Số lần đọc/download: 519 / 1
Cập nhật: 2015-07-17 10:09:20 +0700
Đ
ến bây giờ Mỵ mới tin là cô giáo lớp mình dữ thật, tụi bạn đồn không sai. Mỵ cứ tưởng là đứa nào lười biếng, hư đốn thì cô mới đánh, đó là chuyện tự nhiên rồi. Nhưng đến sáng nay, lúc tập múa, Mỵ đã thấy cô quất cây thước kẻ vào chân của Thúy Mai, lúc nó múa sai nhịp. Trời ơi, Mỵ sợ quá! Thúy Mai dễ thương như vậy mà còn bị đòn, thì chắc cô cũng không tha gì Mỵ, hay Hương, hay Vũ. Lúc Thúy Mai mếu xệch miệng sắp khóc, cô giáo dịu giọng lại:
- Cô nói thì phải nghe, đừng đùa giỡn trong khi tập. Cô muốn các em đoạt được giải nhất trong kỳ thi văn nghệ này, nên cô mới nghiêm khắc như thế. Ráng tập đi, cô thương! Nào, bắt đầu lại!
Mỵ run run múa theo các bạn. Lời dịu dàng của cô làm Mỵ an tâm. Nhưng cái đôi mắt của Thúy Mai đỏ, đôi môi của Thúy Mai mếu máo, cứ làm cho Mỵ thấy nao nao trong lòng. Rán tập đi, cô thương. Nhưng … cây thước kẻ của cô, eo ơi, Mỵ sợ quá! Mỵ len lén nhìn cô. Cô đã trở lại vẻ hiền dịu cũ. Cô vẫn hiền dịu mà! Cô tận tâm với học trò lắm, ai cũng khen như vậy. Nhưng cũng không ai chối cãi rằng cô đánh học trò đau ghê lắm, đau thấu… trời xanh lận. Mỵ mới đổi trường, nên không được chứng kiến những lần trước. Nhưng sáng hôm qua, cô cho Quốc Hùng năm thước kẻ vào tay. Nó đau điếng, không khóc mà chỉ… ứa nước mắt, rồi về chỗ ngồi, xuýt xoa mãi như ăn phải ớt. Mỵ thì tái xanh mặt mày, còn nhỏ Vũ thì nói nhỏ bên tai Mỵ:
- Đó là nhẹ đấy! Có khi đứa nào phá phách lắm cô còn bắt nằm dài ra cho cô đánh nữa.
Mỵ nhắm mắt. Bây giờ điệu múa đang đến lúc dồn dập, hân hoan. Cả bọn tám đứa răm rắp theo lời cô, bước tới, bước lui. Mỵ tưởng tượng quang cảnh sân khấu tất niên của trường, đèn đuốc chói lọi, màu sắc rực rỡ. Còn khán giả bên dưới thì đông vô kể. Trong đó có ba má Mỵ, có ông Hiệu trưởng, có các thầy cô. Liệu Mỵ có đủ bình tĩnh để múa cho ăn khớp không? Lúc ấy nếu nhỡ có đứa nào quên mất phải làm gì, đứng quê mặt giữa sân khấu, chắc là khôi hài lắm. Đứa đó chắc sẽ được cô thưởng cho… mười cái thước kẻ. Bỗng nhiên Mỵ muốn rút lui khỏi ban vũ này. Mỵ cảm thấy một nỗi lo âu xâm chiếm lòng mình. Mỵ muốn về lớp.
- Các em ngừng lại, nghỉ.
Tám đứa con gái tản ra làm hai nhóm. Cô giáo nói:
- Khá lắm! Chỉ còn vài chỗ lỗi lầm nhỏ. Cô tin tưởng các em sẽ được hạng nhất về vũ. Bây giờ các em về lớp học. Cô sẽ giao cho các trò trai làm cho các em tám cái vòng hoa để múa.
Bọn học trò con gái vừa bàn tán xôn xao vừa trở về lớp học. Tiếng líu lo trong trẻo ấy nhập chung với những âm thanh lao nhao trong lớp thành một đám chợ. Rồi im bặt, khi cô giáo xuất hiện sau cùng ở cửa lớp.
- Im lặng, nghe cô nói đây. Dịp tất niên này, các em gái của lớp mình sẽ múa một bài vũ. Các em ấy sẽ mặc áo đầm trắng và cầm một vòng hoa. Cô muốn có tám em trai nhận về làm tám cái vòng hoa để cho các em gái múa. Tám em trai đó sẽ được thêm điểm hạnh kiểm cuối tháng, miễn là làm cho thật đẹp.
Phiên chợ lại họp. Cả con trai con gái đều xôn xao. Lũ con trai chỉ trỏ nhau, rốt cuộc cũng có sáu đứa nhận lời. Cô chia công việc cho từng đứa:
- Mỗi em mua một khoanh dây kẽm, cuộn tròn lại bằng chu vi một cái nón lá, cột chặt và quấn giấy xung quanh cho bít kín sợi kẽm. Cắt giấy màu xanh làm lá, giấy màu đỏ làm hoa. Lá thì dễ, các em tự kết lấy, còn hoa, em nào không biết làm thì vào lớp cô chỉ cho. À, xem nào… Có sáu trò. Vậy Dũng làm vòng hoa cho Thủy, Sơn làm cho Thu, Toán làm cho Thúy Mai, Anh làm cho Cúc, Đạt làm cho Hương, Lâm làm cho Tuyền. Còn hai trò nữa, ai sẽ làm cho Vũ và Mỵ đây?
Vũ nói:
- Thưa cô, chị em học bên lớp năm, chị ấy biết làm hoa, để em nói chị em làm cho em.
Cô gật đầu:
- Vậy phần Vũ đã xong. Cô cần một em nữa làm vòng hoa cho Mỵ.
Mỵ đưa mắt cầu cứu tụi học trò con gái. Nhưng các bạn đều đã có phận sự của cô giáo giao cho hết rồi. Mỵ là học trò mới, chưa quen ai nhiều, làm sao đây?
Cô gọi một bạn:
- Thế Vân! Em làm được không?
Có một đôi mắt bối rối. Và một đứa con trai đứng lên, nói giọng miễn cưỡng:
- Thưa cô… được ạ.
- Sao em không giơ tay nhận làm giúp?
- Thưa cô… em…
- Thế Vân trốn trách nhiệm nhé! Thôi, còn vòng hoa của Mỵ cô giao Vân làm, nhớ phải xong cho ngày mốt tập lại.
Đứa con trai “dạ” rồi ngồi xuống. Mỵ len lén nhìn qua. Biết Thế Vân là đứa ngồi ngang với mình ở dãy bên kia. Biết Thế Vân là đứa con trai học giỏi nhất lớp. Biết Thế Vân là kẻ thường bày cho bạn bè nhiều trò chơi thú vị. Nay biết thêm Thế Vân là kẻ kiêu hãnh, khinh người…“một cây”. Thế Vân biết làm vòng hoa mà không nhận làm, để Mỵ phải đứng bơ vơ, để cô giáo phải chỉ định rồi mới “ậm ừ”. Ghét quá! Ghét quá! Người đâu mà hách dịch quá! Tự nhiên nước mắt lưng tròng. Mỵ muốn khóc. Mỵ muốn đi về nhà.
2
Mỵ đến lớp trễ. Nhưng cô giáo đi đâu vắng. Mỵ tìm Vũ. Nó cũng đã đi ăn quà với bạn. Mỵ nhìn thấy trên bàn cô giáo mấy cái vòng hoa xơ xác. Mỵ đến gần để xem. Chỉ có bảy cái vòng hoa. Nhưng nào phải là vòng hoa! Có cái là một khoanh dây kẽm trơ vơ. Có cái đã được dán giấy… nhật trình. Có cái được kết lơ thơ vài cái lá. Mỵ nghĩ thầm: Bọn con trai chỉ biết ăn hại, làm vòng hoa thế này ai mà dám cầm để múa. Chỉ có duy nhất một cái vòng hoa xinh xắn, tròn trịa, dán giấy xanh thật chắc chắn xung quanh, kết tám cái lá răng cưa thật đều, xen kẽ với tám cụm hoa màu đỏ thật dễ thương. Ai là tác giả của vòng hoa này? Mỵ đếm kỹ lại. Vẫn chỉ có bảy chiếc vòng hoa. Vậy thì chắc chắn cái vòng hoa xinh xắn này là của chị Vũ làm cho Vũ rồi! Sáu cái kia là do sáu đứa con trai “có thiện chí” làm. Và một cái không có mặt trên bàn cô giáo là của Thế Vân. Nó đã trốn trách nhiệm, không làm cho Mỵ rồi! Mỵ quay mặt đi. Mỵ nghẹn ngào. Biết thế Mỵ đã xin cô cho Mỵ tự làm lấy vòng hoa, khỏi nhờ đến Thế Vân. Thằng nhỏ phách lối, khó thương ấy, sao… Mỵ ghét nó quá!
Bảy cái vòng hoa! Thiếu một vòng hoa của Thế Vân! Thiếu một vòng hoa của Mỵ!!!
Thúy Mai cầm một cây kem đi đến gần Mỵ, nói:
- Cô cho nghỉ giờ Công Dân. Cô đi họp ở văn phòng. Mỵ đi chơi đi!
Mỵ buồn bã:
- Đi đâu?
- Đi ăn quà. Đi đâu cũng được, nhưng cô cấm đến gần mấy lớp khác.
Thúy Mai lại cặp tay đứa bạn chạy đi. Mỵ lững thững bước ra sân. Mỵ cảm thấy lẻ loi, cô độc quá! Tụi bạn vui vẻ ghê, sao chẳng có ai để cho Mỵ chơi? Mỵ muốn về trường cũ. Trường cũ bây giờ chỉ còn là một tòa nhà ủ rũ dưới đám lá âm u. Mỵ muốn tìm vui ở đây. Nhưng Thế Vân, chính Thế Vân đã làm cho Mỵ biết rằng không có ai muốn vui với Mỵ.
Mỵ bỏ xa đám bạn bè đang chơi đùa với nhau ở sân gạch. Nơi hành lang trước các lớp học, Mỵ đứng lại và tìm thấy có một sự yên lặng. Mỵ đứng yên ở đó. Cô giáo cấm không cho đến trong khi các lớp khác đang học. Nhưng Mỵ cũng biết kia là lớp năm, kế đó là lớp luyện thi vào lớp sáu. Mỵ nhìn thấy những mái đầu chăm chỉ, những đôi mắt lo âu. Họ là các anh chị lớn nhất trường đấy. Sắp tết đến nơi rồi mà cô thấy cũng bắt học thật nhiều. Ít thấy họ tập dợt múa hát. Mỵ mỉm cười. Màn vũ của lớp mình có hy vọng chiếm hạng nhất.
3
A! Cái bóng của ai như là Thế Vân. Từ bên hông lớp năm, Thế Vân rón rén bước chân đi ra, tiến về phía Mỵ. Mỵ lùi lại. Thế Vân chắc không thấy Mỵ. Nó chạy biến ra sân. Mỵ nhìn theo, ngơ ngác. Sao cô đã cấm, mà Thế Vân dám chạy qua lớp người ta? Để làm gì? Thế Vân nghịch ngợm có tiếng đấy! Chắc sắp có chuyện gì xảy ra chăng?
Mỵ quay lại, nhìn theo cái bóng Thế Vân biến mất trong bọn con trai đang chuyền banh ở đàng xa. Và ở đó, có hai cái nơ đỏ hí hửng của Vũ đang chạy lại. Vũ cười khi vừa thấy Mỵ:
- A! Mỵ! Lại nói cho nghe cái này!
- Gì vậy?
Vũ chìa cho Mỵ một cái kẹo, khoe:
- Chị của Vũ làm cho Vũ một cái vòng hoa đẹp lắm!
- Biết rồi!
- Ai nói cho Mỵ biết?
Mỵ buồn bã:
- Biết chứ! Chị của Vũ khéo tay có tiếng.
Chợt… “Đùng! Đùng! Đùng!”. Ba tiếng nổ làm Mỵ và Vũ hét lên. Cả trường xôn xao như chợ vỡ. Tiếng nổ phát ra từ phía lớp năm. Vũ run run nói:
- Tiếng pháo! Đứa nào đốt pháo!...
Cô giáo xuất hiện trên sân, nói lớn:
- Các em về lớp hết.
Lũ trẻ líu ríu nối đuôi nhau về lớp, im thin thít. Cô bước lên bục, nghiêm sắc mặt:
- Các em ngồi yên đó, cô ra coi tại sao lại có tiếng pháo.
Nhưng một cái bóng con gái xuất hiện trước cửa lớp khiến cô ngạc nhiên. Cô hỏi:
- Em nào đó?
- Thưa cô, em là Chi, học ở lớp năm ạ.
- Có chuyện gì vậy?
Đứa con gái e dè bước vào, vừa đi lại bàn cô giáo, vừa nói run run:
- Thưa cô, em muốn thưa cô là… có trò bên này lén qua lớp em đốt pháo rồi bỏ chạy.
- Ai vậy?
- Thưa cô, trò Thế Vân.
Cô giáo sửng sốt:
- Thế Vân?... Có lý nào!
- Thưa cô, chính mắt em thấy trò ấy lui cui cột cái gì đo đỏ ở kẹt cửa rồi chạy ra xa đốt cái ngòi. Rồi trò chạy. Kế đó là ba tiếng nổ.
Thế Vân đứng lên, cãi:
- Đâu có! Thưa cô, em không hề đi ngang qua lớp năm bao giờ.
- Thưa cô, chính trò Thế Vân này cũng hay qua lớp em bắn bì… Mà trò ấy bắn vào tụi em… đau lắm ạ!
Cô giáo nhăn mặt:
- Thế Vân nhiều tội thế? Thế Vân dám phá phách cả với các anh chị lớp năm à?
Thế Vân đáp:
- Chị ấy nói dối đó cô! Em không hề phá lớp năm.
- Thưa cô em thấy rõ ràng…
- Để cô suy nghĩ coi… một mình em nói làm sao cô tin được? Nếu chính Thế Vân đã đốt pháo, thì cô sẽ trừng phạt nó để làm gương. Nhưng ngoài em này ra, ai đã thấy Thế Vân đến trước cửa lớp năm?
Đôi mắt cô giáo nhìn khắp lớp học, bén như dao. Mỵ cúi xuống tránh tia mắt đó. Không khí rờn rợn chờ đợi một câu trả lời.
Bỗng cô giáo quát lớn:
- Ai? Ai đã thấy???
Đồng lúc đó, cô lại gõ mạnh cây thước kẻ lên bàn. “Rầm!”. Cả lớp giật bắn mình. Mỵ hoảng hồn thốt lên:
- Dạ em!...
Lưỡi Mỵ quíu lại. Nhưng cô đã nghe mất rồi! Trời Phật ơi! Mỵ biết phải làm sao?
Cô giáo ra lệnh:
- Mỵ đứng dậy!
Mỵ làm theo, sợ sệt nhìn cô. Cô hỏi:
- Em thấy Thế Vân làm gì?
- Thưa cô, em chỉ thấy Thế Vân chạy từ bên hông lớp năm ra sân.
- Vậy là đúng rồi! Thế Vân có chối cãi nữa không?
Thế Vân cúi đầu. Nhưng Mỵ thấy có cả một ánh mắt trách hờn nhìn qua. Cô cho đứa học trò lớp năm đi về. Vài tiếng xôn xao nhỏ phải im khi cô bắt đầu từ trên bục bước xuống. Cô gọi Thế Vân:
- Thế Vân! Lại đây.
Mỵ ngơ ngác nhìn cô, nhìn Thế Vân. Những gương mặt học trò như cứng ngắc, chờ đợi. Mỵ cắn chặt môi. Cô giáo nói lạnh lùng:
- Thế Vân! Xòe tay ra!
Thế Vân còn đứng im không nhúc nhích. Mỵ chợt thấy mình là một kẻ tàn nhẫn, dù là một kẻ tàn nhẫn vô tình vì sợ sệt. Nhưng có phải đó là do sự việc Thế Vân không làm cho Mỵ một chiếc vòng hoa? Thế Vân ơi! Mỵ không ghét Thế Vân một tí ti nào. Mỵ mến Thế Vân lắm. Vì Thế Vân học giỏi, vì Thế Vân thường bày trò chơi cho các bạn, vì Thế Vân hay mở cái hộp vuông màu đỏ cho cả lớp nghe có tiếng nhạc thánh thót, thánh thót. Mà Mỵ thì cũng ham học, cũng ham trò chơi, và cũng ham nghe nhạc nữa. Nhưng sao Thế Vân lại nghịch? Nhưng sao Thế Vân lại khinh khi Mỵ để chẳng làm cho Mỵ một cái vòng hoa, dù chỉ là một khoanh kẽm?
Cô nói với cả lớp:
- Cô muốn lần này là lần chót các em thấy cô trừng phạt Thế Vân. Cô không muốn một em nào trong lớp của cô có những hành động đáng ghét như vậy. Thế Vân! Chừa nhé!
“Vút! Vút!”. Mỵ nhắm mắt lại. Mỵ đâu muốn có cảnh này. Nhưng không nghe Thế Vân khóc. Mỵ nghe hai tai mình ù đi. Đến tiếng “vút” thứ ba, Mỵ bật khóc:
- Cô ơi! Em lạy cô! Cô đừng đánh Thế Vân nữa cô ơi!!!
Rồi Mỵ nức nở như người phạm tội. Cô buông cây thước kẻ, nhìn Mỵ ngạc nhiên. Ý chừng cô chưa hề gặp một đứa học trò dễ xúc động như thế này. Nhưng tiếng khóc đã làm cô dịu lại. Cô hiểu. Và khe khẽ, cô bảo Thế Vân:
- Thế Vân, về chỗ ngồi đi!
Mỵ vẫn nức nở. Thế Vân ngồi ngang với hàng ghế của Mỵ. Mỵ muốn trốn một tia mắt trách móc. Sao có tia mắt ấy?...
Cô tới bên bàn, nơi có bảy chiếc vòng hoa. Cô hỏi:
- Em nào đã làm cái vòng hoa lười biếng này? Toán hở? Còn cái vành nón lá xác xơ này là của ai? Sơn hở? Chao ơi! Học trò của cô lười ơi là lười, nhờ một chút không xong.
Vũ bỗng đứng dậy:
- Thưa cô, cô cho phép em chạy qua lớp của chị em để lấy cái vòng hoa chị em đang làm lở dở cho em.
Mỵ ngước mặt lên ngạc nhiên, ngạc nhiên đến quên cả khóc.
Và Vũ trở lại, xách theo một chiếc vòng hoa. Nhưng cái vòng hoa này không đẹp bằng cái vòng hoa nằm trên bàn của cô. Cô cầm vòng hoa của Vũ lên, khen:
- Đẹp! Nhưng cái này đẹp hơn. Của ai làm đây?
Cả lớp xuýt xoa khi cô cầm cái vòng hoa có tám cái lá răng cưa và tám cụm hoa màu đỏ tươi giơ lên cao. Cô hỏi nữa:
- Của ai đây?
- Dạ… của em.
Ôi, là Thế Vân! Là Thế Vân sao? Chiếc vòng hoa của Thế Vân! Chiếc vòng hoa cho Mỵ! Hèn gì có tia mắt trách móc. Ở bên này, cô bé lại bật khóc thành tiếng thánh thót, thánh thót như tiếng nhạc trong chiếc hộp vuông. Còn ở bên kia, cậu bé Thế Vân vừa cười sung sướng vừa xoa hai bàn tay rát bỏng.
4
Sau hôm đó, cô giáo của chúng ta không còn đánh học trò nữa.
Buổi tập múa, Mỵ sung sướng cầm chiếc vòng hoa của Thế Vân. Còn trừ Vũ, sáu bạn kia phải cầm vòng hoa bằng dây kẽm xấu xí. Cô phải nhờ chị của Vũ giúp làm lại sáu cái vòng hoa. Còn Mỵ vẫn giữ cái vòng hoa của Thế Vân cho đến hôm trình diễn tất niên. Màn vũ của lớp được chấm hạng nhất. Cả trường khen ngợi. Nhưng Thế Vân có biết nỗi vui mừng của Mỵ là gì không? Là hiểu được rằng Thế Vân đâu có khinh người. Thế Vân tốt bụng lắm, chỉ phải cái bệnh hay nghịch ngợm. Nhưng như thế mới là con trai, Thế Vân nhỉ!
Mỵ lại đổi trường, cuối năm ấy. Cũng như có cái “huông”, suốt bảy năm trung học, Mỵ đổi trường tất cả bảy lần.Vì thế được học nhiều thầy, quen nhiều bạn, cảm nhận đủ điều hay lẽ xấu. Không còn gặp lại Thế Vân một lần nào. Có khi cũng quên mất Thế Vân, quên mất chiếc hộp vuông có tiếng nhạc tính tang, quên trận đòn của Thế Vân, quên chiếc vòng hoa cho Mỵ.
Nhưng sáng nay, nhìn thấy trên chiếc xe GMC đậu lại trước cổng nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, chất đầy những chiếc vòng hoa cườm tím ngắt, chợt liên tưởng đến chiếc vòng hoa ngày thơ dại, Mỵ muốn khóc khi nghĩ đến một khuôn mặt đáng mến mà mình đã không còn gặp lại. Thế Vân bây giờ vui, buồn, sướng, khổ, còn sống, hay đã chết Mỵ đâu có biết. Nhưng điều mà Mỵ muốn nói với Thế Vân là, tình bạn ngày còn nhỏ quý giá vô cùng, ngây thơ vô cùng. Và Thế Vân ơi! Chiếc vòng hoa của Thế Vân là kỷ niệm dễ thương để cho Mỵ suốt đời tưởng nhớ.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(Bán nguyệt san Tuổi Hoa, Tết Ất Mão 1975)