The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Ban Thanh
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 6
Cập nhật: 2021-01-03 10:49:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
iống như đống lửa rơm nghi ngút khói bên đường, những cái chợ nhỏ làm ấm lòng kẻ giong ruổi trên những con đường đầy bụi và sương, nắng và gió.
Chờ đợi ngót hai mươi lăm năm sau chiến tranh, Cà Mau mới có đường về 5 huyện. Những con đường còn hoang vắng, thô sơ. Một mình một ngựa... nổ chạy rong chạy ruổi lóc cóc xuyên qua những cánh đồng gốc rạ tươi thơm, hai bên đường là bờ sậy, bờ chuối rậm rì. Làng quê yên ả. Những ngôi nhà im sẫm buổi sớm mai. Người lớn ra đồng, trẻ con ngồi học ê a bên cửa sổ, mấy con chó cò lông vàng lem luốc vừa ngửa cổ sủa rân trời vừa rối rít đuổi theo đằng sau xe, lòng tự dưng thấy lạc lõng, cô độc lạ lùng. Rồi chợ, chợ trước mặt, ôi ấm lòng làm sao những ngôi chợ nhóm bên vệ đường.
Chợ lúc nào cũng nhóm ngay đầu cầu, trước cơ quan xã hay đầu cống đá vào xóm kinh. Như người phụ nữ chân quê, chợ nhỏ nhoi, hiền hậu, trầm tính dịu dàng. Mấy rổ hàng con con, mười người phụ nữ tay lấm áo lem ngồi với nhau là thành chợ, đông nữa, hai ba mươi người cũng gọi chợ. Không cần lặn lội khuya lơ khuya lắc như đi chợ thị xã, cứ chờ cho sáng ra bắc nồi cơm lên bếp cái đã, rồi đủng đỉnh xách hàng ra chợ. Đã hiểu nhau về hết thảy nỗi nhọc nhằn nên người mua không nặng nề mặc cả bon chen, người bán cũng chẳng đanh đá chua ngoa như kẻ chợ, hình như chợ họp chỉ để trao đổi, san sẻ với nhau những gì mình có. Bán đi những trái dừa khô để mua lại mớ rau càng cua về trộn dầu giấm chấm mắm kho. Bán mấy trái khổ qua đắng để mua ít đỉnh cải bẹ xanh về nấu với mớ cá rô mề mới giăng tới được sáng naỵ. Cả cá, cả rau cả trái đều bán theo mớ, hiếm hoi lắm có dì có được cây cân đòn loại 12 kg, trái cân lò dò đặt lên cái đòn đã mòn những khía, tỏ con mắt cũng không biết số ký nằm đâu. Ôi, có hề gì chuyện nặng nhẹ đong đo, lòng người ta tin nhau đầy ắp kia mà. Buổi sáng sao mà dậy mùi thơm nồng hăng của rau húng lủi, húng cây, rau cần trục, cần rừng. Bày ra đó, không phải chăm chăm trông chừng hàng hoá, chị em chụm lại rôm rả với nhau chuyện chồng con, chuyện làng xóm, ruộng lúa, vườn cây... (chuyện xóm quê mà, nói biết chừng nào cho hết). Thành ra chợ không chỉ bán gà, bán cá, bán rau củ trong vườn nhà mà còn gửi gắm thông tin cho nhau nên chợ ít người mà vui, mà thắm đượm nghĩa tình cũng vì lẽ đó.
Chợ không chỉ độc đáo vì bản sắc bình dị, nó còn độc đáo ở những mặt hàng mà nó bày ra. Thì mớ tép rong ôm một bụng trứng xanh rờỉ còn ướt rượt nước mới cất vó từ dưới kinh lên đó, thì mớ cá lòng tong, lìm kìm, cá mè con con nhảy tung nhảy toé, nhảy đến tróc lớp vảy óng ánh ra, thì kìa, rổ trái giác trái tròn tròn, bóng mẩy như viên đạn cu ly, rồi những cọng năng trắng muốt thơm ngai ngái mùi bùn, mùi nước lên đồng... Những thứ này, ở thành phố có thèrn cũng chịu thua, có lang thang hết chợ này sang chợ khác tìm kiếm tảo tần chưa chắc có.
Trên những con đường mới mở còn lơ thơ nhà, lơ thơ hàng quán, đi một đoạn xa ơi là xa, thèm hơi người thì gặp chợ, hỏi làm sao không vui. Qua chợ bên đường, lòng nghĩ, thôi, làm như mình chưa biết gì về luật giao thông, không nhóm chợ nơi đây thì nhóm ở đâu bây giờ, đường sá chờ mấy mươi năm mới có, phải kéo nhau ra đó ngồi buôn bán, phô bày bộ mặt tươi mới của nông thôn, tiện thể dòm xe qua lại cho vui chớ. Bây giờ có kéo nhau xuống đập dưới kia mà nhóm chợ, anh bạn mình làm sao mà trông được cái cổ cao cao, cái cuời giòn tan, tươi tắn của cô nhỏ bán hàng, rồi nhớ hoài, nghe ngọt ngào hoài? Thì ra giữa những quãng đường xa ngái, chợ còn có nhiệm vụ là nhóm lên một bếp lửa đời, cho cuộc hành trình bớt xa đi.
Tôi lần nào qua chợ cũng giật mình, làm như gặp lại người nào đó, mà lâu lắm rất quen nhau. Hình như má, hình như chị, mà hình như giống hệt mình đang ngồi đó, quanh mình ngọt ngào buổi sớm mai trong.
Chợ Bên Đường Chợ Bên Đường - Nguyễn Ngọc Tư