Số lần đọc/download: 1298 / 18
Cập nhật: 2014-12-30 05:50:27 +0700
C
huyện xưa: Tuần báo CON ONG Sài Gòn do Duyên Anh khai sinh khoảng năm 1966. Nếu Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà còn chính phủ Ngô Đình Diệm, tuần báo Con Ong không thể ra đời.
Minh Vồ Nguyễn Văn Minh là chủ nhiệm Con Ong, Duyên Anh Thương Sinh Vũ Mộng Long là chủ nhân đích thực của Con Ong, là linh hồn, là trái tim, là xương sống của Con Ong. Một mình Thương Sinh bao sân Con Ong. Dê Húc Càn, bút hiệu của Dương Hùng Cường, nổi lên ở Con Ong với mục Cà Kê Dê Ngỗng. Hoạ sĩ Hĩm Đinh Hiển vẽ hình trang bià và tranh minh hoạ trang trong.
Tôi không có mặt trong Con Ong những số đầu. Chỉ khi Duyên Anh bỏ Con Ong ra làm tuần báo Tuổi Ngọc, tôi mới có trang viết ở Con Ong. Tôi dùng hai tên Công Tử Hà Đông và Gã Thâm ký những bài tôi viết ở Con Ong. Cái tên Công Tử Hà Đông ở lại với tôi đến hôm nay.
Con Ong Sài Gòn, sau thời gian sống mạnh dưới sự biên tập của Thương Sinh Duyên Anh, chết khoảng năm 1972 khi chính phủ Nguyễn văn Thiệu ban hành cái gọi là Luật Báo Chí. Luật này bắt nhật báo phải đóng tiền ký quỹ 20 triệu đồng, tuần báo phải đóng 10 triệu đồng mới được phép ra báo. Tiền này nói là để bồi thường khi tờ báo bị thua kiện phải bồi thường tiền cho người bị tờ báo làm thiệt hại.
Chủ nhiệm Con Ong Minh Vồ không có 10 triệu đồng nên — như những tuần báo khác — Con Ong bị bức tử, chết queo. Tôi được biết Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong có tiền nên ký quỹ 10 triệu đồng; các tuần báo khác chết hết nên Văn Nghệ Tiền Phong một mình một chợ. Luật Báo Chí TT. Nguyễn Văn Thiệu là một trong những nguyên nhân làm VNTP bán được, có nhiều người mua, ông Chủ Nhiêm Hồ Anh đã giầu lại giầu thêm..
Sau khi báo Con Ong chết có vài lần Minh Vồ ra Con Ong nhưng báo làm theo lối ấn phẩm, xin Bộ Thông Tìn kiểm duyệt và cấp giấy phép ra mỗi số nên báo nhạt hơn nước ốc. Thời oanh liệt của Con Ong đã qua, Con Ong là báo của Thương Sinh. Con Ong chỉ oanh liệt vì có Thương Sinh viết, người đời chỉ sợ Con Ong của Thương Sinh. Thương Sinh bỏ Con Ong, Con Ong chỉ còn cái xác.
Duyên Anh Thương Sinh Vũ Mộng Long, Minh Vồ Nguyễn Văn Minh, Dê Húc Càn Dương Hùng Cường, Hĩm Đinh Hiển, bốn người chủ chốt của Con Ong Sài Gòn từ số Một. Ba người trong số đã qua đời. Ba cái chết thê thảm. Dê Húc Càn Dương Hùng Cường là sĩ quan Không Quân, đi cải tạo sĩ quan, về năm 1980. viết bài tố cáo chế độ cộng sản tàn ác với nhân dân gửi ra nước ngoài, DH Cường là một trong số văn nghệ sĩ Sài Gòn bị bọn Công An Thành Hồ gọi là bọn Biệt Kích Cầm Bút, DH Cường bị bắt lại năm 1984, chết năm 1986 trong xà-lim ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, trung tâm thẩm vấn nhân dân của bọn công an Thành Hồ. Minh Vồ bị bắt trong chiến dịch khủng bố văn nghệ sĩ Sài Gòn Tháng Ba năm 1976, nằm phơi rốn ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu một năm, được thả, qua đời năm 1993 sau ba năm nằm liệt một chỗ. Đám tang Minh có một số anh em văn nghệ sĩ, ký giả đi đưa từ Chuà Xá Lợi đến nghĩa trang ở Lái Thiêu: Doãn Quốc Sĩ, Thanh Thương Hoàng, Tô Ngọc, Cao Nguyên Lang, Sao Biển, Mai Anh...
Bà quả phụ Nguyễn Văn Minh bảo tôi viết điếu văn. Chưa bao giờ tôi viết điếu văn, cả đời tôi chỉ viết một điếu văn tiễn Minh Vồ. Chị Minh nói:
- Nhà tôi sinh năm Thìn..
Tôi nói:
- Tôi không viết điếu văn cho anh ấy theo kiểu điếu văn của người ta đâu. Chúng tôi là văn nghệ sĩ, điếu văn của chúng tôi viết theo kiểu điếu văn văn nghệ sĩ.
Nguyễn Văn Minh là Thuyền Trưởng Hai Tầu, anh có vợ hai. Những năm bị liệt Minh nằm trong nhà vợ hai ở đường Ngô Tùng Châu, Phú Nhuận. Tôi ở tù về năm 1990 Minh đã nằm liệt giường hai năm. Tôi đến thăm Minh. Minh ở trần, bận quần cụt, nằm trên cái giường nhỏ trong căn phòng nhỏ ở nhà vợ nhỏ. Với bà vợ lớn Minh có bốn, năm con, với bà nhỏ anh có thêm bốn con gái, một con trai. Chỉ có chị vợ Minh — chị Hai — có thể hầu chồng. Buổi tối chị bán xe phở ở đầu ngõ. Không có nghề, xe phở vắng khách, nước phở trắng như mắt ma. Minh bị liệt hai chân, hai tay vẫn cử động được, tinh thần vẫn sáng, nói không ngọng. Đặc biệt là nằm một chỗ mà gần như chuyện gì xẩy ra ở bất cứ đâu — kể cả chuyện xẩy ra ở Mỹ — Minh cũng biết. Khi tôi kể chuyện vừa xẩy ra trong giới văn nghệ sĩ ở Mỹ, Minh nói ngay:
- Chuyện ấy nó như thế này này, để tao nói cho mà nghe...
Bị liệt, Minh vẫn uống cà phê, hút thuốc lá. Chúng tôi đến thăm là dịp để Minh uống cà phê, hút thuốc lá và nói nhiều hơn. Khi tôi ra về, Minh thường bảo tôi:
- Dấu cho tao mấy điếu ở quanh giường, dưới nệm, chỗ này này, lúc nào tao muốn hút tao lấy.
Có lần Minh bảo:
- Lần sau đến mang cho tao điếu Pall Mall. Tao thèm Pall Mall, một điếu thôi.
Chị Minh Hai nói:
- Không phải tôi cấm nhà tôi hút thuốc. Các anh đến, nhà tôi uống cà phê, hút thuốc nhiều, nói nhiều, các anh về nhà tôi lên cơn, vật vã, khổ lắm.
Hôm Minh qua đời, tôi đến nhìn mặt Minh lần cuối, chị Minh Cả kể:
- Hôm qua là ngày giỗ ông thân nhà tôi, tôi mang sôi chè sang cho nhà tôi. Nhà tôi nói: bà ạ, có thằng nhỏ nào nó lấp ló sau cái cửa sổ kia, nó cứ thò tay vào kéo chân tôi. Thằng nào thế, bà đuổi nó đi cho tôi. Đến nửa đêm nhà tôi đi.
Tôi đến bên giường nhìn Minh nằm đó. Minh to lớn hơn tôi, Minh ăn to, nói lớn. Nay nằm dưới cái khăn giường trắng, tôi thấy Minh nhỏ síu, trên bụng Minh để nải chuối xanh. Chuối đã héo. Không mang hàm răng giả, miệng Minh móm xệu.
Hôm đưa đám Minh từ Chuà Xá Lợi đi, khoảng 12 giờ trưa, gặp trận mưa lớn trên xa lộ. Mưa tối trời, tối đất. Bác tài lái chiếc xe ca nhà đám muớn chở khách trong số có tôi loanh quanh mãi mới đến được nghĩa trang. Mưa vừa tạnh. Những hàng cây lá xanh um ướt nước mưa làm cho khung cảnh quanh căn nhà nhỏ giữa nghĩa trang có cảnh sắc thật lạ. Có đội kèn bu-dzích đi theo. Tiếng kèn đồng te te vang lên, tiếng trống bùng bùng, người đi đưa túm lại trong nhà quàn. Tôi đọc điếu văn.
Không thể ca tụng Nguyễn Văn Minh, ông chủ nhiệm tuần báo Con Ong, là người chồng tốt, tôi ca tụng Minh là người bạn tốt. Mà Minh là người bạn tốt thật. Những lúc Minh có lộc, nói rõ là những khi Con Ong có người đến nộp tiền để báo đừng chửi — nộp tiền để báo đừng chửi họ, đừng tố cáo họ, đừng nói đụng đến họ, không phải nộp tiền để báo chửi người khác — Minh vẫn chia lộc cho anh em chúng tôi.
Khi đã nằm liệt nghe chúng tôi nói đến Hĩm ở Mỹ — Hĩm vuợt biên sang Mỹ năm 1978 — Minh nói:
- Tổ sư ông Hĩm. Tôi trả tiền nhà thổ cho ông ấy không biết bao nhiêu lần!
Trước quan tài Minh ở một nghĩa trang trên Lái Thiêu, khoảng 2 giờ một buổi trưa trời mới đổ trận mưa lớn, tôi đọc bản điếu văn duy nhất tôi viết trong đời tôi, tôi kết thúc điếu văn bằng câu:
- Minh ơi..! Khi người ta đi ra khỏi cõi đời này, người ta đi lên, hay người ta đi xuống. Khi chúng ta ra khỏi cõi đời này, chúng ta đi ngang. Minh sang bên ấy trước, chúng tôi sang sau.
Tôi vỗ lên quan tài Minh ba cái, rồi châm lửa đốt tờ điếu văn.
Duyên Anh tù cải tạo 5 năm, nằm phơi rốn ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, Nhà Tù Chí Hoà, rồi Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc, trở về Sài Gòn năm 1980, vượt biên đi thoát năm 1983, sang Pháp với vợ con. Sang Pháp Duyên Anh lại viết, và viết rất mạnh. Có tiểu thuyết làm phim. Vợ con Duyên Anh được bảo lãnh sang Pháp năm 1980. Những năm 1987, 1988 Duyên Anh bị đánh ở Cali, liệt nửa người. Oan nghiệt dễ sợ. Sau tai họa, Duyên Anh viết bằng tay trái, qua đời năm 1996 hay 1997 ở Pháp.
Tứ trụ tòa soạn Con Ong Sài Gòn đã ra đi ba người, nay còn Hĩm Đinh Hiển ở Cali.
Dòng thời gian dài một ánh bay..! Bánh xe lãng tử sang Mỹ tôi lại viết cho Nguyệt San Con Ong, Chủ nhiệm Phạm Thông, ở Houston, tôi lại dùng bút hiệu Công Tử Hà Đông. Tưởng như tôi mới viết cho Con Ong Houston Texas ngày hôm qua. Dzậy mà đã 10 năm. Thời gian qua thật mau. Mới đấy mà Con Ong Houston, Texas đã sống được mười năm...! Mới đấy mà vợ chồng tôi đã sống mười năm ở Mỹ..!
Năm 2006, Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ nhiệm Bán Nguyệt San Văn Nghệ Tiền Phong, từ trần ở Virginia, thọ 84 tuổi. Uyên Thao, Tạ Quang Khôi, Vương Đức Lệ và tôi tiễn đưa Hồ Anh tới nghiã trang. Lúc trở về, trong xe, tôi nói:
- Bốn thằng mình đây, không biết thằng nào đi trước?
Tạ Quang Khôi nói ngay:
- Tao đi trước.
Vương Đức Lệ nói:
- Chưa chắc.
Ba năm sau, Vương Đức Lệ là người "đi trước" trong 4 anh em chúng tôi.
Trước linh cũu Vương Đức Lệ, tôi nói lời tôi đã nói với hương linh Minh Vồ Nguyễn Văn Minh ở Sài Gòn năm 1992:
- Khi người ta đi ra khỏi cõi đời này, người ta đi xuống hay người ta đi lên, khi chúng ta ra khỏi cõi đời này, chúng ta đi ngang. Lệ sang bên ấy trước, chúng tôi sang sau.
Sau đám tang Hồ Anh, tôi làm bài thơ:
Trước, Sau
Chưa biết thằng nào trước thằng nào,
Thằng nào đi trước, thằng nào sau.
Đi sau, đi trước cùng đi cả,
Thằng thì đi trước, thằng đi sau.
Không thằng nào nói tao đi trước,
Không thằng nào nói tao đi sau.
Thằng đi sau lậy thằng đi trước,
Thằng đi trước kệ thằng đi sau.
Đi sau, đi trước rồi đi cả.
Théc méc làm chi chuyện trước sau!