Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Nguyen Minh
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 562 / 10
Cập nhật: 2019-01-06 16:34:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ột bữa qua Trưng Vương, tơ mơ nhớ con bạn cũ ở đường này, Tím bị xe ba gác đâm trúng, gửi lại ba cái răng cửa ngay vạch sơn dành cho người đi bộ.
“Phải có chiếc xe tải nào đang ngon trớn tới là em lên nóc tủ ngồi rồi, quá chừng may”, âm sắc méo qua đôi môi giập đã được may vài mũi, Tím cố cười thành tiếng trấn an bồ đang công tác ngoài đảo. Về nhà với áo quần bết máu, ngồi đếm cả thảy mấy chỗ đau, Tím vẫn nghĩ đây chỉ là sự cố nhỏ trong đời như viên gạch rơi dập móng chân, hay bị chó cắn lúc chạy bộ. So với hồi trèo me té gãy tay, thì cuộc đo đường này đâu quá tệ.
May nữa, đây tới đám cưới còn non ba tháng, chừng đó thời gian đủ lành cả những vết thương sâu. Giờ chỉ có chút bất tiện, nhưng sẽ ào qua tựa mưa rào. “Em vật trâu còn chết”, Tím nhắn, không quên đính vào mớ chữ ba cái mặt cười ngoác, dỗ bồ đừng trốn việc về thăm.
Nằm nhà chơi với ê ẩm sớm buồn, đầu tuần Tím đi làm lại, giấu môi sưng vểnh như sắp nứt ra sau tấm khăn che mặt. Quản lý nghĩ Tím đứng quầy lễ tân thì cũng dị, bảo nó đổi lên trực khu vực hội nghị. Tầng ba mùa này vắng khách, Tím rảnh việc ngồi coi sóc mấy chỗ xây xước, tỉ mẩn gỡ viền lớp mài đang lợp che mảng da non. Bôi chút nghệ tươi là được, nhìn chỗ da rớm nước, tự thấy sự cố kia nay mai sẽ mờ vết dấu.
Lúc đó môi chưa chịu thôi sưng sỉa, Tím vẫn hút cháo loãng, lấy mắt phơi lấp lánh, nên ý thức bị mất ba cái răng chưa dạng hình. Một bữa đánh răng, thấy bàn chải cứ hẫng đi, văng vào lưỡi. Cắn miếng ổi, chỗ răng đi vắng kia để lại một cái giồng cao. Tím gọi kể bồ nghe, cười ngắt ngoẻo.
“Nghe được tiếng cười này mới dám tin là không sao”, bồ nói, “mừng”.
Không chỉ thể hiện bằng lời, bồ ráo riết làm đêm ngày cho xong việc, kết thúc chuyến công tác sớm hai ngày. “Chút hôn hít đã đời mới được”, anh nhắn tin, lúc xuống máy bay.
Nhưng không có mơn trớn nào tối ấy. Tím hớn hở ra cổng đón bồ, và anh sững lại, vẻ chới với.
“Chắc hẹn cô nào khác?”.
Tím cười, đá vào ống quyển bồ như nào giờ vẫn chào anh kiểu vậy. Khoảnh khắc đó, phải ngọn đèn hàng ba đừng tát sáng ra sân, phải Tím đừng quá chăm chú nhìn coi gió muối ngoài khơi đã nhuộm bồ nâu cỡ nào, thì cái nhìn ghê sợ kia đã không bị bắt.
Chưa đầy một giây, từ nhói lên rồi tắt. Nhưng gượng gạo thấm hút gần sạch không khí trong nhà. Cơ bản là diễn viên vụng, chẳng cách nào để lời thoại, dáng điệu sao cho thật tự nhiên. Bồ thò đầu vô tủ lạnh tìm chi đó cũng lâu, rồi nhìn lên những tấm hình treo trên vách như mới thấy lần đầu, trầm trồ khen má Tím mặc nâu sòng nhìn hợp với nước da, chừng như vô vọng không biết phải ngó gì tiếp theo anh vớ được cái điều khiển ti-vi, gởi mắt vô màn hình lúc này đã bật sáng. Nhận thấy im lặng có thể làm cả hai chết ngộp, anh nói quá chừng thất vọng với đảo Côi, đâu cũng rác, con đường nào cũng như đại công trường. Ừ hử à hả tỏ vẻ quan tâm, Tím bật bếp hâm nồi canh, lẻn vào buồng coi kiếng, cố mô phỏng cái cười vừa nãy xảy ra ở cổng. Trật vuột mãi rồi cơ mặt cũng tạo được thứ gì đó giống như cười. Tím nhận ra nó đã quên cách hoặc chưa từng cười với chính mình, nếu có thì đã ngó thấy chỗ trống ba cái răng để lại sâu hút, đen ngòm như đáy vực. Hèn gì suốt bữa qua, từ bỏ khăn che mặt, mấy chị trực buồng nói chuyện với Tím mà mắt cứ lảng đi, và lúc xuống thang máy cùng quản lý, ảnh nhìn mãi đôi giày.
Tím cố không cười suốt tối ấy. Nhẹ người khi bồ về bên nhà sớm, nói chắc ngâm mình ngoài biển nhiều nên ngấm nước, nghe bải hoải người. Lúc sắp ra cửa anh chui đầu vào áo Tím, cọ râu vào ngực nó, rồi hấp tấp xỏ giày. Cả hai đều hài lòng khi không có chuyện vui nào để nói với nhau trong lúc đón tắc-xi.
Chỉ cần không cười là được, Tím nghĩ, cho tới khi trồng răng mới. Nha sĩ nói phải chờ thêm chừng nửa tháng, cho chỗ xương hàm thật sự ổn sau cuộc lìa răng. Nhưng nhịn cười không phải dễ. Mẹ bồ từng nói, “Cảm giác như con nhỏ cười thay cho hít thở”, giọng khó phân biệt là khen hay chê. Cũng không rõ là tự hào hay ta thán, mẹ Tím thở hắt ra, “Ờ, nó cười cả khi bị đòn”. Hôm đó là đám hỏi, hai bà mẹ gặp nhau lần đầu.
Những người từng biết Tím, nhắc tên nó là họ nghĩ ngay tới cái cười thắp suốt, như một đặc điểm nhận dạng mà mọi thứ khác, nốt ruồi bên má trái, cánh cổ muốt dài như cuống hoa huệ tây, cái trán dồ ương bướng đều trở nên mờ nhạt. Như thứ chủ yếu cấu tạo nên con người Tím, là cười, không phải nước. Rạng rỡ. Tỏa nắng. Tràn đầy năng lượng. Nở như một bông hoa thủy tinh. Bao nhiêu mỹ từ mà khách gửi lại khu nghỉ dưỡng Tím đang làm việc, đều nhắc tới cô nhân viên lễ tân tươi giòn. Họ nói nụ cười kia không còn của riêng Tím, nó là biểu tượng của một vùng đất.
Đó là trước khi Tím mất ba cái răng.
Những anh hề không tự tin vào khả năng hài hước thiên bẩm của mình vẫn bôi đen vài cái răng cửa, như một cách để gây cười, như giả ngọng giả khoèo. Họ thường thành công, có thể vì khán giả đã mặc định đó là hề, chúng ta nên mắc cười. Nhưng trên gương mặt thanh tú ưa nhìn, những đường nét lành mạnh mà không cần trực giác cũng cảm nhận được, thì nụ cười quái dị kia không nên có. Nhiều lần đứng trước kiếng soi, Tím ngắm kỹ nụ cười mình, nhận ra đó không phải cười, mà là một cú tấn công. Giữa phẳng lặng, nó thình lình xổ ra ngoạm vào ai đó, ập vào họ nọc độc của tối tăm.
Chỉ cần không cười là được, Tím dặn mình, mỗi lần bồ ghé qua. Thời gian trước cưới có quá nhiều chuyện không thể không gặp nhau, chọn tiệm chụp hình cưới, lên danh sách khách mời, đặt tiệc ở nhà hàng. Nhưng anh không ở lại qua đêm như trước, không ngậm môi Tím tới bợt ra, chỉ ủi râu vào má, có vẻ vẫn dè chừng cái vực ẩn sau nếp môi tươm mật.
Để nuôi dưỡng vẻ đượm buồn, những chuyện không vui hồi nảo nao được Tím khai quật, khỏa bụi. Hiện ra con mèo Lá một sáng nằm chết cứng trên giường, Tím nằm ôm ghì con thú, không cho người đàn ông nào đó tháo cái xác đem chôn. Dỗ không được, ông bực bội đá cánh cửa, nói vói vào bếp, “con của mấy người, muốn làm sao với nó thì làm”. Sao ông ta lại có mặt khi ấy, Tím không tài nào nhớ nổi.
Không phải thứ gì cũng rõ ràng như đôi vệt gỉ ghèn khô trên bộ lông cằn của con mèo chết, dù Tím hết sức kỳ cọ đánh bóng, ký ức vẫn đầy chỗ mờ ố khó hiểu. Nó gây bứt rứt vì Tím nghĩ người lai vãng trong nhà mình, có thể là cha nó, nhưng sao nó không nhớ ra.
Mơ hồ ấy nhiều dưỡng chất nuôi buồn hơn những thứ quá rõ ràng sắc nét. Vài giây trước khi Tím rơi từ cây me xuống, hình như có người nào chạy xe máy ngang qua, Tím đã gọi mà chị ta không quay đầu nhìn lại, và nó nghĩ bây giờ mình buông mình ra khỏi nhánh me, kèm theo tiếng kêu ó ré thất thanh của đám con nít quanh đó, thì có thể khiến người kia chú ý.
Nhưng người đó là ai, sao Tím hồi ấy phải liều vậy chỉ để nhận cái ngoái nhìn? Nó vô phương nhìn ra nhân dáng ấy trong một vài phân vùng bề mặt đã mục nát, xỉn ra, mất hết chi tiết. Như mẹ trong lễ xuống tóc, đã ngồi chỗ nào, ai cạo đầu cho mẹ, Tím không tìm được hình ảnh nào của bà ở một sự kiện bị triệu hồi (có tác dụng ngăn cười), chỉ nhớ một mớ tóc bị thổi giạt vào chân vách ố vết nước trà, nhiều sợi bạc, hoặc không phải bạc nhưng ánh nắng ngoài vườn chùa hắt vào làm chúng ánh lên. Và tiếng một chiếc lá sa kê buông xuống bên kia song cửa hình chữ vạn, nghe nặng nhọc.
Chắt mót mấy thứ rời rạc đó mặt cũng bí xị được non ngày, sau đó giật mình khi ngang qua thang máy ốp kim loại, thấy nụ cười vực thẳm nở ra trong đó. Cười như một thói quen, đến không nhận ra là mình đang cười. “Còn buồn gì mà mình chưa xài tới?”, Tím tự hỏi. Sực nhớ lần về nhà bồ gần nhất, sau đám hỏi, nghe mẹ bồ cừ rừ đám cháu, “nhà có khách, mấy đứa bớt nhoi chút coi”. Cảm thấy chữ “khách” đẩy Tím qua bên kia biển.
Chuyện vậy, khó mà thành thứ nuôi mặt buồn, nếu không làm quá lên, như là biểu tượng của một mối quan hệ vô vọng. Lần đầu bồ đưa Tím về ra mắt, bà mẹ bên kia đã không vui. “Con nhỏ coi mòi giả tạo, lúc nào cũng dạ cũng cười”, câu đó của mẹ bồ, sau này Tím nghe nói lại. Làm nó nhớ đêm trước hôm thụ lễ xuất gia, mẹ Tím nói, “lúc cười nhìn con rất tội”. Tím thoáng nghĩ có thể đó là lý do mẹ chọn ở luôn trong chùa không về nữa.
Trong nỗ lực bi kịch hóa những chạnh lòng vơ vẩn, Tím nghĩ về cái nhìn xa lạ của bồ ở cổng nhà khi vấp phải nụ cười hư hoại, về cảnh mình nằm trên mặt đường nóng rát mà vài người gần đó chỉ cầm điện thoại quay phim, mỗi ông già chạy xe ba gác đỡ nó dậy khi ông đã qua cơn xây xẩm. Nó nhớ một khuya mưa ngồi ngoài nhà chờ xe buýt, nhìn những gã say xỉn bá vai nhau vừa đi vừa khóc ròng, hình như một trong số đó vừa bị vợ bỏ rơi. Y như thường, nó không biết sao mình lại ở ngoài đường lúc khuya khoắt vậy, cũng như chẳng nhớ nổi tên con bạn cũ nhà ở Trưng Vương, ngày xưa nhiều trưa Tím hay ghé ngủ ké đợi buổi học chiều.
Đặt lịch hẹn bên nha sĩ vừa lúc Tím hết sạch buồn để xài. Hoặc đời nó tẻ nhạt chẳng có mấy nát tan, hoặc từng có rất nhiều nhưng thất lạc. Tím ngờ rằng lỗi không phải thời gian.
Rốt cuộc thì ba cái răng sứ tinh xảo được chế tác bởi một người nha sĩ thạo nghề, đã mang nắng về nụ cười Tím. Ông ta nói có nhiều người đã nhổ hàng răng lành lặn của mình đi, chỉ vì chúng không được đẹp. “Bao lâu thì người ta quên được chúng?”, Tím hỏi, trong lúc soi gương, ngắm mấy cái răng không chân, bảo đảm không còn nọc độc, vực sâu nào khi môi nó mở cười ra...
Chừng Như Thất Lạc Chừng Như Thất Lạc - Nguyễn Ngọc Tư