Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.

Bertolt Brecht

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Kim Đồng
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1315 / 8
Cập nhật: 2015-05-25 14:56:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ái gáo mù u
Bây giờ thì tấp nập lắm, không như ngày tôi mới dọn về. Ba năm trước đây là một con đường nhỏ, nhiều chùa, nhiều quán chay: cơm chay, hủ tiếu chay, bánh bao chay. Vào ngày mồng một, ngày rằm, xe cộ nườm nượp qua lại quán chay. Dù ở mặt tiền, đêm vẫn ngủ ngon giấc, chiều và gần sáng nghe tiếng chim ríu rít trên vòm lá. Suốt một đoạn đường dài không có một quán bia hơi. Vốn là người sống nơi nhộn nhịp giữa trung tâm thành phố, tôi thấy hơi buồn, buồn hơn là xa bạn bè. Nhưng ở đây tôi tìm lại được một niềm vui nhỏ, ở đây có cái chợ gọi là chợ Cây Xoài. Vùng quê tôi cũng có cái gọi là chợ Cái Xoài, cũng có người gọi là chợ Cả Xoài. "Cái" hay "Cả", chẳng biết tên nào đúng, nhưng "Xoài" thì rất đúng vì chợ nhóm bên gốc xoài, dưới bóng xoài trong một vườn xoài mênh mông. Tôi nghĩ, ở thành phố làm gì có cả một vườn xoài, nhưng chí ít cũng có một hàng xoài. Nhưng cái chợ Cây Xoài nầy không có một cây xoài nào cả. Hỏi một người già lâu năm ở đây, cụ bảo: "Tôi về đây hơn bốn mươi năm, biết mình về chợ Cây Xoài, nhưng không thấy cây xoài. Chắc có từ xa xưa." Đành biết vậy! Âấy cũng là chuyện thường tình. Thời buổi bây giờ, Sài Gòn có chợ Cây Quéo, không có cây quéo. Có chợ Cây Khế, cũng không có cây khế. Trên đường về Long An, nghe quán cháo lòng nổi tiếng - cháo lòng Cây Bàng. Tôi ghé ăn, không thấy cây bàng. Xưa nó có, nó bị đốn, chặt mất rồi, vì nó đẹp nên vẫn còn lưu luyến. Chợ Cây Xoài không nằm dưới bóng cây xoài mà nằm trong một con phố nhỏ. Hàng quán tràn ra hai bên đường, đủ thứ hàng ăn, hàng uống, rau cải thịt cá. Thật sầm uất, vào chợ, để tránh va chạm, thường phải đi nghiêng.
Vào đầu chợ là hàng ăn sáng. Như một cái chợ của một làng quê miền Tây được bốc lên từ mờ sáng. Một dãy hàng xôi: xôi trắng, xôi đậu phộng, xôi cẩm, xôi gấc, xôi vò, xôi bánh phồng. Bên này lề đường thì chè: chè đậu nước cốt dừa, chè trôi nước, bánh ít, bánh ú, lại có một bếp nhỏ đổ bánh khọt. Vừa túi tiền với người bình dân, hàng nào cũng đắt, mỗi thứ hàng người ta mua từ hai trăm, ba trăm, nhiều lắm là một ngàn, đủ bữa ăn sáng. Trong cái cảnh chen chúc ấy, nổi bật lên trước mắt tôi là nồi cháo đậu đỏ chiếm một diện tích bên lề đường chỉ trên dưới một mét vuông là nhiều. Một bên là nồi cháo đang bốc khói, một bên là cái rổ để tô chén, trước là cái mẹt để hủ muối mè, tô dưa mắm, hũ nước cốt dừa đặc quánh, một tô cá con kho tiêu, ngồi giữa là cô bán hàng. Cô bán hàng là nguời lam lũ khó đoán tuổi, tóc bới, áo bà ba, chắc chừng hơn ba mươi, người nhỏ mà tròn mập như hột mít.
Cái món cháo mà hồi còn đi học trường làng, tôi hay ăn trước khi tiếng trống nổi thùng thùng.
Ở cái tuổi tôi bây giờ, tìm món ăn sáng rất khó. Phở hay hủ tiếu từ năm ngàn, bảy ngàn một tô, không thể nào ăn hết, lần nào ăn cũng bỏ mứa, vừa phí vừa coi kỳ. Xôi hay bánh mì thì nuốt không trôi. Có hàng bánh cuốn dễ ăn, nhưng bột bánh không ngon, nước mắm thì ngọt lại để giá, không như bánh cuốn Hà Nội, không đúng khẩu vị. Cứ chọn đi chọn lại, lần khần rồi chỉ uống ly cà phê, nhịn đến cơm trưa. Tôi thấy mình già. Bỗng một hôm, anh bạn nhỏ tuổi cũng than với tôi là dạo này anh rất lười ăn sáng. Sáng sớm, nổ xe đi làm, anh chạy chầm chậm dài theo đường, chọn quán ăn, không thấy quán nào vừa ý, thấy cái quán bên kia đường có thể vừa miệng, nhưng ngại đâm qua đường. Rồi đến cơ quan, lại lười, uống một ấm trà, nhịn đến trưa. Như vậy không phải một mình mình khó ăn, tôi tự an ủi.
Thấy nồi cháo đậu, tôi mừng, bèn sà xuống cái ghế đẩu bằng nhựa xanh, kêu một chén năm trăm, ăn với muối mè, thật vừa miệng, dễ nuốt. Nhưng ngồi ăn tại chợ thật bất tiện, khi thì xe đạp, khi Hon-da, khi chân người cứ quẹt qua lưng khiến tôi cứ chồm lên phía trước. Được cái ở đây có bán mang về, người mua không cần phải mang tô chén, cháo được rót vào bịch nilông trắng, sợi dây thun buộc túm lại với bàn tay khéo léo của cô bán hàng.
Sáng nào tôi cũng mua một bịch năm trăm đồng. Vậy là tôi đã có món ăn sáng, ngày nầy qua ngày khác, không biết ngán. Một buổi sáng, tôi ra mua cháo, chợt nghe cô nói chuyện với mấy cô ngồi ăn cháo, trẻ có, sồn sồn có, không ngờ cô chửi thề nghe ngọt sớt:
-... Đ.má nó, lúc chưa cưới, mình muốn đi đâu thì nó vội vàng đem xe đến, đèo mình đi. Đi càng lâu, càng xa nó thích. Khi làm đám cưới rồi, hễ mình hở miệng muốn đi đâu thì nó biểu mình đi xích lô, đi xe ôm, Đ.má nó, đời là vậy!
Rồi cô ngửa mặt cười, người xung quanh cười theo. Cô chấp nhận cái nợ đời ấy thật hồn nhiên, không hờn, không giận, không tủi như chấp nhận cái thân phận của mình là cô bán cháo đậu. Mờ sáng tôi đã thấy cô từ một cái hẻm nhỏ bên kia đường, trên vai chiếc đòn gánh cong quằn, đầu trước là một rổ tô chén, đầu sau là nồi cháo. Vừa bé lại vừa thấp, hai cái đầu gánh cứ nhún nhẩy theo bước chân là dưới mặt đường. Chẳng biết nồi cháo lời được bao nhiêu mà nhọc nhằn quá. Tôi hỏi, cô không nói rõ số tiền mà nói đắp đổi qua ngày. Vào những ngày sắp tết, tôi thấy cô ngồi trong hàng cháo, đưa tay chỉ qua cô bán trái cây:
- Nè, để cho tao bốn thứ, cho tao cúng nghe chưa. Biết không? Mãng cầu, dừa, đu đủ với xoài.
- Sao lại cúng bốn thứ đó?
- Bác không biết sao? Mãng cầu là "Cầu", dừa "Vừa", đu đủ là "Đủ", xoài là "Xài". Cầu vừa đủ xài.
Nghèo và nhọc nhằn đến như vậy mà cũng cảm thấy không yên, phải cúng, phải vái sao cho vừa đủ xài. Tội quá!
Một buổi sáng, tôi đang ngồi ăn cháo thì một anh bạn đến bên tôi. Anh bạn tôi chưa đến bảy mươi nhưng đã vượt qua tuổi sáu mươi lăm, thiếu tướng về hưu, đang viết văn.
- Cậu ăn cái gì mà đỏ đỏ vậy?
- Cháo đậu đỏ.
- Có gì lạ đâu mà hai con mắt anh sáng lên.
- Nhà cậu nấu à?
- Không! Ơở chợ Cây Xoài.
Bất ngờ, giọng anh sôi nổi hẳn lên:
- Mầy làm tao nhớ hồi nhỏ quá. Có lúc tao thèm một tô cháo đậu đỏ nước dừa ăn với dưa mắm, nhưng chỗ tao ở không ai bán.
- Ông thiếu tướng với tôi là bạn cùng làng, anh học trên tôi một lớp.
- Mầy có nhớ dì bán cháo đậu cho tụi mình không?
- Nhớ!
- Mầy có nhớ cái thằng Còn, con ông chủ tiệm cầm đồ không?
- Nhớ! Nó cũng là thiếu tướng, nhưng là thiếu tướng của Thiệu.
- Mầy còn nhớ thằng Đảnh, con ông thợ mộc không?
- Nhớ! Nó là thiếu tướng Công an của mình, nó cũng vừa về hưu. Mấy thằng đó cũng như mầy với tao, bên này hay bên kia, lớn hay nhỏ đều ăn cháo đậu với nước cốt dừa. Tao với dì bán cháo có duyên lắm. Đừng có nghĩ bậy bạ. Năm đó, tao với mầy mới chín, mười tuổi, bả bằng má mình thì duyên cái gì? Duyên như vầy. Một hôm bả đón đường tao, bả bảo, nè cháu, cháu với dì có duyên lắm, cháu biết duyên gì không? Dạ thưa không! Hôm nào mà cháu mở hàng cho dì thì chớp một cái phải vét nồi. Bây giờ cháu cầm cho dì năm xu, sáng mai mở hàng cho dì, rồi mai dì lại đưa cho cháu năm xu, ngày nào cũng vậy. Cháu không muốn cầm tiền! Mai cháu mở hàng, dì đừng lấy tiền cũng được vậy! Âấy, ậy! Không phải như vậy. Hai chuyện khác nhau. Nếu cháu mở hàng mà dì không lấy tiền, coi như bán chịu, rồi cả nồi dì bán chịu hết. Cái duyên của tao với bà bán cháo là như vậy. Ăn cháo không mất tiền, tiền bà già cho, tao để dành, chiều ra tiệm chú Xồi ăn cháo quảy.
Từ chuyện cháo đậu, ông bạn thiếu tướng của tôi lại leo thêm chuyện khác.
- Hồi nhỏ tao qua chợ Cả Xoài, tao mua một gói xôi, tao thấy trong gói xôi của tao có cái nhân rất lạ, nho nhỏ màu hột gà. Tao bốc ăn thử, té ra là bông xoài. Bông xoài rụng xuống nắm xôi! Số là, buổi sáng hôm đó là buổi chợ nhằm mùa bông xoài. Tao thấy vui, ngơ ngác nhìn, thấy bông xoài rụng lên tóc mấy con nhỏ không đội khăn. Chỉ có như vậy mà suốt bao nhiêu năm đánh nhau, thỉnh thoảng lại nhớ bông xoài trên mái tóc của mấy con nhỏ...
Câu chuyện của ông bạn thiếu tướng không dừng ở lại đó, còn nữa, ghi thêm e lạc đề. Trước khi ra về, anh bắt tay tôi rất chặt và lắc mạnh bàn tay con nhà lính:
- Sẽ có một ngày nào đó, tao qua mầy thật sớm, hai đứa kéo nhau ra chợ ngồi ăn cháo đậu. Ăn để nhớ thời con nít. Mà, nè, cô bán cháo đậu của mầy múc nước cốt dừa bằng cái gì?
- Bằng cái vá i-nốc - Anh bạn như nhảy lên:
- Sao bằng vá i-nốc, phải bằng cái gáo mù u mới đúng - Biết anh có điều giống tôi, tôi chọc anh.
- Muôi hay gáo cũng vậy, miễn có nước cốt dừa cho anh thôi chứ.
- Biết vậy, nhưng không đúng kiểu.
- Thấy anh vẫn cay cú với gáo mù u, tôi kể:
Một hôm tôi chợt hỏi cô bán cháo:
- Sao cháu không múc nước cốt dừa bằng chiếc gáo mù u?
- Cô bán cháo ngước nhìn tôi cười:
- Mấy ông già bà già nào cũng hỏi như ba. Hỏi thiệt ba, ba là dân tập kết về?
- Sao cháu biết?
- Biết chớ. Người ở ngoải về, cái gì cũng chiếc, chiếc. Trong ta gọi cái áo, ở ngoải kêu chiếc áo, cái gáo thì kêu chiếc gáo. Ba thích, mai con đem ra, con múc nước cốt dừa bằng cái gáo mù u cho ba...
Y hẹn, sáng hôm sau, cô múc nước cốt dừa rưới vào chén cháo của tôi bằng cái gáo mù u, cái gáo mù u nhỏ tròn bằng đầu ngón chân cái, rất xinh, tôi có cảm giác chén cháo ngon hơn.
Anh bạn nhà văn thiếu tướng khoái, cười mà ngậm cả hai môi:
- Như vậy mới đúng! Rồi anh gật gù ra vẻ tâm đắc - Những cái đẹp nho nhỏ mà không biết giữ thì cái lớn sẽ mất!
Từ cái gáo mù u, chúng tôi lại nhớ cây mù u.
Làng tôi không có cả một vườn mù u, mà thường mọc rời rạc bên bờ sông, bờ rạch hoặc một đôi cây ăn trái. Cây mù u không đẹp, thân nhiều u, lá dài với một màu xanh đậm. Hoa vừa trắng vừa to, bốn lá dài trắng với bốn cánh hao trắng và nhiều tiểu nhụy vàng trên một tấm bì - toàn là loài hoa đẹp với tuổi thơ của tôi. Cái trái của nó, trái mù u, vỏ làm gáo, ruột đem đốt tán nhuyễn trộn dầu dừa xức ghẻ. Nhớ thời Nhật qua, không có dầu lửa, cây mù u bỗng trở nên quý - Không có dầu thắp đèn, trái mù u được xắt lát phơi khô, rồi xỏ xâu, đốt làm đèn - Và nhà tôi, cây cột là cây mù u, và chiếc ghe buôn hàng xóm, cột buồm cũng là cột mù u - Cái giá trị kinh tế của nó khiêm tốn, nên nó mọc ở những thẻo đất thừa. Tôi bỗng nghĩ đến cô bán cháo. Cô và nồi cháo của cô cũng chỉ chiếm một khoảnh đất nhỏ ở rìa chợ.
Anh bạn thiếu tướng của tôi hẹn đến ăn cháo đậu, nhưng không thấy tới.
Tôi trở lại cái tính lười ăn sáng. Cùng với sự biến mất của cô bán cháo, tôi phát hiện ra con phố thay đổi quá nhiều. Người ta đập, người ta xây, khách sạn mi-ni hết cái này đến cái khác mọc lên, cửa hàng, cửa tiệm, tấm quảng cáo nào cũng lộng lẫy, đêm - những bóng đèn li ti mọc lên từ bên này đường qua tận bên kia đường, chớp nháy như đom đóm trên cây bần. Con đường không quá hai cây số mà mọc lên có đến sáu cái nhà hàng máy lạnh.
Khi tôi thấy họ mở cửa hàng, tôi nghĩ, chắc là mấy lão điên, dân xứ nầy ai đủ tiền vô nhà hàng, lại là nhà hàng máy lạnh! Hóa ra họ chẳng điên chút nào. Họ rất thính. Khách chơi từ nơi xa cứ đổ về, như nước chảy về lỗ trũng. Khách chơi đi Hon-da đời mới, đi ô tô biển trắng, cả biển xanh.Tôi nghĩ lẩn thẩn, các nhà hàng đó có cạnh tranh gì với cháo đậu mà cô bỏ nghề.
Cô bán cháo biến đâu đến mức tôi không còn nhớ nữa. Khi tôi quên thì cô lại xuất hiện, cũng ngay chỗ cũ với một nồi cháo. Rất ngạc nhiên là cô nhỏ lại như còn có phân nửa, như một cô gái mười ba mười bốn.
Tôi mừng, và thấy tôi cô cũng mừng.
- Đi đâu mà lâu vậy cháu?
- Bác ngồi xuống đây, con nói cho bác nghe. Con bị đụng xe.
- Vậy sao?
- Nói cho rõ là xe đụng con. Sáng sớm, con gánh cháo. Con nghe sau lưng ù ù chạy tới. Nghe cái cảng, con té, đau điếng. Con không bị chảy máu, nhưng nồi cháo của con tung tóe ra đường, đỏ lờm như máu, thấy chóng mặt.
- Cái thằng đụng cháu nó có đền gì cho cháu không?
- Dạ không, nó rú ga chạy mất, con không kịp nhìn số xe của nó nữa. Vô bệnh viện, không ngờ bị gẫy xương. Từ đó đến nay là tám tháng, bao nhiêu là thuốc men.
- Hèn chi thấy cháu ốm.
Cô bán cháo cười:
- Mạnh rồi, nhưng hai chân còn yếu, không gánh nổi, bận đi con đi xe xích lô, bận về, nhẹ, con gánh.
- Một chuyến xích lô mất bao nhiêu?
- Dạ, năm ngàn.
Bịch cháo năm trăm lần này tôi thấy ít hơn một vài muỗng. Tôi không thắc mắc, coi như tôi và người ăn cháo như tôi, mỗi người góp một vài muỗng cháo tiền thuốc thang cho cô.Tôi mang bịch cháo về, lâu ngày mới được ăn, đang ngon miệng, bỗng bị nghẹn - Ăn cháo mà bị nghẹn - Tôi phát giận vì chợt nghĩ cái tay chạy ẩu, cô bán cháo nằm sõng xoài, nồi cháo đổ lênh láng trên mặt đường như máu.
Tôi mong anh chàng ẩu nào đó, hãy có một phút giây ân hận.
9/1996
Cái Gáo Mù U Cái Gáo Mù U - Nguyễn Quang Sáng