Số lần đọc/download: 690 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
A
n nhớ lần đầu tiên An biết Oanh là qua lời chị Huệ: Thôi, An lông bông tìm kiếm đâu cho xa, ở lớp ngoại ngữ ban đêm của chị có một con nhỏ tên Oanh, hiền lắm, lại chăm học. An để chị làm mai cho!. Lúc đó, An vừa ở bộ đội xuất ngũ về, chưa tìm được việc làm, một mảnh tình vắt vai cũng chưa. Con gái hiền thì được chứ hiền lắm như lời chị Huệ nói thì An không ham. Nhưng cũng cười: "Ừ, thì hôm nào có dịp, chị làm mai con nhỏ đó cho em!.
Chị Huệ chưa kịp tạo ra một dịp nào để làm mai thì một buổi sáng đi uống cà phê, An gặp Oanh đi với Thảo. Thảo là con nhỏ gần nhà An, hồi nhỏ chảnh chọe kinh khủng, lớn lên tự dưng thấy đằm thắm hẳn. Thảo gọi: Anh An ngồi cùng bàn với tụi này cho vui!, chỉ cô gái đang ngồi bên cạnh, giới thiệu: Ðây là Oanh, bạn học bên trường Kinh tế với em. Oanh nói giọng nhỏ nhẹ: Chào anh!, rồi cười, nụ cười mỏng mảnh như sương. An nhìn Oanh, nhìn đôi mắt trong veo của Oanh, như có sợi gì đó đang vấn vít trong tim mình, thật nhẹ. Rồi Thảo chợt nhớ ra: "À, Thảo quên, Oanh học Anh văn ban đêm chung lớp với chị Huệ!. À, thì ra là người quên. Panh tủm tỉm cười: Chị Huệ hay kể về anh An em chị hiền lắm. Oanh không ngờ được hân hạnh gặp người hiền ở đây. An kêu thầm: Oan gia, chị Huệ ơi là chị Huệ!.
2. An không nhớ mình bắt đầu chơi thân với Oanh và Thảo từ lúc nào. Chắc là nhờ chị Huệ đánh tiếng nhờ vả: Thằng em tao về đây chưa có bạn bè gì, hai đứa bây đi đâu, rủ nó đi với!. Thật ra thì cũng chẳng ai rủ ai, chỉ toàn là tình cờ thôi. Chị Huệ bảo An ở nhà rảnh rỗi làm gì cho phí, đi học Anh văn đi, sau này sẽ có lúc cần dùng. An cắp sách đi học Anh ban đêm, lớp bằng A, tức là sau Oanh và chị Huệ một lớp. Thảo cũng đi học ở trung tâm ngoại ngữ này. Buổi tối tan học, An hay gặp Oanh và Thảo, ba anh em rủ nhau đi uống sữa đậu nành, hoặc ăn chè. Vì An chưa có việc làm nên đi ăn chè hoặc uống sữa đậu nành, có lúc An trả tiền, có lúc Oanh giành trả. An tỏ ra băn khoăn thì Oanh cười: Anh An đừng lo, tụi em giàu lắm!. Chơi với nhau một hồi, An mới nhận ra, Oanh không hiền lắm như lời chị Huệ quảng cáo, chỉ ít lời thôi. Oanh cũng nói là hồi mới gặp Oanh thấy An hiền lắm rồi bỏ lửng câu ở chỗ này. Vậy là sao? Buổi tối về nhà nằm mơ màng, An nhớ nhất là cặp mắt trong veo của Oanh. Trong veo đến mức, An không dám nói gì, làm gì để tiến đến gần Oanh hơn, vì sợ mình không khéo sẽ làm tổn thương đến cái tình bạn trong veo vừa mới chớm.
Rồi An cũng xin được việc làm, một chân lễ tân khách sạn do Oanh giới thiệu, vì chủ khách sạn là bạn thân với ba Oanh. Tháng lương đầu tiên, ba anh em rủ nhau đi lòng vòng suốt buổi chiều đến tối, đi ăn, rồi đi hát karaoke. Trong phòng karaoke, Thảo có vẻ vui lắm, nói cười nhiều lắm, nhưng đến lúc An tình cờ bấm bài Lời của gió, cười cười nói là để tặng Oanh thì không dưng, Thảo lặng lẽ hẳn, Oanh cũng im lặng làm An thấy áy náy vô cùng. Mình đã làm một điều gì không phải lúc?
3. Oanh hẹn An đi uống cà phê riêng. Lần đầu tiên được hẹn đi uống cà phê riêng, An choáng người vì hạnh phúc. Ngồi trong quán vắng, Oanh nhìn thẳng vào mắt An, giọng nghiêm trọng hơn thường ngày: Anh An thấy Thảo thế nào?. Không dưng An cảm thấy có một điều gì đó, dè dặt: Thảo là một cô bạn tốt!. Oanh cúi mặt, dùng ngón tay thấm nước vẽ mấy vòng tròn trên mặt bàn, ngọ ngoạy không yên, rồi ngập ngừng: Em cũng không biết nói sao nữa, Thảo mến anh lắm!. Ðó không phải là điều An chờ đợi được nghe từ chính miệng Oanh. Bao nỗi hồi hộp, bối rối trong An tan biến đi hết, An thấy mình bình thản, như là đang nghe một câu chuyện không hề liên quan gì đến mình, buông một câu vô thưởng vô phạt: Anh cũng mến Thảo. Oanh nhìn An thật lạ rồi lắc đầu: Nhưng cái cách anh nói không hề giống cái cách em vừa nói. Thôi, quên chuyện này đi, coi như em chưa hề nói gì với anh. Im lặng một lúc lâu, rồi An rụt rè nhìn Oanh, nói một câu dò hỏi: Sao em cứ lo chuyện của Thảo mà không nghĩ gì đến mình?. Oanh cười cười: Anh đừng lo cho em. Em có bạn trai rồi. An bất ngờ đến chẳng nói được câu nào. Một trò đùa với An, có phải?
Không phải là chuyện đùa! Thảo cũng công nhận: Oanh có bạn trai rồi! nhưng chị Huệ thì khăng khăng khẳng định: Con gái nói mà, tao học cùng lớp Oanh, tao biết, nó chưa có gì đâu! Bồ bịch gì mà tối thứ bảy nào cũng thui thủi đi về một mình. Rồi chị Huệ khuyên An: Mày cứ tiến tới đi!. An thấy buồn và hoang mang. Mình thân với Oanh là thế, Oanh tốt bụng là thế, sao tình yêu vẫn mãi là một điều khó nói.
4. Bẵng đi một thời gian dài, có đến cả tháng, không thấy mặt Oanh, Thảo thì đi học một mình. Hai anh em vẫn hay đi uống sữa, ăn kem sau giờ tan học. Một bữa, An làm như vô tình: Sao lâu nay không thấy Oanh hở Thảo?. Thảo cười: Bây giờ thì Oanh quên anh em mình rồi. Bồ nó về!. Giọng An nghe thật lạ: Ở đâu về?. Ở Mỹ. Oanh với anh Phong quen nhau hồi còn đi học, anh Phong đi Mỹ bốn năm nay, bây giờ mới về. Thảo còn làm như vô tình kể thêm vài chuyện vu vơ nữa về Oanh, về Phong, nhưng An không nghe được gì, hai tai An như ù đi. Không phải là lần đầu tiên An biết yêu nhưng cảm giác này thật khó mà chịu đựng nổi! Ngốc thật!
Có một buổi chiều chạy xe trên phố, an gặp Oanh. Áo đầm trắng, tóc xõa bay bay, mắt môi ngời ngời hạnh phúc, Oanh ngồi sau xe máy của một gã con trai mặt trắng bệch, ria mép tỉa tót cẩn thận. Giọng Oanh nghe vui lạ lùng: Chào anh An! Ðây là anh Phong, bạn em. Còn đây là anh An!. Gã con trai cười chào An bằng một vẻ lịch sự dễ ghét. An khách sáo: Chà, lâu quá không gặp Oanh!. Oanh cười rất tươi: Tụi em đang định hôm nào ghé mời anh đi uống cà phê với tụi em cho vui. Rồi Oanh vội vã: Em đi đây, hôm nào gặp lại nghe anh An!.
5. Rồi chẳng có buổi cà phê nào để Oanh giới thiệu bạn trai như Oanh hứa hết. Khi An gặp lại Oanh, Phong đã trở về Mỹ. Oanh cười nói suốt ngày, giỡn cũng mạnh mồm hơn, thỉnh thoảng lại khoe về một đám cưới đã dự tính ngày. Cũng là Oanh, nói nửa như muốn tâm sự, nửa như muốn phân trần với An: Tụi em quen nhau từ hồi còn đi học, sau đó anh Phong mới đi H.O. Ảnh thương em lắm, tuần nào cũng điện thoại về cho em!. Oanh kể về Phong nhiều lần đến nỗi An có linh cảm là Oanh làm thế một phần cũng để tự huyễn hoặc mình. Có phải hạnh phúc phải mang dáng vẻ mong manh như thế mới thật sự là hạnh phúc!
Một tuần trước khi đám cưới Oanh, ba anh em mới lại có dịp ngồi uống cà phê với nhau. Không khí lần này trầm lắng hẳn, không như mấy lần vẫn ngồi với nhau. Thảo khoác một dáng vẻ buồn rầu không thèm giấu. Oanh trông có vẻ mệt mỏi, dù vẫn cười nói nhiều. An thì không thể giữ được thái độ vô tư như nhau với hai cô bạn thân. Oanh mào đầu, giọng đùa cợt: Oanh cho anh An một cơ hội cuối đây. Anh An có thương một trong hai đứa em thì nói đi, chỉ còn một tuần nữa thôi. Anh không nói sau này hối hận không kịp, ráng chịu đó!. An nhìn thẳng vào mắt Oanh, cái nhìn nói lên nhiều điều nhưng Oanh lảng mắt đi. Vậy là rõ! An buông một câu nói đùa mà nghe rất thật: Anh thương cả Oanh với Thảo!. Thảo đột nhiên gắt gỏng: Thảo không cần đâu. Thảo nhường hết cho Oanh đó!. Ðêm trôi thật khẽ và sâu. An có cảm giác như đây là lần cuối cùng ba anh em ngồi với nhau. Ngồi vẩn vơ một lúc, Thảo đứng dậy trước, nhìn đồng hồ: Thôi, khuya rồi, mình về đi!.
Ðám cưới Oanh, An xung phong lên hát Lời của gió, mắt cố không nhìn cô dâu, chú rể tay trong tay, đi vòng quanh chào quan khách. Oanh đã chẳng hề nghe được lời gió nói, cũng như lời An muốn nói, chỉ cho mình Oanh nghe.
6. Oanh theo chồng đi Mỹ được gần hai năm, trong hai năm đó, An cũng có gặp gỡ một vài người nhưng rồi chẳng đi đến đâu. Mối tình tưởng chừng thoảng qua với Oanh không ngờ lại làm An nhớ lâu đến thế. Gặp một cách hành xử nào đó của các cô gái từng quen biết, An vẫn nghĩ giá đó là Oanh, thì Oanh sẽ xử sự thế này, Oanh làm thế kia và dĩ nhiên là Oanh hay hơn nhiều. Từ ngày Oanh đi, An cũng ít gặp Thảo, nếu có gặp thì cũng chỉ là nụ cười xã giao hờ hững của hai người quen biết cũ. Rồi thôi. An muốn biết tin tức về Oanh biết bao nhưng lại không dám gặp hỏi thăm Thảo.
Rồi Oanh đột ngột trở về. Ðẹp, sang trọng hơn ngày xưa nhưng có những nét từng trải hơn. Và buồn. Nỗi buồn không thèm giấu giếm. Gặp lại An, Oanh vẫn tỏ ra vô tư, như không hề thay đổi chút nào sau ngần ấy thời gian xa nhau. Oanh nói mình đã ly dị chồng, nói về đổ vỡ của chính mình một cách bình thản, nhẹ nhàng như chuyện của ai đó không hề liên quan đến Oanh, càng không liên quan đến An. Như là những buồn vui trong Oanh, An chưa bao giờ được phép dự phần. Như là những ngọn gió suốt mùa chỉ thổi lớt phớt bên ngoài, có hay không thì người ta cũng không biết sự hiện diện của nó. Oanh không biết, hay không muốn biết?
Những ngày Oanh ở Việt Nam rồi cũng qua mau. Rồi Oanh cũng sẽ ra đi, kỷ niệm về một tình yêu thầm lặng với Oanh trong An rồi cũng sẽ qua đi, sẽ phai mờ dần theo ngày tháng... An sẽ phải cố mà quên Oanh đi, như một giấc mơ không có thật. Tình yêu của An không có thật. Chỉ có nỗi buồn trong An là có thật, An không thể nào quên được, cứ ngày càng đầy …