"It's very important that we re-learn the art of resting and relaxing. Not only does it help prevent the onset of many illnesses that develop through chronic tension and worrying; it allows us to clear our minds, focus, and find creative solutions to problems.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Khuyết Danh
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 401 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôi được tòa soạn báo phân công đi viết bài phóng sự về đời sống các bệnh nhân ở trại phong Qui Hòa, nhưng khi ghé Qui Nhơn, thấy tấm bảng quảng cáo Nhà hát tuồng Đào Tấn trình diễn vở Hộ sanh đàn, tôi quyết định không bỏ lỡ dịp may tìm hiểu về tuồng. Đến đất tuồng mà không xem tuồng, không khác gì đến xứ biển mà quên… ăn hải sản.
Mặc dù buổi tối cuối năm trời lạnh căm, tôi cũng xếp hàng mua vé vào rạp xem như một khán giả “ghiền tuồng” lâu năm. Vở tuồng đã thật sự làm tôi say mê bởi các diễn viên diễn quá hay. Nhất là người đóng vai Kỷ Lan Anh khi gặp người chồng Tiết Cương sau bao năm lưu lạc. Kèm theo điệu bộ chăm sóc chồng, nàng vừa khóc vừa hát:
Sao mà trông hư (gầy gò) lắm vậy anh ơi!
Trăng rẽ vần em có hay ở mô mà
Gió đã tạc, mưa đã phai
Phu quân ơi!
Tôi tự trách mình đã quên mang theo khăn tay, nếu không tôi đã có dịp khóc mùi mẫn.
Sau buổi trình diễn, tôi tìm gặp giám đốc Nhà hát tuồng để phỏng vấn. Ông nói nếu tôi muốn tìm hiểu sâu xa về nghệ thuật tuồng, nên đến gặp “thầy tuồng” Nguyễn Phổ – người đã đạo diễn vở tuồng tôi vừa xem. Và ông ghi cho tôi một địa chỉ kèm vài dòng giới thiệu.
Suốt ngày hôm sau tôi phải làm việc với ban giám đốc bệnh viện Qui Hòa. Đến 5 giờ chiều, tôi mới tìm đến nhà ông thầy tuồng. Nhà ông ở bến đầm Thị Nại. Trên bờ đầm đầy những quán ăn hải sản. Tôi nghĩ sẽ mời ông thầy vào quán nhậu, như vậy tôi sẽ tha hồ khai thác vốn hiểu biết về tuồng của ông.
Thật đáng buồn, ông thầy tuồng đang bị bệnh cúm, nằm đắp chăn đến tận cổ và rên hừ hừ. Hiểu mục đích của tôi đến viết bài về tuồng để đăng báo Xuân, ông nói:
- Tôi mệt không nói được (hừ hừ). Nhưng con gái tôi sẽ nói thay tôi (hừ hừ). Nó đang đóng vai Kỷ Lan Anh (hừ hừ). Nhưng khi đăng hình màu lên báo, cậu nhớ đăng hình tôi (hừ hừ). Ngọc Hân ơi (hừ hừ), Ngọc (hừ hừ)… ơi!
Cô con gái từ nhà dưới đi lên. Hai người nói to nhỏ với nhau điều gì đó, tôi chỉ nghe loáng thoáng. Rồi cô gái mời tôi ra ngoài phòng khách. Cách chỗ ông thầy đang nằm chỉ có một tấm màn nhung màu rêu đã cũ. Tôi vừa ngồi xuống chiếc ghế, cô gái hỏi:
- Ông có thắc mắc gì về tuồng?
Nghe tiếng ông thầy tuồng rên hừ hừ vọng ra, tôi nói:
- Nếu không ngại, tôi mời em qua quán hải sản bên kia đường. Chúng ta nói chuyện thoải mái hơn và không làm phiền bác đang cần nghỉ ngơi.
Cô gái gật đầu đứng dậy.
Đây là mốt quán ăn lộ thiên, bàn ghế kê sát bên đầm Thị Nại. Gió từ mặt đầm thổi lên làm tôi ớn lạnh. Nhưng sau khi ăn vài con ốc nhảy vừa luộc nóng hổi, người tôi đã “nóng” lên, tôi hỏi:
- Em có thể cho tôi biết chút ít về nghệ thuật hát tuồng được không?
Ngọc Hân vừa ăn xong một con ốc nhảy nên lưỡi em cũng nhảy theo:
- Ba em dạy: miền Bắc gọi là hát tuồng vì hát theo tuồng tích đã có trong truyện Tàu. Miền Trung gọi là hát bộ vì vừa hát vừa diễn bằng điệu bộ. Miền Nam gọi là hát bội do chữ bội trong “gia bội, bội nhị” có nghĩa là thêm bằng hai, bằng ba, phải diễn cường điệu lên. Riêng em thích gọi là hát bộ hơn. Nghệ thuật hát bộ dựa vào các nguyên tắc cách điệu, ước lệ, tượng trưng. Ví dụ: trung thần vẽ mặt đỏ, gian thần vẻ mặt trắng mốc… Nhờ đó, người xem nhìn mặt diễn viên là biết ngay đó là vai trung hay vai gian.
Tôi nói:
- Ước chi ở ngoài đời nhìn mặt ai, người ta cũng biết ngay là trung hay gian thì đỡ khổ biết mấy!
Ngọc Hân cười:
- Như vậy em đâu dám ngồi chung bàn với ông?
- Sao vậy?
- Vì mặt ông trắng mốc.
- Hãy đợi đấy, chỉ cần uống xong một ly bia, mặt tôi sẽ trở thành trung thần ngay.
Tôi uống cạn ly bia và mặt tôi từ từ đỏ lên. Tôi cũng chứng tỏ mình rành về sân khấu nên nói:
- Tối qua tôi xem em diễn vai Kỷ Lan Anh. Em đóng rất hay lúc em can đảm giành cây roi mây trong tay người chồng, để ông ấy khỏi đánh em.
Ngọc Hân cười sằng sặc:
- Ông phê bình hát bộ như vậy là “giết” em rồi! Cái roi mây khi Tiết Cương sử dụng là cây roi thúc ngựa ra trận. Nhưng sau đó qua điệu bộ của anh ấy, cây roi mây lại là con ngựa. Khi em giằng cây roi là em diễn như mình đang giữ chặt dây cương ngựa, để níu kéo chồng lúc chia tay.
Tôi càm ràm:
- Vậy ai mà hiểu nổi khi nào là ngựa, khi nào là roi?
- Xem hát bộ quen rồi, ông sẽ hiểu tính tượng trưng đó. Hay tính ước lệ trong động tác khoa tay: hất mu bàn tay lên là nói đi. Hất mua bàn tay rồi hất lòng bàn tay lên là gọi quay lại. Cũng động tác đó nhưng chỉ làm hai ngón tay có nghĩa là đuổi đi gấp gấp.
Ngọc Hân vừa nói vừa dùng tay diễn tả, tôi nhìn theo lắc đầu.
- Rắc rối quá! Vậy ai mà hiểu nổi mấy người hát bộ!
- Hát bộ nếu cố gắng tìm hiểu, người ta sẽ hiểu được dễ dàng. Chỉ có “giả bộ” mới khó hiểu mà thôi.
- Em theo nghề hát bộ được bao lâu rồi?
- Mười tám năm.
- Xạo!
- Em nói thiệt mà. Em vừa đầy tháng, má em đã bồng em ra diễn trên sân khấu. Em chỉ hát độc nhất một câu: oa oa!
Tôi bật cười:
- Vậy em thích diễn vai nào nhất?
Ngọc Hân trầm ngâm rồi nói:
- Trên sân khấu em đã diễn các vai bà mẹ, bà tiên, người vợ, tiểu đồng, tráng sĩ… nhưng chưa bao giờ diễn vai con gái. Vì mấy vở tuồng ba em đạo diễn không có vai đó. Cho nên vai diễn em mong ước nhất là vai “con gái”.
Tôi nghĩ em đã nói thật. Em đi diễn hát bộ quá sớm, nên đã sống với tâm trạng của những nhân vật không thích hợp với tuổi của em. Những chiếc mặt nạ hát bộ đã che đi khuôn mặt thật của em. Để khỏi buông tiếng thở dài, tôi nhanh tay để vào chén của em một con ghẹ nướng to nhất. Em nói:
- Tối nay, em diễn tiếp hồi hai vở Hộ sanh đàn, mời ông đi xem, ông sẽ hiểu hát bộ hơn.
Tối đó tôi xem Ngọc Hân diễn, dù không mang theo khăn tay tôi vẫn không tự ngăn được nước mắt lăn trên má. Khi tấm màn nhung vừa khép lại, tôi chạy vào hậu trường tặng em một bó hồng đỏ thắm.
- Cám ơn em đã giúp tôi hiểu được hát bộ. Thật đáng tiếc vở tuồng còn hồi ba, nhưng sáng mai tôi phải có mặt ở sân bay Phú Cát 7 giờ để đáp máy bay về Sài Gòn lo công việc. Tôi mong một dịp khác sẽ xem em diễn vai trọn vở tuồng.
7 giờ sáng ở sân bay Phú Cát. Tôi vừa cân hành lý xong, chuẩn bị bước vào phòng cách ly. Ngọc Hân nhảy xuống từ một chiếc xe thồ và chạy ùa vào.
- May quá! Em còn kịp tặng ông một món quà.
Ngọc Hân đưa tặng một cây roi mây mà em đã dùng để diễn trong vở tuồng. Tôi nói đùa:
- Về Sài Gòn tôi đi xe Honda được rồi, đâu cần phải đi “ngựa”.
Ngọc Hân cười:
- Nó sẽ là “cây roi” nếu ông quên viết thư cho em.
Tiếng loa phóng thanh gọi hành khách gấp rút lên máy bay. Tôi bước đến cửa phòng cách ly rồi quay lại vẫy tay chào em lần cuối. Ngọc Hân hất mua bàn tay rồi hất lòng bàn tay lên, tôi nghĩ em muốn gọi tôi trở lại để dặn dò một điều gì đó. Tôi chạy thật nhanh về phía em. Em nói:
- Ông lại hiểu sai rồi. Em làm động tác đó với “hai ngón tay” có nghĩa là mong ông hãy ra đi gấp gấp. Nếu không em sẽ… khóc.
Cô Gái Hát Bộ Cô Gái Hát Bộ - Khuyết Danh