As a rule reading fiction is as hard to me as trying to hit a target by hurling feathers at it. I need resistance to celebrate!

William James

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1894 / 24
Cập nhật: 2016-03-05 11:41:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ứ như là bạn sắp vướng vào chuyện động trời nào đó khi cứ nằng nặc hỏi tôi, T làm sao vượt qua những tháng ngày khó khăn của cái gọi là “sự cố tháng Tư” hay còn có cái tên khác là “sự cố cánh đồng…”. Tôi nói ờ ờ, để coi để coi, và suy nghĩ rất lâu. Trong bụng tự dưng… quạu khi bạn mình hỏi về một việc đã cũ, đã xa, đã khép.
Và đã tạnh nguội rồi. Kẹt quá, buộc phải nhớ về nó, tôi có cảm giác đang đứng ngó nghiêng, trầm trồ tai nạn, vết thương một ai đó.
Cảm giác như xem một đoạn phim rời. Rất hài hước. Trong phim có một đứa con gái tung tăng nhảy chân sáo trên con đường nhiều hoa cỏ, hai bên đường đâu đó người ta bày những “nỗi đau”, “niềm vui”. Con nhỏ thong thả đi qua, dáng nó lớn tồng ngồng nhưng tâm hồn chưa kịp lớn theo, chẳng chịu đằm thắm, dịu dàng gì cả. Và hơi hoang dã, đầu trần dang nắng, chân chẳng mang giày dép, ngộ cái là nó có vẻ chẳng ý thức được điều đó, nó tự tin và hồn nhiên, bước đi nhẹ nhõm và dứt khoát như thể nó không biết mình đang chân trần. Nhởn nhơ được một đoạn đường, thì nó vấp cái… rễ cây, té nhào. Nó nhăn mặt, rõ ràng là đau. Móng chân bị xước một mảng, máu ứa ra. Người đi đường xúm lại. Họ tranh cãi xem vết thương kia là tại vì cái rễ cây hay tại con bé không chịu mang giày như người ta. Vấn đề là cả thế giới đều mang giày, tại sao có một thiểu số chân không? Mang giày là đúng đắn, là xu thế chung thì tại sao không chịu mang giày? Con bé bệu bạo, khờ khạo, “em tưởng không có rễ cây”. Mọi người lại bàn cãi, tại sao con đường này lại có rễ cây? Tại sao rễ cây nằm đây mà con bé không thấy.
Người ta bắt đầu phân tích cái rễ cây. Rõ ràng nó nằm đấy đã lâu, tồn tại như điều tự nhiên của trời đất. Dầm sương dãi nắng, cái rễ gân guốc vắt ngang đường, sẹo vít chi chít, chứng tích của cuộc tranh đấu vì sự vững vàng của cây. Rễ cây phải nằm đây, điều đó là hợp lý, nhưng con bé này đâu đáng bị thương, nó ngây thơ và tội nghiệp quá chừng. Mọi người tranh luận. Con bé ngơ ngác, nó quên đi hoàn cảnh của mình mới vừa đo đất. Nó ngó quanh, rưng rưng nhìn cái cách người đời quan tâm tới mình. Họ ôm lấy nó, an ủi nó, đau đớn như vết thương tuôn máu kia là của họ, giận dữ như cái rễ cây kia vừa khiến họ bật ngửa. Con bé nhìn thấy nhiều người có vết sẹo đã khô, dấu vết của những lần vấp rễ cây, nó đọc được nỗi đau của họ khi vấp té mà không người đỡ dậy. Và họ thương con bé vì họ đã ngấm được cái đau trơ trọi đó, ngấm được sự mạnh mẽ, vô tình của rễ cây.
Con bé nhẹ nhõm hẳn, có lẽ nó thấy chân mình chẳng còn đau, vết thương chẳng là gì với những biến cố của cuộc đời, hồi nhỏ, nó cũng bị vỏ ốc cắt đứt chân hoài, mà nó vẫn chân không ngạo nghễ đấy thôi. Nó đứng lên, tiếp tục đi. Rồi khi ngó lại, thấy chơi vơi, thấy trong lòng người đời nó vẫn còn nằm bẹp kia. Người ta vẫn đang nói về vết thương của nó, gọi tên nó nhưng tất cả đang xúm quanh một con bé nào đó, giống nó. Hèn chi, mà nó cảm thấy trống rỗng, cái rễ cây đấy cũng có làm chân nó đau đâu, cái rễ cây trong cơn nắng hè cắc cớ làm ngã con bé nào giống nó. Và con bé ra khỏi màn hình, một mình lủi thủi.
Bây giờ thì nó đứng nhìn tôi, xa vắng, háo hức như nhìn một nhân vật ảo. Bởi vì tôi đã lọt tuốt vô phim, lại đi trên con đường đầy hoa cỏ, đầy niềm vui và nỗi đau mà con bé đã từng đi. Bộ vó tôi cũng rất ngạo đời, tung tẩy, và dù nụ cười khá kỳ dị, héo hắt, thiu thiu nhưng tôi rất hay cười, cho có vẻ là mình cũng vui như con bé đó. Tôi vẫn chưa chịu mang giày, vẫn chân không. Nhưng chẳng như con bé kia không biết mình chân không, tôi chân không mà nghĩ mình đang chân không. Nghĩa là tôi-chẳng-chân-không.
Và tôi nhận ra tại sao lại đổ quạu với bạn khi phải nhớ về “sự cố tháng Tư”. Tôi chưa ra khỏi nó, chưa khép lòng. Và trong lúc mọi người (cả bạn nữa) đang chăm chăm vào vết thương thấy được bằng mắt thường thì tôi đau quặn, đau buốt vì một vết thương khác, đó là sự cô đơn khi đi giữa đám đông mà đám đông chẳng thấy mình, chẳng hiểu mình. Đó là sự phản chiếu ám ảnh của những tấm gương (sau sự cố) đã vỡ rồi.
“Sự cố cánh đồng…” chỉ có thể tóm gọn lại, bóng tôi vấp vào rễ cây văng vào giữa biển người. Họ tưởng là tôi, họ gọi tên và mỉm cười với tôi. Nhưng tôi thì chẳng còn lòng dạ nào, bởi tim nghẹn lại, đau đáu nhớ về con bé chân không thuở trước.
Chân Không Chân Không - Nguyễn Ngọc Tư