Số lần đọc/download: 587 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
M
uốn phát triển, phải cần kiệm, đó là quy luật của muôn đời. Nhìn ra thế giới, gã nhận thấy thiên hạ đã sống với qui luật này một cách rất y là nghiêm ngặt và chặt chẽ.
Thực vậy, ở bên Mỹ, trong các trường tiểu học, người ta đã dạy cho con nít biết:
- Muốn có một đồng thì phải bắt đầu từ một xu, còn muốn có một triệu thì phải bắt đầu từ một đồng.
Thảo nào mà nước Mỹ luôn đứng đầu sổ trong lãnh vực phát triển kinh tế.
Ở bên Nhật cũng vậy. Trong các gia đình, người ta luôn nhắc nhở con cái sống theo phương châm:
- Mua gì ăn nấy.
Đồng thời:
- Ăn đâu hết nấy.
Chứ không để thừa mứa, cho heo và cho chó vét cù, hay xơi tới xơi lui mà vẫn cứ còn tồn…kho.
Người ta chẳng bao giờ chiều theo ý thích của con nít, đòi gì được nấy, vì đó chỉ là một cách thương hại, nghĩa là thương trẻ, nhưng lại làm hại trẻ nhiều hơn.
Thảo nào mà dân Phù tang, con cháu Thiên hoàng, đã trở thành một cường quốc giàu mạnh nhất tại Á châu, làm cho nhiều nước phương Tây cứ đứng nhìn mà phát…thèm.
Ở bên Israel cũng rứa. Vào các nhà hàng, khách sạn, người ta không thấy đồ ăn thức uống để dư. Ngay tại các bến xe, bến tàu đều có những khẩu hiệu đại khái:
- Hãy tiết kiệm điện. Hãy tiết kiệm nước…
Còn tại các công sở và xí nghiệp, để trừ khử thói lề mề, người ta trừ phắt vào lương cho những ai đến làm việc chậm trễ.
Thảo nào mà dân Do thái, mới lục đục kéo nhau về lập quốc từ năm 1945, sau thế giới đại chiến lần thứ hai, thế mà ngày nay đất nước này đã trở nên giàu có và phát triển, thậm chí thu nhập bình quân đầu người lên tới 17.000 mỹ kim một năm, khiến những người Việt Nam, khố rách áo ôm như gã, sông trên quê hương yêu dấu và thân thương này, có nằm mơ cũng chẳng thấy được như vậy.
Đã nói chuyện bên Tây, thì cũng phải nói chuyện bên Tàu, một anh hàng xóm khổng lồ nằm sát cạnh chúng ta.
Hoàn cảnh kinh tế không khá hơn chúng ta bao nhiêu. Thế nhưng, trong những năm tháng gần đây, đã vươn mình để trở thành giàu mạnh. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường, dù không bền lắm, nhưng được cái giá rẻ bèo, hợp với túi tiền của bàn dân thiên hạ.
Tại đây, người ta đang ra sức tiết kiệm, chống lãng phí và tham nhũng.
Tác giả Nguyễn Văn Hùng, trong một chuyến đi công tác, đã “mục kích sở thị” thái độ và những việc làm tiết kiệm của người Tàu, đã kể lại như sau:
“Trong thời gian làm việc tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, chúng tôi được ông Trương Sinh, tổng giám đốc một công ty lớn của tỉnh này, hai lần mời cơm tại nhà hàng. Tôi đặc biệt để ý đến những cử chỉ khá là lạ của vị chủ nhà.
“Đó là sau mỗi bữa tiệc, ông tổng giám đốc này đều trút toàn bộ thức ăn thừa vào các bao ny lông để mang về trước những con mắt ngỡ ngàng của quý khách. Nhận thấy những ánh nắt khang khác ấy, ông Sinh vui vẻ giải thích:
- Cũng như Việt Nam,Trung Quốc còn nghèo, nên đặc biệt coi trọng yêu cầu tiết kiệm, ngay từ việc nhỏ nhất. Ở Trung Quốc, tiết kiệm thực sự là quốc sách.
“Đất nước Trung Quốc rộng lớn nên xây dựng và phát triển được là nhờ biết tiết kiệm, và tôi để ý thấy trong cái nhà hàng sang trọng này, chẳng riêng gì ông Sinh, mà còn có rất nhiều thực khách cũng làm như thế…”
Thấy người mà nhớ tới ta. Nhìn người mà gẫm đến thân. Té ra quí vị Tây Tàu Nhật trên đây cũng chả làm được điều gì mới mẻ và khác lạ với những điều cha ông chúng ta đã từng dạy bảo.
Thực vậy, từ ngàn xưa cần kiệm vốn là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, bởi vì các cụ ta đã phán:
- Tiểu phú do cần, đại phú do mưu. Có nghĩa là giàu nhỏ thì phải cần kiệm, còn giàu lớn thì phải mưu trí.
Đồng thời, các cụ ta còn căn dặn con cháu:
- Được mùa chớ phụ ngô khoai,
Đến khi thất bát, lấy ai bạn cùng.
Ngoài ra, các cụ luôn chú trọng và hô hào mọi người:
- Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn. Có nghĩa là hãy tích lũy lúa thóc phòng khi đói kém, hãy tích lũy áo quần phòng khi lạnh giá.
Viết đến câu này, gã bỗng nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên về nàng ve và chị kiến, đã được Nguyễn Văn Vĩnh dịch thành thơ, mà gã chỉ còn nhớ lõm bõ, đại khái như thế này:
- Ve sầu kê ve ve.
Ca hát suốt mùa hè,
Đến khi gió bấc thổi,
Nguồn cơn thật bối rối.
Đang khi đó, chị kiến cần cù tích lũy lương thực trong kho, nên chẳng sợ gì mưa to và gió lớn.
Thế nhưng, ngày nay lớp hậu sinh chúng ta, thay vì khả úy, thì nhiều lúc lại khả ố, nghĩa là đáng lẽ lớp đàn em đến sau phải tốt hơn thì lại xấu hơn lớp đàn anh đi trước.
Sở dĩ như vậy vì nhiều người trong chúng ta đang sống theo khẩu hiệu:
- Bóc ngắn cắn dài.
Chúng ta làm ra được một đồng nhưng lại tiêu xài những hai đồng, nên công nợ cứ chồng chất và liên tục phát triển, khiến chúng ta không tài nào ngóc đầu lên nổi.
Chúng ta thích chơi trội theo kiểu:
- Vung tay quá trán.
Hay:
- Con nhà lính, tính nhà quan.
Chúng ta đã xài thì phải xài cho sộp, xài cho xịn, xài cho sang. Mà sộp xịn sang chính là con đường ngắn nhất để rơi tõm vào cảnh lãng phí.
Và lãng phí cũng chính là con đường ngắn nhất làm nghèo gia đình và đất nước.
Dĩ nhiên ở đây, gã không hề cổ võ cho tính hà tiện keo kiệt, theo kiểu:
-Vắt cù chày ra nước.
Hay:
- Đãi cứt sáo lấy hạt đa.
Bởi vì từ lâu lắm rồi, gã vẫn nhớ lời khuyên chí lý của một bậc đáng kính:
- Con ơi, đối với những chuyện cần thiết và hữu ích thì tiền vạn, tiền triệu con cũng đừng tiếc xót. Còn đối với với những chuyện lãng phí, thì một đồng một cắc cũng không, con nhé.
Trên báo “Tuổi trẻ Chủ nhật”, tác giả Phạm Đình Nghiệp đã đưa ra một vài trường hợp lãng phí điển hình.
Trước hết, đó là việc lãng phí sức người, được thể hiện dưới nhiều dạng vẻ khác nhau: thất nghiệp, lao động trái ngành, chéo nghề được đào tạo, sử dụng nhân lực bất hợp lý, nhân tài không được trọng dụng, chảy máu chất xám…
Tiếp đến là việc lãng phí tài sản, tiền bạc của dân và của nước. Người ta sẵn sàng tiêu phí hàng chục triệu đồng “của chùa” cho một đêm liên hoan gặp gỡ hay chia tay nào đó.
Việt Nam chúng ta là một đất nước có thu nhập quốc dân tính theo đầu người vào loại thấp nhất, nhưng đã “hội tụ” được đủ mặt các loại bia ngon nhất.
Trong nhiều cuộc “bù khú” nhậu nhẹt, người ta thi nhau không phải uống bia, mà là “gội bia”, “tắm bia” với hàng chục, thậm chí hàng trăm lít.
Chắc chắn lúc đó ít ai nghĩ đến một điều sơ đẳng sau đây:
- Mỗi lon bia bình quân trị giá 5 ký thóc. Ấy thế mà người nông dân “một nắng hai sương “ ở đồng bằng sông Hồng, giỏi lắm một ngày cũng chỉ làm ra được số thóc tương đương trị giá của một lon bia!
Hằng ngày chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh lãng phí tiền bạc, làm nghèo cho dân cho nước. Cơ quan nào, xí nghiệp nào cũng cố xây cho mình những cơ sở bề thế và lộng lẫy.
Hễ có chức một tí là vội sắm cho mình những chiếc xe đời mới đất tiền, trang bị cho mình điện thoại di động, đúng với “mô đen” thời thượng mà nghênh ngang với đời.
Mới đây, trên báo “Tuổi trẻ cười”, có một bài mang tựa đề “hình như là lãng phí”, tác giả đưa ra một sự kiện…rất bình thường nhưng lại rất xót xa. Đó là bộ giáo dục năm nào cũng đổi mới, năm nào cũng cải cách, nên năm nào số sách giáo khoa mới in ra cũng được tha hồ đem bán ký.
Tác giả viết:
“Ai ngờ đâu, tôi bỗng trở thành người thu gom giấy phế liệu để kiếm sống và đến nay tôi đã cân cả tấn sách giáo khoa còn thơm mùi giấy mới. Ở đủ mọi lớp, thuộc đủ loại môn học.
“Vốn dòng họ “tiếc”, mỗi khi gặp loại sách mới này (mà gặp hoài), tôi đều lấy mẫu về cho con tôi, nhưng chúng lại bảo:
- Không phải loại sách của trường con.
(Dù đúng cấp, đúng lớp của chúng). Nhìn lại bìa thì thấy là của bộ Giáo dục và năm xuất bản mới cách đó một hai năm mà thôi!!!
“Tôi nhớ ngày xưa, khi anh tôi vào lớp 12, tôi vẫn xài sách lớp 7 của ảnh để lại. Và khi tôi lên lớp 12, tôi vẫn xài sách ảnh đã xài mà không có trở ngại gì và vẫn “anh dũng” thi đậu, cha mẹ vui mừng khỏe re…Ôi sao mà dễ dàng tiện lợi và đỡ tốn kém quá cho cho mẹ và lớp học sinh thập niên 60, 70.
“Tôi đã qua cảnh ba ngày ròng đi tìm một cuốn sách học cho đứa cháu mới lớp 4. Nhiều lần nhịn ăn nhịn uống để dành tiền mua sách học cho con và bây giờ đứng trước hằng trăm ký sách giáo khoa chưa có tay người lật mà đành cân ký làm giấy gói đồ, hỏi sao không xót cho học sinh, phụ huynh đất nước?
“Tôi cũng rất ngạc nhiên phát hiện ra chỉ một môn học ở lớp 3, lớp 4 mà có đến ba, bốn thứ sách. Nào là quyển bài giải, bài mẫu … rồi quyển cho giáo viên … tất cả còn mới nguyên mà đem cân ký, không biết vì lý do gì và có lãng phí không?
“Năm nào đọc báo cũng thấy bộ giáo dục than thiếu tiền, thiếu giấy in, thiếu sách cho học sinh đến độ có những cuộc phỏng vấn tùm lum về vấn đề này. Ấy thế mà năm nào tôi cũng có dịp cân hết trăm ký lô này đến trăm ký lô khác sách giáo khoa … lòng tôi không khỏi cảm thấy bùi ngùi”.
Trên đây là những chuyện lãng phí của quí vị có chức, tai to mặt lớn. Còn trong phạm vi cá nhân, gã cũng nghiệm ra còn có nhiều loại lãng phí khác nữa, mà chính bản thân gã cũng đã từng mắc phải. Gã chỉ xin đưa ra một thí dụ điển hình mà thôi, đó là lãng phí thời gian.
Người Tây thì bảo:
- Le temps, c’ est l’argent. Thời giờ là tiền bạc.
Còn người Tàu thì nói:
- Nhất thốn quang âm nhất thốn kim. Một tấc thời gian là một tấc vàng.
Thế nhưng, lắm lúc người ta đã không ý thức được sự quý giá của thời gian nên đã lãng phí nó một cách lãng xẹt.
Nơi gã đang cắm dùi là một thị trấn chỉ nhỏ bằng chiếc móng tay, thế mà có đến mấy chục quán cà phê. Đường nào cũng có, góc phố nào cũng có. Bất kể sáng, trưa, chiều và tối, hễ đặt chân ra đường hay xuống phố, đều thấy quí vị thanh niên ngồi thiền ở trong những quán ấy.
Đáng lẽ ra:
- Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên.
Thế nhưng, quí vị này lại chẳng biết làm gì cả, ngoài việc giết thời giờ trong quán, nhấm nháp vị đắng cà phê và đốt những điếu thuốc, lim dim thả hồn theo khói, ra dáng siêu nhân hay người cõi trên chi đó.
Tiếp đến là quán nhậu. Mỗi bữa nhậu kéo dài hai ba tiếng đồng hồ, quả là lãng phí.
Hồi xưa thấy một kẻ say xỉn ngoài đường phố quả là chuyện họa hiếm, còn hôm nay lại là chuyện thường ngày ở huyện.
Gã có một người bạn. Tên người bạn ấy là Văn. Vì có tí tuổi, nên gã thường gọi người bạn ấy là ‘’cụ Văn’’.
Cụ Văn của gã là người rất năng nổ, rất bận rộn. Công việc hàng trăm thứ bà giằng đè xuống trên đôi vai ọp ẹp của cụ ấy, đến nỗi có lần cụ ấy đã phải tâm sự ‘’mí’’ gã:
- Giá như Đức Chúa Trời cho phép mình đi xin thời giờ của những kẻ nhàn rỗi, cất vào tủ lạnh để rồi lúc nào cần thì lôi ra xài chơi. Nhưng Đức Chúa Trời cũng công bằng vô cùng, mỗi ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ, muốn kéo dài thêm cũng chẳng được.
Trước nỗi "bức xúc" của cụ ấy, gã chỉ biết cười ruồi mà an ủi:
- Ôi dào, đã ăn cơm Chúa thì phải múa tối ngày là cái chắc và việc nhà Đức Chúa Trời thì có bao giờ mà thiếu. Nhưng Đức Chúa Trời lại rất lòng lành. Ngài đâu có đòi chúng ta phải làm ông ba bị, sáu tay mười hai con mắt để ôm mọi thứ vào mình. Thôi mờ, "thư giãn" đi một tí cho đời còn thấy màu hồng.
Chả biết lời phát biểu của gã có bị kết án là lãng phí thời gian hay không và nhất là có xúc phạm đến nhiệt tình hăng say của cụ ấy hay không thì để gã hỏi lại cụ ấy cái đã. Vậy xin hạ hồi phân giải.
Riêng bản thân thì một ngày gã đã tiêu xài biết bao nhiêu phút giây cho việc ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí… Còn thời giờ làm việc một cách nghiêm văn chỉnh thì chỉ được tẻo tẹo mà thôi. Không hiểu mai này khi tính sổ cuộc đời với Đức Chúa Trời thì sẽ phải nói sao đây?
Ai có kế gì hay thì làm ơn làm phước ‘’méc’’ giùm cho gã biết với nhé. Bảo đảm sẽ hậu tạ.
Còn bây giờ, gã sẽ đưa ra bản thống kê rất khoa học của một kẻ thích đùa tại Đại học Tổng hợp Milan để tất cả cùng cười… mí nhau.
Bản thống kê về các thành phần dân số nước Ý, trong đó có một kết luận rất độc đáo về số người thực sự lao động ở nước này. Dưới đây là nguyên văn bản thống kê:
Tổng số dân trên toàn nước Ý là 52.000.000 người.
Trừ đi số người trên 65 tuổi là 11.750.000 người, còn lại số người có thể lao động là 40.250.000 người.
Trừ đi số người dưới 18 tuổi là 14.120.000 người, còn lại số người có thể lao động là 26.130.000 người.
Trừ đi số phụ nữ không đi làm là 17.315.000 người, còn lại số người có thể lao động là 8.815.000 người.
Trừ đi số sinh viên phải nuôi học là 275.000 người, còn lại số người có thể lao động là 8.540.000 người.
Trừ đi số người làm ở các cơ quan không sản xuất là 3.830.000 người, còn lại số người có thể sản xuất là: 4.710.000 người.
Trừ đi số người thất nghiệp, cùng với số người hoạt động đảng phái chính trị là1.380.000 người, còn lại số người có thể lao động là 3.330.000 người.
Trừ đi số quân nhân tại ngũ là 780.000 người, còn lại số người có thể lao động là 2.550.000 người.
Trừ đi số người đau ốm, tâm thần, lưu manh, chào hàng, vô công rồi nghề là 1.310.000 người, còn lại số người có thể lao động là 1.240.000 người.
Trừ đi số người mù chữ, nghệ sĩ, tòa án… là 880.000 người, còn lại số người có thể lao động là 360.000 người.
Trừ đi số tu sĩ, triết gia, thầy bói là 240.000 người.
Trừ đi số nghệ sĩ, tù nhân là 119.000 người.
Vậy số người thực sự lao động còn lại tại nước Ý là 1 người.
Khẩu phục tâm phục, gã xin chào thua và tôn tác giả bản thống kê này lên hàng sư phụ.
Còn bạn, bạn nghĩ sao? Liệu có lãng phí lắm không?