Sự khác biệt giữa thất bại và thành công là giữa làm gần đúng, và làm thật đúng.

Edward Simmons

 
 
 
 
 
Tác giả: Takeyama Michio
Thể loại: Truyện Ngắn
Dịch giả: Đỗ Khánh Hoan
Biên tập: kmejoko
Upload bìa: Thanh Minh Le
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
uy nhiên, chiến tranh đã bắt đầu có nhiều bất lợi cho chúng ta, sau cùng ai nấy cũng biết rõ rằng tình thế của chúng ta đã tuyệt vọng. Chúng tôi bắt buộc phải chém vè chạy từ núi này đến núi kia qua những vùng đất xa lạ, cố gắng làm thế nào vượt dãy núi biên giới phía đông để đi sang nước Xiêm. Có lần chúng tôi Cẩn thận chọn một lối mòn dốc thẳm và bấm bước hàng giờ trên con đường ấy. Lần khác chúng tôi vượt qua một cây cầu treo, đu đưa trong gió, bắc qua một hiệp đạo. Những chiếc xe cam nhông đã lần lượt hỏng máy, vì thế cuối cùng chúng tôi phải dùng xe bò chở đồ trang bị hoặc vác trên vai mà đi. Chúng tôi sống bằng cách cướp phá, thổ phỉ bất kỳ nơi nào chúng tôi đi qua. Đó là thời gian đầy những nguy hiểm khủng khiếp.
Chúng tôi trải qua nhiều kinh nghiệm đau xót. Có nhiều lúc anh em nghĩ đã đến chỗ chết mất rồi. Nhưng vào những lúc như thế, cây thụ cầm của trung sĩ Mizushima đã tạo nên nhiều phép lạ.
Một đêm, cheo leo trên dãy núi, bất thình lình chúng tôi thấy bị quân thù bao vây. Chúng khép chặt vòng vây dần dần và tấn công chúng tôi trong một khe núi nhỏ hẹp. Chúng tôi lạc mất đường và chỉ còn có thể nhìn thấy xung quanh nhờ ánh sao chiếu lọt qua đám lá cây trên đầu. Chúng tôi bị bao vây tứ phía.
Quân thù tập hợp dọc triền núi bên phải và bên trái chúng tôi; chúng dùng đèn báo hiệu với nhau khi lùng kiếm chúng tôi. Trên đầu súng nổ rền trời. Đạn đại bác rít trong không khí nghe như tiếng một miếng vải lụa bị xé làm đôi. Và vừa đúng lúc chúng tôi tưởng đã yên rồi, ai ngờ một tiếng nổ kinh hồn lại vang lên như sấm trong khe núi nhỏ hẹp; rồi đá, đất rào rào rơi xuống người chúng tôi.
Nghĩ rằng chắc chắn sẽ bị tiêu diệt, chúng tôi xô nhau núp dưới hàng cây, nằm trên mặt đất trong khe núi ẩm ướt, tối om. Tất cả anh em đều sửa soạn để chết. Chúng tôi ngồi đó nín hơi im lặng, lưng chụm vào nhau, mắt trố nhìn đêm tối. Tôi nghe thấy tiếng tim tôi đập thình thịch, hầu như ở ngay trong cuống họng ấy.
Những ngọn đèn trên triền núi lóe sáng báo hiệu nhanh hơn bao giờ hết, quết qua quết lại.
Lúc ấy hẳn là một người trong bọn chúng tôi đã mất hết tinh thần, vì ở phía ấy có tiếng nói thều thào Nam Mô A-Di-Đà Phật!
Tôi nghe thấy tiếng mắng át ngay: "Suýt!" Đó là Mizushima. "Quanh đây có thể có trinh sát của quân thù," anh ấy thì thầm.
Ai nấy lại im lặng. Tiếng đại bác lại nổ trên đầu; đạn lóe sáng phá tung gần ngay chỗ chúng tôi đến nỗi tất cả anh em hầu như chẳng còn nhìn thấy gì nữa; thỉnh thoảng chúng tôi nghe thấy đất, đá rào rào đổ xuống như mưa nặng hạt, hoặc một thân cây gãy tan tành.
Khi giây phút ấy đã tạm ngưng một chút, Mizushima mon men bò lên chỗ đại úy và thì thầm cái gì đó. Vài phút sau, anh bắt đầu một mình trèo lên mặt khe núi, mang theo cây thụ cầm. Trên trời sao đang lấp lánh, anh có thể nhìn thấy bóng đen của anh ấy lẩn vào đám cây một lúc lâu, rồi biến dạng trên dãy núi.
Tôi không nhớ rõ sau đó bao lâu nữa (hình như chỉ một lúc ngắn thôi), chúng tôi nghe thấy tiếng cành cây kêu răng rắc trong lùm cây cách chỗ chúng tôi độ khoảng mười thước. Rồi chúng tôi nghe thấy tiếng người luồn dưới các lùm cây thâm thấp. Hai người đang nói chuyện với nhau - bằng tiếng Anh.
"Chẳng có ma nào ở đây hết một giọng nói trẻ, dắng dỏi thốt ra. "Chắc đó là một con thú rừng."
Sau một lúc im lặng người khác nói: "Tao thèm thuốc lá quá."
"Nguy hiểm đấy!" Giọng nói thứ nhất cảnh cáo. "Hãy cố mà nhịn đi."
"Mày nói thế là thế nào hở? Yên rồi mà -chúng nó không quanh quẩn ở đây đâu."
Chúng tôi nghe thấy tiếng đánh diêm và nhìn thấy một đốm lửa lóe lên ở hướng ấy. Hai tên lính Anh Cát Lợi đang ngồi trên một tảng đá lớn. Ngọn lửa của que diêm soi sáng những cái má đỏ hồng và những con mắt xanh lè của chúng. Hai thằng này là trinh sát viên. Que diêm tắt ngay tức khắc. Chúng tôi nín thở và vẫn ngồi, bất động. Dù ở trong bóng tối chúng tôi vẫn có thể nhìn thấy nhau rõ mồn một; tuy nhiên những thằng lính đối phương không nhìn thấy chúng tôi.
Một thằng bắt đầu huýt sáo nhè nhẹ. Thằng kia làm theo, ngân nga kéo dài, giọng trầm trầm.
Đó là một diệu hát chúng tôi biết gọi là "Ánh Đom Đóm". Liền đó một thằng thở dài và nói: "Không hiểu bây giờ gia đình tao ra sao."
Đúng lúc đó chúng tôi nghe tiếng đàn thụ cầm từ phía bên kia dãy núi vọng lại. Thoạt đầu, đó là một điệu khúc nhẹ nhàng, buồn buồn; nhưng liền đó, tiếng nhạc trở nên vô cùng cảm động, một bản nhạc tức tịch, man rợ.
Đầu điếu thuốc lá rực sáng trong vẻ ngạc nhiên. "Cái gì thế?" Một trong hai thằng trinh sát kêu lên. "Tai tao đâu có điếc?"
"Không. Tao cũng nghe thấy. Dù là đứa nào đi nữa, thằng ấy chơi nhạc hay quá!"
Chúng tôi có thể nhìn thấy những ngọn đèn trên dãy núi xúm lại trong một lúc rồi cắm đầu đi xuống một thung lũng khác hướng thẳng về phía tiếng đàn.
Trong bóng tối gần chỗ chúng tôi những thằng trinh sát đối phương đang nói chuyện nôn nả.
"Mình ra đó xem sao - có thể là tụi Nhật."
"Đừng dớ dấn. Đó chắc là một làng thổ dân. Nhưng có lẽ họ biết tụi lính lùn ở đâu." Hai thằng lính ấy leo ngược dãy núi.
Tiếng đàn im bặt một lúc, rồi lại trỗi lên ở phía xa hơn. Lúc một. người trong đám anh em chúng tôi đi xem xét tình hình, anh ấy thấy ánh đèn của quân thù đang mờ dần, mỗi lúc một xa hơn, cách chỗ chúng tôi đang nằm.
Chúng tôi đã được cứu thoát như thế đấy.!
Sáng hôm sau trung sĩ Mizushima quay về với anh em, người anh tím bầm, sứt sẹo.
Trong lúc bôn đào chúng tôi thường bị tụi Gớc-ca tấn công. Những tên lính hung dữ này mặc đồng phục màu xanh lá cây và đeo ở dây lưng da dao găm lưỡi cong. Chúng thường ngồi rình ở trên cây, rồi bất chợt tấn công quét sạch chúng tôi bằng những loạt tiểu liên tự động khi chúng tôi đi ở dưới. Chúng tôi sợ tụi Gớc-ca này nhất, hơn bất cứ cái gì, và bất kỳ khi nào nghe tin tụi chúng ở làng bên, chúng tôi thường đi vòng quanh ngôi làng ấy tránh đụng độ với chúng nó.
Nếu chúng tôi đến một khu rừng có vẻ nguy hiểm, trung sĩ Mizushima luôn luôn cải trang mặc quần áo Miến Điện và đi tiền sát.
Người Miến Điện trông rất giống người Nhật Bản chúng ta, trừ điểm họ có râu lún phún. Tuy nhiên, mới hai mươi mốt tuổi, Mizushima đã có râu lưa thưa rồi, và hai con mắt to sáng giống một người Miến Điện lắm. Anh có nước da thật xạm. Nhưng đặc biệt, tuy là một người rất can trường và táo bạo, song dường như anh lại có nét mặt buồn buồn, trầm tư mà những dân tộc nhiệt đới như người Miến Điện thường có; có lẽ là do khí hậu ngột ngạt của xứ sở họ. Và khi quấn quanh người cái sà-rông màu vàng ửng, anh ' trông giống hệt một thổ dân.
Anh xứng hợp với bộ quần áo Miến Điện đang mặc đến nỗi chúng tôi thường cười và nói với anh: "Này, Mizushima, cậu phải ở lại Miến Điện mới được. Tụi nó thích cậu ở đây đấy."
Mizushima cũng cười, rồi cúi xuống nhìn chính mình; anh thường tập tọe lặp thành câu một ít tiếng Miến Điện: "Tôi... người Miến Điện. Miến Điện là một xứ xinh đẹp."
Anh thường ngụy trang như thế, rồi mang theo cây thụ cầm và lẩn vào trong rừng. Nếu cho là đường đi an toàn, anh sẽ đánh đàn và hát một bài ca bản xứ. Tức thì tất cả anh em chúng tôi rời chỗ ẩn núp và lên đường.
Có lần Mizushima đi đúng ngay vào chỗ tụi Gớc-ca mai phục. Ngay trên đầu anh một thằng Gớc-ca đang ngồi xoạng chân trên một cành cây tếch cao lớn. Gắn chặt môi dưới đỏ chót, có hàng râu lưa thưa che lấp, người thanh niên với cặp mắt sáng quắc ấy ngồi thụp xuống nhìn thằng lính. Khi đưa mắt quan sát tình hình, Mizushima phát hiện nhiều bóng người mặc đồng phục màu xanh lá cây lô nhô trên những cây cao, núp mình trong đám lá.
Quá muộn mất rồi để rẽ ngang. Tập trung hết can đảm, anh bắt đầu hát một bài ca của tu sĩ Miến Điện và thẳng người bước đi dưới hàng cây cao lớn ấy.
Chắc thằng Gớc-ca cho rằng anh là một nhạc sĩ lang thang, vì nó ném một đồng tiền xuống cho anh. Bốn, năm tên lính khác bắt chước làm theo, vung tiền xuống đất. Mizushima cúi nhặt, rồi vừa gật đầu cảm ơn theo truyền thống Đông phương vừa đưa những đồng tiền lên ngang trán.
Thằng lính ngồi xoạng trên cành đu đưa hai chân một cách uể oải trong lúc quát lớn tiếng: "Này, có nhìn thấy thằng Nhật nào không hở?"
Mizushima giơ tay chỉ về phía ngọn núi xa. Thằng Gớc-ca gật đầu, rút con dao găm cong lưỡi ra khỏi bao, với tay cắt một trái cây thơm phức rồi ném xuống cho anh.
Mizushima lại cúi đầu cảm ơn. Đoạn đứng dưới cái cây đầy nhóc tụi Gớc-ca, anh nảy đàn chơi một bản nhạc cho chúng nó nghe - một điệu nhạc chúng tôi thường dùng để báo hiệu nguy hiểm.
Lần khác, một chuyện buồn cười xảy ra. Mizushima đã đi thám sát lâu rồi mà vẫn chưa về, nên chúng tôi bắt đầu lo lắng. Cuối cùng, vừa lúc sắp sửa phái một thám báo viên khác ra đi thì chúng tôi nghe thấy một bài hát nhè nhẹ - đó là dấu hiệu vô sự của chúng tôi - từ tận trong lòng rừng vọng ra.
Thở phào khoan khoái, chúng tôi bèn trực chỉ đi vào trong rừng và thấy Mizushima đang ngồi xổm trong đám cỏ cao, gảy đàn một cách rã rời chán nản.
Lúc đi tới chỗ anh, chúng tôi giật bắn mình khi thấy anh đang quấn một tàu lá chuối to tướng quanh thắt lưng thay vì cái sà-rông. Cái dọc chuối lòi ra ở sau lưng trông giống như đuôi một con chim.
"Sao mà cậu lại thế này hở?" Chúng tôi hỏi.
Anh giải thích, một thằng Miến Điện mặt mũi gớm ghiếc từ phía bên kia đường đã nhảy chồm tới anh và chĩa súng lục vào đầu anh. Đó là một tên cướp. đường; bọn này bắt đầu xuất hiện khắp nơi, dùng võ khí do quân đội Nhật Bản bỏ lại. Nhưng vì phần lớn người Miến Điện có thể bị cướp bóc tất cả mọi thứ, trừ cái sà-rông họ mặc, thế cho nên thằng cướp ấy mới hỏi xin Mizushima cái sà-rông.
Trong sứ mạng trinh sát ngụy trang như một người Miến Điện, Mizushima luôn luôn ra đi không mang võ khí. Vì cái sà-rông mà mất mạng có lẽ có nghĩa là thất bại trong nhiệm vụ, nên anh đã phải làm theo ý tên cướp.
Tuy nhiên, điều lạ lùng về tụi cướp này là chúng mang theo rất nhiều lá chuối. Người Miến Điện không mặc gì trong sà - rông hết, không có ngay cả quần đùi. Nếu lấy cái sà - rông, anh sẽ đẩy họ vào tình trạng xấu hổ một cách đáng thương hại; và do thế, vì lòng thương hại đối với các nạn nhân, tụi cướp đã có vật thay thế sẵn sàng đưa cho họ. Ngôn từ chúng dùng cũng dịu dàng. Chĩa súng vào anh, chúng nói: "Đổi cho tôi cái sà - rông đang mặc lấy tàu lá chuối này nhá".
Miến Điện là xứ sùng đạo Phật nơi dân chúng sẵn sàng chấp nhận một mức sống vô cùng thấp. Họ là một dân tộc dễ thương — không có tính tham lam, hoặc nói một cách kém tử tế - không có tham vọng. Đó là lý do tại sao họ đã lẹt đẹt chạy sau cuộc cạnh tranh trong thế giới hiện tại, mặc dù tài nguyên thiên nhiên của họ rất phong phú, trình độ giáo dục của họ rất cao. Tại xứ này không bao giờ có phạm nhân tàn ác. Ngay cả tụi cướp mới võ trang này cũng cư xử theo thói nhã nhặn cổ truyền.
May mắn cho chúng tôi là tên cướp chú ý tới cái sà - rông của Mizushima chứ không phải cây thụ cầm.
Vì thế chúng tôi bắt gặp Mizushima ở đó, giữa đám cỏ hôi thối, dưới ánh nắng gay gắt, trần như nhộng trừ tàu lá chuối che thân. Chúng tôi tiến đến chỗ anh, vỗ vai và nói: "Ngồi như thế này nghĩa là thế nào hở?" Cậu đang bị con cáo hoặc cái gì thôi miên phải không?"
Mizushima cười chữa thẹn, nhưng liền đối đáp câu chọc ghẹo của chúng tôi: "Tàu lá chuối làm đồ che thân mát đáo để," anh nói. "các cậu thử mặc mà xem.
Cây Đàn Hạc Miến Điện Cây Đàn Hạc Miến Điện - Takeyama Michio Cây Đàn Hạc Miến Điện