Cầu Chúa ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những thứ con không thể thay đổi, sự caN đảm để thay đổi những thứ con có thể, và sự khôn khoan để phân biệt những cái có thể thay đổi và không thể.

Dr. Reinhold Niebuhr

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 639 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ì Sáu là một người đàn bà rất đáng phục, di tản sang tây từ hồi sau 1975, không biết một tí tiếng Pháp nào, lúc nhỏ chắc học hành cũng chẵng bao nhiêu, vậy mà lại sống được, một thân một mình, từ mấy chục năm nay tại xóm La Tinh, ở ngay trung tâm thành phố Ba Lê.
Chúng tôi gặp Dì lần đầu khoảng trước đây cũng gần ba chục năm. Khi đó vùng Ba Lê còn ít người Việt, và họ phần lớn sống ở ngoại ô. Trong xóm La Tinh chỉ có môt tiệm độc nhất bán thức ăn Việt Nam, rất nổi tiếng. Tôi ở ngoại ô, mỗi cuối tuần lái là xe chở vợ và hai con nhỏ vào xóm La Tinh mua thức ăn Việt. Hôm đó, mua hàng xong, tôi vừa mở cửa xe cho hai cháu lên, thì bỗng có một bà người Việt, tuổi cỡ trên năm mươi, quần áo đen, xách một cái thúng lớn xô hai đứa con tôi, chen vào ngồi trốn trong xe. Nhìn sau xe, tôi thấy có hai người cảnh sát đang rảo bước tới. Tôi không khỏi lo sợ, vì nghĩ bà đã làm điều gì bất chính, bị cảnh sát rượt. Nào ngờ khi hai người cảnh sát đến nơi, thì họ chỉ ghé đầu vào xe, trừng mắt nhìn bà một cách nghiêm khắc, rồi quay đi nhìn nhau tủm tỉm cười. Cảnh sát đi, bà chui ra, cảm ơn tôi, rồi xách thúng ra ngồi ở cái ghế bên lề đường. Thì ra là bà làm món ăn Việt Nam, rồi mang tới bán ở trước cửa hàng kia. Làm như thế là không có giấy má, không trả thuế, và cạnh tranh với cửa hàng. Chúng tôi tò mò ở lại xem, thì quả nhiên thấy thỉnh thoảng có mấy bà đầm tới mua hàng của bà. Tôi đã thấy ngay là bà không biết tiếng Pháp, vì người khách nào khi mua cũng đưa tiền rồi tự tay lấy cái túi tiền của bà để lấy tiền thối lại, một cách rất tự nhiên, không nói một lời nào với bà cả. Hai bên chỉ cười với nhau một cái, rồi người khách bỏ đi. Chắc bà bán tại đây từ lâu rồi. Dĩ nhiên là nhà hàng Việt Nam biết, nhưng bà đâu có bán được bao nhiêu, thành họ cũng bỏ qua. Còn cảnh sát thì quá biết. Nhưng bà không gây rối trật tự công cộng gì, nên cảnh sát cũng làm ngơ. Vợ chồng tôi ở lại nói chuyện, và từ ngày đó, chúng tôi đã trở thành hai người bạn của bà. Sau đó ít lâu, chúng tôi cũng dọn vào ở xóm La Tinh, tình cờ gần nhà bà, thành ra chúng tôi là hàng xóm và tình bạn với bà kéo dài tới gần ba mươi năm, tới khi bà tự nhiên mất tích, nhưng đó là chuyện về sau.
Bà người miền nam, sinh trưởng ở Rạch Giá, con thứ năm một gia đình chuyên làm nước mắm. Vì là con thứ năm, nên chúng tôi gọi bà là dì Sáu. Dì Sáu hồi nhỏ cũng chỉ học cho tới biết đọc biết viết, rồi lớn lên đi buôn bán chút đỉnh, chờ ngày lấy chồng sinh con đẻ cái như nhiều con gái trong làng thời bấy giờ. Nhưng khi đó, chiến tranh đã tới lúc khốc liệt, con trai trong làng đi lính hết, quân Mỹ càn quét, dân tình ta, nhất là ở vùng quê, hết sức khổ sở. Sau năm 75, gia đình bà ở lại. Trong cảnh sống cùng cực, bà được chứng kiến nhiều vụ người ta vượt biển, vì nhà bà ngay ở bờ biển. Trước nhà là đường cái, sau vườn là ra cửa biển. Có người lạ không biết là ai, vào nhà bà,chạy chui ra sau, lên thuyền đã đỗ sẵn rồi rông tuốt. Một ngày kia, bà thấy người ta nhờ vả chạy qua nhà mình thì cũng chạy theo lên thuyền. Rồi họ đi đâu thì lẽo đẽo theo đó, thời cuộc xô đẩy, bám theo hết nhóm này rồi đến nhóm kia, không hiểu thế nào cũng sang đến đất Pháp, vào một trại tị nạn ở gần Ba Lê. Rồi một ban từ thiện tìm cho bà được một căn nhà ngay tại xóm La Tinh, như đã nói ở trên.
Dì Sáu người lùn tịt, lúc nào cũng mặc quần áo đen. Mặt Dì rám nắng, đầy vết đen vì đã quá nhiều gian nan. Nét mặt đều đặn, hồi còn con gái chắc cũng xinh xắn. Nghề của Dì là làm món ăn Việt Nam, rồi bán cho hàng xóm hay ra đường bán một cách kín đáo. Da mặt lúc nào cũng bóng nhoáng vì bao năm làm bếp đầy dầu mỡ. Chân tay bà chắc nịch vì sáng tối làm việc, không những đêm phải làm món ăn, ngày còn phải vác thúng đi bán, trời nóng ran hay rét cóng cũng vậy. Nhiều người sống chung quanh đã biết ngày giờ của bà, hay tới mua, còn tới đặt hàng, thành bà không những sống thoải mái, còn có tiền để dành nữa.
Nhà Dì ở tầng hai, trong một nhà lầu chung cư đồ sộ đầy chạm trổ, ngày xưa chắc là rất đẹp, nhưng vì xây từ đầu thế kỷ, nay đã nhiều mục nát, rỉ sét. Vừa vào cửa, theo hành lang, chưa đi lên lầu đã biết là có bà con ta ở, vì mùi xào nấu nước mắm phảng phất. Hơn nữa lại nghe âm thanh tiếng cải lương rề rề hay tiếng tụng kinh gõ mõ nhè nhẹ. Sau này tôi biết người ở chung cư nhiều ta thán. Người ta cắt nghĩa cho bà thì bà không hiểu, hoặc có hiểu nhưng làm như không, vì bà quen sống ở bên nhà như vậy rồi. Bà có hai căn buồng, một căn để ngủ, có giường và hai cái nệm trải trên sàn nhà, căn kia là bếp, để đầy nồi niêu xoong chảo, một cái máy ướp lạnh đồ sộ, thức ăn chật cứng. Cửa nhà ngày đêm không bao giờ khoá, đẩy vào là thấy bà, tay mặt đầy dầu mỡ mồ hôi, hối hả ra chào đón.
Dì Sáu nghèo nàn, nhưng lại có một tấm lòng vàng. Chúng tôi thường nói: “Người này ít chữ nghĩa, nhưng giàu lòng Phật”. Ra đường hễ thấy người Á Châu trông dáng nghèo đói đi lang thang, là bà tới hỏi thăm, cho thức ăn. Nếu là đàn bà, thì đem về cho ở nhờ. Vì thế gần như lúc nào trong nhà Dì cũng có người. Bà nói: “Có người ở dăm ba ngày, có người ở cả tháng. Tôi nuôi cho ăn, rồi còn cho chút đỉnh tiền xài. Có người cũng làm bếp dùm tôi, có người cả ngày chỉ nằm ngủ”. Điều rất mầu nhiệm là những người ở nhờ toàn là dân nghèo khổ, thế nào cũng có kẻ bất lương, nhà bà thì đồ đạc hở hang, vậy mà chưa một ai lừa đảo trộm cắp của bà một thứ gì. Tấm lòng Phật của bà đã cảm hoá được những người nghèo khổ, dù họ rất dễ bị lôi cuốn vào con đường gian giảo.
Xóm La Tinh có nhiều trường trung học nổi tiếng, như trường Louis-Le-Grand, Henri IV, Saint Louis, sửa soạn cho học sinh thi tuyển vào các trường kỷ sư hàng đầu bên Pháp. Cha mẹ nào có con tới mấy năm cuối trung học ai cũng mong xin cho con được vào các trường nói trên. Nhưng muốn được vào phải có hồ sơ thật xuất sắc, hoặc cha mẹ phải ở trong vùng này. Có một gia đình nghèo cũng là dân tản cư, ở xa ngoại ô Ba Lê, quen được bà, đến nhờ địa chỉ của bà xin cho con vào trường Louis-Le-Grand. Bà kể lể: “Người ta nhờ tôi, thì tôi ký giấy, tôi bảo cậu đó cứ đến đây mà ở. Nó đi học cả ngày, chỉ tối mịt mới về, có khi đêm khuya lắm rồi mà còn cặm cụi ngồi đọc sách. Không hiểu nó ăn uống ở đâu, thỉnh thoảng mới ăn của tôi vài miếng bánh”. Cậu sống hoà hợp với các người bạn khác của Dì. Vợ chồng tôi hỏi thăm, biết là sau mấy năm trời ở đây, cậu học trò nhà nghèo chăm học đã đỗ vào trường Bách Khoa. Cậu thành tài, vẫn nhớ ơn, lui tới thăm bà trong nhiều năm, lúc nào cũng mang nhiều quà đến cho bà.
Dì Sáu ngoài tiếng Việt còn nói được tiếng Miên và tiếng Trung Hoa. Bà ít chử nghĩa nhưng lại thuộc kinh làu làu. Nhất là kinh tiếng Phạn, như Chú Đại Bi, Bát Nhã Tâm Kinh, có ai hiểu gì đâu, vậy mà bà cũng thuộc. Nhiều lần tôi đến thăm đứng lại hành lang nghe bà tụng kinh Phổ Môn, tiếng chuông mõ rất nhịp-nhàng. Nhưng bà để băng nhạc cải lương suốt ngày không ngừng. Ngay lúc tụng kinh bà cũng để băng cải lương. Bà nói: “Cải lương tôi đã thuộc lòng, có nghe gì nữa đâu, nhưng để nhạc cho đỡ lẻ loi”. Trong buồng bà có một cái lò sưởi đã xây sẵn đục vào tường, bà dùng làm bàn thờ. Có lọ hoa, lư hương, chuông mõ, môt đĩa nhỏ trái cây, nhiều tranh và tượng Phật. Bà rất hãnh diện có một bức hình Phật Bà Quan Âm hiện ra trên trời ở Sài Gòn trong năm pháp nạn 1963, nghe nói do một phi công bay lên chụp được. Bức hình này rất nổi tiếng ở Sài Gòn vào dạo đó.
Dì Sáu biết rất nhiều sự tích về đức Phật. Không bao giờ thấy Dì than phiền về đời sống vất vả, lúc nào cũng tươi cười, nếu gặp trắc trở thì coi là kiếp trước làm tội nay phải trả. Dì luôn luôn lo làm phước, nói là để phúc cho đời sau. Dì tin là ai ai cũng tốt. Dì trả tiền thuê nhà rất sòng phẳng. Đi chợ hay mua thuốc thang, Dì cứ đưa túi tiền ra, người ta lấy đúng tiền mua. Tôi biết là dân bán hàng ở đây nhiều lúc lạm dụng du khách, nhưng tôi chắc là chưa ai lừa đảo Dì Sáu một lần nào. Thì ra lòng thành thật của Dì đã vun xới lòng thành thật của những người chung quanh.
Trong xóm La Tinh còn có một bà Việt Nam khác, hàng ngày lang thang cầu thực, chung quanh đây gọi là “ bà điên ”. Bà này ăn mặc dơ bẩn, gặp ai cũng xin tiền, nhưng có một đặc điểm là có tiếng nói rầt trong, rất lớn, như chuông đồng. Nhiều lúc bà lên cơn, đứng giữa đường chửi đổng, hát, múa, tay đưa chân nhắc, lên xuống như người hát bội. Tiếng bà oang oang, những câu chửi lại có vần vè dễ sợ, nhưng người Pháp đâu có hiểu. Người qua đường tránh xa. Vì chửi ngoài đường bằng tiếng Việt không phạm luật xứ Pháp, nên cảnh sát không bắt bà về bót. Bà la lối một hồi, thấm mệt, rồi ngồi dựa vào cây mà ngủ. Dĩ nhiên Dì Sáu quen bà điên, và giúp đở bà điên rất nhiều. Dì đem bà điên về nuôi và chia xẻ cơm áo cho.
Một ngày nọ, chúng tôi đến thăm, thấy đầy thợ đang tu sửa lại hai căn buồng. Dì Sáu đã đi đâu mất. Những người thợ nói là bà đã dọn đi. Họ cho tôi địa chỉ mới của bà, nhưng tới đó, chỉ thấy một căn nhà bỏ hoang, kín cửa cao tường, không một bóng người. Vì lý do gì bà bỏ đi thì có ai biết đâu!
Từ đó tôi mất tin Dì Sáu luôn. Người đàn bà từ đồng quê nước mặn, xứ nghèo, theo xô đẩy của thời cuộc, đã đến tận kinh đô ánh sáng Ba-Lê, sống một thân một mình, rồi biến mất, không biết lưu lạc nơi nào. Chúng tôi tin là Dì ở hiền gặp lành, được Phật độ và Phật sẽ không bao giờ bỏ Dì. Dì sống như một nhà tu hành nhỏ phận, dấn thân ngoài đời, tự lập cánh sinh, và cảm hóa được những người chung quanh trong một khung cảnh thanh đạm, hiền hoà, từ thiện. Gặp người Pháp không nói được gì với nhau thì có khác chi hai bên cùng tịnh khẩu như trong một phép tu hành. Cũng như các nhà tu tịnh khẩu, họ dùng nụ cười chân thật thân tình làm giao thiệp. Chỉ một tội là Dì tụng kinh, nghe cải lương, làm ồn, và mùi Dì nấu bếp thì ít người chịu nổi.
Câu Chuyện Dì Sáu Câu Chuyện Dì Sáu - Sưu Tầm