Số lần đọc/download: 1706 / 55
Cập nhật: 2017-11-15 06:08:21 +0700
N
gười làm Thơ đã thật Chết,
Như đã nói thành lời nhiều lần, tôi là một người có rất nhiều bạn; nếu ai đấy làm một cuộc thống kê chính thức, so sánh về số lượng bằng hữu, kết luận về điều trên hẳn sẽ được chứng minh. Gần hết một đời, tổng kết lại, tôi vẫn không có một “sự nghiệp” nào, và cũng chẳng muốn điều gì hơn ngoài việc được huynh đệ, bằng hữu bốn phương đối xử chân thành thương mến. Tôi rất hãnh diện, trân trọng gìn giữ tình thế cảm động nầy. Nhưng nay, tôi phải viết về một người với tính cách phủ định – lại là người bạn tôi hằng quý trọng, đã đánh giá đấy là một hào kiệt – cụm từ không dùng quá độ, vì ba mươi, bốn mươi năm trước, người bạn nầy quả có những tính chất, hành vi cao thượng ấy. Nhưng nay thời, thế đã hoàn toàn thay đổi, tính cách cao thượng, trong sáng trước kia lộ mặt nên thành tính chất giả. Cũng phải nên nói rõ, chẳng phải vì hôm nay anh ta đang giữ vị thế cao cấp trong chính quyền (tất nhiên là chính quyền cộng sản Việt Nam) nên tôi mới nói câu tán tụng như trên để cầu thân; không phải thế, tôi đã nói hẳn lời ca ngợi kia từ năm 1970 trong một cuốn sách, “Ải Trần Gian”. Tôi đã viết cuốn sách kia để phần lớn nói về “nhân vật hào kiệt” của mình, và cũng đã chịu nhiều khốn đốn vì hàng chữ đề tặng nơi trang đầu:“Tặng Phan Duy Nhân, kẻ Hào Kiệt”. Nhân viên cao cấp Sở Phối Hợp Nghệ Thuật Bộ Thông Tin Chiêu Hồi thời ấy đã bắt tôi đục bỏ giòng chữ kia với lý do (mà khách quan nghĩ ra quả tình chính đáng):“Đấy là một cán bộ cộng sản nằm vùng loại chiến lược”. Lẽ tất nhiên tôi không chịu - kiểu phản ứng của người “chiến sĩ văn hóa độc lập ở Miền Nam tự do”, sống chết cho “tình bạn và sự thật”(!)- Tương tự như khi Mai Thảo phản đối Chu Tử, khi ông Chu tố cáo Vũ Hạnh nằm vùng (mà là nằm vùng thiệt sự hiểm độc). Mai Thảo nói lời rộng lượng, hào hiệp: “anh em văn nghệ với nhau đừng làm cho tụi cầm quyền nó coi thường chúng ta!” Vâng, ở Miền Nam, có gì đi chăng nữa, người làm văn hóa, văn nghệ không hề kiêm chức cảnh sát, công an, chính ủy, cho dù kẻ cầm đầu chính quyền đã từng nói nịnh: “một cây bút là một sư đoàn!”, hoặc mời đến ăn sáng, tặng bao thơ có xấp giấy bạc năm trăm. Nếu có nhận chăng, kẻ viết văn, viết báo ấy (cho dù viết bài cho Bộ Thông Tin, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Bộ Quốc Phòng) sau đó cũng không viết nên những câu: “Tổng Thống anh minh Nguyễn Văn Thiệu đã ban chỉ đạo; hoặc, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi..” (kiểu như hệ thống “văn công, văn lại, trí thức, học giả” ngoài Bắc, ở Hà Nội phải viết: “phần nhập đề của Marx, phần kết luận của Bác Hồ, xin chỉ đọc phần giữa của tôi”, mà chúng ta đọc tới phải đỏ mặt vì ngượng giùm). Chúng ta quả đã thắng, thua cũng từ “ưu-khuyết điểm tốt lành nầy”. Chẳng phải chỉ riêng giới viết văn làm báo, mà chung cả Miền Nam rõ ràng không biết “sợ” và “nịnh” ai (có ai trong chúng ta đã gọi các cấp chỉ huy mình bằng cái danh tự quê kệch “ngài”, như cách mô tả của Nguyễn Khải, Dương Thu Hương, Bảo Ninh.. khi nói về người lính Miền Nam “thưa, bẩm” với cố vấn Mỹ!) Khổ thay, có chăng là người Miền Nam hình như chỉ “ngán Việt cộng”, bởi “không ác độc bằng”. Thế thôi. Tôi đã đi quá xa, nay trở lại chuyện Phan Duy Nhân: Bài nầy cốt để bàn chuyện văn chương, chữ, nghĩa và con người viết nên lời thơ, câu văn ấy. Chuyện ấy là - Phan Duy Nhân không phải là một Người Làm Thơ như tôi hằng quý trọng, đánh giá cao suốt ba, bốn mươi năm qua, mà thật sự trước, sau anh chỉ là một kẻ “làm nghề cộng sản” để cầu danh, lợi. Danh, “phó ban tôn giáo trung ương đảng”, và lợi, số tiền 750 triệu đô-la hiện đang thủ đắc mà cô em vợ, em bà Dương Thị Ngân Hà đã nói cùng chúng tôi (những học sinh Trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, trường của Dinh (Phan Duy Nhân) học cùng chúng tôi thời niên thiếu (1955-1960) nhân dịp người nầy qua Mỹ làm ăn. 750 triệu đô la Mỹ không phải là số tiền ai cũng có thể có được, cho dù người Mỹ chính gốc, học vị giáo sư tiến sĩ, chức vụ đến cỡ tổng, bộ trưởng. Tháng Ba, 1975 để cứu viện Miền Nam, Tổng Thống Ford cũng chỉ vận dụng được 350 triệu của quỹ quân viện thặng dư với những quân trang cụ tồn kho không sử dụng từ Đệ Nhị Thế Chiến để lại. Chẳng phải 750 triệu mà cho là 750 ngàn cũng không mấy ai có. Mười năm ở Mỹ đi làm suốt từ 1995 đến nay, bán bao nhiêu đợt sách, bây giờ, tôi cũng chỉ có được hơn hai trăm bạc trong trương mục ngân hàng. Vậy tiền lương của một giới chức nhà nước ở Việt Nam lương khoảng 200 đô la một tháng thì lấy đâu ra số tiền quá độ lớn lao kia? Nhiều kẻ ở đấy còn có bạc tỷ- tỷ Đô-la. Cộng sản nào đây hở Karl Marx, Lenin, Bác Hồ?!
Chúng tôi trở lại từ đầu với khung cảnh của bốn mươi năm trước, nơi căn phòng nhỏ ở Đà Nẵng...
Đem tình thương dựng nên đời
Không tro tàn bếp lạnh
Mỗi độ xuân sang
Rộn tiếng trẻ thơ cười..
Mắt anh rực sáng ánh lửa nhiệt tình, ngọn lửa chân thật mà người chỉ có được lúc đang tuổi trẻ - ngày chưa bị vướng bận bởi những hệ lụy, lo toan, mưu định bẩn chật của cuộc sống - khi đọc những lời thơ đằm đằm cảm xúc. Những câu thơ của Thủy Thủ (Trung úy Thái Trần Trọng Nghĩa, Binh chủng Biệt động quân, khoá 14 Trường Võ Bị Đà lạt, theo viên chỉ huy, Đại úy Phan Lạc Tuyên trốn vào mật khu cộng sản sau biến cố quân sự 11 tháng 11, 1960 do Trung tá Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Nguyễn Triệu Hồng cùng một nhóm sĩ quan xử dụng lực lượng nhảy dù đảo chính, lật đổ chính phủ Tổng Thống Ngô Đình Diệm), đăng ở trang đầu số Xuân Nguyệt San Chỉ Đạo của Cục Tâm Lý Chiến QLVNCH được Dinh đọc to thêm lần thứ hai, tóc anh xòa xuống trán, những ngón tay đưa lên, run rẩy cảm xúc, nhiều kịch tính.. Đám chúng tôi, tuổi 16, 17 ngồi nghe, nhìn anh thán phục, chen lẫn tự hào. Có thể nào như thế, là con của một gia đình nghèo, nghèo nhất trong các bậc thang xã hội, cha gác cổng xe lửa, mẹ bị bệnh lao phổi thời kỳ cuối cùng, em bị chứng tật nguyền bẩm sinh không ngồi dậy được..Thế tại sao trong cảnh khốn cùng nầy, con người bản lãnh kia vẫn không hề có chút mặc cảm, suy sụp bởi khốn khổ của thân phận, gia đình; anh tự học thêm Pháp văn để dịch cuốn Condition Human của André Malraux, đọc, viết nên những lời thơ bừng bừng sức mạnh cao thượng nhân bản...
Độc lập, hòa bình, công bằng, nhân đạo
Mắt em thơ hớn hở nụ cười tròn
…
Nòi giống Việt thương yêu đời sống Việt
Triệu con người vươn lên từ cõi chết
Yêu anh em, yêu xã hội công bằng
Người yêu người xây dựng đến muôn năm
(Tiếng Hát của Người Đi Tới)
Những câu thơ như trên chỉ được hình thành từ trái tim chân thật của tuổi mười-tám; và cũng chỉ với một lần hai-mươi trong sáng, người mới có thể viết nên lời cảm xúc hào hùng như sau:
Vẫn còn đó anh em hàng triệu đứa
Yêu thương nhau cùng mở rộng vòng tay
Khi chết đi tim người xin để lại
Anh mang theo khoảng trống lấp không đầy
Thân băng hoại nhưng niềm tin hiện hữu
Cùng tui em đi đốt lửa mặt trời
Chúng ta sống bằng máu người đã chết
Người nối người dĩ vãng nối tương lai
Vì trên mặt đất nầy cây đã mọc
Vì hoa đời anh hái cả hai tay
Nên cuộc sống khác ngày giờ hý viện
Vô duyên như giấc mộng chẳng tròn đầy
..
Thân xác ấy thôi rồi tan rã hết
Vào hư vô không giọt máu hồng tươi
Tôi đã dặn khi giã từ cuộc sống
Nhớ cho tôi xin lại trái tim người
(Trái Tim Còn Lại)
Phan Duy Nhân không chỉ “làm cách mạng” với chữ nghĩa, anh hiện thực nên hành động với chính máu của mình và bằng hữu, Nguyễn Văn Thụy, Trần Quang Long, Ngô Kha (em rễ Trịnh Công Sơn), và một lớp tuổi trẻ của Đà Nẵng-Huế trong suốt những năm từ 1963, qua 1966, đến Mậu Thân, 1968. Anh đóng góp phần lớn nhất, cụ thể nhất, sớm sủa hơn bất cứ ai với xác thân bị đánh dập, cùm xiềng, lâm cảnh tù tội khắc nghiệt cho cuộc đấu tranh của phía cộng sản (ngụy danh dưới những phong trào nhân dân ở Miền Trung, mà cao điểm là lần bạo loạn ly khai chính phủ trung ương Sài gòn, Mùa Hè 1966). Và thán phục biết bao khi chứng kiến cảnh anh bị bắn ngã lần dẫn đầu đám biểu tình xông ra từ chùa Tĩnh Hội, Đà Nẵng, mùa Hè 1966, rồi dẫu bị thương, bị đánh gãy cạnh sườn, anh cũng không chịu khuất phục chào cờ Vàng Ba Sọc Đỏ; cuối cùng nhân cơ hội được nằm nhà thương, anh cố trốn thoát, nhưng bị bắt lại, và đày đi Côn Đảo.
Nửa đêm cởi áo lội qua hào
Cớ sao tư bản bắn người cần lao?!
Nên dẫu là người đối nghịch toàn diện với anh qua tất cả mọi vị thế- người lính quân đội cộng hòa - người viết văn nơi vùng đất quốc gia - nhưng quả thật, tôi vẫn hằng kính phục anh như trong ngày thơ dại khi nghe anh đọc những giòng thơ cách mạng, thúc dục con người xuống đường dựng ngọn cờ chính nghĩa.
Tuy nhiên, tôi vẫn “tin một điều” và “không tin một điều” mà không hề nói ra.
Đấy là,
Tôi không tin rằng: Anh là người cộng sản thuần thành mà chỉ là người mang nhiệt tình vào cuộc đấu tranh cho độc lập, hòa bình, công bằng, nhân đạo, để anh em, bằng hữu yêu thương nhau, thế hệ trẻ thơ chào đón tương lai vui hòa ấm áp. Cảnh tượng lý tưởng mà thơ anh đã viết nên lời. Và,
Tôi tin rằng: Cuộc chiến đấu của chúng tôi - Lực lượng Cộng Hòa Dân Chủ là là cuộc chiến Chính Nghĩa cho dẫu bị xuyên tạc, mạ lỵ đến thế nào, kể cả lần kết thúc nếu không may thất bại, hoặc phải chịu cái chết. Phải, chúng tôi Người Lính Cộng Hòa, là lực lượng của “Độc Lập- Hòa Bình-Công Bằng-Nhân Đạo”, chứ không phải lực lượng của phía anh – những người cộng sản.
Hai điều trên có vẻ đối nghịch, khó dung hợp được cùng nhau, và quả tình, tôi cũng không mấy chắc chắn vào điều tin tưởng thứ nhất, dẫu luôn nhắc nhở-anh là bạn tôi- người bạn thời niên thiếu, người đã sống cùng nhau thật dạ thương yêu, tin cậy như “trái tim còn lại”, không thể mang đi theo cùng cái chết.
Tôi chưa có cơ hội để nói với anh điều trên thì xẩy ra kết thúc 30 tháng Tư, 1975, và câu trả lời cho hai vấn đề trên cùng lần được giải tỏa: Anh là một người làm thơ gian lận với chữ nghĩa của mình. Tôi tiếp chứng minh sau đây.
Không cần phải đợi đến ngày 30 tháng Tư, 1975, chỉ một ngày sau khi mất Đà Nẵng, đầu tháng Tư, 1975, Phan Chánh Dinh, hay Phan Duy Nhân, nay là Nguyễn Chính đã xuất hiện ngay tại những cơ sở cộng sản nằm vùng ở Đà Nẵng, cho gọi những người mà mười-lăm năm trước anh đã giao tình quen biết. Qua nhân sự của cơ sở nầy, Dinh ra lệnh Trần Gia Phụng (hiện ở Toronto, Canada giáo sư Phan Châu Trinh, cũng là học sinh của trường, niên khoá trước 1960, cùng thời với Dinh, và chung lớp với tôi) phá kho thuốc của Hội Hồng Thập Tự cơ sở Đà Nẵng. Đúng tác phong nhà giáo, gốc cương trực Quảng Nam, Phụng từ chối với lẽ:“Kho thuốc Hồng Thập Tự chỉ xuất ra trong trường hợp khẩn cấp theo lệnh từ Sài Gòn; nay chỉ mới mất Đà Nẵng mấy ngày, tôi không thể muối mặt làm trái lẽ được.” Không phải đợi chờ lâu, 1 tháng 5, Dinh ra mặt công khai, chủ trì buổi họp toàn bộ trí thức, giáo chức, những người làm công tác văn hóa của thị xã với tư cách Ủy Viên Văn Hóa Khu Ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (Dinh được trao trả theo điều khoản Hiệp Định Paris, tháng 3, 1973 tại Lộc Ninh-Người trao trả chính lại là bản thân tôi chứ không ai khác). Trong buổi họp, Phụng có đưa câu hỏi liên quan đến tình hình, và nhân sự của thời buổi mới: “Giả sử như anh bắt được Phan Nhật Nam thì sao?” Phụng muốn dò xem sự thay đổi nơi con người nầy, bởi anh cũng như nhiều người thuộc lớp tuổi ở Đà Nẵng đều biết mối thâm tình giữa tôi và Dinh từ bao năm trước. Không ngần ngừ, Dinh trả lời:“Đối với trường hợp như Phan Nhật Nam là Giết! Giết! Giết!” Chữ “giết” được nói lên rõ ràng dứt khoát. Sau nầy, nghe Phụng kể lại, tôi biết bạn nói thật, nhưng quả tình không muốn tin rằng nội dung kia có tính chắc chắn- đấy chỉ là câu nói bề mặt như khẩu hiệu tuyên truyền. Có ai nỡ giết bạn bao giờ?! Năm 1995, Nguyễn Bá Trạc khi viết lại chuyện nầy, cũng tỏ ý nghi ngờ câu nói ghê gớm và vô ích kia. Giết để làm gì mới được chứ? Trần Gia Phụng kể thêm chi tiết: Sau buổi họp anh được lưu dung-cho ở lại trường, nhưng chỉ được làm công tác “lưu dung”- có nghĩa, văn bằng Đại Học Sư Phạm của anh chỉ xứng với chức năng của một lao công. Chưa hết, Dinh kêu Phụng vào văn phòng “làm việc” với lời “răn đe”: “Mặc dù anh với tôi có “biết” nhau từ trước, nhưng nay tình thế đã thay đổi..” Dinh nhấn mạnh chữ “biết”. Anh ta vốn là người có tài ăn nói, rất biết cách ăn nói. Không đợi Dinh hết lời, Phụng ngắt ngang: “Vâng, anh với tôi có “biết” nhau từ trước, nhưng tôi cũng rất hiểu rõ vị thế bây giờ, tôi có đủ liêm sĩ để không cậy vào sự “biết” trước kia.” Khi đi ra cửa, Phụng nghĩ thầm: “Đến thằng Nam mầy còn đòi giết huống gì tao!” Anh chấm dứt vấn đề bằng nụ cười nhanh, nhẹ, kín đáo của riêng mình, bởi hiểu sau lưng anh cặp mắt đang dựng đứng tròng căm tức, phẫn nộ.
Dinh không chỉ biểu lộ uy quyền ở Đà Nẵng, với những người quen biết, anh ra công truy lùng viên cảnh sát đã khảo cung anh ngày trước. Cuối cùng, Dinh tìm được tung tích người nầy tại một trại tỵ nạn ở Long Khánh. Một ngày, Dinh, đồng chí trung ương Nguyễn Chính dừng xe command car trước cửa căn lều của người nầy, bước xuống với hai cận vệ súng AKA cầm tay.. Cả gia đình người cảnh sát, vợ, các con, những đứa cháu nhỏ đồng nằm bẹp xuống đất chắp tay lạy van xin tha tộâi. Hai người cận vệ đưa nòng súng nhắm vào đầu đám người nằm dưới đất, trẻ con lẫn người lớn. Người tranh đấu Phan Chánh Dinh, thi sĩ Phan Duy Nhân, Phó Ban Tôn Giáo Trung Ương Đảng Nguyễn Chính đưa tay lên ra lệnh hạ nòng súng. Anh nói lời tha tội, cao cả chen lẫn khinh miệt. Cách khinh miệt của một “chiến sĩ cách mạng” đối với bọn ngụy quân, ngụy quyền hèn hạ.. Khi được thế thì hống hách, tàn ác, khi thất thế sẵn sàng tuôn lời quỵ lụy, van xin. Cả gia đình người cảnh sát quỳ xuống lạy tạ thêm lần nữa cho đến khi xe Nguyễn Chính đi khỏi. Chuyện kể theo mô tả trong bài viết của Nguyễn Chí Thiệp (Houston,Texas) đăng ở Tập San Kỷ Niệm 50 Phan Châu Trinh; Thiệp ngồi cạnh Dinh suốt sáu năm ở trường; qua bài viết, Thiệp đặt thêm cho Dinh nhiều vấn đề như, “liêm sĩ của người cầm bút; khí tiết bản lãnh của người làm cách mạng..” Nhưng thôi, tôi nghĩ đã quá đủ, Dinh không có khả năng trả lời được.
Ngày tôi đi tù về, khoảng giữa năm 1991, Hồ Thành Đức (cũng người Đà Nẵng, đồng quen thân với Dinh và tôi) có chuyển giao cho một thiệp cưới của Phan Triều Dương (con gái Phan Duy Nhân), nhưng không viết thêm một chữ nào. Tôi hiểu ý của hành vi nầy: “Anh muốn chối từ một người bạn- nói rõ hơn anh “sợ” phải gặp người bạn cũ - bởi Chính Nghĩa thuộc về Chúng Tôi- Những Người Lính bị thất trận.” Tôi trao trả (qua Hồ Thành Đức) tấm ảnh anh tặng hồi 1959; cũng không một chữ viết trở lại. Cộng tất cả câu chuyện vừa kể trên cùng số tiền 750 triệu Mỹ Kim mà cô em vợ của Dinh vừa khoe ra trong phần nhập đề trên, tôi có những kết luận cuối cùng như sau:
Hóa ra, Phan Chánh Dinh chẳng phải là “người cách mạng”. Anh lại càng không phải một “người làm thơ”, mà thật sự chỉ là kẻ “hành nghề bạo lực” một cách kiên trì và tài giỏi. Anh “không để lại trái tim” mà chỉ trải dài lềnh lầy dối trá, tàn nhẫn vô nhân tính. Chẳng kể đến tôi, người bạn mà anh đòi giết đến tận cùng; mà qua cách đối xử với người cảnh sát mang “tội” hỏi cung anh ở Ty Cảnh Sát Đà Nẵng năm 1966. Điều gọi là “tội lỗi” của viên cảnh sát ngày xưa kia có là gì so với “thành tích” của Bộ Công An trực thuộc Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng Hà Nội- Tổ chức đã dựng nên những kỳ tích: “Khoảng 8000 nạn nhân với 3, 653 làng bị tàn phá của đợt đấu tố 1953 ở nông thôn Bắc bộ 1; toàn thể thị dân Miền Bắc, Hà Nội thụ nạn đợt cải tạo công-thương-nghiệp 1957; hai chục triệu dân Miền Nam tiếp bị lưu đày, thanh trừng liên tục qua các đợt “tập trung cải tạo 1975”; “đánh tư sản-mại bản 1978”; đợt “cải tạo công-nông-thương nghiệp xã hội chủ nghĩa năm 1986”.. Và cuối cùng, HAI TRIỆU NGƯỜI VƯỢT BIÊN VỚI SÁU TRĂM NGÀN NGƯỜI CHẾT TRÊN BIỂN, NƠI RỪNG SÂU BIÊN GIỚI THÁI-MIÊN. Đấy là chưa kể những người chết trong chiến tranh, điển hình ở Quảng Trị, nam La Vang, quê hương anh và tôi - chết bởi đạn sơn pháo 57 ly do bộ đội sư đoàn 308 miền Bắc bắn thẳng lên mục tiêu – đám dân chạy loạn về Huế trong ngày 29 tháng 4, 1972. Tôi có thể kể thêm hằng hà người chết, toàn là thường dân, gồm đàn bà, trẻ con, người già ở Xa Cam, An Lộc; hoặc ở Huế nằm 1968, phía chân núi Ngự Bình, bên kia Cầu Bạch Hổ, chỗ anh ngồi nhìn xuống giòng sông mờ khói để làm thơ.. Nòi giống Việt thương yêu đời sống Việt. Vậy, Việt nào đã tận diệt Việt nào? Chẳng lẽ có một “thứ Việt của thi sĩ Phan Duy Nhân, và một loại Việt khác đáng phải giết bỏ cho công danh của phó ban Nguyễn Chính?” Và người viết văn, Huynh Trưởng Nguyễn Mạnh Côn bị kiên giam, bỏ đói, chết với tiếng kêu thương đau, khắc khoải lịm dần.. Khát quá! Khát quá! vang vọng suốt đêm nơi Trại Z 30D, Hàm Tân, Thuận Hải thì do những tội gì? Có ở đâu trên thế gian đã kết tội, giết bỏ con người bởi chữ viết với chủ ý nhân đạo hay chăng? Chúng tôi quả đã kiệt lực dưới khối nặng tàn nhẫn của Sự Aùc tồi tệ gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa, nên đến lúc phải chấm dứt với lời mô tả cuối cùng của Trần Vàng Sao..
Nhiều khi tôi quá chán
chân tay rã rời
đầu óc đau nhức
không muốn làm chi hết
..
dụi mắt nghĩ hết chuyện nầy chuyện nọ
nói chi những đứa đã chết trên rừng ngoài phố
bạn bè có đứa giàu có đứa nghèo
đứa ngụy đứa cách mạng
đứa tiền của ăn tiêu mấy không hết
đứa không có cái áo lành
đứa đi kinh tế mới ba bảy tám năm trở về
xách cái bị lát mặt cắt không còn hột máu
đứa đạp xe thồ ngồi vắt chân ăn củ sắn chở khách ở bến xe
đưá vô tích sự ở nhà không có việc chi làm
đứa râu tóc dài che kín mặt
có đứa tàng không nhớ mình tên chi
có đứa chịu không nổi dắt vợ con vào Nam ăn đường ngủ chợ
…
hết chuyện nói.
(Người đàn ông 43 tuổi nói về mình)
Dinh, anh phải nhớ Trần Vàng Sao, vì đấy là người cùng anh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, HPN Phan, Nguyễn Đắc Xuân.. dựng nên tờ Việt Nam! Việt Nam! Tờ báo đốt ngọn lửa “chống Mỹ cật lực” của thanh niên, sinh viên, trí thức Huế mùa Hè ngày 1966. Anh cũng phải biết về cảnh tượng “xã hội xã hội chủ nghĩa“ mà Trần Vàng Sao mô tả, bởi nó không lạ với anh và tôi- Đấy là Thành Phố Huế, nơi anh đã sinh ra, lớn lên, và làm cách mạng với mục đích “độc lập-hòa bình-công bằng-nhân đạo”. Tôi không thể viết hoa những từ nầy nữa vì anh và những người cộng sản đã dùng chúng với ý nghĩa, chủ đích tàn tệ ác độc-để ngụy trang việc giết người do “tội” kết từ giòng chtữ vietá. Các thầy dạy anh và tôi ở Đà Nẵng, như Tôn Thất Tạ, Nguyễn Văn Tường, Trần Ngọc Quế, Trịnh Thể.. đồng bị thảm sát bởi bộ đội, công an cộng sản. Thôi, coi như đó là những người “có tội”- “tội” do đã dạy anh nên người!
Thi Sĩ hằng Sống.
Tận đêm đen đe dọa khinh miệt, Thơ sáng bừng ánh Lửa Từ Bi che chở. Giữa ngục tù độc ác, Thơ dịu dàng âm âm tiếng Chuông Nhân Aùi đổ dài theo buổi chiều êm chìm bóng nắng. Quanh trùng vây núi thâm hiễm đọa đày, Thơ cúi xuống vỗ về như giòng nước xanh trong vắt con suối đổ gợi lên giọng đàn xưa muôn mãi âm vang.. Thơ Vô Lượng bởi Thơ viết từ Tình Thương Con Người bất tận - Thơ Tuệ Sĩ.
Tôi cậy đến những lời Thơ trong như ngọc kết của Tuệ Sĩ vì Người là nạn nhân đầu tiên, đối tượng cần phải bị tiêu diệt toàn diện bởi chính sách của Ban Tôn Giáo Trung Ương Đảng mà mặt trận phía Nam thuộc vào tay Nguyễn Chính, người làm thơ tên gọi Phan Duy Nhân. Và những lời Thơ sau đây là chứng cớ mà người cộng sản đã nại ra để thực hiện lần buộc tội man rợ nhất suốt nhân loại chưa từng chứng kiến – Dẫu chế độ cầm quyền u tối, tàn bạo đến thế nào..
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
Một vì sao bên khoé miệng rưng rưng
Tôi vẫn đợi một đêm đen lặng gió
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho thêm dài lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương
Người ở lại với bàn tay bạo chúa
Cọng lau gầy chĩu nặng ánh tà dương
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng
Như sương mai như bóng chớp mây chiều.
Có thể nào như thế? Có thể nào Con Người bị kết tội từ Thơ? Có thể nào Con Người bị nhận chìm tận đáy của sự chết do “lỗi có lòng yêu người” - Sự chết có thật với bóng đen tù ngục vây chặt trùng trùng núi đá thẫm xanh âm u nghiệt ngã. Sự chết có thật vào năm thứ mười, năm thứ hai mươi đối diện, đương cự với cách khinh miệt toát ra từ những tròng mắt chó đá, những khuôn mặt hận thù vô nhân tính như kết bằng giấy bồi cứng không cảm xúc - Bởi nếu là người còn có một phần nhân tính, xúc động nhỏ nhoi thì không ai nỡ xuống tay giết Người vì tội từ những dòng Thơ? Nhưng Người vẫn dũng mãnh im lặng và kiên trì chờ đợi. Người không Chờ Thượng Đế siêu hình, Người Chờ với Nỗi Đau có thật. Nỗi Đau không còn hơi sức để khóc mà phải cậy đến giọt lệ ứa sắc sao xanh đọng trên khoé miệng hấp hối. Đau làm vỡ khối đen biền biệt kín dày che lấp toàn phần vũ trụ - Khối đen vô hạn của Sự Chết. Nỗi Đau khi Con Người bị hủy diệt lớn hơn sự vô cùng của cái Chết. Và cuối cùng, Người vượt sống, Phục Sinh cùng Thơ - Tình Yêu: Suối nguồn hoan lạc, sức mạnh vô vàn,
Nhưng ánh mắt không căm thù lửa đỏ
Vì yêu em trên cây lá đọng sương mai
Tuy cuộc chiến đấu bi tráng, khắc khoải, luôn cận kề, tiếp giáp, thấm đẫm sự chết nhưng không hề tuyệt vọng- Bởi đấy là cuộc chiến đấu vinh hiển bảo vệ giá trị vĩnh cửu quyền xứng đáng làm người,
Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại
Thoảng trông em tà áo mõng vai gầy
Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé
Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây
Đời lữ khách biết bao giờ yên nghĩ
Giữa rừng khuya nằm đợi bóng sao Mai
Cuộc chiến đấu nầy kéo dài như bất tận vì oan khiên thay, Sự Aùc hình như luôn đến trước Tính Thiện mà người trung chính hằng phải chịu cảnh nghiệt cùng,
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu giữa đồng hoang
...
Và ngày ấy anh trở về phố cũ
Giữa con đường còn rợp bóng tang thương
Nỗi xót xa nầy- xót xa khi con người-thi sĩ bị vùi dập, khinh miệt- không phải bởi bứt lìa giữa “quê nhà- và chốn lưu đày”, nhưng nơi đây tình cảnh thống thiết hơn bội phần vì, “lưu đầy ngay trên chính quê hương mình”. Người bị đuổi ra khỏi nhà- lưu vong trên quê hương máu thịt của mình. Đấy là mối đau của Tô Đông Pha “tự mình tiễn mình” lên miền Bắc buốt giá,
“..Suy ông tống khách thủy biên thành
Sa thấu mã đề ô mạo điểm
Ngang đầu vấn khách kỷ thời quy
Khách đạo thu phong diệp lạc phi..”
..Già nầy tiễn khách ven sông
Xe lăn ngựa hí rung rung mũ huyền
Ngững đầu hỏi sự hồi viên
Khách cười lá rụng ta liền gặp nhau
(Thày Cò phóng dịch)
Vâng, chỉ có một tiếng cười nhẹ tênh mà thôi để trả lời cho câu hỏi ai oán “bao giờ gặp nhau?”- Biết bao giờ gặp nhau(?), bởi lưu đày đây là lưu đầy “thân ta trên chốn nhà ta!” nên có đi Bắc, hay về Nam tất cả cũng đã là vô ích,
Nam lai bất giác tuế tranh vanh
Dạ bán hàn hôi thính vũ thanh
Già nhãn văn thơ nguyên bất độc
Bạn nhân đăng hỏa diệc đa tình
..Về Nam bất chợt thấy đơn côi
Đêm vắng tro tàn mưa lắng rơi
Mắt mõi thơ văn không đọc nữa
Đa tình đèn lửa bạn như tôi..
(Thày Cò phóng dịch)
Tất cả đã là vô ích, tình cảnh như trước khi đi vào Mười Tầng Địa Ngục của Dante: Before Me Nothing But Eternal Things
Were Made, And I Shall Last Eternally
Abandon Every Hope, All You Who Entered
Trước Địa Ngục, Tất Cả đã trở nên Vô Nghĩa
Chỉ riêng Ta- Nguồn Thống Khổ Muôn Đời
Người bước vào - Hy Vọng vỡ tiêu tan!
(pnn phỏng dịch)
Người Việt với khổ nạn miên viễn của hơn nửa thế kỷ qua đã không ngại đến cảnh địa ngục đáng sợ kia nữa, bởi mỗi người đã hoàn tất nên phần địa ngục của riêng mình với những tháng ngày kinh hoàng im lặng mà Tô Thùy Yên đã viết ra qua chữ nghĩa thản nhiên cào xé đến kỳ lạ,
Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn cỏ may
Mười năm mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ
(Ta Về)
Cảnh tượng nhìn mặt mình qua giòng khe nước không phải do từ một trí tưởng tượng được thi ca hoá, nhưng là một động tác tự nhiên của rất nhiều người, những cô gái mặt sáng đẹp như tranh tượng, mẫu người Hà Nội thanh lịch còn sót lại sau đợt tổng càn quét tháng 10, 1954 đày toàn thể ngụy quân, ngụy quyền, những người có đôi chút tài sản của nơi chốn văn vật hào hoa nầy lên vùng núi non Tây-Bắc. Những cô gái sinh ra ở năm tháng khắc nghiệt kia, lớn lên giữa núi rừng Hoàng Liên Sơn cho đến khi những người tù Miền Nam ra đến nơi 1976, mới biết rằng trong cuộc sống có những vật dụng dành riêng cho thiếu nữ, đàn bà như quần áo lót vải mỏng mềm, áo dài, xà phòng thơm, nước hoa.. Họ mới biết rằng bài hát tuổi trẻ không phải để ca tụng những kẻ cầm quyền cằn cỗi ở Hà Nội, nhưng nói về một tình yêu trai gái..
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Eâm đềm trên ghế đá
Anh không cài khuy áo ngực cho em..
(Dư Thị Hoài, Văn Nghệ số 7 tháng 5, 1988)
Phải mất đến ba mươi bốn năm từ 1954 đến 1988, những người tuổi trẻ miền Bắc mới hoàn tất nụ hôn và cởi được khuy áo ngực người tình! Đau thương thay và cũng uất hận siết bao! Nhưng chúng ta không hề tuyệt vọng- Bởi Thi Sĩ không bỏ cuộc Tình Yêu Người, dẫu xác thân tan vỡ bởi đọa đày, dẫu tóc sương nhuốm bạc màu cằn cỗi,
Mười năm đó anh quên mình sậy yếu
Trên vai gầy từ thuở dựng quê hương
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
Bản Tình Ca vô tận của Đông Phương
Bản Tình Ca vô tận cũng là Tuyên Ngôn Yêu Thương của Trái Tim Bất Hoại Bồ Tát mà Con Người hiện thực từ Khổ Nạn Nhân Sinh, từ Nỗi Đau Dân Tộc với Lời Thơ Bất Diệt.
Cuối cùng, Người-Tuệ Sĩ luôn Sống-Chiến Đấu-HyVọng trên cuộc lữ miên viễn với tấc lòng Thi Sĩ, của trí tuệ Tiên Tri.
Hoá ra, cội nguồn của Đạo, tất cả trường phái Triết Học, công trình Văn Học, Nghệ Thuật chỉ có giá trị đích thực khi chạm đến tận cùng Mối Đau.
Tháng 12, 2002
Khi chạm đến tuổi Sáu Mươi.
Phan Nhật Nam
--------------------------------
1 Spencer Tucker, The Encyclopedia of the Vietnam WAR, Oxford University, NY 2000 p219