"Tell me what you read and I'll tell you who you are" is true enough, but I'd know you better if you told me what you reread.

François Mauriac

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2910 / 28
Cập nhật: 2015-08-20 14:26:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
óc dáng Điệp vốn nhỏ nhắn, đi hát cải lương từ năm mười sáu tuổi đến năm hai mươi hai tuổi chỉ chuyên đóng vai đào con. Điệp coi kiếng tự nhận xét: "Tại tướng em nhỏ chớ cái mặt em già". Lên sân khấu với giọng ca lảnh lót, trong suốt, lại thấy Điệp non tơ.
Hồi mới vô đoàn, đạo diễn kiêm trưởng đoàn coi giò coi cẳng Điệp xong giao cho vai Nghi Xuân trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa, lúc đó kép Linh Long thủ vai Tấn Lực. Sáu năm rồi, mấy vai diễn của Linh Long bây giờ Điệp toàn kêu bằng Cha! Cha! Thấy buồn lắm.
Điệp về nhà ở Vàm Cỏ Xước nằm đong đưa trên võng, than: "Chắc con bỏ nghề quá, diễn vai con nít hoài chán lắm, ngoại à". Ông ngoại Điệp già, bà ngoại cũng già. Ông ngoại nói: "Diễn con nít thì cũng hay, con coi, thiếu vai Nghi Xuân bị dì ghẻ đánh đập, bị bắt đi chăn vịt, tụi con nít đâu còn thấy vui. Vai trẻ nít thì mình hát dành cho trẻ nít... ". Ngoại định nói nữa thì đã thấy Điệp ngoẹo đầu ngủ say trên võng. Bà ngoại chổng mông thổi cái mẻ ung phù phù, quạt khói bay mù căn nhà nhỏ.
Điệp sống với ngoại ngay từ lúc lọt lòng. Mười tuổi, cha Điệp đi không thấy quay về. Bên nội Điệp cũng nhiều khi bắn tin qua chuyện của cha, Điệp làm lơ không thèm biết. Điệp mười hai tuổi, má Điệp cũng bỏ đi làm ăn, nghe nói là buôn chuyến trên tàu đò Khánh Hội, rồi má lấy chồng. Điệp đi học. Lớp một, thầy Nam dạy ở trường, về nhà ngoại gò tay cho Điệp viết chữ a, b. Có bữa, Điệp nghe mồ hôi từ ngực ngoại ướt đẫm lưng mình. Vậy là Điệp nghe thương ngoại. Bà ngoại không dạy Điệp học chữ nhưng dạy nhiều thứ khác ở đời, biết Điệp thích ăn tép, bao nhiêu tép bạc, tép đất đặt đó ở dưới sông đều dành cho Điệp. Ngoại bồi dưỡng dữ lắm nhưng Điệp không lớn nổi. Da thịt cứ nóng hôi hổi làm sao mà lớn. Có lần ngoại hỏi:
- Nhớ má hôn con...
Điệp hồn nhiên:
- Hỏng nhớ ngoại à, má thương chồng má hơn thương ngoại, thương con.
Điệp thấy ngoại rớt nước mắt. Từ đó về sau Điệp luôn nói nhớ má, nhớ má quá. Má lâu lâu mới về một lần. Có khi về có bầu, có khi về ẳm em bé. Điệp đi đoàn, ít gặp má. Thôi không nhắc má nữa. Điệp thờ ơ, coi như đó là một cách hành hạ má. Nghĩ cũng lạ, ở đời tưởng đâu người ta chửi mắng, xâu xé nhau là mất tình. Lợt lạt nhau cũng có tình gì đâu.
Sống với ngoại, Điệp có thói quen thức sớm uống trà. Diễn khuya cỡ nào, nghe gà gáy te te là Điệp thức, nấu sôi ấm nước, ngồi thu lu ở một góc nào đó, có gió, pha trà uống chơi. Trà Điệp uống đừng ai dại dột nếm thử, trời ơi nó đắng le lưỡi luôn. Điệp giải thích cái mặt Điệp già cũng tại uống trà. Vừa uống vừa suy nghĩ. Mười tuổi, thức theo ông ngoại hít hà ly trà nóng. Điệp học ông cái nết trầm ngâm, uống trà không phải ực một hơi mà nhấm nháp từng ngụm. Thời gian chờ trời sáng, Điệp suy nghĩ về mười năm đời mình, rồi mười lăm năm đời mình, bây giờ là hai mươi hai năm.
Điệp mê hát, đi hát. Ngoại không cản. Ngoại dạy: "Con muốn diễn hay thì phải sống nhân ngãi trước đã. Mình sống có tình đóng vai nào cũng dễ, con à". Ngoại già nên ngoại nói câu này thấm thía quá. Điệp lon ton đi đoàn, một đoàn cải lương tỉnh lẻ. Đào chính của đoàn thay đổi hoài, vậy mà vai con nít của Điệp không ai thèm bon chen. Tuồng bây giờ, ông soạn giả hay khai thác lỡ lầm, tan tác rồi sum họp, đoàn viên nên nhiều vai con nít. Coi như bèo mây họp lại có sẵn một đứa con nít cũng hạnh phúc lắm. Thêm nữa giải quyết chuyện mẹ chồng nàng dâu không gì bằng một con bé dễ thương kêu nội nội. Điệp tính sau này không còn diễn được đào con, Điệp về nhà, lấy chồng, hát đưa con ngủ. Mà, sợ dứt không ra cái nghiệp cầm ca này.
Có một bữa đoàn hát ở kinh Thợ May, Điệp theo thói quen ngồi nhâm nhi ly trà nóng ngẫm về mười bảy năm cuộc đời mình thì gặp một người con gái xanh xao ẵm một đứa nhỏ vào rạp. Cô ta sờ từng tấm màn nhung, từng tấm ván ghép làm sàn diễn, khóc rấm rứt. Đó là cô đào Hồng Lý đã bỏ đi hơn một năm. Lý ngồi bệt cạnh Điệp, thản nhiên uống trà. Lý uống ngon lành như thể đắng cay của cuộc đời quen rồi. Lý không nói, chỉ cười, rồi không cười, chỉ khóc. Rồi không khóc, chỉ nói: "Điệp cho chị gởi thằng nhỏ, chị đi tiệm mua cho nó hộp sữa". Lý đi nhanh quá, Điệp quên nói chừng này tiệm có mở cửa đâu mà mua. Điệp uống hết ba ấm trà, chờ hoài không thấy Lý quay lại. Đứa nhỏ khóc ngặt ngoẹo. Cả đoàn thức dậy, kết luận vậy là Hồng Lý bỏ con rồi. Bỏ cho ai... Sao mà bỏ kỳ quá vậy... Đám đàn ông không ai dám nhận nuôi sợ người ta đồn đại là con rơi của mình. Đám phụ nữ cũng không nuôi bởi nuôi làm sao phát triển nghề nghiệp được, khán giả mà biết con nhỏ đóng vai Dương Quí Phi này hồi chiều bồng nèo nẹo đứa nhỏ thì chết, diễn ai thèm coi. Điệp ôm đứa bé mềm xèo trong tay, kêu lên:
- Thôi để em nuôi.
Điệp làm má bé Bơ, má mười bảy tuổi, cái tướng còn nhỏ hơn cái tuổi. Điệp tính sau này có chồng làm khai sinh lại, nói ông ngoại nghĩ ra cái tên hay hay, vui vui để đặt lại cho nó chứ để cái tên Bơ nghĩa là bơ vơ nghe buồn lắm. Điệp đem nó về nhờ bà ngoại nuôi tiếp, ông bà ngoại không la rầy mà còn vui. Bé Bơ hơi lớn, Điệp có khi dắt theo đoàn. Bơ lớn nhanh, chắc nịch, mạnh cùi cụi. Điệp bồng Bơ như con mèo tha con chuột. Ngại nhất là lúc bé Bơ tập nói, thấy ai đi ngang cũng kêu ba, làm nhiều anh mắc cỡ muốn chết. Nghe nói Hồng Lý trở thành ngôi sao trên sân khấu thành phố với cái tên là Thục Quyên. Thục Quyên gửi thư cho Điệp than, vì theo đuổi nghiệp ca hát nên phải nhờ Điệp vất vả nuôi con giùm, hứa sau này thành công sẽ về đền đáp. Điệp đâu có mong gì cái chuyện đó, mà thấy buồn quá. Điệp tính đâu làm nghệ thuật là giống như xây cái nhà lầu, sức mình bao nhiêu thì xây bấy nhiêu, để thành công mà đánh đổi nhiều như vậy thì tội nghiệp cho nghệ sĩ biết bao. Vì vậy mà ở đời, chưa ai ngả giá mua danh bán tiết với Điệp, Điệp cũng không ra giá với ai. Dáng Điệp con con, cái chân nhỏ, khuôn mặt tròn dình như cái tô múc cá kho, cao chưa đầy một mét năm mươi, lúc đứng chỉ bằng ngực bạn diễn... Tất cả người Điệp toát ra cái vẻ trẻ con không chịu được. Chính vì cái vẻ trẻ con đó mà Điệp biết có đánh đổi cả đời mình cũng không diễn được vai oai nghi lẫm lẫm như vai thái hậu Dương Vân Nga chẳng hạn... Ngoại dạy, cái gì của mình trước sau gì cũng của mình, cái gì không phải của mình đừng giành giật uổng công.
Cho nên, cho tới một ngày, Điệp dù thương lắm cũng không giành lại bé Bơ. Sự nghiệp Thục Quyên sụp đổ, lại là Hồng Lý như xưa. Cô tìm Điệp, xin lại bé Bơ, "nó là chỗ dựa cuối cùng của chị đó, Điệp à". Điệp ngồi lặng lẽ, không cười, không nói, không khóc. Điệp mà khóc kể lể, người ta nói Điệp diễn, chớ con nít như Điệp biết gì về làm mẹ mà tiếc thương. Cái ranh giới sàn diễn với cuộc đời xa đó mà gần đó. Khuôn mặt nhỏ vốn bị già vì uống nước trà bây giờ có vẻ già thêm vì một nỗi niềm nào nữa.
Đoàn "Mưa mùa thu" về hát ở xã hai đêm, đêm đầu diễn tuồng xã hội nên Điệp có vai, đêm sau hát "Đêm lạnh chùa hoang", tuồng này toàn đánh kiếm, yêu nhau, thù hận lại thêm chữ "Chùa" nên không có vai con nít, Điệp tự dưng muốn đi kiếm má coi má khi xa Điệp có buồn như mặt Điệp khi chia lìa bé Bơ không. Điệp đi Rạch Giồng Ông tìm má.
Má lấy chồng khác về đây đã hai năm. Điệp thì mới tới lần đầu, hỏi bà Bảy Tho người ta không biết, tả hình dáng má: cao vầy, hơi ốm, tóc dài, bới củ tỏi (mà có khi bây giờ má cắt tóc rồi)... người ta cũng không biết, Điệp suy nghĩ hoài mới nhớ tới tên chồng má, một chị bán quán cóc chỉ nhà. Điệp hỏi gần đây không, chị ta đáp: "Đi chút xíu là tới hà".
Vậy mà Điệp phải đi qua mấy cái bờ dừa, ba cây cầu, một con đập nữa mới tới nhà má. Lúc đó trời vừa chạng vạng. Cái nhà nhỏ chom hom phía sau một gờ đất lổn nhổn do xáng múc, đi tới mòn đất mà chưa ai ban ra cho bằng. Điệp đứng dựa vô cây tra bông vàng nhìn nhà má, muốn trở ra về hết biết. Đúng lúc đó thì chó sủa, một con chó vằn vện ốm nhom, xương xẩu chạy nồ ra, sau nó là một đứa con nít, một người đàn bà cũng ốm nhom, xương xẩu:
- Vện, vô nhà!
Con chó dớn dác sủa thêm vài tiếng nữa rồi cụp đuôi chạy vô. Điệp kêu:
- Má!
Thì người đàn bà này là má Điệp chớ ai. Bà lại gần Điệp, rất gần rồi cách chừng một thước, bà dừng lại:
- Điệp! Phải con hôn... Trời ơi, vô nhà, vô nhà.
Bà chựng lại ở đó, thảng thốt. Nhỏ em Điệp tên Giàu lại kéo chị nó vô nhà. Đốt đèn lên. Cái đèn hụt dầu lụn tim mới vừa làm căn nhà bừng lên thì đã hiu hiu muốn tắt. Má kêu con Giàu đi châm dầu. Má đi tới đi lui, rồi ngồi chỗ đầu bộ ngựa, lại đứng dậy đi tới đi lui. Điệp hỏi: "Chồng má đâu...", má nói chồng má đi biển rồi. Điệp nhìn cái bụng má lùm lùm sau áo hỏi má chừng nào sanh em bé, má ngượng ngùng: "Chưa, mới có ba tháng mấy..." Con Giàu lên tiếng: "Má thèm chua quá trời, ăn me non ngọt xớt...". Má nạt con Giàu, biểu thôi nói. Điệp ngó Giàu cười buồn, má ngó Điệp cười còn buồn hơn.
Tối Điệp ngủ lại nhà má. Con Giàu ra xã coi gánh hát. Vé Điệp cho. Ở nhà, hai người nằm hai cái võng. Điệp vốn không có nhiều chuyện để nói với má, lượng sượng thở dài. Má hỏi Điệp chuyện tình duyên. Điệp kể trong đoàn có một anh tên Phụng Hoàng thương. Phụng Hoàng đóng toàn vai phụ, hễ diễn vai ác là cái mặt ngu ngu hoặc vả diễn cho hùng hùng hổ hổ. Điệp chỉ: "Anh diễn như vậy khán giả không sợ mà còn cười. Đâu phải người ta ác là cái mặt như vậy. Có nhiều người ác ở ngoài đời mà cái mặt tươi rói, anh thấy không... ". Hoàng nghe theo, về sau diễn khác, ai cũng khen là có tiến bộ, nhập vai có chiều sâu. Hoàng biết ơn Điệp lắm, thêm một chút nể trọng, từ từ ngõ lời thương. Bữa đó Điệp kêu: "Nếu anh thương tui thiệt lòng, tối nay diễn xong, lúc khán giả chưa kịp về, chưa hạ màn, anh nói rõ ràng là anh thương tui nghen". Điệp cắc cớ chọc chơi, chớ ai đứng giữa chỗ đông người mà nói tiếng yêu leo lẻo nhưng Hoàng hứa cái rụp. Tối đó, kép chánh Linh Long đi thăm người yêu đón đò về không kịp, Phụng Hoàng diễn thay đóng vai cũng tên Hoàng, Hoàng diễn mùi hơn cả Linh Long, khán giả mê quá, vỗ tay rần rần. Điệp hát vai con của Hoàng. Đêm ấy hát tuồng "Tình yêu đâu phải trò chơi", Hoàng không nói được cái câu thề hẹn, Điệp cũng biết trước vậy nên không buồn.
- Ngoại dạy con phải biết tha thứ hết thảy mọi người, má à!
Điệp kể xong, kết luận. Chờ tới con Giàu về, Điệp mới đi ngủ. Giàu rủ: "Chế Hai ngủ chung với em một đêm nghen". Ngủ chung với con Giàu tức là ngủ chung với má. Giàu nằm giữa, Điệp với má nằm hai bên. Giàu hỏi: "Bữa hổm em nghe trên đài Hậu Giang ca bài "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ", hay dễ sợ, phải chế ca hôn... ". Điệp cười, lắc đầu, giới nghệ sỹ nhiều người tên Điệp lắm, Hồng Điệp nè, Trúc Điệp nè... nói tóm lại là đâu phải chế. Nó lại nói: "Hồi hôm này chế đóng vai gì... " Điệp trả lời, vai con nít, Giàu à ra như tìm thấy chân lý trong cái mùng nhỏ này, "Hèn chi em nhìn hỏng ra chế, chế nhỏ xíu hà, mà công nhận con nhỏ trong tuồng thấy thương thiệt". Má kêu Giàu ngủ. Rồi má cũng làm như ngủ. Điệp biết, người ta ngủ là xoãi tay chân thư thả, má thức mà trân mình khổ vậy làm chi má... Không biết tự hồi nào hai má con Điệp luôn luôn có những khoảng cách như vậy, má ngồi đầu bộ ngựa này, Điệp ngồi đầu kia, má ra đằng trước Điệp chạy ra ngoài sau. Làm như không ruột ràng duyên dẻ nhau trong đời. Ngoại nói, ngoại cũng dạy má biết tha thứ cho hết thảy nhưng má không dễ dạy như Điệp (thì ngoại tưởng vậy) nên mới ra hoàn cảnh như bây giờ. Má giận ba, nên thấy ai hơi giống ba là má cưới, cưới mà không yêu thương gì người ta. Vì vậy mà từ bấy đến nay má đã chắp vá ba người chồng. Vì vậy mà má thấy Điệp là má khổ sở như nhìn lại bóng người phụ bạc xưa. Má tránh Điệp riết rồi Điệp cũng lợt lạt với má. Điệp vẹt tóc mình ra làm hai bên miết đầu vào gối, trăn trở hoài.
Không chờ tới gà gáy, Điệp lò mò dậy ra sau bếp bắc ấm nước, pha trà. Má cũng thức, má ngồi bới lại mớ tóc. Đuôi tóc má chỉ còn vài sợi mỏng manh, thưa thớt nên má phải xài đầu tóc mượn. Điệp nhớ hồi nhỏ cứ thấy cái đầu tóc mượn là chết khiếp. Đi hát nhìn riết cũng quen, đi hát là phải vay mượn nhiều thứ để trọn vẹn được vai diễn. Điệp mời má ra bộ vạc cau ngoài trước, uống trà.
Từ chỗ này ngó ra sông, nếu không vướng cái bờ đất Điệp có thể thấy những chiếc xuồng đi chợ sớm trảy qua. Bây giờ chỉ nghe gió từ ngoài kinh rần rần rượt đuổi nhau qua đám dừa nước thốc vào mái lá phần phật. Điệp lên tiếng:
- Má à, năm nay má bao nhiêu rồi...
- À, má già rồi.
- Má già rồi, má ráng thương chồng má đi.
Má lặng lẽ cười. Cười buồn bã. Má thở dài, thở dài. Tựa như có điều gì muốn nói.
- Con trả bé Bơ lại cho người ta rồi má à. Bây giờ con buồn biết bao nhiêu. Hồi má quyết định bỏ con lại cho ngoại, má có buồn như con bây giờ không...
Đáp lại Điệp chỉ là những tiếng thở dài. Hồi lâu má hỏi:
- Ngoại dạy con tha thứ cho người ta mà con có tha thứ cho má hôn...
Điệp im lặng. Có những chuyện chắc má biết, tại má hỏi vậy thôi, chớ Điệp lặn lội vô đây đâu phải để nói với má vài câu lỉnh lảng như nước đìa, đâu phải để nói chuyện bé Bơ, mà là Điệp tự dưng nhớ má, thương má. Hằn học với má là khi bắt đầu nghĩ tới má. Điệp ngồi thù lù ở đó, nhìn thinh không, đêm giống như một bà cụ còm cõi chống gậy chậm rãi đi qua, nghĩ ngoại biết Điệp tới gặp má như vầy, ngoại vui biết bao nhiêu. Điệp kêu:
- Má à, sáng này má kêu con Giàu theo con ra đoàn, mấy bộ đồ của bé Bơ còn nguyên một giỏ y thinh, con gởi nó đem về cho má, mai mốt má sanh cho em bé mặc, nghen má.
Chuyện Của Điệp Chuyện Của Điệp - Nguyễn Ngọc Tư