Books are a uniquely portable magic.

Stephen King

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Hiển
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Tu Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 792 / 15
Cập nhật: 2017-11-08 14:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôi giừ thì thủ phận, cốt sao đỡ gánh nặng cho xã hội là may rồi... Cái lá tre rụng ngoài ngõ còn có tác dụng hơn tôi. Ngồi trên nền đất, cô gái buông từng tiếng đều đều về phía ngọn lửa bếp có nồi cám lợn đang bốc hơi. Chốc chốc o ta khẽ quay người vơ nắm rạ, dùng que cời gẩy gẩy cho lửa cháy rần lên, rồi lại trở về với công việc thứ hai của mình, tí tách bẻ những củ khoai chuối bỏ vào chiếc rổ sảo để cạnh.
- O Lựu bi quan thế không nên. Mà không đúng đâu. Sống trên đời, có làm việc là có góp phần cho xã hội, chứ sao lại là gánh nặng. Dứt lời, Hoà cảm thấy ngay câu an ủi của mình sao nhạt nhẽo. Nó có nghĩa lý gì, so với nỗi buồn khổ lắng sâu của người con gái. Anh bỏ bút, vẩn vơ nhìn về phía bếp lửa. Ánh đỏ viền lên bầu má của Lựu một vành cong màu hồng sẫm, bập bùng chấp chới bên búi tóc nặng và một bên vai áo nhuộm nâu bầm. Cái thân hình béo đậm ngồi thu tròn một khối, hơi còng xuống. Hoà muốn thêm một câu gì để xoá cái đãi bôi gắng gượng của điều mình vừa thốt. Biết nói gì kia chứ? An ủi suông thì có ích lợi gì. Trong khi đó, những lời xót xa mà người con gái trẻ ngồi xây lưng lại anh vừa tâm sự, như chỉ để nói cùng ngọn lửa, vẫn còn gây một âm vang não nề, từng tiếng từng tiếng buông rơi vào lửa, không cháy vèo đi mà dường như thêm nóng bỏng. Không, cũng không hẳn là nóng bỏng. “Cái lá tre rụng ngoài ngõ còn có tác dụng hơn tôi...” Giọng o ta đều đều bình thản lạ lùng, không vui đã đành, cũng không buồn, o ta chỉ như nói lên một điều nhận xét hoàn toàn khách quan, một sự thật mà o đã nghiền ngẫm, thấm thía, đã tin rằng không thể nào thay đổi. Chính cái bình thản ấy càng thêm não lòng xiết bao. Hoà im lặng. Tiếng những củ khoai đòn gẫy đôi gẫy ba, tí tách. Anh biết rằng chỉ có cách lặng im, để mặc cho cơn buồn nản của người con gái vợi dần và trôi qua, như trời thu gợn đám mây mù, tự nó sẽ tản nhoà các hướng.
***
Hoà vừa đổi về đây chưa được bao lâu. Anh trọ nhà một em học Sinh con một bác quản trị hợp tác xã. Căn nhà năm gian mát mẻ thoáng đãng, gia đình lại ít trẻ con, được vài hôm, chỗ ăn ở và làm việc bắt đầu ổn định thì bất ngờ một lớp mẫu giáo dọn đến ngay cạnh nách. Tiếng trẻ em ê a múa hát nghe cũng vui vui nhưng khiến trí nghĩ khó tập trung. Phải tạm lùi một bước!
- Hoà vui vẻ quyết định, và anh lần sang thăm thú một gia đình ở xê xế phía sau vườn, ít ra để nhờ một chỗ thỉnh thoảng sang ngồi soạn hoặc chấm bài, nhà này trông có vẻ văng vắng. Quả trong nhà chỉ vẻn vẹn có hai vợ chồng già và một cô con gái. ông cụ, ống tay áo còn lấm tấm mấy vệt bùn khô, tiếp anh niềm nở, hơi trọng vọng nữa, cứ một thầy hai thầy, hình như ông còn giữ cái nền nếp trọng học của đất nhà nho cũ. Bà mẹ như để giải thích cảnh nhà neo đơn, kể: có một con trai đầu, hiện đi bộ đội, một người con gái thứ hai đã lấy chồng, hai vợ chồng cùng làm việc ở một nông trường trên miền ngược, còn con Lựu đây là út, lớn rồi mà nhác mần lắm, chỉ ăn rồi nhởi thôi, đang phải giữ ở nhà để kèm cặp đã! Nghe mẹ nói vui, cô gái ngồi xây lưng ở đằng góc bếp thốt lên tiếng cười nhỏ trong cổ họng. Kể o ta cũng trắng thật
- Hoà liếc nhìn chiếc gáy của cô gái, nhận xét - con gái nông thôn mà béo trắng như cục bột vắt để đó! Lúc bấy giờ o ta đang đun xanh canh thì phải. O lại còn tẩn mẩn tước những chiếc lá gì giống lá tre nhưng dài và to bản hơn, tấp thành đống nhỏ cạnh người.
- Lá gì đó o? - Hoà hỏi để bắt chuyện.
- Lá muồng muồng, ở trên rú.
- Lấy về đun à? Sao lại phải xé nhỏ ra thế kia? Câu hỏi ngớ ngẩn khiến người con gái bật lên cười rất giòn.
- Tước để bán cho Mậu dịch đó thầy ạ. Mậu dịch họ lại thuê người ta bện thành... thành những cái chi bán ra nước ngoài, làm cái chùi chân. Các nước họ bước vô nhà phải xát xát chân cho sạch đã, không phải như ta đi thẳng vô nhà đâu! Đến lượt Hoà bật cười về cách nói ngộ nghĩnh của cô gái.
- Cái thảm à?
- Đúng cái thảm đó. - Ông cụ xác nhận.
- Hợp tác xã khoán cho mỗi cân là hai bao rưỡi.
- Mỗi ngày o tước được mấy cân, o Lựu?
- May ra thì được một cân, chưa đủ tôi nuôi tôi - trong giọng cô gái, bỗng chen cái gì khác lạ, Hoà chưa kịp phân tích ra.
- Sức vóc o, đi làm đồng có khi thừa thóc nuôi cả cụ mẹ!
- Rứa đó! - Cô gái liền đáp, chẳng rõ ý ra sao.
Khuôn mặt ông cụ bỗng như hóp lại và già sọm đi, ông thong thả cất tiếng:
- Con tôi, hắn...
Nhưng Lựu không để ông cụ nói hết, o cướp lời:
- Mẹ tôi có chịu cho tôi ra đồng làm đâu thầy! Tôi là một con mù!
Hoà sững đi. Làm sao bây giờ, anh không nhận thấy rằng những cử động của người con gái có vẻ gì hơi chậm chạp, dài dại? Anh hối hận vô cùng về cái câu vừa nói, vô tình nó đượm một ý khiêu khích cay chua.
***
Về sau Hoà biết thêm: Lựu bị hỏng mắt từ năm lên bốn. Đứa bé mù vượt qua tuổi thơ ấu không đến nỗi khó khăn. Được cả nhà săn sóc chiều chuộng, trong trí óc đơn giản của nó, có lẽ nó cho rằng mỗi con người ta sống, là tự nhiên có mọi thứ sẵn bên mình, cũng như cơm của nó được đưa tận môi, nước kề tận miệng. Khoảng mười một mười hai, vừng trán con bé Lựu bắt đầu thoáng nét âu sầu. Đó là vào những ngày cả nhà đi làm vắng. Rồi bỗng một hôm nó nằng nặc đòi theo mẹ đi cấy. Bà mẹ đành phải dắt con cho ra ngồi ở đầu bờ: Ở nhà một mình, nó buồn sợ. Mười tám tuổi, Lựu rất thích được đi chăn trâu thay anh chị. Phải chăng không khí thoáng đãng ngoài đồng cỏ đánh loãng được ít nhiều cái đêm tối vô cùng tận đè chụp lên đầu nó. Giờ đây, Lựu vừa chẵn hai mươi. Hôm đầu tiên Hoà sang ngồi làm việc, người con gái khẽ ngẩng đầu như nghe ngóng bước chân của anh, rồi lẳng lặng đi rót một bát nước chè tươi còn bốc khói, bưng hai tay đặt lên bàn. Xong, o trở về chỗ góc bếp của mình, bê nồi cám ra chuồng cho lợn ăn. Lát sau thoáng thấy bóng o ta lúi húi hái rau nhổ cỏ gì ngoài sau vườn. Suốt buổi coi như o không nói lấy một tiếng. O ta hơi trầm lặng quá đấy! - Hoà nhận xét, rồi chợt anh khám phá ra chính anh cũng quá tiết kiệm lời, việc bài vở của một giáo viên đâu đến nỗi phải mải mê đến thế! Ngày hôm sau anh thử bắt chuyện. Người con gái, lúc đầu, ngờ ngợ nhìn anh - nghĩa là o ta khẽ quay đầu, nghiêng một bên tai như ngẫm nghĩ xem cái điều người ta vừa nói có đúng là nói với mình không. Rồi o vui vẻ đáp lời. Hoá ra Lựu cũng thông tỏ khá nhiều chuyện trong làng, từ việc hợp tác xã, việc đội, đến việc nhà ai bị bom cháy, con nhà ai được đi thi học sinh giỏi toàn tỉnh. Đôi khi Hoà có ấn tượng câu chuyện của người con gái mù hơi có vẻ líu la líu lo một chút, như trẻ con phô chuyện. Bỗng, một lúc nào đó, o ta ngừng bặt, thốt tiếng cười trong cổ họng theo thói quen.
- Tôi phải cái tội hay nói hay phô, mà hay nói thì hay sai, phải không thầy. Cứ bô lô ba la, thầy không mần việc được.
- Bài tôi xong cả rồi. - Hoà vội đáp.
Và anh chợt hiểu cái dè dặt ý tứ của Lựu hôm đầu. Những ngày sau cũng vậy, Lựu chỉ chuyện trò khi anh gợi đầu tiên. Người con gái hay nhắc đến mấy mét vải phin, mỏng mịn, o vẫn cất dành trong rương làm của, không may chi hết, may mặc rồi nó mòn rách, uổng: mấy mét vải ấy là của Bác Hồ cho. Chao ôi, Bác thương đến cả những người neo đơn, tàng tật. O lại khoe cha con o chăn của hợp tác một con bò, béo lắm. Trước đây hợp tác trợ cấp cho Lựu ngày hai hào, thêm vào khoản tước lá muồng cho đủ ăn, được hai tháng, Lựu không chịu nhận trợ cấp nữa, đòi nhận bò về nuôi.
- Cha tôi thương tôi cứ giành lấy chăn, hai cha con chăm sóc con bò, đến khi thi được nhất đội, họ thưởng cho cái bát hoa đẹp lắm, cái bát thầy đang uống đó. Giọng phô chuyện của cô gái quả có cái gì còn rất trẻ nít thơ ngây. Hoà đăm đăm nhìn những chấm xanh đỏ nổi trên nền men trắng chiếc bát. Với Lựu, thế nào là một chiếc bát hoa? Một chiếc bát hoa đẹp lắm? Người con gái làm sao còn lưu giữ được trong trí nhớ cái bóng dáng xa xôi, mờ ảo, về một nụ hoa nào đó của tuổi ấu thơ, liền ngay sau đã bị cái đêm đen mênh mông của tàng tật trùm phủ? Chắc hẳn o ta chỉ lặp lại, như đứa trẻ học nói, những điều ta nghe đã thu nhận được từ miệng người ta. Đối với o, hoa đẹp là thế nào? Trong trí tưởng tượng người mù, sắc màu rực rỡ hoặc dịu dàng, hình nét nhẹ thon của một cánh hoa được mơ hồ gợi lên như thế nào qua một mùi hương bay thoảng?
- Hắn cứ nằng nặc đòi nhận thêm con bò nữa đó, thầy ạ.
- Ông cụ vừa đi tưới cây ngoài vườn phụ lão về, ngồi vào bếp châm lửa hút thuốc, góp chuyện.
- Để chăn cho luôn một công.
- Không phải! - Lựu liền cãi lại.
- Để tôi chăn riêng!
- Mi chăn làm của riêng à? - Ông cụ nói trêu và cười khà khà, sau khi rít một hơi thuốc lào dài.
- Của riêng đó! - Cô gái láy lại.
- Lần ni thì cha không được giành! Vừa nói o vừa nghiêng đầu áp má vào vai bố như một đứa trẻ nhỏ, vuốt ve và vỗ vỗ nhẹ vào lưng bố.
- Mi chăn mà để bò ăn lúa của người ta, thì công không đủ nạp phạt đó! Đừng có tưởng!
Chắc hẳn ông cụ chỉ nói doạ để trêu đùa. Nhưng o con gái, đang vui, tự dưng ắng lặng đi. Hoà thấy đầu o ta gục xuống, như thể bị cái búi tóc to đè trĩu. Tấm lưng béo nẫn cong vòng như một cái vòm. O càng áp dụi một bên mặt vào cánh vai bố, tìm chỗ tựa chăng, hay để giấu một giọt nước mắt thầm? Cô gái tàng tật quả là mau xúc động quá chừng. Hoà có chút an ủi khi nghĩ, sự có mặt của anh cũng khiến o con gái đỡ cô đơn, trong lúc mọi người đi làm vắng. Không phải anh tự huyễn mình đâu, Lựu quả có vui vui khi cảm thấy có anh làm việc bên cạnh. Vẫn e dè kín đáo, o chỉ bắt lời khi anh khơi chuyện trước, nhưng dù khi không nói, cả con người của Lựu dường như cũng có chút gì linh hoạt hơn, cử động dường như ít nhiều thêm nhanh nhẹn, chính xác. Một lần, nhân ghé trong xóm có việc, anh trở về nhà Lựu không qua cổng mà băng tắt chỗ vườn sau đi vào. Thoáng thấy bóng cô gái, anh nẩy ý đứng khựng lại, thử xem thính giác người mù quả có tinh nhậy hơn không. Người con gái ngửng đầu, chờ đợi. Cặp môi o dường như khẽ mấp máy. Hoà cố ý chậm rãi bước vào phía cửa bếp. O ta bật hỏi:
- Thầy Hoà đã sang đó phải không?
- Tôi đây. O Lựu nhận ra tiếng chân của tôi à?
- Có chớ. Ai đi mà tôi nỏ biết. Bước chân của thầy hiền. - Ngừng một chút, o nói thêm, như để bổ sung - Nghiêm mà hiền. Hoà bật cười. Cái thế giới người mù, chắc nó có những điều bí ẩn kỳ lạ, Hoà nghĩ bụng. Sự nhận thức và suy nghĩ của họ hẳn là ít nhiều bị hạn chế: dựa trên trực giác, trên một cách luận lý riêng, nó có thể rất đúng, cũng có thể rất sai. Vừa mới chiều qua, giữa một câu chuyện bình thường, tự dưng anh nghe cô gái nói:
- Té ra thầy Hoà chuyên dạy văn à? Thầy dạy hay hay là.
- Hay thế nào? O nghe tôi giảng khi nào?
- Tôi có ra trường đâu mà được nghe thầy giảng?
- Thế o nghe các em nó nói à?
- Hoà gợi, trong thâm tâm không phải không muốn chờ nghe một dư luận tốt về công việc giảng dạy của mình.
- Không - cô gái đáp liền, cắt ngang cái hào hứng vừa chớm nẩy của anh giáo viên trẻ - Tôi nghe các em nó học thôi. Bọn nó học thơ ông Tố Hữu, nó bảo là thầy Hoà dạy. Thơ hay thì thầy giảng cũng phải hay chớ!
Đôi khi bà mẹ nhìn Hoà với con mắt là lạ, như muốn nói điều gì mà không tiện nói, bà mong chờ anh đề xướng trước cái việc ấy ra. Một hôm bà bưng đĩa khoai lên mời anh, rồi đứng xa xẩn vịn tay vào cột, bà hỏi:
- Ở đây đã lâu mà chưa thấy thầy về thăm nhà, hè?
- Đầu học kỳ, còn bận bịu lắm mẹ ạ. Với lại lán trường, mới dọn đến cũng phải tổ chức lại, thằng Mỹ nó gây cho mình cũng lắm cái chuyện phiền phức ra trò.
- Đường thầy về nhà cũng qua gần chỗ huyện thì phải.
- Gần lắm mẹ ạ.
- Bữa nào thầy có về, cho tôi gởi cái gói con con. Tôi có bà mự cũng ở ngay chỗ huyện, bà cứ nhắn lên nhởi, đem cho bà ít hạt cải giống... Bữa nào con Lựu có đi huyện thì rồi cũng phải nhờ vả nơi bà. Chẳng rõ Lựu có việc gì mà phải lên huyện, lại giữa lúc bom đạn này. Mắt anh chợt bắt gặp cái nhìn đượm vẻ cầu mong của bà mẹ. Đột nhiên anh hiểu ra.
- Dạ - anh vội nói - có gì mẹ cứ gửi, cháu sẽ chuyển tận tay. Nhân tiện cháu cũng ghé chỗ bệnh viện thăm người anh họ một chút.
Mắt bà mẹ ánh lên tia sáng, rồi mi mắt lại cụp ngay xuống, bà nở một nụ cười không ra vui cũng không ra buồn. Vừa qua nhân câu chuyện gì đó, Hoà có nhắc tới một ông anh họ hiện làm bác sĩ ở bệnh viện huyện, vốn học về khoa mắt. Hình như anh cũng có hứa để rồi có dịp sẽ nhờ khám hộ cho Lựu, may ra... Lúc hứa, anh nghĩ đấy là chuyện về lâu về dài, ít ra cũng phải chờ cho qua cái đận tàu bay tàu bò này đã, đường ạy lúc này nguy hiểm, bệnh viện lại đang phải tập trung cứu chữa những người bị thương. Chứng bệnh của Lựu thì đã thành cố tật, có chữa cũng phải công phu lắm.
- O Lựu cho xem thử con mắt hiện giờ ra sao nào, để tôi còn báo cáo với bác sĩ. Tôi cũng kiêm tý y tá nửa mùa đây. - Anh chêm câu nói vui.
- Con để thầy coi thử con. - Bà mẹ nhắc.
Lúc bấy giờ Lựu đang ngồi tước lá muồng. Bà mẹ đưa hai tay ôm má con gái quay nghiêng ra phía ánh sáng chiếc cửa vách. Mi mắt Lựu chớp chớp, đầu phác một cử động như muốn cưỡng lại. Hoà đặt khẽ đầu ngón tay lên thái dương o, thử nhìn. Nhưng anh không thấy gì hết, làm sao anh còn nỡ nhìn, còn nỡ soi mói vào cái tàng tật của cô gái trẻ! Hai gốc lông mày o rung chuyển dữ dội, làn da dưới đó giật giật, như đỏ lên. Cả bà mẹ cũng vội buông tay, như thể bị cái hơi thở dồn của con gái phả lên da mình nóng bỏng. Nét mặt bà co rút, xúc động chẳng kém gì nét mặt người con gái. Hoà tự trách, sao tự dưng lại nẩy ý tò mò tai hại làm vậy.
- Cũng có thể... cũng có thể là... khoa học bây giờ chắc người ta chữa được - anh nói hấp tấp, tâm trí vẫn đang bị xoáy trong ý nghĩ: sỗ sàng, mình thật sỗ sàng quá thể! Không gì có thể biện minh được!
Luôn hai hôm sau, anh không sang nhà Lựu. Anh muốn để cho chuyện đó phai nhoà dần đi đã. Vả chăng anh cũng mắc bận thật sự: anh phải đi gặp một số phụ huynh học Sinh, nhân thể tìm một địa điểm dự bị cho nhà trường, vì cái chỗ vừa dọn đến xem ra cũng chưa ổn lắm. Chiều hôm ấy, anh về muộn. Trời đã tối hồi lâu, và trong lúc anh về gần đến nhà, một mảnh trăng chênh như chiếc miệng cười bỗng lấp ló sau rặng thông và bạch đàn phía đồi xa. Anh bước chậm lại một chút. Những lo nghĩ bận rộn, trong ánh trăng mờ ảo, tự dưng như mất đi rất nhiều cái sức trĩu nặng. Cảm thấy đầu ngực nhẹ nhõm, anh hít thở một hơi dài. Bấy giờ anh mới nhận ra, bao nhiêu hương vị ban đêm đã cùng dậy lên một lúc, như do cái ánh biếc ẩm ướt kia khơi động, mùi thơm hoa gì đang đậu quả hay chỉ là của những loài cây cỏ không tuổi không tên, anh cũng chẳng còn để ý phân biệt. Giữa lúc đó, anh thoáng thấy bóng Lựu đi về phía mình.
Làm sao từ xa anh đã tin chắc đó là Lựu? Người con gái đi đâu một mình giờ này trong ngõ vắng? Quả là Lựu, không sai, bóng trăng lọt qua kẽ lá đập loang lổ lên mặt và vai cô gái, nước da o vốn trắng lúc này càng trắng xanh lên kỳ lạ, y như màu men tượng sứ. Bước chân o vừa chập chững lần đường vừa có dáng vội vội. Hai bàn tay mở hờ, giơ giơ trước bụng dò tìm lối. Mình có nên lên tiếng không? - Hoà phân vân tự hỏi. O ta cần đi đâu, anh sẽ sẵn sàng đưa đi. Nhưng lại phải xem o có cần sự giúp đỡ của anh không đã chứ. Nhanh nhẩu quá, khéo lại gây cho o điều ngỡ ngàng bối rối... Bây giờ anh đã nghe được cả hơi thở dồn của Lựu, dấu hiệu cố gắng của bước đi dò dẫm. Gương mặt cô gái khẽ ngước, càng sáng bóng lên, vầng trán phẳng đượm một vẻ chú tâm kỳ lạ chưa bao giờ thấy, có chút gì như mê mải nữa, hai gò má trắng trẻo dường như cũng ửng chút màu hồng. Mặc dầu bước chân quờ quông, tất cả dáng người cô gái hướng thẳng về phía trước, tới một cái đích nào đó rất rõ ràng, một nơi hẹn định sẵn. Tốt hơn hết là cứ làm như không gặp... Hoà nhè nhẹ rảo bước, vượt ngang qua, lặng lẽ.
- Ai đó? Tiếng hỏi đột ngột của Lựu khiến anh bước chậm lại.
- Phải thầy Hoà đó không?
- Tôi đây - anh đáp, sau một chút ngập ngừng.
- Chao ôi, thầy Hoà! Trong tiếng kêu cô gái thoáng một chút mừng rỡ.
- O Lựu đi đâu khuya thế?
- Khuya chi! Trăng mới lên đó thôi! Tôi đi... tôi đi ra... Hoà nghe một tiếng cười nhỏ rích trong cổ họng.
- Thầy Hoà, thầy có bận chi không? Đưa tôi ra chỗ Dăm Phe một chút, được không thầy?
- Ra đâu?
- Dăm Phe, ngoài chỗ mương nước ấy mà.
- Ra để ăn bom à!
- Hoà kêu lên.
- Tàu bay hắn về ngủ cả rồi.
- Nhưng o ra ngoài ấy làm gì mới được chứ. Cụ mẹ mà biết thì...
- Cha đang đi họp. Tôi trốn mẹ tôi đi đây. - Tiếng Lựu cười rúc rích, có một vẻ thích thú trẻ con. - Thầy về đừng mách mẹ, nghe! Thôi để tôi đi một chắc.
- Được, nhưng lỡ có chuyện chi thì nhớ báo gấp để tôi còn ra cáng về!
- Không lo, thiếu chi chị em ngoài ấy. Thầy không nghe thấy à?
- Nghe thấy gì? Cô gái lặng im, như để anh tự nghe ngóng lấy. Đêm lặng vắng hoàn toàn, ánh trăng ngưng đọng giữa lưng chừng trời, im phắc. Bỗng Hoà sực nhớ, hồi trưa có tiếng một tốp thanh niên họp chớp nhoáng với nhau chỗ nhà trẻ, bàn kế hoạch tối đi tát nước, ừ đúng rồi, ngoài cánh đồng Dăm Phe, chỗ này vừa qua địch đánh nhiều trận, mương nông giang bị đứt. Lắng tai, quả có những âm thanh vẳng từ rất xa, từng mẩu, từng mẩu vụn, chẳng biết có thật thế không, hay chỉ do tưởng tượng cố tạo ra.
- O Lựu cũng định ra chống hạn đấy à?
- Tôi ra chơi coi thử... Họ có cho tát thì tôi tát, tôi cũng tát nước được, không thì tôi guồng. Lỡ máy bay đến thì sao, anh em sẽ thêm bận bịu vì Lựu. Nhưng Hoà không nỡ nói ý nghĩ ấy ra. Anh lặng ngắm gương mặt náo nức của cô gái, làn môi hé với nụ cười phảng phất. Lẽ nào lại can ngăn, khuyên o nên trở lại! Trong một thoáng anh nẩy ý muốn tự mình dẫn cô gái đi, nếu cần thì bảo vệ cho o. Nhưng như thế có điều không tiện.
- O Lựu chờ đây tí nhá, tôi ra ngay. Anh bước nhanh, rẽ vào nhà một em học Sinh ở gần đó, gọi em ra sân, bảo:
- Thầy nhờ em một việc. Cô Mai có hứa cho thầy mượn cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du, em ra lấy hộ cho thầy. Nhân tiện o Lựu có việc ra Dăm Phe, em đưa o đi một chút, o đang đứng chỗ cây mưng nhà bà Tấn ấy. Lấy được sách em đưa về ngay cho thầy nhá. Chú bé gật đầu, phóng ra cổng trên đôi cẳng gà choai, có vẻ vui thích nữa vì được thầy chọn giao nhiệm vụ. Anh về nhà được một lát, vừa ăn xong bữa cơm để phần thì thấy em học Sinh trở về, trao cho anh cuốn sách. Còn thở phập phà phập phồng - chắc chú chàng đã chạy hoặc bước rất nhanh - em kể:
- Ngoài Dăm Phe họ tát nước đông lắm thầy ạ. Họ đang đắp lại cả cái mương. Hoà không hỏi gì thêm, coi đó là một cách chú bé báo cáo đã đưa Lựu ra đến nơi đến chốn. Mệt, anh đi nghỉ sớm. Anh nằm quay đầu ra phía cửa sổ vách, ngắm nhìn ánh trăng suông dãi đầy vườn. Anh hình dung cảnh đồng đêm rộn rịp tấp nập, bóng người gánh đất chạy thoăn thoắt, ánh nước tuôn từ gầu tát lấp loá trăng, những mảnh trăng lấp loá một lúc nào đó mờ đi, ngưng đọng lại, kết thành một gương mặt bầu bầu, gương mặt của Lựu, trắng trẻo, hơi xanh bóng nữa tựa hồ như màu men tượng sứ, Lựu đang tỳ tay thong thả đạp guồng, ngước nhìn náo nức bằng một thứ thị giác bên trong, bằng tóc, bằng da, bằng cái hơi đêm thu mát toả ấp mơn man, bằng mọi âm thanh xôn xao, rầm rột. Điều kỳ lạ, máy bay địch đêm nay vắng hẳn. Lúc đầu hơi nơm nớp lo cho Lựu và đám thanh niên, về sau Hoà yên tâm hẳn, một thứ yên tâm không căn cứ, vì biết đâu trong phút chốc, cái thanh vắng xóm khuya lại chẳng bị những tiếng nổ bất thần xáo động lên tất cả. Nghe rõ cả tiếng quạt đập phành phạch, phía sân nhà Lựu. Chắc ông cụ đi họp về. Tiếng hai ông bà nói chuyện rì rầm, thỉnh thoảng ông cụ theo thói quen lại đập đập chiếc quạt to tướng do ông phiết lấy dày cộp vào cẳng chân xua muỗi. ông cụ nói một câu gì, chắc ông kể chuyện họp. Bà cụ đáp một câu ngắn.
Lặng đi một lát khá lâu, rồi ông cụ lại lên tiếng, hai ông bà già cứ thế lúc chuyện trò lúc ngồi ngẫm nghĩ một cách yên lành, bụng hẳn yên trí là cô con gái út đã ngủ say trong buồng từ lâu. Khuya lắm, bóng cây cam đã thu tròn một vành quanh gốc, Hoà mới nghe có tiếng chân bước xào xạc phía bên chái nhà. Qua song cửa, anh thấy thoáng bóng Lựu đi vào cổng, có hai cô bạn ôm lưng khoác tay dìu hai bên. Cả ba đứng dừng lại một chút. Qua những cử động của đầu và vai nghiêng nghé, anh đoán các cô đang trò chuyện thì thào, kiểu như đang bàn tính một âm mưu gì thú vị. Lúc này ông cụ bà cụ đã đi nằm, nhưng không biết đã ngủ chưa. Lựu còn phải rất chú ý khẽ khàng, nếu không sẽ lộ chuyện mất. Hoà mỉm cười một mình, thoáng chút thích thú là mình cũng có dự phần ít nhiều vào cái âm mưu thầm vụng ấy. Rồi anh ngủ thiếp đi. Trưa hôm sau, nhận thấy bà mẹ sang xin lửa thổi cơm anh báo tin:
- Có lẽ chủ nhật này cháu về nhà một tí. Còn như bận thì chủ nhật sau thế nào cháu cũng về. Cầm nùn rơm bốc khói trong tay, bà mẹ đứng dừng nhìn anh với cái vẻ nhìn cầu mong lặng lẽ mà anh đã quen thấy.
- Để cháu sẽ ghé chỗ huyện hỏi qua ý kiến ông bác sĩ xem thế nào. Chợt nẩy thêm một ý, anh tiếp luôn:
- Hay thế này. Tiện có xe đạp, cháu cho o Lựu lên cho ông ta trực tiếp khám, thế mà lại hơn. Được không mẹ? Bà mẹ cúi cúi mặt, ốp lại cái nùn rơm, đáp chậm rãi:
- Được như rứa thì... Giọng bà tan lịm trong nỗi mừng tủi.
***
Bà cụ lo lắng chuẩn bị cho Lựu đi bệnh viện huyện như cho một chuyến đi xa. Cũng phải thôi, lần đầu tiên cô gái ra quá cổng làng! Hoà lại cũng đã thoả thuận với gia đình là nếu ý kiến bác sĩ bảo chữa được thì sẽ để Lựu ở lại luôn trên đó, bà cụ sẽ lên chăm sóc sau. Lúc cô gái sắp sửa ngồi lên xe đạp, Hoà ngạc nhiên thấy o ôm gọn trong tay một cái bọc vải nhựa cỡ chỉ bằng chiếc chăn chiên gập lại. Tất cả hành lý của o chỉ có thế thôi ư. Luôn mấy ngày thấy bà mẹ đi ra đi vào xếp xếp, gói gói, vẻ băn khoăn bận rộn, anh cứ tưởng chừng sẽ phải đa mang thêm cho Lựu một bọc đồ to nặng cồng kềnh lắm. Đường lên huyện dài hai mươi lăm cây số, anh phải đạp gần gấp rưỡi: có Lựu, anh cố tránh đường cái lớn, rẽ vòng chữ chi qua các xóm cho an toàn hơn. Tuy nhiên cũng bị một đận máy bay xẹt sát sạt đỉnh đầu. Anh chỉ kịp vứt xe, ẩy Lựu xuống một chiếc hầm tròn, anh cũng nhảy xuống chiếc hầm ngay cạnh. Để cô gái an tâm, chốc chốc anh lên tiếng, bảo ngồi yên, chắc là nó tìm đánh cầu, chiếc cầu này cách đến gần hai cây số. Đột nhiên có cái gì thúc mạnh vào một bên vai anh. Tưởng mình bị thương, anh đưa tay lên sờ, liền nắm phải một bàn tay run lẩy bẩy, lạnh buốt, bàn tay của Lựu! Người con gái đáng thương vừa bíu chặt lấy tay anh vừa giữ ý né mình về vách hầm phía sau. Hai đầu gối của Lựu tì ấn vào hông anh. Anh nghe một hơi thở dồn nóng như luồng lửa phả lên cổ, phía sau gáy. Vừa cố thu mình thêm một chút nhường chỗ, anh gắng tìm một vài câu pha trò, châm biếm cái nhâng nháo vô tích sự của thằng Mỹ, để cho Lựu đỡ sợ. Lúc anh dìu Lựu lên khỏi hầm, hai tay người con gái vẫn chưa hết run, cặp môi mấp máy, hai gò má tái nhợt.
Suốt từ đó cho tới lúc đến bệnh viện, Lựu không nói một câu nào. Anh bác sĩ bà con của Hoà vừa mổ xong một ca thủng ruột vì bom bi. Còn thấy vẻ mệt nhọc của anh trên quầng mắt thâm và cặp môi luôn mím chặt, đến nỗi hai đường nhăn như hai vòng ngoặc ở quanh mép hằn sâu xuống như đã thành nếp. Tuy nhiên anh sẵn sàng khám ngay cho Lựu. Hoà lấy cớ đi xin tí thuốc đỏ để lánh đi: anh không muốn cô gái có cảm giác anh cũng đang nhìn vào mặt mình trong lúc bác sĩ đang làm việc. Một lát sau, anh bác sĩ xuống phòng dược tìm Hoà. Trông cặp môi vẫn mim mím của anh, Hoà đoán anh không có điều gì vui vẻ lắm để báo cho Hoà biết.
- Mắt o bị hỏng từ lâu, màng đã thành sẹo rồi chú ạ.
- Anh bác sĩ nói nhanh và khẽ chỉ vừa đủ nghe, theo một thói quen có lẽ đã nhiễm trong phòng mổ.
- Có làm phẫu thuật cũng không há vọng có kết quả.
- Không có tí há vọng nào nữa à anh?
- Bất giác Hoà cũng khẽ giọng, như sợ Lựu nghe thấy.
- Nếu cần thì...
- Sao? Anh bảo sao? Giọng Hoà bỗng hồi hộp lên. Mắt anh lúc bấy giờ chắc có gì khác lạ lắm, khiến người bác sĩ chăm chắm nhìn anh với cái vành thâm quanh mắt và đường môi mim mím. Không hề chớp mắt, Hoà cũng nhìn thẳng lại bác sĩ, đương đầu với cái luồng mắt thăm dò của anh ta.
- Tôi coi o ấy như em gái.
- Hoà nói rành rọt, tuy vẫn khẽ giọng.
- Anh giúp được gì cho o ấy, cũng như giúp cho chính tôi. Tôi biết lúc này các anh đang bận lắm...
- Không phải bọn tôi muốn tránh bớt việc đâu! Lúc cần chúng tôi vẫn có thể làm liên tục mười mấy tiếng đồng hồ. Bàn với chú thế này: cứ để o ấy ở lại đây ít hôm, tôi theo dõi thêm đã nhá. Nhân tiện tôi cho người đi mượn thêm vài cái dụng cụ, tháng trước ở chỗ địa điểm cũ, nó bỏ bom, hỏng mất một số. Mới lại
- người bác sĩ nói thêm, với một nụ cười buồn buồn.
- tôi cũng phải luyện tay chút đã, lâu nay toàn làm cái chuyện “đao to búa lớn”, khéo tôi quên mất cái chuyên môn cũ rồi. Hoà ở lại suốt buổi trưa hôm ấy, thu xếp chỗ nghỉ cho Lựu, như một người anh thật sự. Anh dặn dò Lựu từng việc tỉ mỉ, lại lấy cớ giới thiệu Lựu với mấy chị y tá trong phòng để nấn ná thêm một chút. Cô gái mấy lần giục anh về.
- Thầy cứ về đi, đường còn xa. Đừng lo chi cho tôi cả. ổn rồi đó. Có máy bay tôi cũng tự xuống hầm được, tôi thuộc lối rồi cũng không phải phiền đến các chị bệnh viện đâu.
- Có thật không?
- Tôi tập xuống thử rồi mà!
- Lựu kêu lên bằng một giọng trẻ con, như sợ anh không tin mình.
- Bệnh viện lúc ni bao nhiêu việc, lại còn phải gánh thêm tôi...
- Không phải thế! Từ rày trở đi o Lựu không được nói thế nữa. Mi mắt cô gái chớp chớp. Gò má đỏ ửng lên, Lựu cúi mặt như người có lỗi. Hoà nhìn Lựu, lặng lẽ, anh vẫn chưa nỡ rời xa cô gái. Cán bộ nhân viên ở đây rất tận tuỵ, vừa đặt chân vào bệnh viện anh đã nhận thấy ngay điều ấy, Lựu chắc sẽ được săn sóc chu đáo như những bệnh nhân khác. Nhưng giờ đây anh trở thành người thân thích duy nhất của Lựu. Anh biết Lựu cố gắng làm ra dũng cảm để anh đỡ vương vấn băn khoăn, cũng có lẽ để chuộc lỗi nữa, lúc đi đường, sau trận máy bay xẹt qua, rõ ràng Lựu có vẻ hối và tự trách mình quá hốt hoảng. Nhưng anh rất hiểu cô gái. Bị rứt khỏi môi trường quen thuộc, kể ra Lựu cũng khó giữ được tự chủ,
- Ở nhà, máy bay sạt trên đầu, Lựu cũng cứ thản nhiên như không, thong thả lần ra hầm của mình. Hơn nữa, Lựu đang giữa lúc há vọng, Lựu sợ cho cái há vọng ấy bỗng dưng bị cắt đứt tàn nhẫn, lúc này Lựu càng thiết tha với sự sống bao nhiêu!
- Thầy đi qua chỗ huyện cũ, nhờ thầy tạt vô nhà bà mự mẹ tôi nhắn cho một tiếng, để bà biết tin. Hoà hiểu ý cô gái một lần nữa muốn giục anh về.
- Tôi sẽ ghé ngay bây giờ. Ý nghĩ Lựu có người bà con ở quanh đây khiến Hoà an tâm hơn. Lúc anh dắt xe ra, Lựu đòi đưa tiễn anh một đoạn. Quá cổng một chút, Hoà dừng lại, đến lượt anh bảo Lựu quay về. Cô gái đứng yên lặng giây lát, hơi nghiêng đầu vẻ như nghe ngóng xem có ai theo dõi mình không, rồi cất tiếng thì thầm với một vẻ bí mật dường như cố ý:
- Thầy Hoà, thầy về được có hai ngày thôi à. Cô ở nhà sắp nằm nơi, phải không?
- Sao o Lựu biết?
- Tôi biết! Thầy cho tôi gửi lời thăm cô. Chúc cô đẻ đứa con gái.
- Sao lại con gái?
- Thầy thích con trai à?
- Tôi thì...
- Tôi lại thích con gái! - Lựu rúc rích cười trong cổ họng.
- Thầy cho tôi gửi cái này về cho cô. Lựu rút trong túi ra một cái gói dẹt, bọc trong giấy báo, bằng cỡ chiếc khăn mùi-soa gập lại, trao cho Hoà, cũng hai tay nâng như khi o bưng cho Hoà bát nước.
- Tôi xem được chứ? Lựu “dạ” một tiếng nhỏ, ngoảy cái đầu, như xấu hổ. Lúc đầu Hoà chưa nhận được ra ngay vật gì gói trong giấy: một mẩu vải xanh da trời, lại có đính đường diềm phơn phớt hồng. Anh mở phanh nó ra, đó là một chiếc mũ trẻ con bé xíu.
- Tự o khâu đấy à?
- Tôi khâu sao được! Xấu lắm à thầy! Tôi nhờ con bạn bên nhà trẻ nó làm cho đấy. Khi nào khỏi mắt, tôi sẽ học may, tôi may mũ, may áo cho con nít trong xóm, mấy thước vải Bác Hồ cho tôi cũng mang theo đây thầy ạ, may cho con nít mặc, mình được ngắm nó, vui hơn là mình mặc, phải không thầy? Hoà thấy nghẹn ắng trong cổ họng. Anh cầm lấy một bàn tay Lựu ấp tay kia của mình lên, ghé hôn nhẹ lên vầng trán phẳng và trắng trẻo của cô gái, rồi không nói không rằng, nhảy lên xe phóng vội.
***
Một tuần sau, Hoà nhận được thư của người anh họ báo tin sắp sửa mổ mắt cho Lựu. Bà mẹ vội vàng đeo khăn gói lên bệnh viện để chăm sóc con gái. Lần này đến lượt ông cụ xa xẩn vào ra, quấn quýt, bận rộn, chuẩn bị cho bà cụ lên đường. Bà lên chỉ vừa kịp chôn cất cho con gái. Mấy thước vải Lựu mang theo, định may áo may mũ cho trẻ con hàng xóm, bà mẹ đem dùng để khâm liệm đứa con xấu số. Cái bọc đồ của Lựu vẫn còn nguyên vẹn cả. Lúc máy bay ập đến bắn phá, nhân viên bệnh viện trước tiên lo cứu chạy cho bệnh nhân nặng, Lựu và một cô gái khác đang bó bột cánh tay dìu nhau chạy, vừa đến cửa hầm thì bị một quả rốc-két nổ trúng, chết ngay. Về nhà kể lại, bà mẹ ngờ ngạc cả người, có lúc dường như bà không tin cái chuyện bà đang kể là chuyện đã xảy ra thật. Hoà không tìm lời an ủi bà, cũng như trước đây anh không muốn tìm lời an ủi Lựu mỗi khi cô gái chợt buồn phiền. Đêm anh nằm lặng, trân trân, óc hầu như không suy nghĩ. Một lúc nào đó tưởng chừng anh ngủ thiếp được một chút, không phải, nỗi đau xót đã khiến anh lịm đi đó thôi. Đột nhiên anh giật mình thức giấc, trống ngực đánh thình thình. Phía vườn sau trăng khuya dãi vằng vặc, sáng lạnh. Anh nhớ tới cái đêm nào, nằm bên cửa sổ vách này, nghiêng tai lắng nghe bằng tưởng tượng tiếng guồng nước của cô gái mù. Tim anh nhói lên. Một nỗi căm phẫn, không phải cháy hực, mà rất sâu, rất thấm thía, quặn trong anh. “Em như chiếc lá, lá đã lìa cành, rụng xuống mất rồi - anh thầm thì với Lựu - Chiếc lá ấy chưa bao giờ chịu đành phận làm một chiếc lá thui chột hoặc tàn úa, dính lỏng lẻo trên cành. Em muốn góp phần chuyển chút nhựa làm nên hoa trái của cuộc đời. Đối với tôi, em mãi mãi là chiếc lá xanh non căng nhựa, một há vọng hoa thơm và quả ngọt, một khát vọng đẹp tươi không bao giờ tắt, không gì có thể phai mờ”.
1969
______________________
Chiếc Lá Chiếc Lá - Bùi Hiển