Never lend books, for no one ever returns them; the only books I have in my library are books that other folks have lent me.

Anatole France

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Huy
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Huỳnh Văn Lê
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2021-04-18 17:56:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ÁI CHẬU ĐỒNG
Đó là một cái chậu khá to, làm bằng đồng thau. Nếu lấy trấu mà đánh thì nó sáng rực lên như làm bằng vàng. Ông nội tôi đã đổi một sào ruộng để có được nó, và ông coi nó như đồ gia bảo. Khi nào có khách quí, ông bảo bà nội lấy ra, múc nước bể đổ vào đó, bê đặt lên đầu hè, mang khăn mặt bông sạch ra mời khách rửa mặt. Bố tôi tinh ý, nhìn thấy được cái niềm tự hào thầm kín của ông mỗi khi trịnh trọng mời khách rửa mặt.
Năm cải cách, ông suýt bỏ mạng vì cái chậu đó. Nguyên là có ông cách mạng đóng giả lái buôn nhiều lần đến tìm ông, được ông nuôi ăn và che giấu, đã từng được rửa mặt bằng cái chậu đó. Sau này ông đó lại là đội trưởng đội cải cách. Ông tôi bị lôi lên đấu tố vì nhà có tám sào ruộng và cái chậu bằng vàng. Năm đó tôi còn bé quá, cũng có mặt trong buổi sáng hôm đó, nhưng chỉ nhớ là ông nội khóc to như con bò kêu. May mà có người trong đôi xác nhận cái chậu làm bằng đồng thau chứ không phải vàng, ông mới được tha, nhưng cái chậu bị tịch thu, chia cho một ông bần cố nông làm chậu cho lợn ăn.
May mắn làm sao, sau này bố tôi lại lên làm chủ tịch xã, nên cái chậu tự nhiên lại về chủ cũ, và trở thành biểu tượng của người cán bộ cách mạng, đầy tớ của nhân dân. Bố tôi cố tình không lau chùi, đánh bóng để cái chậu xỉn đi. Khi nào có cán bộ cấp trên về ở nhà, ông mang cái chậu ra mời khách rửa mặt. Khách đi đâu cũng ca ngợi bố tôi làm chủ tịch xã mà cả nhà chỉ có mỗi cái chậu đồng là đồ kim khí, còn cái gì cũng bằng đất nung. Đến nỗi đoàn thanh niên, đội thiếu niên cũng kéo nhau đến nhà chiêm ngưỡng cái chậu đồng, coi như một bài học giáo dục về đạo đức cách mạng. Bố tôi cũng lấy thế làm vẻ vang lắm. Sau này bị mất chức chủ tịch, ông vẫn giữ nguyên nếp sống cần kiệm, lấy cái chậu đồng làm lời nhắc nhở mình không được xa rời đạo đức cách mạng. Ông lấy cái chậu đồng ra dạy chúng tôi phải sống cần kiệm, giản dị, không được tự phụ, kiêu căng. Ông bảo: "Cái chậu này nếu đánh bóng lên nó sẽ óng ánh như vàng. Nhưng để làm gì? Có phải cứ óng ánh là vàng đâu! Hãy quên đi cái vẻ hào nhoáng về ngoài, chỉ hết lòng phụng sự". Ông đưa tôi cái đũa bảo tôi gõ vào cái chậu. Một âm thanh trong veo, ngân nga vang lên. Ông bảo: "Nghe hay lắm, nhưng như thế không phải là phụng sự. Chỉ có đựng đầy nước vào đó nó mới thực sự có ích. Các con sau này cứ phải lấy việc dân, việc nước làm đầu. Tự đánh bóng mình, nói nhiều làm ít là không xứng đáng với truyền thống gia đình mình".
Sau này tôi đi học nước ngoài, ông hay viết thư động viên, rèn giũa tinh thần và đạo đức cách mạng cho tôi. Ông vẫn luôn lấy cái chậu đồng ra để phân tích, nghe rất chí lý.
Tôi ra trường về nước, công tác và lấy vợ, sống ở Hà nội, ông cũng hay lên thăm. Lần nào lên ông cũng tranh thủ ca bài ca cái chậu đồng. Mỗi lần như vậy vợ tôi lấy làm khổ sở lắm. Lũ trẻ thì dần dần cũng ngán, vì khi nghe ông nói, phải tắt ti vi đi. Rồi ông già yếu, không lên thăm con cháu được nữa. Tôi thì lo cho sức khỏe của ông, nhưng vợ tôi thì mừng vì thoát được mấy bài giáo huấn về cái chậu đồng. Mừng đến nỗi cô ấy không hề tiếc tiền mua quà mua thuốc gửi về cho bố chồng và dặn cụ không được đi xa. Môi trường Hà nội bây giờ bụi bặm, ô nhiễm lắm!
Rồi một hôm có ông bí thư đảng ủy xã ra Hà nội học tập gì đó được ông gửi gắm một sứ mệnh trọng đại. Đó là mang cho vợ chồng tôi cái chậu đồng và một lá thư. Khác với mọi khi, lần này cái chậu đồng được ông đánh trấu sáng bóng như gương, vàng chói. Còn lá thư thì có đoạn như sau: "Cả đời bố đã đi theo cách mạng, cả đời noi theo gương cần kiệm liêm chính của Bác Hồ, một lòng một dạ trung trinh với Đảng, với Tổ quốc. Có không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ nhưng bố đã vượt qua. Các con phải biết, làm được như vậy là nhờ có truyền thống gia đình, nhờ có sự dìu dắt của Đảng và sự giúo đỡ chí tình của bạn bè, đồng chí. Mỗi lần bố nhìn cái chậu này, bố lại nhớ ông nội đã nâng niu nó như thế nào, nhớ lại lần ông đã thoát nạn trong cải cách ruộng đất ra sao, và sau đó vẫn không một chút dao động, giữ vững niềm tin vào Đảng, vào Bác, vào tiền đồ tươi sáng của đất nước. Giao cho các con giữ cái chậu này là bố phó thác niềm tin vào các con, mong các con tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống của cha anh, giữ vững niềm tin đi trên con đường lớn mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra, đưa đất nước tới đài vinh quang. Đừng phụ niềm tin của bố!"
Tôi nhận cái chậu đồng và đọc lá thư, mắt rưng rưng lệ. Thương bố quá! Thế là bố đã chấp nhận tuổi già, chấp nhận số phận. Ngày bố ra đi chắc đã rất gần.
Vợ tôi gói ghém cái chậu đồng cẩn thận và cất lên gác lửng của căn phòng 7 mét vuông rưỡi mà cơ quan phân cho chúng tôi. Vài tháng sau thì bố tôi mất. Nhiều năm sau đó, chúng tôi gần như quên hẳn cái chậu.
Đầu năm 1990, chúng tôi vui mừng dọn về căn hộ mới 24 m2, mua lại của một chị cùng cơ quan. Cả hai vợ chồng bị mất lao động tiên tiến năm đó. Lý do là để có căn hộ đó, chị Hoa phải làm giả đổi nhà cho chúng tôi. Sau đó chị vào nam công tác trả lại căn nhà cấp bốn 7 mét rưỡi vuông đó cho cơ quan. Ông trưởng khoa của tôi đã lăm le căn hộ của chị tưng hửng. Tức giận đổ lên đầu tôi. Có căn nhà là tốt rồi, tôi cần chó gì cái danh hiệu hão huyền kia. Vợ chồng chú hai, và chú ba (lúc đó chưa có vợ) ra liên hoan ăn mừng và dọn nhà giúp vợ chồng tôi. Khi phát hiện ra cái chậu, vợ chồng chú hai đưa mắt cho nhau. Sau đó thì cô vợ nói một tràng, đại loại là chú ấy đang phấn đấu vào Đảng, chú ấy nhớ thương bố lắm, và quyết tâm noi gương bố... Vợ tôi nghe mãi, sốt ruột quá, bèn cười và hỏi: "Chắc cô chú muốn mang cái chậu về để hàng ngày nhìn vào đó để rèn luyện phải không?". Cả hai vợ chồng liền "Vâng, vâng" gần như cùng lúc. Vợ tôi vui vẻ mang cái chậu ra, phụ với chú hai buộc vào póc ba ga xe đạp để chú hai mang về.
Qua vài năm sau đó, trúng mấy lứa lợn, gia đình chú hai khấm khá lên. Chú ba thì cưới vợ người làng bên, chu chí làm ăn nên cũng không đến nỗi nào. Nhân có người mối lái, chú hai lên đường sang châu Phi làm thợ xây. Vốn liếng bỏ vào chuyện giấy tờ thủ tục tuy còn chưa gỡ lại được, nhưng nghe nói chú ấy được chủ cất lên làm đội trưởng, mỗi tháng gửi về cũng được 700 đô. Con cái ăn học đàng hoàng, nhà cửa sửa sang tươm tất.
Đúng dịp Tết năm 2012, chú hai về nước ăn Tết. Tôi vừa về quê chúc tết ra hôm trước, thì hôm sau nghe tin rụng rời. Ở quê hai chú em vác cuốc nện nhau, chú em bị thương nặng phải nhập viện. Tôi vào bệnh viện thăm hỏi mới biết sự tình. Thì ra chú ba nghe vợ xui, đến gặp anh chị xin cái chậu đồng, vì nghĩ rằng nhờ có cái chậu ấy mà gia đình anh chị trở nên khá giả. Bà chị thì không đời nào chịu buông món của gia bảo phúc tinh của gia đình mình nên hai bên to tiếng, sẵn có men rượu thành ra động chân động tay. Tôi lấy vai trò anh cả phân tích cho hai gia đình hiểu là ăn nên làm ra trước hết phải trông vào lao động, thức khuya dậy sớm chứ không phải chỉ trông vào cái chậu. Và cũng khuyên chú hai cứ giao cái chậu cho chú ba giữ, vì chú hai cũng đã giữ nó vài năm rồi.
Ngày chú ba ra viện cũng là ngày chú hai lên đường trở lại châu Phi. Cuối năm đó, vợ chú ba được đi Hàn quốc làm giúp việc. Cái chậu quả là thần kỳ. Nhà chú ba làm thêm cái chái, lát lại cái sân. Chú ba ở nhà nuôi cô con gái 9 tuổi, cần tiền thì gọi mẹ một cái là có tiền gửi về.
Hai năm sau thì cả hai chú em xây lại nhà. Hai cái nhà hai tầng mọc trội lên giữa cái xóm nghèo. Làng trên xóm dưới kháo nhau là anh em nhà ấy được lộc từ cái chậu đồng ông cụ để lại.
Nhưng than ôi! Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chú ba xây nhà xong thì đổ đốn, suốt ngày cờ bạc, gái gú. Tôi về lần nào cũng thấy chú ấy say. Bảo chú ấy phải tỉnh mà làm ăn, chú ấy bảo không cần, tiền có đủ rồi. Chỉ a lô là có tiền. Cần là cần một thằng con trai, cô ấy đi vắng nên phải chạy đi nhờ vả cô khác. Bẵng đi mấy tháng, thư không có, mà tiền cũng không. Gọi điện thì bị vợ mắng cho xối xả: "Đồ chó, ăn tàn phá hại. Tiền mồ hôi nước mắt của tao để mày uống rượu, chơi gái à?". Nghe người bên ấy về nói là cô ấy đã ăn ở với một người đàn ông Việt nam làm công nhân bên đó. Vậy là nhà, cửa có gì cứ theo nhau cắp nón ra đi. Đến cái chậu đồng cũng bị bán cho bà đồng nát lúc nào chẳng rõ. Tôi phải về khuyên giải chú ấy, cho chú ấy ít tiền làm vốn mở xưởng làm bánh đa.
Chưa hết, mới tháng 3 năm ngoái, thím hai chạy khắp làng vay tiền. Thằng con lớn ra nhà tôi khóc ồ ồ. Chú hai bị bọn cướp bắn chết, anh em bên đó quyên góp lấy tiền để đưa chú ấy về nhưng còn thiếu nhiều quá. Vợ tôi bán cái xe của thằng con lớn được hơn hai chục triệu đưa cả cho nó. Mẹ nó gom lại được bao nhiêu đổi ra tiền đô rồi mua vé máy bay sang đưa thi hài chồng về.
Ma chay cho chú hai xong, khoảng hai tuần sau, thím hai gọi điện cho tôi nói sáng ra có ai đang đêm mang cái chậu đồng để ngay trước cổng. Vợ tôi giành lấy điện thoại, bảo cô ấy chờ đến tối mang cái chậu ra sông mà thả, để nó trôi đi đâu thì đi.
Cái Chậu Đồng Cái Chậu Đồng - Lê Huy