Thất bại lớn nhất của một người là anh ta không bao giờ chịu thừa nhận mình có thể bị thất bại.

Gerald N. Weiskott

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 522 / 2
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôi nói với anh bạn học nghèo cùng học Đại học Văn khoa, tính hiền khô, giờ là quan chức cao cấp trong Chính phủ:
“Tớ cứ định viết về cụ Đa ở làng tớ, bị qui oan là địa chủ ác bá, bắn ở gốc đa sau đình làng...”
Thằng điên!
Đến khi anh bạn thân vặc lại câu ấy, tôi vẫn cứ nhớ về tuổi thơ gian khổ, cái buổi theo cha xuống bến đò, từ Đức Thọ đến vùng biển Nghi Xuân, xách tráp dạy học. Bến đò mạn cuối sông Lam gần biển thật sinh động hết chỗ nói, gió mát khác thường, phù sa đỏ au khác thường, cả con còng, con cáy ở đây cũng khôi ngô khác thường. Chẳng ai đón anh giáo nghèo là cha tôi. Cái ván làm cầu bắc từ mũi đò xuống bùn sao mà chông chênh. Phía trước là làng, những con đường nhỏ như sợi chỉ mọc đầy dứa dại. Một chiếc ô có sọc đỏ, cụ Tổng đi xem đồng.
Cha tôi giục:
- Chào cụ đi con!
- Chào quan lớn ạ.
Người đàn ông đậm thấp có nước da bánh mật rất dân dã, đôi mắt sáng, bắt tay cha tôi rất từ tốn: “Anh giáo về dạy vùng này?” Cha tôi vâng. Rồi ông cúi xuống véo má tôi:
- Ta không phải là quan lớn. Người làm ruộng thôi!
Từ bến đò đi vào làng, qua một khu đất rất đẹp, có hai hàng cau cao vút, cái giếng xây cao thành, dẫn vào khu nhà lợp ngói vuông vức nửa như nhà nửa như chùa, cha tôi nói nhỏ: “Nhà cụ Tổng”. Tôi hỏi: “Nhà của cái ông hồi nãy, phải không cha?”. Cha tôi vội xuỵt một tiếng rõ dài. Đúng khu nhà cụ Tổng Đa. Chỉn chu, vuông vức, mát rượi. Phía đông con đường cát cắt ngang là làng biển. Phía tây làm đồng, phần lớn là ruộng đất của cụ Tổng.
Đêm ấy cha tôi và tôi tá túc ngay ở trường làng. Đầu chiều có người báo: “Cụ Tổng sẽ đến chơi với anh giáo”. Một chốc thấy người đội mâm, sau đó là cụ Tổng đi ô, theo sau là cậu con trai của cụ Tổng. Cuộc thăm thật chóng. Mâm được gỡ ra, có gì đâu. Toàn khoai luộc và lạc luộc. Những củ khoai lang đất cát Đan Trường có tiếng vào tận câu ca, da đỏ như son, nứt bột thơm khó tả. Lạc xứ cát cũng thế, hạt to và chắc. Cụ Tổng cười rất bình dân: “Thầy giáo đến đất vùgn cát dạy con em. Đất đây có hai thứ nổi tiếng là khoai lang và lạc. Tôi dỡ ở đồng từ sáng, cho hầu luộc luôn để biếu thầy”. Rồi cụ chỉ vào người con: “Tôi có mấy cháu. Muốn nó học hành nên người. Đưa sang một đứa để thầy xem mặt. Về sau cậy thầy mở mang cái trí cho chúng”. Cụ Tổng nói đơn giản, rồi đưa tay vái biệt như người xưa, vừa dân giã như đồng đất, vừa biểu lộ sự trọng chữ nghĩa. Chẳng biết người được gọi là anh giáo, thầy giáo, được cụ Tổng nể trọng như cha tôi thì nghĩ gì, chứ tâm hồn non nớt của tôi thì lần đầu được biết một cụ Tổng Đa như vậy. Không có gì cần phải thêm bớt vào cả.
Từ đó cha đi dạy, tôi theo cha đi học, ở vùng cát biển Đan Trường. Trong con mắt nhìn thơ dại của tôi, vùng cát này nghèo, nhưng làm ăn chỉn chu, trật tự lắm. Người dân làm lụng, trọng chữ nghĩa, mùa nào việc ấy, theo lịch thời vụ và trời đất. Mùa mưa thì trồng cây gì, làm gì, nồm nam lên thì làm gì, khi đêm đêm nhìn lên những đốm lửa rừng cháy mờ tận ngọn núi giăng màn ở xa đâu đâu, cùng việc trời đầy sao... Là sáng mai người lớn ra đồng từ trước gà gáy. Không ai lười biếng, rượu chè, hút xách. Trẻ em chăm học, thấy thầy giáo từ xa đã đứng nép vào bụi cát, hai tay khoanh trước ngực, chào “Thầy ạ” râm ran. Dạo trời đất thanh bình, được mùa biển và nghề đồng, đêm đêm tiếng bước chân rậm rịch đi lên chợ Huyện, chợ Bơ, mùi cá nướng thơm lừng quyện mùi lúa vào đòng. Nhớ nhất dạo này là tiếng ngâm thơ Kiềutừ sớm của cụ Tổng Đa. Tiếng ngâm da diết, dài hơi, hay nhất là những đoạn thơ về cảnh làm ăn cần cù, về phẩm hạnh của con người. Tiếng sóng biển, tiếng lúa rì rào trên đồng Tây Cồn... hòa với tiếng ngâm Kiều da diết, gợi cả hồn quê. Chưa nói kinh nghiệm làm ăn, chỉ việc ngâm Kiều đêm đêm cho cả xã nghe, đọc Kiều cho cả xã thuộc, cũng đã phải kể đến cái công của cụ Tổng Đa rồi.
Vậy mà, đến khi cụ bị trói chân tay phơi nắng, đem ra đấu tố ở sân trước đình làng, đến khi bắn ở cây đa sau đình và chính cụ đã dùng giày săng đá đá đạn đi, người ta thi nhau nói oan cho Cụ. Xót xa nhất là hai điều này đã.
Người ta thay nhau, kể cả trẻ con, nhảy lên cái bục gỗ dùng để đấu tố. Rằng: Đêm đêm mày ngâm thơ Kiều để mày rởn mỡ, sướng tai, bóc lột chúng tao. Mày là địa chủ ác bá, ngâm nga chuyện con đĩ lầu xanh, trong khi chúng tao đổ mồ hôi sôi nước mắt...”. Rằng: “Mày thấy người sang bắt quàng làm họ. Thấy ai có chữ nghĩa là mày xoắn lấy, đón lấy, để cho con cái mày học hành giỏi giang, tiếp tục đè đầu cưỡi cổ chúng tao...”
Tôi thấy oan cho cụ Tổng Đa. Nói về việc học hành chữ nghĩa trước. Nhân bất học, bất tri lý. Từ xưa, làm người mà không học thì chẳng biết gì cả. Người tử tế trước hết là khát việc học hành. Thử hỏi, làm ruộng theo thời vụ, đi biển vào lộng ra khơi, mà không học, không có chữ để nắm lấy qui luật gió mưa, bão tố, thì phỏng làm ăn gì. Kẻ ngu muội làm quờ quạng, nhắm mắt làm liều, tự cho mình là giỏi, thật nguy hại. Cụ Tổng Đa khát sự học, muốn cho con cái học giỏi, thấy người có chữ đến xã đến làng mình là mừng, ấy là việc tốt của cụ Tổng. Về sau này càng như vậy, chỉ ai luôn mong muốn hiểu biết, muốn con cháu mình học giỏi, thì người ấy, nơi ấy mới làm ăn thịnh vượng được. Không là hỏng, chỉ là một lũ ngu xuẩn, bịp bợm, hợm hĩnh. Cái bọn dốt nát thường ghét chữ nghĩa, ghét sự học, ghét cái trí làm người, như cú sợ ánh sáng. Từ xưa cụ Tổng đã ghét loại người ấy, đã làm khác bọn chúng, thì sao lại còn đấu tố, còn đổ tội oan cho cụ được.
Đến việc ngâm thơ Kiều thì thật oan cho cụ Tổng Đa. Việc làm ăn, bóc lột, chia chác, chỗ nào tham lam, chỗ nào tàn ác thì cứ nói. Chứ việc ngâm thơ lại là tiếng thơ Kiều thì đó là cái hồn của người ta, làm sao mà qui tội này nọ được. Thử hỏi, con chim hót, con vượn kêu mà cũng có tội à. ở đây ngược lại, còn đáng phục đáng nhớ một tâm hồn như cụ Tổng Đa nữa. Thử tưởng tượng, ở một làng quê có một người chuyên hát Kiều, ngâm Kiều cho mọi người nghe. Cái hồn quê ở đấy, dâu bể cuộc đời ở đấy. Ngâm Kiều là ngâm lên cái ác của bọn ưng khuyển, sở khanh, vẻ đẹp và sự oan trái của kiếp hồng nhan như nàng Vân, nàng Kiều, từ đó mà gửi gắm tâm hồn của mình. Ai lại qui tội kiểu ấy, giết người ta chỉ vì những việc khác người như ngâm thơ, làm thơ, thì sự oan khuất sao tan được trong trời đất. ở ta triền miên cái thói ngu muội ấy. Anh ngủ vùi ngủ mướn, rượu chè cờ bạc, hè nhau rình dập, bắt chó bắt trâu của người khác thì không sao, trong khi một người già như cụ Tổng Đa sớm sớm thức dậy ngâm lên câu thơ Kiều thì bị qui tội đấu tố. Thật oan cho cụ Tổng Đa quá.
Còn cái gì không oan, tuổi thơ dại tôi đâu biết được. Mà ngay người lớn làm một anh giáo thuần chữ nghĩa như cha tôi cũng đâu biết được. Thực tế có không ít điền chủ bóc lột người nghèo, tận xương tủy, tham lam, tàn ác. Tôi chỉ nhớ như in lần ấy. ở sân đình vùng cát trắng miên man ấy, nơi vùng quê sóng biển như hú như gào ấy, hôm được nói câu cuối cùng trước khi bị đem xử bắn, trong sự cùng kiệt sức lực của hàng tháng trời đấu tố dưới nắng hè như đổ lửa, con người già nua trước vành móng ngựa bấy giờ như không phải là người nữa. Tiếng nói đã khác và cách nói đã khác như không còn dương gian mà đã nặng phần âm phủ.
Cụ Tổng Đa đứng lên rồi đổ xuống mấy lần, nhận cái tội làm giầu của mình. Nhưng cắt nghĩa vì sao mà giầu, thì cụ Tổng Đa lại nói: “Cái số tôi nó thế”. Tức thì hàng chục người thi nhau nhảy lên cái sạp gỗ khiến cái sạp gỗ gẫy vụn, nhất loạt đưa tay xỉa xói cái số giầu của cụ Tổng Đa. Người ta nghe không ra, không biết rằng con người già nua gần cõi cuối cùng kia, chỉ còn biết hoang tưởng nhận lấy mọi điều từ cái “Số giời” để an ủi mình, bèn nhăm nhăm hiểu rằng kẻ bóc lột mình lại không thấy tội, đổ cho trời, cho số... Cụ Tổng Đa kể rằng, ngày xưa cụ kỵ cũng nghèo lắm, chỉ sống bằng con đò ngang, rồi con đò dọc, kiếm sống dọc bến sông Lam. Trong cả mấy người con thì chỉ có cụ là người ham học, chăm làm, làm được nhiều việc nên được đặt tên chữ Hán là Đa, cuối cùng được trao cho cả gia tài một đời làm lụng của ông cha. Đấy cái số là như vậy, chẳng biết từ đâu nó rơi vào mình. Ngẫm nghĩ cái sự giầu nghèo theo tháng năm thì thấy cái lời cuối cùng của cụ Tổng Đa cũng đúng lám. Cùng học hành, lam làm, tùng tiệm, có người gặp số may thì một đẻ mười, mười đẻ trăm... Cứ thế mà cấp số lên. Không gặp số may thì chỉ tay làm hàm nhai, kiếm đủ cơm ăn manh áo mặc. Không số là gì. Tôi biết chữ Đa ở đây theo nghĩa đẹp, tức là làm được nhiều việc, hiểu biết nhiều... Chứ không phải như những người đấu tố một thời xỉa xói là “đa mưu” để bóc lột. Ngay một cái tên người nhiều khi cũng đã đầy sự oan khuất.
Từ buổi đầu theo cha đến đất Đan Trường dạy học, gặp cái ô đỏ ra tận cổng, đấy là cụ Tổng Đa. Cụ Tổng Đa nổi tiếng làm ăn chỉn chu, cũng hai sương một nắng, đêm năm canh xem trăng xem sao, cái đầu luôn nghĩ về đất, về câu, về con gia súc... để làm lụng cho có hiệu quả. ở các làng quê từ xưa luôn có những người như vậy. Họ như cuốn tự điển sống về đất đai, thổ nhưỡng, thời vụ nơi ấy. Cả một kho kinh nghiệm sản xuất, lao tâm lao lực, chứ đâu phải ngồi mát ăn bát vàng. Khám nhà cụ Tổng Đa, người ta tìm thấy những cuốn sách ghi bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm kinh nghiệm trồng khoai lang, trồng đậu, trồng lạc trên vùng đất cát trắng. Những mẩu giấy nho nhỏ, chằng chịt chữ và con số, chứng tỏ người viết lao tâm khổ trí, ghi từng vụ từng việc, trong những đêm khuya, bên bàn đèn, trên bờ ruộng... Cái kho kinh nghiệm làm ăn như cụ Tổng đa mà bị diệt đi, thì là cả một sự oan khuất thấu trời chứ còn gì?
Có thể tôi là “thằng điên”, viết ra những điều không nên viết. Nhưng những nỗi oan như thế đọng lại nhức nhối trong thời gian... nếu không được giải? Đây thuộc loại chuyện giữa thằng điên và những nỗi oan.
Tôi đem câu chuyện tuổi thơ về cụ Tổng Đa lên chùa, hỏi một Cao Tăng, muốn nói nhiều với nhà sư về sự oan khuất và nỗi mong được giải. Cao Tăng liền chắp hai tay trước ngực:
- Mô Phật, chuyện ông hỏi, nhà chùa không biết...
Mô Phật! Mô Phật!...
Cát Nóng Cát Nóng - Sưu Tầm