Số lần đọc/download: 880 / 16
Cập nhật: 2016-06-02 02:55:48 +0700
hà tôi có bốn người.
Cha tôi thế hệ 5X, chớm già. Sinh năm Canh Dần, theo tuổi bà mụ, tính đến nay cha vừa tròn năm mươi chín tuổi. Hơn nửa thế kỷ có mặt trên đời thì bốn mươi năm cha mặc áo nhà binh, cầm súng và xa nhà. Cha tôi lấy vợ muộn và lại muộn đường con cái bởi đi chinh chiến hết miền Nam rồi sang Campuchia đến năm 1989 mới về nước, sau ở lì Tây Nguyên thỉnh thoảng mới về nhà.
Mẹ thế hệ 6X, sinh sau cha hơn một giáp, luôn chịu cảnh xa chồng. Nay mẹ đang ở tuổi hồi xuân rực rỡ (đấy là nhận xét của bạn cùng thời với mẹ, chứ tôi đâu biết thế nào là hồi xuân). Có lúc mẹ mặc áo hai dây trong suốt, để vai trần, đi xe máy @. Mẹ làm chủ cửa hàng mỹ phẩm Hàn Quốc, và rất thích ngâm mình trong bồn tắm thả ngập cánh hoa hồng Đà Lạt.
Chị Mai tôi thế hệ 7X đã gần ba mươi năm nhìn thấy ánh sáng mặt trời, yêu ngầm thì nhiều, nhưng chưa tìm được chàng trai nào đáng làm chồng. Chị tôi mắt đen buồn, tóc xõa ngang vai, sống nội tâm ẩn mình khép kín, yêu thích phim Hàn Quốc. Tốt nghiệp đại học, chị đi làm cho một doanh nghiệp Nhật Bản, suốt ngày ăn cơm tiệm.
Tôi, thế hệ 8X, mười chín tuổi, tốt nghiệp phổ thông hạng làng nhàng, thi vào đại học hai lần đều trượt. Sống theo ý mình luôn là cảm hứng thường trực và tự do muôn năm. Mẹ tôi lúc nào cũng bận tối mắt tối mũi với cửa hàng mỹ phẩm Hàn Quốc, chẳng để ý gì đến chuyện học hành của con mà khoán trắng cho gia sư. Sống tự do theo ý thích, tôi suốt ngày chơi bời, đàn đúm. Chỉ trong có mấy năm phổ thông trung học, tôi đã kịp đánh mất ba xe cuốc, cắm quán hai con Dream, đầu tóc thì đổi kiểu xoành xoạch, hết nhuộm hoe hoe vàng lại hấp màu lông chuột. Tôi với mẹ hợp tính ưa nết. Tôi với cha như nước với lửa, như mặt trăng với mặt trời.
Cha khoác ba lô về hẳn nhà, nghỉ hưu. Một ba lô quân phục màu cứt ngựa. Hai đôi giầy đen một cũ một mới. Một mũ kê pi. Chín cái huân, huy chương đỏ rực, vàng chóe. Một đôi dép đúc mòn vẹt gót. Nghe nói cha cất giữ từ hồi ở Trường Sơn.
- Cha đi bộ đội, xa nhà hơn một phần ba thế kỷ mới về mà không có gì tặng mẹ con à?
Tôi rất láu cá hỏi cha, và chỉ sợ mẹ mắng. Cha tôi cười trừ.
- Thì cha đã tặng mẹ một đứa con gái, một thằng con trai rồi còn gì nữa.
Tôi thoáng thấy mẹ lặng buồn. Mẹ nhìn nhanh xuống cổ, xuống tay; toàn dây chuyền, vòng kiềng, nhẫn mặt đá quý lóng lánh mà mẹ tự mua để... tặng mình.
Cuộc sống nhà tôi bước sang trang mới kể từ khi cha có mặt ở nhà. Hình như mọi thứ đều đảo lộn. Hình như mọi người không hiểu nhau.
Cái bếp nhà tôi quanh năm không đỏ lửa. Thay đổi đầu tiên là việc cha bắt mẹ tôi hàng ngày phải đóng cửa hàng mỹ phẩm lúc 5 giờ chiều, về nhà sớm nhóm bếp nấu cơm.
- Căn nhà có cái bếp, cái bếp phải đỏ lửa mới ra cái bếp các con ạ.
Cha tôi lại bảo:
- Ngày xưa nấu toàn nồi đất chứ đâu được bếp âm, nồi i nốc, chống dính như bây giờ...
Bếp không đỏ lửa. Cha tôi buồn. Cha phàn nàn đứa con gái gần ba mươi tuổi mà vụng về, lơ là bếp núc. Bếp lạnh tanh. Nồi niêu xoong chảo để mốc, lăn lóc, toàn cứt gián. Cha mang vào phòng vệ sinh cọ rửa sáng bong. Cha bảo chị Mai:
- Cha không hiểu sau này con về nhà chồng, con sẽ nấu nướng thế nào?
Chị tôi nhấm nhẳng:
- Cha đừng lo. Con không lấy chồng đâu. Chẳng có thằng đàn ông nào đáng làm chồng con.
Cha tôi buồn suội. Nếu là tôi, ông đã “ục” liền; nhưng với con gái, cha tôi lại nhẹ nhàng, không hề cáu giận. Ngày xưa, bằng tuổi chị Mai bây giờ, bà nội đã đẻ ba bác và cha tôi rồi. Chị Mai gần ba mươi tuổi mà chưa đứng đầu đứng số, cứ sống trơ trơ bên bố mẹ. Cha tôi tỏ ra sốt ruột và lo lắng. Con gái nước Nhật lấy chồng muộn hơn, có khi còn không chịu xây dựng gia đình, ở một mình khi thích đàn ông thì cặp, chán lại bỏ, lấy chồng như đeo gông. Nhưng đấy là nước Nhật, chứ không phải nước Nam ta. Càng nghĩ, cha tôi càng buồn phiền. Giọng ông nghèn nghẹn, có phần đau xót.
- Con đừng nói thế, cha đau lòng.
Chị tôi chợt thấy ân hận:
- Lo gì cha ơi. Con có về nhà chồng thì bếp cũng không cần đỏ lửa. Con chọn chồng giàu, không phải nấu nướng, đi ăn tiệm tiện hơn. Khỏi phải rửa bát.
Mẹ tôi hóng chuyện, nói chõ vào:
- Ấy là tôi chưa duyệt. Con rể tôi mà quanh năm xa nhà như ông, thì con gái tôi vò võ chờ đợi, thèm chồng cũng héo hon gầy mòn như mẹ nó thôi.
Mặt cha tôi có vẻ rạng lên một chút và ngượng ngùng như người có lỗi, cha tôi đánh trống lảng.
- Con thấy mẹ trách bố khéo chưa. - Rồi cha quay sang nói với mẹ tôi - Em biết rồi còn gì nữa, anh lúc nào cũng là một người lính.
Rồi cha tôi căn dặn mẹ:
- Đồ ăn hàng ngày em đừng mua bán cầu kỳ. Ba cái đồ xúc xích, lạp sườn, thịt hun khói, ba tê... sang thì sang thật nhưng của người Tây, không hợp với nhà mình. Cứ canh cua, cà pháo, cá bống hay thịt trâu xào rau cần tỏi, hoặc thịt lợn ba chỉ rim mắm tép như ngày xưa anh ăn ở quê là thú nhất.
Mẹ tôi cười rộn, đùa vui với cha.
- “Ông thộn” ơi, đặc sản quý hiếm đấy. Nấu một bữa canh cua cho cả nhà ăn cũng hết đến 70 ngàn đồng. Một đĩa thịt trâu như anh nói không dưới năm mươi ngàn. Để tôi đưa “ông thộn” và cả nhà đi quán “Hương quê” ăn cho tiện. Mắc quá hết hai triệu đồng là cùng.
Cha tôi chối đây đẩy, bảo ăn nhà vẫn hơn, bảo bão lụt miền Trung còn bao nhiều người khổ hơn mình. Cha lập lại trật tự: trừ bữa trưa tùy nghi di tản, còn lại “cả nhà xum họp”. Hết tiệt những ngày mẹ phát cho tôi ba chục nghìn, muốn gì tự mua nấy mà ăn. Hôm nào mải ùng oàng với thế giới game, ăn qua quýt hoặc nhịn, mẹ cũng chẳng bao giờ biết cả. Ăn uống không điều độ, bữa đực bữa cái nên tôi gầy như que củi. Bây giờ đến bữa cơm, cha ngồi bên gắp thức ăn đầy bát bắt con ăn. Đứa lát chả, đứa khoanh giò, song chị em tôi khảnh ăn lại gắp ra hết bỏ vào đĩa. Mặt tối sầm lại, cha bảo:
- Nhìn các con ăn nhỏ nhẻ, cha buồn quá. Cứ như lính tráng của cha đánh ục một cái là bốn bát cơm đầy có ngọn. Ăn được thì mới chạy nhảy, hành quân rèn luyện được, chứ như các con, nhìn cớm nắng lắm. Ngày xưa, cha chỉ có bo bo với cháo rau má. Xanh cả ruột. Năm hết tết đến mới có tí thịt mỡ bôi mép, nhìn miếng thịt mà mắt sáng lên.
Lại ngày xưa, cái điệp khúc ấy tôi đã nghe nhiều lần đến phát chán rồi mà cha ngày nào cũng nhắc lại. Ngày xưa cha sống kham khổ cả năm vào dịp Tết mới có miếng thịt bạc nhạc... Ngày xưa cha vất vả suốt ngày đi trâu tóc cháy nắng đỏ như râu ngô, phải đi tát múc kiếm con cua con cá cờ nấu dấm, chứ không sung sướng như các con bây giờ đâu... Những lúc ấy tôi thầm nghĩ, cha nói quá vậy thôi, làm gì đến nỗi khổ thế. Tôi chẳng tin. Cái ngày xưa của cha đi vào đầu chúng tôi rồi biến mất ngay, chẳng hề lưu lại một chút gì gọi là hình ảnh hay ấn tượng. Cha và tôi, đúng hơn là cha và cả nhà khác biệt quá nhiều thứ. Dường như bắt nguồn từ việc cha đi bộ đội, xa gia đình quá lâu. Đời sống bộ đội nghiêm chỉnh, niêm luật nhà binh ngấm vào máu cha rồi, và cha mang nguyên phong cách sống ấy về nhà.
Cha vẫn tự hào:
- Cha về nhà nghỉ hưu, nhưng cha vẫn có một tiểu đoàn quân trong thành phố. Cha ới một tiếng là các bác, các chú ấy có mặt ngay.
Mẹ tôi bảo chồng:
- Anh đã cầm quân một sư đoàn. Bây giờ về còn cần gì nữa?
Cha bảo:
- Là anh nói: anh em cùng đơn vị phục viên, nghỉ hưu, chuyển ngành về thành phố này đông tới vài trăm người. Ấy là chưa kể cán bộ chiến sĩ trưởng thành từ sư đoàn anh chuyển công tác về các cơ quan Bộ, đương tại ngũ, đội mũ đeo sao. Lúc trái gió trở trời bằng ấy người xúm vào thì lo gì. Anh mà chết thì có cả một tiểu đoàn quân đưa tiễn.
Mẹ tôi không nói, chỉ thở dài.
Đúng là bạn bè, cấp dưới của cha nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành về thành phố đông cỡ vài trăm. Ông nào cưới con, đem danh sách đồng đội cùng sư đoàn X trải ra trước mặt, bốc điện thoại lên vừa xướng vừa mời là có mặt gần đủ. Khách đến dự mặc toàn sắc phục nhà binh, cũng là dịp để các ông đương binh, cựu binh gặp nhau hàn huyên.
Cha trở về, cha mang theo nguyên hình vị đại tá tại ngũ. Sáng mới năm giờ, cha đã gọi tôi dậy lên sân thượng tập thể dục. Cha hô một hai, một hai, con cũng hô một hai... một hai... đến mức sáng bảnh bà hàng phố ngó đầu sang bảo: “Nhà mày đang huấn luyện tân binh à?”. Mẹ tôi không giận cứ cười ngặt nghẽo.
Cha tôi đọc báo nghe đài, xem ti vi. Ông càng lo cho tôi, đứa con trai độc nhất. Nó mà dây vào nghiện hút thì không những đời nó tàn mà cả nhà khổ, ông sẽ mất con. Lúc nào, cha tôi cũng cảm thấy bất ổn. Đi ra đường thì sợ tai nạn giao thông, về nhà thì chỉ sợ con hư hỏng, sợ vợ làm ăn đổ bể... Suốt cả đời, cha tôi quen rèn luyện người khác, quen chăm lo người khác nên nó ngấm vào máu, thành thuộc tính cố hữu rồi.
Tối, cha bắt cả nhà đi ngủ sớm. Riêng điểm này thì tôi khó chịu lắm, cứ mặt nặng mày nhẹ với cha. Bấy lâu nay quen sống tự do, tôi học hành ấm ớ rồi lướt web, chơi game, hoặc chat với mấy đứa “chíp con” cùng lớp đến một, hai giờ sáng. Một tuần, mẹ tôi sáu ngày đến vũ trường nhảy nhót, hoặc đi uống cà phê đến khuya mới về. Chị Mai mải xem phim Hàn Quốc liên miên. Cái thứ phim toàn khóc lóc, thất tình, ung thư, hoặc bệnh máu trắng rồi ân hận, sám hối... có gì đáng đồng tiền bát gạo mà lấy mất thời gian của chị tôi đến thế? Cha về. Cha thiết quân luật. Đừng hòng ai thức khuya quá mười một giờ đêm. Cha bảo: “Cứ như đơn vị bố thì chín giờ rưỡi là kèn báo ngủ đã tèn teng... tèn teng... Anh nào có muốn đọc nốt bài báo cũng không được vì trực ban... tắt điện”. Chị Mai tôi than thở: “Cứ thế này thì tao đến phải lấy chồng mất thôi, chạy trốn vào nhà bà mẹ chồng có khi còn tự do hơn”.
Tuy có ca thán về cha, nhưng chị Mai thương cha vô cùng. Cái dạo chị mới năm sáu tuổi, cha về phép. Một cái khung xe đạp, một con búp bê tóc vàng, vài mảnh vải cho vợ con; vậy mà cả nhà vẫn đầm ấm, hạnh phúc, vui vẻ. Cha rất quý con gái. Ngày ấy, gia đình tôi chưa chuyển lên Hà Nội ở. Chiều chiều, cha tôi dẫn con gái đi dọc triền đê nhìn đồng quê sông nước. Hình ảnh cha vận sắc phục nhà binh, đeo quân hàm đỏ chói, bàn tay to dầy thô dắt đứa con gái nhỏ bé lích chích đi tha thẩn, nhàn hạ, thanh bình trên triền đê đầy hoa cỏ may cứ đi theo chị tôi suốt tuổi thơ đến bây giờ. Nhưng, ám ảnh, sợ hãi nhất là khi cha khoác ba lô trả phép. Ngày ấy, bên chiến trường Campuchia đánh bọn Pôn Pốt vẫn đang ác liệt. Cha phải đi, bên ấy có nhiều việc đang chờ. Con gái và cha vừa ấm hơi, quen nhau thì cha đã ra đi. Cha không muốn mẹ đưa ra tận ga tàu, cha sợ những giọt nước mắt sụt sùi. Mẹ và chị tôi tiễn chân cha ra đầu làng. Cha âu yếm nhìn vợ, rồi ôm hôn con gái, cha bảo mẹ tôi: “Em và con về đi”. Cha thả con gái xuống và quay lưng rảo bước, những bước chân dài đạp trên đá mạt rào rạo, vội vã, thỉnh thoảng quay lại vẫy vẫy tay. Bỗng chị tôi khóc thét lên và cùn cụt chạy theo cha. Cha tôi quay lại ôm choàng lấy con gái. Nước mắt chị tôi nhoen nhoét vào gương mặt dãi dầu từng trải của cha. Mẹ tôi bảo: “Hay anh ở lại, mai hãy đi”. Cha tôi bảo: “Em đừng buồn. Anh mà ở lại thì anh không đi được nữa. Thôi nào con, cho bố đi nào”. Cha chuyền tay trao con gái cho vợ rồi quay gót. Lần này, bước chân ông quả quyết, thật nhanh, không ngoái đầu nhìn lại. Mẹ và chị tôi thầm thũi khóc nhìn bóng cha tôi cứ xa dần, mờ dần.
Hầu như tôi không có kỷ niệm ấu thơ với cha. Cha nhẹ nhàng với con gái bao nhiêu thì nghiêm khắc với con trai bấy nhiêu. Hễ lần nào tôi đi học luyện thi về là cha hỏi han từng li từng tí: “Hôm nay con học môn gì? Con có tiếp thu được không?..”. Tất nhiên, tôi khó chịu ra mặt, trả lời qua loa đôi chút. Lúc cha chưa về, mẹ chẳng bao giờ xét nét tôi như thế.
Mẹ tôi đi làm, buổi sáng nào nhanh cũng hết ba mươi phút trang điểm. Có hôm mẹ mặc váy ngắn trên đầu gối, vai mẹ để trần, môi và móng tay tô màu trầm. Cha bảo mẹ, giọng buồn buồn, nhưng kiên quyết lắm: “Em còn trẻ trung gì nữa đâu. Để đôi vai trần cho đám đàn ông nhìn, chướng lắm”. Mẹ không nói gì. Chỉ thấy sau hôm đó, mẹ mặc đồ dài tay, cao cổ và không bao giờ đụng đến váy. Nhẫn mặt đá, dây chuyền, vòng ngọc mẹ không đeo, bỏ tất cả vào hộp, niêm phong. Mẹ ngoan quá, biết nghe lời chồng, biết hạ cơn nhiệt của người mình thương yêu. Nhưng tôi đã nhầm, mẹ chống đối cha theo kiểu tù nhân đồng tâm... tuyệt thực.
Một tuần sau ngày cha thiết quân luật, tôi cố tình quên để chuông đồng hồ đánh báo ngủ 10 tiếng. Tôi miệt mài rồi bị cuốn hút bởi mấy nhân vật trong trò chơi Võ lâm truyền kỳ với những Thiếu Lâm, Võ Đang, Đường môn... đầy máu lửa. Cha đến đằng sau mà tôi chẳng hề hay biết. Đang hào hứng, tôi như lên đồng cùng Võ Đang thì cha tắt - bật ổ cắm điện ba lần, màn hình tắt ngúm. Tôi sửng sốt ngước nhìn lên. Cha nghiêm nét mặt, buông lời lạnh tanh, kiên quyết: “Cha đã nói con bao nhiêu lần rồi? Về phòng ngay. Đi ngủ”. Nghẹn cổ. Chân bước nặng như đeo đá, tôi còn nghe được tiếng mẹ khóc thút thít vọng ra qua cửa buồng ngủ. Tôi chui vào màn cứ tưởng đang ở tù.
Nhà tôi như trại lính, mà cha là vị tướng chỉ huy cao nhất. Cha bảo: “Đừng để cái thân lười nhác. Lao động cho khỏe người con ạ”. Cha bắt chị em tôi phải làm những việc vặt mà trước đó chẳng bao giờ phải mó tay vào: quét nhà, lau bàn ghế, cọ rửa phòng vệ sinh... Ngày trước, mẹ thuê ô sin mỗi tuần hai lần đến lau chùi toàn bộ căn nhà để anh em tôi có thời gian học. Nhưng mẹ nào có biết tôi đã lơ là việc học từ lâu lắm rồi. Về nhà tôi sống với thế giới Võ lâm truyền kỳ, bài tập cô giáo ra mười bài thì bỏ chín. Đến lớp lại ngồi mơ màng nhìn mây nhìn lá cây ngoài cửa sổ, và thường ngủ gà gật vì thức khuya. Kiểm tra thì toàn quay cóp đứa ngồi bên cạnh, lúc “quay phim” được thì điểm 9 điểm 10 đỏ tươi, lúc thầy cô coi thi gắt quá thì điểm 2 điểm 3 xám ngắt. Lại một kỳ thi đại học sắp đến gần mà trong đầu tôi kiến thức thực chất gần như là số 0.
Thằng con lêu lổng dần dần hiện lên rõ nét trong đôi mắt cha quen nhìn lính tráng chỉnh tề răm rắp. Cha giận lắm. Ông thở dài, trách mắng tôi mải chơi không biết thương mẹ. Cha giận mẹ vì không để ý gì đến con cái, tối ngày chỉ ăn diện.
Mọi nếp sống tự do đều thay đổi, tôi có cảm giác bị gông cùm, lẽ dĩ nhiên tôi bực mình và khó chịu lắm. Tự nhiên có một ông già xa xưa, cũ kỹ, khó tính như từ trong chuyện cổ tích đi ra làm đảo lộn cả cuộc sống của mình thì bố ai chịu được. Quả thật, cha là “người âm lịch” hết nói và đáng thương hơn đáng giận. Cha như ông già Khốttabít đi vắng xa trái đất mấy trăm năm nay bỗng dưng nhớ quê trở lại. Nhiều lúc cha làm mẹ con tôi phát cười đến rung rốn vì sự quê mùa của ông. Lọ sữa tắm Flex đượm mùi nhân sâm mát da thơm thịt, giá tám trăm nghìn đồng của mẹ thì cha lấy ra gội đầu. Nhanh hết quá, mẹ không biết cứ cằn nhằn cái Mai trẻ con sao dùng sữa tắm của người lớn. Xoong chảo trong nhà, cha lấy búi giẻ sắt đánh làm bay cả lớp mạ chống dính. Cha thích nghe các bài hát Hành quân đêm, Lá đỏ, Hãy yên lòng mẹ ơi... và các điệu chèo làng Côi Trì. Còn chúng tôi thích nghe nhạc rock thì cha bảo tắt đi chờ cha sang nhà bạn đánh cờ tướng thì hãy mở kẻo rác tai cha...
Chiều muộn trên thành phố, ánh nắng cuối ngày sắp tắt trên những khối nhà bê-tông thì đứa bạn gái cùng lớp tôi đến chơi. Cha tôi không thiện cảm với cái mặt lấc cấc và cái đầu cắt tóc ngắn dựng đứng, nhuộm đỏ hồng như cầu thủ Johnmar người Thụy Điển. Của đáng tội, con bé cũng hơi bất nhã vì áo lưới ngắn tũn hở cả cái rốn lồi đeo vòng khuyên bạc (nhưng cha không biết nó đang là mốt bây giờ). Vừa đến cổng nó tưởng như mọi khi bấm chuông inh ỏi. Cha tôi ra mở cổng - ông đại tá về hưu ra đón khách, thấy nó, chưa gì ông đã phủ đầu, hỏi dồn dập như bắn súng liên thanh: “Cháu tìm ai? Cháu con cái nhà ai? Cháu đã là Đoàn viên thanh niên cộng sản chưa?”... Sau một hồi tra lên hỏi xuống, căn vặn kỹ càng ông mới cho nó vào nhà. Cứ tưởng yên chuyện rồi, nhưng không ngờ ông chẳng để cho chúng tôi một không gian của riêng mình. Ông bảo hai đứa tôi ngồi ở phòng khách nói chuyện đoàng hoàng. Ông xách phích nước ân cần đưa cho tôi pha nước mời bạn uống. Ông mở toang cửa chính, cửa sổ cho ánh sáng tràn vào... cứ như sợ chúng tôi làm gì mờ ám trong bóng tối. Hai đứa chúng tôi nói chuyện mà cứ mắt la mày lét ngó trước nhìn sau. Thỉnh thoảng cha tôi lại đảo qua một tí, có ý như nhắc nhở “sắp thi đại học đến nơi rồi, cháu về đi cho con bác học bài”. Ngày cha chưa về, tôi đưa bạn gái lên phòng riêng chơi cả buổi có chuyện gì xảy ra đâu. Cha tôi phòng xa quá, ông đem cách đánh nhà binh về phòng bị ngay cả trong nhà mình.
Đến tận lúc về, con bé bạn tôi còn chưa hết hãi:
- Khiếp! Ông già mày ghê quá. Hỏi tao mà cứ như mật thám hỏi cung các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù đế quốc thực dân ấy.
- Bố tao nghiêm thế. Nhưng mà thương vợ con và mọi người lắm.
- Tao đếch thích kiểu thương ấy. Bận sau nếu có chuyện gì tao với mày ra quán cà phê cho tiện.
Cánh cổng khép lại. Tôi mang theo nỗi ấm ức của thằng con trai mới lớn.
- Cha cứ làm kiểu này thì con hết bạn, hết chỗ chơi. Từ bây giờ có giời bảo cũng chẳng đứa nào dám đến nhà mình nữa.
- Mẹ con con ăn uống, đi lại, ngủ nghỉ, chơi bời không ổn chút nào. Ma túy, tệ nạn xã hội đầy ra đấy. Các con còn non nớt. Rất dễ sa ngã.
Tôi tức quá cãi lại:
- Bao nhiêu năm qua không có cha, mẹ con con vẫn sống tốt cơ mà. Cả cuộc đời cha ở trong quân đội, ngoài việc sinh bọn con ra cha đã làm được cái gì cho cái nhà này chưa mà cha trách mắng mọi người...
Nói chưa dứt, mắt tôi đã hoa cả lên. Một cái tát nổ đom đóm mắt từ bàn tay thô ráp quen cầm súng nhà binh. Tôi ngã dúi. Cha quát to:
- Chả nhẽ cha đi bộ đội bao nhiêu năm cống hiến cho đất nước là để cho con nói với cha bằng cái giọng chợ giời ấy hả? Bà ấy đâu rồi? Con hư tại mẹ.
Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Bà tôi mất từ lâu lắm rồi còn mẹ ở cửa hàng mỹ phẩm vẫn chưa về, chị Mai ngoan ngoãn thì đi học thêm Anh văn. Dường như lòng tự trọng của đứa con trai mới lớn chấm hết. Tất cả kìm hãm, dồn nén sự khó chịu của tôi từ lúc cha về đã quá đủ. Cha - một người cha đi tăm tăm biền biệt bao nhiêu năm để rồi bỗng dưng về nhà xới tung lên mọi thứ với kỷ luật nhà binh. Tôi nói với cha:
- Thôi cha! Đừng bao giờ nói với con về những ngày tháng cha đi bộ đội. Thời oai hùng xa lắm lắm rồi, cha ạ.
Sắc mặt của cha tôi đỏ hồng lại tím nhanh dễ sợ. Môi ông lắp bắp:
- Mà... mày... nói... ca... cái... gì?
Ông ôm đầu, đau đớn, ngồi phịch xuống giường gấp.
- Chẳng có gì cả! Con nói là, - Tôi nhấn mạnh từng chữ - con chán ghét cha và cả những điều cha nghĩ, những gì cha nói và cha làm. Cha đã biến cả nhà ta thành trại lính.
Tôi cãi lại cha và tôi lao khỏi nhà. Tôi bỏ đi lang thang trên phố.
Đêm tôi không về. Sau này, khi “trời yên biển lặng”, tôi mới biết: Suốt đêm ấy, cha lo lắng sợ tôi dạt vòm đi bụi đời. Ông điện thoại báo hung tin về thằng con quý tử bỏ nhà cho bạn bè, đồng đội đã phục viên, xuất ngũ, nghỉ hưu biết. Người nọ vội vã gọi người kia lan truyền theo cấp số nhân, như thể chiến tranh sắp nổ ra, huy động gần hết một “tiểu đoàn quân” đi tìm... tôi.