Books - the best antidote against the marsh-gas of boredom and vacuity.

George Steiner

 
 
 
 
 
Tác giả: Lưu Trọng Lư
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1460 / 15
Cập nhật: 2016-03-10 08:45:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ãy núi Giăng Màn chạy sát suối bể Trung Quốc. Cái giống người xen lẫn với nhau trên ít đất ruộng, phải dồn ép một bên bởi những núi đồi và một bên bởi những đụn cát. Những đụn cát xua đuổi bởi những cơn sóng bể và những cơn gió mùa, mỗi ngày lẩn vào đất một tí, và như xô đùn bởi một sức mạnh vô hồi của cát sóng. Những cây phi lao không ngăn cản nổi những trận "gió cát"... Những cây ấy đẹp quá để mà hữu ích về một "tích sự" gì: quanh năm, chúng reo hát bài ca nỉ non hay thánh thót...
Trước sự tấn công mãnh liệt của gió cát, họ phải lùi, và vừa lùi vừa kiếm một đường thoát, một đường thoát vĩnh viễn. Họ đã phải rời khỏi những hạ bản và đến chỗ cao nguyên... Họ đã chiến thắng những quả núi hoang... Những cái "rẫy" mới vỡ đất còn đỏ ối... Cái màu đỏ "chất phác" và mới mẻ ấy như muốn kiêu hãnh lại với cái màu trắng của đụn cát, cái màu trắng nõn nường và thuần nhã...
Giữa cái "khoảng sống còn" một ngày thu bớt đi bởi sự xâm lấn của những đụn cát, và một ngày một mở rộng ra bởi sự bành trướng bằng những "rẫy" mới: nhưng sự bành trướng không bù nổi sự xâm lấn: cho nên một cảnh tượng nghèo nàn, khốn khổ đã bày ra trên cái đám người chen chúc trên một ít bình địa eo hẹp ấy... Người dân ở đấy, quanh năm ít khi có đủ gạo bắp mà ăn ngày hai bữa... Một phần lớn, người dân phải ăn sắn mới trừ cơm, cái thứ sắn mà người ta trồng ở những rẫy mới vỡ... Sự khốn khổ không phải chỉ có thế! Những đụn cát mênh mông, lại những dải núi cộc cằn, và cái sự sống về sự vật chất của người dân đã gấy nên một cuộc đời tinh thần rất nghèo nàn... Đi hàng chục cây số, hàng trăm cây số, không tìm được một ngôi chùa. Thảng hoặc chỉ gặp được một cái thành cổ, gạch đã vụn nát, đất đã lún, cái thành của vua lỗi hay vua lồi: dấu tích của một ông vua Hời ngày xưa. Người sống quanh năm không được một tiếng chuông chùa... Người chết, lúc buông tay, không nghe được một bài kinh cuối để tiễn đưa vong linh về nơi Tây phương Cực lạc.
Những đêm dài ghê sợ chỉ nghe có tiếng hò hét của những ông thầy phù thủy, đuổi xua những con ma hời nhất định quanh quẩn ở đất nước này để cướp xin những "lá đa hớp cháo"!
Thảng hoặc những năm "hung độc", có sự dịch biến về thời tiết: nếu là mặt trời ăn mặt trăng thì họ reo mừng vui sướng, nhưng nếu là trăng ăn mặt trời, thì họ coi như có sự khốn nguy: từ người này gọi người khác, từ thôn này gọi thôn khác, từ làng này gọi làng kia: họ gọi dậy để cứu chữa mặt trời bằng không thì năm ấy mùa màng sẽ mất hết... Họ lấy dùi gõ vào nia, gõ vào sàng, gõ vào mẹt. Họ gõ vào mâm, họ gõ vào nồi, họ gõ vào thau... Họ gõ bất kỳ vào một cái gì... Lại tiếng trống ở đình. Tiếng mõ ở điếm. Tiếng thanh la ở giáp đông và giáp đoài. Người ta tưởng như giặc cướp đã đến ở đầu làng, ở trước xóm và ngoài ngõ...
Những người sinh vào ngày giờ như thế, có một tâm hồn "bất định" và luôn luôn sợ hãi. Nhưng họ không tin ở trời, phật. Họ chỉ tin ở những yêu tinh, quỷ quái, những con ma bờ và ma xó... Nhà thờ của họ: một gốc đa, một bờ giếng. Vị giáo chủ của họ những ông thầy phù thủy chuyên làm sai lạc Đạo đức kinh. Tôn giáo của họ: những tà đạo có thể có, và có thể tưởng tưởng được!
Trong lúc ấy, một vài trường học mọc lẻ tẻ đó đấy! Cái ánh sáng từ những ngôi sao hiếm hoi ấy phát ra, còn yếu ớt quá, còn rụt rè quá không đủ để đuổi xua cái màn đen tối nặng nề bao phủ các thôn xóm. Vả thực ra, người dân thuở bấy giờ cũng không mong đợi, cũng không cầu xin một thứ ánh sáng nào hết. Họ chỉ ước nguyện sao cho những trường học ấy đưa lại cho họ những vị tân khoa, để họ được cái vinh dự đưa hèo, hoa, võng, lọng ra mà đón rước. Vì thế, ở nhiều làng, những ông nghè tân khoa chỉ là những cậu bé vừa giật được bằng tuyển sinh (cũng tương tự như cái bằng Yếu lược bấy giờ) một cảnh tượng khốn đốn và buồn cười vô cùng. Mà khốn đốn là chỉ tại lúc bấy giờ nền học nho đã vội vàng xách nón ra đi, mà cái nền học tây chưa kịp đến. Tôi còn nhớ những câu hỏi ngớ ngẩn của người nhà quê lúc bấy giờ, những ông già đã có cái sự từng trải của cả một đời người, nay cũng tự nhiên trở nên bé nhỏ, khờ dại, ngớ ngẩn trước những cậu bé vừa ở những trường Tổng hay trường Huyện về, những cậu bé vừa hôm qua dạy còn gào thét như những con vẹt, "Voici le tableau noir" "Đây là tấm bảng đen" hay là cao hơn thế.
Một ông già, một hôm hỏi tôi:
- Thế thì cái bằng Ri-me (primer) cũng như ngày xưa cái bằng Tú tài cậu hỉ?
Tôi không hiểu gì cũng đáp:
- Kể thì cũng rưa rứa, nhưng về sự học, có phần hay ho hơn.
- Thế còn bằng Côlêle?( collège) Cũng như xưa kia, bằng Cử nhân chứ gì!
- Ấy cũng thế cả.
Thực ra, cả tôi, cả ông cụ nhà quê ấy, cả bao nhiêu người nữa lúc bấy giờ không thể hiểu được cái bằng Ri-me hay là cái bằng Côlêle có giá trị đến bực nào. Nhưng là chắc có giá trị lắm! Vì xưa kia chỉ ở một làng tôi, ở một nhà tôi, mỗi khoa đã có bao nhiêu ông cử ông tú, mà nay từ khi học tấy, thật trong làng tôi, cả tổng tôi, cả huyện tôi cũng chưa ai đỗ được cái bằng Côlêle (Complémentaire) bao giờ cả. Làng tôi xưa nay có tiếng là làng văn vật, không hiểu sao cũng đâm ra "đốn" thế. Riêng tôi, tôi nghiệm thấy như thế này: hễ làng nào có tiếng là văn vật thì làng ấy lại chậm tiến trên con đường Tây học.Vì lẽ rằng những nhà khoa giáo cũ, những ông đồ nho hay chữ, họ vẫn còn tin ở sự cao quý của chữ nho, cho nên họ không muốn gửi con cháu họ tới ngay những trường Tây học. Nhưng người làng tôi thì họ không tin như thế.
Trong làng tôi, có một ông đồ nho hay chữ đã từng đỗ cử nhân và ra làm quan. Nhưng việc đời rắc rối lôi thôi. "Quan lớn Lê" - người làng tôi vẫn gọi một cách cung kính như thế - phải treo ấn từ quan về làng dạy học. Học trò của ngài, phần nhiều là những người đỗ đạt lớn sau này ở trong vùng tôi, "ngài" là một nhà nho chính tông, tính tình rất nghiêm khắc. Cái nghĩa khí của ngài hàng huyện đều biết và sợ. Người ta còn truyền tụng nhiều chuyện rất lạ về cái tính nghiêm khắc của ngài. Lúc bình thường, ngài ngồi một mình bao giờ cũng quay mặt về phía trong. Cái khăn đội trên đầu ngài, nếu một khi vô ý rơi xuống đất thì ngài sẽ vất đi mà không dùng nữa. Ngài thường cắt nghĩa cái cử chỉ của mình:
- Cái khăn này là để thờ trời, thờ vua, thờ ông bà tổ tiên. Một khi nó đã rơi lấm mà còn đội lên nữa, chả hóa ra mang tội bất kính với các đấng trên đầu trên cổ.
o O o
Tôi đã nói: cái văn bằng "Tiểu học" mà người dân quê vẫn gọi một cách buồn cười là bằng "Ri-me", đối với làng tôi là một làng "văn vật" thì thật chẳng có nghĩa lý gì, nhưng đốì với những người làng khác, thì cái bằng ấy quả có một giá trị to tát. Chẳng hạn như ở làng Khương Hà là làng của Mượn, người ta xôn xao và rộn rịp về cái tin Mượn đỗ bằng "Ri-me" như là một vinh dự xưa nay chưa từng có: thần làng đã bắt đầu "linh ứng", và đất làng đã sắp phát... Người ta đã tổ chức một cuộc đón rước hết sức linh đình đốì với vị tân khoa. Những người dân "kèo hoa võng lọng" không phải chỉ chực đón ở địa đầu làng như ngày xưa đón rước trọng thể hơn nữa, họ phải mang cơm nắm đi đón chực vị tân khoa ở địa tổng mình... Vì thế, cái cuộc đón rước ấy, phải đi qua những mấy làng...
Ấy cũng là một cách cho làng trên xã dưới đừng cho có ai chê miệt làng ta làng "mít nài, dây sắn" (1) hoang, "mítnài dây có nghĩa là dốt nát vô học) nữa. Từ ông Phó, cụ Trùm, xuống đến cậu Xeo, anh Mõ của làng Khương Hà đều trầm trồ với nhau như thế. Mà ai cũng có quyền hỉ hả về cái đỗ đạt của Mượn... Khắp hàng Tổng, người ta đều nói đến... Những ông bá, ông điển, có con gái "trộng" đã nhờ mối mai tin đi tin về với nhà nhà dượng tôi là ông đề Viễn.... Cái mũi của dượng tôi "hỉnh" lên gần bằng cái mũi sư tử. Còn dì tôi được thể, lại kén già....
- Cô này thì phải cái dáng đi vất vả... Còn cô kia được cái miệng rộng, nhưng phải cái lỗ mũi trống. Của vào lỗ hà, ra lỗ hổng cả... Trong lúc ấy thì Mượn vẫn hiền lành, nhún nhường, vô tội... Nghe thầy mẹ nói thế nào, Mượn cũng chỉ biết "dạ". Đến nỗi, đã làm cho một "mụ mối" phải kêu lên: "cậu cả lành như một cục đất". Thật ra, cục đất còn có chỗ kiêu hãnh hơn.
Mượn vẫn biên thư cho tôi luôn, giọng thư vẫn một vẻ bình tĩnh không thay đổi: không vui mà cũng không buồn. Mượn tường thuật lại cho tôi, như những bài luận trường, về những việc xảy đến: này cuộc đón rước, này sự thăm hỏi của bà con, này việc "khao" hàng xã, này việc mối mai... Trong bức thư cuối cùng, Mượn cho tôi hay rằng: dì dượng tôi đã nhất định hỏi con gái ông điển Tiệp ở làng Thanh Lăng, và ngày cưới đã định là 20 tháng một...
Chú thích:
(1) Mít nài là một thứ mít hoang, "mít nài dấy sắn" có nghĩa là dốt nát vô học.
Chiếc Cáng Xanh Chiếc Cáng Xanh - Lưu Trọng Lư Chiếc Cáng Xanh