lo đến mẹ già ở xa không ai chăm sóc. Tôi thẫn thờ ngồi ngắm mái ngói nhà hàng xóm dầm trong cơn mưa chiều. Hàng hàng ngói xuôi xuống như suốt đời ép mình nhẫn nhục. ở dưới ấy là bao nhiêu con người sống không cần cửa sổ. Mẹ tôi cũng đang bàn hay là quây cót ép và nilông biến cái góc cửa sổ và ban công sau nhà này thành "chuồng cọp" chứa đồ. Nó thiết thực hơn là cửa sổ. Nhà tôi đã có một cửa ra vào trông xuống phố là đủ. Thời buổi bây giờ, ai cũng quay ra đường lớn..../.
Cửa Sổ Cửa Sổ - Phạm Hải Anh