Số lần đọc/download: 682 / 2
Cập nhật: 2015-07-09 23:46:40 +0700
C
ách nhà tôi nửa cây số, về phía trái, là một trường tiểu học. Cách trường tiểu học này chừng trăm thước lại có trường trung học tỉnh lỵ. Vì thế, vào giờ tan học, chừng mười một giờ rưỡi trưa hay năm giờ rưỡi chiều, những cô cậu nhỏ học sinh trung tiểu học nhà gần trường, ở khu xóm tôi hay khu xóm kế cận, đi bộ lũ lượt ngang qua trước nhà tôi. Những cô cậu nhỏ trong đồng phục học sinh nhắc nhở tôi thật nhiều đến những kỷ niệm ấu thơ, cho nên, tôi hay ẵm bé Dũng Tâm ra ngồi nơi ghế xích đu trước cửa, nhìn ngắm cảnh đẹp mắt và nên thơ đó vào mỗi buổi chiều.
Vợ chồng tôi chọn mua căn nhà này không phải vì nó rộng rãi, khang trang – chúng tôi mới có một đứa con, lại thích sống giản dị, đâu đòi hỏi tiện nghi gì lắm – nhưng vì căn nhà có một khoảng đất trống phía trước chừng bốn thước, đủ để chúng tôi làm một vườn bông. Vợ chồng tôi cùng chung một sở thích yêu cây cỏ, hoa lá. Dọn đến nhà mới, bỏ một tuần lễ để thu xếp trong nhà xong, chúng tôi ra tay trồng bông phía trước nhà ngay. Hàng rào kẽm gai ngoài cổng, chúng tôi trồng bìm năm lá, chỉ hai tháng đã xum xuê xanh mướt và rộ nở những cánh hoa màu tím hoa cà. Lối đi từ cổng vào trước cửa nhà, tôi cho trải đá vụn xanh và trồng cỏ chi lan dọc theo hai bên lề. Phần đất còn lại ở hai bên, chúng tôi trồng nhiều loại bông khác. Không lâu lắm, từ ngày dọn đến ở tới nay khoảng nửa năm, chúng tôi đã lập được một vườn bông như ý.
Chiều hôm đó, cũng như mọi buổi chiều khác, tôi ẵm bé Dũng Tâm ra ngồi chơi nơi ghế xích đu. Con trai tôi vừa tròn hai tuổi, bướng bỉnh nhưng cũng dễ thương, có thể ngổi yên trên ghế xích đu với điều kiện trong tay phải có vài cái bánh bích quy. Vợ tôi luôn trữ sẵn bánh kẹo trong nhà để dỗ bé Dũng Tâm mà cũng để đãi khách tới chơi nhấm nháp với ly nước trà nóng nữa. Hôm đó, tôi dỗ Dũng Tâm bằng hai cái bánh để có thể yên tâm xách thùng tưới cây trước khi ra ngồi với con ngắm các cô cậu nhỏ học trò lũ lượt đi học về ngang qua. Mất chưa đầy mười phút tưới cây, nhưng tôi mất đến mười lăm phút mà chưa tỉa xong đám bông mười giờ mọc thật rậm, lan cả ra lối đi, trùm lên những bụi chi lan. Đang tỉa bông, tôi nghe tiếng a a của bé Dũng Tâm đồng thời với những tiếng trò chuyện huyên náo, tiếng chân người mỗi lúc một nhộn nhịp ngoài đường. Không cần nhìn ra, tôi cũng biết đã đến giờ tan học.
Nhưng bé Dũng tâm lại a a lên nữa. Tôi hỏi:
- Gì đó con?
Con tôi, hai tay còn giữ nguyên hai cái bánh chưa ăn, đưa ra phía cổng để trả lời tôi. Tôi quay nhìn ra phía đó. Có mấy cô nhỏ đang lấp ló trước cổng nhà tôi, vừa mặc áo dài trắng, vừa mặc áo bà ba, nghĩa là lẫn lộn vừa trung, vừa tiểu học. Tôi hỏi:
- Gì đó các em?
Mấy cô nhỏ thụt cả về hai bên, khuất sau hàng rào bìm năm lá. Rồi một cô nhỏ áo dài trắng bị đẩy ra, cô nhỏ lại chạy thụt vào. Kế là cô khác. Tôi nghe mấy cô nhỏ nói với nhau:
- Mầy hỏi đi.
- Thôi, mầy đi.
Mấy cô nhỏ thật dễ thương, tôi đoán cả bọn ghé lại nhà tôi chỉ vì vườn bông. Tôi rửa tay rồi bước ra trước cổng. Mấy cô nhỏ chạy dạt cả ra lề đường, định bỏ đi. Tôi hỏi một cô nhỏ còn đứng gần đó:
- Các em muốn hỏi gì?
Cô nhỏ mặc áo dài trắng, tóc buông xõa, đôi mắt nai, có lẽ phải thu hết can đảm mới nói được câu:
- Tụi nó muốn xin ông ít cây bông…
Tôi cười để gây thiện cảm và nói với cô nhỏ mắt nai:
- Em nói với các bạn lại đây, rồi tôi cho.
Không đợi cô nhỏ gọi, cả bọn đến mười mấy cô nhỏ ở xa, trong trạc chín, mười, lớn lắm là mười hai, mười ba, đã ùa kéo lại bên cổng nhà tôi. Mấy cô nhỏ nhao nhao lên:
- Ông cho em một nhánh cúc.
- Bác cho cháu xin mấy ngọn mười giờ.
- Chú cho con nhánh lá thuộc bài…
Tôi đứng nơi cổng, hỏi cả bọn:
- Bộ tôi già lắm sao mà các em kêu bằng ông, bằng bác?
Một cô nhỏ đáp:
- Ông có râu rồi mà!
Tôi bật cười vì câu nói hồn nhiên đó:
- Tôi mới hai mươi lăm tuổi…
Một cô nhỏ buột miệng:
- Anh hai của em cũng hai mươi lăm.
- Vậy các em có quyền coi tôi như anh hai các em vậy…
Cả bọn huých nhau huyên náo:
- Ê tụi bay, anh hai có con trai ngồi trong kia kìa…
- Anh hai tao có tới ba đứa lận, tụi nó phải kêu tao bằng cô… Ngon lành chưa?
- Anh hai! Chị hai ra kìa…
Tôi quay nhìn vào nhà. Vợ tôi đã ra đứng trước cửa. Bé Dũng Tâm đòi mẹ ẵm, vợ tôi cúi xuống đỡ con. Tôi nói:
- Mấy cô nhỏ xin bông, em à.
Vợ tôi nói:
- Sao anh chưa mở cổng cho các em vào?
Tôi vừa cười vừa mở cổng. Mấy cô nhỏ ùa vào. Trong cái hỗn độn đó, tôi nghe được mấy câu nói:
- Chị hai dễ thương và oai ghê.
- Oai gì?
- Chị hai nói mở cổng là anh hai mở cổng liền…
Vợ tôi cười hỏi tôi:
- Tại sao hôm nay bỗng dưng anh lại là anh hai vậy?
Tôi đáp:
- Tự ý mấy cô nhỏ gọi anh đó chứ.
Vợ tôi nói với mấy cô nhỏ:
- Các em lại đây chị bảo.
Mấy cô nhỏ xúm quanh vợ tôi như bầy học sinh trong vườn trẻ đứng quanh cô giáo. Tôi đứng một mình chứng kiến cảnh thơ mộng đó. Vợ tôi hỏi:
- Các em đến xin bông phải không?
- Dạ phải.
- Chị sẽ cho mỗi em một nhánh bông tùy theo ý thích của từng em, nhưng trước hết, các em phải cho chị biết tên cái đã.
Vợ tôi vẫn thế, thích làm quen với các cô cậu nhỏ. Tôi nghe những cái tên con gái quen thuộc như Hồng, Châu, Thu, Lan, Tuyết, Hằng… nhưng chẳng tài nào nhớ được cô nhỏ nào tên gì. Tuy nhiên, tôi tin vợ tôi nhớ. Vợ tôi có một trí nhớ đáng kể và đã nhiều lần được chứng minh.
Để vợ tôi ở lại với mấy cô nhỏ chuyện trò, tôi thu dẹp đồ nghề tưới bông đem ra nhà sau. Khi tôi trở lên thì tất cả đã rời chỗ, xúm quanh chiếc ghế xích đu. Thấy tôi lên, mấy cô nhỏ bỗng cùng hướng về phía tôi. Hơi ngạc nhiên, tôi hỏi:
- Có chuyện gì rồi đây phải không?
Một cô nhỏ áo bà ba nói:
- Em đã biết anh là ai rồi.
- Là ai?
- Anh là anh Dũng Tâm trên báo chứ gì?
- Chắc chị nói cho các em biết?
Cô nhỏ không đáp mà nhìn vợ tôi cười. Đó là câu trả lời. Một cô nhỏ nói:
- Không ngờ lại gặp anh ở đây. Em sẽ nói cho tụi bạn biết và rủ tụi nó tới đây chơi…
Tôi cười nói với vợ tôi:
- Nhắm chừng đủ tiền mua bánh đãi mấy cô cậu nhỏ này không đấy mà lo giới thiệu?
Vợ tôi cười không đáp, quay nói với mấy cô nhỏ:
- Thôi, các em lấy bông rồi về chứ? Nào, em Thu, em thích bông gì? Em Hằng? Em Tuyết?...?
Tôi trố mắt nhìn vợ tôi gọi tên từng cô nhỏ mới quen mà thầm phục. Hỏi một vòng, vợ tôi tổng kết:
- Xin anh cho em năm nhánh duyên cúc, một bó mười giờ, một nhánh bướm bạc, một nhánh lá thuộc bài, hai đóa hồng nhung, và hai nhánh bông dừa…
Tôi vui vẻ hái đủ số. Vợ tôi chia cho từng cô nhỏ. Mỗi khi vợ tôi đưa một nhánh bông ra, lại gọi tên một cô nhỏ. Tôi cố ghi nhớ nhưng chỉ nhớ được cô nhỏ đầu tiên tên Tuyết xin nhánh bướm bạc, cô nhỏ thứ nhì tên Hằng xin nhánh lá thuộc bài và cô nhỏ mắt nai xin nhánh duyên cúc. Chín cô nhỏ còn lại với chín cái tên lẫn lộn, mù mờ rồi biến mất trong trí nhớ của tôi.
Có bông trong tay rồi, mười hai cô nhỏ xin phép ra về. Lần này thì vợ tôi ra mở cổng. Mỗi cô nhỏ trước khi ra về, không quên hôn bé dũng Tâm một cái thật kêu làm con tôi khó chịu, khóc ré lên. Tôi ngồi trên chiếc ghế xích đu đợi vợ tôi trở lại. Vợ tôi hỏi:
- Mấy cô nhỏ dễ thương chứ anh nhỉ?
Tôi nhăn mặt:
- Anh chỉ sợ rồi vườn bông của mình trổ không kịp để mấy công nương đó xin quá. Mà nào phải chỉ có chừng đó cô nhỏ, mười hai có thể thành hai mươi bốn, nếu mỗi cô nhỏ chỉ cần kể truyện với một cô nhỏ bạn…
Bé Dũng Tâm nhoài người đòi tôi ẵm. Vợ tôi trao con cho tôi:
- Trả anh cục cưng đấy, em sửa soạn cơm tối.
Tôi ẵm bé Dũng Tâm, nựng con:
- Chắc mấy cô lúc nãy làm con bực mình lắm nhỉ?
Rồi tôi gọi với vào trong nhà:
- Bắt đền con trai anh một cái bánh nghe em.
Tiếng vợ tôi vọng ra:
- Có ngay. Anh đợi em một phút.
Gió reo vui qua những nhánh lá thuộc bài. Tôi tưởng tượng ra sự vui vẻ của mười hai cô nhỏ xin bông trên đường về. Liệu những cô nhỏ dễ thương này có gợi cho tôi một hứng thú sáng tác nào chăng?
° ° °
Từ đó, mỗi buổi chiều, trừ chiều chủ nhật và ngày lễ, vườn bông trước cửa nhà tôi trở thành trạm ghé chân đôi chút của không phải hai mươi bốn cô nhỏ như tôi nghĩ, mà nhiều hơn nữa, đến nỗi vợ tôi cũng chịu thua không nhớ nổi tên các cô cậu nhỏ. Có những cô cậu nhỏ hiếu kỳ ghé cùng chúng bạn một hai lần để xem mặt mũi anh Dũng Tâm báo Hồn Nhiên ra sao, những cô cậu khác thì để ngắm vườn bông một chút, cũng có cô cậu nhỏ ghé lại để hỏi thăm một vài người bạn cùng ban biên tập với tôi, một số tạt qua không mục đích. Chỉ một số nhỏ thường xuyên xin bông, về nhà chưng hay làm gì đó không rõ. Con số nhỏ đó trên dưới mười lăm mà vợ tôi nhớ tên rất rõ.
Phần tôi, một hôm tình cờ nói chuyện với vợ tôi về một cô nhỏ hay xin bông duyên cúc, trong lúc vợ tôi gọi tên cô nhỏ đó thì tôi gọi là cô nhỏ duyên cúc. Vợ tôi bật cười:
- Cô nhỏ duyên cúc! Anh định đặt tên lại cho mấy cô nhỏ đó chắc?
Tôi nảy ngay ra một ý:
- Ừ nhỉ! Cái tên nghe cũng hay đấy chứ? Anh mau quên, chắc phải gọi như thế mới nhớ được. Đâu nào, em nói sơ cho anh nghe về mấy cô nhỏ hay lui tới nhà mình xem sao…
- Cô nhỏ Lộc thường xin hồng nhung.
- Cô nhỏ đó sẽ là cô nhỏ Hồng Nhung.
- Cô nhỏ Thanh thích bông dừa trắng.
- Đó là cô nhỏ bông Dừa Trắng.
- Nhỏ Tiên thích cỏ chi lan.
- Cô nhỏ Chi Lan…
Những cái tên ngộ nghĩnh tôi gọi mấy cô nhỏ được tôi sử dụng từ đó. Và không ngờ, những cái tên đó khiến tôi dễ nhớ hơn là những cái tên Lộc, Thanh, Tiên, Tuyết… Nó cũng làm thích thú các cô nhỏ nữa. Cô nhỏ bướm bạc nói với tôi: “Anh là nhà văn có khác. “. Tôi nghĩ thầm, phải chăng sự tình cờ cũng là một yếu tố quan trọng trong khi làm văn nghệ?
° ° °
Một sáng chủ nhật, tôi dành trọn buổi để cắt tỉa, tưới bón lại vườn bông. Đến cây Trúc Quan Âm, một loại trúc kiểng thân nhỏ bằng nửa cây đũa, lá phân nhánh nhiều, phải uốn theo một trụ sườn nào đó, thường ngắt cắm thêm vào các bình bông cúng, tôi phát giác ra rằng cây kiểng này bị ngắt ba nhánh lớn. Tôi cố nhớ xem mình có cắt hay không, nhưng nghĩ mãi không ra. Các cô nhỏ tới chơi thường chỉ xin một nhánh lá nhỏ chứ chưa hề xin cả một nhánh lớn. Tôi hỏi vợ tôi, vợ tôi nghĩ một lát rồi nói:
- Hôm qua em có cắt cho cô nhỏ Hồng Nhung một nhánh lá, nhưng một nhánh nhỏ thôi chứ đâu cắt ngang thân thế kia!
Thắc mắc của tôi không giải đáp được trong ngày hôm đó. Rồi tôi cũng quên bẵng đi đến cuối tuần đó, nhân ngắt một nhánh thêm vào bình bông cúng mồng một, tôi lại phát giác ra cây cây trúc quan âm bị cắt thêm hai nhánh lớn ngang thân nữa. Ai đã cắt nhánh trúc quan âm và cắt để làm gì?
Tôi quyết để tâm tìm ra sự thực, không phải vì tiếc mấy nhánh trúc quan âm bị mất, cây trúc của tôi vốn tươi tốt, có cắt vài nhánh cũng chẳng sao, nhưng tôi muốn tìm ra câu trả lời cho thắc mắc của mình. Những buổi chiều sau đó, tôi kín đáo để ý đến những cô nhỏ lại gần cây trúc quan âm. Không uổng công, một tuần sau, vào buổi chiều thứ hai, tôi đã biết được ai là người cắt nhánh cây kiểng này. Đó là một cô nhỏ tiểu học, mặc bà ba hơi cũ, không xa lạ gì với gia đình tôi. Cô nhỏ là con của người thiếu phụ làm mướn cho gia đình cạnh nhà tôi. Cô nhỏ thừa lúc vợ tôi lo cắt bông cho mấy cô nhỏ khác và tôi khuất vào nhà trong, lấy cái bấm móng tay loại lớn ra cắt nhanh một nhánh trúc quan âm. Cô nhỏ có ngờ đâu tôi tránh vào nhà chính là để dò xét!
Tôi để yên cho cô nhỏ đem nhánh trúc quan âm về nhà. Câu hỏi ai đã cắt trúc quan âm giờ lại được thay bằng câu hỏi cô nhỏ cắt cây về làm gì? Và tại sao cứ khoảng một tuần lại cắt một hai nhánh?
Vợ tôi giúp tôi tìm được câu trả lời. Với một cái cớ, vợ tôi sang chơi gia đình bên cạnh, tìm cơ hội xuống bếp, nơi mẹ con cô nhỏ trú ngụ. Sự thực không ngờ, tôi tưởng như có thể kéo cả hồn tôi trở về thời dĩ vãng ấu thơ ngây dại xa xưa.
Bên cạnh bếp có một khoảng đất nhỏ không đầy một thước vuông mà cô nhỏ trồng đến phân nửa số bông có tại vườn bông của tôi. Cô nhỏ đã lấy hột giống từ vườn nhà tôi về, cũng gieo trồng, chăm sóc mỗi thứ một hai cây. Những nhánh trúc quan âm được cắm trang trọng trong một chậu kiểng nhỏ xíu, héo úa. Cô nhỏ có ngờ đâu rằng muốn trồng trúc quan âm, phải đào củ chứ đâu phải cắm nhánh. Thảo nào cứ khoảng một tuần, cô nhỏ lại cắt một nhánh về để trồng thay cho nhánh trước đã héo!
Kể xong những gì biết được từ cô nhỏ, vợ tôi cười bảo tôi:
- Thế là anh có bạn vong niên rồi nhé!
Tôi đáp:
- Em nói phải. Đâu dễ gì có được người bạn thích bông như thế, nhất nữa là một cô nhỏ tuổi tiểu học…
Tôi thoáng nghĩ trong trí, mình phải có một món quà gì cho cô nhỏ bạn vong niên đó chứ! Phải, tại sao lại không nhỉ?
° ° °
Cô nhỏ định cắt nhánh trúc quan âm, nhưng tôi đã từ trong nhà bước ra, cô nhỏ vội giấu cái bấm móng tay. Tôi cười thầm mà tội nghiệp cho cô nhỏ. Tôi hỏi cô nhỏ:
- Em thích cây trúc quan âm này chứ?
- Dạ… thích.
- Coi vậy chứ nó dễ trồng lắm.
- …
- Chỉ cần cắm nhánh trong một hai ngày là cây mọc lên tươi tốt ngay.
- Vậy sao em cắm hoài…?
- Em có trồng?
Cô nhỏ thoáng đỏ mặt. Tội nghiệp người bạn vong niên của tôi, bị tôi nói đùa mà đâu biết. Cái tuổi hồn nhiên mới ngây thơ và đáng mến làm sao!
- Anh chị mới gầy được một bụi trúc quan âm để tặng một người bạn. Em có muốn xem không?
Hỏi rồi không đợi cô nhỏ trả lời, tôi đi về một góc vườn bông, nơi tôi mới trồng một gốc trúc quan âm lấy từ gốc trúc cũ ra. Cô nhỏ nhìn mấy nhánh trúc mới đâm lên tươi mướt mà ngạc nhiên vô hạn. Tôi nói với một giọng bí mật:
- Anh chị biết có một người rất thích trúc quan âm trong số các em thường lui tới đây, nhưng tiếc rằng chưa biết rõ là em nào. Bụi trúc này để tặng cho em đó, nếu anh chị tìm ra…
Cô nhỏ lại đỏ mặt. Có tiếng vợ tôi gọi nhờ cắt dùm một nhánh bướm bạc, tôi để cô nhỏ trúc quan âm ở lại với bụi trúc, tiến về phía cây bướm bạc.
Hôm đó, tôi lại giả vờ lánh mặt vào trong nhà. Cô nhỏ, đúng như tôi dự đoán, lại thừa cơ hội không ai để ý, cắt một nhánh trúc quan âm đem về! Cô nhỏ bạn vong niên của tôi ơi! Làm sao trúc quan âm có thể trồng bằng cách cắm nhánh được!!!
° ° °
Bữa tiệc tất niên tàn, vợ tôi cũng đã nói xong lời từ giã và không quên chúc lành tất cả các cô nhỏ có mặt nhân dịp tết sắp đến. Bấy giờ tới phiên tôi:
- Những ngày tết phải về quê mừng xuân với ông bà nội bé Dũng Tâm, không ở lại với các em được, anh chị rất lấy làm tiếc. Tuy không được đón tiếp các em vào ngày tết, nhưng phần anh chị và bé Dũng Tâm vẫn luôn luôn nhớ đến các em, những đứa em nhỏ trước còn xa lạ, nay đã trở thành thân thiết của anh chị và bé Dũng Tâm. Trước khi lên đường về quê, anh chị muốn tặng mỗi em một món quà mà anh chị tin là các em đều thích… Các em chờ anh một chút nhé!
Các cô nhỏ nhao nhao hẳn lên khi thấy tôi đem từ nhà sau lên những cây bông ươm thật tươi tốt trong những giỏ đất màu mỡ. Vợ tôi bắt đầu công việc:
- Trước hết là Tiên…
Cô nhỏ Tiên tiến đến bên vợ chồng tôi, tôi lấy giỏ cỏ chi lan ra:
- Quà của cô nhỏ Chi Lan nhé! Vừa lòng không? Cô nhỏ?
Cô nhỏ Tiên chớp mắt cảm động, đỡ lấy giỏ bông và lí nhí cám ơn. Vợ tôi gọi tiếp cô nhỏ Hằng, cô nhỏ Hồng phấn, rồi cô nhỏ Tuyết, Hương… cho đến khi chỉ còn lại giỏ cây duy nhất, giỏ trúc quan âm và cô nhỏ cắt trộm trúc hôm nào. Tôi cầm giỏ trúc quan âm lên. Vợ tôi nhìn cô nhỏ mỉm cười. Cô nhỏ bỗng nhiên đỏ mặt như say rượu rồi bỏ chạy ra về trước sự ngạc nhiên của các cô cậu khác. Hơn ai hết, vợ chồng tôi biết cô nhỏ đã hiểu chúng tôi thừa biết cô nhỏ thường cắt nhánh trúc mà không nói ra.
Các cô nhỏ ra về cả rồi, vợ chồng tôi cũng thu xếp đồ đạc để sáng hôm sau về quê sớm.
Sáng đó, hai mươi bảy tết, chúng tôi sang từ giã gia đình kế cận, tặng chủ nhân hai chậu bông duyên cúc đủ màu để chưng tết. Chúng tôi không quên xin phép được ra sau bếp để gặp cô nhỏ trúc quan âm mà đến lúc đó, chúng tôi cũng chưa biết tên là gì. Cô nhỏ xấu hổ trốn trong bếp, người mẹ phải gọi mãi mới ra. Vợ tôi trao cho cô nhỏ giỏ trúc quan âm:
- Chị đền em để chuộc cái lỗi anh đã đùa mà nói với em rằng trúc quan âm trồng bằng cách cắm nhánh, trong khi sự thực phải có củ mới trồng nó được. Em nhận chứ? Em… Em gì nhỉ?
Cô nhỏ hồng đôi má, đón lấy giỏ trúc quan âm và đáp nhẹ:
- Thưa chị… em tên Trúc…
Tôi cười nhẹ:
- … Trúc quan âm…
Vợ tôi cười. Cô nhỏ Trúc quan âm cũng cười theo. Những nhánh lá trúc quan âm xanh mơn mởn, khẽ rung trong cơn gió mai thổi nhẹ. Tôi tưởng như mình nhỏ lại. Ơi! Ngày xưa ngây thơ sao đẹp quá. Cô nhỏ Trúc quan âm của tôi ơi, cô nhỏ có biết là tôi đang thèm được thơ ngây trồng trúc bằng cách cắm nhánh như cô nhỏ không?
Nguyễn Thái Hải