Số lần đọc/download: 1087 / 44
Cập nhật: 2016-06-03 16:00:12 +0700
K
hoảng cuối thập niên 50 và bắc cầu sang đầu thập niên 60 – cây cầu đến nay còn soi bóng tuyệt đẹp trên dòng sông đất nước – những tấm lòng đồng chí với những phá vỡ và những làm mới của văn học và cho văn học, đã được liên tiếp chứng kiến gần như trong cùng một thời điểm, hai cuộc lên đường đi về những chân trời phía trước của một thế hệ những người cầm bút ở miền Nam.
Lên đường thứ nhất khởi sự từ Lên Đường Lớn: từ hiệp định chia đôi đất nước, từ Bến Hải và vĩ tuyến 17, theo những bước chân trùng trùng của di cư một triệu. Đội ngũ tiền phong của nó là Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Quách Thoại, Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn và Nguyên Sa, những người trước vào từ miền Bắc, bài thơ thứ nhất viết dưới những mái lều vải tạm trú của sinh viên, hai người sau "viễn phương" hơn, lên khỏi những hầm rượu tả mạn sông Seine, mới từ Pháp về. Những vì sao đầu này của một vòm trời văn chương vừa dựng thoạt đầu là những lấp lánh lẻ tẻ. Trên tờ Dân Chủ của Vũ Ngọc Các, tờ Đời Mới của Nguyễn Đức Quỳnh, Trần Văn Ân, từ Lửa Việt, Người Việt của sinh viên Hà Nội di cư. Rồi sau cùng đến với nhau thành một họp mặt chung trên tờ Sáng Tạo.
Lên đường thứ hai, đã thấp thoáng trong dấu chân lên đường thứ nhất, nên có thể coi như một đồng hành, làm một gờm thành đầy khí thế của những người viết trẻ, tất cả đều ở tuổi hai mươi, và diễn đàn chính của họ là tờ Văn Nghệ, chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, anh ruột nhà thơ Quách Thoại. Họ là Viên Linh, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Du Tử Lê, Đỗ Quý Toàn, Trần Đức Uyển, là Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Nghiệp Nhượng. Và một người viết mới, tuy cùng một lên đường với bằng hữu nhưng độc lập, tách biệt, như đi một mình trên con đường riêng. Đó là Dương Nghiễm Mậu.
Những người của hai lên đường làm mới văn học nói trên, đến nay tuy đã mấy chục năm, nhưng với phần lớn tôi đều giữ được những kỷ niệm về lần đầu gặp mặt. Kỷ niệm với mỗi người mỗi khác. Thanh Tâm Tuyền, căn gác xép ám khói ở toà soạn Dân Chủ, hắn hỏi xin một điếu thuốc và tôi tưởng hắn là thợ sắp chữ. Nguyên Sa cái mũ trắng thầy giáo, lần đầu tới Sáng Tạo, gọi tôi vào phòng trong dậy một điệu nhảy swing. Cái áo thun cũ, cái quần sà lỏn của Doãn Quốc Sĩ, bữa ăn trưa đãi tôi ở Đại Học Xá. Cung Trầm Tưởng, cái cà-vạt đỏ chói, tóc đỏm dáng từng sợi. Viên Linh mặt mày cau có giận dữ vì đến đưa thơ tôi còn ngủ vùi, cửa toà báo treo tấm biển đi vắng. Trần Thanh Hiệp không nhìn lên, vùi đầu vào cuốn tự điển to gấp hai người Hiệp. Quách Thoại, cái anh chàng khả ố ngất ngưởng ở tiệm ăn Thanh Thế, lần gặp đầu đã tự nhận là vua thơ một thời. Nhưng kỷ niệm về lần thấy đầu, biết đầu với Dương Nghiễm Mậu là vô tình và lý thú nhất, sau này tôi kể chuyện lại, anh em còn cười lớn với nhau.
Nhớ đó là một buổi trưa rảnh rỗi, tôi ghé vào thăm một diễn đàn bạn. Người bạn đang cắm cúi làm việc. Tôi kéo ghế ngồi hút thuốc lá, thấy ở cạnh mình một cái sọt rác đựng đầy những bản thảo gởi đăng không đăng và liệng bỏ đi. Buồn tay tôi nhặt những tờ bản thảo bị xé bỏ ấy lên coi. Cuối cùng và ở tận đáy cái sọt rác ấy là một bản thảo truyện ngắn. Tôi đọc mấy dòng đầu, giật mình vì lối vào truyện mạnh dạn, mới lạ, khác biệt hẳn với lối vào truyện vòng vo ngập ngừng thường thấy ở những người viết mới. Đọc tiếp mấy trang nữa; tôi hỏi người bạn: "Bỏ đi tất cả đây à?" Người bạn không ngửng đầu lên: "Ừ, đã đọc rồi bỏ không đăng" "Moi lấy đi được không?" "Để làm gì vậy?" người bạn ngạc nhiên hỏi. "Mặc moi" tôi nói, và cất cẩn thận cái truyện ngắn bị vất bỏ ở một diễn đàn bạn vào túi áo, trở về đăng ngay nó và nguyên văn không sửa một cái dấu phẩy trên tờ Sáng Tạo số đang làm. Người bạn tôi, chỉ biết thấy giá trị những tác giả đã thành danh, không thấy được những hạt ngọc lóng lánh lăn ra từ những cõi viết còn vô danh chưa tên tuổi đã liệng đi cái hạt ngọc văn xuôi ấy là truyện ngắn Rượu Chưa Đủ, truyện đầu tay của một người trẻ tuổi mới viết văn bấy giờ là Dương Nghiễm Mậu. Hạt ngọc bị vất bỏ ấy và tôi đã tình cờ lượm được, đúng là một hạt ngọc. Bao năm rồi không đọc lại tôi chẳng thể nhớ hết từng chi tiết của truyện chỉ nhớ cái chàng nào đó với bút hiệu Dương Nghiễm Mậu đã có ở Rượu Chưa Đủ một đoạn văn kết thúc tuyệt hay. Đoạn văn tả người anh đến đón em ở viện mồ côi. Hai anh em cùng mồi côi cha mẹ từ sớm. Hai anh em đi lang thang một ngày trong thành phố, không có một đồng xu nhỏ. Buổi chiều, trước khi đưa em trở về viện, người anh dẫn em vào một công viên, yên lặng lấy đất đắp thành những mô hình sông núi quê hương, thầm nghĩ hai anh em trơ trọi giữa đời, thôi bầy trò chơi đắp hình, sông núi với em, để có được cùng em, dù một cách rất tội nghiệp buồn rầu, một ý niệm về điểm tựa, về nguồn gốc. Thật là chửng chạc và cũng thật là cảm động. Đó là truyện ngắn thứ nhất của Dương Nghiễm Mậu.
Sau này, ngắm nhìn một Dương Nghiễm Mậu đã nhanh chóng nổi tiếng, đã có hàng chục tác phẩm được in ra, có được thêm những nhận thức mới về cõi văn sáng rỡ một tâm thức thời đại vô chừng nghiêm chỉnh hiếm thấy ở một người viết trẻ, tôi vẫn mãi mãi nhớ đến hai đứa bé mồ côi đắp hình sông núi quê hương trong sáng tác Rượu Chưa Đủ tôi lượm được trong sọt rác một toà báo của Mậu. Một công viên vắng lặng. Công viên đó chính là hình ảnh con đường văn chương Mậu đã mở ra và đi trên đó, một mình. Những mô hình sông núi quê hương. Đứa nhỏ mồ côi nghiêm chỉnh, sớm hiểu biết, ý thức trong truyện cũng chính là Dương Nghiễm Mậu, đã đắp xong và rất hoàn chỉnh, những mô hình sông núi cho cõi văn, cõi viết của mình.
Tuần lễ trước đây, ở một lá thơ của một người bạn thân gởi sang từ Sàigòn, có một đoạn bạn tôi vắn tắt cho hay về Dương Nghiễm Mậu sau 1975. Dương Nghiễm Mậu không đi năm 1976, phải trình diện học tập cải tạo, bị giam ở trại tập trung Phan Đăng Lưu Gia Định, hơn một năm sau được thả về cùng một đợt với Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Hiệu, Nhã Ca. Thư kể Mậu bây giờ làm việc ở một xưởng sơn mài thành phố, vẫn sống cùng vợ con trong ngôi nhà cũ vùng ngoại ô Trương Minh Ký, một đời sống từ lâu đã biết làm cho đơn giản đến tận cùng khiến nghèo túng đến mức nào cũng không còn là thảm kịch, và dẫu ở cảnh ngộ nào cũng thư thái ung dung. Thư kể Mậu đi bộ khoan thai trên hè phố, cái dù đen nơi tay, cái nhìn hóm hỉnh, nụ cười tươi tắn. Đúng là Dương Nghiễm Mậu, vẫn là Dương Nghiễm Mậu ấy, sau Rượu Chưa Đủ đến tìm tôi và đưa thêm những truyện mới, những sáng tác mở đầu cho sự nghiệp văn chương tốt đẹp này của Mậu đều được trang trọng giới thiệu trên tờ Sáng Tạo Bộ Cũ và Bộ Mới. Nụ cười tươi tắn, cái nhìn hỏm hỉnh. Đúng là Dương Nghiễm Mậu, độc lập một trời riêng, tách biệt một đường riêng, phản chiếu trong văn viết và trong một tấm hình nổi tiếng độc đáo của Trần Cao Lĩnh, Mậu nhắm mắt mĩm cười dưới một mặt kim đồng hồ kim phút kim giờ cùng ngộ nghĩnh rớt xuống.
Sau biến cố 1975, trước khi bị truy nã và do đó đứt hết liên lạc bằng hữu, tôi còn gặp Dương Nghiễm Mậu nhiều lần. Một lần ở cổng xe lửa số 6. Trời râm mát mà tác giả Địa Ngục Có Thật vẫn chiếc dù đen trong tay, như một vật tùy thân. Mừng rỡ đứng lại trò chuyện giữa tan hoang Cộng Sản đã vào. Mậu cười nói với tôi: "Nhiều chuyện lạ lắm sắp xảy ra, đây chỉ là bắt đầu và anh em mình sắp nhìn thấy". Rồi kể là đã sắp đặt tức khắc xong xuôi đời sống. Đã đơn giản còn chỗ đơn giản hơn nữa. Đã thu hẹp còn cho thu hẹp hơn nữa. Để lúc nào phải đi thì đi.
Ít lâu sau, quả nhiên Dương Nghiễm Mậu đã "phải đi", cùng với anh em văn nghệ sĩ miền Nam. Đi thẳng vào trại tập trung Phan Đăng Lưu. Một lần khác, gặp trên hè đường Tự Do, xế cửa nhà sách Xuân Thu. Mậu, một cây dù Tú Xương, tay kia xách một túi giấy, nói ở trong là một cái chăn len, đồ dùng quý nhất còn lại trong nhà, và Mậu đang trên đường ra chợ trời Tôn Thất Đạm bán lấy ít tiền đem về cho vợ mua gạo. Kể chuyện khốn quẫn mà cười thật vui, nét mặt sinh hoạt, ánh mắt riễu cợt. Sau 1975, tôi đã nhìn thấy ở nghệ sĩ ta một số bản lĩnh chói loà. Những phong thái trầm tĩnh, những bản ngã dũng liệt, trong nghịch cảnh mới như một đường kiếm tuốt ra khỏi vỏ, mới lấp lánh hiện hình. Nhưng tươi tắn, vững vàng và trong sự trẻ trung đặc biệt, gần như không có tuổi, thì là Dương Nghiễm Mậu thôi. Chỗ này là chỗ nói đến võ công thâm hậu, đến tư duy đạt thành và kín thầm nhưng đoán thấy, sự kiêu hãnh tuyệt của người nhà văn nơi Dương Nghiễm Mậu.
Lần sau cùng gặp, thời gian này Mậu vừa được trả tự do, là chiếc dù đen hiền triết tôi nhìn thấy ở trước rạp chiếu bóng Trương Minh Giảng. Lần đó, kẻ bên này đường, kẻ bên kia, tôi đang bị truy lùng ráo riết, nên chỉ nhìn nhau gật đầu, vẫy tay chào không ai đứng lại. Khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng tôi nhớ vừa đi vừa còn nhìn lại, nhìn cây dù đen văn chương xa dần, lòng đầy quý mến.
Bạn hữu còn kể ít nhiều chuyện về hơn một năm lao tù của Mậu ở Phan Đăng Lưu. Như về cái thái độ trầm tĩnh của Mậu đã có một ảnh hưởng rất tốt đẹp với anh em cùng tù, đặc biệt là với Nhã Ca, bao nhiêu năm vẫn trước sau kính trọng Dương Nghiễm Mậu như một người anh lớn. Biết Nhã Ca ngạo ngược nóng nảy, Mậu vắn tắt khuyên: "Cô còn phải trở về nuôi tụi nhỏ", và kèm sát Nhã Ca trong những buổi học tập kiểm thảo. Phải nên có thái độ nào cho đúng, kiểm thảo như thế nào mới là khôn ngoan, an toàn, nhất nhất Nhã Ca đều chịu nghe theo những chỉ dẫn của anh "Dương Nghiễm Mậu". Một chuyện ngộ nghĩnh về Phan Đăng Lưu: Buổi sáng hai anh em được trả tự do, Nhã Ca có người đến đón ở cửa trại, Mậu không có ai, Nhã Ca còn 5 đồng trong túi, Mậu không có một đồng nào. Nhã đưa cả 5 đồng cho bạn, để đi xe. Mậu cầm tiền cười lớn: "Anh là ông vua đi bộ ở Sàigòn, cần gì xe cộ nữa" và dùng 5 đồng của Nhã Ca ung dung vào quán uống cà phê. Chi tiết này đủ cho thấy bản lỉnh Dương Nghiễm Mậu trong nghịch cảnh.
Một chuyện ngộ nghĩnh khác, vẫn về Phan Đăng Lưu. Chẳng hiểu vì lý do nào cùng với Lê Xuyên tác giả Chú Tư Cầu, Mậu là một trong hai tù nhân văn nghệ bị quản huấn bỏ quên lâu nhất. Mãi gần nửa năm sau, mới được gọi tên. Cuộc thẩm vấn tức cười không thể tả được:
- Dương Nghiễm Mậu. Tên thật Phí Ích Nghiễm.
- Sao lại những hai tên?
- Một tên cha mẹ đặt. Một tên vì nghề nghiệp.
Quản huấn lắc đầu, Mậu không có một hồ sơ tội phạm. Đành hỏi:
- Anh bị bắt vì tội gì?
- Tôi không biết.
- Vô lý. Phải có tội mới bị bắt. Anh làm nghề gì?
Mậu nửa đùa nửa thật:
- Nghề văn nghệ sĩ.
Tên quản huấn dốt nát chẳng hiểu nghề văn nghệ sĩ là cái nghề quỷ gì, nhưng nét mặt rạng rỡ:
- Có thế chứ. Vậy tôi ghi vào hồ sơ tội trạng anh, anh nhớ kỹ nhé, tội anh là tội văn nghệ sĩ.
Tội văn nghệ sĩ. Tếu thật. Nhưng cũng là sự thật. Tác phẩm Dương Nghiễm Mậu, sau 1975, cũng bị đem ra trưng bày tại phòng Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy như sách của chúng tôi. Nội dung những tác phẩm Dương Nghiểm Mậu cũng bị đem ra mổ xẻ và đả kích thậm tệ ở các lớp học, các buổi họp và trên đài phát thanh Cộng Sản. Cái "tội văn nghệ sĩ" do tên quản huấn dốt nát định cho Mậu ở buổi thẩm vấn Phan Đăng Lưu, tôi biết. Mậu công nhận và còn thầm công nhận mãi. Như một ở cùng cảnh ngộ với bằng hữu. Như một tin tưởng vĩnh viễn ở chính mình, và qua bản thân, ở văn chương. Văn chương với Dương Nghiễm Mậu, mang ý nghĩa tốt đẹp nhất và toàn vẹn nhất của một tự thành. Con đường đi vậy là trước sau thông suốt. Những bước chân đi trên con đường ấy vậy là đã tới. Tôi vẫn nghĩ trở lại cái truyện ngắn đầu tay Rượu Chưa Đủ của Dương Nghiễm Mậu tôi nhặt được trong một cái sọt rác và đăng lên một số Sáng Tạo năm nào. Đứa trẻ mồ côi im lặng đào đất chơi trò đắp hình sông nước quê hương. Trò chơi tuyệt vời ấy đã hoàn tất. Nó cũng là cái trò chơi chúng ta cùng nhìn thấy là tuyệt vời và đã hoàn tất, bằng văn chương của người viết văn đi một mình trên con đường mình là Dương Nghiễm Mậu.
Tin nhà đưa sang cho biết hiện giờ nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã trở thành công nhân một xưởng sơn mài thành phố. Bằng hữu văn nghệ ở Sài Gòn gần như trên hết thảy đã ngừng viết và đã phải đổi nghề. Để sống. Để có lao động, để được yên thân. Nghe nói Nguyễn Thụy Long đi đạp xích lô. Nghe nói Trần Lê Nguyễn bán sách cũ. Nghe nói Nguyễn Đình Toàn nuôi thỏ nuôi gà ở làng Báo Chí cũ. Tất cả đểu dãi dầu, tất cả đều sương nắng. Nghe những tin nhà về bạn bè, thấy lòng xót xa buồn rầu, nhìn thấy những khổ cực đang chồng chất lên những thân thể chữ nghĩa thất thế và đang phải sống giữa chế độ hiện giờ của chúng ta. Riêng nghe tin Dương Nghiễm Mậu bây giờ làm công nhân một xưởng sơn mài thành phố, không hiểu sao tôi lại thấy vui vui và muốn cười. Có lẽ vì Dương Nghiễm Mậu bao giờ cũng đến với tôi bằng khuôn mặt đó. Khuôn mặt một người nhắm cả hai mắt lại, cho cái nhìn trở thành cái nhìn bên trong, cái nhìn tâm hồn, và nụ cười tủm tỉm hóm hỉnh là chân dung Mậu ở tấm hình chân dung ngộ nghĩnh của Trần Cao Lĩnh. Cũng có lẽ vì tôi thấy Mậu vững chãi nhất, chẳng phải buồn phiền và xót xa cho hắn.
Công nhân một xưởng sơn mài thành phố. Cây dù đen Tú Xương. Đúng là cảnh "Sáng vác ô đi tối vác về" rồi nhé. Dương Nghiễm Mậu! Những tấm sơn mài. Cây dù bên cạnh. Tôi đang hình dung ra Dương Nghiễm Mậu ngồi một mình một góc trong một xưởng thợ Cộng Sản, trước những tấm sơn mài ấy. Muốn hỏi Mậu ở Việt Nam nghìn dặm: "Những tấm sơn mài ấy có vẽ hình sông núi quê hương?" Chắc là có. Chắc là có. Không trên tranh thì trong tim, trong hồn, trong thức, trong ý. Và cái nền của sơn thì vẫn là một con đường. Con đường đi qua đời sống. Con đường đi qua văn chương. Con đường đẹp nhất, vì con đường thẳng tắp. Con đường đẹp nhất, vì là con đường một mình. Cuối cùng là đứa trẻ mồ côi trong truyện ngắn đầu tay Rượu Chưa Đủ của Dương Nghiễm Mậu sự thực không bao giờ mồ côi. Mồ côi là những kẻ khác kia.
MAI THẢO