We have to continue to learn. We have to be open. And we have to be ready to release our knowledge in order to come to a higher understanding of reality.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhất Linh
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1366 / 20
Cập nhật: 2015-07-08 07:59:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
hương chống hai tay xuống chiếu, lê dần người ra một góc giường, rồi giơ tay mở ngăn kéo bàn. Chàng cúi mặt nhìn vào trong ngăn kéo, nhưng vì buồng tối, không nom rõ, nên chàng cho tay vào lục lọi, năm ngón tay xòe ra quờ quạng bốn góc. Tìm một lúc lâu, chàng đậy ngăn kéo lại, có vẻ thất vọng. Khương nhớ rõ một hôm có vứt vào ngăn kéo một điếu thuốc lá hút dở, thế mà nay biến đâu mất. Chàng cau mày lẩm bẩm:
- Chắc lại thằng nhỏ khốn nạn ấy nó xoáy của mình rồi.
Bỗng Khương chợt thấy một mẩu thuốc lá nằm gọn ở chân cái mễ. Chàng cầm lên, thổi mạnh cho hết bụi, để vào mũi ngửi.
- Thuốc lá Ăng-lê. Chắc là của thằng cha Hạp lại thăm mình hôm nọ.
Khương nhỏm dậy và lấy ngón tay cời thuốc cho tơi. Chàng nhìn dúm thuốc trong lòng bàn tay, vui mừng nói:
- Cũng được một điếu nhỏ.
Móc túi một lúc lâu, Khương lấy ra một tập giấy thuốc lá, ngồi loay hoay quấn. Chàng làm công việc ấy rất thong thả như có ý kéo dài cái thời kỳ chờ đợi được hút một điếu là rất ngon.
Từ ngày bị liệt hai chân - đến nay đã gần bảy năm - Khương lúc nào cũng quanh quẩn bên giường.
Không làm việc gì cả, nên chàng lấy cái nghiện thuốc lá làm một cái thú độc nhất để khuây khỏa nỗi buồn. Nhà chàng nghèo dần; chàng còn sống được đến bây giờ là nhờ ở người vợ có ít lưng vốn mở một cửa hàng bán gạo tẻ.
Khương đánh diêm châm điếu thuốc lá, nhưng vì thuốc ẩm, hút mỏi mồm cũng không được tí khói nào. Giấy ướt nước bọt, rách tung; Khương nhổ mạnh cho những sợi thuốc khỏi bám lấy môi rồi tức mình quẳng điếu thuốc đi.
Khương nằm im một lúc, toan gọi thằng nhỏ, thì có tiếng vợ chàng thét ở ngoài nhà. Chàng định bảo thằng nhỏ xin tiền mua thuốc lá, nhưng thấy vậy, chàng đành nhịn thêm đợi lúc khác. Nửa giờ sau, nghe ngóng biết là ở ngoài cửa hàng không có khách nào, Khương khẽ gọi:
- Nhỏ ơi!
Không thấy thằng nhỏ vào, và biết là nó bận luôn tay, nên Khương cứ thỉnh thoảng lại gọi khẽ một tiếng, may ra lọt vào tai nó chăng. Sau cùng, thấy thằng nhỏ vào, chàng ngập ngừng dặn:
- Em ra xin mợ tiền mua cho cậu bao thuốc lá.
Lúc thằng nhỏ ra ngoài nàng cất tiếng hỏi, chàng đã đoán trước được những lời của vợ chàng:
- Cậu mày hút gì mà hút lắm thế. Cậu mày hút nửa, thì mày cũng hút vào đấy một nửa. Đánh mãi cũng không chừa được thói ăn cắp của chủ.
Theo sau lời nói, một tiếng cốp mạnh lên đầu thằng nhỏ, nhưng Khương chỉ để ý đến tiếng mở tráp và tiếng xu, hào chạm nhau. Đưa tiền rồi, vợ chàng còn lẩm bẩm nói một mình:
- Hút vào chỉ tổ ho, chứ có được tích sự gì đâu.
Thằng nhỏ vào buồng, nửa như đặt, nửa như vứt bao thuốc lá trên nắp cái ấm giỏ, rồi bước vội ra ngay. Khương không nhận thấy cử chỉ khinh thị ấy của đầy tớ, chàng chỉ khó chịu về nỗi phải lê mãi mới tới cái giỏ để lấy bao thuốc. Chàng trân trọng mở bao ra, quấn một điếu thật to, rồi nằm ngửa hút luôn mấy hơi dài.
Khói thuốc khi bay ngang qua những tia nắng xiên chếch từ khe cửa sổ xuống đất hiện rõ ra những đám mây, rồi một lúc sau lại biến mất vào trong bóng tối gian phòng. Khương đau đớn nghĩ đến cái thời kỳ cường tráng từ năm hai mươi nhăm đến năm ba mươi tuổi, cái thời kỳ còn chứa chan hy vọng về cuộc đời, lúc nào cũng hoài bão những công cuộc to lớn, bồng bột chí khí hùng dũng. Học trường Luật được hai năm, Khương bị đuổi, rồi từ đấy, chàng bắt đầu hành động. Vợ chàng, người đàn bà cằn cỗi, chua ngoa, ngồi bán gạo ở cửa hàng hồi đó, còn là cô Liên, một thiếu nữ mảnh dẻ dịu dàng, hai con mắt đẹp lúc nào cũng như đương mơ một giấc mơ xuân. Liên lấy chàng chỉ vì phục chàng là người có chí rộng. Nhưng nay cái chí khí của chàng, cũng như cái sắc đẹp của Liên không khác gì làn khói thuốc lá đã bay qua tia nắng biến vào bóng tối đen.
Từ khi bị chân tê liệt, tuy vẫn nghĩ đến những việc hoài bão cũ nhưng Khương dần dần thấy không tha thiết nữa, cho những việc ấy là không cần. Chàng thờ ơ với mọi việc, thờ ơ với cả vợ chàng là người chàng tưởng yêu đến khi nhắm mắt. Vợ chàng cũng không yêu chàng nữa, và sau bảy năm vất vả, khổ sở, nàng chỉ coi chồng như một cái bao nặng trên vai, muốn vứt đi nhưng không nỡ.
Khương chỉ mong vợ bỏ hẳn mình, vì có thế, chàng mới có can đảm định liệu lại đời chàng. Còn có người nuôi cơm ăn, thì chàng còn như thế này mãi, vì chàng đã hết cả nghị lực, không thể tự mình vùng dậy được.
Khương quấn luôn điếu thuốc lá thứ hai hút tiếp; trong phòng khói um như có sương mờ. Chàng thấy rức đầu và rạo rực trong người. Tiếng vợ chàng the thé mắng đầy tớ ở ngoài nhà khiến chàng bịt tai lại. Tuy vậy, chàng cũng vẫn nghe rõ và lần này khác hẳn mọi lần, chàng lại để ý nghe.
- Vừa mới thấy bóng ở đây đã chạy rúc vào buồng ngủ. Ngủ gì mà ngủ lắm thế. Tao nuôi mày để mày ườn thây ra ngủ và ăn hại tao à?
Vợ chàng hứ lên một tiếng dài rồi tiếp theo:
- Sao mà cái số tôi số khổ sở thế này. Những tội, những nợ nặng chình chịch cả người.
Khương xoay mình úp tai xuống gối nằm yên như người không muốn nghĩ ngợi gì cả. Nhưng trí chàng vẫn cứ quanh quẩn nghĩ về mấy tiếng mắng:
- Mình bịt tai thì mình chỉ không nghe thấy. Nhưng những tiếng ấy vẫn có.
Chàng vùng ngồi dậy, máu rực lên làm chàng nóng bừng mặt.
Chàng cất tiếng gọi:
- Nhỏ!
Liên chạy ngay vào, vì thấy tiếng chồng gọi to khác thường, đoán là có việc gì nguy kịch:
- Gì thế, cậu?
- Mợ ngồi xuống đây, tôi nói câu chuyện.
Liên nhìn quanh quẩn biết là không xẩy ra việc gì, liền gắt:
- Cậu làm gì mà rối lên thế?
- Mợ ngồi xuống đây đã nào?
- Cậu muốn nói gì thì cứ nói ngay đi. Tôi đương giở bận...
Khương nói như quát:
- Thì tôi bảo mợ ngồi xuống!
Liên cũng quát lại:
- Cậu muốn mắng tôi đấy, có phải không? Ồ lạ chưa?
Khương hạ giọng xuống:
- Tôi tưởng khi mợ mắng đầy tớ, thì mợ cũng nên nghĩ đến tôi mà liệu giữ gìn lời nói. Mợ cũng phải có ý tứ một chút chứ?
- Bây giờ cậu lại cấm đoán không cho tôi mắng đầy tớ nữa sao. Tôi giận thì tôi nói cho sướng mồm, tôi không rỗi hơi đâu mà nghĩ đến ai cả... Khổ tôi chưa, muốn yên thân mà người ta không cho tôi yên thân. Thế này thì chết đi cho rảnh.
Khương đợi cho vợ im hẳn rồi cố lấy giọng ôn tồn nói:
- Mợ khổ thì tôi cũng không sung sướng gì. Nhưng mợ nên nghĩ lại ngày trước mà thương tôi. Sao vợ chồng mình...
Khương muốn nhắc lại cái thời kỳ hai người yêu nhau ngày xưa, nhưng nhìn vợ thấy nét mặt lạnh lùng, hai con mắt khô khan, chàng biết rằng không bao giờ, không bao giờ nữa, còn mong sống lại được những ngày hạnh phúc đã qua.
Liên không hiểu chồng định nói gì, trước khi quay ra, nàng cười gằn, nói:
- Làm người ta mất cả thì giờ! Chả được tích sự gì, chỉ được cái nhắng hão.
Hai tiếng "nhắng hão" khiến Khương uất người lên, vì nhắc Khương nghĩ đến cái tính hăng hái của chàng nay đã nhụt. Chàng muốn ngoài chàng ra không ai được nhận thấy sự trụy lạc của tâm hồn mình. Chàng nghiến răng, nắm tay giơ lên trước mặt vợ:
- Mợ phải biết, nếu tôi không tàn tật...
Nhưng dáng dấp hùng hổ của Khương chỉ làm cho Liên cười nhạt:
- Cậu không phải dọa. Cậu dọa nhiều lần rồi. Cậu tưởng tôi sợ cậu lắm hay sao...
Nàng đi ra lẩm bẩm:
- Anh hùng rơm!
Khương nắm cái nắp ấm toan ném theo vợ. Nhưng chàng lại hạ tay xuống. Chàng tự bảo:
- Có hơn được gì đâu. Nó cũng đã khổ chán vì mình. Giờ nó thành ra khốn nạn như vậy, đâu phải lỗi tại nó.
Khương chán nản, nằm vật xuống giường. Chàng cố nhấc hai chân lên, nhưng không thể được.
- Mình cũng như thằng chết rồi!
Mắt chàng bỗng để ý đến con dao díp, lưỡi thuôn thuôn nhọn vì đã bị mài nhiều lần. Con dao đó chàng mua từ ngày còn khỏe mạnh, và đã nhiều lần dùng để hộ thân, vì độ ấy chàng có bao nhiêu người thù, người sợ chàng! Nhìn cái mũi dao nhọn hoắt, chàng lại nhớ những hôm hội họp với các bạn ở nhà ả đào dùng mũi dao để mở những hộp thuốc phiện mới mua về. Chàng còn như trông thấy rõ trước mắt bàn tay của cô đào yểu điệu tìm chỗ chích, rồi mũi dao cắm xuống, làm phọt lên một ít thuốc phiện đỏ sẫm như máu đào. Khương bất giác với con dao díp, lấy ngón tay trỏ vờn lưỡi để thử xem sắc, nhụt. Chàng nắm chặt cán dao trong lòng bàn tay, đưa lên gần cổ. Chỉ một cái chích nhẹ vào gáy, một ít máu phọt ra, thế là hết. Văng vẳng bên tai chàng mấy tiếng:
- Anh hùng rơm! Anh hùng rơm!
Chàng sẽ yên lặng không kêu một tiếng nào để tỏ cho vợ biết rằng mình cũng có can đảm, cái can đảm cuối cùng, biết chết một cách lặng lẽ.
Bỗng chàng sợ hãi, hai con mắt mở to chăm chú nhìn bàn tay nắm con dao. Cánh tay tự nhiên ngả dần dần xuống chiếu và bàn tay mở ra; con dao lăn trên mấy ngón tay rồi rơi khẽ xuống nền đất. Khương lẩm bẩm bằng tiếng Pháp:
- Không! Ta không thể được.
Cánh cửa sổ hé mở bị một cơn gió đóng sập lại. Trong buồng tối om. Khương thấy lạnh cả người; những câu nhiếc của vợ, sự nhát gan lúc định quyên sinh đã làm cho chàng trông thấy rõ cái chết của tâm hồn chàng. Chàng cảm thấy cái chết ấy ghê sợ bằng mấy mươi cái chết thật, vì nó bắt chàng phải sống mãi, sống để mà biết.
Khương duỗi hai tay, nhìn lên mái nhà. Một tia nắng lọt qua khe lá làm chàng nghĩ đến cảnh vui sống của cuộc đời bên ngoài. Chàng tưởng tượng các ngọn cây đương phấp phới ánh sáng, ngả nghiêng đùa với gió và những đám mây trắng đương nhẹ nhàng trôi trên trời xanh cao...
Mấy cô con gái vừa đi ngang qua vừa nói chuyện. Khương tưởng tượng họ đẹp lắm, người nào cũng khỏe mạnh, má rám hồng vì nắng, và mắt trong sáng vì phản chiếu ánh trong trẻo của trời thu.
Một tiếng cười giòn sau một câu nói đùa, Khương nghe như là ở trên cõi sống đưa xuống, mà cái buồng tối này chàng tưởng như là một cái áo quan lớn để chôn sống chàng.
Mình đã đỡ chưa?
Thấy vợ ngồi dựa vào tường, mắt có ngấn lệ, Trọng không biết là nàng khóc hay vì tại trong nhà đầy khói. Chàng thở rất khó, ngồi ghé vào đầu phản, hai khuỷu tay chống nặng nề xuống đùi và bàn tay bỏ thõng, có vẻ mệt nhọc. Tuy trời nóng như hâm, mồ hôi ra ướt đầm áo trong mà Trọng cũng không buồn cởi áo bành tô xanh đầy vết dầu xe ô-tô.
Nhìn qua cái mành rách sang góc nhà bên kia, Trọng thấy bác Phác, người đàn bà bán hàng rong ở chung với chàng cũng đương ngồi, hai khuỷu tay chống vào đùi có vẻ ngẫm nghĩ. Trọng thấy buồn cười nên vội vàng ngồi khác kiểu đi: ở trong một cái nhà lúc nhúc hơn mười gia đình, lúc ăn lúc ngủ, ai cũng nhìn thấy ai, nên Trọng luôn luôn khó chịu, cử động không được tự do.
Người đàn bà đột nhiên chửi lên mấy tiếng, rồi tiếp theo một tràng dài:
- Đôi guốc bà vừa để đây, ngoảnh đi một cái, hừ đã mất biến! Vật thứ không là bao, nhưng mà tức chứ! Hừ, ở lẫn với những quân ăn cắp!... Xin đừng ai chạnh lòng. Tôi mất của thì tôi nói, chẳng ông bà nào cấm được tôi.
Trọng biết là người ấy nói đã lâu rồi, mà nói câu ấy có lẽ đã hơn vài chục lượt. Họ vừa ngồi nghỉ cho đỡ mệt, nay lại bắt đầu. Vì chiều nào, những người ở trong nhà cũng tìm dịp to tiếng với nhau, nên chàng không để ý. Nhưng đến lúc thấy người đó mon men lại gần chiếc mành, cúi nhìn xuống gầm cái giường của chàng, vừa nhìn vừa nói: "Vụt một cái biến mất, nhậy thực!" như có ý đổ cho vợ con chàng lấy đôi guốc, thì chàng không giữ được giận, muốn chạy ra nắm tóc người ấy dúi xuống thềm gạch cho bõ tức. Chàng lẩm bẩm:
- Hừ, quá lắm. Dám nghi cho mình ăn cắp.
Nhưng chàng vẫn ngồi yên: hai tay nổi gân bám chặt lấy thành giường. Chàng trấn tĩnh lại ngay, tự bảo:
- Mình hãy còn giữ những thói của cuộc đời sang trọng cũ. Nếu cứ tức giận họ thì tức giận cả ngày.
Quay lại, thấy vợ vẫn ngồi yên trong góc giường. Trọng đoán là nàng không biết chuyện. Bảo thấy chồng nhìn mình chăm chú, nên nhếch mép hình như nàng phải cố hết sức, phải khó nhọc lắm mới nhếch nổi một nụ cười đón chồng.
Trọng đau đớn nghĩ đến rằng vợ chàng con một nhà gia thế, lấy chàng không phải vì tình yêu, cũng không phải vì chàng có tài cán, mà chỉ vì cha mẹ nàng ham cái gia tài của chàng. Hơn sáu năm ở với nhau, lúc nào chàng cũng nhận thấy lòng khinh rẻ của vợ đối với mình, mặc dầu lòng khinh rẻ ấy rất kín đáo. Ngờ đâu nay nàng ngồi kia, mình mặc chiếc áo cánh vá vai, chiếc quần lĩnh bạc màu, gày gò, ốm yếu, ở lẫn với những người nghèo cùng mạt trong xã hội, mà lại còn nghèo hơn họ.
Xảy ra như vậy chỉ vì mấy cái tai nạn dồn dập đến một cách bất ngờ. Chàng không biết lo xa, quá tin ở của cải mình. Sau khi gia tài khánh kiệt, chàng sống vất vơ vất vưởng, ngửa tay xin anh em quen thuộc mỗi người một ít để nuôi vợ, nuôi hai đứa con đẻ và hai đứa cháu bồ côi cha mẹ mà chàng đã nhận làm con nuôi. Như thế được mấy tháng, sau không ai giúp nữa, chàng đưa vợ đến đây, thuê một cái giường năm hào một tháng và đã kiếm được việc làm ở một nhà chữa ô-tô.
Một người gánh nước đi ngang qua, nước bắn vào bàn chân làm chàng giật mình. Chàng nhìn cái nền gạch long lở ướt sũng nước, nhìn những làn khói tỏa ở các bếp hỏa lò ra, lẩm bẩm:
- Ở thế này chỉ vài tháng là ho lao.
Trước kia, khi còn có nhà cho thuê, chàng chỉ cốt thu về nhiều tiền, không bao giờ cho thế là vô nhân đạo. Nay chàng mới nhận thấy một cách rõ rệt, tuy rằng cách cho thuê ấy đã giúp chàng có nơi trú ngụ bằng một giá rất rẻ. Chàng cần đến, nhưng chính vì sự cần ấy mà việc cho thuê như vậy là độc ác. Chàng ngẫm nghĩ:
- Nếu phen này ta có nhà cho thuê thì ta nhất định bỏ.
Chàng mỉm cười nói:
- Phen này!
Tự nhiên chàng thấy vui vẻ và nghĩ thầm:
- Bây giờ mình đâm ra có lòng tốt, lạ chưa.
Chàng nhận thấy chàng trước kia tàn ác, mà tàn ác chỉ vì vô tâm và ích kỷ. Bây giờ chàng mới biết không ai muốn giúp mình lúc nghèo, chỉ vì lúc giầu mình không nghĩ đến ai. Chàng sung sướng, mà cái sung sướng ấy mới lạ lắm, chàng thấy vụt có cái quan niệm cao quý về nhân phẩm của mình. Trọng ngửng lên nhìn vợ, mà lần đầu chàng nhìn vợ không có ý thẹn lại có vẻ hơi kiêu.
Mấy đứa con chàng ở ngoài chạy vào, cười nói, đứa nào cũng thở hồng hộc. Trọng âu yếm hỏi:
- Các con đi chơi đâu về?
- Chúng con đá bóng ở bờ sông vui quá.
Trọng nhìn những gò má hồng hào, lẩm bẩm:
- Chỉ ít lâu nữa là hết cả hồng.
Thấy một đứa kêu đói, chàng mới sực nhớ đến giờ nấu cơm. Chàng cho tay vào túi áo, vân vê ba đồng hào một cách âu yếm, vì ba hào chỉ ấy là tiền của chàng kiếm ra lần đầu tiên. Nó lại quý nữa là vì không có nó tất chàng và vợ con phải nhịn đói.
Tuy trước kia giàu có hàng nghìn, hàng vạn, mà bây giờ chàng mới thấy mình "có tiền". Chàng kều mấy hào chỉ ở đáy túi vào lòng bàn tay và nắm lấy thật chặt.
Trọng thấy tiếng guốc của mình nện trên gạch hè đường kêu to một cách khó chịu vì chàng đi guốc chưa quen. Chàng tưởng như tiếng guốc xui bảo mọi người để ý đến mình. Trước khi rẽ vào một cái hàng cơm, chàng tự nhiên quay đầu nhìn lại phía nhà ở, có vẻ một người vụng trộm. Chàng rẽ vào đấy ăn quà sáng để lấy sức làm việc, trong khi vợ con chàng phải nhịn. Chàng không muốn ăn ở nhà một mình trước mặt vợ con.
Vào hàng, Trọng mua một xu xôi đậu đen, vì chàng đoán thứ quà đó no lâu. Chàng lấy đũa xắn từng miếng chấm muối vừng rồi nhai thong thả, vừa nhai vừa ngẫm nghĩ, nghe ngóng. Chàng gật gù lẩm bẩm:
- Càng nhai lâu càng thấy bùi miệng.
Bà hàng tưởng chàng khen xôi của mình thổi khéo, liền mời:
- Bác ăn xu nữa!
Trọng không ngờ xôi đậu đen lại ngon đến thế; chàng đặt đũa xoa hai tay với nhau, có vẻ khoan khoái, bảo bà hàng:
- Bà cho tôi thêm một xu. Bà lấy ở đáy rá cho nóng.
Trọng lấy làm tiếc rằng một thức ngon thế này mà ăn vụng trộm, vợ con không được hưởng. Chàng cảm động nghĩ đến những cái vụng trộm khác, trốn vợ đi hát mở từng chai sâm banh, và lấy làm lạ rằng những lúc đó sao không áy náy bằng khi ăn có hai xu đậu đen chấm muối vừng rang mặn.
Công việc của chàng cả ngày hôm ấy là nằm dưới gậm ô-tô thay "láp" xe. Trên má chàng, những giọt mồ hôi hòa với dầu máy từ từ chạy xuống tai, xuống cổ. Mới đầu, chàng tưởng không sao chịu nổi, nhưng sau chàng nghiệm ra rằng sự nóng bức càng tăng lên, sự khó chịu càng bớt dần. Nếu chàng là một người giàu có đứng ở ngoài, tưởng tượng phải làm việc như vậy, tất ghê sợ lắm, cho cuộc đời là khốn nạn, không đáng sống, không có nghĩa lý gì.
Trước kia, chàng cũng tưởng thế, vì chính chàng giàu có; trước kia không thiếu thứ gì, không bao giờ phải mệt nhọc đến thân mà không lúc nào chàng được yên tĩnh, luôn luôn tự hỏi sống để làm gì, và cố tìm một cái nghĩa cho sự sống của mình, của mọi người mà không tìm ra.
Bây giờ cái băn khoăn ấy đã mất hẳn. Chàng thấy công việc chàng có nghĩa lắm, vì nhờ nó mà chàng và vợ con chàng được no bụng. Cái nghĩa ấy không cao thượng gì cho lắm, nhưng nó có. Còn hơn là trước kia chàng không biết làm gì để sống, tuy bụng lúc nào cũng no. Bây giờ chàng mới hiểu rằng xã hội khốn nạn không phải là xã hội những người làm việc, tuy làm việc một cách khốn khổ.
Đương khi những ý nghĩ ấy lộn xộn trong óc, Trọng vẫn không quên cắn răng lấy hết sức xoay "bù loong". Mồ hôi chẩy ròng ròng trên cánh tay chàng. Mồ hôi chảy cả vào mắt làm chàng hoa mắt nhìn không rõ. Chàng thấy hiện ra một cốc nước chanh với một miếng nước đá trong veo, chàng đã uống bên bờ biển Đồ Sơn một buổi chiều mùa hạ năm nào...
Trọng chúi đầu vào một góc màn nằm duỗi thẳng chân tay, thiu thiu ngủ.
Hé mắt nhìn qua vải màn, chàng thấy lấm tấm ở các góc nhà tối om những ngọn lửa đèn Hoa Kỳ xanh lè nhỏ bằng hạt thóc. Một vài tiếng ho, tiếng khạc nhổ, rồi lại đến những tiếng ngáy đều đều, tiếng vo ve của những con muỗi chui qua lỗ màn rách bay vào. Hơi nóng làm mờ những ngôi sao ló trong khung cửa sổ. Không có một làn gió nhẹ; vải màn rủ nặng nề xuống chiếu. Trọng tưởng như nằm trong một cái địa ngục tối, và tưởng thấy thấm vào người hơi nóng của một cái vạc dầu để gần đó. Chàng gục đầu vào cánh tay, nhắm chặt mắt lại và muốn đắm mình trong giấc ngủ như một người đắm mình trong cõi chết.
Nửa đêm Bảo thức giấc ngồi dậy. Nàng vừa phe phẩy quạt, vừa đưa mắt nhìn chồng, rồi chép miệng nói:
- Ngủ gì mà quên cả thay quần áo.
Trọng nằm ngủ cứ để nguyên cả quần áo làm việc: một cái quần tây nát nhầu và một cái áo "sơ mi" rách vá vai, dầu dây be bét.
Bảo dịu dàng ngắm nghía chồng nằm ngủ mê mệt; thấy đứa con cựa quậy, nàng chỉ lo sợ chồng tỉnh giấc, mất một giấc ngủ rất cần để lấy lại sức mai làm việc.
Nàng ngồi lại gần chồng, gượng nhẹ nhắc đầu chồng, đặt lên đùi mình. Lần đầu nàng thấy yêu người chồng đã vì nàng làm lụng vất vả suốt ngày, không có một lời than vãn.
Nàng giơ tay phải quạt rất nhẹ, còn tay trái âu yếm vuốt ve những làn tóc ướt đầm mồ hôi của chồng. Nàng thấy thổn thức trong dạ, rồi tự nhiên nước mắt ứa ra chẩy ướt đẫm hai bên má. Nàng không giữ được nữa, cúi xuống hôn một cái lên trán chồng, và như người mê man, nàng ôm lấy chồng, gục đầu vào vai, không nghĩ gì đến mồ hôi và mùi dầu máy khét ở quần áo chồng xông ra nồng nặc. Trọng thức dậy hơi lấy làm lạ về cử chỉ khác mọi ngày của vợ; chàng hiểu và sung sướng ngẫm nghĩ:
- Có lẽ lần đầu tiên mình và vợ mình biết thế nào là tình yêu.
Tuy hiểu vậy nhưng chàng không nói ra, chỉ hỏi:
- Hôm nay em làm sao thế, em Bảo?
Chết Dở Chết Dở - Nhất Linh