Số lần đọc/download: 723 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
K
hông biết từ bao giờ cây me sau vườn nhà ông hàng xóm đã thu hút tôi. Cây me này cũng như những cây me khác, không có gì đặc biệt. Ấy thế mà, không biết vì sao, mỗi lần đi ngang qua là tôi có một cảm giác lâng lâng khó tả. Cái cảm giác mà nó cứ âm ĩ trong tim, trong tâm trí tôi.
Tôi cũng không rõ cây me có từ bao giờ, nhưng khi tôi bắt đầu biết chuyện thì nó đã ở đấy, đồ sộ, và cao lớn. Dường như sự hiện diện của cây me nhà ông hàng xóm là món quà dành riêng cho tôi? Hầu hết, thời niên thiếu của tôi đều nằm quanh gốc me này.
Năm tôi mười hai tuổi, cây me đã sừng sững vươn mình dưới vòm lá xanh, lòa xòa, mát rượi, bên cạnh ngôi nhà rêu phủ, lúc nào cũng khóa kín. Căn nhà có cánh cửa sổ với hai hàng chữ và một hình vẽ. Hình vẽ là bàn tay phải đang chỉ ngón trỏ vào phía trong nhà. Trong hai hàng chữ, tôi chỉ đọc được có hàng trên: "Vô Phận Sự Cấm Vào". Còn hàng kia là những chữ thật khó hiểu. Sau này, tôi nghe mẹ tôi nói đó là tiếng Tây.
Cây me mà tôi kể, nó có lớp vỏ mầu xám đen, nứt nẻ. Trên thân cây, nhiều vết bằm chồng chéo lên nhau và còn có cả gốc đinh bù-lon lớn mắc theo sợi giây phơi đồ. Căn cứ trên những vết dao, vết nứt, và cây đinh bù-lon đã bị cây me nuốt chửng cũng đủ cho người ta biết cây me đã trải qua không bao nhiêu là trận mưa gió.
Hồi ấy, tôi là đứa trẻ phá nhất xóm. Phải nói tôi là một thằng quỷ nhỏ. Thằng ôn dịch, chuyên môn phá làng phá xóm. Tuy phá, nhưng tôi vẫn không bao giờ dám bén mảng tới gần gốc me này. Tôi sợ! Tôi sợ những lời đồn của mấy đứa bạn trong xóm về huyền thoại của cây me. Những lời đồn đó đã làm tôi chùn chân trước sự hiện diện của khu vườn vắng người trông nom. Theo như lời của những người trong xóm kể cứ mỗi đêm ba mươi hay trăng rằm, trên gốc me, người ta thấy bóng của một người thiếu nữ với mái tóc dài thả lơ lửng, đầu gục xuống. Cô gái đang treo trên sợi giây thòng lọng, treo tòn teng trên cành cây.
Họ thêu dệt ra rằng gia chủ là phù thủy chuyên đi tìm những người con gái còn trong trắng để giao hợp rồi giết và treo lên cây. Lý do họ nói như thế là vì gia chủ của ngôi nhà đóng cửa và cây me ấy là một người khác so với dân trong xóm. Ông ta là Tây lai với đôi mắt sâu thăm thẳm như cố tình thu hút hết hồn của những kẻ chuyên môn soi mói chuyện người khác. Họ còn thêu dệt thêm rằng trong nhà ông có rất nhiều thây ma và xác chết.
Cũng có nhiều người kể chuyện huyền thoại về cây me và ngôi nhà suốt ngày cứ đóng cửa im ỉm kia. Bởi vậy, không một người nào dám bén mảng lại gần ngôi nhà ấy.
Chủ nhân của ngôi nhà có cây me huyền thoại kia là ông Tường, một người đàn ông khoảng ngoài năm mươi. Ông có mái tóc bồng, mũi cao, cằm bạnh, mắt to và sâu, dáng người dềnh dàng, lực lưỡng. Ông Tường không vợ, không con. Ông sống một thân một mình bên căn nhà đóng kín bên cạnh mảnh đất rộng và vườn trái cây. Trước kia, ông Tường sống bằng nghề đào và đúc bi giếng cho những người trong xóm, trong làng.
Nghe mẹ tôi kể lại, lúc ông Tường còn trai trẻ, ông rất đào hoa và có nhiều tài. Tiếng Tây ông rất giỏi và có khiếu về hội họa. Những giếng do ông đào, xem mạch, nước uống rất ngọt, không phèn, và ít khi nào thiếu nước vào mùa khô. Nhưng, mấy năm gần đây do sự già yếu và phát triển của đô thành, những người thuê ông thưa dần và mất hẳn. Nên ông đâm ra chán nản. Ông thường bỏ nhà đi rong, uống rượu. Ông vốn không bạn, nên ít người viếng thăm. Từ đó ngôi nhà và cây me kia mặc sức người trong xóm, trong làng thêu dệt thêm nhiều huyền thoại.
Có lẽ ông Tường có máu Tây, nên ông thích trẻ con? Một lần, khi tôi đi học về, ngang qua khu vườn, ông kêu tôi vào và cho tôi trái cây ông hái từ trong vườn. Lúc ông gọi, tôi cứ đứng chùn chân mãi chẳng muốn vào. Nhưng thấy nét mặt dễ mến và tươi cười của ông, tôi cũng bước chân theo ông. Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân vào nhà ông.
Khi tôi bước chân vào nhà ông Tường, tôi thật sự ngạc nhiên và thích thú với cách trang trí của ông. Không như những lời mà mấy đứa bạn tôi nói; nhà ông có nhiều thây ma. Mà, ngược lại, nó rất đẹp. Phòng khách có bộ trường kỷ được đóng bằng gỗ hương đang lên nước, bóng loáng. Một cái bàn hình chữ nhật và bốn cái ghế cũng bằng gỗ hương hay gụ gì đó cũng đang lên nước. Nhìn vào, tôi có thể thấy được bóng của mình loáng thoáng trên mặt bàn, trên mặt trường kỷ.
Trên bàn là bình hoa hồng trắng và hồng đỏ, một đĩa trái cây tươi. Đưa mắt nhìn lên tường, tôi thấy có tất cả bốn bức tranh rất đẹp. Khi nhìn vào những bức tranh ấy, chúng như thu hút sự tò mò của tôi. Chúng thu hồn tôi. Tôi không còn nhớ rõ bốn tấm tranh vẽ những gì. Trừ bức thứ tư, đối diện với tôi. Bức tranh ấy vẽ hình bàn tay thô, nứt nẻ, chai cứng, bàn tay đang nâng niu một nụ hồng chớm nở. Nhìn bức tranh tôi cảm thấy nó có cái gì đó tương phản với nhau, trong cái khô cằn có nét dịu dàng sắc sảo. Bức tranh đó cứ ám ảnh tôi mãi cho tới ngày nay. Bên dưới bức tranh ấy có ghi những hàng chữ Tây như "rồng bay phượng múa".
Thấy tôi nhìn vào bức tranh, ông nói với tôi bằng một tràng tiếng Tây. Tôi chẳng hiểu gì cả. Nhưng, sau đó, ông nhận ra, nên chợt ngưng ngang và dùng tiếng Việt để nói với tôi:
− Tình yêu là thứ rượu ngon, là hoa hồng đẹp, nó đốt cháy tim tôi! Hình đó moa vẽ đó, có đẹp không?
− Dạ đẹp, con thích lắm.
Ông nhìn tôi cười và nói thêm một tràng tiếng Tây khác. Nói xong, ông lấy tất cả các thứ trái cây trong đĩa đưa cho tôi và tiễn tôi ra tận cửa.
Kể từ hôm ấy, tôi thường ghé lại nhà ông chơi mỗi lần có ông ở nhà và không say xỉn. Cũng từ đó, tôi làm quen với khu vườn nhà ông, làm quen với cây me. Thấy tôi ghé lại nhà ông thường xuyên, đám bạn tôi, đứa nào đứa nấy cũng le lưỡi lắc đầu có vẻ thán phục tôi lắm.
Những lần đi học về, dù có ông ở nhà hay không, tôi đều vào nhà ông hái trái cây đem về ăn. Nếu có ông, tôi xin phép được hái và đích thân ông đem ra cái lồng hái thật dài để hái những trái mà tôi thích và chỉ ông. Rồi những lần không có ông ở nhà, tôi trèo lên hái thật thỏa thích. Có một lần đang lúc trèo lên cây me hái trái, trong lúc ông vắng nhà, khi nghe tiếng động, biết ông về. Tôi vội trèo xuống, chui rào và ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Đến nhà tôi vừa thở vừa lo ông mách mẹ. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho trận đòn sẽ đến như những lần hái trộm của nhà người khác. Nhưng không, ngày đó tôi không có gì xảy ra. Và, mẹ tôi vẫn không biết được chuyện tôi hái me trộm bị ông bắt gặp.
Từ đó, những lần đi học về, tôi không dùng lối đi ngang nhà ông. Mà, tôi dùng ngã sau, xa hơn cố tình tránh mặt ông. Một tuần lễ liên tục, tôi cứ dùng lối sau như vậy mà về nhà.
Hơn tuần lễ trôi qua…
Một buổi sáng nọ, nhà tôi có người hàng xóm đến chơi và đem biếu mẹ tôi ít mắm ruốc. Có gói ruốc ngon, anh tôi nhìn tôi rồi nói vớ vẩn:
− Trời, mắm ruốc ngon và thơm thật. Mắm ruốc này mà có me ăn thiệt hết xẩy.
Rồi anh hỏi tôi:
− Sao bữa giờ tao không thấy mày đi hái me bên nhà ông Tường nữa Thiện? Bộ ăn me nhiều quá rồi bây giờ ê răng rồi hả? Hôm nay có mắm ruốc ngon, mày đi hái về cho tao vài trái me non, tao cho mày hai trăm sáng mai mua ổ bánh mì ăn đi học.
Nghe anh cho tiền mua ổ bánh mì, tôi lưỡng lự. Nhưng rồi chứng nào tật nấy, tôi qua nhà ông Tường định vạch rào hái trộm me. Khi đến nhà ông, cánh cửa xanh vẫn đóng kín, tôi mừng lắm. Đến khi tới gần, tôi mới nhận ra là cổng lối vào vườn không khóa như mọi khi, nó chỉ khép hờ. Tôi nhẹ đẩy cánh cửa qua một bên rồi vào trong vườn hái me giống như mình là chủ vườn vậy. Chắc có lẽ hôm trước thấy tôi vạch rào tìm chỗ để chui, nên ông để cửa chờ đón tôi trở lại chăng?
Thấy vậy, tôi có cảm giác vừa hổ thẹn, vừa kính nể ông. Nhưng, tôi vẫn không bỏ tật hái me trộn.
Vào một mùa hè, khi tôi mười ba tuổi. Cây me vẫy tay gọi mời. Những trái me dài ngoằn trông thật đẹp mắt. Tôi hỏi mẹ và xin một ít mắm ruốc để ăn me. Ở nhà tôi, ngoài anh tôi và tôi ra, cả nhà không ai ăn ruốc. Tôi chạy vào bếp lấy cái chén nhỏ, múc ít mắm ruốc rồi dầm hai trái ớt hiểm, vắt thêm tí chanh, bỏ tí đường vào, hòa đều. Tôi dùng tay quẹt thử miếng ruốc, cho vào miệng.
Ngon tuyệt!
Tôi gật đầu rồi bỏ chén mắm ruốc vào cái túi nhựa và đi đến nhà ông Tường. Miệng ngậm quai sách của cái túi, tôi trèo lên cây me và hái trái. Những trái me dài thòng, dẹp dẹp, mới vừa tượng hột được tôi hái và quẹt mắm ăn ngon ăn lành. Cái mùi vị mằn mặn, cay cay, thơm thơm của mắm hòa lẫn với me ăn vừa giòn vừa chua làm lưỡi tôi ríu lại. Tôi vừa ăn, vừa hít hà, vừa gãi đầu. Cảm giác thật khoái. Tôi ăn gần hết chén ruốc rồi mới chịu trèo xuống đất và vứt cái chén vào đám lá gai gần đấy rồi phủi tay ra về.
Đến nhà, tôi nốc cạn cả ly nước lã ở cái lu kê dưới gốc dừa. Nước mát rượi làm lưỡi tôi tê như ríu lại. Cảm giác thật thích, tôi uống thêm ly nữa, rồi ly nữa...
Tôi hít hà, khoái trá. Hôm đó, chắc có lẽ ăn quá nhiều me, rồi uống nước lã, nên tôi bị Tào Tháo rượt.
Cứ thế, hè này đến hè khác, cây me sau vườn nhà ông Tường thu hút tôi như thỏi nam châm hút đi những mảnh sắt vụn. Cây me nhà ông Tường cũng đôi lần giúp tôi ít tiền tiêu vào dịp gần Tết. Ba tháng trước khi Tết, mợ tôi thường làm mứt me. Mợ nhờ tôi kiếm mua dùm ít me già, nhưng chưa dốt. Trong đầu tôi lúc ấy, lại loé lên những trái me nhà ông hàng xóm. Tôi đi hái về cho mợ. Mợ cho tôi tiền dành sắm đồ Tết. Thế là tôi có những bộ đồ mới thật đẹp.
Hết mùa me non, lại đến mùa me dốt. Những trái me già vỏ vàng là những trái me ngon. Hái riết rồi tôi biết cả phân loại me. Me nào dốt, me nào chín, me nào còn xanh, tôi biết cả. Tôi chỉ đưa tay cào nhẹ vào vỏ me là có thể biết được liền. Khi thấy dấu trày do móng tay cào, nếu vỏ me có màu xanh thì me còn non, chưa dốt. Ngược lại, nếu mà màu đen thì me chín, còn hơi đà thì me dốt. Những trái me dốt vừa chua, vừa ngọt, vừa bùi, ngon tuyệt. Còn me chín thì khỏi phải nói, cơm mầu vàng đỏ nâu, bỏ vào miệng ăn thì khỏi chê.
Ngoài việc cây me giúp tôi giải trí, giúp tôi khỏi buồn, giúp tôi kiếm tiền, cây me còn giúp tôi với nhỏ Thúy, con nhỏ bạn thân ở cùng xóm, gần nhau hơn. Tôi nhớ, những lần hái me chín là tôi dành cho Thúy một chùm có nhiều quả nhất. Lúc hái, tôi ngắt luôn cả cành và lá đem tặng nhỏ. Còn những lần khác, tôi ăn me rồi để dành hột me để đem cho nhỏ bán hàng xén. Cây me cứ như vậy gắn bó theo tôi như hình với bóng trong suốt bao năm trời.
Khi tôi rời khỏi Việt Nam, hình như cây me cũng buồn cho sự rời xa quê hương của tôi? Lá me úa vàng và rơi lã chã trông giống như những giọt nước mắt tiễn đưa người bạn thân rời xa xứ.
Qua bao năm xa quê, bây giờ, có dịp rảnh rỗi, nghĩ về quê hương, về cây me. Tôi không biết cây me kia có còn nằm im bên cạnh ngôi nhà có cánh cửa mầu xanh hay không? Hay ai đã vô tình chặt bỏ bao kỷ niệm êm đềm của tôi ấy? Tôi không biết ông Tường, người hàng xóm tốt bụng, có còn sống hay không? Còn cô bạn hàng xóm cùng thời con nít của tôi nữa, giờ đã ra sao rồi? Có chồng chưa?
Chắc tất cả chỉ là quá khứ, một kỷ niệm đẹp. Tuyệt đẹp, mà tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ quên.